Chủ Nhật, 25 tháng 5, 2008

KHÔNG THỂ VÀ CÓ THỂ




- Ông ơi! Suốt từ hôm qua tới giờ tôi vẫn cứ bồi hồi ông ạ!

- Sao? Hồi xuân hả?

- Ông này già rồi mà ăn nói kỳ cục quá đi mất, tóc bạc hết vầy, mà ông nói hồi xuân!

- Thì bà nói bồi hồi… mà có chuyện gì làm bà bồi hồi?

- Hôm qua tôi đi xe buýt. Xe đông lắm ông ạ.

- Ừ xe buýt mình thì vậy đó, lúc nào cũng chen chúc khổ sở lắm.

- Ông biết không, tôi thì cũng quen cái vụ lơ xe quát tháo hay xách tay hành khách kéo lên xe rồi. Còn xô đẩy to tiếng tôi cũng đã chứng kiến nhiều. Nhưng hôm qua tôi vui.

- Chắc hôm qua gặp lơ xe dịu dàng hả.

- Không. Lúc tôi lên xe, có hai cậu trẻ lắm, ngồi nói chuyện rôm rả lắm, về vụ xe hơi xe hiếc gì đấy, tôi nghe loáng thoáng thế.

- Ấy, nó ngồi ghế mà để bà già đứng, mà bà bảo vui!

- Ông từ từ. Tôi đứng một lúc thì một cậu nhìn thấy tôi. Cậu ấy đứng lên nhường ghế cho tôi rồi còn bảo tôi: “Con xin lỗi bác, nãy giờ con vui chuyện quá, không để ý, bác đứng lâu có mỏi chân không?”

- Thật không?

- Thật. Tôi xúc động quá líu ríu không nói được nên lời. Cậu đó đỡ tôi ngồi xuống ghế rồi đứng bên cạnh rất bình thản.

- Chà! Con nhà ai mà ngoan thế bà nhỉ!

- Đấy, ông thấy đấy có phải là chuyện đáng để tôi xúc động từ hôm qua đến hôm nay không ?

- Ừ! Quả đó là điều hiếm thấy bà ạ. Nhưng mà cũng vô lý thật.

- Sao mà vô lý ông?

- Thì chuyện trẻ, lễ phép, ân cần, nhường ghế cho người già là chuyện bình thường thôi. Mà nay hành động bình thường thế lại hiếm đến nỗi làm bà xúc động mạnh thế này, chẳng là bất thường, là vô lý à?

Nhãn:

Thứ Năm, 22 tháng 5, 2008

KHI ĐỊA DANH TRỞ THÀNH THƯƠNG HIỆU




Cậu con trai nhỏ của tôi cứ lẵng nhẵng theo mẹ vòi vĩnh mỗi lần nghe tiếng rao: “Bánh mì Sài Gòn, một ngàn một ổ”. Vợ chồng tôi hoàn toàn không thích cho con ăn cái thứ bánh bán dạo ấy chút nào. Bánh được ủ trong một cái lồng, phủ lên một lớp bao bố dày, trông rất đáng ngờ. Nhưng trong nhà tôi, từ mẹ già, chị ruột đến con trai khi nghe tiếng rao đều thích chạy ra cổng, mua một ổ nhỏ nhỏ xinh xinh, nóng hổi giòn rụm vào lúc nửa buổi khi bụng đã bắt đầu cồn cào…

1.

Dạo này, tiếng rao “bánh mì Sài Gòn, đặc ruột thơm ngon” có vẻ lạ tai. Để ý mới rõ, bánh đã lên “2 ngàn 1 ổ” chứ không còn 1 ngàn như nhiều năm trước. Tiếng rao được thu sẵn vào thẻ nhớ, phát lặp đi lặp lại rất đơn điệu, nhưng vẫn kích thích được nhiều người. Thằng con trai lại vòi xin mua bánh mì khi tôi còn đang ngẫm nghĩ…

Ngoài phố, cách nhà tôi vài trăm mét có bao nhiêu thương hiệu bánh nổi tiếng, bánh rất chất lượng: nào là Kinh Đô, Long 'sandwich, Thiên Ngọc Phát… Thế mà mấy bà mấy chị lại vẫn dành tình cảm cho “bánh mì Sài Gòn”, thứ bánh bán dạo mà qua tìm hiểu, tôi biết, nó được sản xuất thủ công, rất thủ công, ngay tại thành phố nhỏ tỉnh tôi đang ở, chứ không ai mất công đem từ Sài Gòn xa xôi về đây cả (và nếu mang từ Sài Gòn về thì nó cũng khó còn nóng giòn như thế!). Chất lượng và công nghệ sản xuất chưa đủ tiêu chuẩn để khoác lên loại bánh ấy một tên tuổi lớn: Sài Gòn!

Tôi lại chợt nghĩ liệu có mối liên hệ nào không giữa cái bánh mì nhỏ nắm trong lòng bàn tay có giá 1, 2 ngàn đồng ấy với những cửa hàng Mắt kiếng Sài Gòn, Vi tính Sài Gòn, Trung tâm sửa xe gắn máy Sài Gòn, Hủ tiếu Sài Gòn, Ngoại ngữ Sài Gòn, Xe đạp Sài Gòn… có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu trong các đô thị, thị trấn, thị tứ ngoài địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Thì ra cái tên gọi “Sài Gòn” có sức hấp dẫn, sức “nặng” của một nhãn hiệu cầu chứng về chất lượng, uy tín... chứ không chỉ là địa danh. Hơn nửa thế kỷ trước, người dân miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long vẫn trông về nơi đô hội này mà nói: “Đèn Sài Gòn ngọn xanh, ngọn đỏ / Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ, ngọn lu…”. Quán ăn mang tên Sài Gòn, tiệm may mang tên Sài Gòn có mặt với mật độ cao ở thủ đô Hà Nội và nhiều thành phố lớn trên thế giới. Nhiều tờ báo từ thành phố Hồ Chí Minh cũng dùng danh xưng Sài Gòn trên manchette: Sài Gòn Giải phóng; Sài Gòn Tiếp Thị; Doanh nhân Sài Gòn, Sài Gòn Mới v.v… Đối với nhiều người dân nông thôn phía Nam hiện nay, Sài Gòn vẫn là một trung tâm lớn, một thương hiệu ăn sâu trong tiềm thức.

Chẳng phải vì cái sự vần vè trong câu rao mà những anh bán bánh mì dạo thành phố quê tôi lại cứ nhất nhất phải lấy tên Sài Gòn đặt cho loại bánh không hề sản xuất ở thành phố Hồ Chí Minh. Những người bán bánh mì dạo như anh ta đã biết “mượn” một thương hiệu lớn để gán cho một sản phẩm “nhỏ”.

2.

Cách đây một năm, câu chuyện tranh chấp thương hiệu Champagne - tên một loại rượu vang nổi tiếng thế giới đến mức ở Việt Nam nó được hiểu như một danh từ chung: “sâm banh” – được báo chí thế giới quan tâm. Chuyện rằng, Champagne là tên của 2 ngôi làng thuộc 2 quốc gia: Pháp và Thụy Sỹ, sát biên giới nhau. Từ hơn một thế kỷ trước, dân làng Champagne của Thụy Sỹ và của Pháp đều có nghề trồng nho và cất rượu vang giống nhau. Để phân biệt chuyện trùng hợp có tính chất lịch sử này, người ta gọi ngôi làng Champagne của Thụy Sỹ là "Champagne nhỏ" còn làng Champagne của Pháp là "Champagne lớn".

Chuyện thành rắc rối cách đây hơn 30 năm khi thương hiệu Champagne trở nên quá nổi tiếng. Cuộc tranh chấp tên gọi một loại vang của 2 quốc gia này nổ ra đến nay, phân xử chuyện này cuối cùng là… Tòa án Liên minh Châu Âu.

Người Thụy Sỹ đã thua trong cuộc chơi thương hiệu này dù cái tên làng Champagne của họ từng tồn tại từ thế kỷ thứ 9. Nguyên nhân thua có thể vắn gọn như sau: Cả hai loại rượu vang sản xuất từ 2 làng mang tên Champagne của Thụy Sỹ và Pháp được bán ra thị trường về cơ bản chất lượng như nhau. Nhưng đã có một thời trong quá khứ, làng Champagne Thụy Sỹ dùng những tên gọi khác cho sản phẩm của mình như "Bonvillars", "Corcelles". Khi Champagne bắt đầu tạo tiếng vang trên thị trường thế giới, người Pháp đã nhanh chân đăng ký nhãn hiệu cho rượu vang vùng Champagne của mình. Lúc người Thụy Sỹ ý thức ra rằng cái tên làng Champagne đã trở thành tài sản quý thì mọi sự đã quá muộn.

Cái lý lẽ của người Thụy Sỹ khi đi kiện là không có luật lệ quốc tế hay quy định nào của châu Âu quy định rằng nhà sản xuất không được phép đặt tên sản phẩm theo tên địa danh nơi họ đang sống. Thụy Sỹ có làng Champagne thì họ có quyền lấy tên Champagne cho loại rượu của mình!

Còn lý lẽ của Tòa án Liên minh châu Âu là với một loại sản phẩm thì chỉ có một thương hiệu. Làng Champagne của Pháp được quyền sử dụng cái tên này vì người Pháp đã đăng ký nó thành nhãn hiệu hàng hóa từ năm 1974.

3.

Chuyện nhãn hiệu Champagne xứ người không hoàn toàn xa lạ với Việt Nam trong tiến trình hội nhập và đi vào quỹ đạo cơ chế thị trường. Những người bán bánh mì dạo có thể lạm dụng địa danh Sài Gòn cho những sản phẩm bình dân, doanh thu thấp của mình như một thủ thuật. Chẳng ai đi tranh chấp thương hiệu Sài Gòn với những người làm ăn quy mô nhỏ lẻ như vậy. Thế nhưng, thủ thuật làm ăn đó cũng có thể trở thành “lớn chuyện” với những mặt hàng, những loại dịch vụ, những hoạt động sản xuất kinh doanh tinh vi hơn. Và biết đâu, thương hiệu Sài Gòn cũng sẽ là vấn đề pháp lý nảy sinh trong một thời gian không xa nữa.

Dù gì thì người dân thành phố Hồ Chí Minh cũng có quyền tự hào về cái thương hiệu Sài Gòn. Nhưng tự hào là một chuyện, còn ý thức làm cho nó ngày càng uy tín hơn, chất lượng hơn lại là chuyện khác.

-------------------------

Ảnh: Tiệm ăn "Sài Gòn" ở thủ đô một nước Châu Âu

Blog Page

Nhãn:

Thứ Ba, 20 tháng 5, 2008

CHUYỆN KHÔNG LẠ?

- Hôm rồi báo Thanh Niên có một bài về chuyện học sinh viết văn sai mà giáo viên không hề sửa chữa…

- Ôi, chuyện có gì đâu ngạc nhiên.

- Sao ông lại thờ ơ thế được. Bao nhiêu nhà quản lý đã phân tích, rằng đó là biểu hiện quá rõ ràng của sự thiếu trách nhiệm, rằng phải bị xử lý…

- Tôi không thờ ơ, nhưng những chuyện thế này tôi nghe cũng nhiều lắm. Chuyện thầy giáo chấm văn bằng cách đo độ dài, hoặc nhờ vợ con cháu chắt gì đó chấm bài giùm, ông cứ chịu khó lắng nghe là đầy tai luôn.

- Thật vậy à.

- Tôi chẳng có chứng cứ như các nhà báo. Nhưng tôi nghe một cô bạn kể: Cô Ôsin nhà chị hiện nay hay khoe rằng bà chủ cũ của chị ta (vốn là cô giáo tiểu học) thường xuyên nhờ chị… chấm bài dùm. Và có lần chính tôi nghe một giáo viên kể, rằng trong đề thi kiểm tra môn kỹ thuật (ở một trường PTTH tiếng tăm nọ), thầy giáo ghi chú lên bảng một yêu cầu: “Chú ý không được chép bài hát vào giấy kiểm tra”.

- Sao lại phải ghi thế?

- Nguồn cơn là trước đó, ông thầy đã bị phát hiện chấm bài kiểu gì mà học sinh chép đầy bài hát vào bài kiểm tra mà vẫn cho trên trung bình. Thế là thầy bị kiểm điểm. Từ đó trở đi, mỗi lần kiểm tra thầy lại ghi chú như vậy lên bảng…

- Chết thật!

- Nhưng mà tôi thì tôi lại nghĩ, rất có khả năng là cô giáo trong bài báo của ông không vô trách nhiệm như ông thầy tôi kể đâu.

- Không vô trách nhiệm mà sao lại không sửa bài cho trò?

- Nhiều khả năng là cô cũng sai y như trò. Có sai y như thế thì mới không phát hiện ra cái sai của học trò chứ. Còn đọc bài mà thấy sai thì phải như nhai phải sạn ấy chứ, sao bỏ qua được?

- ???
Blog Page

Nhãn:

ĐẶC SẢN

Ở xứ Biên Hòa ai cũng tự hào về một giống bưởi rất ngon được trồng ở vùng Tân Triều. Người Biên Hòa cũng đã nhanh chân đăng ký tên miền trên internet cho sản phẩm bưởi trái và rượu bưởi của xứ này.

Mang ra Hà Nội Hà Nội mấy bình rượu bưởi làm quà, sau khi thưởng thức, nhóm bạn nữ của tôi phát hiện ra trên bao bì của sản phẩm ấy có dòng chữ: www.buoibienhoa.vn thì thắc mắc: cái gì của Biên Hòa được giới thiệu trên trang web này vậy?

Câu trả lời của tôi thì đã rõ nhưng các bạn thì hổng có tin vì tất cả đang offline. Chao ơi mấy cái tên miền không dấu này nhạy cảm quá. May mà Hà Nội thịt lợn không phải là đặc sản, chứ không chừng là cũng có trang web quảng bá kiểu www.lonhanoi.vn

Nhãn:

Thứ Tư, 14 tháng 5, 2008

CHUYỆN LẠ Ở TÂY NINH




Sau chuyện Hai Lúa chế máy bay trực thăng, câu chuyện dùng tầm vông, dây thun chế xe tam khuyển ở Tây Ninh cũng thú vị không kém. Chuyện này do bạn đồng nghiệp Mai Quang Hiền ở Tây Ninh vừa gửi cộng tác cho tôi. Post lên đây để các bạn giải trí một tí giữa lúc không khí làng blog đang chùng xuống vì những thông tin buồn.

Ở bến Trung Dân, vùng xa tít trên xã Phước Vinh, xã biên giới của huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, nhiều năm nay, người ta thường thấy một bà lão lụi cụi đạp xe đi làm mướn theo sau là một chiếc xe hai bánh được ba con chó kéo chạy. Bà lão ấy, người huấn luyện những chú chó và chế ra cỗ xe tam… khuyển ấy là dì Cao Thị Mỹ, năm nay 73 tuổi. Nhà dì Mỹ ở gần bến sông, bến Trung Dân, đầu nguồn con sông Vàm Cỏ Đông. Nghèo khó từ nhỏ nên dì ba Mỹ quanh năm làm thuê kiếm sống. Mùa nào việc ấy, khi thì mót lúa, lúc làm cỏ mì, hái xoài, vớt lục bình, bắt ốc… kiếm thêm lít gạo, chai nước mắm cho bữa ăn hàng ngày.

Dì kể, hồi trước, thấy trên ti-vi có những chú chó kéo xe chạy băng băng trên cánh đồng tuyết trắng xoá, dì nghĩ mấy con chó nhà của dì chắc cũng làm được, vậy là dì tập cho chúng kéo thử chiếc xe bé xíu của trẻ con xem sao. Không khó lắm khi dì tập cho chúng kéo xe. Chúng ngoan ngoãn vâng lời và còn tỏ vẻ thích thú khi kéo chiếc xe chạy loanh quanh trong sân nhà.

Hơn chục năm nay, sức khoẻ ngày càng giảm đi, bầy chó ngoan của dì trở thành trợ thủ, giúp sức đắc lực cho dì trong vận chuyển những bao củ mì, bao lúa, vài chục trái cây mà dì đã thu gom được trong ngày. Chúng theo dì trên mọi nẻo đường và kéo chiếc xe cũ kỹ, đến chợ, ra đồng, cùng dì đi mót mì, lượm trái cây… Có lúc chúng đi theo dì rất xa, có khi đến vài chục cây số, từ bến Trung Dân lên chợ Tân Biên, vòng qua Gò Nổi, về Long Vĩnh, qua Mỏ Công. Thỉnh thoảng “cỗ xe tam cẩu” cũng theo dì về thị xã. Những chuyến kéo xe như vậy trên xe còn có thêm vài bao lúa, mấy buồng chuối.

Không chỉ có thể kéo xe, mấy con chó của dì ba Mỹ còn làm công việc đưa thư và đi chợ mua đồ không sai lần nào. Hồi dì ba cất chòi nhỏ bên kia sông để mót lúa, cần mua gì thì dì ba ghi vào tờ giấy, cho vô túi nylon rồi cột lên cổ con Bích là con bơi giỏi nhất, đưa nó ra sông bảo “về nhà” là chú chó ngoan ngoãn bơi qua sông về nhà. Người nhà hiểu ý, giao đủ “hàng” cho chú chó. Thế là Bích vội vàng xuống bến qua sông về với dì ba.

Mấy con chó của dì ba Mỹ được đặt tên rất vui tai: Cơ, Rô, Chuồn, Bích, Bích La, Xe, Mát Xa…Chiếc xe kéo dì ba “thiết kế” cũng độc đáo không ai có, xe được lắp ráp từ mấy cây tầm vông và vạt tre, cần xé, bánh xe đạp cũ. Sáng sáng dì ba đạp xe đi trước, chúng lẽo dẽo kéo xe theo sau. Chúng rất thích được kéo xe chạy long nhong trên đồng ruộng hay trên đường làng. Có khi chúng hứng chí kéo xe chạy băng băng qua mặt dì ba rồi đứng lại chờ . Cũng có lúc chúng bị mấy con chó trên đường ghẹo chọc tấn công và chúng cũng kiên cường mang cả xe chống trả. Đó cũng là những lúc dì ba mệt nhất. “Hàng hoá” trên xe văng mỗi thứ một nơi. Trái cây thì giập nát, mấy bụi lục bình gãy tơi tả…dì ba phải nhặt nhạnh gom lại rồi vỗ về mấy con chó cưng bình tĩnh tiếp tục lên đường.

Cho đến giờ bầy chó của dì ba vẫn mạnh mẽ kéo xe, hiên ngang rong ruỗi trên những con đường. Những người dân hai bên đường thấy chúng đi qua thường kêu chúng dừng lại và cho nước uống hay cho ăn. Chúng ngoan ngoãn và rất thân thiện với mọi người. Nói là cỗ xe có ba con chó kéo nhưng thật ra chỉ có con đầu đàn là con Xe, đảm nhận. Còn hai con hai bên là con Mat- xa rồi con Bích- la là hai con chó anh em. Con Mát-xa kéo phụ hợ cho con chó cha là con Xe. Còn Bích La chỉ đi theo chơi cho vui. Hình như chúng cũng thích thú khi được đi đó đây nhiều.

Tính ra dì ba Mỹ có hơn mười con chó từng kéo xe phụ cho dì ba. Con nào cũng mập mạnh, có lẽ do vận động thường xuyên. Tưởng kéo xe để phục vụ cho dì ba nhưng thật ra chỉ là theo dì cho vui, vì cái xe thì nhỏ, mấy con chó của dì ba chỉ là chó cỏ, mà dì ba chưa bao giờ cho chúng kéo nặng hơn 50 kg. Mấy con chó của dì ba Mỹ là chó ta nên chúng rất dễ nuôi, có gì ăn nấy. Cả mít cả xoài chín, chuối chín chúng ăn ngon lành. Giống chó dì ba đang nuôi chỉ là chó cỏ, đặc biệt lưỡi con nào cũng có đốm đen, chân có móng đeo, eo thon ngực nở. Dì ba nói giống chó như vậy rất khôn và trung thành. Hai con chó kéo xe ban dầu của dì ba là con Cơ và con Rô, cặp chó nầy đẻ được bốn con chó là Chuồng, Bích, Xe, Tô. Con chó nào cũng đã trải qua vài năm kéo xe, phụ việc cho dì Ba. Con Xe có hai con chó con là con Bích La và con Mát Xa. Bây giờ chỉ có con Xe là đầu đàn cho cỗ xe này.

Dì ba rất thương bầy chó. Hôm con Cơ bơi qua sông đi chợ cho dì, khi quay trở lại, nó bị một nhóm dân nhậu rượt bắt, để làm thịt.Vậy mà con Cơ thoát đựơc về chòi của dì Ba. Thương tích đầy mình, máu lẫn với bùn sông. Không chịu nổi mấy chục gậy của mấy tay bợm nhậu, tối đó con Cơ hộc hộc mấy tiếng rồi chết. Dì Ba buồn lắm.

Nói chuyện với dì Ba, dì vui vẻ cho biết nếu sau này con Xe có già thì con Bích La, con Mát Xa sẽ thay thế để theo dì đi làm mướn cho vui với dì. Hiện dì Ba đang có một bầy chó 5 con khoảng 6 tháng tuổi đủ sức tiếp tục kéo chiếc xe ngộ nghĩnh có lẽ chỉ có một chiếc độc nhất ở Tây Ninh.

Blog Page

Nhãn:

Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2008

THẦY CỦA AI?




Báo Thanh Niên mới đây có bài phỏng vấn tiến sĩ Thích Nhật Từ, Tổng thư ký Ủy ban tổ chức quốc tế Đại lễ Phật đản LHQ 2008 nhan đề “Vesak LHQ 2008, cơ hội truyền bá thông điệp hòa bình!”. Nhà báo phỏng vấn xưng hô với người được phỏng vấn là "thầy" (Ví dụ: Thưa thầy, tại sao gọi là “Vesak LHQ”?). Xin lạm bàn vài ý nhỏ...

Trong thực tiễn tác nghiệp báo chí, phỏng vấn là vừa là phương thức thu thập thông tin vừa là một thể loại. Hoạt động phỏng vấn có đầy đủ các yếu tố cấu trúc của hội thoại và là một loại hội thoại đặc biệt – bởi trong cuộc hội thoại này, các tham thoại trực tiếp (nhà báo phỏng vấn và người được phỏng vấn) đều ý thức về những “tham thoại gián tiếp” dù có thể không nhìn thấy, không gặp (khán giả truyền hình, thính giả phát thanh, độc giả báo in…) và mục đích của ít nhất một bên tham thoại (nhà báo) là nhắm đến việc thông tin cho những “tham thoại gián tiếp” này.

Trong phỏng vấn, ngoài các nhân tố tham thoại trực tiếp, độc/khán/thính giả tuy không hiện diện song vẫn có thể hiểu ngầm là những tham thoại “gián tiếp”. Vì thế, phóng viên và người được phỏng vấn đều phải ý thức được hệ thống những qui ước trong việc giành lời, giữ lời, nhường lời trong hội thoại cũng như việc tôn trọng nguyên tắc hợp tác trong hội thoại hoặc việc khai thác hàm ý hội thoại (trong tương quan với tham thoại gián tiếp). Kết quả của cuộc phỏng vấn không chỉ là kết quả của quá trình giao tiếp giữa phóng viên và (những) người được phỏng vấn mà là quá trình “giao tiếp” qua kênh thông tin đại chúng giữa các tham thoại trực tiếp và các tham thoại gián tiếp. Trong rất nhiều yếu tố tác động đến kết quả này, có một yếu tố không kém phần quan trọng trong giao tiếp: đó là nguyên tắc lịch sự (principle of politeness).

Hoạt động của tham thoại là phóng viên trong phỏng vấn là một hoạt động đòi hỏi những nguyên tắc giao tiếp đặc biệt. Một người phóng viên khi được phân công phỏng vấn một nhà khoa học nhưng do vô tình hay hữu ý, nhà khoa học được mời lại là cha ruột của anh ta chẳng hạn, việc xưng hô trong quá trình phỏng vấn ấy cũng không thể tuân thủ nguyên tắc lịch sự thông thường (Chỉ có thể xưng: “Thưa ông, thưa giáo sư - tiến sĩ v.v…” chứ không thể “Thưa bố, thưa cha…”. Nhưng điều này vẫn không vi phạm các chuẩn mực xã hội theo nguyên tắc lịch sự. Bởi người phóng viên trong tác nghiệp phỏng vấn, họ đại diện cho một cơ quan thông tin đại chúng, câu hỏi của họ là câu hỏi của một cơ quan thông tin đặt ra cho nhà khoa học và điều quan trọng là, họ biết cuộc phỏng vấn đó nhằm đến một đối tượng họ cần tương tác trong giao tiếp: công chúng báo chí. Và giả sử trong số công chúng báo chí tiếp nhận cuộc phỏng vấn đó có người biết mối quan hệ giữa hai tham thoại trực tiếp trong cuộc phỏng vấn, không ai cảm thấy tổn thương, xúc phạm.)

Trong quá trình phỏng vấn báo chí (đặc biệt ở các dạng nội dung thông tấn), nhà báo đại diện cho cơ quan báo chí để trao đổi với người được phỏng vấn. Dù quan hệ ngoài xã hội như thế nào đi nữa, trong cuộc phỏng vấn chính thức, nhà báo cần xác lập tư thế là người thay mặt độc giả, khán giả, thính giả của mình để hỏi. Khi phỏng vấn tiến sĩ Thích Nhật Từ, Tổng thư ký Ủy ban tổ chức quốc tế Đại lễ Phật đản LHQ 2008, vì sao không xưng là “thưa ông” hay “thưa tiến sĩ” mà lại là “thưa thầy”?

Cứ thế này thì phỏng vấn một linh mục thì phải “thưa cha” như quan hệ giáo dân – linh mục trong cộng đồng Thiên Chúa Giáo?

Tiếng Việt vốn phức tạp/phong phú về đại từ nhân xưng. Thực tế hoạt động truyền thông cho thấy khó có thể đưa ra một tiêu chí chung cho sự chọn lựa này. Bởi còn những yếu tố khác chi phối các cuộc phỏng vấn như tính chất của nó chẳng hạn: chất vấn một đối tượng tham nhũng, hoặc tôn vinh một cá nhân có nhiều cống hiến (mô hình chương trình “Người đương thời” của VTV), phỏng vấn một chính khách, phỏng vấn một người nước ngoài có thông dịch, phỏng vấn một bà mẹ Việt Nam anh hùng, phỏng vấn nghệ sĩ lớn tuổi/nhỏ tuổi trong một chương trình văn nghệ v.v…

Vì thế, cảm nhận đúng để chọn lựa đúng cách xưng hô thể hiện bản lĩnh và tay nghề của nhà báo vậy!

Nhãn:

Thứ Tư, 7 tháng 5, 2008

SÀI GÒN, THÀNH PHỐ BÁO




Lịch sử báo chí Việt Nam cho biết rằng Sài Gòn là nơi ra đời tờ báo tiếng Việt đầu tiên, tờ Gia Định báo, vào 1865. Đất Sài Gòn được xem là đất tổ của báo in. Truyền thống mê “tân văn” đã hình thành từ khá lâu trong những người dân Sài Gòn chính hiệu như một nét văn hóa đặc sắc mà khó ở đâu có được...

Đọc báo kiểu… Sài Gòn

Tại một quán hủ tiếu bình dân, đang ngồi ăn sáng, tôi nghe được câu chuyện giữa bà chủ quán và cậu con trai: “Dạo này sao mày đọc báo nhiều tiền vậy? Mười mấy ngàn một ngày lận!”; “Dạ, con mua thêm mấy tờ thể thao nữa, khách họ vô họ cũng coi được mà!”. Thì ra có một cô bán báo lưu động đang chờ để lấy tiền báo hằng ngày nên bà chủ càm ràm cậu con trai như thế. Báo in được bán ở Sài Gòn đủ hình thức.

Rời quán hủ tiếu, bước ra ngã tư đón xe ôm lên quán cà phê đã hẹn với đứa bạn, bác xe ôm đang ngồi chờ khách trên xe cũng say sưa đọc báo. Và đề tài ông bắt đầu trò chuyện với tôi dọc quãng đường cũng là chuyện thời sự, chuyện bóng đá. Vào quán cà phê, liếc các bàn khác đều thấy nhiều người đang đọc báo, đọc vội vã. Ngay lối ra vào của quán cà phê cũng có một giá để các loại báo phục vụ miễn phí cho khách.

Bạn tôi khẳng định rằng hình ảnh các giá báo phục vụ miễn phí này ở Sài Gòn rất bình thường, cứ đến các tiệm hớt tóc, tiệm làm nail, phòng nhổ răng, siêu thị sẽ thấy… Trên xe taxi, nhiều bác tài cũng để báo cho khách đọc mà đó là báo anh ta tự mua để đọc trong lúc chờ khách.

Chợt nhớ, có lần đưa đứa em đi thi đại học, tôi chứng kiến nhiều bậc phụ huynh trong lúc chờ con em mình cũng cầm theo tờ báo, vừa đọc vừa quạt. Trẻ em bán báo ở Sài Gòn rất nhạy cảm với các “sự kiện” đông người. Chỗ nào có hội chợ, có điểm vui chơi, có tụ tập là có người bán báo. Nhiều sự kiện quá “hot”, báo không còn để bán, người Sài Gòn còn biết photocopy thêm để phục vụ nhu cầu bà con. Nhiều sinh viên nghèo xa nhà đã sống đuợc, học được ở đất Sài Gòn hoa lệ bằng nghề đưa báo.

Người người mua báo

Người Sài Gòn mê đọc báo nhưng chẳng lẽ ở các vùng miền khác, người dân ít đọc báo hơn? Có một thực tế có thể thấy, người Hà Nội cũng đọc báo nhiều nhưng do thói quen của một thời bao cấp, người Hà Nội thường đọc báo ở cơ quan, công sở, mà chủ yếu cũng là công chức nhà nước, doanh nhân, người có trình độ văn hóa cao. Giới lao động bình dân không thường xuyên đọc báo. Tình yêu báo chí của người Sài Gòn thể hiện rõ nét từ thói quen mua báo: Từ những người thu nhập thấp như các bác xích lô, thợ hồ cho tới các chị tiểu thương, các gia đình khá giả... đều mua báo hằng ngày.

Người Sài Gòn coi việc móc hầu bao ra mua báo là chuyện hết sức bình thường. Nhưng nhiều vùng miền trên cả nước không có được đặc điểm này. Không có khu phố nào ở Sài Gòn mà không có những hộ dân đặt báo ngày – mà người lớn tuổi quen gọi là "nhựt trình" - mấy chục năm nay. Tờ mờ sáng, cùng với người người đi tập thể dục trên các con phố công viên, đội quân phân phối báo, hàng ngàn người, cũng tỏa vào các con phố nhỏ, ném nhanh những tờ báo mới qua cửa sắt, cánh cổng của nhiều căn hộ... Trên đường đến chỗ làm việc, nhiều người ghé ngay một sạp báo thuận tiện để cầm tờ báo mình thường đọc còn thơm mùi mực in. Hình ảnh người Sài Gòn mê báo có thể thấy trên những chuyến xe buýt, trên sân vận động lúc chờ trận đấu, trong giảng đường đại học giờ giải lao.

Không biết có phải do Sài Gòn là nơi ra đời tờ báo tiếng Việt đầu tiên, tờ Gia Định báo, từ 1865 mà truyền thống mê “tân văn” đã hình thành trong những con người Sài Gòn chính hiệu. Con số thống kê của các cơ quan nghiên cứu truyền thông cho thấy Sài Gòn là mảnh đất của báo in: những tờ báo có số lượng phát hành lớn nhất nước đều có thị phần tại thành phố này trên 70%. Các văn phòng đại diện của nhiều tờ báo Sài Gòn ở thủ đô chẳng hạn, nhiệm vụ lớn của họ không phải là viết báo cho người Hà Nội đọc, giành thị phần ở Hà Nội, mà là viết những chuyện từ Hà Nội mà người Sài Gòn quan tâm.

Sài Gòn, văn hóa báo

Giới nghiên cứu báo chí thường đem cái thành ngữ “văn Bắc, báo Nam” để nói lên thế mạnh viết lách của hai miền. Quả đất Bắc là nơi sinh ra nhiều tài năng văn chương và người Bắc rất yêu văn chương. Và, không thể phủ nhận, đất Sài Gòn, đất Nam bộ là mảnh đất của hoạt động báo chí, thị trường báo chí, của những người làm nghề báo.

Dân Sài Gòn mê đọc báo nhưng không thích bình luận, không quan tâm lắm tới các đề tài “chánh trị” như dân Hà Nội. Người Sài Gòn yêu tin tức, sự kiện. Trong lúc “lai rai” buồi chiều hay cà phê sáng, họ thích kể chuyện, thích lấy sự kiện làm quà trong các cuộc trao đổi. Không phải ngẫu nhiên mà các loại báo thể thao, báo “đi chợ” phát triển ở phía Nam khá mạnh. Sài Gòn nói chung và miền Nam nói riêng có sự phát triển kinh tế thị trường sớm hơn, thực chất hơn so với nhiều vùng miền trong cả nước. Văn hóa đọc báo của người Sài Gòn cũng xuất phát từ chỗ coi trọng thông tin, tin tức trong đời sống hằng ngày. Chưa có công trình nghiên cứu công phu nhưng có thể quan sát về hình thức để kết luận rằng có khá nhiều điều về tính cách người Sài Gòn thể hiện trong phong cách đọc báo, mua báo, chọn báo và cả chuyện làm báo nữa…

Người Sài Gòn đa phần không thích lối viết báo đèm đẹp văn chương, ít tính thông tấn. Họ không quan tâm lắm cây bút nào viết có “văn”, họ chỉ thích bài báo có sự kiện, hoặc bài báo có chính kiến, có bình luận sắc sảo để họ được cùng tham gia trao đổi từ những diễn đàn riêng, cũng như phân tích thông tin để làm ăn kinh tế…

Cái cách mua báo, đọc báo kiểu Sài Gòn đã tác động đến phong cách làm báo ở đây. Có nhiều tờ báo thương hiệu Sài Gòn đã vượt qua biên giới của thành phố Hồ Chí Minh để chinh phục trái tim của người đọc cả nước. Và, không phủ nhận rằng chính phong cách làm báo coi trọng khách hàng (độc giả) từ Sài Gòn đã tác động mạnh đến nhiều cơ quan báo in của cả nước trong nhiều năm qua.

***

Cho nên nếu bây giờ có ai đó hỏi tôi, đặc điểm gì ở đường phố Sài Gòn khác nhiều thành phố phía Bắc, tôi không ngần ngại trả lời: sạp báo. Có lẽ không nơi nào trên mảnh đất chữ S này mà sạp báo nhiều như Sài Gòn.

---------------------
Ảnh: Hoàng Lê Danh Toại
Blog Page

Nhãn:

Thứ Ba, 6 tháng 5, 2008

ẢNH ĐOẠT GIẢI CỦA DƯƠNG QUỐC ĐỊNH

Tại cuộc thi ảnh quốc tế Giuliano Carrara (Italia) lần thứ 7 do Học viện Chionchina of Pistoia và Tập đoàn Sant’Andrea tổ chức, nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Quốc Định (Đồng Nai) đã đoạt giải đặc biệt cùng một số giải thưởng cao khác, vượt qua 3986 ảnh dự thi.

Dương Quốc Định đang chuẩn bị lên đường sang Italia để nhận giải thưởng và dự triển lãm ảnh (khai mạc ngày 11 tháng 5) sau cả tháng trời khổ sở vì thủ tục xuất ngoại. Xín chúc mừng Định và giới thiệu với bạn bè blog chùm ảnh đen trắng đoạt giải của anh.

Tình hình là chuyện “mượn” ảnh trên blog đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” nên tôi đành phải mix chung chùm ảnh vào với độ phân giải thấp và size nhỏ để giữ bản quyền cho tác giả. Vì thế, chất lượng chùm ảnh trong entry này không đạt yêu cầu. Mong các bạn thông cảm!

Image

--------------------

Blog Page

Nhãn:

Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2008

ĐẾN DỰ CÓ ĐỒNG CHÍ LIÊN HIỆP QUỐC

ENTRY TÁI BẢN

Khi sáng tạo chức năng autocorrect cho winword, chắc các tác giả phần mềm này chỉ nghĩ đến những cái lỗi typing thông thường khi đánh tiếng Anh do phản xạ của các đầu ngón tay (kiểu abotu / about, teh / the, hoặc một số ký tự đặc biệt như (c) / © ; (r) / ® ; (tm) / ™ v.v…). Người Việt Nam vận dụng khá nhanh cái vụ sửa lỗi này thành một chức năng tạm gọi là “đánh máy tự động”, nói nôm na là ‘gài phím”.

Có một dạo, anh em phóng viên - biên tập viên Đài PTTH Đồng Nai thường ‘gài phím” vào các máy tính ở cơ quan để viết tin, bài cho nhanh. Nội dung được gài là các từ, các cụm từ có tần suất xuất hiện cao, thường xuyên lặp lại (như tên tỉnh, thành phố và huyện trực thuộc). Bấy giờ, tin lễ tân nhiều lắm, cho nên “đến dự, có (các) đồng chí…” cũng xuất hiện dày đặc trong các bản tin và vì thế tên và chức danh những đồng chí thường đi vào tin cũng được “gài phím” như thế!

Ông Lê Hoàng Quân (hiện nay là Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh) trước đây là Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai. Trong máy tính anh em phóng viên, tên ông lúc đó được gài tắt bằng 3 ký tự “LHQ”.

Chuyện xảy ra khi một biên tập viên tin quốc tế mượn máy tính của một BTV tin trong tỉnh sử dụng. Do vội vã, anh ít quan sát monitor, cứ cúi xuống bàn phím mà đánh máy. Bản tin hôm ấy có mấy từ “Liên hiệp quốc” (vốn thường được nhóm làm tin quốc tế viết tắt là LHQ). Tin gốc có nội dung đại khái là: “Trong buổi họp báo tối 11-1, đại diện Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ sự bất bình trước hành động của Mỹ trong cuộc tấn công Iraq …”

Và bản tin ấy sau khi in ra có nội dung được “auto-correct” là: “Trong buổi họp báo tối 11-1, đại diện đồng chí Lê Hoàng Quân - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai - đã bày tỏ sự bất bình trước hành động của Mỹ trong cuộc tấn công Iraq …”

Bản tin đó được ghi băng sau các quy trình bình thường, nhưng may mắn thay, trong quá trình ghi băng, một anh công nhân thợ điện đang sửa máy trong phòng thu “nghe thấy kỳ kỳ” mới nhắc người kiểm thính: Ủa, sao tin thế giới lại có chú Hai Quân?

Sơ sót trên sóng cuối cùng đã không xảy ra. Không có cuộc họp đổ lỗi lẫn nhau giữa biên tập viên – lãnh đạo duyệt – phát thanh viên – người trực kỹ thuật thu băng v.v… Cũng không có kiểm điểm, treo bút một ai. Nhưng mọi người đều hú vía. Đúng là máy tính nó ngu thật!

Blog Page

Nhãn: