Thứ Năm, 30 tháng 8, 2007

RADIO IN THE MOBILE ERA




PHÁT THANH THỜI DI ĐỘNG

Trong phát thanh hiện đại, tiếng nói người dân, ngôn ngữ đời sống được khai thác trên sóng nhiều hơn so với những văn bản đọc chay. Thử hình dung, làm phát thanh trực tiếp không có điện thoại thì chương trình sẽ bị hạn chế như thế nào.

Hơi thở cuộc sống

Mỗi lần đội bóng Khatoco Khánh Hòa xuất quân thi đấu ở tỉnh xa, anh Đỗ Quốc Cường, phóng viên Đài Phát thanh – Truyền hình Khánh Hòa phải chuẩn bị cho mình những… 2 máy di động, 4 cục pin nạp đầy. Toàn bộ trận thi đấu kéo dài 90 phút, có khi 120 phút và cả phần phỏng vấn, gặp gỡ giữa 2 hiệp đấu hay cuối trận đấu, anh đều tác chiến bài tường thuật và bình luận trên sóng phát thanh Khánh Hòa bằng di động.

Khi tường thuật các tin nóng từ vùng tâm bão, điện thoại di động là phương tiện tác nghiệp tuyệt vời cho phát thanh. Những dòng ngữ lưu tường thuật bị ngắt quãng bởi tiếng gió rít, tiếng bão giật và hơi thở dồn dập của phóng viên gây ấn tượng rất mạnh cho thính giả.

Và thông thường, việc tường thuật, đưa tin qua điện thoại hiện nay đã được các phóng viên và cộng tác viên đi công tác xa đài thực hiện khi có nhu cầu chuyển tin nóng về đài. Những tin này được các phóng viên – cộng tác viên đọc trực tiếp (hoặc đọc trước đó một chút) về Đài.

Ưu điểm dễ thấy của việc sử dụng điện thoại tường thuật: thông tin nhanh, mang hơi thở cuộc sống, mang dấu ấn cá nhân người thực hiện, phù hợp với dạng đưa tin phát triển trong một sự kiện mà cả cộng đồng quan tâm, tạo sự phong phú cho bức tranh âm thanh chung của cả một chương trình.

Hạn chế: tín hiệu âm thanh không đẹp và nội dung tin thường ít được trau chuốt tốt do thời gian thực hiện gấp và đọc ứng khẩu trực tiếp tại hiện trường, lãnh đạo không thể duyệt trước nội dung tin... Mặt khác, không phải phóng viên nào cũng có chất giọng thật tốt để đưa tin qua điện thoại và có những không gian sự kiện mà vùng phủ sóng di động chưa tới hoặc không có điện thoại hữu tuyến, việc đưa tin sẽ gặp khó khăn.

Tất nhiên, khai thác các dạng “tin điện” này, phóng viên đều biết chọn lọc đề tài, sự kiện phù hợp. Cũng có tình trạng lạm dụng vì ngại chạy về cơ quan viết tin. Nói cách khác, không phải sự kiện nào phóng viên cũng sử dụng điện thoại để làm tin điện. Một buổi họp Quốc hội diễn ra ở Hội trường Ba Đình và kết thúc vào lúc 11 giờ 30, thì trong bản tin 12 giờ của Đài Hà Nội không nên sử dụng tin điện về phiên họp sáng này nhưng nếu tin điện đó được phát sóng trên Đài Cà Mau do phóng viên Đài Cà Mau điện về từ Hà Nội thì đó là một tin hấp dẫn.

Đạo diễn các chương trình phát thanh hiện nay đều biết chọn lọc việc xen tin điện hợp lý trong bản tin, giữa chương trình (breaking news), biết khai thác thế mạnh của tin điện trong dòng chảy thời sự sẽ tạo hiệu quả rất cao và đây cũng là hình thức cạnh tranh thông tin lành mạnh, tạo uy tín cho thương hiệu phát thanh của các Đài.

Những thông điệp ngoài lời

Có rất nhiều hình thức truyền dữ liệu (âm thanh) trực tiếp từ các không gian sự kiện trên toàn thế giới về phòng thu (hoặc về điểm phát sóng) như: sóng FM, sóng viba, cáp quang, internet băng thông rộng với chất lượng âm thanh rất cao nhưng cho đến nay, truyền dữ liệu qua điện thoại vẫn là rẻ nhất, dễ nhất, tiện dụng nhất, hầu như làm được bất cứ nơi đâu trên thế giới và điều quan trọng là tín hiệu điện thoại có một đặc trưng thông tin ngoài lời nếu biết khai thác hợp lý. Một cái tin được truyền trực tiếp trên sóng từ một máy điện thoại ở nơi xảy ra sự kiện chắc là tín hiệu sẽ không “đẹp” bằng tín hiệu của phòng thu hoặc được truyền về bằng máy phát FM, bằng viba, cáp quang... nhưng chính nhờ thế, nó mang đến cho người nghe một thông điệp ngoài lời, đó là cuộc sống, đó là tính chân thật của sự kiện, đó là khoảng cách về không gian của sự kiện… Khi hạ tầng viễn thông chưa phát triển cao thì điện thoại hiện nay vẫn là phương thức truyền dữ liệu khá hữu hiệu và phong phú trong việc sản xuất các chương trình phát thanh hiện đại.

Trong cơn bão số 7 giữa năm 2005, Đài PTTH Đồng Nai đã hợp tác với các đồng nghiệp báo trực tuyến Việt Nam Net và nhiều cán bộ, nhân dân vùng bão Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định để tường thuật diễn biến và các sự kiện liên quan. Những cuộc tường thuật của các đồng nghiệp Việt Nam net cũng như lời kể của nhân dân vùng bão đã giúp các bản tin thời sự của Đài đầy ắp thông tin nóng về cơn bão này mà Đài không phải mất kinh phí và nhân sự để theo dõi cơn bão. Quá trình tường thuật này được tổ chức khá tốt nên nó phản ánh được diễn biến và nhiều chi tiết bất ngờ của sự kiện. Tất nhiên, nếu có điều kiện cử phóng viên của chính Đài mình để thực hiện trực tiếp thì vẫn tốt hơn.

Sự kiện bão số 7 cho thấy, việc tường thuật qua điện thoại trở thành thế mạnh của phát thanh và các đồng nghiệp báo hình, báo trực tuyến cũng tận dụng hình thức này (vì không thể truyền hình ảnh ở vùng tâm bão được). Một ví dụ khác: Chương trình “Đi chợ buổi sáng” hàng ngày của Đài PTTH Đồng Nai hoặc Thông tin thị trường của Đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh đều được thực hiện bằng hình thức tường thuật trực tiếp từ hiện trường qua điện thoại. Diễn biến giá cả ở các chợ đầu mối, ý kiến của các tiểu thương v.v… được lên sóng hết sức sinh động.

Chiếc điện thoại di động nhỏ xíu ấy vừa trở thành một cái micro, vừa là một chiếc máy phát sóng tuyệt vời trong tường thuật từ hiện trường. Bởi phóng viên phát thanh có thể khai thác các phỏng vấn ngắn, nhanh những ý kiến của người dân, cán bộ, người chứng kiến… hết sức hiệu quả.

Tất nhiên điện thoại vẫn là điện thoại, song, chiếc điện thoại nhiều năm qua đã đóng góp cực lớn trong đời sống truyền thông, thành một công cụ tác nghiệp của báo chí mà không chỉ có chuyện tường thuật hay đưa tin.

(Còn tiếp)

Nhãn:

5 Nhận xét:

Anonymous Werewolf again nói...

anh Tu oi, e xem bai nay = dien thoai day. dung kieu sanh dieu thoi @, vua café, vua xem bao mang = mobile, sanh dieu qua. anh Cuong 2 sung that day a? thang 10 vao Nha Trang e se check, ha ha.

lúc 03:40 1 tháng 9, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Hồng Ngân: Như vậy là em đi trước anh một bước. Hôm nào phải phỏng vấn em để viết bài "Đọc báo thời di động". Anh Quốc Cường vẫn vậy. Thỉnh thoảng ra Nha Trang anh có gặp, hoặc anh Cường vào Sài Gòn có gọi cho anh. Để anh chat số anh Cường cho em.

lúc 02:45 2 tháng 9, 2007  
Anonymous Bố cu Hưng nói...

Tối hôm qua, bài phỏng vấn hoa hậu của PV Pháp Luật TPHCM từ cũng được chuyển bằng di động về nhà cho Thú ký hành chính gõ lại! Lúc đó là 23h30!

lúc 21:51 2 tháng 9, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Bố cu Hưng: Sắp tới (và hiện nay đã có), các dạng phần mềm nhận dạng tiếng nói Việt sẽ phổ biến, trong đó có phần mềm chuyển âm thanh ra văn bản. Tất nhiên, sẽ có sai số nhất định - tùy theo khả năng diễn đạt của người nói - vì bản thân máy tính nó cũng ngu thôi. Lúc đó, chị Thư ký hành chính sẽ đỡ cực!

lúc 22:05 2 tháng 9, 2007  
Anonymous Mai Ngố nói...

Đi chợ buổi sáng cuả FM97.5 MHZ thường có ba người làm, một kỹ thuật viên, một DTC phòng thu và một DCT hiện trường. Nhưng dẫn hiện trường nhiều em thấy, tốt nhất nên chỉ cần người dẫn ở hiện trường và một KTV là đủ. Bởi nhiều chương trình, DCT phòng thu chỉ chào đầu và chúc cuối thui. Anh thấy có nên không? Em đang định góp ý với nhóm như vậy!
Đi chợ nhiều cũng "quải" quá!

lúc 04:22 4 tháng 9, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ