Thứ Hai, 30 tháng 3, 2009

MÓN ĂN HÂM LẠI

Một cách chắc chắn để xua đuổi bạn đọc trực tuyến là đưa cho họ những món ăn nguội hâm lại – các câu chuyện y hệt như nó đã được đăng tải trên báo in. Hàng trăm tờ báo online đang tiếp tục làm điều này – bê nguyên xi những bài viết trên báo in của họ đặt vào một phương tiện truyền thông hoàn toàn mới, một loại hình có những yêu cầu riêng của mình, những thế mạnh thậm chí cả những điểm yếu nữa. Nhiều độc giả trực tuyến từ chối những món ăn hâm lại đó, trừ phi họ quá đói thông tin.

Đoạn này được trích trong cuốn sách "Nhà báo hiện đại" (bản dịch của sách News Reporting and Writing của Missouri Group)

Tớ cũng hay tranh luận với nhiều người về việc nên hay không nên post nguyên xi bài báo in đã đăng trên báo giấy vào bản online của chính báo mình sau khi báo phát hành.

Ý kiến bảo vệ cho việc “nên để nguyên xi” cũng không phải là kém thuyết phục. Chẳng hạn: Một bài báo được in ra phải qua một quy trình mà có sự can thiệp của nhiều khâu, nhiều công đoạn để nó hoàn thiện. Làm thế nào một BTV trẻ của bộ phận online có thể xử lý bài này tốt hơn 1 Ban biên tập nhiều năm kinh nghiệm? Người đọc có thể tra cứu, phân loại, sắp xếp, tập hợp... các bài báo của một tờ báo nào đó nhờ nó được "lưu trữ" trên web một cách dễ dàng. V.v...

Còn cái đoạn lý thuyết của Tây trích ở phần đầu trong entry này thì nói về chuyện tác nghiệp, đưa tin. Mình đưa vào như một ý kiến tham khảo.

Các bạn cho ý kiến nào!

Nhãn:

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2009

CHUYỆN GÌ ĐÃ XẢY RA Ở HUẾ?

Trước khi sự kiện tế đàn Xã Tắc diễn ra vào đêm 24.3.09 ở Huế, báo chí cả nước đã đưa tin thông báo khá rầm rộ.

Nhưng ngay trong đêm đó, các báo online "hot" nhất trong làng báo trực tuyến Việt không nhắc gì đến sự kiện này. Sáng hôm sau, nhiều báo in có đưa tin nhưng đa phần là tin ngắn và chung chung. Tờ báo nổi tiếng thạo tin, Tuổi Trẻ, vẫn chỉ có dòng tít và bản tin thế này:

Huế: lễ tế Xã Tắc

Tối qua 24-3, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức lễ tế Xã Tắc tại đàn Xã Tắc, Thành nội Huế với sự tham dự của hàng nghìn du khách và người dân xứ Huế.

Theo điển chế của triều Nguyễn, lễ tế Xã Tắc thuộc bậc thứ ba của hàng đại tự (sau tế Nam Giao và tại các miếu trong Hoàng thành), mỗi năm tiến hành vào tháng 2 và tháng 8 âm lịch, do đích thân nhà vua đứng ra làm chủ lễ, nhằm cầu cho đất nước thái bình, dân tình sung túc, mùa màng tốt tươi...

tin te dan Xa Tac cua bao Tuoi tre by you.

Bức ảnh kèm theo bản tin cũng khá “nghiêm túc” với lời chú thích: “Nhà vua (sắm vai) đang hành lễ tế tại chính đàn Xã Tắc”

Trong số các báo đưa tin sự kiện này, có 2 website báo chí TW, đưa tin khác hẳn. Đây là tin từ báo Lao Động:

Tế đàn Xã Tắc trong mưa

Theo dự kiến, lễ tế đàn Xã Tắc do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trung tâm BTDTCĐ Huế tổ chức tối 24.3 diễn ra từ 19h15. tuy nhiên, trước giờ làm lễ, một cơn mưa lớn kéo dài, kèm theo sấm chớp, đã làm lễ tế phải hoãn lại hơn 1 giờ và sau đó diễn ra trong mưa.

Khác với tính chất lễ hội như trong Festival Huế 2008, lần này lễ tế được tổ chức trang trọng, bài bản với 3 phần: Lễ xuất cung và lễ tế tại đàn và lễ hồi cung. Lễ xuất cung, được bắt đầu từ Ngọ môn và kết thúc ở đàn Xã tắc ở phường Thuận Hoà, TP.Huế với một đoàn ngự đạo khoảng 500 người đầy đủ long đình, ngự liễn, ngự kỷ, các đội nhạc lễ cung đình, các loại cờ truyền thống, voi, ngựa...
Tế phục được trang bị đầy đủ trang phục theo như quy định dưới triều Nguyễn. Dọc đường, đoàn ngự đạo đi từ Ngọ môn đến đàn Xã tắc có 3 án thờ của người dân đặt ở các ngã ba đường Lê Huân, Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Trãi. Khi đám rước đi qua các hương án thì các bô lão đại diện cho người dân túc trực quỳ lạy...

tin te dan Xa Tac cua bao Lao dong by you.

Kèm với bản tin này, bức ảnh của báo Lao Động đưa cũng chỉ diễn đạt 1 khoảnh khắc nghi thức tôn nghiêm, không có thông tin "minh họa" thêm cho phần mào đầu hay cái tít của bản tin.

Tin hay nhất – theo tôi – là tin của báo Nhân Dân điện tử (không biết báo giấy có in tin này?). Bản tin này được đưa lên vào sáng hôm sau chứ không phải ngay trong đêm như báo Lao Động điện tử. Xin trích lại phần đầu bản tin:

TT-Huế: Tế Xã Tắc chậm hơn một giờ do mưa gió

NDĐT- Cơn mưa lớn bất ngờ, kèm theo gió và sấp chớm liên hồi đã làm lễ tế Xã Tắc, dự kiến diễn ra lúc 19h tối 24-3, buộc phải dời lại đến 20h cùng ngày. Tuy nhiên sau đó, mưa gió chỉ tạm ngưng trong chốc lát, và lễ tế đã diễn ra trong mưa.

tin te dan Xa Tac cua bao Nhan dan by you.

Điều tôi ấn tượng hơn là 2 bức ảnh được Nhân Dân điện tử chọn đăng kèm theo tin này rất độc đáo và chú thích ảnh cũng rất dữ dội: (1), Một cơn mưa lớn bất ngờ đã làm “tan rã” đoàn ngự đạo trước giờ xuất cung; (2), "Vua” và các “cận thần” làm lễ xuất cung trong mưa gió.

Sáng hôm qua, 26/03/2009, tôi lại bất ngờ khi đọc báo in và sau đó, bản online của báo Tuổi Trẻ, với tin này

Sét đánh hư hại cửa Quảng Đức (Huế)

TT (Thừa Thiên - Huế) - Một cơn mưa dông lớn kèm theo lốc, mưa đá bất ngờ xảy ra trong hơn một giờ vào tối 24-3 đã làm tốc mái một số nhà dân ở ba xã Bình Thành, Bình Điền và Hương Bình (huyện Hương Trà, Thừa Thiên - Huế), một cột ăngten truyền thanh bị gãy đổ, rất may không gây thiệt hại về người.

Đặc biệt, tại TP Huế sét đã đánh và làm hư hại cửa Quảng Đức - một trong 10 cửa chính của kinh thành Huế, được trùng tu cách nay hơn sáu năm. Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế - đơn vị quản lý công trình này - cho biết khoảng 1/3 mái ngói hoàng lưu ly phía tây của vọng lâu bị đánh vỡ hoặc làm sụt, một đầu đao phía trên nóc vọng lâu cửa bị đánh gãy. Đợt dông sét còn làm cháy toàn bộ hệ thống điện chiếu sáng xung quanh hồ trong cung An Định, hệ thống điện ở Khâm Văn (Đại nội).

Nguy hiểm hơn, dông sét đã đánh vào côngtơ chính hệ thống điện phủ nội vụ (Trường đại học Nghệ thuật Huế) rồi gây chập nổ và phát hỏa. Lực lượng bảo vệ di tích và Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có mặt khống chế được đám cháy.

tin set danh o Hue by you.

Cửa Quảng Đức cách đàn Xã Tắc chừng 1 km.

Vì sao sự kiện này xảy ra đêm 24.3 mà đến sáng 26.3 Tuổi Trẻ mới đưa tin? Vì sao khá nhiều tờ báo quá thận trọng khi đưa tin về “sự cố” trong lễ tế đàn Xã Tắc như vậy? Trong các bản tin không có một phát biểu nào của nhà tổ chức, du khách, nhân dân địa phương v.v… về sự kiện? Khi sét đánh và cắt điện đột ngột trên diện rộng ở Huế, phản ứng của người dân ra sao?

Trong khi các tờ báo vốn nổi tiếng thận trọng trong thông tin vẫn có cách xử lý tương đối tốt hồn cốt của sự kiện trên thì nhiều tờ báo uy tín khác lại tự ... biên tập mình! Chuyện gì đã xảy ra trong làng truyền thông vậy?

Sau khi quan sát với tư cách một bạn đọc về những sự kiện đêm 24.3 tại Huế và truyền thông, tôi có hàng loạt câu hỏi mà không biết tìm đâu ra người trả lời. Chắc các bạn cũng có ý nghĩ giống tôi?

Blog Page

Nhãn:

Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2009

Entry for EARTH HOUR - March 28, 2009




TẮT ĐÈN, BẬT...!

Nhãn:

NHIỀU VÀ ÍT




Hôm nay, mình được “lên” Tuổi Trẻ, trang 5 và chỗ này. Nội dung trả lời phỏng vấn của mình như đoạn sau đây nhưng chắc nó dài quá nên bị "gọt" bớt thành ra trúc trắc, chính mình đọc cũng thấy khó hiểu.

Với truyền hình cáp, nhà cung cấp dịch vụ có thể xây dựng nhiều nội dung để phục vụ từng đối tượng chuyên biệt. Gói dịch vụ phổ biến hiện nay gồm các kênh thông tấn, thể thao, phim truyện, âm nhạc, khám phá khoa học, sức khỏe, thông tin mua sắm, phim hoạt hình, thông tin thị trườngNgay cả từng lĩnh vực cụ thể, truyền hình cáp cũng đa dạng hóa nội dung kênh để phục vụ nhiều đối tượng hẹp hơn. Cùng với các kênh chia theo lĩnh vực, còn có các kênh chuyên biệt hướng đến các đối tượng thuộc lứa tuổi, giới tính, khu vực địa lý nhất định nào đó…

Đây là xu hướng phi - đại - chúng – hóa trong truyền hình hiện đại, tạo cho khán giả có nhiều cơ hội chọn lựa dân chủ hơn. Tuy nhiên, lâu nay ở Việt Nam, cách xây dựng kênh truyền hình chưa đi theo xu hướng này, phổ biến từ TW đến địa phương vẫn là các kênh quảng bá. VTV1, VTV3, HTV9, HTV7 v.v… vừa có thời sự, chuyên đề vừa có giải trí tổng hợp (ca nhạc, games, phim truyện…). Hầu hết các kênh truyền hình địa phương cũng là những kênh quảng bá, kênh tổng hợp, không hướng đối tượng.

Truyền hình số (mặt đất, vệ tinh) và cáp ra đời ở Việt Nam xuất phát từ nhu cầu phát triển công nghệ (dù đến nay vẫn chưa được định hướng tốt) chứ không phải từ nhu cầu phát triển nội dung của truyền hình với tư cách là một loại hình truyền thông. Và do những bài toán kinh tế - kỹ thuật nào đó, các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình thu phí ở Việt Nam thường chọn các giải pháp nén để có số kênh nhất định trong một băng thông. Có nhiều kênh thì thu hút được khách hàng nhưng việc đầu tư xây dựng nội dung, mua bản quyền cũng sẽ tốn kém. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ phải khai thác thêm các kênh sóng truyền hình địa phương (vốn có nhu cầu nối dài “cánh sóng”) và hàng chục kênh truyền hình quảng bá (vốn được bao cấp để phục vụ ở Việt Nam) trong gói kênh dịch vụ của mình. Chính vì thế, dịch vụ truyền hình trả phí hiện nay ở nước ta có số lượng kênh khá cao nhưng nội dung bị trùng lặp và số kênh chuyên biệt (do Việt Nam sản xuất) còn ít quá.

Chúng ta nói nhiều về xã hội hóa truyền hình nhưng giữa chủ trương hay và chính sách cụ thể nhằm thu hút các nhóm xã hội khác cùng tham gia đầu tư sản xuất chương trình truyền hình đến nay vẫn còn khoảng cách. Chẳng hạn, hiện chúng ta chưa có những chính sách ưu đãi thuế cho các công ty truyền thông tham gia xây dựng các kênh truyền hình chuyên biệt. Chúng ta cũng chưa có những quy định về tỷ lệ kênh mua bản quyền của nước ngoài và tỷ lệ kênh chuyên biệt do trong nước sản xuất trong một gói dịch vụ để các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình thu phí chú trọng việc phát triển sản xuất chương trình trong nước, nâng cao chất lượng truyền hình Việt và tránh sự trùng lặp và lãng phí như hiện nay.

Nhãn:

Thứ Ba, 24 tháng 3, 2009

Đuối lý




Hôm qua Ruốc thức khuya, mẹ giục đi ngủ để mai còn dậy sớm đi học.

Ruốc cứ cằn nhằn đòi mẹ phải qua giường kể chuyện và gãi lưng. Mẹ và ba thì đang cùng coi phim. Mẹ khích tướng: Con là con trai hay con gái? Dạ con trai. Con trai thì phải làm sao? Con trai thì phải dũng cảm. Cô Hạng (cô giáo Ruốc) dặn con trai ngoan thì phải làm sao? Con trai ngoan thì phải tự đi ngủ một mình...

Thế con là con trai ngoan hay hư? Con là con trai ngoan. Nhưng mà...

Ba la lên: Nhưng mà sao?

Ruốc mếu máo: Nhưng mà sao ba lớn rồi mà ba còn ngủ với mẹ?

Thứ Năm, 19 tháng 3, 2009

TA NGHE BÊN NỚ LAO ĐAO LÀ CHUYỆN LẠ




Báo Đất Việt mới đây có bài viết của tác giả Phạm Mai Duyên dẫn nguồn từ Times, CNN, Bloomberg... cho biết chuyện làng báo chí Mỹ đang lao đao vì cơn bão tài chính. Có mấy thông tin khá ấn tượng xin được trích lại:

+ Đến cuối tháng 2/2009, nước Mỹ có hàng chục nghìn nhà báo chuyên nghiệp bị mất việc, hoặc phải chuyển sang hình thức cộng tác viên, hưởng nhuận bút theo bài báo được đăng. Riêng ở 3 tờ báo và tạp chí lớn Time, Gannett và Viacom có gần 1.000 phóng viên, biên tập viên, nhân viên thất nghiệp. Có một số thành phố lớn không còn tờ báo in nào.

+ The Washington Post - một trong những tờ báo gạo cội, từng góp phần buộc Tổng thống Nixon phải từ chức sau loạt bài "Watergate" vào năm 1974 - giờ đây phải ngưng phát hành xuất bản phẩm chuyên về kinh doanh và đưa các thông tin về lĩnh vực này vào ấn phẩm chính.


+ Tờ San Francisco Chronicle giảm lượng phát hành từ 400.000 xuống còn 220.000 bản/ngày. Nhật báo The New York Times cũng đang ngập trong nợ nần. Do thua lỗ gần 13 triệu bảng, tờ Christian Science Monitor có mặt trên các sạp báo gần 100 năm nay sẽ tạm biệt bạn đọc thế giới vào tháng 4 này. Lâu đời như The Philadelphia Inquirer, ra mắt từ năm 1829 và là một trong ba tờ báo có tuổi đời lâu nhất nước Mỹ, nay cũng theo chân tờ Tribune đệ đơn lên tòa án xin phá sản. Tờ Hearst phát hành từ 530.000 bản/ngày đã giảm 33%. Tờ The Rocky Mountain News ở Denver đã kết thúc 149 năm có mặt ở làng báo Mỹ vào đầu tháng ba này vì nợ nần, mất đứt nguồn thu một triệu bảng/tháng.

+ Hàng chục nhật báo chính ở các bang Pennsylvania, Michigan, Ohio, Connecticut và New York giảm kỳ phát hành xuống còn 20 ngày/tháng. Ngưng ra báo ngày, Christian Science Monitor chuyển sang phát hành ấn phẩm tuần và tháng, đồng thời phát triển thông tin online để giảm chi phí.

***

Có vẻ như cơn bão tài chính này vô tình góp phần tạo cơ hội cho báo trực tuyến (online) phát triển và phát huy lợi thế “chi phí thấp”, giảm lượng lao động thuê mướn, giảm bớt số phòng ban, vừa có thêm thu nhập từ quảng cáo và sự hỗ trợ của các tập đoàn viễn thông. Sự phát triển của báo trực tuyến có thể vượt ngoài khả năng đoán định của các nhà phân tích vài năm trước đây. Quảng cáo trực tuyến xem ra giờ đây rất... lên ngôi.

Nhưng có điều chuyện này chỉ xảy ra ở Mỹ vì báo chí của họ hoạt động đúng trong cơ chế thị trường. Việt Nam chưa thấy có tờ báo nào đệ đơn xin... phá sản! Quảng cáo truyền hình, mà đặc biệt là truyền hình analog, vẫn còn chiếm ưu thế nhiều năm nữa, dù thị phần quảng cáo của online cũng đang nhích lên.

Nhãn:

Thứ Ba, 10 tháng 3, 2009

MAY

- Công nhận là người Việt có thần kinh thép.

+ Sao ông nói vậy?

- Mới đây, ông đại sứ Nhật Mitsuo Sakata nói rằng “Tôi bị sốc” trên Diễn đàn kinh tế Việt - Nhật tại Hà Nội, khi đưa ra thực tế mà ông trực tiếp khảo sát: Hiện ở Việt Nam chưa có bất kỳ nhà máy thủy tinh nào đạt chuẩn Nhật Bản, khiến nhà máy rượu của Nhật tại nước mình phải nhập… vỏ chai.

+ Cái đó thì có gì mà sốc, rất nhiều ngành sản xuất, VN chỉ tham gia vào công đoạn cuối là gia công mà thôi. Công nghiệp phụ trợ tại VN phát triển không tương xứng với đầu tư. Cho nên xuất nhiều nhưng nhập có khi còn… nhiều hơn là chuyện thường ngày mà!

- Đó, những con số kiểu như là ngành dệt may phụ thuộc đến hơn 70% , gỗ 80%, dược phẩm gần 100%... vào nguyên liệu nhập, rồi đến phân bón, thức ăn gia súc cũng phụ thuộc tuốt…, dân ta nghe hoài nhưng mà chả sốc siếc gì.

- Cũng may, ông đaị sứ không rành tiếng Việt hoặc không có thì giờ đọc báo mình thường xuyên, nếu không thì sẽ “sốc hàng ngày”. Sao mà chiụ nổi, ông hén?

Nhãn:

Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2009

ENTRY NHÂN MỘT NGÀY ĐẶC BIỆT

Cách nay đúng 10 năm, ngày 8.3 đối với mình là một ngày đặc biệt. Là vầy, mình và một người đàn bà (trong ảnh) cùng ký vào một bản hợp đồng …

10 nam truoc by you.

Mình vẫn còn giữ tấm thiệp này (vì in dư nhiều). Hồi đó, làm thiệp mời kiểu này cũng hơi bất thường.

thiep 2 by you.thiep cuoi hoi do by you.

Khi thực hiện nghi thức này, mình biết thế là... xong một đời trai

the la xong mot doi trai by you.

Còn chiếc nhẫn này bây giờ cạy thế nào nó cũng không ra

than oi thoi trai tre 2 by you.

Khóc như thế này không biết có phải do mừng quá chăng

khap nhu thieu nu vu quy nhat by you.

Thiên hạ thì vỗ tay chẳng biết vì lý do gì, họ nhà trai thì thào: Sao lại để tên cô dâu đè lên tên chú rể thế kia, mai mốt chắc con vợ nó đè đầu cưỡi cổ…

gio chang hieu thien ha vo tay vi cai gi by you.

Nhưng 10 năm rồi, không biết ai đè đầu cưỡi cổ ai, nhưng có một điều rất thật thời là trai trẻ của mình cũng đi qua...
than oi thoi trai tre by you.

Nhãn:

Thứ Năm, 5 tháng 3, 2009

REALITY TV

Vài năm gần đây, khái niệm truyền hình thực tế (reality TV) bắt đầu được nhập vào Việt Nam, được phổ biển trong đời sống truyền hình Việt, trên báo chí cùng với sự ra đời của một loạt chương trình trên các kênh “đại gia” như Phụ nữ thế kỷ 21, Ước mơ của tôi, Vui là chính, Ngôi nhà mơ ước, Vượt lên chính mình, Việt Nam Idol, Như chưa hề có cuộc chia ly... Phần lớn các show truyền hình thực tế như thế được “nhập” format từ nước ngoài. Cá biệt có một số chương trình là những sáng tạo “thuần Việt”.

Truyền hình thực tế giờ đây cũng góp phần thu hút khán giả khi những hình thức giải trí cũ không thể “vượt lên chính mình”, nhàm. Mặt khác, khi đời sống truyền thông ngày càng rộng mở và phong phú, khán giả bắt đầu chán các chương trình truyền hình "truyền thống" vốn đầy sự dàn dựng, sắp xếp theo phương thức studio. Sức thu hút của truyền hình thực tế trên thế giới lẫn Việt Nam đều giống nhau ở cái tâm lý tiếp nhận ấy.

Tất nhiên, ở mỗi nền văn hóa khác nhau, cách làm truyền hình thực tế cũng khác nhau.

Truyền hình thực tế trên thế giới có khá nhiều hình thức chương trình như "tư liệu" (documentary - style), "Thi thố" (Elimination), "Tìm nghề" (Job search), "Vượt lên chính mình" (Self-improvement/makeover), "Trò chuyện" (Talk show), "Quay lén" (Hidden cameras), "Chơi khăm" (Hoaxes)…

Có một chi tiết mà rất nhiều người nhầm khi viết về truyền hình thực tế. Đó là, xem truyền hình thực tế (reality TV) là một THỂ LOẠI truyền hình.

Thực ra, truyền hình thực tế là một PHƯƠNG THỨC sản xuất chương trình truyền hình chứ không phải là thể loại.

Trò chơi truyền hình, tọa đàm truyền hình, phỏng vấn truyền hình, phim tài liệu truyền hình, tin tức truyền hình, thậm chí phim truyện truyền hình… cũng có thể làm theo phương thức “reality TV”.

Truyền hình thực tế còn quá mới mẻ trong đời sống truyền hình nói riêng, đời sống truyền thông Việt nói chung. Vì thế, nó còn đang là mảnh đất chưa kịp khai phá của các nhà nghiên cứu, các nhà lý luận truyền hình. Các bạn nào có tài liệu gì về món này chia sẻ cho mình tham khảo với!

Blog Page

Nhãn:

Thứ Tư, 4 tháng 3, 2009

LÃI

Từ sáng đến giờ có 8 niềm vui, trừ đi 2 nỗi buồn (1. bị vợ la; 2. dò vé số không trúng) còn lại 6 cái. Mỗi ngày mình cố chọn 1 niềm vui nhưng đến giờ này được 6 cái là lãi to rồi.

Nhưng không biết từ giờ đến tối có phải bị trừ cái nào nữa không? Và có ai đem đến thêm niềm vui nào cho mình nữa không hè?

DSC07254 by you.

Đi cày cũng là cách tìm niềm vui…

Nhãn:

Thứ Ba, 3 tháng 3, 2009

QUÊN




Hôm qua game show “Rung chuông vàng” có một câu hỏi thú vị nhưng rất tiếc, đáp án câu hỏi này làm mình thất vọng.

Các bạn sẽ nói ngay, hơi đâu mà đi bắt giò ba cái câu hỏi thi đố trên truyền hình. Thực ra mình cũng nghĩ thế và entry này cũng không nhằm để phê một câu hỏi chưa chuẩn. Nhưng dù sao cũng phải kể lại 1 tí để có có mà entry…

Câu hỏi bắt đầu bằng một video clip vui: Một chàng trai Hà Nội xuống sân bay Nội Bài về lại thủ đô, “lang thang trên phố” và hát ca khúc “Em ơi, Hà Nội phố”, thủ pháp phóng đại được sử dụng trong nội dung video clip diễn đạt một số hình ảnh kém văn minh của Hà Nội thời mở cửa. Câu hỏi đặt ra cho thí sinh có nội dung đại khái, tác giả ca khúc này sẽ rất buồn trước những hình ảnh Hà Nội không giống với những gì ông viết trong lời ca. Hãy cho biết, ông là ai?

Và đáp án của Ban tổ chức là Phú Quang!

Thực ra, lời bài hát “Em ơi, Hà Nội phố” là lời thơ (phỏng thơ) Phan Vũ. Cho nên đáp án đúng trong trường hợp này phải là Phú Quang – Phan Vũ chứ không thể chỉ là Phú Quang.

Trong cuộc hôn nhân giữa âm nhạc và thơ trong ca khúc ấy, khó có thể định ra rạch ròi rằng nhà thơ hay nhạc sĩ ai là người đóng góp cho sự thành công của ca khúc nhiều hơn ai, ai đóng góp bao nhiêu phần trăm như cách tính nhuận bút của các nhà xuất bản, nhà đài…

Ở Việt Nam hiện nay, rất nhiều ca khúc phổ thơ khi biểu diễn, ca sĩ và các nhà tổ chức thường quên mất việc giới thiệu tên nhà thơ, người làm thơ.

Dẫu biết rằng trong thực tế sáng tác ca khúc và trong quy trình tiếp nhận âm nhạc từ ca khúc, giai điệu, tiết tấu mới chính là yếu tố tác động mạnh đến cảm xúc người thụ hưởng tác phẩm. Nhưng không ai phủ nhận vai trò của lời ca đã góp phần tạo nên liên tưởng thẩm mỹ cho hình tượng âm nhạc.

Thái độ trân trọng đối với người viết lời ca, người làm thơ, nhà thơ có tác phẩm phổ nhạc là một thái độ văn hóa. Hiện nay, không chỉ chuyện quên giới thiệu, khi in ấn ca khúc trong sách, báo, băng đĩa, khi đưa ca khúc lên mạng, nhiều người cũng quên mất tác giả thơ. Nhuận bút trả cho ca khúc nhiều nơi cũng quên mất người làm thơ.

………

HÀ NỘI - PHỐ
(trích)

Phan Vũ

Gửi những người Hà Nội đi xa...

Chương một

Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em mùi hoàng lan
Còn em hoa sữa.
Tiếng giày gọi đường khuya
Thang gác cọt kẹt thời gian
Thân gỗ...
Ta còn em màu xanh thật đêm
Ngôi sao lẻ
Xào xạc chùm cây gió
Chiếc lá lạc vào căn xép nhỏ
Lá thư quên địa chỉ.
Quay về...

2.

Ta còn em một gốc cây
Một cột đèn
Ai đó chờ ai?
Tóc cắt ngang
Xõa xõa bờ vai...
Ta còn em ngã ba nào?
Chiếc khăn quàng tím đỏ,
Khuôn mặt chưa quen
Bỗng xôn xao nỗi khổ!
Góc phố ấy mở đầu
Trang tình sử!...

3.

Ta còn em con đường vắng
Rì rào cơn lốc nhỏ
Gót chân ai qua mùa lá đổ?
Nhà thờ Cửa Bắc,
Chiều tan lễ,
Chuông nguyện còn mãi ngân nga...


Chương hai

6.
Ta còn em khúc tự tình ca
Đôi chim khuyên gọi nhau
Trong bụi cỏ
Đôi guốc bỏ quên bên ghế đá,
Tiếng ve ra rả mùa hè...
Còn em đường cũ Cổ Ngư
La đà,
Cành phượng vĩ.
Hoàng hôn xa đến tự bao giờ,
Nắng chiều phai trên sóng Tây Hồ.
Những bước chân tìm nhau
Rất vội,
Tiếng thì thầm sớm hôm buổi tối,
Cuộc tình hờ
Bỗng chốc
Nghiêm trang...


Chương ba

9.
Ta còn em đường lượn mái cong
Ngôi chùa cũ,
Tháng năm buồn lệch xô ngói âm dương
Ai đó ngồi bên gốc đại,
Chợt quên ai kia
Đứng đợi bên đường.


Chương bốn


10.
Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em đám mây in bóng rồng bay
Cổng đền Quan Thánh
Cờ đuôi nheo ngũ sắc
Còn em dãy bia đá
Nhân hình hội tụ
Rêu phong gìn giữ nét tài hoa...

(...)

Ta còn em tiếng trống tan trường
Áo thanh thiên điệp màu liễu rủ.
Đôi guốc cao mài mòn đại lộ,
Một ngả nào lưu dấu gót tài hoa.
Còn em mãi mãi dáng kiêu sa
Lặng lẽ theo em về phố...

11.

Ta còn em những ánh sao sa,
Tia hồi quang
Chớp chớp trên đường
Toa xe điện cuối ngày,
Áo bành tô cũ nát...
Lanh canh! Lanh canh!
Tiếng hàng ngày hay hồi âm
Thuở chiềng khua?...
Ta còn em ngọn đèn khuya
Vùng sáng nhỏ
Bà quán mải mê câu chuyện
Nàng Kiều
Rượu làng Vân lung linh men ngọt
Mắt cô nàng lúng liếng, đong đưa
Những chàng trai say suốt mùa...


Chương năm


13.
Ta còn em cánh cửa sắt
Lâu ngày không mở.
Nhà ai?
Qua đó.
Bâng khuâng nhớ tuổi học trò
Còn em giàn thiên lý chết khô,
Cỏ mọc hoang trong vườn nắng,
Còn em tiếng ghi-ta
Bập bùng
Tự sự
Châm lửa điếu thuốc cuối cùng
Xập xòa
Kỷ niệm.
Đêm Kinh Kỳ thuở ấy,
Xanh lơ...

17.

Ta còn em chiếc lá bàng đầu tiên
Nhuộm đỏ
Cô gái gặp nắng hanh.
Chợt hồng đôi má
Cơn mưa nào đi nhanh qua phố
Một chút xanh hơn
Trời Hà nội hôm qua...
Ta còn em cô hàng hoa
Gánh mùa thu
Qua cổng chợ
Những chùm hoa tím
Ngát
Mùa thu...


Chương sáu


18.
Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em một màu xanh thời gian
Chợt nhòe,
Chợt hiện
Chợt lung linh ngọn nến,
Chợt mong manh
Một dáng
Một hình

20.

Ta còn em một phút mê cuồng
Người nghệ sĩ lang thang hè phố
Bơ vơ
Không nhớ nổi con đường.
Ngay trước cổng nhà mẹ cha
Còn em một bóng chiều sa
Những câu thơ, những bức tranh
Đời đời
Lỡ dở...


Chương bảy


21.
Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em những giọt sương
Nhòa nhòa bóng điện
Mặt nước Hồ Gươm
Một đêm trở lạnh.
Cánh nhạn chao nghiêng
Chiều cuối,
Giã từ...

23.

Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em cánh tay trần
Mở cửa
Mùa Xuân trong khung :
Giò phong lan
Điệp vàng rực rỡ
Từng cây khô óng ả sợi tơ hồng
Đường phố dài
Chi chít chồi sinh
Màu ước vọng in hình
Xanh nõn lá...
Ta còn em,
Hà Nội - phố, em ơi!
Ta còn em,
Em ơi! Hà Nội, phố...


Tháng Chạp, 1972

Nhãn: