Thứ Hai, 24 tháng 12, 2007

THEO DÒNG LỊCH SỬ HAY THEO DÒNG THỊ TRƯỜNG?

Image

Hôm nay, Tuổi trẻ dành nguyên trang văn hóa – nghệ thuật – giải trí cho chuyên đề “Theo dòng lịch sử trên VTV2” (bấm vào đây xem chuyên đề). Giữa lúc mà chuyện Hoàng Sa – Trường Sa thành vấn đề nhạy cảm của truyền thông “chính thống”, chuyện “lịch sử bi tráng của dân tộc cũng nhiều khi bị lãng quên”... báo Tuổi Trẻ có phần khá ưu ái cho một trò chơi truyền hình chẳng mấy có tiếng vang dù nó đã ra đời và tồn tại hơn 6 năm.

Đọc những bài viết trên trang báo ấy, biết thêm nhiều chuyện hậu trường. Entry này góp phần lý giải thêm bằng vài ý kiến "ăn theo"...

Thực ra, công bằng mà nói, lâu nay, kiến thức lịch sử cũng được “tích hợp” trong nhiều trò chơi truyền hình khác của VTV và nhiều đài truyền hình địa phương nhưng có lẽ “Theo dòng lịch sử” là chương trình chuyên sâu nhất, dung lượng kiến thức lịch sử “đậm đặc” nhất.

Ra đời từ Ban Khoa học – giáo dục, “Theo dòng lịch sử” là games show mang nặng chất “khoa giáo”: cung cấp kiến thức, thi nhiều hơn “chơi” (chưa thực sự “chơi với sử” như tít của bài báo). Đây là một trong số ít trò chơi không mua bản quyền của VTV. Dường như “Theo dòng lịch sử” ít khai thác các thủ thuật của trò chơi truyền hình hiện đại như tính tương tác, yếu tố bất ngờ, yếu tố may rủi..., ít khai thác các yếu tố kỹ thuật từ sân khấu, ánh sáng, phần mềm hỗ trợ, âm nhạc đến cách tổ chức đội chơi, người chơi... để tạo sức thu hút khán giả truyền hình như các chương trình trò chơi khác. Ngân hàng đề thi của “Theo dòng lịch sử” có quá nhiều câu hỏi buộc thí sinh (và tất nhiên khán giả truyền hình) phải “thuộc lòng” các số liệu, dữ kiện... hệ thống các câu hỏi đòi hỏi phải suy luận, phân tích kiến thức lịch sử (ý nghĩa, bài học từ các sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử... ) còn chiếm tỷ lệ thấp.

Nhưng đó cũng không phải là lý do chính.

“Ở nhà chủ nhật” cũng là trò chơi “thuần Việt” (tôi không thích dùng khái niệm ‘thuần Việt”). “Ở nhà chủ nhật” cũng chỉ cung cấp kiến thức nữ công gia chánh (chứ không phải kiến thức tổng hợp như “Chiếc nón kỳ diệu”, “Ai là triệu phú”, “Đấu trường 100” v.v... Nhưng trò chơi này có rating cao, có tài trợ mạnh, giải thưởng lớn và thậm chí, "Ở nhà chủ nhật" đã góp phần đưa tác giả chính của nó vào cái ghế Phó Ban.

Vì sao trong một quá trình dài thực hiện như thế, “Theo dòng lịch sử” chưa được sự quan tâm của các nhà tài trợ trong nước? Chẳng lẽ các doanh nhân Việt không yêu lịch sử? Câu trả lời chắc chắn là không (và chứng minh điều đó cũng không khó).

Theo dòng lịch sử được thực hiện theo một format quá “cổ”. Nhóm thực hiện chương trình ít có sự sáng tạo và không được đầu tư (các chuyên gia về trò chơi truyền hình giỏi nhất của VTV thuộc Ban Thể thao - Giải trí - Thông tin kinh tế).

Theo dòng lịch sử được phát sóng vào 18g thứ bảy và 9g30 sáng chủ nhật hằng tuần. So với giờ phát “Nhật ký Vàng Anh”, đây không phải là giờ vàng. Theo dòng lịch sử được phát sóng trên VTV2. So với kênh phát “Nhật ký Vàng Anh”, đây không phải là kênh sóng có rating cao của VTV. Tất nhiên, chương trình này do Ban Khoa giáo thực hiện nên được phát trên kênh "chuyên trị" khoa giáo VTV2. Nhưng VTV2 được phủ sóng quốc gia chậm hơn nhiều so với VTV1 và VTV3. Mặt khác, các chương trình có tài trợ thường được PR qua các spot giới thiệu liên tục trên các kênh sóng khác, còn “Theo dòng lịch sử” dường như không có.

Khi một chương trình không có những thuận lợi về giờ phát và kênh phát sóng và quảng bá thì khó có thể kêu gọi tài trợ. Có cực đoan chăng nếu cho rằng “giờ vàng” và “kênh hot” đã dành cho phim truyện nước ngoài, games show giải trí vì có tài trợ, còn “lịch sử” thôi thì, dân ta ráng biết sử ta vậy...

Cũng theo bài trên Tuổi Trẻ sáng nay, năm tới, “Theo dòng lịch sử” sẽ thay đổi format để cải tiến chương trình. Hy vọng “theo dòng lịch sử” sẽ “theo dòng thị trường” để đến với dân ta nhiều hơn...

Blog Page




Nhãn:

15 Nhận xét:

Anonymous Hai Au nói...

[Là trò chơi không mua bản quyền nên “Theo dòng lịch sử” ít khai thác các đặc trưng của games show như tính tương tác, yếu tố bất ngờ, yếu tố may rủi, ít khai thác các yếu tố kỹ thuật trong trò chơi truyền hình hiện đại từ sân khấu, ánh sáng, phần mềm hỗ trợ, âm nhạc đến cách tổ chức đội chơi, người chơi... để tạo sức thu hút khán giả truyền hình như các chương trình trò chơi khác.]
Ý này dù đúng, nhưng nghe khó chịu thế nào ấy. Khó chịu ở chỗ "Không mua bản quyền... nên"
"Ta" có thể ít nhiều gì đó làm được, nhưng "ta" có bỏ cuộc chơi chăng?

lúc 19:53 24 tháng 12, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Hai Au: Viết vội, chỗ đó diễn đạt chưa hợp lý. Để em sửa.

lúc 20:01 24 tháng 12, 2007  
Anonymous ₪●๋• ßằng Lăng ●๋•₪ nói...

Chương trình theo dòng lịch sử tuy "khô" nhưng nếu ai"chịu khó"theo dõi thì các kiến thức chương trình đưa ra rất thú vị.
Có lẽ em hơi"cực đoan"khi không thích các show games như:Ở Nhà chủ nhật,Hãy chọn giá đúng,Hành khách cuối cùng(thay giờ phát của Hành trình văn hóa hay thế mà không duy trì),và khó chịu không thèm xem"Chiếc nón kỳ diệu từ ngày có thêm "cô nàng Maica"nhảy nhót thấy ghét nếu gặp là chuyển kênh ngay.

lúc 20:01 24 tháng 12, 2007  
Anonymous Huy Đẹp Trai nói...

đã từ lâu em không xem Games Show, nó giống nhau và nhạt quá!

lúc 20:18 24 tháng 12, 2007  
Anonymous tuanvetinh nói...

Em cũng thấy game show này khô cứng quá,không hấp dẫn tí nào. Cá nhân em lại không thích cách dẫn của MC Nguyên Sơn, có vẻ hơi "bốp chốp" sao ấy.

lúc 21:17 24 tháng 12, 2007  
Anonymous huy truong nói...

Gameshow bây giờ xem phát chán. Hành khách cuối cùng, chúng tôi là người lính, .... xem nhạt nhẽo, vô vị không chịu nổi. Chỉ có mấy gameshow thuần về kiến thức tổng hợp như Đấu trường 100, Ai là triệu phú, Đường lên đỉnh Olympia là còn hấp dẫn. Mà em thấy " Theo dòng lịch sử", về nội dung , cũng cùng một form như vậy. Cơ bản là cách thức thể hiện thôi.

lúc 21:20 24 tháng 12, 2007  
Anonymous HTGiap nói...

Nếu không có vụ Hoàng Sa - Trường Sa, Tuổi Trẻ cũng chẳng lăng xê cái chương trình "Theo dòng lịch sử" tẻ nhạt và khô cứng này.
VTV hiện có nhiều chương trình rất vô duyên, theo chủ quan của HTG, chẳng hạn như cái chương trình thể thao gì đó được phát vào chiều chủ nhật (hay thứ bảy nhỉ) hàng tuần, do anh chàng Long Vũ cầm trịch.

lúc 00:28 25 tháng 12, 2007  
Anonymous Thạch lão gia nói...

THEO DÒNG LỊCH SỬ CẦN THAY ĐỔI 2 THỨ : HÌNH THỨC CÂU HỎI & ĐẲNG CẤP CỦA NGƯỜI CHƠI.
Hình như ,các gameshow là nơi chúng ta bộc lộ sự dốt nát và ngây ngô hay sao đó ? Xin lỗi mọi người vì cách hỏi hơi shok , tôi chưa tìm được cách diễn đạt chính xác hơn !

lúc 01:05 25 tháng 12, 2007  
Anonymous Diem xua nói...

Entry này chắc sẽ lại được đăng báo đó anh ạh, anh phân tích đúng lắm: “Theo dòng lịch sử” không có quá nhiều yếu tố để làm nên 1 chương trình thu hút.Không coi game show này cũng không có nghĩa là không mê sử Việt, D cũng không coi được, giờ phát sóng tòan là giờ D phải “chạy rong” không hà!

lúc 01:37 25 tháng 12, 2007  
Anonymous Chung Do Kwan nói...

bài phân tích hay!sao khg đăng báo nào?mà báo nào đăng trừ báo...blog mình.nhỉ!

lúc 01:38 25 tháng 12, 2007  
Anonymous Casanova..! nói...

Hix...Cái showgame "theo dòng lịch sử" này cháu xem được có 2 lần...rồi chán!Công nhận là nhiều kiến thức lịch sử nhưng mà khô khan quá!

lúc 21:15 25 tháng 12, 2007  
Anonymous Trau nói...

Theo dòng nào thì theo, nhưng đừng theo kiểu xóa Đinh, Lê, Lý, Trần... thay bằng Bánh, Bơ, Đậu, Sữa(Huỳnh Văn Bánh, Đoàn Văn Bơ, Nguyễn Văn Đậu, Nguyễn Thị Sữa)

lúc 22:23 25 tháng 12, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Bằng Lăng: "Theo dòng lịch sử" có khối lượng kiến thức cao trong mỗi chương trình (so với Chiếc nón kỳ diệu chỉ có 5 vòng chơi mỗi vòng 1 câu đố) nhưng cách tổ chức trò chơi còn đơn điệu. Và, nhiều khi, VTV2 khoán cho 1 trung tâm khu vực thực hiện, trung tâm này lại đi ép các địa phương hỗ trợ...
@ Huy Đẹp Trai: Thực ra cũng có games coi được chứ em.
@ Tuấn: "Theo dòng lịch sử" cũng còn nhiều sạn lắm. Quý là ở tấm lòng của những người thực hiện với lịch sử nước nhà. Buồn là ở chuyện nó không được đầu tư...
@ Huy Truong: Về bản chất, các trò chơi truyền hình (liên quan đến kiến thức) đều là cuộc thi. Có hỏi và đáp. Vấn đề là tìm ra cách hỏi, cách trả lời cho sinh động và làm cho khán giả truyên hình "có cơ hội tham gia suy nghĩ, suy luận" và sống trong không khí căng thẳng hấp dẫn của nó.
@ HTGiap: Đồng ý với bác!
@ Thạch Gia Trang: Đây là một nhận xét rất tinh tế. Hiện nay, cách xây dựng câu hỏi, các chiêu thức truyền hình của chương trình này còn giống một cuộc thi "đố em" trong học đường, chưa khai thác các yếu tố kỹ thuật truyền hình, chưa sâu sắc. Việc tuyển chọn người chơi của "Theo dòng lịch sử" cũng bị hạn chế (chắc do kinh phí, giải thưởng), thường thông qua tổ chức Đoàn, hoặc các Sở giáo dục, các trường đại học...
@ Diễm xưa: Em đọc được ý nghĩ của anh rồi!
@ Anh Chung Kwan: Cái này chỉ là một ý kiến nhỏ do em vốn là người trong nghề truyền hình nên quan tâm thôi. Cám ơn anh.
@ Bác Trâu: Thiện tai, thiện tai!

lúc 23:41 25 tháng 12, 2007  
Anonymous Lão Nông nói...

Comment lạc đề:
50 triệu đồng trên chiếu bạc
5 mạng người chết ngộp đưới ao
Nguyên nhân vì sao:
Từ những con bạc triệu đô?
Từ mỗi chiều đài loan tin xổ số?
Từ các show truyền hình đen đỏ?
Trò chơi tin nhắn ầu ơ?
Câu hỏi rất mơ hồ
Câu trả lời cần rõ!

lúc 03:32 26 tháng 12, 2007  
Anonymous Mèo Béo nói...

MB thường xuyên xem VTV2 nhưng rất ít khi xem chương trình này vì trái giờ. Đúng là mặc dù "khô","cổ" nhưng nó còn hữu ích hơn vô cùng nhiều những gameshow vô duyên của truyền hình đấy ạ! Gameshow đang thoái trào nhưng reality show và talkshow chắc còn lâu mới lên ngôi, xem gì bây giờ anh Tú???

lúc 03:52 26 tháng 12, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ