Thứ Năm, 30 tháng 8, 2007

EMPTY ENTRY

Image

Chú thích: Lẽ ra trên đây là một bài "hoàng tráng" nhưng nếu cái "thằng viết" hào hứng bao nhiêu thì cái "thằng sửa" lại nhăn nhó, lúng túng bấy nhiêu. Sửa đi sửa lại mấy lần rồi 2 thằng cùng quyết định thôi. Vì hơi tiếc công sức nên đành phải post một cái “entry ảo” cho có cảm giác "đã tham gia blogging nhiệt tình sáng nay"

Nhãn:

RADIO IN THE MOBILE ERA




PHÁT THANH THỜI DI ĐỘNG

Trong phát thanh hiện đại, tiếng nói người dân, ngôn ngữ đời sống được khai thác trên sóng nhiều hơn so với những văn bản đọc chay. Thử hình dung, làm phát thanh trực tiếp không có điện thoại thì chương trình sẽ bị hạn chế như thế nào.

Hơi thở cuộc sống

Mỗi lần đội bóng Khatoco Khánh Hòa xuất quân thi đấu ở tỉnh xa, anh Đỗ Quốc Cường, phóng viên Đài Phát thanh – Truyền hình Khánh Hòa phải chuẩn bị cho mình những… 2 máy di động, 4 cục pin nạp đầy. Toàn bộ trận thi đấu kéo dài 90 phút, có khi 120 phút và cả phần phỏng vấn, gặp gỡ giữa 2 hiệp đấu hay cuối trận đấu, anh đều tác chiến bài tường thuật và bình luận trên sóng phát thanh Khánh Hòa bằng di động.

Khi tường thuật các tin nóng từ vùng tâm bão, điện thoại di động là phương tiện tác nghiệp tuyệt vời cho phát thanh. Những dòng ngữ lưu tường thuật bị ngắt quãng bởi tiếng gió rít, tiếng bão giật và hơi thở dồn dập của phóng viên gây ấn tượng rất mạnh cho thính giả.

Và thông thường, việc tường thuật, đưa tin qua điện thoại hiện nay đã được các phóng viên và cộng tác viên đi công tác xa đài thực hiện khi có nhu cầu chuyển tin nóng về đài. Những tin này được các phóng viên – cộng tác viên đọc trực tiếp (hoặc đọc trước đó một chút) về Đài.

Ưu điểm dễ thấy của việc sử dụng điện thoại tường thuật: thông tin nhanh, mang hơi thở cuộc sống, mang dấu ấn cá nhân người thực hiện, phù hợp với dạng đưa tin phát triển trong một sự kiện mà cả cộng đồng quan tâm, tạo sự phong phú cho bức tranh âm thanh chung của cả một chương trình.

Hạn chế: tín hiệu âm thanh không đẹp và nội dung tin thường ít được trau chuốt tốt do thời gian thực hiện gấp và đọc ứng khẩu trực tiếp tại hiện trường, lãnh đạo không thể duyệt trước nội dung tin... Mặt khác, không phải phóng viên nào cũng có chất giọng thật tốt để đưa tin qua điện thoại và có những không gian sự kiện mà vùng phủ sóng di động chưa tới hoặc không có điện thoại hữu tuyến, việc đưa tin sẽ gặp khó khăn.

Tất nhiên, khai thác các dạng “tin điện” này, phóng viên đều biết chọn lọc đề tài, sự kiện phù hợp. Cũng có tình trạng lạm dụng vì ngại chạy về cơ quan viết tin. Nói cách khác, không phải sự kiện nào phóng viên cũng sử dụng điện thoại để làm tin điện. Một buổi họp Quốc hội diễn ra ở Hội trường Ba Đình và kết thúc vào lúc 11 giờ 30, thì trong bản tin 12 giờ của Đài Hà Nội không nên sử dụng tin điện về phiên họp sáng này nhưng nếu tin điện đó được phát sóng trên Đài Cà Mau do phóng viên Đài Cà Mau điện về từ Hà Nội thì đó là một tin hấp dẫn.

Đạo diễn các chương trình phát thanh hiện nay đều biết chọn lọc việc xen tin điện hợp lý trong bản tin, giữa chương trình (breaking news), biết khai thác thế mạnh của tin điện trong dòng chảy thời sự sẽ tạo hiệu quả rất cao và đây cũng là hình thức cạnh tranh thông tin lành mạnh, tạo uy tín cho thương hiệu phát thanh của các Đài.

Những thông điệp ngoài lời

Có rất nhiều hình thức truyền dữ liệu (âm thanh) trực tiếp từ các không gian sự kiện trên toàn thế giới về phòng thu (hoặc về điểm phát sóng) như: sóng FM, sóng viba, cáp quang, internet băng thông rộng với chất lượng âm thanh rất cao nhưng cho đến nay, truyền dữ liệu qua điện thoại vẫn là rẻ nhất, dễ nhất, tiện dụng nhất, hầu như làm được bất cứ nơi đâu trên thế giới và điều quan trọng là tín hiệu điện thoại có một đặc trưng thông tin ngoài lời nếu biết khai thác hợp lý. Một cái tin được truyền trực tiếp trên sóng từ một máy điện thoại ở nơi xảy ra sự kiện chắc là tín hiệu sẽ không “đẹp” bằng tín hiệu của phòng thu hoặc được truyền về bằng máy phát FM, bằng viba, cáp quang... nhưng chính nhờ thế, nó mang đến cho người nghe một thông điệp ngoài lời, đó là cuộc sống, đó là tính chân thật của sự kiện, đó là khoảng cách về không gian của sự kiện… Khi hạ tầng viễn thông chưa phát triển cao thì điện thoại hiện nay vẫn là phương thức truyền dữ liệu khá hữu hiệu và phong phú trong việc sản xuất các chương trình phát thanh hiện đại.

Trong cơn bão số 7 giữa năm 2005, Đài PTTH Đồng Nai đã hợp tác với các đồng nghiệp báo trực tuyến Việt Nam Net và nhiều cán bộ, nhân dân vùng bão Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định để tường thuật diễn biến và các sự kiện liên quan. Những cuộc tường thuật của các đồng nghiệp Việt Nam net cũng như lời kể của nhân dân vùng bão đã giúp các bản tin thời sự của Đài đầy ắp thông tin nóng về cơn bão này mà Đài không phải mất kinh phí và nhân sự để theo dõi cơn bão. Quá trình tường thuật này được tổ chức khá tốt nên nó phản ánh được diễn biến và nhiều chi tiết bất ngờ của sự kiện. Tất nhiên, nếu có điều kiện cử phóng viên của chính Đài mình để thực hiện trực tiếp thì vẫn tốt hơn.

Sự kiện bão số 7 cho thấy, việc tường thuật qua điện thoại trở thành thế mạnh của phát thanh và các đồng nghiệp báo hình, báo trực tuyến cũng tận dụng hình thức này (vì không thể truyền hình ảnh ở vùng tâm bão được). Một ví dụ khác: Chương trình “Đi chợ buổi sáng” hàng ngày của Đài PTTH Đồng Nai hoặc Thông tin thị trường của Đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh đều được thực hiện bằng hình thức tường thuật trực tiếp từ hiện trường qua điện thoại. Diễn biến giá cả ở các chợ đầu mối, ý kiến của các tiểu thương v.v… được lên sóng hết sức sinh động.

Chiếc điện thoại di động nhỏ xíu ấy vừa trở thành một cái micro, vừa là một chiếc máy phát sóng tuyệt vời trong tường thuật từ hiện trường. Bởi phóng viên phát thanh có thể khai thác các phỏng vấn ngắn, nhanh những ý kiến của người dân, cán bộ, người chứng kiến… hết sức hiệu quả.

Tất nhiên điện thoại vẫn là điện thoại, song, chiếc điện thoại nhiều năm qua đã đóng góp cực lớn trong đời sống truyền thông, thành một công cụ tác nghiệp của báo chí mà không chỉ có chuyện tường thuật hay đưa tin.

(Còn tiếp)

Nhãn:

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2007

HOW TO BE A FAMOUS PERSON?




Ý NGHĨ BẤT CHỢT Ở SÂN BAY NỘI BÀI

Lang thang trong phòng chờ, net ở đây không kết nối được dù tín hiệu rất mạnh, tự nhiên nảy ra một ý nghĩ lẩn thẩn.

Giả sử ở đây có bán kiếm (loại không có nhãn mác), mình sẽ mua 2 cây, quậy thử một trận cho nổi tiếng như thiếu gia họ Đỗ chơi.

Nhưng lại nghĩ, thiếu gia Phương Minh may mắn có các anh chị em làm truyền thông có mặt kịp thời để chụp hình, đưa tin, bình luận. Mình mà quậy bây giờ chắc an ninh sân bay (rút kinh nghiệm vụ Đà Nẵng) là nhốt luôn chớ chẳng chơi.

Giải quyết vụ này cũng dễ mà, mình sẽ nhờ bạn bè điện thoại cho báo chí tói nơi rồi mới quậy. Cảnh sát quậy là đề tài hot nhưng nhà báo quậy chắc cũng hot dữ. Nhưng rồi lại nghĩ: Đỗ thiếu gia từng có chiến công 4 phát súng ở một quán karaoke, cái này mình thua chắc. Truyền thông không có gì để khai thác. Vụ việc nhiều lắm chỉ là mẩu tin vụ án làng nhàng 100 âm tiết, lọt thỏm trong trang chót của những tờ báo “người xấu việc xấu”.

Giải quyết vụ này cũng dễ mà, nhờ vợ mình chứng minh giả là từng “bạo hành” trong gia đình chẳng hạn. Cũng có thể xếp vào tiền án, tiền sự. Báo chí lại có đề tài khai thác. Biết đâu họ còn khai thác cả chuyện mình mới đi họp ở Hà Nội nhưng “cúp tiết” ra nhậu với bạn bè cũng nên. Nhưng lại nghĩ tiếp, so với Đỗ thiếu gia, mình làm gì có ông bố làm to, có xe camry số đẹp, có nhà lớn v.v…

Vụ này giải quyết khó quá.

Kết luận: Dù có cố mấy mình cũng không thể trở thành người nổi tiếng được!

Nhãn:

Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2007

HOW CAN I CALL HA NOI?




TA GỌI HÀ NỘI BẰNG GÌ?

Hai đêm ở Hà Nội, thủ đô ru giấc ngủ ta bằng những cơn mưa sáng thật lớn. Dường như có một chút đông chợt về giữa những ngày cuối tháng 8 dương lịch, chỉ thiếu những con đường bờ đê với sắc hoa đào, với những cánh đồng hoa cải vàng ươm. Sương mù buổi sáng của Hà Nội những ngày này như gợi một chút gì đó quen quen trong ký ức tuổi thơ mặc dù ta chưa từng có một tuổi thơ Hà Nội. Khác với những gì ta mường tượng trước khi ra đây: Cái nóng oi oi của mùa này mình đã gặp nhiều năm trước, hình ảnh những người dân nhà ống phố cổ đổ ra lề đường ngồi đón gió, kéo xuống bờ hồ tìm một chút mát mẻ... không thấy nữa nhờ những cơn mưa ấy.

Hà Nội đón ta bằng chú tài xế taxi Nội Bài bặt thiệp, cứ liên tục phỏng vấn dọc đường như chưa từng được hỏi. “Bác ở trong Lam ra à?”. Mà lạ thật, cái anh tài xế trẻ ấy hỏi cái gì cũng biết, từ chuyện cung đình đến chuyện giá cả. Ta ngưng hỏi thì anh ta hỏi lại như một anh thợ hớt tóc biết buôn chuyện.

Hà Nội đón ta bằng một cụ bà bán nước chè bên vỉa hè. Tách chè 500 đồng đặc sánh. Mấy điếu “Vina”. Lại còn được khuyến mãi hàng loạt chuyện với lối kể rất Hà Nội: từ chuyện dân tứ trấn về ăn vạ ở thủ đô, chuyện giải A báo chí quốc gia trao cho các bác quân đội chuyên viết chính luận, cho các bác báo Nhân dân mà cán bộ cũ vẫn thường đọc... đến chuyện giá sữa leo thang. “Thế ở trong Nam bác không uống chè đặc à?”. Chứng minh thư miền Nam của mình là cái giọng nửa Hai Lúa, nửa Sài Gòn… Hà Nội đón ta bằng một chị tiếp tân trong một nhà khách. “Bác cho em xin cái chứng minh?” “Thẻ nhà báo được không?” “Được ạ!”. Quốc doanh bao năm rồi vẫn thế. Và ta gọi Hà Nội bằng bác…

Hà Nội đón ta bằng bia hơi. Thôi thì kính thưa các loại bia hơi. Ngay cả người sành bia nhất cũng chả phân biệt, phân loại. Các loại bia hơi ở đây “nhiều như quân Nguyên”. "Mình nên uống bia hơi Nhà thi đấu Cầu Giấy, gần nhà máy bia, lấy bia từ gốc, nghe đâu chủ quán là con ông giám đốc công an Hà Nội cũ, thiếu tướng Phạm Chuyên". Bạn bè lâu ngày không gặp nói nhiều hơn uống. Gặp được người này không gặp người kia cũng bị trách móc. Đành vậy. Ta gọi Hà Nội bằng bạn.

Và Hà Nội đón ta là các em. Anh Tú à, anh mới ra à? Sao không gọi cho em trước? Và có một Hà Nội của cà phê, giọng con gái Bắc bên cạnh một Hà Nội lác đác hoa sữa những ngày này. Họp, bia hơi và cà phê choán hết thời gian để ta đi tìm những cây cơm nguội đang vàng, những cây bàng lá đang đỏ.

Ta gọi Hà Nội bằng gì? Chao ôi khó, thôi đành mượn một đại từ nhân xưng của bọn Tây để dùng tạm vậy. Ta gọi Hà Nội là you. Hà Nội của những người thầy, những người bạn và em.

Còn có một Hà Nội khác qua góc nhìn của nhà nhiếp ảnh Hoài Thanh, một người bạn Hà Nội vừa gửi cho.

Nhãn:

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2007

STARTLE




NHỘT

Chuyện nghe lỏm trích ra từ cuộc trò chuyện giữa vợ tôi (sau đây gọi là X) và một người mẹ trẻ khác (sau đây gọi là Y) khi mình đang ngồi blogging, bất chợt nghe vợ nhắc đến tên.

X: Thế con bé Hai dạo này sao?

Y: Dạ em cho ngưng bú rồi.

X: Giờ nó bú sữa bình hay ăn cháo?

Y: Bà ngoại cho ăn dặm nhưng sữa bình vẫn là chính.

X: Cho bú sữa mẹ nhiều thì trẻ con mới khỏe mạnh, thông minh!

Y: Dạ, em biết nhưng em còn phải giữ “phọt” một tí để đi làm chị ạ! Hai đứa nhà chị ngưng bú lúc mấy tháng?

X: Con Tép thì cho ngưng lúc 3 tuổi. Còn thằng Ruốc thì sớm hơn, lúc hơn 2 tuổi. Nhưng mà chưa bằng ba nó!

Tự nhiên không khí im bặt.
Y: (ngập ngừng) Anh Tú cũng…

X: À không, ý chị là…. Bà nội sắp nhỏ kể lại: Anh Tú hồi bé, tới 6 tuổi, đi học tiểu học rồi mà vẫn còn bú mẹ!

Nhãn:

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2007

THE OLD VERSES




Đừng em

Đừng em vết rạn chân chim

Khóe mắt xưa những đắm nhìn ngày xưa

Thời gian nặng nhọc đò đưa

Cành đông từ độ giao mùa chuyền tơ

Đừng em hờn giận vẩn vơ

Yêu thương bù những lúc hờ hững nhau

Đừng em sợi bạc trên đầu

Dù cho mưa nắng dãi dầu thời gian

Cùng nhau thức đợi canh tàn

Lắng nghe em cội mai vàng nở hoa

Đừng em câu ru xót xa

Mùa xuân kia vẫn chưa già…

Đừng em

Bài này viết đã lâu. Nhân đọc “Đừng anh” của Quế Mai, bỗng nhiên nhớ lại và sửa vài chỗ post lên cho vui.

Nhãn:

Thứ Ba, 21 tháng 8, 2007

MISERLY SWEDISH




NGƯỜI THỤY ĐIỂN KEO KIỆT

Hồi đi học bên Thụy Điển, ngay ngày thứ 2 khi tới đây, chúng tôi phải di chuyển từ Stockholm về Orebro, một thành phố phía Nam, theo lịch. Chiều hôm đó, khi mọi người dọn hành lý ra làm thủ tục trả phòng khách sạn, 3 "thằng" trẻ nhất trong lớp gồm Thanh Lâm (Ban Thời sự VTV), Tiến Dũng (Khoa báo chí - Đại học KHXHNV Hà Nội) và tôi xung phong chuyển vali mọi người ra xe. Đúng giờ, xe chạy, các nhà báo kiêm nhà giáo là Clas Thor và Thomas Kanger lái xe. Đường sá bên đó ngon lắm nên chạy chừng một giờ đồng hồ là đã vượt qua một đoạn hơn 100 km. Bỗng chuông điện thoại của ông thầy đang làm tài xế reng lên. Ông nói gì đó với đầu dây bên kia bằng tiếng Thụy Điển rõ to và giảm ga, dừng xe lại hẳn. Chiếc xe thứ hai trong đoàn cũng dừng theo.

Một lúc sau thì chúng tôi cũng biết chuyện: Có một ông khách người Bỉ vào đăng ký phòng tại khách sạn mà chúng tôi vừa rời khỏi, khi làm thủ tục, ông để chiếc vali ở ngoài sảnh, sau đó chiếc vali biến mất. Khách sạn cho biết rằng từ trưa tới giờ chỉ có đoàn khách Châu Á vừa rời khỏi đây, không có khách nào mới ra vào. Nghi vấn đổ dồn về các nhóm người da vàng mũi tẹt này cũng dễ hiểu. Họ đã tìm mọi cách để biết được số di động của ông thầy Thụy Điển lái xe chở đám học viên này. Và họ cũng tìm ra dù xe chạy hơn một giờ đồng hồ. “Không biết trong đoàn có ai cầm nhầm không?” mọi người nhìn nhau ái ngại. Hai cốp xe được mở ra giữa đường rừng vắng ngắt. Tất cả vali đều được lôi xuống hết. Ông thầy yêu cầu mọi người tự nhận hành lý của mình để có phát hiện ra cái vali vô thừa nhận nào không. Quả đúng là có một chiếc vali màu đỏ không biết của ai.

Lỗi thuộc về 3 đứa tôi. Lỗi vô ý. Khi xung phong chuyển đồ đạc của mọi người từ sảnh khách sạn ra xe, chúng tôi đã vơ luôn cái vali của ông khách người Bỉ vì tưởng đó là vali của một người trong lớp.

Đoạn đường chúng tôi tạm dừng rất ít xe qua lại, hai bên là rừng. Cứ nghĩ đến chuyện phải quay về lại khách sạn chỉ vì một cái vali cầm nhầm – 2 vòng hơn 200 cây số nữa và bắt đầu lại cuộc hành trình thì đến nơi thì sẽ khuya, ai cũng ngao ngán. Thầy Clas Thor đưa ra giải pháp: gọi một chiếc taxi mang giúp vali về khách sạn. Và chúng tôi phải đợi, dù không lâu, taxi tới. Những cú điện thoại về khách sạn và cuộc trao đổi về giá cả với bác taxi cũng nhanh chóng trôi qua (tôi đoán vậy vì họ nói tiếng Thụy Điển). Chúng tôi lại lên đường.

Câu chuyện về chiếc vali bị lạc sau một hồi bình luận, phân tích rồi mọi người cũng quên.

Sáng hôm sau, vào giờ ăn sáng, thầy Thor phát biểu chung với mọi người, đại ý: Hôm qua, tôi phải thuê chiếc taxi chở cái vali về lại khách sạn hết …. krona (đơn vị tiền tệ Thụy Điển). Lỗi “cầm nhầm” giờ không nên đổ cho ai. Cả tôi và anh Thomas cũng có lỗi như nhau. Chia đều số tiền phí tổn ấy. Tôi nhớ tôi phải đóng một số tiền tương đương 250 ngàn của Việt Nam mình hiện nay, như tất cả các thành viên khác.

Xin nói thêm: 2 vị “tài xế” đặc biệt ấy là các nhà giáo, nhà báo nổi tiếng ở Thụy Điển. Họ có thu nhập khá cao. Số tiền taxi ấy không là “cái đinh” gì so với tiền họ thỉnh thoảng mua bia, rượu vang về cho chúng tôi uống những lúc weekend (nói chi đến thu nhập của họ). Nhưng tôi cứ tự hỏi: sao cái vụ taxi cỏn con thế mà họ cũng bắt từng người phải đóng lại, chia rất đều và không lấy dư hay thiếu của ai một cắc?

Nhãn:

SỨ GIẢ CỦA YÊU THƯƠNG

Đêm. Không biết giờ này có bao nhiêu bloggers còn miệt mài trong không gian điều khiển. Cú click chuột vô tình bất chợt vang lên một giai điệu đẹp. Âm thanh ấy dường như làm ấm lên không gian tĩnh lặng quanh mình...

Không biết tự bao giờ, âm nhạc đã song hành cùng thế giới blog, vượt qua mọi rào cản để mình cảm nhận được bao trạng thái vui, buồn, yêu, giận, hờn, ghen, đắng cay, hạnh phúc… trong cộng đồng

Có người đưa vào blast của mình những giai điệu không lời như một thông điệp. Thông điệp ấy cũng được sẻ chia qua những dòng phản hồi chân tình từ bè bạn. Đôi khi, đó là những lo lắng có phần thái quá. Có người “minh họa” cho entry của mình một ca khúc mà ca từ dường như góp phần nói hộ những cảm nhận, những tâm trạng, thậm chí, những tuyên ngôn, triết lý sống…

Giờ đây, không khó khăn gì để tìm thấy những video-clip bạn yêu thích đã được link tới nhiều trang nhật ký mạng. Đời sống âm nhạc chung quanh ta như thế nào thì đời sống âm nhạc trong thế giới blog cũng như thế. Có những blogger thế hệ 8X, 9X luôn thể hiện niềm say mê với những album, những giọng ca mới nhất, thời thượng nhất. Có những blogger thế hệ lớn hơn tìm về những dòng nhạc “một thời vang bóng” như một chút hoài niệm. Có những blogger chỉ thích ca khúc Việt Nam, những tác giả Việt Nam cụ thể. Trịnh Công Sơn có lẽ là nhạc sĩ Việt Nam được nhiều blogger các thế hệ chọn nhiều nhất.

Blog đã tạo ra một vườn âm nhạc mà ở đó, người ta không chỉ nghe nhạc một cách thụ động. Họ thưởng thức âm nhạc như một cách thanh lọc tâm hồn, họ nghĩ về những người thân yêu, về tình bạn, tình yêu. Và họ được sự đồng cảm.

Cũng có những người từ nhiều không gian trên hành tinh này đã trở thành bạn bè trong cộng đồng blog nhờ có chung một sở thích: thích nghe Sakira, Justin, Beyonce, Nelly... chẳng hạn. Blog không chỉ giúp họ cùng thưởng thức âm nhạc mà còn tạo cơ hội để họ tranh luận, bàn bạc, đóng góp những kiến thức, những tư liệu, những lời bình phẩm hay.

Thời đại số đã tạo ra nhiều công cụ để con người đến gần với âm nhạc hơn: âm nhạc với chất lượng âm thanh cao có thể đến trong lúc đi đường, trong lúc ngồi máy bay, lúc làm việc, lúc ăn trưa, lúc uống cà phê một mình, thậm chí lúc nằm trên giường.

Và thời đại số đã tạo ra blog.

Có lẽ ngày nay blog là một kênh thưởng thức âm nhạc đặc biệt. Vừa rất riêng tư, vừa rất cộng đồng. Vừa rất phong phú, đa dạng, vừa rất chuyên biệt. Thế giới blog là một “kho nhạc” khổng lồ mà bạn có thể tìm thấy. Và với blog, có những ca khúc được nghe lại như một phát hiện mới.

Âm nhạc nói chung và ca khúc nói riêng là ngôn ngữ vượt biên giới quốc gia. Sự bùng nổ blog, một thực thể truyền thông mới, rất mới, đã và đang mang lại cho đời sống hôm nay nhiều bất ngờ thú vị. Âm nhạc trong môi trường blog là vị sứ giả tuyệt vời góp phần làm phẳng thế giới hôm nay.

Cám ơn blog đã cho chúng ta được thưởng thức âm nhạc theo một cách khác. Và cám ơn âm nhạc đã giúp chúng ta sẻ chia để được chia sẻ.

Nhãn:

Thứ Hai, 20 tháng 8, 2007

TECHNOLOGY IS IN NO WAY TO BLAME




CÔNG NGHỆ KHÔNG CÓ LỖI


Báo Tuổi trẻ hai ngày nay có chuyên đề “Nhắn tin lên sóng: vấn nạn truyền hình thời @”. Đề tài này không mới nhưng lâu nay, báo chí càng nói nhiều, "dịch vụ" càng lấn tới. Sao vậy cà?

Việc ứng dụng hộp thư thoại và tin nhắn vào các hoạt động truyền thông đại chúng đã được khai thác từ lâu và không thể phủ nhận yếu tố tích cực của quá trình hội tụ công nghệ này trong đời sống báo chí. Tin nhắn đã trở thành một “kênh” tương tác dạng văn bản để công chúng tham gia vào các hoạt động truyền thông, các đài phát thanh – truyền hình có cơ hội tổ chức nhiều hoạt động khơi gợi tính tích cực của cộng đồng. Khán giả truyền hình có thể bày tỏ ý kiến, thái độ của mình trước một vấn đề đặt ra trong một chương trình chính luận, có thể thấy kết quả bình chọn của mình trong một chương trình văn nghệ v.v… qua những dòng tin nhắn của mình hoặc các kết quả thống kê hiển thị trên màn ảnh nhỏ. Nhiều hoạt động xã hội tổ chức thành công nhờ khai thác dịch vụ tin nhắn như vận động đóng góp cho người nghèo, vận động ủng hộ đội bóng chuyền nữ… Nhiều nội dung thi đố thông qua điện thoại, tin nhắn góp phần truyền bá kiến thức văn hóa, lịch sử - truyền thống, an toàn giao thông, công nghệ thông tin, ứng xử văn hóa v.v…

Rồi đây người ta còn có thể “tải” về thiết bị cầm tay của mình những bản tin thời sự, những chương trình yêu thích khi ngồi trên xe hơi để xem (vì không có thời gian) chỉ với một tin nhắn (phải trả tiền, tất nhiên). Khi hạ tầng viễn thông phát triển, khả năng tích hợp viễn thông – truyền thông sẽ còn mạnh hơn nhiều và cho phép khai thác phong phú hơn để phục vụ nhu cầu thông tin và được thông tin. Bản thân công nghệ không có lỗi. Lỗi thuộc về những ai lợi dụng, lạm dụng công nghệ. Karaoke khi du nhập vào Việt Nam đã từng bị lợi dụng, lạm dụng và làm đau đầu các nhà quản lý tương tự như vậy.

Dịch vụ giá trị gia tăng qua SMS ở Việt Nam phát triển đã lâu nhưng chưa được quản lý tốt nên vận hành theo kiểu tự phát ồ ạt. Lâu nay, dường như chỉ có một yêu cầu quản lý được chấp hành tương đối tốt là việc công khai giá cước nhắn tin. Lịch sử các cuộc gọi và tin nhắn được lưu giữ trong cơ sở dữ liệu của các đơn vị viễn thông. Không có gì khó khăn để ngành thuế, ngành truyền thông có thể biết được sản lượng tin nhắn của từng đầu số, đầu mã dịch vụ và nội dung các dịch vụ trong từng thời điểm cụ thể. Ngay cả việc vận động xã hội - từ thiện bằng tin nhắn, nguồn thu cũng dễ dàng được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Một câu hỏi đặt ra là vì sao lâu nay người ta chưa công khai doanh thu và quản lý dựa trên hệ thống cơ sở dữ liệu này? Có ý kiến giải thích rằng, những chuyên viên có khả năng nắm tốt nhất thực tế hoạt động của các dịch vụ tin nhắn là những người trong ngành bưu chính – viễn thông (cũ) nhưng vì hầu hết các đơn vị làm dịch vụ cũng đều trực thuộc ngành và quá trình phát triển các dịch vụ này cũng góp phần tăng doanh thu chung cho toàn ngành nên chuyện chậm tư vấn các biện pháp quản lý cũng dễ hiểu.

Việc quảng bá cho các hình thức dịch vụ nhắn tin cũng như các nội dung trò chơi được tích hợp trong những chương trình truyền hình bằng cách “chạy chân” hay “chắn sóng”, lâu nay chưa có những quy định như: dịch vụ nào, nội dung nào được phép xuất hiện trên kênh nào, trong chương trình nào, với tần suất ra sao, với tỷ lệ hiển thị trên màn ảnh ra sao…

Rất nhiều tình huống của những trận bóng đá trong ASEAN Cup vừa qua khán giả truyền hình không thể xem được chi tiết vì bị phần quảng bá dịch vụ này (của VTC và của cả đài địa phương tiếp sóng) cũng như quảng cáo “chạy chân” che mất phần dưới khuôn hình. Người quay phim trong hoạt động thông tấn truyền hình, đạo diễn phim truyện truyền hình bao giờ cũng có ý thức về bố cục. Song, những khung hình từng được chăm chút trong quá trình sản xuất này đã bị cắt xén khi chạy quảng bá dịch vụ bằng kỹ thuật cẩn (chroma key) tín hiệu. Các dòng quảng bá ngày càng có khuynh hướng thiết kế cao hơn (tính từ chân màn hình TV trở lên), nhiều dòng chữ, hình ảnh động, màu sắc hơn và chạy “miệt mài” hơn nên gây phản cảm.

Trong một số kênh truyền hình hướng đối tượng ở nước ngoài (đặc biệt là kênh giải trí, thương mại), việc sử dụng các box trên màn hình để đưa nhiều nội dung thông tin, dịch vụ như giá cả chứng khoán, thời tiết, lịch bay, tin vắn… là chuyện bình thường. Nhưng nhà sản xuất chương trình luôn có ý thức xử lý bố cục bằng cách chia khung hình hợp lý không bị ảnh hưởng giữa các nội dung thông tin – dịch vụ. Nên chăng cần có quy định khi quảng bá dịch vụ, các đài phải sử dụng thiết bị chuyên dụng để nén tín hiệu khung hình các box khác cho hợp tỷ lệ, không nên cắt xén khung hình chính bằng hình thức “cẩn” tín hiệu như hiện nay.

Với những trò chơi có tính chất may rủi, cờ bạc, vì sao không áp dụng các quy định như Bộ Tài chính đã quy định về xổ số kiết thiết (từ mệnh giá vé số, cơ cấu giải thưởng, các yêu cầu công khai) để tránh tình trạng nhà tổ chức không bao giờ chịu rủi ro và nhà nước thất thu thuế.

***

Truyền hình là cơ quan báo chí và cũng là ngành dịch vụ. Khán giả truyền hình - trong chừng mực nào đó - là khách hàng. Tôn trọng khách hàng cũng chính là việc giữ uy tín thương hiệu cho mình. Và cũng xin được nhấn mạnh: Việc khai thác các dịch vụ viễn thông vào hoạt động truyền thông là xu thế chung. Đã qua rồi cái não trạng “không quản lý được thì cấm”. Nhưng không cấm cũng không đồng nghĩa với việc để cho đài đài tổ chức đánh bạc không thu xâu như thế!

VIẾT THÊM:

Bài này Tuổi trẻ đặt hàng mình viết. Nhưng sáng nay khi báo ra, đọc lại, thấy tòa soạn đã cắt mất một nửa. Tiếc quá!

Nhãn:

Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2007

MANY THANKS

CÁM ƠN CÁC BÁC VỤ “MẦN CÂU SAU”

Cám ơn các bác đã hưởng ứng vụ “mần câu sau” rất tuyệt vời. Từ sáng qua (thứ bảy), máy tính của Phan Văn Tú (và của bà xã) bị vây – rớt nên khổ ải với nó mà cũng chưa xong. Đành nhịn "bờ-lốc nhau" và không thể trả lời, bình phẩm cho từng còm-men của các bác. Giờ tranh thủ mượn máy tính lốc - ging nhanh một tí, làm cái lời cám ơn chung vậy.

Và đây là những tác phẩm "mần câu sau" theo thứ tự comment:

+ TỊNH TÂM:

TÓT VÀO BỜ LỐC MỸ NHÂN

THẤY BỌN TRAI TRÁNG RẦN RẦN CÒM MEN

+ Thúc Giáp:

TÓT VÀO BỜ LỐC MỸ NHÂN

Thấy nhiều kẻ cũng sần sần như ta

Mỹ nhân xinh đẹp như hoa

Mà sao cứ tưởng nàng là của tui.

+ Quế Mai:

TÓT VÀO BỜ LỐC MỸ NHÂN

Vắt óc ngồi viết com men cho nàng
Viết sao cho chớ đụng hàng
Viết sao nàng nhớ, nàng sàng vào blog tui...

+ Tom IIR:

TÓT VÀO BỜ LỐC MỸ NHÂN

"Em ơi, thứ bảy có mần chi không?"

+ Thủy Châu:

Trời ơi, đâu rảnh mà mần,

Chồng đè, con túm lần quần weekend !

+ Quốc Ấn:

Mỹ nhân là mỹ nhân nào

Chồng con đã có chưa nào, chú ơi?

Tót vào bờ lốc chọc chơi

Out ra lại thấy tơi bời tấm thân

+ LÊ CÔNG TRINH: (Blog trống rỗng)

TÓT VÀO BỜ LỐC MỸ NHÂN,

Không hay ... bà xã đứng gần sau lưng.

Hứ!

"Thấy người đẹp... là sướng tưng,

Còn tôi ông bỏ giữa chừng vậy cha?

Nè!

Mỹ nhân ông xấu như ma,

Có ngon, so sánh với "bà" thử xem???

+ TT.HUỲNH:

"Tót vào bờ lốc mỹ nhân"

Thì nhanh lên chứ phân vân nổi gì.

Anh hùng trận mạc sá chi

Chần chừ lui - tới thế nì.... mất tem!

+ Ngọc Oanh:

Tót vào blog mỹ nhân.

Hỏi sao nàng lại mặc...quần hở hang???

Chân dài như thể chân giang

Một đêm nó chấp một làng...đàn ông

........

(:D)

+ NGƯỜI BIÊN HÒA: (Lại một blog trống rỗng nữa)

TÓT VÀO BỜ LỐC MỸ NHÂN

CÓ AI CẤM TỚ TUỘT... TRẦN RA KHÔNG?

+ Hai Miền Đông:

TÓT VÀO BỜ LỐC MỸ NHÂN

Anh em ta lạ rần rần phọt thơ!


+ Khắc khoải:

Tót vào bờ lốc mỹ nhân!
Phân vân bứt tóc biết mần được chi!
Bây giờ trót nhỡ xuân thì
Thôi, đành cố cái... có gì tính sau!

+ Duy Thiện:

Tót vào bờ lốc mỹ nhân
dù hay dù dở cũng mần một câu
tài tình thì mần cao sâu
văn chương bí rị thì lâu lâu lại mần

Tót vào bờ lốc mỹ nhân
đã còm một phát, lần sần chửa (chịu) ra
hết mân mê lại lân la
còm thêm mấy phát mới đà chịu yên




Mời các bác còn hứng thú cứ tiếp tục...

Nhãn:

Xin mời các bác giúp mần câu sau



Thế là trôi mất năm ngày

Bây giờ lại lốc - ging chay
Cuối tuần
TÓT VÀO BỜ LỐC MỸ NHÂN
(Xin mời các bác giúp mần câu sau)...

Nhãn:

Thứ Năm, 16 tháng 8, 2007

PRESIDENT TO BITE A DOG

TỔNG THỐNG CẮN CHÓ

Ai học báo chí truyền thông đều biết một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của một sản phẩm truyền thông là nó có liên quan đến những nhân cách nổi tiếng. Có một câu đùa trong giới báo chí phương Tây nhưng phản ánh thủ thuật làm báo: “Chó cắn người không phải là tin, mà người cắn chó mới là tin” (When a dog bites a man, that is not news, because it happens so often. But if a man bites a dog, that is news) và “người cắn chó là tin hấp dẫn, nhưng nếu người đó là… tổng thống thì tin hấp dẫn hơn nhiều lần”. Các đơn vị truyền thông khi tham gia sản xuất chương trình truyền hình đã triệt để chú ý yếu tố này. Và có thể nói hiện nay, nhiều sân chơi truyền hình chỉ dành cho những người nổi tiếng.

Những MC không chuyên

Và không phải ngẫu nhiên mà giới nghệ sĩ sân khấu điện ảnh, ca sĩ, hoa hậu các loại… được mời làm MC nhiều chương trình truyền hình thời gian qua.

Diễn viên Thanh Bạch, Quyền Linh, Chi Bảo, Xuân Bắc, Tự Long, Đức Hải, Hoàng Sơn, hoa hậu Ngọc Khánh, hoa hậu Thu Hương, á hậu Kim Khánh, ca sĩ Nguyên Vũ, Yến Trang, Quỳnh Hoa, Nguyệt Ánh, Hà Anh Tuấn… được mời tham gia làm MC cho nhiều game show. Nhiều đài truyền hình địa phương khi phối hợp tổ chức trò chơi truyền hình với các công ty truyền thông đã bị buộc phải chấp nhận yêu câu mời những người nổi tiếng làm MC. Những người này thường rất bận rộn nên họ không thể toàn tâm toàn ý cho việc làm MC, chỉ có thể coi kịch bản 15 phút trước giờ ghi hình. Và quy trình ghi hình rất chậm do MC liên tục bị lỗi. Một người lỗi làm cả ê kíp (trên 40 người) và thí sinh, khán giả chờ rất sốt ruột.

Và những thí sinh nổi tiếng

Nhưng người nổi tiếng không chỉ tham gia các chương trình truyền hình với tư cách MC mà còn xuất hiện trong nhiều trò chơi với tư cách thí sinh.

Đài Phát thanh – truyền hình Đồng Nai trước đây tự sản xuất nhiều chương trình trò chơi truyền hình cây nhà lá vườn tuy không hay nhưng tạo được sân chơi cho công nhân, người lao động, nông dân trong chính địa phương mình như “Sau giờ tan ca”, “Chiếc hộp bí mật”, “Nông dân thời công nghệ”, “Từ trong di sản”… Từ khi có chủ trương xã hội hóa, Truyền hình Đồng Nai đã hợp tác với công ty Sao Phương Nam để sản xuất chương trình giải trí. Đó là các chương trình “Bài hit và ca sĩ” (nay đổi tên là “Giai điệu kết nối”), “Cầu vồng nghệ thuật”, “Vợ nấu chồng khen”. Chiêu thức chung của những chương trình này đánh vào tuổi thanh thiếu niên, phụ nữ. Sân chơi toàn mời giới làm nghệ thuật tầm tầm của… thành phố Hồ Chí Minh (do quy mô nhỏ nên khó mời những người nổi tiếng thực sự). Truyền hình Bình Dương “bán” giờ cho công ty GMPro của người đẹp Giáng My làm chương trình “Mi’s show”, một chương trình tổng hợp nhiều thể loại nhưng hầu hết cũng đều “dính dáng” đến những người của công chúng. Ngay cả trò chơi “Tam sao thất bản” do Trung tâm truyền hình Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với một công ty truyền thông tổ chức trong mỗi đội chơi bao giờ cũng có những người nổi tiếng. “Sức sống mới” – một dạng tạp chí truyền hình do công ty Chu Thị sản xuất (phát sóng trên VTV1) mỗi số đều có một người nổi tiếng tham gia làm khách mời.

Với những sân chơi như thế ở truyền hình cấp tỉnh, khán giả địa phương không còn cơ hội để được tham gia. Và không phải lúc nào người nổi tiếng cũng góp phần làm cho chương trình tốt lên.

Chạy theo thị hiếu

Nhiều đài truyền hình địa phương do áp lực tăng nguồn thu nên thường dễ dàng chấp nhận các cuộc hợp tác với những công ty truyền thông vừa có thêm chương trình vừa có thêm kinh phí. Trên lý thuyết, các đài này cũng thẩm định, duyệt các chương trình do các công ty truyền thông sản xuất, nhưng thực tế thì cái sự “duyệt” ấy chỉ là hình thức. Các công ty này do ít vốn nên không thể đầu tư hoành tráng và cũng mong muốn tăng rating chương trình bằng các hình thức chạy theo thị hiếu số đông. Các chiêu thức đánh vào nhóm đối tượng mua hàng: công chúng trẻ, phụ nữ, trẻ em được họ khai thác triệt để.

Nấu ăn, làm bếp, các thủ thuật nữ công gia chánh, thủ thuật làm đẹp, các bài hát thời trang được giới tuổi teen, tuổi hai mươi thích, các nội dung trò chơi là những “kiến thức” về album, về chuyện các ca sĩ, diễn viên, điện ảnh… đang “hot”. Không thể phủ nhận rằng có nhiều chương trình như thế cũng rất ăn khách, song, trong chừng mực nào đó, tính giáo dục, tính định hướng của các chương trình đó còn thấp, và trong một số trường hợp, có phần lệch lạc.

Phân tích chất lượng các chương trình xã hội hóa như thế là một việc khác, song, chỉ cần một ví dụ nhỏ, có thể thấy tính chất của hoạt động xã hội hóa đã bị lạm dụng do cuộc khủng hoảng thiếu – thừa từ các kênh sóng ở các đài địa phương. Đã có dấu hiệu chạy theo thị hiếu nhằm mục tiêu nâng cao doanh thu quảng cáo. Có thể dễ dàng hình dung chuyện này như chuyện cách nay nhiều năm, các tờ báo in, các nhà xuất bản xin giấy phép ra phụ trương, ra sách và bán giấy phép này cho các công ty tư nhân (gọi là “đầu nậu”) mà báo chí liên tục lên tiếng vì xu hướng “thương mại hóa”.

***

Chủ trương xã hội hóa là chủ trương đúng và có những đóng góp lớn. Nước nào trên thế giới cũng để cho các công ty truyền thông sản xuất chương trình giải trí. Trung Quốc cũng làm thế từ lâu. Nhưng, bên cạnh mặt thành công ấy, vẫn còn có những biểu hiện sai lệch. Quá trình xã hội hóa truyền hình ở Việt Nam vẫn đang tiếp tục diễn ra sôi động và với những bước đi dò dẫm. Hy vọng với sự ra đời của Bộ Thông tin – Truyền thông, hành lang pháp lý cho quá trình này sẽ thông thoáng hơn, xã hội hóa đi vào đúng ý nghĩa, mục đích và hiệu quả hơn.

Nhãn:

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2007

VIETNAM TV STATIONS: SITTING ON THE SEAT OF HONOUR




NHÀ ĐÀI CÒN Ở CHIẾU TRÊN?

Ở Việt Nam, các nhà sản xuất chương trình truyền hình từ phim truyện, game shows, các dạng chương trình ca nhạc, các chương trình khoa – giáo, các dạng phim tài liệu v.v… hầu như không thể trực tiếp bán cho các đài. Các đài có nhu cầu nhưng không mua bằng tiền mặt mà buộc các nhà sản xuất phải đi tìm kiếm tài trợ hoặc chỉ bán bằng… sóng. Thực tế này đã làm không ít các công ty truyền thông chùn bước vì ở Việt Nam hiện nay, thị trường quảng cáo truyền hình thực sự chưa được minh bạch và bị các công ty nước ngoài khống chế. Và thực tế này cũng làm hạn chế sức thu hút các nguồn lực xã hội

Ai mua chương trình tôi bán cho?

+ Năm 2004, Công ty A.M.Net, - một đơn vị truyền thông quy mô nhỏ ở thành phố Hồ Chí Minh có nhiều ý tưởng sản xuất trò chơi truyền hình thuần Việt - đã đem đến “chào hàng” các đài truyền hình format chương trình trò chơi “Vui cùng bé yêu”. Quá trình chào hàng ấy diễn ra “vật vã” nhiều năm trời. Bởi các đài địa phương khi được xem các nội dung thuyết minh ý tưởng, các clip ghi hình thử cũng rất thích, nhưng câu trả lời A.M.Net nhận được là, họ phải tự tìm nhà tài trợ, đài không có chi phí sản xuất, chỉ có thể hợp tác phần thiết bị. Đến khi A.M.Net mướt mồ hôi thuyết phục được một đơn vị tài trợ, thì việc hợp tác cũng lại bước sang một giai đoạn khó khăn hơn: Các đài truyền hình cho rằng chi phí sản xuất như vậy là quá cao, quyền lợi nhà tài trợ như vậy là quá nhiều… đài không hưởng được gì mà còn phải cấp thời lượng quảng cáo nhiều quá...

+ Nam diễn viên Trương Quốc Thịnh (đóng vai chính trong phim ngắn “Chuột”) kể lại anh đã nhiều lần đi chào hàng một live show mà anh và một đạo diễn khác mơ ước dàn dựng và thể nghiệm với nhiều ý tưởng mới, song không được đài nào đón nhận, dù rất thích mô hình chương trình này. Lý do rất đơn giản: Đài yêu cầu anh phải tự tìm tài trợ.

+ Một nhà văn trẻ khi xem các trò chơi truyền hình mua bản quyền nước ngoài tràn ngập màn hình đã nảy ra nhiều ý tưởng xây dựng các chương trình trò chơi thuần Việt về những kiến thức văn hóa – lịch sử Việt Nam. Chị mang kịch bản giấy đi chào các đài và các công ty truyền thông, hàng năm trời, chị chỉ nhận được những lời cảm ơn và hứa hẹn hợp tác khi tìm được tài trợ. Oái ăm thay, sau này, ý tưởng của chị bị copy từng phần rất khéo léo trong một số trò chơi được phát trên đài tỉnh do những công ty mà chị từng chào hàng.

Những chuyện như thế nhiều lắm.

Vừa đá bóng vừa thổi còi

Trong cuộc đàm phán để hợp tác giữa công ty truyền thông và nhà đài, các đài bao giờ cũng ở chiếu trên. Đài vừa muốn có chương trình mới, chương trình hay để phát sóng, nhưng đồng thời cũng muốn có nguồn thu từ tiền tài trợ, quảng cáo do chính công ty truyền thông khai thác. Bởi vì đài thì có “quyền” phát sóng, chương trình mới không có thì cũng chả chết ai. Hầu hết các đài đều sống bằng ngân sách nhà nước. Nếu có bộ phận quảng cáo thì họ đã khai thác cho việc sản xuất chương trình của chính đài mình. Trong khi đó, để sản xuất những chương trình truyền hình quy mô như phim truyện, live show ca nhạc, game show thì cần phải đầu tư lớn. Rủi ro trong việc bỏ vốn ra thuộc về các công ty truyền thông. Trong cuộc chơi xã hội hóa này, đôi nơi đôi lúc, các đài truyền hình vừa đá bóng, vừa thổi còi, vừa thu xâu, vừa đánh bạc… khó có thể nói về chuyện bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Hệ quả dễ thấy: thị trường truyền hình được phân khúc: “đại gia” chơi với “đại gia”.

Thị trường quảng cáo truyền hình nằm trong tay một số tập đoàn lớn của nước ngoài. Hầu hết các công ty quảng cáo ở Việt Nam chỉ làm B’. Các đài mỗi năm tự đưa bảng giá lên, nhưng tổng giá trị quảng cáo truyền hình không thể tự nhiên tăng lên mà còn do nhiều nguyên nhân khách quan của đời sống kinh tế. Vì thế, đơn giá thực của quảng cáo truyền hình trên “sàn giao dịch spot” khác với những con số được công khai (do chính thị trường, chính những đại gia quyết định).

Và như đã nói, hầu hết các đài truyền hình đều có nhu cầu được xã hội hóa sản xuất chương trình, song họ không bỏ tiền ra để mua chương trình mà chỉ đổi sóng – “phân lô, bán sóng” như chữ của những người trong nghề. Cho nên các nhà sản xuất (production) chương trình truyền hình ở Việt Nam luôn phải kiêm nhiệm chuyện đi tìm tài trợ hoặc lập ra bộ phận quảng cáo, marketing để tìm nguồn tài trợ, hoặc bán rẻ thương quyền quảng cáo (so với giá lý thuyết khi ký hợp đồng). Lấy ví dụ: Với một tập phim truyền hình, nhà sản xuất được trả lại bằng 10 spot quảng cáo (tương đương với 5 phút phát sóng quảng cáo) theo đơn giá của Đài trong hợp đồng là X thì họ phải bán lại cho các công ty quảng cáo được 50 - 70% X. Những công ty có “nhân tố” nước ngoài thì gắn kết trong các tập đoàn nên quy trình này đối với họ không bất tiện, thậm chí nằm trong những chiến lược bán hàng chung của từng tập đoàn. Còn những công ty truyền thông “thuần Việt” may mắn thì cũng nhờ những mối quan hệ để có nhà tài trợ là các nhà sản xuất trong nước. Các công ty truyền thông quy mô nhỏ hơn thì phải bán sản phẩm mình với giá rẻ cho những đài nhỏ.

Thực tế này khác hẳn với nhiều nước trên thế giới. Thái Lan chẳng hạn. Họ có ít Đài truyền hình (nhưng nhiều kênh) nhưng có trên 500 nhà sản xuất. Các nhà sản xuất làm chương trình và bán được cho các đài. Do có nhiều đài, nhiều kênh sóng nên nhà sản xuất có cơ hội bán sản phẩm truyền hình dễ dàng hơn. Các đài dùng các nguồn tiền như thu phí từ người xem, thu quảng cáo và thậm chí cả ngân sách… để trả tiền mua bản quyền. Chuyện này cũng giống như VTC mua bản quyền các chương trình bóng đá World Cup, AFF Cup, ASEAN Cup. Ở Việt Nam hiện nay, các chương trình truyền hình (kể cả phim truyện) do các công ty tư nhân sản xuất trước khi bấm máy thu hình, phải được tính toán, sắp xếp dựa trên các yêu cầu của nhà tài trợ, hầu như rất ít có chuyện một công ty tự bỏ vốn ra sản xuất một chương trình và chào bán cho các đài

***

Đại đa số các đài truyền hình Việt Nam hiện nay vẫn sống bằng bầu sữa bao cấp và là cơ quan báo chí vừa làm nhiệm vụ chính trị, vừa khai thác các nguồn thu từ hệ thống chương trình giải trí. Chưa thực sự có một sự cạnh tranh bình đẳng trong làng truyền hình Việt Nam do quy mô, điều kiện, cơ chế hoạt động, địa bàn “phục vụ” mỗi đài mỗi khác. Nhưng điều đáng mừng là đã thực sự có những đơn vị truyền thông tư nhân khá năng động trong việc tìm tòi những mô hình hoạt động cho phù hợp. Xã hội hóa sản xuất chương trình truyền hình ở Việt Nam hiện nay đang mạnh lên ở khu vực truyền hình số, truyền hình cáp. Mô hình các đơn vị doanh nghiệp tham gia sản xuất chương trình trên các kênh truyền hình kỹ thuật số hoặc cáp là một minh chứng. Đây cũng là một yêu cầu thực tiễn: các đài mở truyền hình số nhưng không đủ sức mua bản quyền nhiều kênh sóng. Và đã đến lúc cần có những nghiên cứu thấu đáo về lộ trình xã hội hóa để tránh tình trạng nhập nhằng như hiện nay, để khai thác thực sự các nguồn lực của cộng đồng, trong đó có nguồn lực ý tưởng Việt của thế hệ trẻ hôm nay.

Nhãn:

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2007

SOCIALIZATION OR PRIVATIZATION?




XÃ HỘI HÓA HAY LÀ TƯ NHÂN HÓA?

Chẳng cần gì phải điều tra, khảo sát cũng thấy rằng truyền hình nước ta hiện nay thừa kênh sóng, thiếu chương trình. Nhu cầu thông tin, giáo dục, thưởng thức, giải trí của khán giả truyền hình Việt Nam ngày càng tăng do đời sống kinh tế - văn hóa nâng cao hơn, do quá trình hội nhập ngày càng sâu sắc hơn và do công nghệ truyền thông phát triển như vũ bão.

Xã hội hóa: luồng sinh khí mới

Bài toán cho cuộc khủng hoảng thừa - thiếu này đã có lối ra từ thực tiễn nhiều năm qua và đã chính thức được Nhà nước “bật đèn xanh”: xã hội hóa sản xuất chương trình truyền hình. Nói cách khác, đây là quá trình thu hút các nguồn lực xã hội (tài lực, nhân lực) tham gia vào quá trình sản xuất các chương trình truyền hình để phục vụ nhân dân. Không ai phủ nhận được rằng chủ trương xã hội hóa những năm qua đã đem đến luồng sinh khí mới cho đời sống truyền hình cả nước, tạo ra cuộc cạnh tranh nâng cao chất lượng chương trình truyền hình.

Nhiều công ty truyền thông ra đời. Những cái tên giờ đây đã trở thành quen thuộc với khán giả truyền hình cả nước vì đã có nhiều đóng góp lớn cho sự phát triển hoạt động truyền hình cũng như nhu cầu xem truyền hình của công chúng. Hoàng Gia Media là một ví dụ, trong lúc nhiều công ty truyền thông đổ xô làm các chương trình “hot”, họ đã dám tổ chức sản xuất dạng chương trình chính luận truyền hình. “Làm giàu không khó?” là một nỗ lực cực lớn trong việc đưa các nội dung thông tin – tuyên truyền thông qua hình thức tọa đàm (talk show) kết hợp vói nhiều dạng thức truyền hình khác như quiz show, phóng sự trong một chương trình hấp dẫn không chỉ giới doanh nhân, sinh viên mà còn cả những người buôn bán lẻ, thậm chí nông dân. Từ thành công đó, họ lại tiếp tục làm trò chơi truyền hình dưới dạng các cuộc thi kiến thức về kinh doanh cho sinh viên mang tên “Đường tới thành công”. Lasta cũng là một công ty truyền thông đi tiên phong trong việc sản xuất phim truyền hình nhiều tập bằng công nghệ sitcom. Chất lượng phim truyền hình của Công ty này đã được báo chí bàn đến và đó không phải là vấn đề bài này nói tới. Nhưng nhìn ở khía cạnh xã hội hóa, họ đã thực sự dũng cảm bước vào sân chơi đầy thử thách (khi dám đầu tư lớn) về lĩnh vực sản xuất phim truyện truyền hình, trong lúc khán giả đang la ó về tình trạng phim Hàn, phim Trung Quốc tràn ngập màn ảnh nhỏ. BHD, GM Pro, Trí Việt, Đông Tây Promotion, Cát Tiên Sa, Đất Việt, Việt Ba… đã đầu tư lớn trong việc sản xuất hoặc phối hợp sản xuất với các Đài truyền hình các dạng chương trình giải trí như trò chơi truyền hình, ca nhạc, các dạng chương trình khoa học – giáo dục. Những “Ai là triệu phú”, “Tam sao thất bản”, “Vượt lên chính mình”, “Vượt qua thử thách”, “Đấu trường 100”, “Ai là ai?”, “Rung chuông vàng”, “Trúc Xanh”, “Chung sức” v.v… không chỉ là những sân chơi, những món ăn truyền hình hấp dẫn dành cho khán giả mà, đứng về góc độ truyền thông, họ đã góp phần nâng cao thị hiếu truyền hình, nâng cao tính tích cực chủ động của công chúng truyền hình. Và điều quan trọng là, chính những công ty truyền thông ấy đã góp phần nâng cao nghiệp vụ sản xuất chương trình khi “nhập” công nghệ sản xuất chương trình tiên tiến vào Việt Nam.

Khi một chủ trương bị lạm dụng

Có khá nhiều điều đáng quý, đáng nói về chủ trương xã hội hóa một phần hoạt động truyền hình, nhưng bên cạnh đó, chủ trương này cũng còn nhiều vướng mắc, và cũng bị lạm dụng.

Truyền hình ở Việt Nam là báo chí. Báo chí ở Việt Nam chịu sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Chúng ta không có truyền hình tư nhân. Vì thế, có một mâu thuẫn được đặt ra trong quá trình xã hội hóa là khi cho các đơn vị tư nhân tham gia hoạt động truyền hình, làm sao có thể định hướng nội dung? Và đã có người đặt ra câu hỏi: Xã hội hóa có phải là tư nhân hóa? Câu trả lời trên phương diện lý thuyết là KHÔNG. Nhưng trong thực tế, vướng mắc đã diễn ra.

Quyền phát sóng trong tay các Đài, nói cách khác, nội dung chương trình do các Đài kiểm soát, các công ty truyền thông phải đi thăng bằng giữa một bên là lợi ích doanh nghiệp, một bên là yêu cầu, là định hướng của Đài. Trong cuộc chơi này, các Đài mạnh luôn ở thế thượng phong, các doanh nghiệp phải tìm mọi cách để hợp tác thuận lợi. Các đài nhỏ thì vì áp lực doanh thu quảng cáo buộc phải để cho các công ty tư nhân thao túng. Chương trình truyền hình là một sản phẩm đặc biệt, nó phục vụ có đối tượng, có địa bàn, có thời điểm (Tất nhiên cũng có những dạng chương trình có thể phù hợp cho việc bán nhiều Đài, nhiều thời điểm như phim truyện chẳng hạn). Cho nên cuộc mua – bán sản phẩm truyền hình được sản xuất từ nguồn lực phi ngân sách cũng không dễ dàng, mà đó là quá trình cạnh tranh gay gắt.

Ở các Đài nhỏ, do vùng phủ sóng, do tỷ lệ người xem đài ít hơn, thị phần quảng cáo nhỏ hơn nên các công ty truyền thông lớn ít hợp tác. Nhưng quy luật cung – cầu, có cung ắt có cầu, hàng loạt các công ty truyền thông nhỏ ra đời. Họ sản xuất chương trình theo kiểu “truyền hình giá rẻ”. Và các đài địa phương do cần nguồn thu nên thường dễ dàng chấp nhận cuộc hợp tác vừa có thêm chương trình vừa có thêm kinh phí. Trên lý thuyết, các đài này cũng thẩm định, duyệt các chương trình do các công ty truyền thông nhỏ sản xuất, nhưng thực tế thì cái sự “duyệt” ấy chỉ là hình thức. Các công ty này do ít vốn nên không thể đầu tư hoành tráng và cũng mong muốn tăng rating chương trình bằng các hình thức chạy theo thị hiếu số đông. Các chiêu thức đánh vào nhóm đối tượng mua hàng: công chúng trẻ, phụ nữ, trẻ em được họ khai thác triệt để.

Đài Phát thanh – truyền hình Đồng Nai trước đây tự sản xuất nhiều chương trình trò chơi truyền hình cây nhà lá vườn tuy không hay nhưng tạo được sân chơi cho công nhân, người lao động, nông dân trong chính địa phương mình như “Sau giờ tan ca”, “Chiếc hộp bí mật”, “Nông dân thời công nghệ”, “Từ trong di sản”… Từ khi có chủ trương xã hội hóa, Truyền hình Đồng Nai đã hợp tác với công ty Sao Phương Nam để sản xuất chương trình giải trí. Đó là các chương trình “Bài hit và ca sĩ” (nay đổi tên là “Giai điệu kết nối”), “Cầu vồng nghệ thuật”, “Vợ nấu chồng khen”. Chiêu thức chung của những chương trình này đánh vào tuổi thanh thiếu niên, phụ nữ. Sân chơi toàn mời giới làm nghệ thuật tầm tầm của… thành phố Hồ Chí Minh (nhưng do quy mô nhỏ nên khó mời những người nổi tiếng thực sự). Khán giả địa phương mất cơ hội để được tham gia các chương trình này. Truyền hình Bình Dương “bán” giờ cho công ty GMPro của người đẹp Giáng My làm chương trình “Mi’s show”. Thực chất của sự “hợp tác” này là bán sóng vì các Đài không tham gia bất cứ khâu nào trong quá trình sản xuất, chỉ sử dụng băng (hoặc DVD) do Công ty này mang đến. Chúng ta có thể dễ dàng hình dung chuyện này như chuyện cách nay nhiều năm, các tờ báo in, các nhà xuất bản xin giấy phép ra phụ trương, ra sách và bán giấy phép này cho các công ty tư nhân (gọi là “đầu nậu”) mà báo chí liên tục lên tiếng.

Phân tích chất lượng các chương trình xã hội hóa như thế là một việc khác, song, chỉ cần một ví dụ nhỏ, có thể thấy tính chất của hoạt động xã hội hóa đã bị chệch hướng do cuộc khủng hoảng thiếu – thừa từ các kênh sóng ở các đài địa phương.

***

Chủ trương xã hội hóa là chủ trương đúng. Nước nào trên thế giới cũng để cho các công ty truyền thông sản xuất chương trình giải trí. Trung Quốc cũng làm thế từ lâu. Nhưng kênh truyền hình chính thống – kênh thông tấn, kênh chính trị phải là kênh của Đài. Quá trình xã hội hóa truyền hình ở Việt Nam vẫn đang tiếp tục diễn ra sôi động và với những bước đi dò dẫm. Hy vọng với sự ra đời của Bộ Thông tin – Truyền thông, hành lang pháp lý cho quá trình này sẽ thông thoáng hơn, xã hội hóa đi vào đúng ý nghĩa, mục đích và hiệu quả hơn.

ảnh minh họa: Thu hình một game show của Đài Đồng Nai

Nhãn:

Thứ Hai, 13 tháng 8, 2007

HOW FOOLISH POLTERGEIST IS




YÊU QUÁI NGU THIỆT

1/ Thời gian này VTV3 chiếu lại “Tây du ký” vào buổi chiều. Hai đứa con tôi chưa từng xem phim này nên háo hức dữ lắm. Chiều nào, đi học hè về, cũng tự giác tắm sớm để chờ xem cùng với bà nội. Đó là thời gian tôi vừa hoàn tất nghĩa vụ đón con và ngồi blogging chờ cơm tối. Sau một thời gian xem phim (không biết hôm qua là tới tập mấy), con bé nhà tôi chiều qua làm một cuộc phỏng vấn ba:

- Ba, nếu yêu quái ăn thịt Đường Tăng thì sẽ trường sinh bất tử phải không ba?

- Đúng rồi.

- Trường sinh bất tử là sống mãi mãi, không chết nữa phải không ba!

- Đúng rồi.

- Nhưng sao con thấy yêu quái ngu quá ba?

- Cái gì? – tôi đang tập trung blog, cũng không để ý kỹ câu hỏi.

- Sao yêu quái ngu vậy ba?

- Ba không hiểu ý con!

- Con thấy, yêu quái bắt được Đường Tăng sao không ăn thịt ngay, hoặc là cắt một miếng thịt gì đó ăn ngay, cứ để Tôn Ngộ Không cứu được hoài!

- Tại sao con nói vậy?

- Vì ăn thịt Đường Tăng thì sẽ sống mãi, lúc đó, Tôn Ngộ Không có đánh giỏi mấy cũng không chết phải không ba?

- Ừ, ba cũng thấy yêu quái nó ngu thiệt!

Mẹ nó nảy giờ nghe câu chuyện, buột miệng từ trong bếp:

- Sao anh lại trả lời con như vậy?

- Chứ trả lời sao?

Vợ tôi nói một thôi một hồi chuyện giữ gìn những cảm xúc đẹp về các nhân vật tốt để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ con. Vợ còn nói: "Mà anh lại hùa với nó nói yêu quái ngu như thế thì Tôn Ngộ Không giỏi chỗ nào? Cuộc chiến với mấy người ngu thì chiến thắng nó có giá trị gì đâu!"

2/ Câu chuyện vợ dạy trên đây làm tôi sực nhớ lại một chuyện nghe lâu lắm rồi. Chuyện này cũng thuộc vào giai thoại mà tôi chỉ là người được nghe kể lại. Số là sau 1975, cuốn sách “Chân dung tướng ngụy Sài Gòn” của Nguyễn Đình Tiến và nhiều cuốn sách khác viết về những nhân vật của chế độ đã sụp đổ đều mô tả những ông tướng của Việt Nam Cộng Hòa như những kẻ tham nhũng, ít học, mê gái, rượu, sành ăn chơi… Một lần ông Võ Văn Kiệt, lúc ấy là chủ tịch hay bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh gặp bác Trần Trọng Tân (làm công tác tư tưởng văn hóa) trong một bữa tiệc, bác Kiệt có nói đại ý: Viết về kẻ thù như thế thì vô tình hạ thấp giá trị của chiến thắng của chúng ta. Viết như thế thì không nên phát hành.

Bác Kiệt giờ vẫn còn sống không biết liệu mình có cơ hội thẩm định lại chuyện này. Có anh chị em nào biết rõ hơn?

Nhãn:

Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2007

LỤC BÁT HUỀ VỐN




Ảnh minh họa: Mai Quốc Ấn

LỤC BÁT HUỀ VỐN

Sáng nay, thấy bác Hai Miền Đông treo cái blast thật yêu đời:

Hôm nay là ngày thứ ba

Trời trong mây trắng ta ra ngoài đồng...

Từ Quy Nhơn, bác Huỳnh Thúc Giáp với “phản xạ lục bát" cực nhanh đã bắn vào qui-xi (quick comment) tới Biên Hòa:

Ra đồng ta cứ chổng mông

Cấy cày gặt hái, khi xong thì về.

Trong lúc bác Giáp đang say sưa với cái sự “chổng mông” (nhớ coi chừng sét đánh nhé!), mình cũng làm một câu lục bát hưởng ứng niềm lạc quan của bác Hai:

Hôm nay là ngày thứ ba

Như thế nghĩa là: mai chắc thứ tư…

Vợ tôi chat lại, anh định mở trường phái "lục bát huề vốn" à. Tôi ậm ừ, anh đang ráng lao động từ ngữ cho nó ra được cái giọng thật trịnh trọng như một phát hiện, như một kết luận, như một dự báo mà bí quá.

Không biết có thần giao cách cảm hay sao mà vài phút sau, đúng là một phản xạ lục bát quá nhanh, bác Giáp đã hưởng ứng ngay trường phái huề vốn này:

Ngày mai đã đến thứ tư

Rồi sẽ từ từ, bước đến thứ năm

Cũng xin nói thêm, hưởng ứng bác Hai Miền Đông còn có Neco với lời mời rất không thể từ chối:

Ra đồng cày gặt rồi về

Nhà em pha sẵn cà phê, xin mời!

Có điều, từ cày đến gặt thì lâu lắm (một mùa) mà đi làm về mệt, Neco có bia đãi uống mới đã, chứ cà phê thì nhường cho bác Bá Phùng.

Từ chuyện mấy câu lục bát của dân blog vốn biết phát huy truyền thống biết “đánh giặc và làm thơ” thành khả năng biết “còm men và lục bát”, mình nghĩ, sao không phát động phong trào làm lục bát huề vốn, phong trào làm câu tám từ một câu sáu cho trước nhỉ? Mong các bác chỉ giáo thêm!

Hưởng ứng “lục bát huề vốn” đã có, theo thứ tự thời gian:



Người Biên Hòa:

MUỐN CÒM (men) PHẢI CÓ ẠC CÂU (account)

KHÔNG CÓ NÍT (NICK) CHẲNG CÓ ĐÂU MÀ CÒM

Bác Duy Thiện:

đêm nằm nghĩ mãi, hoá ra

hết đêm nay, ắt sẽ là ... ngày mai



Bạn TT.Huỳnh:

Khi vui mình thấy không buồn

Khi buồn mình lấy cái nguồn nào vui?

Nghe khen sao thấy mừng mừng

Nghe chê tự khắc rưng rưng trong lòng !

Hai cộng với một là ba

Ba cộng với bốn chắc là bảy thui

Ba phải là "phải hông Ba?"

Ba phải là phải cả già lẫn non !



(tiếp tục cập nhật...)

Nhãn:

Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2007

“QUOTATION” TV NEWS




TRUYỀN HÌNH MỒM

Lễ khởi công Văn miếu Trấn Biên ở Đồng Nai – một công trình nằm trong chuỗi nhiều công trình kỷ niệm 300 năm hình thành vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai, ông X đọc bài phát biểu chính thức. Bài phát biểu này không do ông viết nhưng ông thấy hay nên muốn cho lên truyền hình để cho bàn dân thiên hạ biết. Thế nhưng mấy anh phóng viên truyền hình lại không thu bài phát biểu, bởi phóng viên thì được giao làm tin, cấu trúc bản tin thời sự chỉ có 5 phút, mỗi tin dài lắm cũng chỉ 2 phút, theo một dạng thức kinh điển từ Nam chí Bắc, từ thế giới đến Việt Nam. Khi lên đọc, ông X mới liếc nhìn đã biết phóng viên không thu hình bài phát biểu này (vì họ không đặt micro lên bục), camera chỉ ghi hình vài “shot”. Giữa buổi lễ có hàng chục đại biểu, giận lắm, nhưng chẳng lẽ ông chỉ đạo trực tiếp: phải ghi âm, ghi hình bài phát biểu của tôi. Làm người ai làm thế? Nhưng ngay sau khi kết thúc việc đọc bài phát biểu ấy, ông di động liền để la lối nữ giám đốc Đài, vì sao đem cái camera “nhỏ xíu” đi dự một buổi lễ quan trọng của tỉnh? Vì sao không thu hình bài phát biểu có ý nghĩa này? Dân chúng Đồng Nai cần biết ý tưởng của lãnh đạo tỉnh khi quyết tâm xây dựng công trình ấy, cho nên, ngay bây giờ phải lên thu hình trở lại, bằng camera Betecam hẳn hoi và cho phát nhiều lần.

Ông X lúc đó là một quan chức lớn. Giám đốc Đài nghe xong bèn tức tốc chỉ đạo xuống các bộ phận điều ngay xe, máy tới hiện trường. Đồng chí X vẫn chờ. Phóng viên Lê Minh được cử đi ngay lên Bửu Long để thu hình bài phát biểu này. Và sau đó, bài phát biểu này được phát đi phát lại trên sóng truyền hình Đồng Nai nhiều đêm! Khán giả được một dịp thưởng thức một tác phẩm truyền hình (nói theo thuật ngữ chuyên môn là truyền hình mồm – một thuật ngữ để chỉ những “bản tin lời” do phát thanh viên đọc trên sóng vì không thể có hình ảnh) chỉ có một cỡ cảnh bục phát biểu không thay đổi suốt 15 phút, phông nền phía sau vắng hoe (Vì lúc thu hình lại, đại biểu đã đi ăn mừng lễ khởi công ở một nhà hàng rồi)!

Image

Chuyện này cũng đã 10 năm. Bây giờ ông X cũng đã về hưu và đi làm "hội hè" như mình. Giờ cũng quý chú lắm. Nhưng hôm nay, báo Tuổi trẻ phỏng vấn ông tân bộ trưởng Lê Doãn Hợp về chuyện quản lý báo chí, ông nhấn mạnh: Nhà nước sẽ lãnh đạo báo chí trước hết bằng luật pháp, qui chế và bằng các sinh hoạt chính trị, hạn chế việc đưa ra các mệnh lệnh hành chính, hạn chế việc mình đứng ngoài báo chí để quản lý báo chí… tôi mới nhớ đến chuyện này, chuyện của một thời làm báo.

Và nhớ đến nhiều chuyện của một thời làm truyền hình “sơ khai” nhưng entry đã dài, xin dừng vậy.

Nhãn:

Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2007

INCREDIBLE FOOTBALL MATCH




NÀO CÙNG THƯỞNG THỨC TRẬN GIAO HỮU GIỮA CLB BÓNG ĐÁ BLOG VIỆT VÀ ĐỘI TUYỂN BRASIL

Danh sách đội tuyển (và những người ăn theo như nhà tài trợ, bác sĩ…) lên đường do Hai Miền Đông tuyển chọn, cập nhật thường xuyên gồm: HLV Huỳnh Thúc Giáp (Bác Giáp) , Trần Bá Phùng (Bác Trần) , Mr. Trần (Con Khỉ Già) , Bác điếu (Điếu cày) , Akay (Mr. Rảnh) , Lệnh Hồ Xung (Phoalac) , Tom IIR (Tom Tuổi trẻ) , Jerry (Chuột SG) , Chí Tân (Bác Chí) , HEINEKEN BEER (Beer Dofa) , Martin Nguyen (Nguyễn Dofa) , Sophie (Phạm Dofa) , T.A.P (Savio TA) , Boong Boong (Boong tiểu thư) , Milk xinh (Bé Mì tóc xoăn) , Anna Phạm (Bé Anna) , Okid (Tiểu thư O): , T&N (Tâm tiểu muội) , Elen (Tuyền tiểu muội) , Quế Mai , Bé Na (Na tiểu muội) , Thành An (Bác An) , TKO (Tiểu thư KO) , Neco (Neco fan) , NgoPhen , Thinh Le Paria , Ngựa hoang , Mạc Đại , Tuệ Hoan , Quỳnh Vy , TT. huynh , Đoàn Chi Thủy , Mai Quốc Ấn , Bác Duy Thiện (bán nước) , Lều Báo , Phạm Hữu Ngôn , Hải ÂuCòn nữa vì nhà tài trợ đã bao nguyên một chiếc Boeing 787 chở được 500 người!

Mời các thành viên của đội nhận tiền tiêu vặt.

ImageImage

Chuyến bay nặng nhọc hơn 15 giờ đồng hồ làm cho anh em cầu thủ, ban huấn luyện mệt mỏi nhưng, đá với đội tuyển Brazil, vui quá, ai cũng hết sức háo hức... Vừa xuống phi trường Brasilia, toàn đội đã được tiếp đón nồng nhiệt bằng những vũ điệu samba đến mức bác Hai Miền Đông, nhà tài trợ, Bác Khỉ Già, Bác Thúc Giáp, bác Bá Phùng đều “ngứa con mắt bên phải, ngứa con mắt bên trái”… Cả đội nhiều người không biết tiếng Tây Ban Nha, nhưng vừa thấy các danh thủ Brasil quen mặt ra đón đã reo tên: Ronaldo, Ronaldinho, Robinho… Tổng thống tái đắc cử của Brasil, ông Luiz Inacio Lula da Silva và huấn luyện viên Dunga gật gù.

Ronaldo nồng nhiệt chào đón đoàn:
Image

Vừa xuống cầu thang máy bay, đội trường Huỳnh Thúc Giáp tuyên bố (bằng tiếng mẹ đẻ) với giới báo chí: “Chúng tôi đến đây vì tinh thần bóng đá, chẳng cần vào khách sạn tắm rửa nghỉ ngơi gì cả, ra sân đá luôn cho nó máu!”. Phan Văn Tú dịch từ “tiếng” Quy Nhơn ra tiếng Việt và Hai Miền Đông chuyển sang tiếng Anh. Không biết Ranaldo có hiểu tiếng Anh của Hai Miền Đông không mà vừa nghe xong đã tái mét!

Xe chở thẳng đội tuyển blog về sân vận động quốc gia (quên tên rùi vì chưa cha kíu!), Tổng thống Brasil trực tiếp chào hỏi từng người bằng nghi thức ngoại giao.Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva luôn nở nụ cười thân thiện chào đón đoàn:

Image

Nhà tài trợ tặng cho tổng thống Brasil một cái laptop (trong đó có file danh mục các blog - nick của toàn đội, để mai mốt ngài tham gia blogging với anh em)

Image

Đáp lại, Tổng thống Brasil hứa sẽ đưa toàn đội đi chơi những danh lam thắng cảnh của đất nước Nam Mỹ rộng lớn của Ngài, trước mắt là tham quan tượng chúa Jesus Cứu thế - vừa được xếp vào kỳ quan thế giới:

Image

Trong cuộc họp báo ngay sau đó, thay mặt đội HLV kiêm tiền đạo đội trưởng Huỳnh Thúc Giáp đã tuyên bố: Chúng tôi muốn đem tới đây một phong cách bóng đá mới. Bác Thúc Giáp còn đem con cá ông câu được từ Quy Nhơn tới để chứng minh rằng, lối đá của đội tuyển chúng tôi giống như thủ thuật câu cá vậy…

Còn HLV Dunga nói rằng, chúng tôi sẵn sàng chấp cả đội áo + đội quần và luôn cả HLV, nhà tài trợ đội bạn chơi với 11 cầu thủ trong đội tuyến nổi tiếng thế giới của chúng tôi. Khi phóng viên hỏi ông dự đoán về kết quả trận đấu, ông cũng dè dặt: Khi trái bóng chưa lăn thì chưa nói gì nhưng hãy nhìn lịch sử thành tích của bóng đá Brasil thì biết!

Image
Trong thời gian trận đấu chuẩn bị diễn ra, các cầu thủ đội blog Việt đã tranh thủ chụp ảnh chung với các danh thủ. Hai Miền Đông thấy Bá Phùng chụp với Ronaldo cũng nhảy vào ké (nên ảnh hơi out nét):
Image

Milk Xinh tranh thủ chụp với Ronaldinho:

Image
Phóng viên Truyền hình Việt Nam, Đài Bình Định, Đài Đồng Nai theo chân đội bóng cũng đã có nhiều cuộc phỏng vấn nhanh với các cầu thủ đội tuyển Brasil
Image

Có tin hành lang, đội tuyển Brasil đã cho người đọc blog của đội ta, và ngay khi đội bóng mình bước chưa xuống phi trường, họ đã ra sức tập dợt cách cởi áo, tụt quần!

Brazil hiện nay đang có một cuộc bàn giao thế hệ trong đội tuyển. Thế hệ cầu thủ từ World Cup 2006 như Carlos, Cafu ở hàng hậu vệ, Emerson, Ze Roberto, Juninho ở hàng tiền vệ, Ronaldo hàng tiền đạo... có thể sẽ không còn ở trong đội tuyển trong tương lai. Tuy nhiên, vì thể diện quốc gia và vì đội bóng chúng ta khá đặc biệt nên HLV Dunga phải mời hết các siêu sao cũ về cùng với các cầu thủ trẻ như Cicinho, Maicon, Lucio, Robinho. Thủ môn thì cả Dida, Cesar và Gomes. Tiền vệ có Kaka, Ronaldinho, G.Silva, Emerson, Edmilson…
Image

TRẬN ĐẤU ĐÃ BẮT ĐẦU!

Đội Brasil đang tìm cách cởi áo, tụt quần đội chúng ta!

Image

Xem kìa, một cổ động viên nữ của đội Brasil tranh thủ nhìn bác Giáp

Image

TẤN CÔNG NÀO!

Nhãn: