Thứ Ba, 3 tháng 6, 2008

"ĐẲNG CẤP" LÀM PHÁT THANH TRỰC TIẾP: PHỐI HỢP SỬA LỖI

Trong một chương trình phát thanh trực tiếp, có rất nhiều người tham gia và ai cũng sẽ là một nhân tố góp phần quan trọng vào thành công của chương trình. Tuy nhiên có bao nhiêu người tham gia vào ekip thì cũng có bấy nhiêu người có thể làm hỏng chương trình theo “cách của mình”.

Vai trò của đạo diễn là quá rõ ràng. Anh ta có thể làm sai lệch kết cấu, nhịp điệu, làm giảm sự hấp dẫn của chương trình bằng sự điều hành của anh ta trong quá trình diễn ra chương trình.

Đạo diễn sẽ làm hỏng hẳn chương trình nếu anh ta không hiểu kịch bản một cách triệt để. Đây là một thực tế ở Việt Nam, khi linh hồn của chương trình thường là biên tập – tác giả kịch bản kiêm luôn dẫn chương trình. Đạo diễn nhiều khi nghĩ là mình chỉ cần có mặt tại phòng thu vào thời điểm phát sóng trực tiếp để “làm theo” đúng kịch bản mà thôi. Tâm lý này sẽ làm chương trình không mắc lỗi kỹ thuật nhưng lại mắc đầy lỗi “nghệ thuật”.

Đạo diễn cũng có thể gây ra những lỗi khá cơ bản như trường hợp 1 (xem entry trước) mà chúng tôi đã đề cập đến.

Thư ký (trong một số chương trình cụ thể thì thư ký và đạo diễn là một cho gọn biên chế) cũng là một trong những vị trí quan trọng đến mức có thể làm cho chương trình trở nên trí tuệ, sang trọng hơn hoặc nguợc lại làm chương trình tẻ nhạt, buồn chán hơn rất nhiều. Câu hỏi có hay hay không, có phù hợp hay không, có bị lặp lại hay không đều do người thư ký quyết định phần lớn. Thư ký cũng chính là người hướng dẫn thính giả giao lưu tự nhiên hơn, tự tin và ngắn gọn hơn. Vì thế trong các chương trình toạ đàm có tương tác và các chương trình khoa giáo, lỗi từ thư ký thường làm đổ chương trình

Một vị trí khác cũng có thể làm chương trình bại hay thành, đó là phóng viên hiện trường. Chất lượng của tường thuật từ hiện trường có ý nghĩa quyết định đến nhịp điệu chung và đẳng cấp của chương trình. Thông thường, phóng viên được lựa chọn phụ trách tường thuật từ hiện trường là phóng viên có tay nghề vững. Tuy nhiên những lỗi kiểu như trường hợp 2 (xem entry trước) vẫn xuất hiện và không phải là với mật độ thấp.

Phóng viên hiện trường còn có thể làm chương trình giảm chất lượng bằng các lỗi như cầm micro (quá xa, quá gần), chọn địa điểm (âm thanh môi trường quá lớn, át âm thanh chính), phỏng vấn hiện trường không cẩn trọng (chọn đối tượng, và hệ thống câu hỏi không tốt)… Tất cả những lỗi đó đều phải được người dẫn và đạo diễn điều chỉnh bằng cách xử lý như trường hợp 2 (người dẫn phỏng vấn trực tiếp) và sau đó, đạo diễn trao đổi thêm với phóng viên hiện trường để khai thác những thông tin cần thiết khác trong lần tường thuật kế tiếp nếu có. (Vì thông thường trong những chương trình cầu phát thanh lớn, một đầu cầu thường xuất hiện không chỉ một lần.)

Cuối cùng, dẫn chương trình là đầu mối xử lý nhanh tất cả các “tình huống lỗi” trong phát thanh trực tiếp. Nếu dẫn chương trình không xử lý nhanh thì hoàn toàn không có cơ hội cho các bộ phận khác (kỹ thuật, đạo diễn, thư ký “điều chỉnh sâu”). Và thật ra, chính dẫn chương trình là vị trí có vai trò như một đạo diễn nội dung thực thụ. Bởi vậy thông thường, một chương trình an toàn thường là chương trình có biên tập và người viết kịch bản kiêm luôn vị trí dẫn chương trình.

Trong trường hợp những chương trình phát thanh trực tiếp sử dụng công nghệ phòng thu “one man programme”, ta sẽ thấy khả năng xử lý tình huống của người dẫn thật sự là 3 – 4 trong 1.

Vậy, kỹ thuật viên có vai trò như thế nào trong việc xử lý những tình huống bất ngờ? Thật ra, họ có vai trò trong tất cả những động thái của đạo diễn, dẫn chương trình và thư ký. Kỹ thuật viên nhuyễn và “ý tứ” là người sẽ làm lỗi “trở thành không” bằng những cú fade in / out (nền vào/ra) tín hiệu đúng thời điểm và “ngọt”. Và thật ra, sự nhịp nhàng, ăn ý trong một ekip thể hiện rõ nhất ở những khi xử lý “tình huống lỗi”.

Do đặc điểm “mở”, tương tác của nhiều dạng chương trình phát thanh trực tiếp, nỗi lo lớn nhất của êkíp thực hiện là làm sao “kiểm soát” thính giả để giữ được sự an toàn trên sóng. Các chương trình ca nhạc, bình luận thể thao... cứ tưởng là “ít dính đến chính trị” như những chương trình thông tấn nhưng khả năng không kiểm soát được thính giả vẫn có thể xảy ra. Đã có những thính giả quá bức xúc trước trận thua cuối cùng của đội tuyển Việt Nam tại SEAgames 24 vừa qua đã trút những từ ngữ thiếu văn hóa lên sóng! Yêu cầu an toàn luôn là yêu cầu thường trực trong sản xuất chương trình theo phương thức tương tác trực tiếp. Có điều, giải quyết chuyện an toàn bằng các phương pháp quá... an toàn thì nó làm mất đi đặc trưng trực tiếp, sức hấp dẫn của chương trình. Ví dụ: Có đài đã “mở điện thoại” cho thính giả gọi tới nhưng thực tế chỉ cho lên sóng những người quen. Có đài cho thính giả gọi tới nhưng thu trước (làm theo phương pháp delay – trễ) vào máy tính để chọn (và vì thế không thể giao đãi với thính giả được) v.v... Có đài thậm chí còn làm “giả” tín hiệu của thính giả! Các giải pháp này thật ra không được các chuyên gia chấp nhận.

Tuy nhiên, cũng không có một phương pháp chung nào để giải quyết các vấn đề an toàn nội dung – kỹ thuật liên quan đến thính giả phát thanh trong các chương trình trực tiếp. Nếu có một điểm chung, thì đó bản lĩnh của đạo diễn, của ê kíp thực hiện trong giải quyết tình huống, sự nhạy cảm ứng xử cũng như quyết định trong các tình huống. Trong thực tế, điều quan trọng số một vẫn là sự “an toàn” về mặt nội dung chứ các lỗi có tính chất kỹ thuật vẫn được thính giả chấp nhận và nhiều lúc nó tạo cảm giác gần gũi, đời sống cho người nghe hơn sự trơn tru, sạch sẽ mà thiếu bất ngờ.

***

Và thật ra, phát thanh trực tiếp tốt không phải là làm những chương trình không lỗi. "Đẳng cấp" của phát thanh trực tiếp nằm ngay ở chỗ phối hợp sửa lỗi.

Blog Page

Nhãn:

4 Nhận xét:

Anonymous TOẠI NGUYỄN nói...

..pen..

lúc 00:40 3 tháng 6, 2008  
Anonymous HOÀNG KIM nói...

Thế mà có người lại cho rằng " Làm PTTT dễ ợt, chẳng qua chỉ cần đọc rồi phát trực tiếp lên sóng là xong". Giá kể nhiều bạn đồng nghiệp đọc được các bài viết này của anh, chắc chắn chất lượng CTPTTT của các nhà Đài sẽ tốt hơn. Em cũng cho rằng để có 1 chương trình PTTT hấp dẫn thì sự phối hợp của cả êkíp thực hiện là yếu tố quan trọng hàng đấu.

lúc 01:00 3 tháng 6, 2008  
Anonymous Huy Đẹp Trai nói...

hihi và trong nhiều chương trình, các bộ phận hợp tác - liên lạc nhau qua bộ đàm và microphone nên lâu lâu ta được nghe bao nhiêu tiếng họ trao đổi với nhau! hihi

lúc 22:21 3 tháng 6, 2008  
Anonymous Huy Đẹp Trai nói...

ma hông chỉ mấy chương trình trực tiếp, tất cả các chương trình đều cần phối hợp nhịp nhàng với nhau!
chỉ có điều làm trực tiếp thì độ khó cao hơn thôi!

lúc 22:23 3 tháng 6, 2008  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ