Thứ Năm, 22 tháng 5, 2008

KHI ĐỊA DANH TRỞ THÀNH THƯƠNG HIỆU




Cậu con trai nhỏ của tôi cứ lẵng nhẵng theo mẹ vòi vĩnh mỗi lần nghe tiếng rao: “Bánh mì Sài Gòn, một ngàn một ổ”. Vợ chồng tôi hoàn toàn không thích cho con ăn cái thứ bánh bán dạo ấy chút nào. Bánh được ủ trong một cái lồng, phủ lên một lớp bao bố dày, trông rất đáng ngờ. Nhưng trong nhà tôi, từ mẹ già, chị ruột đến con trai khi nghe tiếng rao đều thích chạy ra cổng, mua một ổ nhỏ nhỏ xinh xinh, nóng hổi giòn rụm vào lúc nửa buổi khi bụng đã bắt đầu cồn cào…

1.

Dạo này, tiếng rao “bánh mì Sài Gòn, đặc ruột thơm ngon” có vẻ lạ tai. Để ý mới rõ, bánh đã lên “2 ngàn 1 ổ” chứ không còn 1 ngàn như nhiều năm trước. Tiếng rao được thu sẵn vào thẻ nhớ, phát lặp đi lặp lại rất đơn điệu, nhưng vẫn kích thích được nhiều người. Thằng con trai lại vòi xin mua bánh mì khi tôi còn đang ngẫm nghĩ…

Ngoài phố, cách nhà tôi vài trăm mét có bao nhiêu thương hiệu bánh nổi tiếng, bánh rất chất lượng: nào là Kinh Đô, Long 'sandwich, Thiên Ngọc Phát… Thế mà mấy bà mấy chị lại vẫn dành tình cảm cho “bánh mì Sài Gòn”, thứ bánh bán dạo mà qua tìm hiểu, tôi biết, nó được sản xuất thủ công, rất thủ công, ngay tại thành phố nhỏ tỉnh tôi đang ở, chứ không ai mất công đem từ Sài Gòn xa xôi về đây cả (và nếu mang từ Sài Gòn về thì nó cũng khó còn nóng giòn như thế!). Chất lượng và công nghệ sản xuất chưa đủ tiêu chuẩn để khoác lên loại bánh ấy một tên tuổi lớn: Sài Gòn!

Tôi lại chợt nghĩ liệu có mối liên hệ nào không giữa cái bánh mì nhỏ nắm trong lòng bàn tay có giá 1, 2 ngàn đồng ấy với những cửa hàng Mắt kiếng Sài Gòn, Vi tính Sài Gòn, Trung tâm sửa xe gắn máy Sài Gòn, Hủ tiếu Sài Gòn, Ngoại ngữ Sài Gòn, Xe đạp Sài Gòn… có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu trong các đô thị, thị trấn, thị tứ ngoài địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Thì ra cái tên gọi “Sài Gòn” có sức hấp dẫn, sức “nặng” của một nhãn hiệu cầu chứng về chất lượng, uy tín... chứ không chỉ là địa danh. Hơn nửa thế kỷ trước, người dân miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long vẫn trông về nơi đô hội này mà nói: “Đèn Sài Gòn ngọn xanh, ngọn đỏ / Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ, ngọn lu…”. Quán ăn mang tên Sài Gòn, tiệm may mang tên Sài Gòn có mặt với mật độ cao ở thủ đô Hà Nội và nhiều thành phố lớn trên thế giới. Nhiều tờ báo từ thành phố Hồ Chí Minh cũng dùng danh xưng Sài Gòn trên manchette: Sài Gòn Giải phóng; Sài Gòn Tiếp Thị; Doanh nhân Sài Gòn, Sài Gòn Mới v.v… Đối với nhiều người dân nông thôn phía Nam hiện nay, Sài Gòn vẫn là một trung tâm lớn, một thương hiệu ăn sâu trong tiềm thức.

Chẳng phải vì cái sự vần vè trong câu rao mà những anh bán bánh mì dạo thành phố quê tôi lại cứ nhất nhất phải lấy tên Sài Gòn đặt cho loại bánh không hề sản xuất ở thành phố Hồ Chí Minh. Những người bán bánh mì dạo như anh ta đã biết “mượn” một thương hiệu lớn để gán cho một sản phẩm “nhỏ”.

2.

Cách đây một năm, câu chuyện tranh chấp thương hiệu Champagne - tên một loại rượu vang nổi tiếng thế giới đến mức ở Việt Nam nó được hiểu như một danh từ chung: “sâm banh” – được báo chí thế giới quan tâm. Chuyện rằng, Champagne là tên của 2 ngôi làng thuộc 2 quốc gia: Pháp và Thụy Sỹ, sát biên giới nhau. Từ hơn một thế kỷ trước, dân làng Champagne của Thụy Sỹ và của Pháp đều có nghề trồng nho và cất rượu vang giống nhau. Để phân biệt chuyện trùng hợp có tính chất lịch sử này, người ta gọi ngôi làng Champagne của Thụy Sỹ là "Champagne nhỏ" còn làng Champagne của Pháp là "Champagne lớn".

Chuyện thành rắc rối cách đây hơn 30 năm khi thương hiệu Champagne trở nên quá nổi tiếng. Cuộc tranh chấp tên gọi một loại vang của 2 quốc gia này nổ ra đến nay, phân xử chuyện này cuối cùng là… Tòa án Liên minh Châu Âu.

Người Thụy Sỹ đã thua trong cuộc chơi thương hiệu này dù cái tên làng Champagne của họ từng tồn tại từ thế kỷ thứ 9. Nguyên nhân thua có thể vắn gọn như sau: Cả hai loại rượu vang sản xuất từ 2 làng mang tên Champagne của Thụy Sỹ và Pháp được bán ra thị trường về cơ bản chất lượng như nhau. Nhưng đã có một thời trong quá khứ, làng Champagne Thụy Sỹ dùng những tên gọi khác cho sản phẩm của mình như "Bonvillars", "Corcelles". Khi Champagne bắt đầu tạo tiếng vang trên thị trường thế giới, người Pháp đã nhanh chân đăng ký nhãn hiệu cho rượu vang vùng Champagne của mình. Lúc người Thụy Sỹ ý thức ra rằng cái tên làng Champagne đã trở thành tài sản quý thì mọi sự đã quá muộn.

Cái lý lẽ của người Thụy Sỹ khi đi kiện là không có luật lệ quốc tế hay quy định nào của châu Âu quy định rằng nhà sản xuất không được phép đặt tên sản phẩm theo tên địa danh nơi họ đang sống. Thụy Sỹ có làng Champagne thì họ có quyền lấy tên Champagne cho loại rượu của mình!

Còn lý lẽ của Tòa án Liên minh châu Âu là với một loại sản phẩm thì chỉ có một thương hiệu. Làng Champagne của Pháp được quyền sử dụng cái tên này vì người Pháp đã đăng ký nó thành nhãn hiệu hàng hóa từ năm 1974.

3.

Chuyện nhãn hiệu Champagne xứ người không hoàn toàn xa lạ với Việt Nam trong tiến trình hội nhập và đi vào quỹ đạo cơ chế thị trường. Những người bán bánh mì dạo có thể lạm dụng địa danh Sài Gòn cho những sản phẩm bình dân, doanh thu thấp của mình như một thủ thuật. Chẳng ai đi tranh chấp thương hiệu Sài Gòn với những người làm ăn quy mô nhỏ lẻ như vậy. Thế nhưng, thủ thuật làm ăn đó cũng có thể trở thành “lớn chuyện” với những mặt hàng, những loại dịch vụ, những hoạt động sản xuất kinh doanh tinh vi hơn. Và biết đâu, thương hiệu Sài Gòn cũng sẽ là vấn đề pháp lý nảy sinh trong một thời gian không xa nữa.

Dù gì thì người dân thành phố Hồ Chí Minh cũng có quyền tự hào về cái thương hiệu Sài Gòn. Nhưng tự hào là một chuyện, còn ý thức làm cho nó ngày càng uy tín hơn, chất lượng hơn lại là chuyện khác.

-------------------------

Ảnh: Tiệm ăn "Sài Gòn" ở thủ đô một nước Châu Âu

Blog Page

Nhãn:

18 Nhận xét:

Anonymous Violet nói...

Vâng anh ạ! Vấn đề ý thức, thật nan giải, chắc kg chỉ là vấn đề của thương hiệu!
Sao để ý thức của cả cộng đồng cùng được nâng cao???

lúc 21:37 22 tháng 5, 2008  
Anonymous opoap nói...

hiện tại nhanh chân nhất là nên đi đăng ký bản quyền thương hiệu với giấy tờ pháp luật đàng hoàng chắc chắn rồi sau này thương hiệu có giá. :D
anh Tú có thương hiệu chi ko ạh?
Em nghĩ cụm từ sài gòn chưa có ai đăng ký đâu bây giờ mình đâng ký ngay để sau này ai dùng đến cụm từ đó là đều phải trả phí :D :D :D
cuối tuần ui vẻ anh nhé!

lúc 22:23 22 tháng 5, 2008  
Anonymous Huy Đẹp Trai nói...

trong làng nhậu thì có một lọai Bia Hơi Sài Gòn và Bia Hơi Hà Nội hihi
bia hơi Sài Gòn thì đi quán nhậu bình dân ở tỉnh thành nào cũng có!

lúc 22:53 22 tháng 5, 2008  
Anonymous Nhungkey nói...

Lần đầu tiên phải làm người bóc tem cho 1 entry của anh Tú nào! ^^ Ở HN, ko biết cái bánh mỳ SG đó đc làm từ đâu anh nhỉ? Chả nhẽ lại từ Đồng Nai chuyển ra?

lúc 00:07 23 tháng 5, 2008  
Anonymous Xoăn... nói...

:D thương hiệu giống như buoibienhoa á?

lúc 00:55 23 tháng 5, 2008  
Anonymous Yen Ha nói...

Những thủ thuật bán hàng theo kiểu này sách đã dạy nhiều lắm.Nhưng những người đi bán hàng rong không được lên lớp cũng làm được điều này rất tốt.
Câu chuyện thương hiệu trở thành đơn giản vì luật ở ta còn à uôm mờ.

lúc 00:57 23 tháng 5, 2008  
Anonymous hongdang nói...

Anh nói đúng quá, khi địa danh đã trở thành thương hiệu! Tuy nhiên, sức hút mạnh mẽ của thương hiệu này, theo tôi còn ở chỗ người ta chưa có được nhiều thông tin về nó, người ta thấy nó có nhiều điểm lạ so với địa phương của mình. Đối với Biên Hòa, hay Bình Dương, hay Long An chẳng hạn, sức hút của thương hiệu SG không mạnh bằng, vì chính các nơi đó là hầu như không khác gì nhiều so với SG, tóm lại là người ta không lạ. Còn một cô nàng Nam Định, hay một ông bác Thanh Hóa, 2 tiếng SG cứ như là ...cõi nào xa xăm vậy. Cũng nhất trí với anh về chuyện đã là thương hiệu thì phải quan tâm đến chuyện đăng ký, nếu không thì có thể mất trắng vào tay anh nào đó lạ hoắc. Chúc ngày vui. Sau khi "chiến đấu" ở HN, anh đã về chưa?

lúc 01:10 23 tháng 5, 2008  
Anonymous GRAPH nói...

Chỗ GRAP gửi con có tên là trường Chim non rất có tiếng tăm. Mấy trường trong thành phố cũng đặt tên ăn theo cái tên ấy. Vậy cái đó có liên quan gì tới thương hiệu hay đặc sản gì không anh?

lúc 04:59 23 tháng 5, 2008  
Anonymous Đăng Bình nói...

P/s: Quý vị có thể đọc được bài viết này của nhà baá PHan Văn Tú (Mỡ)trên báo Doanh NHân & Pháp Luật tháng 5/2008.

lúc 19:55 23 tháng 5, 2008  
Anonymous TT.huỳnh nói...

Bốn chấm roài lại líc hia
Câu chuyện dẫn dắt quay dìa phố tui
XầyGòn nhìu góc đen thui
Khi thành thương hiệu nghe bùi bùi sao!
:-)

lúc 01:40 25 tháng 5, 2008  
Anonymous Quỳnh Vy nói...

Anh viết hay quá! Anh làm doanh nhân coi bộ hợp à nghen.

lúc 23:53 25 tháng 5, 2008  
Anonymous Diemxua nói...

Từ cái bánh mì nhỏ mà anh nói được một vấn đề hơi bị to...

lúc 19:50 26 tháng 5, 2008  
Anonymous TKO nói...

“Bánh mì Sài Gòn, một ngàn rưởi một ổ đêêê!” :-)
Em rất thích ăn bánh mì chấm sữa đặc có đường! Ngon đáo để!
Vừa ăn vừa xem entry lý thú này của anh Tú , suy nghĩ cẩn thận về thương hiệu ...TKO! :-)
Anh hay thật, từ tiếng rao bánh mì gây sự chú ý của Ruốc mà anh viết thành entry hay hay! Anh gửi cho báo nào chưa anh! :-)

lúc 05:38 28 tháng 5, 2008  
Anonymous Diem xua nói...

Anh Tú có nhiều "suy tư" về Sài gon ghê luôn làm người SG như D mắc cở quá vì hổng nhiều entry về SG bằng anh. Mà cho dù có cũng không làm sao viết sâu sắc bằng.
Hôm trước còm cho Bằng Lăng D còn không nhớ là SG mình có bánh mì là "đặc sản" phải đợi BL nhắc mới nhớ đó anh ạh,híc
@TKO: Bé con tớ giống bạn hiền ghê luôn thích ăn bánh mì nóng với sữa đặ có đường. Hai cô cháu dễ nuôi thế không bít,hiii!

lúc 19:08 1 tháng 6, 2008  
Anonymous TKO nói...

Diễm xưa : Uh! Rất dễ nuôi! Mà hổng ai muốn nuôi mới chít! :-)

lúc 20:34 1 tháng 6, 2008  
Anonymous honhyday nói...

Hihi!
Anh Tú ơi, chuyện đó thì có gì là lạ đâu ngay vì Biên Hoà cách Sài Gòn có hơn 30km ah. Ra bắc, đi ngược lên Lạng Sơn, Cao Bằng rồi vào tận mấy làng bản xa xôi vẫn có bánh mì Sài Gòn đặc ruột thơm ngon nữa là. Và đặc biệt là cũng chỉ 1 ngàn 1 ổ (có thể giờ giá cả leo thang nên cũng tăng giá 2 ngàn/ổ rồi).
Có dịp về Cao Bằng anh Tú đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức bánh mì Sài Gòn trên đất Cao Bằng nhé!

lúc 02:17 3 tháng 6, 2008  
Anonymous Ši® ☼ †ŗŮńĢ nói...

:p

lúc 22:46 25 tháng 6, 2008  
Anonymous Ši® ☼ †ŗŮńĢ nói...

:p

lúc 22:47 25 tháng 6, 2008  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ