Thứ Tư, 11 tháng 4, 2007

HOW CAN I CHOOSE A NAME?




BÁO ĐIỆN TỬ, BÁO MẠNG, BÁO MẠNG ĐIỆN TỬ, BÁO ONLINE, BÁO TRỰC TUYẾN… GỌI TÊN NÀO CHO ĐÚNG?

Cũng như truyền hình những năm qua có thêm hình thức truyền hình số mặt đất, truyền hình cáp, truyền hình số qua vệ tinh, các dạng thức mới của báo chí phát hành trên mạng vẫn đang liên tục xuất hiện ngày càng phong phú trong đời sống xã hội. Trong khi đó, ở Việt Nam hiện nay, một tên gọi chung loại hình báo chí này vẫn chưa thống nhất.

Phổ biến nhất hiện nay là tên gọi "báo điện tử", “trang thông tin điện tử”, “báo mạng điện tử” ([1]). Cách định danh này đã đi vào nhiều văn bản pháp quy của Nhà nước và đã gần như được thừa nhận trong thực tế. Thoạt đầu, đó là tên gọi những phiên bản trên mạng của các tờ báo in phát hành lại trên Internet, dần về sau, thuật ngữ báo điện tử trở thành tên gọi của một loại hình báo chí mới (trong tương quan với cách gọi báo phát thanh, báo truyền hình) ([2]). Bên cạnh đó, hiện còn xuất hiện những cách gọi khác như báo mạng (trong tương quan với cách gọi báo in, báo nói, báo hình…), ít phổ biến hơn, có cách gọi: “báo Internet”, “báo online” hay “báo trực tuyến” ([3])... Xin đưa ra vài ý để chúng ta cùng bàn thử về cái tên gọi này:

- Thuật ngữ “điện tử” không làm rõ đặc điểm của báo chí phát hành trên mạng như thuật ngữ “trực tuyến”. Theo định nghĩa của các từ điển tin học, khái niệm “trực tuyến” hiểu theo nghĩa phổ biến nhất dùng để chỉ trạng thái của một máy tính khi đã kết nối với mạng máy tính và sẵn sàng hoạt động ([4]). Người khai thác, sử dụng báo trực tuyến phải ở trong trạng thái “trực tuyến”. Hay nói một cách nôm na, chỉ có thể sử dụng báo trực tuyến với một thiết bị được kết nối với mạng Internet.

- Thuật ngữ “trực tuyến” vốn được sử dụng đầu tiên ở Mỹ, quê hương của Internet, và đã trở thành một thuật ngữ quốc tế.

- Thuật ngữ “trực tuyến” hiện cũng được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực truyền thông để chỉ các khái niệm có cùng đặc điểm như: “xuất bản trực tuyến” (online publishing); “phương tiện truyền thông trực tuyến” (online media); “nhà báo hoạt động trong lĩnh vực báo chí trực tuyến” (online journalist); “báo chí học trực tuyến” (online journalism); “Phát thanh trực tuyến” (online radio); “Truyền hình trực tuyến” (online television)...

- Khái niệm “điện tử” có ý nghĩa khác với khái niệm “trực tuyến”. Ví dụ thuật ngữ “electronic publishing” (xuất bản điện tử) ([5]) dùng để chỉ hình thức lưu trữ thông tin dưới nhiều chất liệu khác nhau như: băng từ, đĩa nhựa, đĩa CD, VCD, DVD... Trong khi đó, khái niệm “online publishing” (xuất bản trực tuyến) chỉ cách thức phát hành thông tin thông qua mạng Internet (thông tin được mã hóa dưới dạng số). Riêng ở Việt Nam, khái niệm “báo điện tử” một thời gian dài được sử dụng để chỉ phát thanh và truyền hình. Sử dụng lại khái niệm này cho một thực thể truyền thông mới có thể gây ra một số nhầm lẫn.

Một số vấn đề khác cũng đang được đặt ra lâu nay: Hiểu thế nào là báo trực tuyến? Những trang web của các ban, ngành, cơ quan, cá nhân vẫn cập nhật tin tức, vẫn có truyền hình – phát thanh trên mạng như một cơ quan báo chí có phải là báo trực tuyến? Sự khác nhau giữa “báo điện tử” và “trang thông tin điện tử” như thế nào?

Cách hiểu phổ biển hiện nay là một website của tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan v.v… được gọi là trang tin điện tử (như một cách Việt hóa chữ “website”), “báo điện tử” là website của cơ quan báo chí hoặc website có chức năng báo chí. Ví dụ: Báo Nhân dân điện tử, báo Tuổi trẻ online, Website Đảng Cộng sản Việt Nam v.v… Tuy nhiên, đây đó cũng còn một cách hiểu khác, thể hiện qua những phát biểu hoặc nội dung trên một số bài báo. Theo đó, chỉ có những báo trực tuyến độc lập với báo in (về mặt tổ chức, nhân sự, tài chính...), hoặc những tờ báo trực tuyến độc lập hoàn toàn (nghĩa là không có bản in tương ứng) như VnExpess, VietnamNet, VDC media mới được xem là báo điện tử. Bản phát hành trên mạng của một tờ báo in như laodong.com.vn; nhandan.com.vn... không phải là báo điện tử mà chỉ là trang tin điện tử của báo Lao động, báo Nhân dân.

Ngay cả cách đặt tên báo cho một số báo trực tuyến ra đời sau 2003 cũng có một sự thay đổi: Thanh niên online, Tiền Phong online… chứ không phải Thanh niên điện tử, Tiền Phong điện tử… Sự chưa thống nhất này bắt nguồn từ việc chưa xác định tiêu chuẩn thế nào là một báo trực tuyến.

Căn cứ Luật Báo chí và các quy định khác của Nhà nước về báo chí, dựa trên thực tiễn phát triển báo chí trên mạng ở Việt Nam, có thể tạm xác định một số tiêu chuẩn cho “tờ báo online” như sau:

1. Chủ thể của nội dung thông tin phải là các tổ chức được phép hoạt động như một cơ quan báo chí theo Luật báo chí hiện hành. Hay nói cách khác, yếu tố quan trọng đầu tiên là yếu tố pháp lý cho hoạt động báo chí của bản thân tổ chức đó. Khi một tổ chức được phép ra báo thì website của tổ chức đó được coi là một tờ báo trực tuyến, bất kể nó có bản in tương ứng hay không ([6]).

2. Báo trực tuyến phải có sự độc lập tương đối trên mạng Internet so với bản báo in, hoặc chương trình phát thanh – truyền hình của cùng cơ quan chủ quản, hoặc phải có ranh giới giữa thông tin của báo trực tuyến với thông tin của trang web mà nó cùng chung tên miền.

3. Nội dung thông tin phải được truyền bá tới đông đảo công chúng sử dụng Internet, nghĩa là bất kỳ ai sử dụng mạng Internet đều có thể truy cập.

4. Nội dung thông tin phải được cập nhật liên tục

Tóm lại, việc định danh chính xác cho một loại hình báo chí mới là việc làm cần thiết để có cách hiểu thống nhất, thuận lợi trong học thuật, nghiên cứu và trao đổi. Tuy nhiên, cách định danh còn bị chi phối bởi thói quen do quy luật ngôn ngữ (từ vựng, ngữ âm) và các quy ước xã hội khác. Điều quan trọng là phải hiểu đúng khái niệm. Trong khi chờ đợi sự chuẩn hóa chính thức của Nhà nước, chúng ta tạm thời có thể chấp nhận sự tồn tại song song của nhiều cách định danh ([7]).


([1]) Tên gọi báo mạng điện tử hiện đang được sử dụng tại Học viện Báo chí – Tuyên truyền. Theo thông tin chúng tôi có được, một cuốn giáo trình về loại hình báo chí này sắp được Học viện xuất bản mang tên “Nhập môn báo mạng điện tử”

([2]) Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay trong ngôn ngữ Trung Quốc, Internet được gọi là “võng thị”, báo chí Internet cũng được gọi “điện tử báo”. Có khả năng tên gọi báo chí Internet ở Việt Nam bị ảnh hưởng người Trung Quốc chăng?

([3]) Trên thế giới, loại hình báo chí này cũng có nhiều tên gọi khác nhau: “cyber newspaper”, “online newspaper”, “e-journal” (electronic journal); “e-zine” (electronic magazine)....

([4]) In general, something is said to be online if it is connected to some larger network or system (which is implicitly the "line", though this interpretation is often useless).

([5]) Electronic publishing includes the digital publication of ebooks and electronic articles, and the development of digital libraries. Electronic publishing has become common in scientific publishing where it has been argued that peer-reviewed paper scientific journals are in the process of being replaced by electronic publishing. Although network distribution is nowdays strongly associated with electronic publishing, there are many non network electronic publications such as Encyclopedias on CD and DVD, as well as technical and reference publications relied on by mobile users and others without reliable and high speed access to a network

([6]) Hiện tại, trên mạng Internet vẫn còn có sự xuất hiện của nhiều báo trực tuyến tiếng Việt không có giấy phép chính thức và máy chủ đặt tại nước ngoài, thu hút khá đông công chúng trẻ, trong đó, có một số báo trực tuyến của các nhóm văn bút, các tổ chức chính trị, tôn giáo nước ngoài như talawas.net ; tienve.org v.v…

([7]) Lâu nay trong đời sống báo chí Việt Nam vẫn có sự tồn tại song song của thuật ngữ phát thanh, báo radio và báo nói; truyền hình và báo hình.


Theo bạn, chúng ta nên thống nhất gọi loại hình báo chí phát hành trên mạng nên gọi là?




BÁO ĐIỆN TỬ

1


BÁO MẠNG ĐIỆN TỬ

0


BÁO TRỰC TUYẾN

7


BÁO MẠNG

1


BÁO ONLINE

0





Sign in to vote

Nhãn:

2 Nhận xét:

Anonymous NGƯỜI ĐỒNG NAI nói...

Ở Trung Quốc từ "trực tuyến" diễn đạt nghĩa tương tự như "trực tiếp" (live) ở Việt Nam. Cho nên cái chuyện báo online ở Việt Nam thành báo điện tử là theo sách của người anh lớn phương Bắc thôi!

lúc 22:07 10 tháng 4, 2007  
Anonymous Ngoc Oanh nói...

Từ "Điện tử" bị lạm dụng (dùng nhiều) ở Việt Nam. Còn nhớ, khi Đài Tiếng nói Việt Nam ra đời, người ta gọi đoa là tờ báo điện tử đầu tiên ở Việt nam (lịch sử phát triển của Đài TNVN còn ghi). Rồi đến khi Truyền hình ra đời. Cũng lại gọi là báo điện tử (nhiều nhầm lẫn...)Và bây giờ là báo "Mạng điện tử" như trên đã trích dẫn.
Theo tôi: Nên gọi là Báo Mạng (bỏ đi chữ điện tử). Bản thân thuật ngữ "Mạng" đã bao hàm đầy đủ trực tuyến, điện tử, online... Dùng Báo Mạng có vẻ thuần Việt. Nhưng nếu được phép lai căng một tí thì gọi là: Báo mạng In- te- net (Chữ In - te - net cũng phải được Việt hóa như kiều Báo Nhân Dân viết tên anh Bếch - căm vậy.
Sự phát triển của ngôn ngữ tiếng Việt theo thời gian và theo sự du nhập. Nhiều thuật ngữ tiếng Việt không có, khi du nhập, các thuật ngưc nước ngoài đã bị Việt hóa. Ta còn nhớ, ngày xưa người Việt gọi CacMac là ông Mã Khắc Tư, Naponeon là ông Nã Phá Luân...
Bây giờ, nếu muốn so sánh thì rất dễ: Các chương trình tiếng dân tộc trên VTV5 mặc dù phát bảng tiếng dân tọc nhưng nhiều thuật ngữ vẫn pgải dùng tiếng Phổ thông thuần Việt...
Xin phép được bỏ hai chữ Điện tử nhé. Ở Học viện Báo chí cũng chỉ một số người thôi...

lúc 04:27 12 tháng 4, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ