Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2009

NHIỀU VÀ ÍT




Hôm nay, mình được “lên” Tuổi Trẻ, trang 5 và chỗ này. Nội dung trả lời phỏng vấn của mình như đoạn sau đây nhưng chắc nó dài quá nên bị "gọt" bớt thành ra trúc trắc, chính mình đọc cũng thấy khó hiểu.

Với truyền hình cáp, nhà cung cấp dịch vụ có thể xây dựng nhiều nội dung để phục vụ từng đối tượng chuyên biệt. Gói dịch vụ phổ biến hiện nay gồm các kênh thông tấn, thể thao, phim truyện, âm nhạc, khám phá khoa học, sức khỏe, thông tin mua sắm, phim hoạt hình, thông tin thị trườngNgay cả từng lĩnh vực cụ thể, truyền hình cáp cũng đa dạng hóa nội dung kênh để phục vụ nhiều đối tượng hẹp hơn. Cùng với các kênh chia theo lĩnh vực, còn có các kênh chuyên biệt hướng đến các đối tượng thuộc lứa tuổi, giới tính, khu vực địa lý nhất định nào đó…

Đây là xu hướng phi - đại - chúng – hóa trong truyền hình hiện đại, tạo cho khán giả có nhiều cơ hội chọn lựa dân chủ hơn. Tuy nhiên, lâu nay ở Việt Nam, cách xây dựng kênh truyền hình chưa đi theo xu hướng này, phổ biến từ TW đến địa phương vẫn là các kênh quảng bá. VTV1, VTV3, HTV9, HTV7 v.v… vừa có thời sự, chuyên đề vừa có giải trí tổng hợp (ca nhạc, games, phim truyện…). Hầu hết các kênh truyền hình địa phương cũng là những kênh quảng bá, kênh tổng hợp, không hướng đối tượng.

Truyền hình số (mặt đất, vệ tinh) và cáp ra đời ở Việt Nam xuất phát từ nhu cầu phát triển công nghệ (dù đến nay vẫn chưa được định hướng tốt) chứ không phải từ nhu cầu phát triển nội dung của truyền hình với tư cách là một loại hình truyền thông. Và do những bài toán kinh tế - kỹ thuật nào đó, các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình thu phí ở Việt Nam thường chọn các giải pháp nén để có số kênh nhất định trong một băng thông. Có nhiều kênh thì thu hút được khách hàng nhưng việc đầu tư xây dựng nội dung, mua bản quyền cũng sẽ tốn kém. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ phải khai thác thêm các kênh sóng truyền hình địa phương (vốn có nhu cầu nối dài “cánh sóng”) và hàng chục kênh truyền hình quảng bá (vốn được bao cấp để phục vụ ở Việt Nam) trong gói kênh dịch vụ của mình. Chính vì thế, dịch vụ truyền hình trả phí hiện nay ở nước ta có số lượng kênh khá cao nhưng nội dung bị trùng lặp và số kênh chuyên biệt (do Việt Nam sản xuất) còn ít quá.

Chúng ta nói nhiều về xã hội hóa truyền hình nhưng giữa chủ trương hay và chính sách cụ thể nhằm thu hút các nhóm xã hội khác cùng tham gia đầu tư sản xuất chương trình truyền hình đến nay vẫn còn khoảng cách. Chẳng hạn, hiện chúng ta chưa có những chính sách ưu đãi thuế cho các công ty truyền thông tham gia xây dựng các kênh truyền hình chuyên biệt. Chúng ta cũng chưa có những quy định về tỷ lệ kênh mua bản quyền của nước ngoài và tỷ lệ kênh chuyên biệt do trong nước sản xuất trong một gói dịch vụ để các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình thu phí chú trọng việc phát triển sản xuất chương trình trong nước, nâng cao chất lượng truyền hình Việt và tránh sự trùng lặp và lãng phí như hiện nay.

Nhãn:

2 Nhận xét:

Anonymous phamkinhbac nói...

Bac nen ung cu chuc Cuc truong Cuc Phat thanh truyen hinh va thong tin dien tu, hoac Thu trg hay Bo trg Bo TT-TT. Hien tai Bo nay ra rat nhieu Cuc moi nhung dang thieu can bo lam day.

lúc 02:30 27 tháng 3, 2009  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ phamkinhbac: Hùng nói đùa thế bác Hải, bác Doãn nghe được chết anh em mình!

lúc 02:40 27 tháng 3, 2009  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ