Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2008

ĐẾN NHA TRANG TÌM HOA HẬU




Nha Trang mùa này đi đâu cũng thấy không khí hoa hậu. Băng rôn, áp phích, pa – nô quảng bá đầy đường. Mình tới đây sớm quá nên không gặp được cô hoa hậu thiệt nào… Nghe đâu họ đang ở Hạ Long. Thôi phải ráng làm Tổng biên tập để có cơ hội được làm giám khảo hoa hậu, được trao giải cho các người đẹp vậy.

Ruốc: Con thích cô áo đỏ này lắm! (Ba cũng thích chứ đâu chỉ có con!)

Nghe đâu vé vào các đêm hoa hậu này hàng ngàn đô. Dụ mãi bà xã mới chịu vào khu vực thi nhưng không dám lên cái "sân khấu hoa hậu" này cho mình chụp một tấm hình (dù có mang theo đồ tắm đấy)! Không phải nàng không đủ tự tin mà vì sân khấu đang được công nhân công ty Tơ Vàng khẩn trương thi công cho những đêm thi tháng 7 này.

Ruốc thì không quan tâm nhiều đến hoa hậu như ba, Ruốc chỉ thích tập làm người leo núi trong nhà game ở Vinpearl

Cô tiên vẫn nằm xoã tóc đợi chờ trên ngọn núi này… Còn các cô gái đi du lịch thì không có tóc để mà xõa

Ruốc: Mẹ ơi, nếu cáp treo nó đứt thì sao mẹ? Ba ơi, mấy cô hoa hậu có đi cáp treo này qua Vinpearl không ba?

Nhãn:

Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2008

CẢ NHÀ RA BIỂN




Vài tấm hình cả nhà đi Nha Trang, kể chuyện sau...

Ba Tú đâu bỏ ba mẹ con mình đi lang thang vậy cà? Hình như ba chạy theo mấy cô xinh xinh rồi mẹ ơi!

Tép: Con bơi một mình cũng được. Ba khỏi cần dìu con!

Ruốc: Mai mốt ba mua du thuyền con lái chở ba đi chơi hén!

Ruốc: Con muốn ba mang một số biển về nhà mình để ngày nào con cũng đi bơi!

Ruốc: Con đào hố bắt còng cho ba nhậu nè!

Nhãn:

Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2008

SAO CÁC ANH GỠ CÁI ĐÀI BBC CỦA TÔI?




(Entry tái bản)

Hồi mới ra trường về nhận công tác ở Đài Phát thanh Đồng Nai (lúc đó chưa có truyền hình), đời sống còn vất vả lắm, anh bạn kỹ sư điện tử ở cùng nhà tập thể rủ tôi phụ anh ta làm thêm nghề sửa chữa điện tử. Tôi chỉ phụ đúng nghĩa vì có biết gì đâu mà sửa.

Có nhiều chuyện vui lắm. Hôm nay xin kể 2 chuyện.

1. Một lần, có ông khách đem đến một chiếc máy radio nhờ sửa gấp. Bạn tôi bận tay. Tôi có nhiệm vụ “tiếp xúc khách hàng”, nghe yêu cầu, trao đổi hoặc hẹn khách. Qua nhiều lần quan sát, tôi bắt chước ông bạn. Nhận cái máy “ra-dô” của ông khách, việc đầu tiên của tôi là kiểm tra nguồn điện (power). Tôi tháo pin ra, lấy dây cắm điện vào, đeo headphone, mở máy: Máy vẫn hoạt động tốt. Tôi reo lên như một phát hiện: Máy bác không có vấn đề!

Anh bạn kỹ sư trừng mắt với tôi và nói chen ngay vào: “Ông để tôi coi! Cứ để đó! Công việc của ông là gì ông biết rồi!” - Quay qua ông khách, anh ta nói nhanh - Máy bác chắc hư transitor công suất, để lát cháu coi lại. Bác chịu khó ra tiệm mua dùm mấy cục pin mang về đây.

Khi ông khách đi mua pin, ông bạn giải thích: Nhìn mấy cục pin sét thế kia, tôi biết máy ổng chỉ hết pin thôi, radio ít hư lắm. Nhưng cái nghề này, người ta mang máy tới là phải tìm cách mà… bói cho ra “pan” để sửa chứ. Tối nay lấy tiền đâu mà uống cà phê?

2. Một lần tôi đang ngồi phụ sửa máy thì có một ông cụ mang chiếc “ra-dô” tới và chửi rất to:

- Tại sao các chú gỡ cái đài BBC của tôi? Các chú sửa máy kiểu gì mà lại thay đồ đạc của tôi? Các chú thay cái đài BBC bằng cái đài Đồng Nai, bây giờ các chú phải trả ngay cho tôi!

Tôi định giải thích cho ông ta hiểu cơ chế hoạt động của máy thu thanh, không có cái Đài cụ thể nào trong máy tương ứng với từng bộ phận như ông ta hiểu nhưng vừa cất lời thì bạn tôi đã cản. Anh ta nói nhanh:

- Tụi cháu không gỡ cái đài BBC của bác, nhưng chắc bác mở chưa đúng chỗ thôi.

- Bình thường cây kim tôi vặn tới chỗ này là nghe được đài BBC, giờ vặn tới đó là chỉ nghe đài Đồng Nai.

- Bây giờ là 10 giờ sáng, cả Đài Đồng Nai và Đài BBC tiếng Việt đều chưa phát sóng nên cháu chưa thử lại cho bác xem. Thôi bác về đi, tối bác ra lúc đó cháu mở cho bác nghe.

Sau một hồi thuyết phục, ông cụ ra về, ông bạn kỹ sư quay qua nói với tôi: Tại ông gắn kim không đúng chỗ nên ông cụ dò đài theo chỗ cũ không nghe được. Thôi để chờ Đài Đồng Nai phát sóng tôi lấy chuẩn tần số 720 kHz mà canh kim lại…

***

Chỉ có mỗi việc canh kim chỉ vạch tuning cho cái máy thu thanh mà làm không xong, tôi nhủ thầm, chắc mình chỉ có thể làm nhà báo tỉnh lẻ tầm tầm, không thể thành thợ sửa điện tử được. Nghề nào cũng cần có... nghề vậy!

Blog Page

Nhãn:

Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2008

VUI VUI MỘT CHÚT NHÂN NGÀY VUI




- Chào chú! Đây có phải là tòa soạn báo...

- Chào Bác. Có chuyện gì không bác?

- Hôm nay, 21/6, tui có chút quà mọn, gọi là lời cảm tạ các chú.

- Ấy chết. Cháu còn chưa biết bác là ai.

- Tui ở dưới quê mới lên

- Mời bác vào trong phòng tiếp bạn đọc ta nói chuyện. Mùa màng năm nay thế nào bác?

- Mấy mùa rồi cũng đỡ. Nhưng bữa nay tui lên đây để cảm ơn mấy chú về một chuyện không liên quan gì tới mùa màng.

- Cảm ơn vụ gì vậy bác?

- Vụ giá vàng

- Sao lại cảm ơn vụ giá vàng? Chuyện giá cả bây giờ là chuyện nhạy cảm. Báo chí tụi con có can thiệp gì vào vụ giá vàng đâu?

- Ừ thì biết là mấy chú không can thiệp. Nhưng mà nhờ mấy chú thông tin.

- Là sao bác?

- Là vầy. Tuần rồi, tui định bán hết số vàng để đầu tư mần ăn. Nhưng đọc báo hôm kia, thấy mấy chú dự báo giá vàng sẽ tiếp tục xuống.

- Giá vàng chiều hôm qua lên chóng mặt đó chứ bác. Có điều phóng viên kinh tế của tụi con dự báo chung chung thôi. Mà dự báo giá vàng thì cũng như dự báo EURO mà bác!

- Thì vậy. Tụi tôi có thói quen làm ngược lại. Nghe đài dự báo có mưa thì nghĩ chắc trời nắng. Báo nói vàng xuống, thì chắc vàng lên. Nên đã bán vàng hôm qua, lúc đó 19,2 triệu/lượng. Bữa nay 21/6, thấy vàng xuống còn 18,7 triệu/lượng, tôi mua lại, tính ra cũng lời hơn mấy năm mần ruộng. Hôm nay lên cảm ơn mấy chú đây.

- !!!

Ảnh trang trí: Các nhà báo đang phỏng vấn PTT Nguyễn Thiện Nhân

Blog Page

Nhãn:

Thứ Tư, 18 tháng 6, 2008

Entry for June 18, 2008

Image
Cám ơn Opoap đã thiết kế tặng cái nền thiệp này

Nhãn:

Thứ Năm, 12 tháng 6, 2008

AI DỜI MỘ TRỊNH HOÀI ĐỨC?

Image

Giống như nhiều huyện, thị xã trực thuộc tỉnh Đồng Nai, thành phố Biên Hòa cũng có cổng giao tiếp điện tử (bấm ở đây). Hệ thống tài nguyên internet này ra đời từ những đề án lớn, tốn số tiền không nhỏ.

Phần mềm xuất bản cho các trang web tin tức của portal này giống nhau như đúc vì cùng ra đời từ một lò (hình như là lò Tinh Vân thì phải).

Mới đây, đứa cháu tôi làm bài dự thi lịch sử, lúc kiếm tài liệu về danh nhân văn hóa của vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai, cụ Trịnh Hoài Đức, tác giả “Gia Định Thành thông chí” nổi tiếng, Google dắt nó vào cái cổng giao tiếp điện tử này, trang này.

Không ai nghĩ rằng trang web của thành phố quê hương Trịnh Hoài Đức có thể sai dữ liệu. Đứa cháu tôi khi làm xong bài thi đã đem cho tôi xem lại. Tôi giật mình, ủa sao phần viết về Lăng mộ Trịnh Hoài Đức con lại dùng toàn hình ảnh chỗ công viên Đài Kỷ niệm? Râu ông nọ cắm cằm bà kia rồi con ơi!

Đứa cháu tôi cứ gân cổ lên mà cãi. Rằng nó tra cứu kỹ rồi. Rằng trang web của thành phố Biên Hòa thì làm sao mà sai. Rằng nếu sai thì tại sao người ta lại đưa tới 3 tấm hình lên minh họa cho bài viết? V.v… May mà nó chưa nói rằng tôi mới là người dốt!

Tất nhiên, tôi bình tĩnh giải thích: Đài Kỷ niệm “chiến sĩ trận vong” cũng là một di tích. Nó được xem là di tích lịch sử vì được tác giả Nguyễn Ái Quốc nhắc đến trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”. Lăng mộ danh nhân Trịnh Hoài Đức không phải là những tấm hình đó. Tôi cũng mang các tài liệu khác ra cho cháu tôi coi để nó sửa lại bài dự thi.

Sau đó tôi cũng vào xem thử trang web này.

Chao ơi sao mà nhiều lỗi kỹ thuật, lỗi nội dung quá sá mà kể ra đây chắc có người cười đến vỡ bụng mất (ví dụ: click vô mục “bộ máy chính quyền”, nó nhảy ra chỗ “Thanh tra”, click vào chỗ “Hội đồng nhân dân” thì nó ra "nhiệm vụ của Văn phòng”…)

Rồi tôi lại xem tiếp các trang web cùng “hệ”. Khi lướt qua một loạt “cổng thông tin” như thế, chợt nhận chúng có quá nhiều điểm giống nhau: tin tức thì nguội, chép lại của nhau, chép lại từ các báo, tin – bài - ảnh do chính họ sản xuất thì không giống ai.

Và có vẻ như những trang web đang “ngủ quên” của địa phương, cơ quan vốn làm theo kiểu phong trào một cách lãng phí này hiện còn khá nhiều. Hỏi các cán bộ công chức trực thuộc, họ nói, hầu như không lướt vào web đó.

Vậy nhân dân có vào đây đọc tin, hoặc sử dụng các dịch vụ công, chính phủ điện tử ở cổng giao tiếp này không nhỉ?

---------------------------

chú thích thêm: Sáng nay 18/6, khi tôi vào lại trang web "dời mộ Trịnh Hoài Đức", hình ảnh đã được thay đổi đúng rồi. Trang cũ tôi có chụp màn hình trong entry này!

Blog Page

Nhãn:

MÊ BÓNG ĐÁ




Không khí Euro 2008 ngày càng sôi động. Ban biên tập giao cho phóng viên X thực hiện nhanh một phỏng vấn dư luận phục vụ cho buổi bình luận tối. Đề tài: Sinh viên với mùa Euro 2008.

X và bạn đồng nghiệp hăm hở vào một trường đại học. Tại căn tin nhà trường, nhiều nhóm bạn đang ngồi trò chuyện và học bài. X nêu ý định phỏng vấn.

Cầm micro đứng trước một nhóm bạn nữ, X bắt đầu cuộc trò chuyện từ một bạn nữ xinh nhất:

- Bạn có theo dõi các trận bóng trong mùa Euro này không?

- Dạ, em rất mê bóng đá. Dù hiện nay đang là mùa thi, em cũng không bỏ sót trận nào. Thức khuya cũng mệt mà vui lắm anh à! Đúng là bóng đá có sức quyến rũ kinh khủng!

(Phóng viên X ra hiệu bằng tay với cameraman ngụ ý đoạn trả lời phỏng vấn rất đạt, anh muốn hỏi thêm một câu nữa)

- Bạn có thể cho biết: Trong 16 đổi tuyển vào chung kết Euro 2008 lần này, bạn ủng hộ đội nào nhất?

- Em, em là em nhất định ủng hộ đội tuyển Việt Nam! Việt Nam vô địch! Việt Nam vô địch!

....

--------------

Ảnh trên chỉ có tính chất trang trí

Blog Page

Nhãn:

Thứ Tư, 11 tháng 6, 2008

ĐỂ NHỚ MẶT CHÁU

+ Chào chú, hôm nay chúng tôi lại về quê đây!

- Ủa, nghe nói hai cụ vào hôm kia, cháu bận quá chưa kịp qua hỏi thăm, nay lại quay ra Bắc rồi?

+ Thì chúng tôi vào đây là để thăm đứa cháu đích tôn đang nghỉ hè. Nhưng vào đến nơi rồi mà có gặp được nó đâu, nên hai vợ chồng tôi quyết định quay ra quê thôi!

- Ủa, mới hôm qua cháu vừa thấy nó ngang qua đây mà!

+ Đúng vậy. Nó chẳng có đi đâu xa nhưng cũng chẳng ở nhà!

- Là sao ạ?

+ Nó bận đi luyện thi tuyển sinh vào lớp 10.

- Thì luyện thi cũng có giờ, có buổi chứ ạ?

+ Tối ngày nó đi học luyện thi. Bố mẹ nó nói chuyện học của con là trên hết. Ông bà vào thăm chẳng được gặp mặt, nói chuyện với cháu.

- Hình như năm nay chỉ mấy trường lớn tổ chức thi tuyển vào lớp 10 còn nhiều trường cũng xét tuyển thôi mà!

+ Thì ở đâu có thi là sẽ có… luyện thi ngay chú ơi. Tình trạng này ngành giáo dục nói hoài mà cũng chẳng dẹp được. Bà nhà tôi cứ ấm ức mãi là ngày xưa cháu vừa sinh ra thì ẵm bồng nó suốt mấy tháng, lúc cháu còn bé cũng chăm sóc mấy năm trời cho bố mẹ nó đi làm, còn bây giờ khi cháu học hết cấp hai, vào thăm lại cháu mà chưa… nhớ mặt nó được do nó bận luyện thi! Mùa thi bây giờ cứ y như mùa làm ăn của mấy nhà giáo. Chẳng lẽ lại viết thư ngỏ cho ông Bộ trưởng?

- Hay là hai bác nói anh chị bên nhà gửi cháu đi học nước ngoài, thế nào mùa hè thì ông bà cháu cũng gặp nhau thôi, ở nước ngoài hè thì học sinh chắc không đi học thêm đâu!

Nhãn:

Thứ Hai, 9 tháng 6, 2008

THỤY ĐIỂN SẼ CHIẾN THẮNG HY LẠP?




1g45 rạng sáng mai 11-6, tuyển Thụy Điển ra quân gặp Hy Lạp trong khuôn khổ bảng D của Euro 2008.

Thụy Điển chưa bao giờ được xếp vào các đội bóng chiếu trên trong World Cup hay Euro, nhưng chắc chắn cũng chưa bao giờ bị xếp vào những đội bóng yếu. Xem những gì tuyển Thụy Điển thể hiện qua các sự kiện bóng đá lớn hơn 20 năm qua, mình nghĩ, đây là một đội bóng tổ chức chặt chẽ, thi đấu hết mình và có nền tảng thể lực tốt.

Thụy Điển không phải là đội bóng mình thích nhất trong EURO 2008 này mà là đội bóng mình yêu.

Tình yêu nhiều khi nó vô lý đến vậy. Lý trí mách bảo rằng Thụy Điển chưa hội đủ điều kiện để làm nên điều kỳ diệu trong vòng chung kết Euro 2008 lần này nhưng trái tim cứ nói rằng tuyển Thụy Điển đã từng vào tứ kết Euro một lần, từng vào bán kết Euro một lần, sao không thể vào chung kết một lần nhỉ?

Lý trí mách bảo rằng mày chỉ biết đến tuyển Thụy Điển qua vài ba gương mặt quen thuộc như Henrik Larsson (nay đã thành lão tướng), Ibrahimovic (Inter Milan) hay Ljungberg (à còn thêm bác Eriksson đào hoa nhưng chỉ từng là HLV tuyển Anh), có gì đâu mà mơ mộng… nhưng trái tim cũng nói rằng mày phải yêu đội tuyển Thụy Điển chỉ vì yêu cái đất nước xinh đẹp của đội bóng ấy.

Thụy Điển không chỉ là mảnh trời Bắc Âu nổi tiếng với những rừng thông xanh, những hồ nước đẹp, những viện bảo tàng, thư viện, những lâu đài cổ vào bậc nhất châu Âu hay giải Nobel, ban nhạc ABBA, thủ tướng Olof Palmer, tổ chức SIDA hoặc những nhãn hiệu như Electrolux, Ericsson, Volvo… Thụy Điển còn là đất nước không có người nghèo, là thiên đường của xã hội dân chủ và bình đẳng, là quê hương của một nền báo chí lớn... Thụy Điển còn là đất nước giúp đỡ Việt Nam rất nhiều từ những chương trình của chính phủ đến các hoạt động tình nguyện…

Mình cũng có nhiều kỷ niệm, ấn tượng, thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp Thụy Điển. Tấm hình làm avatar của mình được chụp ở Thụy Điển, phông phía sau xa là tòa nhà thường diễn ra lễ trao giải Nobel hằng năm…

Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ làm cho mình phải ủng hộ đội tuyển áo vàng - xanh (màu xanh này không phải xanh lá như Brasil, cũng không thiên thanh như Ý, quá sẫm như Pháp).

Đêm nay có ai thức cùng mình?

Image

Chú thích ảnh:

1/ Cầu thủ Ibrahimovic trong màu áo đội tuyền quốc gia Thụy Điển

2/ Lang thang trên đường phố Orebro với các thầy Clas Thor, Thomas Kenger và các bạn

Blog Page

Nhãn:

Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2008

THÔNG BÁO TUYỂN THƯ KÝ BLOG

Nhằm nâng cao chất lượng blog, sánh vai với các “đại gia” trong làng;

nhằm dành thời gian để suy nghĩ về những việc… có ích cho nhân loại và có... tầm cỡ thế giới,

nhằm bố trí thời gian cho việc xem bóng đá trong mùa EURO 2008 và đọc báo nhân mùa giỗ giới báo chí 21/6

chủ nhân blog thông báo tuyển thư ký riêng

YÊU CẦU

- TUỔI: từ 18 trở lên, từ 35 trở xuống

- BẰNG CẤP: ít nhất phải biết sử dụng blog Yahoo 360

- NGOẠI HÌNH: xinh đẹp, tất nhiên rồi

HỒ SƠ GỒM:

- Một đơn xin việc

- Giấy xác nhận/cam kết chưa có người yêu trong thì hiện tại

- Bản sao giấy khai sinh hoặc CMND

NGÀY NỘP:

- từ hôm nay 9/6/2008 đến hết vòng đấu bảng của EURO 2008

(không nộp qua bà xã của chủ nhân blog)

CHÚ THÍCH THÊM

- Ưu tiên cho những người biết massage khi chủ blog đau lưng

- Ưu tiên cho những người biết pha cà phê, châm trà…

- Chỉ nhận nữ

Mọi thắc mắc xin gõ vào comment

Nhãn:

Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2008

NGƯỜI NHẬT KỲ GHÊ

1. Một ông bạn trước đây là công chức, sau ra làm cho công ty SONY, rồi có được chút vốn liếng, kinh nghiệm, lại mở công ty riêng cung cấp thiết bị điện tử chuyên dụng. Hôm rồi gặp lại, thấy nó uống rượu có vẻ cứng, tôi hơi bất ngờ, nó giải thích: “Giờ em cũng phải dẫn khách hàng đi ăn nhậu chơi bời mặc dù chẳng muốn tí nào. Có ông lâu nay tưởng đạo đức sáng ngời ngời nhưng khi công ty em đưa đi nước ngoài “tham quan” thì cũng quậy tới bến. Em bán hàng phải ráng vừa lòng khách, mà khách nào cũng thích kê cao hơn giá bình thường để họ bỏ túi riêng. Hồi làm với người Nhật thì không có chuyện này!”

2. Còn ông bạn doanh nhân Duy Thiện có mấy cơ sở in kể rằng: Khách hàng dễ tính nhất là các đơn vị nhà nước: không kỳ kèo giá cả, có điều, hợp đồng, hóa đơn in phải kê lên vài mươi phần trăm, có khi còn kê gấp đôi gấp ba… để họ có chút “chi phí riêng”. Nhưng, có lần anh nhận in hàng số lượng lớn cho một công ty của Nhật, sau khi đàm phán giá cả, ký hợp đồng, ứng tiền, như thường lệ, anh gửi số tiền phần trăm cho cô nhân viên đi đặt hàng. Cô ta nhất quyết không nhận, lịch sự cám ơn và nói: chỉ cần anh thực hiện tốt các đơn đặt hàng của công ty. Tưởng cô chê ít, sau đó, anh đích thân đến nhà cô với cái bao thư tăng gấp đôi. Cô ta vẫn câu nói cũ: chỉ cần anh thực hiện tốt các đơn hàng của công ty em là đủ rồi. Mấy tháng sau, cô ấy được thăng chức, công việc đặt hàng in được bàn giao cho một cậu trẻ lanh lợi. Cậu này cũng nhất quyết không nhận phần trăm “lại quả” như một thứ thủ tục của nhà in.

***

Nghe xong hai chuyện này tôi thắc mắc quá chừng: Tại sao người Nhật kỳ cục vậy cà? Tại sao nhân viên của họ dễ dàng từ chối những món tiền hoa hồng mà người mình thì phải ráng kiếm, ráng đòi cho được?

Nhãn:

Thứ Ba, 3 tháng 6, 2008

Entry for June 04, 2008

Nhà văn Xuân Sách vừa ra đi.

Hôm qua đọc TTO, thấy có mấy dòng lý lịch của ông như sau:

“Xuân Sách (còn có bút danh Lê Hoài Đăng) tên thật là Ngô Xuân Sách, sinh ngày 4-7-1932, tại xã Trường Giang, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Khoảng thập niên 1980 ông vào sống tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông là hội viên Hội Nhà văn VN. Nhà văn Xuân Sách từng làm biên tập viên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội (1960-1980), phó giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội (1981-1984), chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (1985-1995)”

Thực ra, từ Hà Nội, trên đường “Nam tiến”, nhà thơ Xuân Sách còn có một khoảng thời gian dừng lại sống ở Biên Hòa (Đồng Nai) trước khi đến Vũng Tàu. Bấy giờ, ông được nhà văn Hoàng Văn Bổn, chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật Đồng Nai ưu ái nhường căn phòng đẹp nhất trong trụ sở Hội Văn nghệ Đồng Nai (và cũng là tòa soạn báo Văn nghệ Đồng Nai) để ở. Thời gian này, nhà thơ Cao Xuân Sơn (nay công tác ở NXB Kim Đồng) vừa chuyển từ trường PTTH Ngô Quyền về làm biên tập viên thơ cho báo Văn nghệ Đồng Nai và cũng ở một căn hộ trong trụ sở này sát vách căn phòng nhà thơ Xuân Sách, phía sau là căn hộ của nhà văn Nguyễn Đức Thọ, tác giả “Hồi ức Làng Che” (nay đã mất). Tôi lúc đó còn là sinh viên, có cộng tác với báo Văn nghệ Đồng Nai và chơi khá thân với anh Cao Xuân Sơn nên thường đạp xe từ Sài Gòn về "Hội" mỗi khi rảnh rỗi. Nhờ đó, tôi có cơ hội được vài lần dỏng tai nghe chú Xuân Sách nói chuyện trà dư tửu hậu, thậm chí, được đánh bóng bàn với ông (ông đánh bóng bàn khá hay). Thơ "Chân dung" được nghe ông đọc từ thuở đó. Những chân dung mà chúng tôi căng tai lên để ráng thuộc lòng vì hồi đó cứ nghe như là nghe chuyện... phản động. Ông có cặp mắt vừa quắc thước, vừa nhân hậu. Vầng trán đẹp trên cái đầu to… quá khổ của ông như chứa một kho kiến thức uyên bác. Ông kể chuyện rất có duyên. Ông nói năng chậm rãi nhưng câu nào ra câu đó. Tôi nhớ nhiều câu ông bình luận sau khi nghe anh em kể một câu chuyện gì đó, cứ tưng tửng mà ai nghe xong cũng im bặt. Chẳng hạn: “Mấy thằng cơ hội nó sống dai lắm!”; Hoặc khi nói chuyện với anh em viết trẻ: “Tư tưởng nhân loại mấy nghìn năm nay đã được phát hiện hết rồi, đừng mong nghĩ ra cái gì mới đâu. Cứ tìm cách diễn đạt nào cho mới là thành công rồi!”

Còn nhớ, những năm đó, ông cũng phải “chạy xô” biên tập văn nghệ thêm cho các tờ đặc san ngành ở địa phương. Người bạn đời của ông, cô Thanh Tú, vừa làm cho tờ “Công nhân lao động Đồng Nai” vừa làm thêm cho tờ tin “Cao su Đồng Nai”. Ông thì ngoài việc làm ở Văn nghệ Đồng Nai, còn biên tập thơ, truyện cho các ấn phẩm của Công an Đồng Nai, ngành Giáo dục… (năm 1985, ngành nào cũng tổ chức in một đặc san kỷ niệm 10 năm rất hoành tráng).

Tôi nhớ chi tiết này vì lúc đó tôi cũng tập làm thơ, viết truyện, và cũng từng bị/được ông góp ý. Có một câu ông nói đến giờ tôi không nhớ nguyên văn nhưng đại khái là “làm thơ, đừng có ráng cháu à!”.

Và hơn 20 năm nay, thưa chú Xuân Sách, cháu đã không dám ráng.

Nhãn:

"ĐẲNG CẤP" LÀM PHÁT THANH TRỰC TIẾP: PHỐI HỢP SỬA LỖI

Trong một chương trình phát thanh trực tiếp, có rất nhiều người tham gia và ai cũng sẽ là một nhân tố góp phần quan trọng vào thành công của chương trình. Tuy nhiên có bao nhiêu người tham gia vào ekip thì cũng có bấy nhiêu người có thể làm hỏng chương trình theo “cách của mình”.

Vai trò của đạo diễn là quá rõ ràng. Anh ta có thể làm sai lệch kết cấu, nhịp điệu, làm giảm sự hấp dẫn của chương trình bằng sự điều hành của anh ta trong quá trình diễn ra chương trình.

Đạo diễn sẽ làm hỏng hẳn chương trình nếu anh ta không hiểu kịch bản một cách triệt để. Đây là một thực tế ở Việt Nam, khi linh hồn của chương trình thường là biên tập – tác giả kịch bản kiêm luôn dẫn chương trình. Đạo diễn nhiều khi nghĩ là mình chỉ cần có mặt tại phòng thu vào thời điểm phát sóng trực tiếp để “làm theo” đúng kịch bản mà thôi. Tâm lý này sẽ làm chương trình không mắc lỗi kỹ thuật nhưng lại mắc đầy lỗi “nghệ thuật”.

Đạo diễn cũng có thể gây ra những lỗi khá cơ bản như trường hợp 1 (xem entry trước) mà chúng tôi đã đề cập đến.

Thư ký (trong một số chương trình cụ thể thì thư ký và đạo diễn là một cho gọn biên chế) cũng là một trong những vị trí quan trọng đến mức có thể làm cho chương trình trở nên trí tuệ, sang trọng hơn hoặc nguợc lại làm chương trình tẻ nhạt, buồn chán hơn rất nhiều. Câu hỏi có hay hay không, có phù hợp hay không, có bị lặp lại hay không đều do người thư ký quyết định phần lớn. Thư ký cũng chính là người hướng dẫn thính giả giao lưu tự nhiên hơn, tự tin và ngắn gọn hơn. Vì thế trong các chương trình toạ đàm có tương tác và các chương trình khoa giáo, lỗi từ thư ký thường làm đổ chương trình

Một vị trí khác cũng có thể làm chương trình bại hay thành, đó là phóng viên hiện trường. Chất lượng của tường thuật từ hiện trường có ý nghĩa quyết định đến nhịp điệu chung và đẳng cấp của chương trình. Thông thường, phóng viên được lựa chọn phụ trách tường thuật từ hiện trường là phóng viên có tay nghề vững. Tuy nhiên những lỗi kiểu như trường hợp 2 (xem entry trước) vẫn xuất hiện và không phải là với mật độ thấp.

Phóng viên hiện trường còn có thể làm chương trình giảm chất lượng bằng các lỗi như cầm micro (quá xa, quá gần), chọn địa điểm (âm thanh môi trường quá lớn, át âm thanh chính), phỏng vấn hiện trường không cẩn trọng (chọn đối tượng, và hệ thống câu hỏi không tốt)… Tất cả những lỗi đó đều phải được người dẫn và đạo diễn điều chỉnh bằng cách xử lý như trường hợp 2 (người dẫn phỏng vấn trực tiếp) và sau đó, đạo diễn trao đổi thêm với phóng viên hiện trường để khai thác những thông tin cần thiết khác trong lần tường thuật kế tiếp nếu có. (Vì thông thường trong những chương trình cầu phát thanh lớn, một đầu cầu thường xuất hiện không chỉ một lần.)

Cuối cùng, dẫn chương trình là đầu mối xử lý nhanh tất cả các “tình huống lỗi” trong phát thanh trực tiếp. Nếu dẫn chương trình không xử lý nhanh thì hoàn toàn không có cơ hội cho các bộ phận khác (kỹ thuật, đạo diễn, thư ký “điều chỉnh sâu”). Và thật ra, chính dẫn chương trình là vị trí có vai trò như một đạo diễn nội dung thực thụ. Bởi vậy thông thường, một chương trình an toàn thường là chương trình có biên tập và người viết kịch bản kiêm luôn vị trí dẫn chương trình.

Trong trường hợp những chương trình phát thanh trực tiếp sử dụng công nghệ phòng thu “one man programme”, ta sẽ thấy khả năng xử lý tình huống của người dẫn thật sự là 3 – 4 trong 1.

Vậy, kỹ thuật viên có vai trò như thế nào trong việc xử lý những tình huống bất ngờ? Thật ra, họ có vai trò trong tất cả những động thái của đạo diễn, dẫn chương trình và thư ký. Kỹ thuật viên nhuyễn và “ý tứ” là người sẽ làm lỗi “trở thành không” bằng những cú fade in / out (nền vào/ra) tín hiệu đúng thời điểm và “ngọt”. Và thật ra, sự nhịp nhàng, ăn ý trong một ekip thể hiện rõ nhất ở những khi xử lý “tình huống lỗi”.

Do đặc điểm “mở”, tương tác của nhiều dạng chương trình phát thanh trực tiếp, nỗi lo lớn nhất của êkíp thực hiện là làm sao “kiểm soát” thính giả để giữ được sự an toàn trên sóng. Các chương trình ca nhạc, bình luận thể thao... cứ tưởng là “ít dính đến chính trị” như những chương trình thông tấn nhưng khả năng không kiểm soát được thính giả vẫn có thể xảy ra. Đã có những thính giả quá bức xúc trước trận thua cuối cùng của đội tuyển Việt Nam tại SEAgames 24 vừa qua đã trút những từ ngữ thiếu văn hóa lên sóng! Yêu cầu an toàn luôn là yêu cầu thường trực trong sản xuất chương trình theo phương thức tương tác trực tiếp. Có điều, giải quyết chuyện an toàn bằng các phương pháp quá... an toàn thì nó làm mất đi đặc trưng trực tiếp, sức hấp dẫn của chương trình. Ví dụ: Có đài đã “mở điện thoại” cho thính giả gọi tới nhưng thực tế chỉ cho lên sóng những người quen. Có đài cho thính giả gọi tới nhưng thu trước (làm theo phương pháp delay – trễ) vào máy tính để chọn (và vì thế không thể giao đãi với thính giả được) v.v... Có đài thậm chí còn làm “giả” tín hiệu của thính giả! Các giải pháp này thật ra không được các chuyên gia chấp nhận.

Tuy nhiên, cũng không có một phương pháp chung nào để giải quyết các vấn đề an toàn nội dung – kỹ thuật liên quan đến thính giả phát thanh trong các chương trình trực tiếp. Nếu có một điểm chung, thì đó bản lĩnh của đạo diễn, của ê kíp thực hiện trong giải quyết tình huống, sự nhạy cảm ứng xử cũng như quyết định trong các tình huống. Trong thực tế, điều quan trọng số một vẫn là sự “an toàn” về mặt nội dung chứ các lỗi có tính chất kỹ thuật vẫn được thính giả chấp nhận và nhiều lúc nó tạo cảm giác gần gũi, đời sống cho người nghe hơn sự trơn tru, sạch sẽ mà thiếu bất ngờ.

***

Và thật ra, phát thanh trực tiếp tốt không phải là làm những chương trình không lỗi. "Đẳng cấp" của phát thanh trực tiếp nằm ngay ở chỗ phối hợp sửa lỗi.

Blog Page

Nhãn:

Thứ Hai, 2 tháng 6, 2008

"TAI NẠN NGHỀ NGHIỆP" TRONG PHÁT THANH TRỰC TIẾP

Image

BÀI 2: LỖI KỸ THUẬT

Một trong những đặc trưng cơ bản của phát thanh trực tiếp là tương tác. Và để có thể vận hành được phương thức phát thanh trực tiếp với tính tương tác cao, thì phương tiện kỹ thuật là một trong những yếu tố không thể không coi trọng đúng mức.

Điện thoại là một trong những thiết bị ngoại vi không thể thiếu trong phát thanh trực tiếp. Và kinh nghiệm sử dụng điện thoại là kinh nghiệm mà ai đã từng làm phát thanh trực tiếp cũng đều vô tình hay hữu ý tích luỹ được.

Trước đây, khi điện thoại di động chưa phổ biến thì việc đầu tiên mà một phóng viên đi làm tường thuật phát thanh phải chú ý là tìm một điện thoại để bàn có chất lượng tốt làm phương tiện. Các phóng viên làm phát thanh vài năm trước đã quen với việc tìm cách thiết kế một line điện thoại đến gần nơi diễn ra sự kiện để tiện vừa quan sát vừa tường thuật. Thông thường đó là điện thoại của UBND xã hay của nhà dân ở gần hiện trường nhất. Nếu đó là vùng mà đường dây điện thoại chưa tới, thì việc tường thuật trực tiếp coi như phá sản.

Trong đa số trường hợp đã thiết lập được đường điện thoại nhưng lại không đảm bảo chất lượng thì chương trình cũng coi như không thực hiện được.

Các lỗi do không chuẩn bị kỹ về điện thoại thường là: điện thoại bị ngắt đột ngột, bên này không nghe được tín hiệu của bên kia, mưa gió gây nhiễu, giảm chất lượng điện đàm, …điện thoại di động yếu sóng, sóng chập chờn, hết pin, hết tiền (trong trường hợp điện thoại trả trước)

Phương án khắc phục trong những trường hợp này rất khó. Thường việc xử lý tình huống chỉ trông chờ vào người dẫn. Xin lỗi, hẹn sẽ quay lại trong ít phút nữa, dùng một câu chuyển để mời thính giả sang một phần khác của chương trình là kỹ năng cần thiết mà tất cả những người dẫn trực tiếp cần rèn luyện.

Tuy nhiên những vấn đề liên quan đến kỹ thuật phải là những vấn đề được chú trọng chuẩn bị kỹ càng và là những lỗi không được mắc phải.

Thông thường trong những chương trình trực tiếp, trong cuộc họp chuẩn bị, bao giờ đạo diễn cũng nhắc nhở tất cả các bộ phận liên quan về những vấn đề kỹ thuật. Đạo diễn luôn nhắc các thành viên tham gia ekíp về việc nạp tiền điện thoại di động, sạc pin, thậm chí mang theo điện thoại dự phòng hoặc tìm một điện thoại cố định tại hiện trường phòng trường hợp bất trắc. Và thông thường các chương trình trực tiếp quan trọng, ekip bao giờ cũng cùng nhau chạy thử chương trình và thử máy móc trước khi vào chương trình chính thức.

Một lỗi kỹ thuật phổ biến trong làm phát thanh trực tiếp có tương tác là hiện tượng hú do hiệu ứng Larzen. Bản chất kỹ thuật của hiện tượng này là: Trong hệ thống tăng âm, khi micro và loa đối đầu nhau, tín hiệu âm thanh từ loa chĩa thẳng vào mic cùng pha, xảy ra hiện tượng mà có cái tên kỹ thuật là hồi tiếp dương. Hồi tiếp dương quá lớn sẽ dẫn đến dao động tự kích và tạo tiếng hú chói tai.

Trong phát thanh trực tiếp, nhiều người chưa kinh nghiệm sẽ vô tình đẩy lên sóng những tiếng hú khủng khiếp ấy “tra tấn” cho thính giả. Khi bạn nghe đài dùng điện thoại của mình để gọi tới phòng thu giao lưu, nếu họ vô tình chĩa điện thoại về cùng hướng của cái loa radio họ đang nghe chương trình thì khi vừa “nối sóng” tiếng hú sẽ rít lên ngay. Kinh nghiệm trong trường hợp này là trước khi chuẩn bị chuyển cuộc gọi của một thính giả lên sóng, người thư ký đạo diễn hoặc đạo diễn ở phòng thu nhận điện thoại ban đầu phải dặn dò vị thính giả ấy trước: Hãy tắt radio hoặc xoay chiếc máy thu thanh của mình về hướng khác với hướng micro trên máy điện thoại. Nếu lỡ sự cố đã xảy ra trong chương trình thì MC cũng cần bình tĩnh để thông báo luôn trên sóng. Các thính giả khác sẽ có cơ hội rút kinh nghiệm. Khi một thính giả “on the line” với chương trình, thì đầu dây điện thoại của họ cũng nghe được nội dung chương trình (không cần phải mở đài nữa).

Blog Page

Ảnh: Căng thẳng kết nối điện thoại trong một chương trình trực tiếp ở Đài VOV khu vực Tây Nguyên

Nhãn:

Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2008

“TAI NẠN NGHỀ NGHIỆP” TRONG PHÁT THANH

Image

Chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người tham gia trong một ê-kip phát thanh trực tiếp tươi cười bắt tay nhau, bàn luận rôm rả, hay ngược lại, nhăn nhó, tranh cãi, thậm chí gắt gỏng với sau khi làm xong một chương trình. Điều đó không hề thấy trong sau các chương trình “không trực tiếp”. Đó là một trong những biểu hiện minh chứng rằng phát thanh trực tiếp là một phương thức làm phát thanh gây khá nhiều áp lực. Và nguyên nhân chính của các áp lực ấy là độ an toàn của một chương trình mà dù chuẩn bị kỹ đến mức nào đi chăng nữa, thì toàn bộ nhóm thực hiện cũng không thể biết chắc được nó sẽ diễn biến cụ thể như thế nào.

Thông thường, lỗi xảy ra trong các chương trình trực tiếp hết sức đa dạng. Nó khác nhau do đặc trưng của các dạng chương trình (khoa giáo, thời sự, chuyên đề, giải trí...), khác nhau do các vị trí tham gia vào chương trình (đạo diễn – thư ký – phóng viên – biên tập - người dẫn – kỹ thuật viên, thính giả tham gia…), và cũng khác nhau về tính chất (lỗi kỹ thuật – lỗi nội dung). Tuy nhiên có một điểm chung: tất cả các lỗi đều có thể khắc phục được nếu toàn bộ ekip, mỗi bộ phận đều nắm vững nhiệm vụ của mình trong đường dây chung và chuẩn bị kỹ lưỡng, phối hợp nhịp nhàng. Dưới đây là một số trường hợp tiêu biểu...

Trường hợp 1: Trong một chương trình khoa giáo với nội dung tư vấn kinh doanh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, một thính giả gọi điện thoại đến và “đặt câu hỏi” một cách hết sức nhiệt tình trong 3 phút liền và kiên quyết không chịu cúp máy. Đơn giản vì ông ta đang say xỉn. Người dẫn chương trình còn non tuổi nghề lúng túng không biết làm cách nào để cắt. Trước đó, thư ký chương trình nhận điện thoại đã cẩn thận ghi các thông tin về thính giả và đề nghị thính giả gác máy chờ chương trình gọi lại. Nhưng khi gọi lại cho số máy mà thính giả đăng ký với chương trình, đạo diễn đã hỏi đúng tên thính giả. Vậy sai sót ở đâu để sự cố xảy ra?

Một chi tiết hết sức nhỏ nhưng là một kinh nghiệm lớn cho các thư ký:

Vị thính giả gọi điện thoại đến từ đầu chương trình, lúc này ông mới bắt đầu nhậu với bạn bè nhưng vẫn còn tỉnh táo, vừa nhậu vừa nghe Đài. Chương trình tư vấn diễn ra một tiếng đồng hồ, và khi đạo diễn quyết định sử dụng câu hỏi của vị thính giả đã đăng ký nọ thì chương trình đã sắp kết thúc. Nghĩa là vị thính giả đã có gần 1 tiếng để... đủ say.

Lỗi: Đạo diễn gọi điện thoại lại và chỉ cần gặp người có đúng tên với giấy đăng ký mà thư ký đưa sang là đẩy điện thoại lên sóng. Và vì thế đạo diễn đã không phát hiện ra bất thường trong giọng nói của thính giả trước khi quyết định.

Khắc phục: Dẫn chương trình khẳng định đã hiểu nội dung trình bày của thính giả, cảm ơn chân thành, cùng lúc đó, ra hiệu cho kỹ thuật viên fade out hợp lý tín hiệu điện thoại để cắt.

Trường hợp 2: Trong một chương trình tường thuật trực tiếp ngày hội bầu cử diễn ra ở một tỉnh nọ, cầu phát thanh được thiết lập với tất cả các huyện thị thành để ghi nhận tiến độ đi bỏ phiếu của cử tri. Tại điểm bỏ phiếu nọ, phóng viên đài huyện được phân công tường thuật và phỏng vấn về phòng thu qua điện thoại di động. Sau khi phóng viên này đã làm xong phần việc của mình, người dẫn chương trình muốn tìm hiểu thêm thông tin từ ông trưởng ban bầu cử xã và đề nghị phóng viên cho trò chuyện trực tiếp với trưởng ban bầu cử để khai thác thêm thông tin. Cuộc trò chuyện giữa người dẫn tại phòng thu và trưởng ban diễn ra hết sức thú vị. Nhưng khi người dẫn chương trình cảm ơn và xin phép được gặp lại phóng viên đài huyện, thì vị khách phát hoảng lên, nói: “Chết rồi, anh ấy đưa điện thoại cho tôi và đi đâu mất rồi, để tôi tìm xem”

Lỗi: Phóng viên đã bỏ mất vũ khí. Trong tường thuật trực tiếp qua điện thoại, thì điện thoại là vũ khí!

Khắc phục: Dẫn chương trình cảm ơn, khẳng định những thông tin mà đối tác cung cấp là hữu ích và thú vị, hẹn quay lại đầu cầu đó trong phần sau của chương trình (nếu có), đồng thời kỹ thuật viên phải fade out ngay tín hiệu điện thoại để giảm tiếng ồn hiện trường và ngăn những giao tiếp không cần thiết bị lọt lên sóng. Đạo diễn sẽ tiếp tục giải thích với khách ở đầu dây bên kia và tìm phóng viên, chủ nhân của điện thoại di động, để triển khai tiếp nhiệm vụ của phóng viên đó, nếu cần.

Trường hợp 3:

Tiết mục “Đi chợ buổi sáng” của một đài địa phương, tường thuật trực tiếp thông tin giá cả thị trường từ các chợ đầu mối trong thời gian 10 phút mỗi sáng.

Thông thường 1 phút trước giờ phát sóng, kỹ thuật viên phòng thu gọi đến di động của phóng viên đang ở chợ để chuẩn bị lên sóng. Một ngày kia, còn 30 giây nữa đến giờ phát sóng mà không thấy kỹ thuật viên phòng thu gọi, phóng viên ở chợ bấm máy gọi về. Tín hiệu máy báo bận. Gọi lần nữa, vẫn bận… rồi lại gọi lần nữa. Hai bên cứ thế gọi cho nhau. Khi phóng viên tắt máy thì ngay lập tức thấy máy của phòng thu gọi đến, lúc ấy đã trễ sóng mất hơn 1 phút. Kỹ thuật viên nhăn nhó là sao gọi hoài mà thấy máy phóng viên bận suốt…

Lỗi: Không quy ước chặt chẽ. Cả hai đầu đều gọi gây nghẽn, không liên lạc được và trễ sóng…

Khắc phục: Phóng viên xin lỗi thính giả vì đã trễ hẹn hơn 1 phút với một lý do hợp lý (thông thường trường hợp này sẽ có nhạc chèn) và bắt đầu chương trình bình thường.

Trường hợp 4:

Đạo diễn ra hiệu cho kỹ thuật viên đưa tín hiệu điện thoại của thính giả lên sóng để chuẩn bị giao tiếp với người dẫn. Trong khi đó người dẫn chương trình trong phòng thu vẫn đang trò chuyện với một vị khách mời phòng thu. Thời điểm người dẫn chuẩn bị mời thính giả lên tiếng, kỹ thuật viên nâng chiếc áp tín hiệu điện thoại lên, thì thính giả gắt lên: “Nó cho mình chờ lâu thế không biết!”, điện thoại cúp, tín hiệu tút .. tút… tút…liên tục vang lên…

Lỗi: Đạo diễn đã không giải thích rõ ràng trước đó cho thính giả biết cần kiên nhẫn chờ đợi đến khi được mời. Hơn nữa, không nên để thính giả có cảm giác cô đơn quá lâu. Đạo diễn hay thư ký cần phải giao tiếp với thính giả liên tục cho đến thời điểm đẩy tín hiệu điện thoại lên sóng.

Khắc phục: Xin lỗi thính giả, hẹn liên lạc lại với vị thính giả vừa cúp máy và quay lại trò chuyện với khách mời.

***

(còn tiếp)

Blog Page

Ảnh: Trước giờ lên sóng chương trình phát thanh trực tiếp "Đào tạo từ xa cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Đài Phát thanh Trà Vinh"

Nhãn: