Thứ Ba, 3 tháng 6, 2008

Entry for June 04, 2008

Nhà văn Xuân Sách vừa ra đi.

Hôm qua đọc TTO, thấy có mấy dòng lý lịch của ông như sau:

“Xuân Sách (còn có bút danh Lê Hoài Đăng) tên thật là Ngô Xuân Sách, sinh ngày 4-7-1932, tại xã Trường Giang, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Khoảng thập niên 1980 ông vào sống tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông là hội viên Hội Nhà văn VN. Nhà văn Xuân Sách từng làm biên tập viên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội (1960-1980), phó giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội (1981-1984), chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (1985-1995)”

Thực ra, từ Hà Nội, trên đường “Nam tiến”, nhà thơ Xuân Sách còn có một khoảng thời gian dừng lại sống ở Biên Hòa (Đồng Nai) trước khi đến Vũng Tàu. Bấy giờ, ông được nhà văn Hoàng Văn Bổn, chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật Đồng Nai ưu ái nhường căn phòng đẹp nhất trong trụ sở Hội Văn nghệ Đồng Nai (và cũng là tòa soạn báo Văn nghệ Đồng Nai) để ở. Thời gian này, nhà thơ Cao Xuân Sơn (nay công tác ở NXB Kim Đồng) vừa chuyển từ trường PTTH Ngô Quyền về làm biên tập viên thơ cho báo Văn nghệ Đồng Nai và cũng ở một căn hộ trong trụ sở này sát vách căn phòng nhà thơ Xuân Sách, phía sau là căn hộ của nhà văn Nguyễn Đức Thọ, tác giả “Hồi ức Làng Che” (nay đã mất). Tôi lúc đó còn là sinh viên, có cộng tác với báo Văn nghệ Đồng Nai và chơi khá thân với anh Cao Xuân Sơn nên thường đạp xe từ Sài Gòn về "Hội" mỗi khi rảnh rỗi. Nhờ đó, tôi có cơ hội được vài lần dỏng tai nghe chú Xuân Sách nói chuyện trà dư tửu hậu, thậm chí, được đánh bóng bàn với ông (ông đánh bóng bàn khá hay). Thơ "Chân dung" được nghe ông đọc từ thuở đó. Những chân dung mà chúng tôi căng tai lên để ráng thuộc lòng vì hồi đó cứ nghe như là nghe chuyện... phản động. Ông có cặp mắt vừa quắc thước, vừa nhân hậu. Vầng trán đẹp trên cái đầu to… quá khổ của ông như chứa một kho kiến thức uyên bác. Ông kể chuyện rất có duyên. Ông nói năng chậm rãi nhưng câu nào ra câu đó. Tôi nhớ nhiều câu ông bình luận sau khi nghe anh em kể một câu chuyện gì đó, cứ tưng tửng mà ai nghe xong cũng im bặt. Chẳng hạn: “Mấy thằng cơ hội nó sống dai lắm!”; Hoặc khi nói chuyện với anh em viết trẻ: “Tư tưởng nhân loại mấy nghìn năm nay đã được phát hiện hết rồi, đừng mong nghĩ ra cái gì mới đâu. Cứ tìm cách diễn đạt nào cho mới là thành công rồi!”

Còn nhớ, những năm đó, ông cũng phải “chạy xô” biên tập văn nghệ thêm cho các tờ đặc san ngành ở địa phương. Người bạn đời của ông, cô Thanh Tú, vừa làm cho tờ “Công nhân lao động Đồng Nai” vừa làm thêm cho tờ tin “Cao su Đồng Nai”. Ông thì ngoài việc làm ở Văn nghệ Đồng Nai, còn biên tập thơ, truyện cho các ấn phẩm của Công an Đồng Nai, ngành Giáo dục… (năm 1985, ngành nào cũng tổ chức in một đặc san kỷ niệm 10 năm rất hoành tráng).

Tôi nhớ chi tiết này vì lúc đó tôi cũng tập làm thơ, viết truyện, và cũng từng bị/được ông góp ý. Có một câu ông nói đến giờ tôi không nhớ nguyên văn nhưng đại khái là “làm thơ, đừng có ráng cháu à!”.

Và hơn 20 năm nay, thưa chú Xuân Sách, cháu đã không dám ráng.

Nhãn:

6 Nhận xét:

Anonymous Huy Đẹp Trai nói...

haha đọc được một tin là Bác Tú cũng từng ráng được một tập thơ!
hihi sao hông nghe nói gì hết ta!

lúc 22:13 3 tháng 6, 2008  
Anonymous Quốc Ấn_ Mai nói...

Cái chữ "ráng" rất Nam Bộ.
Đúng là có nhữung thứ, không phải chỉ thơ, có ráng cũng không được chú à...

lúc 22:27 3 tháng 6, 2008  
Anonymous Ng. Duy Nhân nói...

Còm phát để 3 ông đực rựa tem entry này.

lúc 00:48 4 tháng 6, 2008  
Anonymous Misa nói...

em biết nhà thơ Xuân Sách qua bài hát bất hủ "Đường chúng ta đi", nhờ a Tú mới biết thêm ông lại còn là nhà văn nổi tiếng, cám ơn anh!

lúc 19:59 4 tháng 6, 2008  
Anonymous Diem xua nói...

Cám ơn anh truyền lại lời khuyên của nhà văn Xuân Sách. D cũng không ráng làm thơ anh ạh, không ráng viết entry, càng không phải ráng đọc entry của anh, vì lúc nào nó cũng hay dù viết về chuyện gì... nên không cần ráng ạh!

lúc 04:26 5 tháng 6, 2008  
Anonymous CÙ HUYỀN nói...

May quá! Mr Tú mà ráng làm thơ là mình chạy mất dép rùi!

lúc 00:52 7 tháng 6, 2008  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ