Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2008

THẦY CỦA AI?




Báo Thanh Niên mới đây có bài phỏng vấn tiến sĩ Thích Nhật Từ, Tổng thư ký Ủy ban tổ chức quốc tế Đại lễ Phật đản LHQ 2008 nhan đề “Vesak LHQ 2008, cơ hội truyền bá thông điệp hòa bình!”. Nhà báo phỏng vấn xưng hô với người được phỏng vấn là "thầy" (Ví dụ: Thưa thầy, tại sao gọi là “Vesak LHQ”?). Xin lạm bàn vài ý nhỏ...

Trong thực tiễn tác nghiệp báo chí, phỏng vấn là vừa là phương thức thu thập thông tin vừa là một thể loại. Hoạt động phỏng vấn có đầy đủ các yếu tố cấu trúc của hội thoại và là một loại hội thoại đặc biệt – bởi trong cuộc hội thoại này, các tham thoại trực tiếp (nhà báo phỏng vấn và người được phỏng vấn) đều ý thức về những “tham thoại gián tiếp” dù có thể không nhìn thấy, không gặp (khán giả truyền hình, thính giả phát thanh, độc giả báo in…) và mục đích của ít nhất một bên tham thoại (nhà báo) là nhắm đến việc thông tin cho những “tham thoại gián tiếp” này.

Trong phỏng vấn, ngoài các nhân tố tham thoại trực tiếp, độc/khán/thính giả tuy không hiện diện song vẫn có thể hiểu ngầm là những tham thoại “gián tiếp”. Vì thế, phóng viên và người được phỏng vấn đều phải ý thức được hệ thống những qui ước trong việc giành lời, giữ lời, nhường lời trong hội thoại cũng như việc tôn trọng nguyên tắc hợp tác trong hội thoại hoặc việc khai thác hàm ý hội thoại (trong tương quan với tham thoại gián tiếp). Kết quả của cuộc phỏng vấn không chỉ là kết quả của quá trình giao tiếp giữa phóng viên và (những) người được phỏng vấn mà là quá trình “giao tiếp” qua kênh thông tin đại chúng giữa các tham thoại trực tiếp và các tham thoại gián tiếp. Trong rất nhiều yếu tố tác động đến kết quả này, có một yếu tố không kém phần quan trọng trong giao tiếp: đó là nguyên tắc lịch sự (principle of politeness).

Hoạt động của tham thoại là phóng viên trong phỏng vấn là một hoạt động đòi hỏi những nguyên tắc giao tiếp đặc biệt. Một người phóng viên khi được phân công phỏng vấn một nhà khoa học nhưng do vô tình hay hữu ý, nhà khoa học được mời lại là cha ruột của anh ta chẳng hạn, việc xưng hô trong quá trình phỏng vấn ấy cũng không thể tuân thủ nguyên tắc lịch sự thông thường (Chỉ có thể xưng: “Thưa ông, thưa giáo sư - tiến sĩ v.v…” chứ không thể “Thưa bố, thưa cha…”. Nhưng điều này vẫn không vi phạm các chuẩn mực xã hội theo nguyên tắc lịch sự. Bởi người phóng viên trong tác nghiệp phỏng vấn, họ đại diện cho một cơ quan thông tin đại chúng, câu hỏi của họ là câu hỏi của một cơ quan thông tin đặt ra cho nhà khoa học và điều quan trọng là, họ biết cuộc phỏng vấn đó nhằm đến một đối tượng họ cần tương tác trong giao tiếp: công chúng báo chí. Và giả sử trong số công chúng báo chí tiếp nhận cuộc phỏng vấn đó có người biết mối quan hệ giữa hai tham thoại trực tiếp trong cuộc phỏng vấn, không ai cảm thấy tổn thương, xúc phạm.)

Trong quá trình phỏng vấn báo chí (đặc biệt ở các dạng nội dung thông tấn), nhà báo đại diện cho cơ quan báo chí để trao đổi với người được phỏng vấn. Dù quan hệ ngoài xã hội như thế nào đi nữa, trong cuộc phỏng vấn chính thức, nhà báo cần xác lập tư thế là người thay mặt độc giả, khán giả, thính giả của mình để hỏi. Khi phỏng vấn tiến sĩ Thích Nhật Từ, Tổng thư ký Ủy ban tổ chức quốc tế Đại lễ Phật đản LHQ 2008, vì sao không xưng là “thưa ông” hay “thưa tiến sĩ” mà lại là “thưa thầy”?

Cứ thế này thì phỏng vấn một linh mục thì phải “thưa cha” như quan hệ giáo dân – linh mục trong cộng đồng Thiên Chúa Giáo?

Tiếng Việt vốn phức tạp/phong phú về đại từ nhân xưng. Thực tế hoạt động truyền thông cho thấy khó có thể đưa ra một tiêu chí chung cho sự chọn lựa này. Bởi còn những yếu tố khác chi phối các cuộc phỏng vấn như tính chất của nó chẳng hạn: chất vấn một đối tượng tham nhũng, hoặc tôn vinh một cá nhân có nhiều cống hiến (mô hình chương trình “Người đương thời” của VTV), phỏng vấn một chính khách, phỏng vấn một người nước ngoài có thông dịch, phỏng vấn một bà mẹ Việt Nam anh hùng, phỏng vấn nghệ sĩ lớn tuổi/nhỏ tuổi trong một chương trình văn nghệ v.v…

Vì thế, cảm nhận đúng để chọn lựa đúng cách xưng hô thể hiện bản lĩnh và tay nghề của nhà báo vậy!

Nhãn:

45 Nhận xét:

Anonymous Đăng Bình nói...

Em ruột của mẹ tôi là hoà thượng Thích Thiện Thắng, trụ trì chùa Pháp Hoa ở Long Thành, Đồng Nai. Ông mất năm 2002 rồi. Tôi thấy khi ông còn sống, mẹ tôi, tôi và mọi người đều một hai thưa thầy khi bạch chuyện với ông. Lẽ ra mẹ tôi nói "em khoẻ không?" thì hỏi "thầy khoẻ không?". Rõ ràng người thân của cậu tôi ý thức rằng nếu xưng hô như ngoài đời thì coi như ông cậu chưa đi tu vậy.
Còn chuyện nhà báo phỏng vấn một nhà sư, xung hô "thưa thầy" không có gì là sai cả, thầy ở đây không phải là "thầy giáo" mà là thầy chùa, tức nhà sư. Tiếng "thầy" là cách xưng hô đầy kính trọng của mọi người đối với nhà sư. Đại từ nhân xưng của Vn rất phong phú nó thể hiện bản sắc văn hoá của Vn, chứ không phải "ngộ- nị" như Trung Quốc hay "I - You" của Tây, cho nên trên truyền hình chúng ta vẫn thấy MC hỏi chuyện nhân vật đang đối thoại mà vẫn xưng là "thưa bác", "thưa chú" chứ ít khi thưa ông. Bài phỏng vấn của Tn lẽ ra tít và chú thích không nên viết là "tiến sĩ Thích Nhật Từ" mà gọi "Hoà thượng Thích Nhất Từ" mới đúng, vì tiến sĩ thì không mang họ Thích của Phật tổ. Đặt chữ Tiến sĩ trong bài khiến người ta có cảm giác đây mlà một ông thầy giáo hơn là ông thầy tu trong khi ảnh là một ông thầy chùa rành rành ra đó.

lúc 02:45 10 tháng 5, 2008  
Anonymous Tuệ Hoan © nói...

vâng, đúng lý, phóng viên nên gọi bằng danh xưng cụ thể ví dụ hòa thượng, thượng tọa... hoặc căn bản nhất là thưa ông !

lúc 18:51 10 tháng 5, 2008  
Anonymous TORO nói...

Đã có thầy chùa than phiền về Phật tử đến lẽ chùa không xưng "con" mà xưng "tôi". Một PGS dạy Hán Nôm cho các sư đã giảng : Họ xưng "tôi" là được rồi, bản thân tiếng "tôi" đã rất khiêm nhường, "tôi tớ", "tôi đòi", "bề tôi"...là người tự xưng đã hạ mình, theo đúng nguyên tắc "hô thì tôn, xưng thì khiêm".
Em đồng ý về nguyên tắc với bác Tú trong chuyện xưng hô khi phỏng vấn. Xin bổ sung một ví dụ, khi Phan Huyền Thư phỏng vấn mẹ là NSND Thanh Hoa trên TV lại "thưa chị"- theo tôi nên "Thưa nghệ sĩ" chuẩn hơn và nghe cũng không chướng khi nhiều người biết đó là quan hệ mẹ con.

lúc 19:19 10 tháng 5, 2008  
Anonymous TORO nói...

Đã có thầy chùa than phiền về Phật tử đến lẽ chùa không xưng "con" mà xưng "tôi". Một PGS dạy Hán Nôm cho các sư đã giảng : Họ xưng "tôi" là được rồi, bản thân tiếng "tôi" đã rất khiêm nhường, "tôi tớ", "tôi đòi", "bề tôi"...là người tự xưng đã hạ mình, theo đúng nguyên tắc "hô thì tôn, xưng thì khiêm".
Tôi đồng ý về nguyên tắc với bạn Tú trong chuyện xưng hô khi phỏng vấn. Xin bổ sung một ví dụ, khi Phan Huyền Thư phỏng vấn mẹ là NSND Thanh Hoa trên TV lại "thưa chị"- theo tôi nên "Thưa nghệ sĩ" chuẩn hơn và nghe cũng không chướng khi nhiều người biết đó là quan hệ mẹ con.

lúc 19:22 10 tháng 5, 2008  
Anonymous CÙ HUYỀN nói...

Mình thì không nghĩ là có ai đó có thể hiểu "thầy" ở đây là thầy giáo, thầy mẹ, thầy u... được.
Mình cũng biết đã có trường hợp một phóng viên kỳ cựu của truyền hình Đồng Nai khi phỏng vấn giám mục Nguyễn Minh Nhật, giám mục chính toà giáo phận Xuân Lộc, cũng một mực gọi ông là "Thưa cha".
Mình thì không đồng tình với cách xưng hô đó. Không có gì là khiếm nhã khi thay "thưa cha" bằng "thưa giám mục" hay "thưa linh mục". Và trong bài phỏng vấn trên Thanh Niên, mình đồng tình với phương án "thưa hoà thượng...". Như thế là vừa đủ trong tương quan giữa người được phỏng vấn với người phỏng vấn. Và cũng vừa đủ trong tương quan giữa người được phỏng vấn với công chúng báo chí.
Có giảng viên dạy môn "phỏng vấn báo chí" nào quan tâm đến entry này không nhể. Vì đây là một trong những nội dung của môn học này.

lúc 21:27 10 tháng 5, 2008  
Anonymous An Thảo nói...

Hồi xưa, mẹ em vào dạy một tiết Sinh ở lớp em. Em đứng lên thưa Cô. Suýt thì thưa Mẹ. Hihi.

lúc 21:47 10 tháng 5, 2008  
Anonymous Quốc Ấn_ Mai nói...

Cũng còn tùy vào thể lọai PV. Đa phần xưng tôi-ông, tôi- bà là ok nhưng các trường hợp khác, ví dụ như pv 1 e hs giỏi, 1 nữ nghệ sĩ trẻ chẳng hạn. Gọi hs bằng em và nữ nghệ sĩ bằng tên hay bằng cô thì hợp lý hơn.

lúc 22:01 10 tháng 5, 2008  
Anonymous Mr. Do nói...

Thưa cô thưa bác thưa thầy
Thưa anh thưa chị đừng rầy tui nghe

lúc 22:13 10 tháng 5, 2008  
Anonymous lanhkts nói...

Không chừng có cả "Thày"(U) và "Thầy"(giáo) của "ông Thầy" này cũng đọc bài báo này đó nhen !

lúc 23:04 10 tháng 5, 2008  
Anonymous Nó Đây Rồi nói...

Em thì em chả có bài bản gì mà chỉ nói theo cách mà người Việt thường ứng xử với nhau thôi.
Cách xưng hô của chúng ta có cái hay và có cái dở. Hay dở thế nào em nghĩ nhiều người đã biết rồi. Quan trọng là chúng ta có biết khai thác cái hay và hạn chế cái dở hay không. Em nghĩ không nên quá cực đoan và Tây hóa báo chí VN.
Lúc trước em rất dị ứng (thậm chí là thấy hỗn hào) mỗi lần báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ (thanh niên, tuổi trẻ) phỏng vấn những người trên 60 tuổi mà kêu bằng anh xưng tôi (không xưng con xưng cháu). Nhưng sau suy nghĩ lại thì thấy khác.
(Giờ em bận rồi, một lát dìa nhà em sẽ nói tiếp về vấn đề này để anh nghe thử xem sao)

lúc 00:27 11 tháng 5, 2008  
Anonymous OverAC GPE nói...

Hì, Một entry mở màn cho một cuộc hội thoại đầy ý nghĩa.
@ Bác Tú: Em có suy nghĩ giống bác Trau ở đoạn "Ấy dà, câu kết của bác Tú hơi nặng đô à nha. "bản lĩnh và tay nghề của nhà báo" ý bác Tú muốn nói đến tác giả bài phỏng vấn, người biên tập hay ngừơi duyệt cuối cùng cho bài báo đến với bạn đọc?"
Nhưng đọc qua toàn bộ các còm mới thấy rõ được nhiều vấn đề trong xưng hô giao tiếp. Có vẻ như "đã là dạy thì phải đánh cho đau chứ đánh nhẹ thì chẳng có tác dụng gì".
Cảm ơn tất cả mọi người.

lúc 00:58 11 tháng 5, 2008  
Anonymous HTGiap nói...

Không phải thầy của em, bác ạ. Dù ông ấy là tiến sĩ!

lúc 03:52 11 tháng 5, 2008  
Anonymous Mr. Do nói...

Bài viết của anh rất hay. Hình như hồi trước có ai đó phỏng vấn bà Trương Mỹ Hoa đã bắt đầu bằng: "Thưa chị,..."

lúc 03:53 11 tháng 5, 2008  
Anonymous HTGiap nói...

Hà hà, không ngờ bợ được con tem của bác Tú, người định mua ngựa.

lúc 03:54 11 tháng 5, 2008  
Anonymous HTGiap nói...

Nhà thơ Lê Gành, người khá nổi tiếng thời SV xuống đường chống Mỹ ở Huế, hiện là trưởng Ban Bạn đọc báo Bình Định, kể: Vừa rồi, anh ấy ra hiệu thuốc Tây mua thuốc. Gặp một ông thầy chùa còn khá trẻ, ông này bảo: "Con tránh ra cho thầy đi", vậy là bác ta chỉnh liền (đại ý): Tôi không phải đệ tử của ông, đề nghị ông xưng hô cho đúng mực!

lúc 03:58 11 tháng 5, 2008  
Anonymous Nó Đây Rồi nói...

Bài viết của anh rất hay nhưng anh áp dụng vào trường hợp cụ thể này thì em thấy nó sao sao đó. Thầy giáo, thầy thuốc, thầy tu (chưa kể thầy theo kiểu... ba thằng Tâm gặp gỡ má thằng Tâm) thì bất kể già trẻ hay chức vụ cao thấp đều có thể gọi họ là thầy. Đâu có sao đâu anh. Thầy ở đây hình như không có nghĩa là người dạy họ hay "cấp trên" đâu. Thậm chí khi kinh rẻ hay chửi bới người ta cũng có thể gọi thầy được vậy. vd: Thầy biến đi; thầy là đồ súc vật, con nhỏ như vậy mà thầy...

lúc 04:14 11 tháng 5, 2008  
Anonymous Xoăn... nói...

:D. Cẩn thận chứ ạ, hình như cái cô phỏng vấn kêu "Thưa chị..." cũng bị khiển trách đó.

lúc 04:17 11 tháng 5, 2008  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ HTGiap: Nhưng cũng không phải thầy của mình luôn. Câu chuyện bác Lê Gành thật đáng cho các nhà báo rút ra kinh nghiệm làm nghề đó.
@ Mr. Do và @Xoăn: Mình có biết câu chuyện phỏng vấn truyền hình trực tiếp từ Hải Phòng trong trận chung kết bóng đá nữ tại SEAgames 22.
@ No day roi: Thực ra, một đại từ xưng hô trong tiếng Việt cũng bị chuyển nghĩa trong rất nhiều tình huống nói năng. “Thầy”, “ông”, “bác” v.v… trong nhiều trường hợp có nghĩa khác với nghĩa thông thường. Nhưng trong nội dung phỏng vấn như bài mình nêu, khó có cách hiểu khác…

lúc 04:43 11 tháng 5, 2008  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Đăng Bình:
1. Mình có biết hòa thượng Thích Thiện Thắng và câu chuyện làm thuốc đông y của ông. NHà văn Nguyễn Minh Châu từng vào chùa Pháp Hoa (Long Thành) để chữa bệnh.
2. Mình không đồng ý với Đăng Bình về chuyện nhà báo phỏng vấn nhà sư mà xưng "thưa thầy", ngay cả với báo Giác Ngộ cũng vậy. Trước và sau cuộc phỏng vấn, trong chuyện trò, phóng viên xưng hô "thưa thầy" thì bình thường để tỏ lòng kính trọng. Nhưng trên báo, đặc biệt là báo chí nhà nước, thì cách xưng hô như vậy không phù hợp.
3. Phát hiện về chuyện học vị tiến sĩ của Đăng Bình rất thú vị. Thanks.

lúc 04:52 11 tháng 5, 2008  
Anonymous Hai Miền Đông nói...

Người Việt ta vốn quen gọi thế rồi! Chắc cũng do ảnh hưởng từ các cụ mà ra. Một phần cũng do kính trọng bậc tu hành vậy!
Tuy nhiên, cũng có các "thầy" rất khoái được kêu "thầy" mặc dầu "thầy" cũng chỉ đáng bậc cháu con!
Theo thiển ý của Hai tui, chắc ta cũng nên xem lại vấn đề này để xưng hô sao cho thật thỏa đáng!
Vài lời góp dzui bên nhà cha hàng xóm dzậy! Mong bà con đưa thiêm ý kiến!

lúc 05:52 11 tháng 5, 2008  
Anonymous MỌI và MỌI mà thôi nói...

theo em biết, Thầy ở trong Phật giáo thể hiện một bậc tu thì phải. PV này không nên gọi vị này là Thầy vì vị này có giáo chức là Đại đức thì phải.

lúc 18:30 11 tháng 5, 2008  
Anonymous Nó Đây Rồi nói...

...
Theo em nghĩ, cách xưng hô không nên cứng nhắc mà cần phải tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố như:
1. Đối tượng được phỏng vấn:
Với ông Nguyễn Thiện Nhân chúng ta có thể có nhiều cách xưng hô khác nhau tùy theo cách chúng ta nhìn về ông khi phỏng vấn: Công dân, bộ trưởng, phó TT, thầy giáo, phụ huynh, đảng viên, hội trưởng hội phụ huynh, ông chồng, nạn nhân, người gây tai nạn, bệnh nhân, nguyên đơn, bị cáo…
vd:
- Báo Thanh Niên phỏng vấn ông Nhân (một người cha) về việc cho con gái đi chơi qua đêm: “Thưa chú, chú có thể cho báo Thanh Niên chúng cháu biết chú sẽ làm gì khi con gái chú xin đi chơi qua đêm”.
(Cách xưng hô như vậy sẽ tạo sự thoải mái cho ông Nhân vì một người cha có thể có những ứng xử và cách nói năng khác với một Bộ trưởng. Con BT cần làm gương, những phát biểu của BTrưởng GD cần chuẩn mực cho cả nước, còn cụ thể ở hoàn cảnh con của ông Nhân thì có thể (nếu không muốn nói là đượng nhiên) phải khác với con của dân lao động nghèo, con của nhà không có chức quyền… (giả sử: con BTrưởng có thể dễ bị ai đó hại để có thể nổi tiếng hay để gây áp lực trong các quyết định của ông Nhân…)
- Báo TN phỏng vấn ông Nhân (với tư cách là một Đảng viên) về đường lối chính sách: Đồng chí có thể cho biết…
- Báo TN phỏng vấn ông Nhân (với tư cách là một Hội trưởng Hội PHHS): Thưa ông Hội trưởng HPHHS, ông nghĩ gì khi đề nghị phụ huynh đóng tiền…)
2. Tư cách của người phỏng vấn::
- Báo là người trực tiếp phỏng vấn.
- Báo thay mặt độc giả (tổng hợp ý kiến của độc giả rất nhiều lứa tuổi khác nhau) để phỏng vấn.
- Báo phản ánh lại (kể lại) một buổi phỏng vấn (dù người phỏng vấn đang là người của Báo).
-------------------------
Bây giờ anh xem sự khác nhau giữa:
+ Nhân dịp đến thăm bệnh chú NTN (Btrưởng Bộ…) Báo TN chúng tôi có phỏng vấn chú để biết những cảm nghĩ của chú về cách ứng xử của các bác sỹ. (cảm nghĩ của bệnh nhân, bệnh nhân nói với báo).
+ Nhân dịp đến thăm bệnh Btrưởng Bộ GDĐT NTN, Báo TN chúng tôi có phỏng vấn BT… (cảm nghĩ của BT; xưng hô với BT. Chú ý một điều là Báo đã đặt ông NTN vào vị trí của một BT nên ông chỉ có thể góp ý với bác sỹ chứ không thể ra lệnh, chỉ đạo người của ngành khác). Thưa BT, CHÚNG TÔI muốn hỏi… (Một cơ quan báo chí phỏng vấn; ông BT đang trả lời báo chí)
+ Nhân dịp đến thăm bệnh Btrưởng Bộ GDĐT NTN, Báo TN chúng tôi có phỏng vấn BT… Thưa chú, CHÚNG CHÁU muốn hỏi… (Báo đang đại diện cho thanh niên; ông BT nói với thanh niên)
+ Nhân dịp đến thăm bệnh Phó TT NTN, Báo TN chúng tôi có phỏng vấn Phó TT… (Khi được đặt ở vị trí Phó TT ông NTN mới có thể trả lời: Tôi sẽ đề nghị (ra lệnh cho) BT Bộ y tế…)
+ Nhân dịp đến thăm bệnh một bạn học cũ, anh NTN (hiện là Phó TT), tôi có phỏng vấn anh ấy về một số vấn đề... “ - Này Nhân, cậu (mày) nghĩ gì khi tớ (tao) bảo mấy bác sỹ bệnh viện này là cái đám bất lương…” (Bạn hỏi và trả lời bạn).
+ Sau những ngày bên cạnh ba tôi, ông NTN (hiện là BT Bộ GDĐT), tôi có phỏng vấn ông một số vấn đề… “- Thưa ba, ba nghĩ gì khi con bỏ học ra mở công ty?” (Con hỏi và trả lời với con)
(còn tiếp)
...

lúc 18:32 11 tháng 5, 2008  
Anonymous hongdang nói...

Tôi có suy nghĩ gần với TKO, tức là không quá câu nệ trong chọn lối xưng hô, miễn là: Chính xác (thể hiện quan hệ giữa người phỏng vấn và người trả lời), lịch sự và trong một số trường hợp có thể theo tập quán để bày tỏ sự "đồng nhất", hoặc sự kính trọng. Ví dụ gọi các chức sắc tu hành phật giáo là Thầy, hay gọi các chức sắc tu hành công giáo là Cha. Tôi tin không ai có thể vì thế mà hiểu nhầm, hay đánh giá khác đi nhân cách của người làm phỏng vấn. Trân trọng.

lúc 21:00 11 tháng 5, 2008  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

Rất hoan nghênh các anh chị, các bạn đã comment đóng góp ý kiến.
Xin được nói thêm 1 chút cho dễ trao đổi:
1. Chuyện rắc rối xưng hô trong phỏng vấn (trong báo chí tiếng Việt) xuất phát từ đặc điểm xưng hô trong tiếng Việt. Mà ngôn ngữ là sinh ngữ. Nó có đời sống, có quy luật, có quy ước. Khi tranh luận, cần thống nhất trong hệ quy chiếu này thì mới “cãi” nhau được. Lấy ngay một ví dụ trong entry này: Blogger Hai MĐ có còm men trên đây là người sống cùng thành phố với tôi. Tôi và anh ta chênh lệch tuổi tác cũng nhiều. Nhưng xưng hô khi đi nhậu thì anh anh – em em. Trong blog này là “cha hàng xóm”. Nghĩa là trong một không gian giao tiếp cụ thể, blogger Hai MĐ có thể đổi vai. Nếu lấy tiêu chí đạo đức xã hội mà áp vào thì chúng tôi sẽ bị vi phạm. Hoặc blogger HTGiáp – tức nhà báo Huỳnh Thúc Giáp – Tổng thư ký tòa soạn báo Bình Định, lúc nào cũng xưng “em” với tôi vì anh nhỏ tuổi hơn. Nhưng không bao giờ tôi gọi “em” với anh Giáp vì tôi tôn trọng anh. Điều đó xuất phát từ quan niệm ứng xử. Và ai cũng tôn trọng sự chọn lựa này của chúng tôi. Nhưng khi tôi trao đổi với HTGiap trên không gian blog mà lại gọi “mày – tao” chẳng hạn, sẽ có người phản ứng ngay, dù tôi có thể cãi rằng, đối với người Nam bộ, gọi nhau “mày – tao” là thân mật lắm.
2. Phỏng vấn là một thể loại báo chí nằm trong nhóm thể loại báo chí thông tấn. Mặc dù vậy, phỏng vấn còn được giao thoa, đan xen với nhiều nhóm thể loại khác (như chính luận, ký..). Nếu các anh chị đọc kỹ, trong entry, tôi nhấn mạnh “đặc biệt ở các dạng nội dung thông tấn” của phỏng vấn.
Các nhóm thể loại trong báo chí có những đặc điểm riêng. Nếu ở nhóm ký báo chí, cái “tôi trần thuật” của tác giả có cơ hội thể hiện như một đặc trưng “trội” thì ở thể loại tin, yêu cầu khách quan trong việc phản ánh sự kiện là một tính “trội” . Không ai phát biểu cảm xúc khi đưa tin cả. Phỏng vấn là một thể loại có họ hàng với tin (nằm trong nhóm thông tấn). Và vì thế, không ai bày tỏ cảm xúc trong làm phỏng vấn để giữ được tính khách quan khi phản ánh thông tin qua phương thức hỏi – đáp này.
Chọn cách xưng hô cũng là chọn thái độ biểu cảm.
Mong các anh chị và các bạn tiếp tục trao đổi.

lúc 22:09 11 tháng 5, 2008  
Anonymous Yen Ha nói...

Đúng là cách xưng hô rất quan trọng khi phỏng vấn. Em nhớ có lần trong dịp Seagames, một phóng viên truyền hình phỏng vấn bà Trương Mỹ Hoa đã gọi bà bằng "chị", gây phản ứng không tốt trong công chúng; rồi trong chương trình Con đường âm nhạc về nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, người mẫu Thúy Hạnh rất "tự nhiên chủ nghĩa gọi "Bác Điểu ơi", nghe rất hài hước.
Nghiệp vụ này em nghĩ phải được đào tạo khá cơ bản mới tránh được mắc lỗi.

lúc 22:10 11 tháng 5, 2008  
Anonymous taivnguyen2000 nói...

đồng ý hết trơn..... em chỉ gọi là "sư" không biết gọi như vậy có đúng không nữa. tiếp xúc người cạo đầu, có mặt áo "chùa" là mình gọi bằng "sư". đó là ý kiến của "bà ngoại" mình đó.

lúc 01:05 12 tháng 5, 2008  
Anonymous Cásấumẹ nói...

Anh Tú nghĩ sao về hiện tượng trên TV, trong các chương trình game show, nhất là phần trả lời phỏng vấn của các vận động viên VN, CSM thấy rất nhiều trường hợp người được phỏng vấn xưng "em" với phóng viên?

lúc 01:05 12 tháng 5, 2008  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Hai MĐ: Xưng hô trong đời sống của người Việt phong phú lắm, đây là cái chuyện mà những người nước ngoài học tiếng Việt khổ sở. Nhưng xưng hô trong đời sống khác với xưng hô trong truyền thông. Nhớ cách đây khá lâu, hình như 15 năm trước, câu chuyện “thưa quý vị và các bạn” hay “thưa các bạn” đã nổ ra (mình có tham gia bằng một bài viết trên Tuổi trẻ chủ nhật) cũng vì chuyện này.
@ TORO: Chi tiết về Phan Huyền Thư của TORO làm mình nhớ lại chuyện BTV Lý Chánh (của Đài Truyền hình TPHCM - HTV) trong một cuộc phỏng vấn nhà báo Chánh Trinh (khi ông còn sống) trong một chương trình truyền hình bình luận World Cup của HTV. Lý Chánh đã xử lý “thưa ông” rất hợp lý mặc dù ai cũng biết, Lý Chánh là con trai của nhà báo Chánh Trinh.
+ Có ai để ý 2 cái còm tưởng giống nhưng khác nhau trên đây của TORO? Một cách comment thông minh và sắc sảo! Thanks!
@ Tuê Hoan: Đồng ý với Tuệ Hoan!
@ Quốc Ấn: Tùy thuộc vào nội dung chứ!
@ Mr. Do và lanhkts: Chút thư giãn đúng lúc cho cái chuyện nhức đầu!
@ Cù Huyền: Đây cũng là vấn đề cần được mổ xẻ như một câu chuyện nghiệp vụ thú vị. Vì nó còn khá nhiều vấn đề. Chẳng hạn, vì sao các cán bộ Đoàn, cán bộ Hội LHTN Việt Nam lớn hay nhỏ tuổi đều được các báo xưng “anh” trong phỏng vấn hay dùng đại từ anh (thay vì đồng chí) trong tin tức? Vì sao bảng chữ tên/chức danh/nghề nghiệp được "key" dưới tên người phát biểu/phỏng vấn trong các chương trình truyền hình còn chưa thống nhất?
@ Trâu: Bác suy diễn vậy chết em. Câu kết của em, chuyện "bản lĩnh và tay nghề của nhà báo" chỉ muốn nói rằng do đặc điểm tiếng Việt và do sự khác nhau trong các tình huống, nội dung phỏng vấn, phóng viên phải đứng trước sự chọn lựa những cách xưng hô. Sự chọn lựa này mới thể hiện bản lĩnh (vì nó liên quan đến nghiệp vụ và ứng xử văn hóa).
@ Nodayroi: Cám ơn N đã quan tâm đến entry này và góp những ý kiến thú vị. Đúng là cách xưng hô trong phỏng vấn phụ thuộc rất nhiều yếu tố cũng như trong đời sống nói chung. Tuy nhiên có một điều khác căn bản, đó là nhà báo khi đi phỏng vấn trong một số tình huống cụ thể, họ vừa đại diện cho tiếng nói của tờ báo mà họ làm việc, họ vừa có tư cách cá nhân. Cái phức tạp nó nằm ở chỗ này. Xu thế giao thoa của truyền thông cá nhân và truyền thông đại chúng hiện nay cũng góp phần phá vỡ những nguyên tắc ứng xử cứng nhắc (thông qua xưng hô) như N nói. Vấn đề này mình cũng muốn xới lên để nghe ý kiến của cộng đồng, đặc biệt là các anh chị em và các bạn làm báo.

lúc 01:12 12 tháng 5, 2008  
Anonymous Nó Đây Rồi nói...

Hình như tôi đã thấy được một số vấn đề quan trọng và có được những câu giải thích cho những thắc mắc của tôi lâu nay khi xem những bài phỏng vấn trên báo hay trên TV. Tôi thử nêu 3 ý sau:
1. Hình như các bạn quan tâm đến việc lấy được, lấy đại, lấy đúng bài bản chứ không phải là lấy đúng thông tin?
Ông A cất một vật trong tủ. Tòa soạn cử tôi đến gặp ông A rồi làm sao đó để ông đưa vật đó cho tôi.
- người phỏng vấn không chỉ đơn thuần là người truyền tin mà còn là người thu thập tin Nhiệm vụ của tôi không phải là lấy được cái gì đó ông A đưa mà phải lấy đúng cái đang nằm trong tủ. Nếu trong tủ chứa trái cam mà tôi lấy về trái bưởi để giới thiệu cho mọi người là tôi thua.
- Trong đầu người ta ghét ông B, bài phỏng vấn trên báo là thương mến ông B. Thua!
- Ông A có tâm địa xấu xa bài phỏng vấn biến ông thành thánh nhân. Ôi, báo mà còn bị lừa.
Anh xưng hô làm người ta quê độ, người ta tự ái thì thông tin mà anh có được sau khi phỏng vấn liệu có chính xác không? (Như trong ví dụ của tôi, một người muốn người xung quanh coi mình trẻ mà mình khi phỏng vấn lại kêu họ là bác, là ông trước mấy em tre trẻ thì với tư cách là một độc giả, tôi xin hỏi sự thật mà người phỏng vấn có được là bao nhiêu phần trăm?)
Cách xưng hô đúng bài bản nhưng không giúp đối tượng thể hiện sự thật mình cần lấy thì liệu cái cách xưng hô đó có nên không?
DĨ NHIÊN ỨNG XỬ NHƯ CÁC BẠN KHÔNG CÓ GÌ LÀ SAI, VẤN ĐỀ LÀ QUAN NIỆM. NHƯNG THEO TÔI, LẤY ĐƯỢC ĐÚNG, ĐÓ MỚI LÀ THỂ HIỆN BẢN LĨNH VÀ TAY NGHỀ CỦA NHÀ BÁO.
2. Hình như các bạn chưa chú ý phân biệt rõ những vai trò sau: người đưa tin; người thu thập tin; người tham gia tin; người đưa tin + tham gia tin; người thu thập tin + người đưa tin + tham gia tin
3. Hình như các bạn chỉ quan tân đến việc đưa đến độc giả những tin hữu hình mà coi nhẹ (quên) những thông tin vô hình.

-----------------
- Anh Tú bảo: “Không ai phát biểu cảm xúc khi đưa tin cả”. Điều này hết sức chính xác nhưng nếu thể hiện cảm xúc để lấy được tin đúng thì cũng rất cần thiết. Viên đá đang nóng 40 độ đặt trong tủ anh đưa cái khăn lạnh vào lấy ra cho mọi người thì thông tin về nhiệt độ của viên đá mà người nhận tin của anh, nó còn chính xác nữa không?
Khi người ta đang đau thương vì mất chồng mất con, mà mình hỏi với một thái độ lạnh tanh như máy chẳng tình người thì làm sao người ta có thể trút cạn lòng cho mình và độc giả làm sao cảm được câu trả lời là thật?
Trong những giây phút đầy cảm xúc mà nói với nhau, xưng hô với nhau hết sức khách sáo, môi miếng thì làm sao độc giả cảm nhận được sự chân thật khi nghe họ trả lời?

lúc 01:38 12 tháng 5, 2008  
Anonymous Cuong nhabaotudo nói...

Xin phép tổng kết:
Một là: gọi "thày" cũng được, nếu người gọi "thày" là "Đồng đạo" với nhân vật.Trong trường hợp không phải vậy, e chừng hơi quy ước, hơi miễn cưỡng, không thực tâm.
Hai là: Khi phỏng vấn, để tạo không khí cởi mở có thể xưng hô gì cũng được, cho thân thiện, được việc (nhưng không trái đạo) nhưng khi biên tập, lên trang có thể "điều chỉnh" cho hợp tình hình.Ví dụ với dạng trên, có thể "thưa Ngài" là hay nhất.
Ba: Ví dụ về "thưa Cha" của Phan Tú rất đáng chăn trở.Mỗi tín đồ đạo giáo nào ngoài nghĩa vụ với đời còn một bổn phận, nghĩa vụ thượng tôn chính tôn giáo của mình.Trong trường hợp một Phóng viên là một tín đồ của đạo X không cùng tôn chỉ, thậm chí không công nhận tinh thần của đạo Thiên Chúa mà phải gọi vị Linh Mục kia là "cha" thì ít nhất là không thật lòng.
Bốn : Ở VN có những "Đặc thù " rất khó nói.Vào một Bộ chỉ huy một đơn vị quân đội lớn hoặc văn phòng UBND tỉnh, thấy chú chú chú, cháu cháu nhặng lên, coi rất bất tiện.Có lần tôi hỏi thăm ông PCT tỉnh, một ông có mặt nói "Cụ ấy vừa ra ngoài" tôi đành phải nhắc nhở: Cụ của anh, không phải cụ của tôi!.
Tôi được một người thân kể rằng : Khi cụ Hồ Chí Minh lên chủ tịch nước.Có một bà hình như là chị gái ra thăm, đến cơ sở chờ bác ra tiếp, bà này gọi bác bằng cậu, bằng em rất tự nhiên.Bà chủ nhà nhắc nhở "cả nước gọi là "cụ Hồ" nên bà cũng nên gọi như vậy.Bà kia kiên quyết không nghe, cứ gọi bằng danh xưng mà bà đã gọi em theo đúng đạo lí Việt Nam.
Tôi nghĩ bà này có lí.
Ngay bây giờ, khi kể chuyện, viết lách, tôi cũng không dùng chữ "bác" Hồ, mà dùng chữ "cụ Hồ" .Bác ruột tôi nếu còn sống cũng chỉ đáng tuổi con Cụ thôi, nên tôi chọn cách gọi thích hợp cho chính mình,không cần theo một quy ước nào cả.

lúc 01:58 12 tháng 5, 2008  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Nodayroi: khi viết "không ai phát biểu cảm xúc khi đưa tin cả" ý mình muốn nói là trong THỂ LOẠI TIN, nhà báo nước nào cũng được dạy là phải viết ra sự kiện khách quan, không "phát biểu" (hay viết ra) cảm xúc của mình, ý kiến bình luận riêng của mình. Cảm xúc của nhà báo, chính kiến của nhà báo thể hiện ở sự chọn lọc, sắp xếp chi tiết, sự kiện...
Tương tự như thế, trong phỏng vấn báo chí (đặc biệt là trong phát thanh, truyền hình) với các nội dung có tính chất thông tấn, nhà báo vẫn có nhiều cách thể hiện cảm xúc thông qua ngữ điệu, ánh mắt, thậm chí cấu trúc câu... chứ không phải chuyện xưng hô.
Ví dụ:
+ Xin ông vui lòng cho biết quý danh?
sẽ khác:
+ Tên ông là gì?
dù cách xưng hô không khác.

lúc 02:06 12 tháng 5, 2008  
Anonymous Nó Đây Rồi nói...


3. Xưng hô với người được phỏng vấn còn phải phù hợp với vùng miền.
Có nhiều bài phỏng vấn chúng ta cần phải chú ý vùng miền của người được phỏng vấn, vùng miền của độc giả.
- Mẹ (mệ, má) có thể cho chúng con biết suy nghĩ của mẹ (mệ, má) về lớp trẻ chúng con ngày nay?
- Hia có thể cho biết…
4. Thái độ của Báo.
Khi Báo đóng vai trò trực tiếp phỏng vấn, là người trong cuộc thì ở nhiều trường hợp Báo cần biểu lộ cảm xúc, có thái độ, có lập trường rõ ràng để độc giả có thể thấy Báo đang nóng giận, đang ủng hộ, đang chia sẻ, đang tiếc nuối… (xưng hô với một người mà Báo nghĩ họ oan (họ tốt) khác với một người Báo nghĩ họ đáng tội (họ xấu))
Nhịp dẫn cầu CT vừa sập. Cùng với một người có khi xưng hô là: Chú Tám ơi chú thấy trong người sao rồi. Chị Bảy ơi chị có được tin gì của anh Bảy chưa… Và cũng có khi là: Thưa ông, ông nghĩ gì khi làm ẩu để rất nhiều người phải bỏ mạng… Thưa bà …
5. Nội dung, diễn tiến, hoàn cảnh, không khí buổi phỏng vấn.
Về những vấn đề nghiêm túc hay vấn đề bên lề, giải trí…trong bối cảnh nghiêm trang, vui nhộn, tang thương, trong văn phòng, ngoài trời, vội vã, bình thản...
- Thưa bác Bảy, cháu thấy bác…
- Khoan, nhà báo phải gọi tui là anh Bảy Cứng tui mới nói chiện với nhà báo.
- Dạ tại cháu, à, tại em thấy anh chắc cũng khoảng trên 60 rồi nên em mới xưng hô như vậy. Thôi có gì mong anh bỏ qua.
- Ừa, giờ nhà báo hỏi gì cứ hỏi đi.
- Em thấy anh Bảy Cứng cũng đã lớn tuổi rồi mà sao anh lại dám liều mình nhảy xuống sông cứu cháu bé đó?
- Cái này là nhà báo hỏi kỳ nhen. Vợ tui thì tui phải cứu. Thằng nào mà nhào ra là tui bẻ nó lọi giò liền đó.

6. Độc giả mục tiêu:
Xác định độc giả mục tiêu chính xác sẽ giúp cho bài phỏng vấn hiệu quả, thành công hơn. Ngoài ra cũng cần phải xác định bài phỏng vấn sẽ là phỏng vấn chung chung hay phỏng vấn chuyên đề, chuyên ngành…
- Vì vậy trước khi thực hiện bài phỏng vấn cần phải xác định trước độc giả mục tiêu để người phỏng vấn có thể “nhập vai” hoàn hảo. Độc giả mục tiêu có thể là: cho cả nước, chỉ cho độc giả miền trung xem, chỉ cho đại biểu QH xem, cho giáo dân xem, cho những công nhân đang bãi công xem, cho đồng đội từng chiến đấu một thời xem, cho con cháu xem, cho kẻ thù kẻ bại trận xem hay là để cho đồng bào việt kiều xem…

-----------------------------------------
Cách xưng hô rất quan trọng:
- Nó giúp cho độc giả đọc được thêm nhiều thông tin bên ngoài cuộc phỏng vấn, kể cả những thông tin mà người trong cuộc không chú ý.
- Nó có thể tạo nên không khí cho một buổi phỏng vấn, làm cho người được phỏng vấn thoải mái, cởi mở, trút cạn tâm tư hay phải thận trọng nghĩ kỹ và thậm chí là làm người được phỏng vấn mất bình tĩnh để phục vụ cho ý đồ nào đó (phỏng vấn như hỏi cung. vd như sự khác nhau giữa: “Anh Tư, anh có thể cho chúng tôi biết tại sao anh lại đánh nó” và “Thằng chó kia, mày nói ông nghe“ )
- Cách xưng hô đúng còn có thể bảo vệ được người phỏng vấn và người được phỏng vấn trước những phản biện.

lúc 02:18 12 tháng 5, 2008  
Anonymous Nguyen Xuan Dien nói...

Entry quá hay. Mà các bàn luận cũng quá hay. Tôi đã lĩnh hội được rất nhiều ở các vị. Đa tạ! Đa tạ

lúc 04:06 12 tháng 5, 2008  
Anonymous Nó Đây Rồi nói...

Em có cảm nghĩ là đã nắm được hết ý vừa rồi của anh từ comment trước nhưng cách trả lời của em chưa thuyết phục. Để kiểm tra xem em hiểu có đúng không, anh giúp chỉ cho em xem ý kiến dưới đây đúng sai chỗ nào.
Ở thể loại tin thì … “phải viết ra sự kiện khách quan, không "phát biểu" (hay viết ra) cảm xúc của mình, ý kiến bình luận riêng của mình. Cảm xúc của nhà báo, chính kiến của nhà báo thể hiện ở sự chọn lọc, sắp xếp chi tiết, sự kiện...” là lẽ đương nhiên, theo logic nó phải là như vậy.
Bây giờ, Giả sử em là nhà báo đi phỏng vấn ông A. Em sẽ tuân thủ theo thể loại tin một cách cực đoan (100%) luôn. Em sẽ viết lên báo đúng 100% những gì em - người hỏi - đã hỏi (1 mẫu tin của người hỏi, sự kiện 1) và đúng 100% những gì ông A – người trả lời – đã trả lời (1 mẫu tin thứ 2, sự kiện 2). 2 mẫu tin đó được em chuyển lên báo đúng 100% mà không có chút gì tác động vô nó. Sự kiện em hỏi và sự kiện ông A trả lời đã được em phản ánh chính xác. Cảm xúc bực tức của ông A khi trả lời và cảm xúc nóng nảy của em khi hỏi cũng có thể là tin và 2 tin đó đã được em phản ánh cho độc giả chính xác 100% thì đâu có sai phạm gì trong tác nghiệp đâu?

lúc 04:38 12 tháng 5, 2008  
Anonymous Trau nói...

Ấy dà, câu kết của bác Tú hơi nặng đô à nha. "bản lĩnh và tay nghề của nhà báo" ý bác Tú muốn nói đến tác giả bài phỏng vấn, người biên tập hay ngừơi duyệt cuối cùng cho bài báo đến với bạn đọc?
Vì sao những ngừơi này quyết định chọn "Thưa Thầy..." mà không phải là thưa ông hay thưa tiến sĩ... Trâu không đoán được. Nhưng theo Trâu cách xưng hô này là chấp nhận được và cũng không hề làm mất tư thế cơ quan thông tấn. Trong tôn giáo, Thầy/cha là một "chức danh", cho nên thưa thầy/cha chả có vấn đề gì, miễn đừng xưng... con kèm theo như một cặp xưng hô mang tính thứ bậc làm liên đới đến "trọng lượng" của cơ quan thông tấn. Đi với bụt mặc áo cà sa... thôi.

lúc 05:25 12 tháng 5, 2008  
Anonymous TKO nói...

Thưa Thầy Tú em comt một chút ạ! (Em suýt theo nghề PV nên tôn anh làm Thầy kể cũng không quá chứ anh!:-))
Nếu bản thân phóng viên đó là một đệ tử Phật Giáo thì bản thân em cho rằng điều đó thể hiện sự kính ngưỡng! Khg can chi!
Hoặc giả không phải đệ tử Phật Giáo thì cũng không vì điều đó mà quá ảnh hưởng đến bản lĩnh hay văn phong hay cái gì gì cũng vậy!
Em cho rằng cũng không quá câu nệ trong cách xưng hô, cứ Thưa Ông, Thưa Bà/Cô là OK, và ... miễn không qụy lụy, bợ đỡ thì vẫn giữ được ...bản lĩnh í a nghề nghiệp ạ!:-)

lúc 05:41 12 tháng 5, 2008  
Anonymous Mèo Béo nói...

MB vừa viết một bài liên quan đến vấn đề xưng hô, copy một đọan thay còm anh Tú nhé!
"...Từ chữ “tôi” đến cái “tôi”
Nếu là người kỹ tính, chắc bạn sẽ có cảm giác “nhai phải sạn” giống tôi khi xem những chương trình giao lưu, trò chuyện trên đài phát thanh/truyền hình mà phóng viên hoặc người dẫn chương trình cứ hồn nhiên xưng hô kiểu “chị được biết là em đã…” hay “chú có thể cho cháu biết…” mà quên đi tư cách đại diện cho nhà đài và cũng quên luôn rằng chương trình ấy phát cho đông đảo công chúng đủ mọi lứa tuổi nhìn/nghe.
Trái ngược với nhiều phóng viên, biên tập viên, người dẫn chương trình,… cứ vô tư (và tự tin) để cái tôi cá nhân lấn át cái tôi của nhà đài thì (buồn thay) không ít những “người của công chúng” lại không dám bộc lộ cái tôi của mình hay chính xác hơn họ luôn thể hiện trước công chúng cái vẻ trẻ con, nhút nhát, thiếu tự tin. Cô diễn viên đoạt giải “diễn viên phụ xuất sắc” trong Cánh diều vàng 2007 bẽn lẽn xưng “cháu” khi phát biểu cảm xúc trước đông đảo khán giả đã làm cho “tầm vóc” của cô trở nên nhỏ bé hơn cái tuổi 19 của mình. Cũng như thế, trong những cuộc vinh danh những tài năng âm nhạc, thể thao,… chẳng khó tìm ra những “cháu” những “em” – những người (vô tình) không chịu lớn – trước các anh/cô/bác phóng viên và khán giả!..."

lúc 19:08 12 tháng 5, 2008  
Anonymous txh nói...

Bác Tú chọc vào cái tổ ong chi vậy...
Vậy mới biết đúng ,sai còn đầy dẩy. Phải dạy con cháu từ những điều tưởng chừng nhỏ nhât. À mà dạy cho đúng dùm nha.

lúc 23:07 12 tháng 5, 2008  
Anonymous Nó Đây Rồi nói...

Anh Tú, cho em gửi lời đến một số bạn:
1. Không phải cứ thấy ai đó “hỏi – trả lời” trên TV trên báo thì cho đó là phỏng vấn (chất vấn, trao đổi, điều tra… cũng có hỏi - trả lời). Và quan trọng là không phải phỏng vấn nào cũng là phỏng vấn báo chí (Báo TN đã bảo là: Hỏi chuyện. Không biết cái từ này có đồng nghĩa với phỏng vấn báo chí không?). Chưa kể là thể loại phỏng vấn khác với phỏng vấn (động từ).
2. Không thể áp những yêu cầu của nhà báo khi thực hiện phỏng vấn báo chí vào phỏng vấn, chất vấn, trao đổi…
3. Hãy quan sát cách họ hỏi – trả lời, rồi chúng ta xác định họ đang làm gì (nếu thấy người hỏi thể hiện quan điểm của mình khi phỏng vấn thì ta xác định là họ đang trao đổi). Sẽ là kỳ cục nếu tự nhiên ta ép là họ đang phỏng vấn báo chí rồi đưa những tiêu chuẩn phỏng vấn báo chí vào để “bắt lỗi” họ.

lúc 23:12 12 tháng 5, 2008  
Anonymous milk xinh nói...

Báo Thanh niên dạo này có gây thù hằn j cho anh không mà anh bắt lỗi ác vậy :D?

lúc 03:12 13 tháng 5, 2008  
Anonymous ₪●๋• ßằng Lăng ●๋•₪ nói...

@Mr.Do:Em không nhớ rõ tên nữ PV trẻ từng dùng từ thưa chị với bà Trương Mỹ Hoa nhưng nhớ tình huống đó là phỏng vấn bà Hoa khi đến dự khán ở trận chung kết bóng đá nữ ở Sea games 22.
Em là dân ngoại đạo nhưng rất thích bài viết này bởi có cùng suy nghĩ với anh Tú,tình huống như blogger Mr.Do nêu em nhớ mãi hay gần đây khi tình cờ nghe đoạn phỏng vấn của một PV Trung Quốc gọi Nguyễn Ánh Khánh Hoàng(16 tuổi)là anh khi Khánh Hoàng tham gia rước đuốc Olympic Bắc Kinh ở TPHCM.

lúc 02:13 14 tháng 5, 2008  
Anonymous Đen nói...

Cuộc phỏng vấn nào cũng có một mục đích.
Tùy theo cương vị mình xác định cho người được phỏng vấn, mà mình thu hoạch được nội dung khác nhau.
Nếu phỏng vấn bác Tú về chuyện nuôi dạy con, thì sẽ được một nội dung về giáo dục. Còn hỏi bác Tú chỗ nào thịt cầy mềm, thì được một bài đăng ở mục thư giãn. Lại hỏi bác về đời sống tinh thần thì kheo khéo một tí họa may bác ấy xưng tội cho mà nghe.
Cho nên, phỏng vấn, gọi là ông hay thầy, hay mày, là tùy chủ ý nội dung cuộc phỏng vấn. Không có gì sai trái. Chỉ sai nếu hỏi: Thưa Thầy, thầy có biết nhậu thịt cầy hay không? Lẽ ra phải gọi bằng ông.

lúc 03:19 14 tháng 5, 2008  
Anonymous Tien Long nói...

Em buồn cười cái vụ ông Đỗ Doãn Hoàng phỏng vấn 1 ông sư (đâu như ở Vũng Tàu thì phải, ông này chuyên sáng tác nhạc Thiền), bài đăng trên báo Lao động, PV hỏi: "Thưa Nhà sư Thích XX...".
Gọi người ta là "nhà sư" thì buồn cười quá. Theo em cứ hỏi cụ thể chức sắc của họ là gì, ví dụ Thượng tọa, Đại đức...
Còn em nghĩ là khi gặp 1 ông tu sỹ Thiên chúa giáo thì nên gọi là Cha, không phải cha mình mà là cách xưng hô thông dụng thôi.

lúc 21:08 14 tháng 5, 2008  
Anonymous nadie nói...

ở trong nam ai đi tu cũng được gọi chung là thầy hết, người ta gọi "thầy tu", "thầy chùa". Nhưng ngoài bắc người ta không gọi vậy, chữ "thầy chùa" = "sư" trong tiếng bắc. Nhưng người bắc cũng không gọi thầy chùa là sư (vì người bắc nghe vậy như là có mùi không tôn trọng, thậm chí cực đoan có thể coi là nhạo báng), người bắc vào chùa thường gọi sư theo cấp bậc (tui không biết từ cấp bậc trong từ ngữ của phật giáo gọi là gì), vì mọi người đều gọi thế nên người nào vào chùa muốn chào họ thì phải để ý cho biết thứ bậc của họ, không thì chỉ chào a di dà phật thôi.
Lòng vòng, túm lại là nếu ở trong nam mà gọi thầy thì ok vì có thể hiểu là chào 1 người theo nghề làm sư nói chung, còn ở ngoài bắc thì không ổn (thầy là một cấp bậc nhất định như kiểu trung uý chẳng hạn, không có ý nghĩa là 1 danh từ chỉ chung tất cả những người đi tu). Mà (hình như) tiếng bắc (cụ thể là Hà nội) được coi là tiếng phổ thông, thanh niên là tờ báo toàn quốc (không phải báo địa phương), và vị PV kia không biết là người nam hay bắc.
Việc này làm tôi nhớ lại lần đầu tiên đọc thấy từ "cái vỏ xe" ở trên báo, không hiểu là cái gì, mãi sau này mới biết là cái lốp xe. nhưng có lẽ cái vỏ xe không nhạy cảm như "thầy"

lúc 05:53 15 tháng 5, 2008  
Anonymous ngkhacphuoc nói...

Ý kiến của một người đọc báo:
Mặc dù báo chí là của nhà nước, nhưng tờ báo không phải là một công văn, mà là một ấn phẩm thương mại nhằm thoả mãn nhu cầu thông tin của công chúng. Mỗi tờ báo tuỳ vào đối tượng bạn đọc của mình mà dùng từ cho thích hợp. Báo Nhân Dân có thể dùng một đại từ để chỉ người tu hành khác với báo Tuổi Trẻ. Báo Thiếu Niên Tiền Phong khi phỏng vấn bà Trương Mỹ Hoa có thể dùng đại từ khác với báo Phụ Nữ.
Cũng tuỳ hoàn cảnh mà xưng hô. Một sinh viên trong lớp có thể xưng hô EM- thưa THẦY, nhưng khi bảo vệ luận án có thể xưng hô TÔI-thưa quý vị GIÁO SƯ, thưa quý vị GIÁM KHẢO. Không nên xúi sinh viên xưng TÔI với thầy cô giáo mọi nơi mọi lúc.
Riêng với các nhà tu hành,khi phỏng vấn, theo thiển ý của tôi,nhà báo nên "thưa Thượng Toạ, thưa Đại đức, thưa Linh Mục " để người đọc đa số dễ chấp nhận, không nên "thưa thầy, thưa cha" vì bạn đọc khác tôn giáo hơi khó chịu.

lúc 04:20 16 tháng 5, 2008  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ