Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2007

GIẤY MỜI

Image


Mấy ngày cuối tháng vừa rồi, mình tham gia tổ chức một số hoạt động của Hội Nhà báo Đồng Nai. Hội dù nghèo nhưng cũng ráng lo để tổ chức chu đáo những cuộc họp hội ấy. Giấy mời cũng hoành tráng và hình thức trang nhã lắm. Không biết có phải do chữ ký của đồng chí Phó chủ tịch Hội trên giấy mời chưa linh hay sao mà số lượng đại biểu đi dự chỉ hơn nửa số người dự kiến mời. Có đại biểu lịch sự thì sắp đến giờ khai mạc còn gọi điện báo cho biết lý do vắng.

Tất nhiên, tổ chức các hoạt động vào dịp cuối năm thì thường bị trùng với mùa tổng kết và đây là thời gian ai cũng bận rộn. Nhưng, vì sao rất nhiều đại biểu không thèm dự các hoạt động của Hội Nhà báo tổ chức lại chọn đi dự những cuộc họp tổng kết khác mà về ý nghĩa, quy mô thì xem ra không thể bằng của mình.

Đem cái thắc mắc này ra hỏi một anh bạn thì được giải thích, tất cả tại cái giấy mời.

Này nhé, giấy mời của Hội Nhà báo không hề ghi chương trình làm việc và tất nhiên, quên ghi dòng cuối cùng trong chương trình là:

+ Mời các đại biểu dùng cơm trưa tại nhà hàng X (dù thực tế Hội có cho đại biểu ăn trưa ở đó thật!)

Hoặc:

+ Xin các đại biểu giữ giấy mời để nhận quà biếu của ban tổ chức (À, cái món này mình lấy quà đâu ra? Lần sau có tổ chức thì chơi đại mấy tấm thiệp hay mấy cuốn sách bị ép mua còn đầy kho của Hội...)

Từ câu chuyện trên, sắp tới, khi tổ chức các dạng hội họp hoạt động tương tự, nhất thiết phải nghiên cứu mẫu giấy mời cho hấp dẫn vào. Cụ thể là sẽ có:

+ 12 h: Dùng cơm thân mật

+ 13 h: Massage

+ 14 h: Karaoke

...

+ Mời các đại biểu giữ giấy mời và liên hệ cô X để nhận quà của BTC.

Chú thích thêm: Cơm thì có thể có cơm bình dân theo tiêu chuẩn tài chính cho phép, massage thì có thể nhờ bên Hội Người mù tài trợ, karaoke thì có thể về nhà... tui!

Bạn nào có sáng kiến hay, góp ý thêm dùm!

Image


Blog Page

Nhãn:

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2007




Lâu lắm rồi mới đi karaoke. Đi hát mà lại nảy ra một ý viết blog về nghề.

Ấy là trong lúc hát hò, nhiều bác đi chung với mình hứng quá cầm micro nhảy lung tung trong phòng karaoke như ca sĩ chuyên nghiệp, thỉnh thoảng quay về hướng karaoKER để biểu diễn, phòng hát bố trí loa không hợp lý lắm nên thỉnh thoảng tiếng hú lớn xảy ra. Mất cả hứng.

Hiện tượng này dân kỹ thuật gọi là hiệu ứng Larzen: Trong hệ thống tăng âm, khi micro và loa đối đầu nhau, tín hiệu âm thanh từ loa chĩa thẳng vào mic cùng pha, xảy ra hiện tượng mà có cái tên kỹ thuật là hồi tiếp dương. Hồi tiếp dương quá lớn sẽ dẫn đến dao động tự kích và tạo tiếng hú chói tai.

Các sân khấu ca nhạc vì thế không ai để dàn loa phía sau lưng ca sĩ (có chăng là một cái loa “control” có công suất nhỏ, dân chuyên nghiệp thì dùng headphone để kiểm tra âm lượng)

Chuyện “hồi tiếp dương” này liên quan gì đến nghề báo? Có đấy.

Trong phát thanh truyền hình trực tiếp, nhiều phóng viên nếu chưa kinh nghiệm sẽ vô tình đẩy lên sóng những tiếng hú khủng khiếp ấy tặng cho khán thính giả.

Một thính giả phát thanh khi nghe chương trình ca nhạc theo yêu cầu chẳng hạn, có thể dùng điện thoại của mình để gọi tới giao lưu. Trong khi gọi, máy điện thoại của họ nếu vô tình chĩa về cùng hướng của cái loa chiếc radio họ đang nghe chương trình, lúc nhà đài vừa “nối sóng” cho thính giả ấy lên tiếng giao lưu là tiếng hú sẽ rít lên ngay. Kinh nghiệm trong trường hợp này là trước khi chuẩn bị chuyển cuộc gọi của một thính giả lên sóng, người thư ký đạo diễn hoặc đạo diễn ở phòng thu nhận điện thoại ban đầu phải dặn dò vị thính giả ấy trước: Hãy tắt radio hoặc xoay chiếc máy thu thanh của mình về hướng khác với hướng micro trên máy điện thoại. Nếu lỡ sự cố đã xảy ra trong chương trình thì MC cũng cần bình tĩnh để thông báo luôn trên sóng. Các thính giả khác sẽ có cơ hội rút kinh nghiệm. Khi một thính giả “on the line” với chương trình, thì đầu dây điện thoại của họ cũng nghe được nội dung chương trình (không cần phải mở đài nữa).

Trong truyền hình, hiện tượng tiếng hú cũng xảy ra trong nhiều tình huống tác nghiệp. Xin đưa một ví dụ, khi một phóng viên tường thuật trực tiếp từ hiện trường, họ thường dùng một chiếc tivi đặt trước mặt để kiểm tra (dân trong nghề gọi là monitor dù thiết bị monitor thì khác chiếc TV). Khi “đầu cầu” của phóng viên ấy được mời và “liếc” thấy hình ảnh của mình có trên monitor thì người phóng viên tác nghiệp tại hiện trường này mới lên tiếng. (Chuyện này cũng tương tự như các biên tập viên dẫn thời sự của VTV hay nhìn xuống các monitor được để chéo dưới bàn kiếng để theo dõi tín hiệu khi hết một bản tin được phát băng – VTR - để dẫn tiếp). Nhưng vì không phải là monitor chuyên dụng mà là máy thu hình nên có nó loa, có tiếng (và có khi cũng cần có tiếng để kiểm tra nếu không dùng headphone). Tất nhiên, thông thường, tại hiện trường trong truyền hình trực tiếp, chiếc tivi kiểm tra này thường đặt ngược hướng với micro của phóng viên tường thuật hay MC. Thế nhưng cũng đôi lúc, nhiều người vì muốn mô tả sống động không gian quanh mình đã vô tình xoay người, chỉ trỏ.... Và cũng giống như các ông bạn của tôi hát karaoke, tiếng hú xảy ra.

Biết “bản chất hú” có thể tránh được “vụ hú” đáng tiếc này.

Blog Page


Nhãn:

Thứ Tư, 26 tháng 12, 2007

ĐẶC TRƯNG




(thư giãn một chút)

Trong một bài giảng báo chí, để nhấn mạnh đặc trưng của các loại hình báo in, báo nói, báo hình cho học viên, thầy giáo đặt ra câu hỏi thảo luận như sau:

Cái gì mà phát thanh bó tay còn báo in làm được. Và ngược lại, cái gì mà phát thanh làm được còn báo in bó tay?

Dước đây là một số ý kiến thảo luận

a/ Phần về PHÁT THANH:

- Người mù có thể tiếp thu thông tin từ phát thanh nhưng không thể đọc báo được ạ!

+ Chính xác!

- Phát thanh có thể tường thuật đồng thời sự kiện còn báo in thì phải chờ in nữa ạ!

+ Chính xác!

- Không biết chữ có thể nghe phát thanh chứ gặp báo in thì bó tay ạ!

+ Chính xác!

- Có thể nghe phát thanh trong khi đã tắt đèn và vừa nằm vừa làm chuyện khác nhưng không thể vừa đọc báo vừa làm “chuyện ấy” được!

+ Cái này không có trong giáo trình của tôi à nghen!

a/ Phần về BÁO IN:

+ Báo in có thể đọc đi đọc lại, đọc dưới lên, đọc trên xuống, lúc nào đọc cũng được... còn phát thanh thì cho nghe cái gì, nghe cái đó ạ!

- Chính xác!

+ Không có điện, không có pin có thể đọc báo được chứ không thể mở phát thanh được ạ!

- Chính xác!

+ Thưa thầy báo in có thể gói xôi hay lau chùi còn phát thanh thì bó tay vụ này!

+ Cái này không có trong giáo trình của tôi à nghen!

Nếu bạn là học viên trong lớp đó, bạn có còn ý kiến nào thêm?


Nhãn:

Thứ Ba, 25 tháng 12, 2007

SỰ KIỆN HAY VẤN ĐỀ?

Image

Tự điển tiếng Việt định nghĩa SỰ KIỆN là “việc quan trọng xảy ra”.

Tự điển Oxford cũng nói thế, “thing that happens or takes place, esp. one of importance”

Tra trên wikipedia (bản tiếng Việt không có mục từ “sự kiện”) còn bản tiếng Anh, từ “event” được giảng giải khá chi tiết (*):

Phàm cái gì xảy ra cũng có quá trình, có khởi đầu, có kết thúc và có không gian, thời gian cụ thể.

Báo Tiền Phong online đưa thông tin (nguyên văn): "Chiều 24/12 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch họp báo công bố 10 sự kiện nổi bật và 5 sự kiện nổi cộm trong năm 2007"

Đây là “5 sự kiện nổi cộm”

- Vi phạm di tích, danh lam thắng cảnh, mất cắp cổ vật vẫn xảy ra ở một số địa phương.

- Hoạt động kinh doanh dịch vụ quán bar, nhà hàng karaoke, vũ trường còn biểu hiện tiêu cực...

- Đội tuyển bóng đá nam thi đấu không thành công tại SEA Games 24-Thái Lan, gây thất vọng...

- Vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong thể thao chưa được khắc phục hiệu quả, bạo lực trong thể thao có chiều hướng gia tăng, một số trọng tài bóng đá bị xét xử vì dính tiêu cực.

- Sản phẩm du lịch còn nghèo, chất lượng dịch vụ du lịch chưa cao, tình trạng thiếu buồng khách sạn chất lượng cao, người bán hàng rong đeo bám khách...chưa được ngăn chặn hiệu quả.

Trừ chuyện “Đội tuyển bóng đá nam thi đấu không thành công tại SEA Games 24” còn mang màu sắc sự kiện, tất cả chỉ là những vấn đề, mà không chỉ là vấn đề của 2007.

Không biết người chủ trì họp báo công bố sai hay người viết báo nhầm giữa “sự kiện” và “vấn đề”?

-----------------------------

Ảnh: Trang báo Tiền Phong online

(*) The word event can have several meanings:

In culture and social life:

Festival, for example a musical event

Ceremony, for example a marriage

Competition, for example a sports competition

Party, for example a birthday party

Convention (meeting), for example a gaming convention

In science and mathematics:

Event horizon, a boundary in spacetime, often refering to black holes

Event, in a particle collider, a collision producing detectable results

In technology:

Event-driven programming, in which an event is a software message that indicates something has happened, such as a keystroke or mouse click

Event chain methodology, in project management

In philosophy:

Event (philosophy)

Brain event, anything that happens in the brain

Mental event, something that happens in the mind, such as a thought

Blog Page

Nhãn:

Thứ Hai, 24 tháng 12, 2007

THEO DÒNG LỊCH SỬ HAY THEO DÒNG THỊ TRƯỜNG?

Image

Hôm nay, Tuổi trẻ dành nguyên trang văn hóa – nghệ thuật – giải trí cho chuyên đề “Theo dòng lịch sử trên VTV2” (bấm vào đây xem chuyên đề). Giữa lúc mà chuyện Hoàng Sa – Trường Sa thành vấn đề nhạy cảm của truyền thông “chính thống”, chuyện “lịch sử bi tráng của dân tộc cũng nhiều khi bị lãng quên”... báo Tuổi Trẻ có phần khá ưu ái cho một trò chơi truyền hình chẳng mấy có tiếng vang dù nó đã ra đời và tồn tại hơn 6 năm.

Đọc những bài viết trên trang báo ấy, biết thêm nhiều chuyện hậu trường. Entry này góp phần lý giải thêm bằng vài ý kiến "ăn theo"...

Thực ra, công bằng mà nói, lâu nay, kiến thức lịch sử cũng được “tích hợp” trong nhiều trò chơi truyền hình khác của VTV và nhiều đài truyền hình địa phương nhưng có lẽ “Theo dòng lịch sử” là chương trình chuyên sâu nhất, dung lượng kiến thức lịch sử “đậm đặc” nhất.

Ra đời từ Ban Khoa học – giáo dục, “Theo dòng lịch sử” là games show mang nặng chất “khoa giáo”: cung cấp kiến thức, thi nhiều hơn “chơi” (chưa thực sự “chơi với sử” như tít của bài báo). Đây là một trong số ít trò chơi không mua bản quyền của VTV. Dường như “Theo dòng lịch sử” ít khai thác các thủ thuật của trò chơi truyền hình hiện đại như tính tương tác, yếu tố bất ngờ, yếu tố may rủi..., ít khai thác các yếu tố kỹ thuật từ sân khấu, ánh sáng, phần mềm hỗ trợ, âm nhạc đến cách tổ chức đội chơi, người chơi... để tạo sức thu hút khán giả truyền hình như các chương trình trò chơi khác. Ngân hàng đề thi của “Theo dòng lịch sử” có quá nhiều câu hỏi buộc thí sinh (và tất nhiên khán giả truyền hình) phải “thuộc lòng” các số liệu, dữ kiện... hệ thống các câu hỏi đòi hỏi phải suy luận, phân tích kiến thức lịch sử (ý nghĩa, bài học từ các sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử... ) còn chiếm tỷ lệ thấp.

Nhưng đó cũng không phải là lý do chính.

“Ở nhà chủ nhật” cũng là trò chơi “thuần Việt” (tôi không thích dùng khái niệm ‘thuần Việt”). “Ở nhà chủ nhật” cũng chỉ cung cấp kiến thức nữ công gia chánh (chứ không phải kiến thức tổng hợp như “Chiếc nón kỳ diệu”, “Ai là triệu phú”, “Đấu trường 100” v.v... Nhưng trò chơi này có rating cao, có tài trợ mạnh, giải thưởng lớn và thậm chí, "Ở nhà chủ nhật" đã góp phần đưa tác giả chính của nó vào cái ghế Phó Ban.

Vì sao trong một quá trình dài thực hiện như thế, “Theo dòng lịch sử” chưa được sự quan tâm của các nhà tài trợ trong nước? Chẳng lẽ các doanh nhân Việt không yêu lịch sử? Câu trả lời chắc chắn là không (và chứng minh điều đó cũng không khó).

Theo dòng lịch sử được thực hiện theo một format quá “cổ”. Nhóm thực hiện chương trình ít có sự sáng tạo và không được đầu tư (các chuyên gia về trò chơi truyền hình giỏi nhất của VTV thuộc Ban Thể thao - Giải trí - Thông tin kinh tế).

Theo dòng lịch sử được phát sóng vào 18g thứ bảy và 9g30 sáng chủ nhật hằng tuần. So với giờ phát “Nhật ký Vàng Anh”, đây không phải là giờ vàng. Theo dòng lịch sử được phát sóng trên VTV2. So với kênh phát “Nhật ký Vàng Anh”, đây không phải là kênh sóng có rating cao của VTV. Tất nhiên, chương trình này do Ban Khoa giáo thực hiện nên được phát trên kênh "chuyên trị" khoa giáo VTV2. Nhưng VTV2 được phủ sóng quốc gia chậm hơn nhiều so với VTV1 và VTV3. Mặt khác, các chương trình có tài trợ thường được PR qua các spot giới thiệu liên tục trên các kênh sóng khác, còn “Theo dòng lịch sử” dường như không có.

Khi một chương trình không có những thuận lợi về giờ phát và kênh phát sóng và quảng bá thì khó có thể kêu gọi tài trợ. Có cực đoan chăng nếu cho rằng “giờ vàng” và “kênh hot” đã dành cho phim truyện nước ngoài, games show giải trí vì có tài trợ, còn “lịch sử” thôi thì, dân ta ráng biết sử ta vậy...

Cũng theo bài trên Tuổi Trẻ sáng nay, năm tới, “Theo dòng lịch sử” sẽ thay đổi format để cải tiến chương trình. Hy vọng “theo dòng lịch sử” sẽ “theo dòng thị trường” để đến với dân ta nhiều hơn...

Blog Page




Nhãn:

Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2007

QUÀ GIÁNG SINH CỦA SAO KHUÊ




Sáng nay Sao Khuê dậy sớm đi học bình thường. Ba nói Sao Khuê đánh đàn bài “Silent night”. Dù con chưa tập nhuyễn nhưng cũng ráng chơi bài này để ba ghi lại tặng các cô chú nhân ngày Noel.







Monday December 24, 2007 - 07:48am (ICT)


Nhãn:

CHUYỆN LẠ

(Chat với Hai Lúa)
Image
Blogging “chùa” trong một siêu thị ở Bangkok. Ảnh: Huỳnh Văn Tới

Ba Phang đang lang thang trên mạng tìm ít tài liệu báo chí, Hai Lúa nhảy vào chat.

Hai Lúa (12/11/2007 10:28:00 PM): Chào chú, giờ này còn làm việc hả? Thấy nít chú còn sáng, tui vào chat cho vui!

Ba Phang (12/11/2007 10:31:16 PM): Ủa giờ này anh Hai còn ra bưu điện văn hóa xã à, anh đi chat với cô Út?

Hai Lúa (12/11/2007 10:38:24 PM): Đâu có, đang ở Thái Lan. Thằng Ba qua đây mần tường thuật Xi ghêm 24 do tòa soạn phân công, nó dẫn tui qua cho biết Thái Lan, vừa ủng hộ đội tuyển U23, vừa đi du lịch. Nào giờ cày ruộng riết, nay mới được con trai giúp cho xuất ngoại, qua đây có đứa con Út du học bên này nó làm hướng dẫn viên. Nhiều chuyện lạ quá Ba Phang ơi…

Ba Phang (12/11/2007 10:38:59 PM): Chúc mừng anh Hai xuất ngoại! Đội U23 mình bị loại rồi, chắc anh Hai sẽ đi du lịch tiếp há?

Image
Nghe biểu diễn nhạc cụ dân tộc ở Pattaya. Ảnh: Trần Minh Thấu

Hai Lúa (12/11/2007 10:39:31 PM): Thôi đừng nhắc đến bóng đá nam của mình. Rầu thúi ruột đây. Để tui kể chuyện lạ cho nghe.

Ba Phang (12/11/2007 10:39:49 PM): Anh Hai kể đi, em coi có gì hay em đưa lên báo…

Hai Lúa (12/11/2007 10:40:29 PM): Báo chí mấy chú lúc đầu đưa hổng có đúng. Na-khon (dân ở đây kêu bằng Cò Rạt) chỗ làm Xi ghêm đâu phải là chốn “khỉ ho cò gáy”, nó là thành phố lớn thứ hai ở Thái đó chứ. Người Thái không thiếu các địa điểm tổ chức Xi ghêm, tự vì họ đã tổ chức 5 lần rồi mà, nhưng họ vẫn xây mới ở vùng đất này nhiều chỗ thi đấu cấp quốc tế đó. Con gái tôi nói là chính phủ Thái quyết biến cái Xi ghêm 24 này thành một sự kiện để kích cầu cho du lịch ở vùng đông bắc. Mà lạ lắm Ba Phang ơi…

Ba Phang (12/11/2007 10:42:45 PM): Cái gì lạ anh Hai?

Hai Lúa (12/11/2007 10:43:33 PM): Họ tổ chức chu đáo. Thằng Ba nhà tôi vừa xuống sân bay quốc tế là được hướng dẫn làm thủ tục nhận thẻ đeo để hành nghề, mất có mấy chục phút, mà nó quên mang ảnh thẻ, họ bố trí chụp ảnh tự động lấy liền. Lạ thiệt, nó nói ở Việt Nam hồi 2003 làm “thẻ xi ghêm” mất thời gian, công sức quá sá…. Đến chỗ thi đấu nào cũng có tình nguyện viên nhiệt tình. Hai Lúa muốn vẽ lá cờ Tổ quốc lên mặt là mấy cô vẽ dùm liền. Mình có biết chữ tiếng Anh lận lưng đâu, mà ra hiệu là mấy cổ hiểu ngay! Hàng lưu niệm họ bán cũng chẳng có hàng Tàu như hồi Xi ghêm 22 ở Việt Nam…

Ba Phang (12/11/2007 10:45:24 PM): Mấy cái đó có gì mới đâu anh Hai? Chắc anh Hai thấy đường sá hạ tầng họ quy mô hoành tráng quá hoặc là món ăn họ cay quá nên cho là lạ chứ gì?

Hai Lúa (12/11/2007 10:45:39 PM): Thì đã vậy. Nhưng mấy cái đó có coi ti-vi, coi phin cũng biết rồi. Còn nhiều cái lạ quá, Hai Lúa không hiểu được.

Ba Phang (12/11/2007 10:46:21 PM): Anh Hai nói cụ thể coi…

Hai Lúa (12/11/2007 10:46:36 PM): Ở đây dân người ta ý thức đi đường quá sá cỡ. Chưa thấy ai vượt đèn đỏ, lạng lách, chẳng thấy cảnh xe gắn máy leo lên vỉa hè. Đèn đỏ bên Băng Cốc lâu lắm nhưng không thấy người ta bấm còi inh ỏi như bên mình. Ở bên này, xe hơi nhường xe máy, xe máy nhường xe đạp, các loại xe nhường người đi bộ... Lạ chưa? Ở bên mình, thì ngược lại. Ba Phang biết không, tui thử đi đủ thứ phương tiện bên này rồi, từ tắc xi đến tút-tút, từ xe buýt đến hỏa xa. Tàu lửa của họ đã lắm. Không biết bao giờ Việt Nam mới học được họ vậy. Mà chưa hết nghe Ba Phang, lạ nhất là cái… toa – lét.

Ba Phang (12/11/2007 10:48:39 PM): Ủa, em qua bên Thái thấy toa – lét nó cũng giống mình mà anh Hai?

Hai Lúa (12/11/2007 10:49:10 PM): Nhà vệ sinh bên này nó sạch lắm Ba Phang ơi. Hồi ở Việt Nam có lần được đi Hội nghị nông dân sản xuất giỏi, tui từng ở một cái khách sạn 3 sao, mà cái toa – lét nó dơ hơn nhà vệ sinh công cộng ở đây. Mấy chỗ bán hàng, nhà vệ sinh công bên này thu 1 bạt, có chỗ miễn phí nhưng luôn có người làm vệ sinh túc trực. Một giọt nước rơi trên bệ hay ra sàn nhà lập tức được lau sạch. Bất cứ chỗ công cộng nào cũng có thùng rác, có nhà vệ sinh. Ba Phang biết mình có cái tật hay hút thuốc. Qua bên này hổng phải chỗ nào cũng hút được. Mình không có ý thức cũng phải có ý thức. Khi mà mọi người xung quanh mình chấp hành tự giác, có lý do gì mình làm ngược lại được. Lạ không?

Ba Phang (12/11/2007 10:50:07 PM): Đúng là anh Hai quan sát ngộ nghĩnh hén. Em ít để ý mấy chuyện này…

Hai Lúa (12/11/2007 10:50:26 PM): Ba Phang đừng nghĩ đó là chuyện nhỏ à nghen. Thôi thì Hai Lúa nói chuyện lớn cho chú nghe. Cũng lạ lắm

Ba Phang (12/11/2007 10:50:45 PM): Lại là chuyện lạ nữa hả anh Hai?

Hai Lúa (12/11/2007 10:51:25 PM): Ăn uống trong siêu thị thì dùng cái gì nghe như là “cu bông” hoặc là dùng cái thẻ điện tử. Rất tiện và vệ sinh vì người bán mua không phải sờ tay vào tiền giấy nhưng con gái tui nói, họ quản lý doanh thu và thuế tốt. Bữa con gái dẫn vào một bệnh viện cấp huyện thăm một đứa cháu khác, mới biết bên này cái bệnh viện họ không bao giờ có chuyện tiêu cực. Thời ông Thạc - sỉn, mỗi người dân Thái đi khám hay chữa bệnh đều chỉ phải trả một khoản tiền chừng 15.000 đồng cho bệnh lớn, bệnh nhỏ. Bây giờ, dân Thái đi khám chữa bệnh tại các Bệnh viên công đều được miễn phí. Bệnh viện Hai Lúa tới thăm là bệnh viện Băng - len (ở tỉnh Nakhon Pathom), tuyến huyện à nghen, mà được trang bị hiện đại. Cứ 10 - 15 phút lại có một người phục vụ đi lau hoặc quét sàn nhà. Người vào khám đều lấy số; có bảng điện tử hiển thị và có loa để gọi tên. Phòng đợi rất sạch sẽ, được trang bị một màn hình tivi lớn để dân có thể ngồi xem trong thời gian chờ đến lượt mình vào khám chữa bệnh. Lạ nhất là mỗi giường đều chỉ có một bệnh nhân, không có trường hợp nằm ghép giường. Bác sĩ ở đây khẳng định như vậy.

Ba Phang (12/11/2007 10:51:55 PM): Thái Lan họ phát triển kinh tế hơn mình do không qua chiến tranh nên có điều kiện phát triển tốt các dịch vụ xã hội mà anh Hai, có gì lạ đâu…

Hai Lúa (12/11/2007 10:51:59 PM): Chú nói vậy tôi hổng chat nữa đâu, mỏi tay lắm.

Ba Phang (12/11/2007 10:52:03 PM): Dạ không, ý em muốn lý giải thôi.

Hai Lúa (12/11/2007 10:52:12 PM): Chú lý giải hổng đúng. Tôi hỏi chú, chuyện nhân viên bệnh viện họ luôn niềm nở với bệnh nhân, thân nhân, có phải nhờ đất nước họ không qua chiến tranh, phát triển kinh tế hơn không? Hai Lúa gặp từ anh nhân viên hải quan sân bay, đến anh cảnh sát trên đường họ đều niềm nở, cười rất tươi. Mà lạ nghen. Từ anh bảo vệ đến chị quét rác, ai cũng nói được tiếng Anh với thằng Ba, con Út nhà tui nhe! Cái đó lạ không chú Ba Phang? Còn nhiều chuyện lạ lắm như chuyện bố trí các điểm bán hàng ở các nút giao thông, cách bán hàng của người Thái, chỗ con gái tôi học, sinh viên để xe máy, xe đạp ngoài cổng không khóa chả hề hấn gì, thậm chí nó để cái bình mua nước để xài, kèm tiền mặt ở để khơi khơi ngoài cổng cũng chẳng sao… Mà thôi, để hôm nào zìa Việt Nam tôi kể thêm với chú…

Ba Phang (12/11/2007 10:55:03 PM): Em đi Thái nhiều lần, em cũng đi Tây mấy lần nên thấy chuyện đó bình thường.

Hai Lúa (12/11/2007 10:56:02 PM): Còn Hai Lúa tôi lần đầu xuất ngoại, thấy cái mà chú nghĩ là bình thường thành ra CHUYỆN LẠ. Tự vì chuyện đó ít thấy, hổng thấy ở Việt Nam. Vậy hén. Bai bai chú!

BA PHANG copy lại
Image
Cha con nhà họ Huỳnh chụp ảnh lưu niệm tại Hoàng Cung. Ảnh: tui!
Blog Page


Nhãn:

Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2007

BÌNH CHÂN




Sáng nay đọc báo, mình chú ý một cái tin trên trang nhất Thanh Niên: “Vệ tinh VINASAT được bảo hiểm 177 triệu USD”. Trong tin này, đoạn mình chú ý nhất (không phải chuyện mua bảo hiểm) là: “Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai cho biết, Lockheed Martin (hãng sản xuất vệ tinh - Mỹ) và Arianespace (hãng phóng vệ tinh) khẳng định vệ tinh VINASAT sẽ được đưa lên quỹ đạo vào cuối tháng 3.2008, sớm hơn hai tháng so với dự kiến. Vệ tinh VINASAT-1 do Lockheed Martin cung cấp sẽ được đưa lên quỹ đạo 132 độ Đông bằng tên lửa phóng Ariane 5 ECA (do hãng Arianespace cung cấp) từ bãi phóng Guyana (lãnh thổ thuộc Pháp ở Nam Mỹ). Sau khi đưa vào khai thác, VINASAT-1 sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia, cung cấp các dịch vụ phát thanh, truyền hình, viễn thông và các dịch vụ công nghệ cao khác trên toàn bộ lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á”.

Vệ tinh VINASAT-1 được đưa lên quỹ đạo vào sau Tết âm lịch này chắc chắn sẽ là sự kiện truyền thông, sự kiện kỹ thuật quan trọng. Bởi khi đi vào hoạt động, Vinasat sẽ đem lại nhiều lợi ích về chính trị, kinh tế và xã hội to lớn. Có thể xem đây là bước ngoặt trong quá trình phát triển hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin ở Việt Nam. Hàng loạt dịch vụ viễn thông hiện đại sẽ ra đời?

Phát thanh, truyền hình và tất nhiên, báo chí trực tuyến (hiểu theo nghĩa rộng của khái niệm này) ở Việt Nam sẽ có cơ hội thay đổi mạnh.

Ví dụ: Chuyện làm truyền hình trực tiếp nhiều sự kiện ở bất kỳ đâu trong vùng “phủ sóng” của VINASAT-1 (toàn bộ lãnh thổ, lãnh hải, các quần đảo của Việt Nam, khu vực Đông Nam Á, một phần phía đông châu Úc) trở nên dễ dàng so với việc sử dụng viba đầu cuối lâu nay. Truyền hình số vệ tinh sẽ có cơ hội phát triển cực mạnh, giành thị phần của truyền hình tương tự (analog) hiện nay. Các kênh sóng đài địa phương có khả năng sẽ được trộn trong các gói số bình đẳng để phủ sóng rộng. Các kênh truyền hình "chuyên ngành" sẽ nối nhau ra đời phong phú, đa dạng hơn.

Và cũng có thể Bộ Thông tin – Truyền thông sẽ “quy hoạch” lại các kênh truyền hình để tránh lãng phí tần số và can nhiễu sóng như hiện nay. Quá trình hội tụ công nghệ kéo theo sự tích hợp các loại hình truyền thông sẽ diễn ra với tốc độ nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Có vẻ như một số cơ quan báo in đã âm thầm chuẩn bị cho cuộc chơi mới này. Và cũng có vẻ như nhiều đài phát thanh, truyền hình vẫn còn bình chân như vại.

Nhãn:

Thứ Tư, 19 tháng 12, 2007

CÓ ... RỒI!




1. Tình hình là cứ đến mùa khô thì tình trạng thiếu điện lại diễn ra. Thiếu điện, giải pháp nhà đèn áp dụng bao năm nay là cắt điện. “Cắt điện luân phiên” còn có lịch, nhưng thỉnh thoảng ông nhà đèn hứng chí cắt điện bất thường thì chẳng biết đường nào mà mò. Cắt điện bất thường nếu rơi vào bữa tối có trận cầu "kinh điển" giữa MU - Arsenal, AC Milan – Inter Milan, Real Madrid – Barcelona chẳng hạn thì không gì đau khổ cho dân ghiền đá banh hơn. Đau khổ là thế nhưng đám tín đồ túc cầu từ trẻ đến già không thèm đi uống bia hay đi chơi xả tức, vẫn cứ hy vọng và chờ... ông điện. Thế cho nên khi vừa có điện một cái là cả khu phố đồng thanh reo lên: CÓ ĐIỆN RỒI!






2. Tình hình là Yahoo 360 hôm nay (19/12/2007) tiếp tục nổi khùng: các bài viết mới không xuất bản được, các bài viết cũ không sửa được lỗi, còm vào blog bạn bè, trả lời còm bạn bè trong blog mình đều thất bại. Thiên hạ giải thích đủ cách từ chuyện Yahoo Việt Nam bị hack đến chuyện một loại dịch trên xã hội ảo kiểu như dịch tiêu chảy cấp hồi tháng trước.

Hàng ngàn blast, quick còm (may mà Yahoo còn cho 2 món này hoạt động) được sản xuất ra với nội dung chửi rủa bác Yahoo thậm tệ.

Chửi thì chửi nhưng cũng như dân chờ điện xem đá bóng, xem phim, các bloggers cứ “thử và sai” xem khi nào Yahoo hết khùng.

Lúc mà dân mạng tuyệt vọng thì đùng một cái, có một gã ghiền blog làm lại cái động tác F5 do quen tay và hét toáng lên: CÓ CÒM RỒI!






3. Cặp vợ chồng nọ đã có 2 con. Chỉ tiêu nhà nước như thế là đủ nên họ phải dùng các biện pháp tránh thai để phòng “vỡ kế hoạch”, vi phạm chủ trương. Rồi một đêm cuối năm nọ, sau khi ôn lại bao kỷ niệm ngày mới quen, họ lại âu yếm nhau say đắm, chàng hứng khởi quá nên quên “đeo vớ”. Mà lúc đó có trời cản được...

Mấy ngày sau, cô vợ thốt lên: Anh ơi, sao tháng này, em chưa thấy... Hay là...

- Em dính bầu rồi à? – anh chồng hoảng hốt.

- Em không biết

- Không được đâu em ơi. Anh là đảng viên. Vợ chồng mình là công chức. Anh sắp được đề bạt. Không được đâu em ơi...

- Để từ từ em tính...

Mấy ngày nữa trôi qua. Một hôm từ buồng tắm, cô vợ tung cửa chạy ra và la toáng lên:

- CÓ... ẤY RỒI!

- Cái gì? Em dính bầu rồi à?

- CÓ... ẤY RỒI! Em nói là có "ấấấyy" rồi Cô vợ lặp lại, to hơn

- Có bầu à? – anh chồng hỏi lại

- Dạ không, em có... "ấấấyy" lại rồồi!

- Trời, có "ấy" mà em mừng như có điện hay có còm vậy!



KOTEX... SẮP HÂN HẠNH TÀI TRỢ ENTRY NÀY (trỗi nhạc)


---------------------------------

ảnh minh họa khai thác trên internet



Nhãn:

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2007

NÓI NHANH, NÓI CHẬM, NÓI VỪA




Mới đây, khi đọc một luận văn thạc sĩ, thấy có đoạn này:

Qua khảo sát của chúng tôi trong các chương trình, ở các lời dẫn mở đầu của người dẫn chương trình, trong thời gian 26”, có một số kết quả như sau:

1. Tạ Bích Loan (Người đương thời): 143 từ/26”. Bình quân, mỗi giây chị nói 5,5 từ.

2. Kim Ngân (Người xây tổ ấm): 103 từ/26”. Bình quân 3,9 từ/1”.

3. Mộng Hoài (Những ước mơ xanh): , 108 từ/ 26”. Bình quân 4,1 từ/1”.

4. Minh Nguyệt (Hội Nhập): 127 từ/26”, bình quân một giây nói 4,8 từ.

5. Thanh Lâm (Sự kiện và Bình Luận): 120 từ/26”, bình quân một giây nói 4,6 từ.

6. Thanh Thúy (Cánh cửa mở rộng): 96 từ/26”. Bình quân một giây nói 3,7 từ.

7. Hòai Nam (Diễn đàn văn học nghệ thuật): 110 từ/26”. Bình quân một giây nói 4,2 từ.

Tính bình quân, với chương trình giao lưu gặp gỡ, tốc độ nói 4,4 từ/1” là vừa phải. Biết sử dụng các phương tiện ngôn ngữ như ngữ âm để giao tiếp sẽ mang lại hiệu quả cao trong quá trình trò chuyện. Tuy nhiên, đây cũng là điều dễ gây ra lỗi cho người dẫn. Nếu người dẫn không kiểm sóat, điều chỉnh được giọng nói của mình khi gặp những tình huống ngẫu phát, thì dễ dẫn đến bộc lộ những cảm xúc chủ quan. Có những tình huống không cho phép người dẫn thể hiện sự chủ quan đó”

Tôi thử tìm trên internet những thông tin liên quan đến việc nghiên cứu tốc độ nói nhưng chỉ có các thống kê cho tiếng Anh chứ không có tiếng Việt. Và có mấy điều tôi hơi thắc mắc, bạn nào biết thì chia sẻ:

+ Vì sao khi đo tốc độ nói lại chọn đơn vị khảo sát là TỪ mà không phải là ÂM TIẾT (tiếng)?

+ Không biết căn cứ vào đâu tác giả khuyến cáo rằng: “Tính bình quân, với chương trình giao lưu gặp gỡ, tốc độ nói 4,4 từ/1” là vừa phải”. Nghĩa là tốc độ vừa phải: 264 từ/phút (tiếng Việt)?

+ Vì sao tác giả chọn khảo sát trong vòng 26 giây mà không phải là 30 giây hay 1 phút hoặc nhiều hơn?

+ Tốc độ nói bình quân của người Việt thực tế là bao nhiêu âm tiết / phút?

Tôi đã thử làm một vài thống kê thủ công thì thấy kết quả khác.

Ví dụ, đây là một đoạn âm thanh phần giới thiệu chương trình “Người đường thời” thu từ website www.nguoiduongthoi.com.vn (“Ẩn số đến từ Havard” giới thiệu về Nguyễn Bảo Hoàng, Tổng giám đốc IDGVN), các bạn thử xem tốc độ nói của chị Tạ Bích Loan là bao nhiêu từ / phút và bao nhiêu âm tiết / phút nhé. (Theo tác giả luận văn trong đoạn trích trên thì Tạ Bích Loan bình quân nói 5,5 từ/giây, nghĩa là 330 từ/phút)





Tags: chuyennghe



Tuesday December 18, 2007 - 05:56pm (ICT)


Nhãn:

LÀM




Thấy bên blog Bằng Lăng có chuyện “ăn”, viết về vụ tiếng lóng của dân truyền hình, mình bỗng nhớ chuyện “làm”, chuyện hồi học phổ thông, kể lại cho bà con thư giãn tí đầu tuần...

Giờ giải lao, nhóm học sinh nam ngồi lại với nhau bàn chuyện. Trong câu chuyện có đoạn đối thoại:

- Hôm qua, mày làm thế nào?

- Tao “làm” tốt. Làm đầy đủ ba người. Còn mày?

- Sao mày giỏi vậy. Tao chỉ “làm” được 2 người, sau đuối sức quá.

- Thúy Kiều mày làm sao?

- Lúc đầu, gặp Thúy Kiều, tao hứng quá, “làm” quá trời luôn, phải 20 phút.

- Còn Nguyệt Nga?

- Lúc tới Nguyệt Nga, tao cũng còn hứng, mày biết là tao khoái Nguyệt Nga mà, tao “làm” thêm chừng 10 phút nữa. Nhưng đến chị Dậu thì nản và mệt quá nên chẳng “làm” được...

Cô giáo dạy văn đi ngang qua nghe chuyện bèn nói: Phải “làm” đủ 3 chị mới đạt. Đề thi yêu cầu: “Phân tích hình tượng người phụ nữ Việt Nam qua 3 tác phẩm: Truyện Kiều, Lục Vân Tiên Tắt đèn" mà...

-----------------

Ảnh minh họa: Vào phòng thi (mượn từ VietnamNet)


Nhãn:

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2007

KHI NHÀ BÁO NỮ TÁC NGHIỆP Ở MỘT SỰ KIỆN THỂ THAO LỚN




SEAGAMES 24 ở Thái Lan thu hút hơn 1.000 nhà báo đến đưa tin, trong đó có hơn 200 phóng viên nữ. Và có không ít những phóng viên nữ tham gia tác nghiệp tại SEAGAMES 24 được ghi nhận là rất năng động và rất xinh.

Xinh như thế nhưng vẫn phải nhọc nhằn phỏng vấn, viết bài, dựng băng, chụp hình. Ăn uống làm việc cũng y như các nhà báo nam.


Nhà báo nam (trong ảnh là anh Quang Tuyến báo Thanh Niên) nhiều lúc quá mệt phải ngủ gật như thế này tại Trung tâm báo chí (MPC) nhưng các nhà báo nữ cũng chả thua về khoản... ngủ này!
Image
Blog Page

Nhãn:

Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2007

QUÀ CƯỚI CỦA THỦ TƯỚNG




Tối nay, hai vchồng ngồi phân công nhau chuyện đi đám cưới ngày mai, ngày mốt. Nhìn tấm thiệp của đứa cháu cũng “Phan Văn” như mình, nhớ lại chuyện vui cũ, chuyện đã đưa lên blog này từ những entry đầu...

Ngày chúng tôi chuẩn bị đám cưới, viết thiệp mời, nhiều bạn thân cũng có mặt để phụ… bỏ thiệp vào bì thư. Vừa làm vừa vui chuyện, người anh cả trong nhóm nảy ra sáng kiến: “Tú ơi, tên em là PHAN VĂN TÚ. Đương kim Thủ tướng là PHAN VĂN KHẢI. Hay là em cứ gửi đại một cái thiệp mời ra Văn phòng Thủ tướng, kèm theo một lá thư đại khái: Thưa chú, con biết chú bận việc nước, sẽ không có thì giờ sắp xếp dự đám cưới con được. Tấm thiệp này con gửi đế báo tin cho chú thiếm biết ngày vui của tụi con….”

Anh bạn phân tích: Thủ tướng đi làm cách mạng, xa quê nhiều năm, và chắc có nhiều con cháu ở Củ Chi nên chẳng nhớ nổi liệu mình có đứa cháu nào tên là PHAN VĂN TÚ không. Và vì thế, thà gửi lầm hơn bỏ sót, biết đâu ổng sẽ nhờ Văn phòng gửi cho em một món quà cưới. Quà gì không quan trọng, quan trọng là quà cưới của Thủ tướng dành cho vợ chồng em!

Tất cả cùng cười vang vì cái ý tưởng ngộ nghĩnh ấy. Có người còn bổ sung: Thiệp và thư đó phải đem lên Củ Chi – quê Thủ tướng - để gửi đi, dấu bưu điện Củ Chi sẽ thuyết phục hơn. Thủ tướng bận thì văn phòng họ lo. Chắc chắn thế nào cũng có quà. Có người còn góp ý: nên viết thêm vào lá thư những chi tiết như “Tết rồi, chú về quê, ba cháu biểu tụi cháu lên chào chú nhưng hôm đó vợ chưa cưới của cháu bị bệnh…”

Tất nhiên đó là chuyện đùa.

Và tôi chợt nghĩ là nếu có ai đó làm thật một chuyện như vậy thì sẽ thế nào nhỉ?

Blog Page

Nhãn:

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2007

CUỘC TRANH TÀI TRÊN KHÁN ĐÀI




Đây là vài hình ảnh và video clip cổ động viên sân vận động Municipality trong trận chung kết bóng đá nữ Việt Nam - Thái Lan do Nhật Hân, phóng viên ĐN-RTV chuyển về cho blog này chiều nay. Cuộc đọ sức trên sân quyết liệt và gay cấn (như chúng ta được xem trực tiếp trên truyền hình) bao nhiêu, thì cuộc tranh tài ở các khán đài cũng không kém phần sôi động, hào hứng, hấp dẫn...

Hãy bấm vào đây xem clip để cảm được cái âm thanh sôi động ấy





Tags: tanman



Thursday December 13, 2007 - 11:06pm (ICT)


Nhãn:

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2007

ĐỌC LOGO ĐÀI

Image

Mới xem bản tin SEAGAMES ở một số Đài, thấy cái mic phỏng vấn của phóng viên VTV, VTC, ĐNRTV (Đài Đồng Nai), BTV (Đài Bình Dương) xuất hiện ngộ ngộ. Các Đài tự chế cái “cục logo” nhằm khẳng định thương hiệu gắn vào mic nhìn không hợp nhãn lắm. Bất giác nhớ lại cái chuyện vui vui đã đưa lên lâu rồi. Nay tái bản có bổ sung...

Ở Việt Nam, các Đài truyền hình xây dựng logo khá muộn sau thời gian phát sóng (có lẽ do hồi đó chưa có thiết bị cẩn chữ và do chưa ý thức được chuyện thương hiệu. Nhưng khi hình thành ồ ạt những cái logo theo format “X”TV hoặc TH“X”, trí tuệ dân gian đã bắt đầu hình thành… Dưới đây là vài mẩu trong số hàng trăm mẩu chuyện như thế từ những cái logo

1/ Lúc tỉnh Quảng Nam được tách ra từ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, nhiều cơ quan nhà nước ở tỉnh này hình thành trên cơ sở chia tách nhân lực từ đơn vị cũ. Đài Phát thanh – truyền hình Quảng Nam cũng thế, bộ khung cán bộ phóng viên "được chia" từ Đài PTTH Quảng Nam – Đà Nẵng cũ, trừ cơ ngơi thì để lại thành lập Đài PTTH thành phố Đà Nẵng.

Chuyện “di dời” vào cơ quan mới ở thị xã Tam Kỳ ("thủ phủ" Quảng Nam) cách Đà Nẵng hơn 60 km chẳng ai muốn (có lẽ phải trừ những người vào làm lãnh đạo). Những phóng viên được cử vào Tam Kỳ làm việc ở Đài PTTH Quảng Nam (QRT) sau khi nhận nhiệm vụ chừng vài tuần thấy ngán quá bèn hè nhau:

- QUAY RA THÔI!

Nhưng quay ra thì làm ở đâu, bọn họ chạy về Đài PTTH thành phố Đà Nẵng (ĐRT) thì được trả lời:

- ĐI RỒI THÔI!

Tức quá, họ buộc phải xin việc ở cơ quan TW là Đài Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng (lúc đó logo là ĐN) nhưng người ta nói thẳng:

- ĐẾCH NHẬN!

Thế là đành ra Hà Nội xin vào đài quốc gia thôi, Truyền hình Việt Nam (VTV) trải thảm đỏ:

- VỀ THÌ VỀ!

Logo Đài PTTH Quảng Nam

Logo Đài PTTH Quảng Nam (QRT) sau này cũng được giải thích nhiều kiểu lắm:

- Quy ra thóc ; Quy ra tiền ; Quy ra tình v.v…

Hoặc có 1 cách đọc chiết tự theo kiểu rất Quảng Nam “Cu rờ tê”.

Không biết cái nào chính xác.


Logo Đài PTTH Lâm Đồng


2/ Liên hoan truyền hình toàn quốc tổ chức tại Nha Trang đầu năm 2006, các Đài trong Nam và cả miền Trung miền Bắc đều đến bằng xe hơi (thay vì đi máy bay nếu tổ chức ở Hà Nội) nên sân Đài PTTH Khánh Hòa ngập tràn xe nhà Đài, đặc biệt là xe land cruiser, loại xe uống xăng như dân Đài uống bia, mà Đài nào cũng có một chiếc từ một cái dự án gì đó ở TW. Xe giống nhau cả phần xanh xanh đỏ đỏ đề can và mấy chữ TRUYỀN HÌNH LƯU ĐỘNG ngang hông. Để phân biệt, các Đài đều dán logo to đùng phía trước. Nhưng giữa một biển xe land cruiser, nhiều anh chị đại biểu tìm xe Đài mình sau buổi hội thảo cũng không dễ. Đây là một đoạn thoại giữa 3 anh nhà Đài: Truyền hình Vĩnh Long (THVL), Truyền hình Lâm Đồng (LTV), Truyền hình Cà Mau (CTV):

- Xe Đài mình ở đâu hè?

- Anh ở Đài nào?

- Truyền hình Vĩnh Long, THVL

- A, tiền hết vợ lo ở góc trái sân này nè!

- Còn anh ở Đài nào vậy?

- Lâm Đồng!

- À, người ta thắc mắc hoài “LTV” là cái gì to vậy?

Một anh khác xen vào:

- Vậy Đài Cà Mau của tôi thì sao: CTV – cái gì to vậy?




3/ VTV vốn có nhiều kênh nên có cách giải thích cho 3 kênh đầu của VTV như sau:

VTV1: Vốn thích vợ một

VTV2: Vẫn thèm vợ hai

VTV3: Và tìm vợ ba

Còn Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV):

VOV: Về ôm vợ

VOVTC (VOV training center): Về ôm vợ thật chặt

3/ Đài Phát thanh – Truyền hình Đồng Nai là Đài có cái logo lạ nhất, hình vuông vuông, chữ R nhỏ xíu trên màn ảnh một thời đánh đố nhiều khán giả. ĐN-RTV là cái gì nhỉ? Gặp người nhà Đài nghe giải thích khác nhau

- Đứa nào rủ tao vậy?

- Đã nhậu rồi thì về

- Đi nhậu rủ tao với!

- Đi nhậu rờ túi vợ. Câu này có nhiều dị bản: Đi nhậu rờ tới vai, Đi nhậu rờ tới váy hoặc tới cái gì có chữ “v” là được…

Có một câu giải thích mà hiện giờ chưa ngã ngũ là bản nào chính xác. ĐN-RTV viết tắt của:

- Đánh nhau rất thú vị (vô lý nhỉ?)

- Đèo nhau rất thú vị (cái này cũng chưa chắc, đèo bằng xe đạp chỉ có ná thở!)

- Đụp nhau rất thú vị (cái này càng khó hiểu)

Nói chung dị bản nhiều quá mà cái động từ bắt đầu bằng chữ “Đ” ấy cũng có nhiều từ nói ngượng mồm lắm. Thôi thì các bác tự bình chọn vậy!




Blog Page

Nhãn:

QUA THÁI LAN VẼ MẶT ĐI

Nghe anh em bên Thái chat về cho biết, Ban Tổ chức SEAGAMES 24 đã bố trí cho nhiều nhóm tình nguyện viên tổ chức việc vẽ mặt miễn phí cho cổ động viên. Muốn vẽ cờ Việt Nam, cờ Thái hay các biểu tượng nào có đường nét, màu sắc đơn giản, các tình nguyên viên phục vụ tận tình





Tags: tanman



Tuesday December 11, 2007 - 10:49am (ICT)


Nhãn:

Thứ Hai, 10 tháng 12, 2007

ỐP...

Image

Post cái bóng tớ chớp lúc mấy đứa xuống ốp, thích thích, tớ muốn viết cái én (*) dấu sắc:

Vốn trước đó, chú Thống chát với tớ, nói muốn xuống ốp, tớ nói: chú cứ ghé.

Mới sáng: bác Cuốc Đất (*) bấm máy tới tớ, nói "bác Tú nhớ cố tới quán Đốc, có gió mát, thoáng lắm…"

Tớ vốn rất khoái ốp (có uống tí chút, có hát xướng, có nói tếu táo…). Lúc tớ với Má Ruốc tới, quán vắng quá (Mấy đứa bé gái bán quán trốn hết. Thế mới tức chớ!)

Nhóm ốp phóng gắn máy đến rất có khí thế, rất giống mấy đứa chí cốt, nối khố…

Tớ kéo bác Bán Nước (*) tới quán. Bác Bán Nước uống mấy cốc, có khách, bán phắng trước…

Có Dép Trái (*) nói liếng thoắng tiếng Bắc (Dép Trái vốn gốc Bắc, sống tít Đắc Lắc…)

Có Phố Núi (*), Phố Núi rất ít nói. Phố Núi kế toán (gốc gác giống bác Thúc Giáp, sống tít xứ… Phố Núi)

Tớ thấy có bé Nắng, bé Nắng tớ có thấy nick, thấy mess trước đó. Sáng đó tớ mới biết đích xác.

Uống tới lúc xế xế mới thấy chú Thống lót tót đến.

Lúc uống, bác Cuốc Đất cứ hối tớ uống tới tấp, tớ ứ dám (vốn trước đó tớ thức tới sáng, có đám táng). Má Ruốc cứ nhắc tớ bớt hút thuốc: Đốt lắm thế, chết sớm đấy!

Chú Thống xuống, uống rất khí thế. chú Thống muốn uống tới tối.

Tớ với má Ruốc có đám, chúng tớ báo cáo phắng trước.

Lúc tớ biến, tớ mới nhớ: “Chết mất! Nếu Dép Trái, chú Thống muốn “ấy”, các chú đó có biết cách, biết hướng tới "ấy"?”

Bác Cuốc Đất, Dép Trái, chú Thống viết tiếp nhé….


________________________

+ Tớ chú thích mấy cái:

(*) én: entry

(*) bác Cuốc Đất: bác Hai Min Đông

(*) bác Bán Nước: bác Duy Thin, Phó chủ tích Hiệp hội Du lịch Đồng Nai, Giám đốc Công ty truyền thông Nắng Việt, chủ quán cà phê Cội Nguồn nổi tiếng Biên Hòa

(*) Dép Trái: Huy Dep Trai (Huy đẹp trai)

(*) Phố Núi: Ph Núi Cao

(*) bé Nắng: Nắng Thủy Tinh

(*) Cái “ấy” tớ muốn nói tức lấy cái nước chứa chấp thốn bóng đái.


Blog Page

Nhãn:

Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2007

THƯ NGỎ GỬI ĐỘI BÓNG ĐÁ U23 LÀO




(Trước trận cầu Việt – Lào chiều 8/12)

Việt – Lào hai nước chúng ta

Vốn không có chuyện Hoàng Sa vướng vào

Thả anh vô bán kết nào…

Hứa năm sau, nhập… gió Lào nhiều hơn!

Nhãn:

BÌNH CHỌN CÁC SỰ KIỆN BLOG VIỆT TIÊU BIỂU, TẠI SAO KHÔNG?




Vào cuối năm, theo thông lệ, giới truyền thông thường có các cuộc bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu trên các lĩnh vực (tại sao là 10 mà không là 9 nhỉ?). Đó là các sự kiện có ảnh hưởng, tác động lớn tới dư luận và có ý nghĩa. Đó là những sự kiện mà đằng sau nó hàm chứa các vấn đề chính trị - kinh tế - xã hội lớn… Bình chọn không đơn thuần mang ý nghĩa tổng kết một quá trình…

“Làng” blog Việt mới hình thành gần đây, nhưng từ khi ra đời đến nay, có lẽ 2007 là năm mà blog hoạt động sôi nổi nhất, được sự dư luận quan tâm nhiều nhất, có nhiều sự kiện đình đám nhất. Nhiều sự kiện trong làng blog Việt đã cho thấy vai trò của truyền thông trực tuyến ngày càng mạnh mẽ hơn, góp phần to lớn vào quá trình dân chủ hóa, tác động không nhỏ đến đời sống truyền thông…

“Làng” blog Việt có nhiều “khu”, nhưng khu vực Yahoo quản lý là đông nhất. Nhưng dù “không gian cư trú” ở đâu, xã hội blog Việt cũng có nhiều điểm giống nhau.

“Có nên tổ chức một cuộc bình chọn 10 sự kiện blog Việt tiêu biểu 2007?” là câu hỏi đầu tiên mà chúng tôi xin được nghe ý kiến “cả làng”.

“Bình chọn bằng cách nào?”, hơi khó nhỉ, tôi chỉ nghĩ rằng chúng ta sẽ cùng nhau đề xuất, và sau đó, sẽ cùng nhau vote bằng công cụ trực tuyến

Cũng có một điều cần phân biệt (ít nhất là trong cách dùng câu chữ), chúng ta sẽ bình chọn các sự kiện liên quan đến blog Việt nên ở đây sẽ có trường hợp “ranh giới sự kiện” bị hiểu lầm. Ví dụ: Thảm họa sập cầu Cần Thơ, là một sự kiện lớn, tiêu biểu 2007, nhưng bản thân nó không phải là sự kiện blog Việt 2007. Trong khi đó, sự kiện các bloggers cùng nhau kêu gọi cộng đồng hướng về những nạn nhân thảm họa cầu Cần Thơ lại có thể là một sự kiện blog Việt tiêu biểu.

Năm 2007 còn hơn 20 ngày nữa, chưa biết 20 ngày tới sẽ có sự kiện gì xảy ra. Nhưng từ hôm nay, chúng ta có thể bắt đầu cuộc bình chọn. Rất mong được nghe ý kiến góp ý của “cả làng” và những đề cử các sự kiện blog Việt 2007 qua comment của các anh, chị và các bạn!

Tôi tham gia làm blog hơi trễ (tháng 4/2007) nên thực sự chưa thể quan sát đầy đủ đời sống blog trong năm nay. Dưới đây, xin thử đề xuất một số sự kiện blog Việt tiêu biểu theo lăng kính chủ quan:

1. Những ngày đầu tháng 12, nhiều bloggers đã lên tiếng phản đối và kêu gọi mọi người cùng phản đối Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập thành phố hành chính cấp huyện Tam Sa (thuộc tỉnh Hải Nam), trực tiếp quản lý ba quần đảo trên biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Những hình thức phản đối này hết sức phong phú, từ cung cấp tư liệu quý về chủ quyền 2 quần đảo có tầm quan trọng lớn này đất nước, đến việc đề ra những giải pháp, và gửi đi lời kêu gọi dưới nhiều hình thức trên không gian mạng.

2. Cộng đồng bloggers Việt cùng bắt tay nhau dưới nhiều hình thức có ý nghĩa sau thảm họa sập 2 nhịp dẫn cầu Cần Thơ. Từ những entry đánh động dư luận, đốt lên ngọn lửa tình thương đến những lời tư vấn, góp ý và các chương trình off-line từ thiện.

3. Sự kiện clip sex của diễn viên đóng phim truyền hình “Nhật ký Vàng Anh” đã tạo nên một cơn bão thông tin trong làng blog Việt. Tác động của những thông tin blog từ sự kiện này đến giới truyền thông “chính thống”, giới quản lý báo chí, giới bảo vệ pháp luật… không nhỏ. “Cơn bão” đó cho thấy phần nào sức mạnh của “báo chí công dân”

4. Vụ kiện của ca sĩ Phương Thanh với blogger Cô Gái Đồ Long, một sự kiện được dư luận chú ý và là một vụ kiện chưa có tiền lệ. Từ sau sự kiện này, nhiều ý kiến về việc quản lý blog được đặt ra…

5. Hội thảo “Blog trong thế giới thật”do báo Lao Động tổ chức sáng 21-8, đặt vấn đề cần xây dựng quy tắc ứng xử của bloggers Việt và tiến tới xây dựng một nền văn hóa trong không gian blog.

6. Chuỗi sự kiện “hậu trường nhân sự báo Tuổi Trẻ” kéo dài trên blog trong nhiều tháng

....

Đây là 2 đề xuất của bạn Sách Bố

- Sách truyện xuất bản từ entries: "Chuyện tình NewYork" của blogger Hà Kin.

- Yahoo tuyên bố từ bỏ Y!360 làm bà con hoang mang chuyển sang Mash để rồi quê độ khi Y!360 tuyên bố Mash cũng không phải là hậu bối của Y! 360.

Đề xuất của Huy Truong:

+ Phong trào Free Hug
+."Xin lỗi em chỉ là con đĩ", tập truyện dịch tiếng Hoa của Trang Hạ, đánh dấu sự có mặt của dòng văn học mạng tại Việt
Nam

Đề xuất của Bằng Lăng::

+ Cuốn sách “Tớ là Dâu” của một blogger là chàng trai người Canada viết bằng tiếng Việt xuất bản mà nội dung từ các entry "đình đám" trên blog của anh,

+ Cuốn:tiểu thuyết kiếm hiệp được viết từ blog với nhan đề “Tuyết đen” của nữ blogger Giao Chi với lời tựa “Truyện kiếm hiệp đầu tiên dành cho tuổi teen Việt”


+ Đề cử của nhà báo Đồng Phước Vinh:

Cuộc chiến tranh giành blogger giữa các nhà cung cấp dịch vụ trong nước (gọi là “trong nước” theo Giấy phép chứ thực chất các công ty này đều có vốn nước ngoài) như Cyword, Yobanbe (của Vinagame), Timnhanh (của VON) với Yahoo. Nhiều chiêu thức (chánh lẫn tà) đã được tung ra hứa hẹn làng blog năm 2008 còn nhiều chuyện hấp dẫn hơn nữa trong cuộc chiến giữa mãnh hổ Yahoo với quần hồ kia…

+ Đề cử của Neco

Truyện dài sáng tác trên blog "Lần đầu thân mật" tác giả Thái Trí Hằng. Câu chuyện kể về mối tình trên mạng lôi cuốn khá nhiều bạn đọc. Hot và hấp dẫn!


Và một số đề xuất của các blogger khác (xem trong comment)



Mời các bạn tiếp tục đề cử.

------------------------------------------

Ảnh minh họa: Giao diện blog “Bố Cu Hưng”, blog của nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Tổng thư ký tòa soạn báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, một blog được nhiều tờ báo trong và ngoài nước cũng như các blog khai thác và dẫn lại…

Blog Page





Có nên tổ chức một cuộc bình chọn 10 sự kiện blog Việt tiêu biểu 2007?




1. Nên

22


2. Bình chọn để làm gì?

5





Sign in to vote

Nhãn:

Thứ Năm, 6 tháng 12, 2007

QUÀ LƯU NIỆM SEAGAMES 24




Người Thái vốn có nhiều kinh nghiệm tổ chức du lịch và shopping nên tại nơi diễn ra các môn thi đấu chính ở Nakhon, họ dành hẳn một khu vực hoành tráng để bán hàng lưu niệm SEAGAMES 24

Khác với SEAGAMES 22 được tổ chức tại Việt Nam khi hàng lưu niệm được sản xuất từ Trung Quốc tràn ngập, hàng lưu niệm SEAGAMES 24 do Thái Lan sản xuất khá đa dạng.

SEAGAMES 24 chưa khai mạc nên những chỗ mua sắm này chưa đông khách. Theo ghi nhận của các phóng viên Đài Đồng Nai thì giá cả hàng lưu niệm như logo và macos của SEAGAMES 24 khá đắt. Áo quần có hẳn những khu bán riêng nhưng giá cũng… trên trời. Một cái áo gió: 3000 Baht (tương đương 1,5 triệu tiền Việt)





Tags: tanman



Thursday December 6, 2007 - 11:26am (ICT)


Nhãn: