Thứ Tư, 30 tháng 4, 2008

CHUYỆN VĂN, CHUYỆN BÁO

Tuần báo “Văn nghệ” của Hội Nhà văn Việt Nam vừa ra số đặc biệt (số 17 và 18) nhân 30/4/2008.

Điều gây bất ngờ cho tôi là trong ấn phẩm “hoành tráng” như số báo xuân này, còn có một phụ bản 24 trang “Truyện ngắn miền Nam trước năm 1975”. Có 10 tác giả được chọn và giới thiệu (có in ảnh chân dung kèm “lý lịch trích ngang”) là BÌNH NGUYÊN LỘC, MƯỜNG MÁN, THẾ VŨ, HOÀNG NGỌC TUẤN, TRẦN DUY PHIÊN, NGUYỄN HOÀNG THU, VÕ HỒNG, NGUYỄN THỊ THỤY VŨ, CUNG TÍCH BIỀN, NGUYỄN THỊ HOÀNG.

Có vẻ như động tác giới thiệu các tác giả trước 1975 này có ý nghĩa chính trị (nhân chào mừng 33 năm ngày thống nhất) hơn ý nghĩa nghệ thuật. Nhưng dù sao ý tưởng này quả thật cũng đáng trân trọng.

Trong số đặc biệt này còn có bài viết đáng chú ý của nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, bài “Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975”. Họ Vương đã kể khá nhiều chi tiết liên quan đến nhiều nhân vật văn chương của hai miền trong một thời “đầy trắc trở”. Tuy chưa nói ra một cách tường minh, song bài viết của ông cũng cho thấy, dòng văn học miền Nam trong lúc đất nước còn chia cắt đã có tác động tới nhiều văn nghệ sĩ miền Bắc; hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình văn chương ở miền Nam những năm ấy đã có nhiều đóng góp tích cực (góp phần gìn giữ gia tài văn học quá khứ, tiếp nhận các lý thuyết thi pháp mới trên thế giới…)

Cùng với phụ bản giới thiệu 10 truyện ngắn trước 1975, trong số Văn nghệ đặc biệt này còn in truyện ngắn “Lông ngỗng trắng” của Mc Ammond Nguyen Thi Tu và bài phỏng vấn tác giả Việt kiều này cùng với phỏng vấn nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ (có in kèm ảnh chân dung).

Đây là truyện ngắn thứ hai của Mc Ammond Nguyen Thi Tu in trên Văn Nghệ trong năm nay tôi đọc được. Tôi có quen, và cũng khá thân với tác giả này vì chị từng làm báo ở Đồng Nai cùng chúng tôi những năm cuối thập niên 80. Trước khi xuất cảnh sang Canada để đoàn tụ cùng gia đình, khi còn là sinh viên Đại học sư phạm Quy Nhơn, chị đã từng có truyện ngắn in trên “Văn nghệ quân đội” (với bút danh Nguyễn Thị Tư).

33 năm, một quãng thời gian không ngắn cho công cuộc hàn gắn. Động thái này của Ban biên tập tuần báo “Văn nghệ” dường như là nỗ lực (dù còn rất dè dặt) trong việc kết nối dòng văn chương cũng như các sinh hoạt nghệ thuật của người Việt ở hải ngoại “hội nhập” với đời sống văn chương trong nước.

***

Câu chuyện của làng văn làm tôi giật mình nghĩ về làng báo. Lâu nay, các bộ giáo trình “lịch sử báo chí” (cũng như việc giảng dạy môn lịch sử báo chí ở Việt Nam) viết rất sơ sài về báo chí miền Nam trước 1975 và không xem dòng báo chí của người Việt hải ngoại là đối tượng cần nghiên cứu.

Rất nhiều bạn sinh viên báo chí hiện nay hầu như không biết gì (hoặc hiểu một cách hết sức phiến diện) về nền báo chí trước 1975 ở miền Nam và vì thế, càng khó có thể biết những đóng góp quan trọng của nó cho quá trình phát triển báo chí "chủ lưu" trong nước từ sau 30/4/1975 đến nay.

Lại chợt nhớ, thế hệ chúng tôi hồi học phổ thông, không được phép đọc Tự Lực văn đoàn hay Thơ mới (Đến thầy cô giáo dạy văn hồi ấy cũng chưa được đọc mà!). May quá, những cuốn sách của miền Nam in trước 1975 được chúng tôi lén lút chuyền nhau...

Blog Page

Nhãn:

12 Nhận xét:

Anonymous Quốc Ấn_ Mai nói...

Xét ở góc độ địch ta mà nói, "báo hải ngọai" hay "báo trước 1975 ở miền Nam" không được nghiên cứu đúng mức bởi bây giờ không nhất thiết phải "biết người..." do không cần "trăm thắng"???

lúc 22:40 30 tháng 4, 2008  
Anonymous sonlam _ nói...

Thế hệ tụi con, không hiểu "một cách phiến diện" cũng không biết phải hiểu như thế nào cho ra lẽ. Đành thôi !

lúc 02:37 1 tháng 5, 2008  
Anonymous CÙ HUYỀN nói...

Có một luận văn thạc sỹ văn chương định làm về thơ xuất bản ở đô thị Nam bộ trước 1975, nhưng đành dang dở vì bị răn đe ghê quá!

lúc 03:19 2 tháng 5, 2008  
Anonymous TOẠI NGUYỄN nói...

có ít nhất một bạn SV Báo chí, qua entry này đc biết - biết phải tìm gì đọc - để hiểu...

lúc 03:45 2 tháng 5, 2008  
Anonymous TORO nói...

Sự hòa giải dân tộc cần sự thành thật và trân trọng nhau. Cái đó ta còn "dè dặt" với nhau, trong khi đối với các cựu thù ngoại quốc Pháp, Nhật , Mỹ ta đã nồng ấm từ lâu rồi. Buồn quá bác nhỉ?!

lúc 03:47 2 tháng 5, 2008  
Anonymous TKO nói...

Em không biết chi ạ!
Em thích tấm hình cô gái minh họa! Rất đẹp! Suối tóc đen chảy xuống mượt mà! Cánh tay thon thả, những ngón tay xinh xắn nuột nà và cổ tay trắng nõn trong chiếc vòng vàng, lạ quá, rộng như vậy thì chiếc vòng không thể ở vị trí đó được ạ! Rồi sẽ về đúng vị trí thui hà! :-)

lúc 18:34 2 tháng 5, 2008  
Anonymous Diem xua nói...

Em cũng không bít chi ạh! Nhưng đọc entry này của anh thì bít thêm chút đỉnh ạh. Cám ơn anh Tú! Cuối tuần nhậu nai lai rai mà không "sai" anh hé, hiii!

lúc 19:03 2 tháng 5, 2008  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Ấn: bây giờ thương trường cũng là chiến trường. Truyền thông trong thời buổi hội nhập này cũng có thể “xét ở góc độ địch – ta” được. Vấn đề ở đây là chuyện khoa học, chứ không phải chuyện yêu – ghét!
@ Sonlam: Thà không biết vì không có cơ hội để biết vẫn tốt hơn là bị ép hiểu sai
@ Toại: Em nên tìm. Và đọc. Và ghi chép. Và tiếp cận với những người còn sống.
@ Toro: Đúng là như vậy. Riêng ở góc độ lịch sử báo chí, cần có cái nhìn khoa học.
@ HTGiap: Cái sai lầm bắt nguồn từ sự phủ nhận cảm tính đó.
@ Cù Huyền: Nếu thạc sĩ đó mà gặp được nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn sớm thì chắc chắn ông sẽ ủng hộ, động viên rồi!
@ TKO: Đúng là phụ nữ quan sát tinh tế quá. Anh đang chờ khi nào cô đó mỏi tay thì chắc sẽ làm rớt cái vòng vàng!
@ Diễm Xưa: Nhậu chắc không sai mà sẽ say đó!

lúc 20:23 2 tháng 5, 2008  
Anonymous HTGiap nói...

Hồi trước em cũng đọc truyện ngắn của chị Nguyễn Thị Tư, đã lâu lắm rồi không đọc lại chị ấy.
Còn chuyện báo chí thì hình như trong lĩnh vực này (và một số lĩnh vực khác), người ta vẫn còn quan điểm phủ nhận sạch trơn.

lúc 04:47 3 tháng 5, 2008  
Anonymous HQ nói...

Anh PVT "can đảm" thiệt đó ! Trong quan điểm "bạn thù" hiện đang ngư trị trong xã hội chúng ta thì biết thêm những gì của "thù" đều không là hay! Tuy nhiên cũng cần xem lại quan điểm "bạn thù" lỗi thời đó ! Những nhà báo của Nam Phong tạp chí, Đông dương tạp chí, Tự lực văn đoàn...cần đươc nghiên cứu Như nhà bác học Tương vỉnh Ký, nhà báo quốc ngữ cùa Nam bộ có ái biết gì dâu ?

lúc 20:55 3 tháng 5, 2008  
Anonymous HQ nói...

Anh PVT "can đảm" thiệt đó ! Trong quan điểm "bạn thù" hiện đang ngư trị trong xã hội chúng ta thì biết thêm những gì của "thù" đều không là hay! Tuy nhiên cũng cần xem lại quan điểm "bạn thù" lỗi thời đó ! Những nhà báo của Nam Phong tạp chí, Đông dương tạp chí, Tự lực văn đoàn...cần đươc nghiên cứu Như nhà bác học Trương vỉnh Ký, nhà báo quốc ngữ cùa Nam bộ có ái biết gì dâu ?

lúc 20:55 3 tháng 5, 2008  
Anonymous Hai Ha Adelaide nói...

"Ngày xưa", hồi chưa giải phóng, mẹ em cũng hay nghe và cùng mọi người truyền tay nhau các ấn phẩm của Trịnh Công Sơn, mãi cho đến tận sau này bả vẫn giữ thói quen hát nhạc Trịnh rất hay nhưng chỉ lí nhí trong cổ thôi, hát như chỉ cho mình nghe thấy. "Về sau chỉ dám nghe bằng cái cát-xét "cục ghạch" mở như thì thầm ý" - bà hay kể như vậy.

lúc 05:57 6 tháng 5, 2008  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ