Thứ Tư, 15 tháng 8, 2007

VIETNAM TV STATIONS: SITTING ON THE SEAT OF HONOUR




NHÀ ĐÀI CÒN Ở CHIẾU TRÊN?

Ở Việt Nam, các nhà sản xuất chương trình truyền hình từ phim truyện, game shows, các dạng chương trình ca nhạc, các chương trình khoa – giáo, các dạng phim tài liệu v.v… hầu như không thể trực tiếp bán cho các đài. Các đài có nhu cầu nhưng không mua bằng tiền mặt mà buộc các nhà sản xuất phải đi tìm kiếm tài trợ hoặc chỉ bán bằng… sóng. Thực tế này đã làm không ít các công ty truyền thông chùn bước vì ở Việt Nam hiện nay, thị trường quảng cáo truyền hình thực sự chưa được minh bạch và bị các công ty nước ngoài khống chế. Và thực tế này cũng làm hạn chế sức thu hút các nguồn lực xã hội

Ai mua chương trình tôi bán cho?

+ Năm 2004, Công ty A.M.Net, - một đơn vị truyền thông quy mô nhỏ ở thành phố Hồ Chí Minh có nhiều ý tưởng sản xuất trò chơi truyền hình thuần Việt - đã đem đến “chào hàng” các đài truyền hình format chương trình trò chơi “Vui cùng bé yêu”. Quá trình chào hàng ấy diễn ra “vật vã” nhiều năm trời. Bởi các đài địa phương khi được xem các nội dung thuyết minh ý tưởng, các clip ghi hình thử cũng rất thích, nhưng câu trả lời A.M.Net nhận được là, họ phải tự tìm nhà tài trợ, đài không có chi phí sản xuất, chỉ có thể hợp tác phần thiết bị. Đến khi A.M.Net mướt mồ hôi thuyết phục được một đơn vị tài trợ, thì việc hợp tác cũng lại bước sang một giai đoạn khó khăn hơn: Các đài truyền hình cho rằng chi phí sản xuất như vậy là quá cao, quyền lợi nhà tài trợ như vậy là quá nhiều… đài không hưởng được gì mà còn phải cấp thời lượng quảng cáo nhiều quá...

+ Nam diễn viên Trương Quốc Thịnh (đóng vai chính trong phim ngắn “Chuột”) kể lại anh đã nhiều lần đi chào hàng một live show mà anh và một đạo diễn khác mơ ước dàn dựng và thể nghiệm với nhiều ý tưởng mới, song không được đài nào đón nhận, dù rất thích mô hình chương trình này. Lý do rất đơn giản: Đài yêu cầu anh phải tự tìm tài trợ.

+ Một nhà văn trẻ khi xem các trò chơi truyền hình mua bản quyền nước ngoài tràn ngập màn hình đã nảy ra nhiều ý tưởng xây dựng các chương trình trò chơi thuần Việt về những kiến thức văn hóa – lịch sử Việt Nam. Chị mang kịch bản giấy đi chào các đài và các công ty truyền thông, hàng năm trời, chị chỉ nhận được những lời cảm ơn và hứa hẹn hợp tác khi tìm được tài trợ. Oái ăm thay, sau này, ý tưởng của chị bị copy từng phần rất khéo léo trong một số trò chơi được phát trên đài tỉnh do những công ty mà chị từng chào hàng.

Những chuyện như thế nhiều lắm.

Vừa đá bóng vừa thổi còi

Trong cuộc đàm phán để hợp tác giữa công ty truyền thông và nhà đài, các đài bao giờ cũng ở chiếu trên. Đài vừa muốn có chương trình mới, chương trình hay để phát sóng, nhưng đồng thời cũng muốn có nguồn thu từ tiền tài trợ, quảng cáo do chính công ty truyền thông khai thác. Bởi vì đài thì có “quyền” phát sóng, chương trình mới không có thì cũng chả chết ai. Hầu hết các đài đều sống bằng ngân sách nhà nước. Nếu có bộ phận quảng cáo thì họ đã khai thác cho việc sản xuất chương trình của chính đài mình. Trong khi đó, để sản xuất những chương trình truyền hình quy mô như phim truyện, live show ca nhạc, game show thì cần phải đầu tư lớn. Rủi ro trong việc bỏ vốn ra thuộc về các công ty truyền thông. Trong cuộc chơi xã hội hóa này, đôi nơi đôi lúc, các đài truyền hình vừa đá bóng, vừa thổi còi, vừa thu xâu, vừa đánh bạc… khó có thể nói về chuyện bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Hệ quả dễ thấy: thị trường truyền hình được phân khúc: “đại gia” chơi với “đại gia”.

Thị trường quảng cáo truyền hình nằm trong tay một số tập đoàn lớn của nước ngoài. Hầu hết các công ty quảng cáo ở Việt Nam chỉ làm B’. Các đài mỗi năm tự đưa bảng giá lên, nhưng tổng giá trị quảng cáo truyền hình không thể tự nhiên tăng lên mà còn do nhiều nguyên nhân khách quan của đời sống kinh tế. Vì thế, đơn giá thực của quảng cáo truyền hình trên “sàn giao dịch spot” khác với những con số được công khai (do chính thị trường, chính những đại gia quyết định).

Và như đã nói, hầu hết các đài truyền hình đều có nhu cầu được xã hội hóa sản xuất chương trình, song họ không bỏ tiền ra để mua chương trình mà chỉ đổi sóng – “phân lô, bán sóng” như chữ của những người trong nghề. Cho nên các nhà sản xuất (production) chương trình truyền hình ở Việt Nam luôn phải kiêm nhiệm chuyện đi tìm tài trợ hoặc lập ra bộ phận quảng cáo, marketing để tìm nguồn tài trợ, hoặc bán rẻ thương quyền quảng cáo (so với giá lý thuyết khi ký hợp đồng). Lấy ví dụ: Với một tập phim truyền hình, nhà sản xuất được trả lại bằng 10 spot quảng cáo (tương đương với 5 phút phát sóng quảng cáo) theo đơn giá của Đài trong hợp đồng là X thì họ phải bán lại cho các công ty quảng cáo được 50 - 70% X. Những công ty có “nhân tố” nước ngoài thì gắn kết trong các tập đoàn nên quy trình này đối với họ không bất tiện, thậm chí nằm trong những chiến lược bán hàng chung của từng tập đoàn. Còn những công ty truyền thông “thuần Việt” may mắn thì cũng nhờ những mối quan hệ để có nhà tài trợ là các nhà sản xuất trong nước. Các công ty truyền thông quy mô nhỏ hơn thì phải bán sản phẩm mình với giá rẻ cho những đài nhỏ.

Thực tế này khác hẳn với nhiều nước trên thế giới. Thái Lan chẳng hạn. Họ có ít Đài truyền hình (nhưng nhiều kênh) nhưng có trên 500 nhà sản xuất. Các nhà sản xuất làm chương trình và bán được cho các đài. Do có nhiều đài, nhiều kênh sóng nên nhà sản xuất có cơ hội bán sản phẩm truyền hình dễ dàng hơn. Các đài dùng các nguồn tiền như thu phí từ người xem, thu quảng cáo và thậm chí cả ngân sách… để trả tiền mua bản quyền. Chuyện này cũng giống như VTC mua bản quyền các chương trình bóng đá World Cup, AFF Cup, ASEAN Cup. Ở Việt Nam hiện nay, các chương trình truyền hình (kể cả phim truyện) do các công ty tư nhân sản xuất trước khi bấm máy thu hình, phải được tính toán, sắp xếp dựa trên các yêu cầu của nhà tài trợ, hầu như rất ít có chuyện một công ty tự bỏ vốn ra sản xuất một chương trình và chào bán cho các đài

***

Đại đa số các đài truyền hình Việt Nam hiện nay vẫn sống bằng bầu sữa bao cấp và là cơ quan báo chí vừa làm nhiệm vụ chính trị, vừa khai thác các nguồn thu từ hệ thống chương trình giải trí. Chưa thực sự có một sự cạnh tranh bình đẳng trong làng truyền hình Việt Nam do quy mô, điều kiện, cơ chế hoạt động, địa bàn “phục vụ” mỗi đài mỗi khác. Nhưng điều đáng mừng là đã thực sự có những đơn vị truyền thông tư nhân khá năng động trong việc tìm tòi những mô hình hoạt động cho phù hợp. Xã hội hóa sản xuất chương trình truyền hình ở Việt Nam hiện nay đang mạnh lên ở khu vực truyền hình số, truyền hình cáp. Mô hình các đơn vị doanh nghiệp tham gia sản xuất chương trình trên các kênh truyền hình kỹ thuật số hoặc cáp là một minh chứng. Đây cũng là một yêu cầu thực tiễn: các đài mở truyền hình số nhưng không đủ sức mua bản quyền nhiều kênh sóng. Và đã đến lúc cần có những nghiên cứu thấu đáo về lộ trình xã hội hóa để tránh tình trạng nhập nhằng như hiện nay, để khai thác thực sự các nguồn lực của cộng đồng, trong đó có nguồn lực ý tưởng Việt của thế hệ trẻ hôm nay.

Nhãn:

5 Nhận xét:

Anonymous TKO nói...

Tư nhân hóa ạ!

lúc 21:50 15 tháng 8, 2007  
Anonymous elen nói...

VN GIO Tan tien nhi .ngoi canh bo song voi tACH CAFE ONL thi con gi bang nhi .

lúc 22:01 16 tháng 8, 2007  
Anonymous Quốc Ấn_ Mai nói...

Sức ì...

lúc 22:29 16 tháng 8, 2007  
Anonymous ĐÍCH TÔN nói...

Có một câu chuyện về 12 hãng hàng không Mỹ: Trong giai đoạn các hãng cạnh tranh quyết liệt để giảm giá vé, khi có nhu cầu đặt mua máy bay của Boeing, từng hãng chủ động đàm phán độc lập với mong muốn đạt được giá tốt nhất so với các đối thủ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Sau đó, các hãng hàng không quyết định không đàm phán đơn phương. Họ ngồi lại với nhau, cùng cử ra một ủy ban đàm phán với Boeing một đơn đặt hàng chung duy nhất. Tất nhiên giá của một bản hợp đồng chung rẻ hơn rất nhiều so với tổng giá của 12 hợp đồng mua riêng lẻ. Chuyện làm ăn trong thế giới phẳng bây giờ cũng thế. Việt Nam đang tập làm kinh tế thị trường như cái kiểu tổ chức như thế này thì tự giết nhau và trao miếng bánh lợi nhuận cho nước ngoài thôi!

lúc 01:14 17 tháng 8, 2007  
Anonymous ly minh nói...

w à..o..w.à..ò..
Chuyện thế sao?
Kêu gọi cổ đông blog nhảy vô cạnh tranh thui!

lúc 03:01 17 tháng 8, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ