Thứ Tư, 7 tháng 5, 2008

SÀI GÒN, THÀNH PHỐ BÁO




Lịch sử báo chí Việt Nam cho biết rằng Sài Gòn là nơi ra đời tờ báo tiếng Việt đầu tiên, tờ Gia Định báo, vào 1865. Đất Sài Gòn được xem là đất tổ của báo in. Truyền thống mê “tân văn” đã hình thành từ khá lâu trong những người dân Sài Gòn chính hiệu như một nét văn hóa đặc sắc mà khó ở đâu có được...

Đọc báo kiểu… Sài Gòn

Tại một quán hủ tiếu bình dân, đang ngồi ăn sáng, tôi nghe được câu chuyện giữa bà chủ quán và cậu con trai: “Dạo này sao mày đọc báo nhiều tiền vậy? Mười mấy ngàn một ngày lận!”; “Dạ, con mua thêm mấy tờ thể thao nữa, khách họ vô họ cũng coi được mà!”. Thì ra có một cô bán báo lưu động đang chờ để lấy tiền báo hằng ngày nên bà chủ càm ràm cậu con trai như thế. Báo in được bán ở Sài Gòn đủ hình thức.

Rời quán hủ tiếu, bước ra ngã tư đón xe ôm lên quán cà phê đã hẹn với đứa bạn, bác xe ôm đang ngồi chờ khách trên xe cũng say sưa đọc báo. Và đề tài ông bắt đầu trò chuyện với tôi dọc quãng đường cũng là chuyện thời sự, chuyện bóng đá. Vào quán cà phê, liếc các bàn khác đều thấy nhiều người đang đọc báo, đọc vội vã. Ngay lối ra vào của quán cà phê cũng có một giá để các loại báo phục vụ miễn phí cho khách.

Bạn tôi khẳng định rằng hình ảnh các giá báo phục vụ miễn phí này ở Sài Gòn rất bình thường, cứ đến các tiệm hớt tóc, tiệm làm nail, phòng nhổ răng, siêu thị sẽ thấy… Trên xe taxi, nhiều bác tài cũng để báo cho khách đọc mà đó là báo anh ta tự mua để đọc trong lúc chờ khách.

Chợt nhớ, có lần đưa đứa em đi thi đại học, tôi chứng kiến nhiều bậc phụ huynh trong lúc chờ con em mình cũng cầm theo tờ báo, vừa đọc vừa quạt. Trẻ em bán báo ở Sài Gòn rất nhạy cảm với các “sự kiện” đông người. Chỗ nào có hội chợ, có điểm vui chơi, có tụ tập là có người bán báo. Nhiều sự kiện quá “hot”, báo không còn để bán, người Sài Gòn còn biết photocopy thêm để phục vụ nhu cầu bà con. Nhiều sinh viên nghèo xa nhà đã sống đuợc, học được ở đất Sài Gòn hoa lệ bằng nghề đưa báo.

Người người mua báo

Người Sài Gòn mê đọc báo nhưng chẳng lẽ ở các vùng miền khác, người dân ít đọc báo hơn? Có một thực tế có thể thấy, người Hà Nội cũng đọc báo nhiều nhưng do thói quen của một thời bao cấp, người Hà Nội thường đọc báo ở cơ quan, công sở, mà chủ yếu cũng là công chức nhà nước, doanh nhân, người có trình độ văn hóa cao. Giới lao động bình dân không thường xuyên đọc báo. Tình yêu báo chí của người Sài Gòn thể hiện rõ nét từ thói quen mua báo: Từ những người thu nhập thấp như các bác xích lô, thợ hồ cho tới các chị tiểu thương, các gia đình khá giả... đều mua báo hằng ngày.

Người Sài Gòn coi việc móc hầu bao ra mua báo là chuyện hết sức bình thường. Nhưng nhiều vùng miền trên cả nước không có được đặc điểm này. Không có khu phố nào ở Sài Gòn mà không có những hộ dân đặt báo ngày – mà người lớn tuổi quen gọi là "nhựt trình" - mấy chục năm nay. Tờ mờ sáng, cùng với người người đi tập thể dục trên các con phố công viên, đội quân phân phối báo, hàng ngàn người, cũng tỏa vào các con phố nhỏ, ném nhanh những tờ báo mới qua cửa sắt, cánh cổng của nhiều căn hộ... Trên đường đến chỗ làm việc, nhiều người ghé ngay một sạp báo thuận tiện để cầm tờ báo mình thường đọc còn thơm mùi mực in. Hình ảnh người Sài Gòn mê báo có thể thấy trên những chuyến xe buýt, trên sân vận động lúc chờ trận đấu, trong giảng đường đại học giờ giải lao.

Không biết có phải do Sài Gòn là nơi ra đời tờ báo tiếng Việt đầu tiên, tờ Gia Định báo, từ 1865 mà truyền thống mê “tân văn” đã hình thành trong những con người Sài Gòn chính hiệu. Con số thống kê của các cơ quan nghiên cứu truyền thông cho thấy Sài Gòn là mảnh đất của báo in: những tờ báo có số lượng phát hành lớn nhất nước đều có thị phần tại thành phố này trên 70%. Các văn phòng đại diện của nhiều tờ báo Sài Gòn ở thủ đô chẳng hạn, nhiệm vụ lớn của họ không phải là viết báo cho người Hà Nội đọc, giành thị phần ở Hà Nội, mà là viết những chuyện từ Hà Nội mà người Sài Gòn quan tâm.

Sài Gòn, văn hóa báo

Giới nghiên cứu báo chí thường đem cái thành ngữ “văn Bắc, báo Nam” để nói lên thế mạnh viết lách của hai miền. Quả đất Bắc là nơi sinh ra nhiều tài năng văn chương và người Bắc rất yêu văn chương. Và, không thể phủ nhận, đất Sài Gòn, đất Nam bộ là mảnh đất của hoạt động báo chí, thị trường báo chí, của những người làm nghề báo.

Dân Sài Gòn mê đọc báo nhưng không thích bình luận, không quan tâm lắm tới các đề tài “chánh trị” như dân Hà Nội. Người Sài Gòn yêu tin tức, sự kiện. Trong lúc “lai rai” buồi chiều hay cà phê sáng, họ thích kể chuyện, thích lấy sự kiện làm quà trong các cuộc trao đổi. Không phải ngẫu nhiên mà các loại báo thể thao, báo “đi chợ” phát triển ở phía Nam khá mạnh. Sài Gòn nói chung và miền Nam nói riêng có sự phát triển kinh tế thị trường sớm hơn, thực chất hơn so với nhiều vùng miền trong cả nước. Văn hóa đọc báo của người Sài Gòn cũng xuất phát từ chỗ coi trọng thông tin, tin tức trong đời sống hằng ngày. Chưa có công trình nghiên cứu công phu nhưng có thể quan sát về hình thức để kết luận rằng có khá nhiều điều về tính cách người Sài Gòn thể hiện trong phong cách đọc báo, mua báo, chọn báo và cả chuyện làm báo nữa…

Người Sài Gòn đa phần không thích lối viết báo đèm đẹp văn chương, ít tính thông tấn. Họ không quan tâm lắm cây bút nào viết có “văn”, họ chỉ thích bài báo có sự kiện, hoặc bài báo có chính kiến, có bình luận sắc sảo để họ được cùng tham gia trao đổi từ những diễn đàn riêng, cũng như phân tích thông tin để làm ăn kinh tế…

Cái cách mua báo, đọc báo kiểu Sài Gòn đã tác động đến phong cách làm báo ở đây. Có nhiều tờ báo thương hiệu Sài Gòn đã vượt qua biên giới của thành phố Hồ Chí Minh để chinh phục trái tim của người đọc cả nước. Và, không phủ nhận rằng chính phong cách làm báo coi trọng khách hàng (độc giả) từ Sài Gòn đã tác động mạnh đến nhiều cơ quan báo in của cả nước trong nhiều năm qua.

***

Cho nên nếu bây giờ có ai đó hỏi tôi, đặc điểm gì ở đường phố Sài Gòn khác nhiều thành phố phía Bắc, tôi không ngần ngại trả lời: sạp báo. Có lẽ không nơi nào trên mảnh đất chữ S này mà sạp báo nhiều như Sài Gòn.

---------------------
Ảnh: Hoàng Lê Danh Toại
Blog Page

Nhãn:

21 Nhận xét:

Anonymous Hoàng Dũng nói...

mung

lúc 22:11 7 tháng 5, 2008  
Anonymous Bầu Bí nói...

Entry này sẽ đăng trên Nghề báo số 21.6 phải ko anh Tú. Đề tài hay. Em nghĩ với các SV báo chí có thể chọn đề tài này để làm luận văn tốt nghiệp vì nó mang hơi thở của cuộc sống.

lúc 22:19 7 tháng 5, 2008  
Anonymous NgocLan nói...

Oi, nho may sap ban bao o Sai Gon qua, anh Tu oi!

lúc 22:42 7 tháng 5, 2008  
Anonymous DĐTK nói...

à há, bạn K nhớ cái bài này òy ;))

lúc 01:55 8 tháng 5, 2008  
Anonymous charming-pink nói...

Đúng là dân Sài Gòn mê báo ở mọi tầng lớp, cái này dân Hà nội thua đấy anh, nhưng bữa nay sạp báo ở Hà Nội cũng nhiều rồi và nó là nguồn sống của khá nhiều người Hà Nội anh à.

lúc 02:44 8 tháng 5, 2008  
Anonymous Ng. Duy Nhân nói...

Em hay đọc báo lắm, đọc nhiều nhưng văn vẻ câu cú của em vẫn rườm ra, lôi thôi luộm thuộm. Đứa em gái ở ngoài HN nó lười đọc nhưng nó viết khác xa em.
Hôm vừa rồi, thấy chị kia nói số lượng Báo TT ra trong ngày tại SG gấp hơn 200 lần HN, sợ thật.

lúc 19:07 8 tháng 5, 2008  
Anonymous ₪●๋• ßằng Lăng ●๋•₪ nói...

Hèn chi thấy trẻ bán báo ở SG cũng đông hơn các nơi khác.Em trai em đọc báo CA TPHCM mỗi tuần 3 số nhưng không đặt giao báo tận nhà nên có khi phải đi mấy sạp mới có thể mua được số cuối tuần.

lúc 21:21 8 tháng 5, 2008  
Anonymous Bút lông nói...

Bác làm truyền hình mà thạo báo in dữ?!

lúc 02:50 9 tháng 5, 2008  
Anonymous TOẠI NGUYỄN nói...

em copy entry này sang nhà em!

lúc 03:36 9 tháng 5, 2008  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Bầu Bí: Bài này viết thuê và đăng rồi mẹ Bầu Bí ạ. Đăng rồi nên mới đưa lên blog.
@ Lan: Hai ông bà bay về một chuyến đi cho đỡ nhớ!
@ Charming: Đúng là phong cách đọc báo Hà Nội giờ cũng dần dần khác trước. Nhưng nếu so sánh thì Sài Gòn vẫn là đất báo em à!
@ Bút Lông: Dân báo chí tỉnh lẻ do không chuyên môn hóa cao và khó khăn nên nhảy vào làm "búa xua" các loại hình. Cái gì cũng biết nhưng chẳng có cái gì biết sâu cả. Mà entry này cũng chỉ "tán" thôi, có gì đâu mà "thạo" bác ơi!

lúc 04:29 9 tháng 5, 2008  
Anonymous Diem xua nói...

Bài này anh "ngâm cứu" hơi lâu mới cho trình làng blog hé anh.
Anh nhận xét lúc nào cũng tinh tế, người SG đúng là đọc báo như anh nói (em "nghiệm" từ mình ra). Nhưng nhiều báo quá, riết cũng "lọan" anh ạh, cùng 1 thông tin mà báo nào cũng nói, mỗi báo lại khác 1 chút...nên tối nhất cứ là độc giả trung thành của vài tờ báo thui anh hé, chứ báo nào cũng đọc thì...vừa cháy túi vừa cháy tóc(đầu bóc hỏa), hiii!

lúc 04:52 9 tháng 5, 2008  
Anonymous Diem xua nói...

Bài này anh "ngâm cứu" hơi lâu mới cho trình làng blog hé anh.
Anh nhận xét lúc nào cũng tinh tế, người SG đúng là đọc báo như anh nói (em "nghiệm" từ mình ra). Nhưng nhiều báo quá, riết cũng "lọan" anh ạh, cùng 1 thông tin mà báo nào cũng nói, mỗi báo lại khác 1 chút...nên tốt nhất cứ là độc giả trung thành của vài tờ báo thui anh hé, chứ báo nào cũng đọc thì...vừa cháy túi vừa cháy tóc(đầu bóc hỏa), hiii!
(Anh Tú delete dùm D cái còm trên viết lộn chữ "tốt" thành "tối" rùi anh ạh,hic!)

lúc 04:54 9 tháng 5, 2008  
Anonymous Tâm như Thủy nói...

Đồng ý với anh. nhưng người SG thì đọc chứ ko thích bình luận à? Cái này hiện nay phải xem lại. Họ chỉ ko thích bình luận công khai thôi :)

lúc 05:10 9 tháng 5, 2008  
Anonymous Xoăn... nói...

và giờ đây nhiều cơ quan báo chí (chủ yếu nhất vẫn là TẠP CHÍ) đặt chuyển vào hoạt động trên địa bàn TP.HCM đấy anh.
Về thói quen đọc báo, em vẫn nhớ và bị nhiễm thói quen của một người bạn SG: vào ăn sáng hay uống cafe sáng, món đầu tiên bao giờ cũng là 3 tờ báo

lúc 19:25 9 tháng 5, 2008  
Anonymous Apple nói...

cho Apple ké thêm câu này:
"Không nơi nào trên mảnh đất hình chữ S có những sạp báo di động, thích ứng rất nhanh với các đợt truy quét bất ngờ và thần tốc của đội quản lý trật tự đô thị như Sì Gòn.
Cũng chẳng nơi nào trên xứ xở Lạc Hồng lại có có báo bọc nilon trong mùa mưa, hehe...
Chưa xứ nào có người bán báo dạo với mật độ dày đặc như Sài thành".
Em là 1 người đang làm báo mọn trên đất Gia Định cũ nè!
Entry này "ngầu" quá bác Tú ơi! 1001/100 điểm. Ặc ặc, nịnh đầm bậc lão thành cách mạng 1 xí.

lúc 00:33 10 tháng 5, 2008  
Anonymous Hai Miền Đông nói...

Cha hàng xóm nghiên cứu kỹ thiệt!
Cũng may Hai tui kg dính dáng gì bên Báo chí, chớ nếu kg cũng gọi cha hàng xóm bằng thầy chớ chẳng chơi!
Khà khà! Hay! Hay thiệt!
:D

lúc 02:01 10 tháng 5, 2008  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Diễm Xưa: Bài này vừa bán được nên post lên blog chứ không phải "ngâm cứu" lâu!
@ Tâm Như Thủy: Bạn hiểu chưa đúng ý mình rồi!
@ Bằng Lăng: Nếu những đứa bé bán báo đó siêng đọc báo (lúc rảnh hoặc bị ế) thì chắc tương lai Sài Gòn còn có nhiều nhà báo giỏi.
@ Toại: Đồng ý ngay!
@ Xoăn: Một nhận xét thú vị!
@ Apple: Em đúng là có quan sát của một nhà báo!
@ Hai MĐ: Lâu quá không nhậu, hàng xóm à!

lúc 01:01 11 tháng 5, 2008  
Anonymous haidieugiandi nói...

Dân Hà nội mê người làm báo! :)

lúc 02:39 11 tháng 5, 2008  
Anonymous Hai Miền Đông nói...

Khà khà, chiều nay quởn mời hàng xóm làm vài ve!

lúc 05:55 11 tháng 5, 2008  
Anonymous Huy Đẹp Trai nói...

anh thử chia ra em giới nào thí thích báo nào đi anh!
em thấy vậy: cứ dân văn phòng thì đọc tuổi trẻ và thanh niên
bình dân một chút thì báo công an và tuổi trẻ
các chị thích Sài Gòn Tiếp Thị hay Tiếp thị gia đình
các anh thì đọc thêm Bóng Đá hoặc Thể Thao Văn Hóa
hihi

lúc 18:50 12 tháng 5, 2008  
Anonymous TOẠI NGUYỄN nói...

@ anh HUY "xí trai": em đọc TẤT CÁ nè anh! Tiền ăn + tiền mặc + tiền chơi không bằng tiền mua Báo.

lúc 19:24 12 tháng 5, 2008  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ