Thứ Hai, 20 tháng 8, 2007

TECHNOLOGY IS IN NO WAY TO BLAME




CÔNG NGHỆ KHÔNG CÓ LỖI


Báo Tuổi trẻ hai ngày nay có chuyên đề “Nhắn tin lên sóng: vấn nạn truyền hình thời @”. Đề tài này không mới nhưng lâu nay, báo chí càng nói nhiều, "dịch vụ" càng lấn tới. Sao vậy cà?

Việc ứng dụng hộp thư thoại và tin nhắn vào các hoạt động truyền thông đại chúng đã được khai thác từ lâu và không thể phủ nhận yếu tố tích cực của quá trình hội tụ công nghệ này trong đời sống báo chí. Tin nhắn đã trở thành một “kênh” tương tác dạng văn bản để công chúng tham gia vào các hoạt động truyền thông, các đài phát thanh – truyền hình có cơ hội tổ chức nhiều hoạt động khơi gợi tính tích cực của cộng đồng. Khán giả truyền hình có thể bày tỏ ý kiến, thái độ của mình trước một vấn đề đặt ra trong một chương trình chính luận, có thể thấy kết quả bình chọn của mình trong một chương trình văn nghệ v.v… qua những dòng tin nhắn của mình hoặc các kết quả thống kê hiển thị trên màn ảnh nhỏ. Nhiều hoạt động xã hội tổ chức thành công nhờ khai thác dịch vụ tin nhắn như vận động đóng góp cho người nghèo, vận động ủng hộ đội bóng chuyền nữ… Nhiều nội dung thi đố thông qua điện thoại, tin nhắn góp phần truyền bá kiến thức văn hóa, lịch sử - truyền thống, an toàn giao thông, công nghệ thông tin, ứng xử văn hóa v.v…

Rồi đây người ta còn có thể “tải” về thiết bị cầm tay của mình những bản tin thời sự, những chương trình yêu thích khi ngồi trên xe hơi để xem (vì không có thời gian) chỉ với một tin nhắn (phải trả tiền, tất nhiên). Khi hạ tầng viễn thông phát triển, khả năng tích hợp viễn thông – truyền thông sẽ còn mạnh hơn nhiều và cho phép khai thác phong phú hơn để phục vụ nhu cầu thông tin và được thông tin. Bản thân công nghệ không có lỗi. Lỗi thuộc về những ai lợi dụng, lạm dụng công nghệ. Karaoke khi du nhập vào Việt Nam đã từng bị lợi dụng, lạm dụng và làm đau đầu các nhà quản lý tương tự như vậy.

Dịch vụ giá trị gia tăng qua SMS ở Việt Nam phát triển đã lâu nhưng chưa được quản lý tốt nên vận hành theo kiểu tự phát ồ ạt. Lâu nay, dường như chỉ có một yêu cầu quản lý được chấp hành tương đối tốt là việc công khai giá cước nhắn tin. Lịch sử các cuộc gọi và tin nhắn được lưu giữ trong cơ sở dữ liệu của các đơn vị viễn thông. Không có gì khó khăn để ngành thuế, ngành truyền thông có thể biết được sản lượng tin nhắn của từng đầu số, đầu mã dịch vụ và nội dung các dịch vụ trong từng thời điểm cụ thể. Ngay cả việc vận động xã hội - từ thiện bằng tin nhắn, nguồn thu cũng dễ dàng được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Một câu hỏi đặt ra là vì sao lâu nay người ta chưa công khai doanh thu và quản lý dựa trên hệ thống cơ sở dữ liệu này? Có ý kiến giải thích rằng, những chuyên viên có khả năng nắm tốt nhất thực tế hoạt động của các dịch vụ tin nhắn là những người trong ngành bưu chính – viễn thông (cũ) nhưng vì hầu hết các đơn vị làm dịch vụ cũng đều trực thuộc ngành và quá trình phát triển các dịch vụ này cũng góp phần tăng doanh thu chung cho toàn ngành nên chuyện chậm tư vấn các biện pháp quản lý cũng dễ hiểu.

Việc quảng bá cho các hình thức dịch vụ nhắn tin cũng như các nội dung trò chơi được tích hợp trong những chương trình truyền hình bằng cách “chạy chân” hay “chắn sóng”, lâu nay chưa có những quy định như: dịch vụ nào, nội dung nào được phép xuất hiện trên kênh nào, trong chương trình nào, với tần suất ra sao, với tỷ lệ hiển thị trên màn ảnh ra sao…

Rất nhiều tình huống của những trận bóng đá trong ASEAN Cup vừa qua khán giả truyền hình không thể xem được chi tiết vì bị phần quảng bá dịch vụ này (của VTC và của cả đài địa phương tiếp sóng) cũng như quảng cáo “chạy chân” che mất phần dưới khuôn hình. Người quay phim trong hoạt động thông tấn truyền hình, đạo diễn phim truyện truyền hình bao giờ cũng có ý thức về bố cục. Song, những khung hình từng được chăm chút trong quá trình sản xuất này đã bị cắt xén khi chạy quảng bá dịch vụ bằng kỹ thuật cẩn (chroma key) tín hiệu. Các dòng quảng bá ngày càng có khuynh hướng thiết kế cao hơn (tính từ chân màn hình TV trở lên), nhiều dòng chữ, hình ảnh động, màu sắc hơn và chạy “miệt mài” hơn nên gây phản cảm.

Trong một số kênh truyền hình hướng đối tượng ở nước ngoài (đặc biệt là kênh giải trí, thương mại), việc sử dụng các box trên màn hình để đưa nhiều nội dung thông tin, dịch vụ như giá cả chứng khoán, thời tiết, lịch bay, tin vắn… là chuyện bình thường. Nhưng nhà sản xuất chương trình luôn có ý thức xử lý bố cục bằng cách chia khung hình hợp lý không bị ảnh hưởng giữa các nội dung thông tin – dịch vụ. Nên chăng cần có quy định khi quảng bá dịch vụ, các đài phải sử dụng thiết bị chuyên dụng để nén tín hiệu khung hình các box khác cho hợp tỷ lệ, không nên cắt xén khung hình chính bằng hình thức “cẩn” tín hiệu như hiện nay.

Với những trò chơi có tính chất may rủi, cờ bạc, vì sao không áp dụng các quy định như Bộ Tài chính đã quy định về xổ số kiết thiết (từ mệnh giá vé số, cơ cấu giải thưởng, các yêu cầu công khai) để tránh tình trạng nhà tổ chức không bao giờ chịu rủi ro và nhà nước thất thu thuế.

***

Truyền hình là cơ quan báo chí và cũng là ngành dịch vụ. Khán giả truyền hình - trong chừng mực nào đó - là khách hàng. Tôn trọng khách hàng cũng chính là việc giữ uy tín thương hiệu cho mình. Và cũng xin được nhấn mạnh: Việc khai thác các dịch vụ viễn thông vào hoạt động truyền thông là xu thế chung. Đã qua rồi cái não trạng “không quản lý được thì cấm”. Nhưng không cấm cũng không đồng nghĩa với việc để cho đài đài tổ chức đánh bạc không thu xâu như thế!

VIẾT THÊM:

Bài này Tuổi trẻ đặt hàng mình viết. Nhưng sáng nay khi báo ra, đọc lại, thấy tòa soạn đã cắt mất một nửa. Tiếc quá!

Nhãn:

6 Nhận xét:

Anonymous Trinh N nói...

* Mẹo: muốn không xem những dòng chữ chạy này rất dễ, tại sao các Bác không chịu làm mà cứ nói hoài: đổi tivi khác, chọn loại mới, có chức năng "zoom in, zoom out" là xong. Tớ có tivi này rồi, rất lợi hại đấy, nên không thèm bàn vấn đề này nữa. HIC!

lúc 22:29 21 tháng 8, 2007  
Anonymous [deleted] nói...

vấn đề cẩn tín hiệu hay nội dung thông tin là gì đến thời điểm này cũng chưa có gì quan trọng ..
nhưng hình như vấn đề chính nảy sinh là nhà đài kinh doanh thu lợi hơi quá đáng thì phải ???

lúc 01:53 22 tháng 8, 2007  
Anonymous tuanvetinh nói...

Anh nói đúng, bản thân công nghệ không có lỗi. Lỗi thuộc về những ai lợi dụng, lạm dụng công nghệ. Nói chung, cần một cơ chế quản lý hợp lý thôi. Ngay cả những kênh truyền hình nước ngoài, dường như kênh nào cũng chạy chữ phía dưới màn hình, nhưng chiếm một diện tích nhất định chứ không muôn màu muôn vẽ như ở mình.

lúc 20:20 22 tháng 8, 2007  
Anonymous Trinh N nói...

* Nói vậy cho đỡ tức mà. Thà là xem cái khung hình "to" để khuất mắt mấy dòng chữ khó chịu đó chứ có hay ho gì.
* Nhìn "mắc cười chết luôn", con bé lớn ở nhà mình cũng bị "dị ứng" nó sáng kiến: cắt miếng giấy bìa cứng cao gần 1 tất, theo chiều ngang của tivi và dựng trước ti vi để che mấy dòng chữ chạy đó. "Ba thấy con hay chưa, sáng kiến chưa". Được 1 lúc nhưng khi đổi kênh thì ... bị chặn tia hồng ngoại... Hic! (rất tiếc là máy chụp hình của mình đã cho mượn).
* "Ba ơi, những giải pháp tức thời của cha con mình xem như tiêu... vậy khi nào mới hết hởi Ba". - "chuyện này của Bác Tú và các bậc bề trên nữa con ơi".

lúc 23:15 22 tháng 8, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Công Trinh: Khi zoom out thì khung hình chính nó cũng bị zoom out ra thôi.
@ Tuấn: Ở nước ngoài người ta tận dụng công nghệ để làm truyền thông tích cực. Còn ở mình thì khai thác nó để đánh bạc nên khán giả mới la thôi!

lúc 23:47 22 tháng 8, 2007  
Anonymous NHƯ NGUYỆN nói...

@A Tú: Em nhấn nhầm vào nút Post commemnt, anh xóa hộ em.
@A Trinh: Em có một sáng kiến nhỏ để bổ sung cho sáng kiến của con gái anh: Đục một lỗ lên tờ bìa ở vị trí remote sensor.

lúc 21:58 20 tháng 10, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ