Thứ Tư, 30 tháng 4, 2008

CHUYỆN VĂN, CHUYỆN BÁO

Tuần báo “Văn nghệ” của Hội Nhà văn Việt Nam vừa ra số đặc biệt (số 17 và 18) nhân 30/4/2008.

Điều gây bất ngờ cho tôi là trong ấn phẩm “hoành tráng” như số báo xuân này, còn có một phụ bản 24 trang “Truyện ngắn miền Nam trước năm 1975”. Có 10 tác giả được chọn và giới thiệu (có in ảnh chân dung kèm “lý lịch trích ngang”) là BÌNH NGUYÊN LỘC, MƯỜNG MÁN, THẾ VŨ, HOÀNG NGỌC TUẤN, TRẦN DUY PHIÊN, NGUYỄN HOÀNG THU, VÕ HỒNG, NGUYỄN THỊ THỤY VŨ, CUNG TÍCH BIỀN, NGUYỄN THỊ HOÀNG.

Có vẻ như động tác giới thiệu các tác giả trước 1975 này có ý nghĩa chính trị (nhân chào mừng 33 năm ngày thống nhất) hơn ý nghĩa nghệ thuật. Nhưng dù sao ý tưởng này quả thật cũng đáng trân trọng.

Trong số đặc biệt này còn có bài viết đáng chú ý của nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, bài “Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975”. Họ Vương đã kể khá nhiều chi tiết liên quan đến nhiều nhân vật văn chương của hai miền trong một thời “đầy trắc trở”. Tuy chưa nói ra một cách tường minh, song bài viết của ông cũng cho thấy, dòng văn học miền Nam trong lúc đất nước còn chia cắt đã có tác động tới nhiều văn nghệ sĩ miền Bắc; hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình văn chương ở miền Nam những năm ấy đã có nhiều đóng góp tích cực (góp phần gìn giữ gia tài văn học quá khứ, tiếp nhận các lý thuyết thi pháp mới trên thế giới…)

Cùng với phụ bản giới thiệu 10 truyện ngắn trước 1975, trong số Văn nghệ đặc biệt này còn in truyện ngắn “Lông ngỗng trắng” của Mc Ammond Nguyen Thi Tu và bài phỏng vấn tác giả Việt kiều này cùng với phỏng vấn nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ (có in kèm ảnh chân dung).

Đây là truyện ngắn thứ hai của Mc Ammond Nguyen Thi Tu in trên Văn Nghệ trong năm nay tôi đọc được. Tôi có quen, và cũng khá thân với tác giả này vì chị từng làm báo ở Đồng Nai cùng chúng tôi những năm cuối thập niên 80. Trước khi xuất cảnh sang Canada để đoàn tụ cùng gia đình, khi còn là sinh viên Đại học sư phạm Quy Nhơn, chị đã từng có truyện ngắn in trên “Văn nghệ quân đội” (với bút danh Nguyễn Thị Tư).

33 năm, một quãng thời gian không ngắn cho công cuộc hàn gắn. Động thái này của Ban biên tập tuần báo “Văn nghệ” dường như là nỗ lực (dù còn rất dè dặt) trong việc kết nối dòng văn chương cũng như các sinh hoạt nghệ thuật của người Việt ở hải ngoại “hội nhập” với đời sống văn chương trong nước.

***

Câu chuyện của làng văn làm tôi giật mình nghĩ về làng báo. Lâu nay, các bộ giáo trình “lịch sử báo chí” (cũng như việc giảng dạy môn lịch sử báo chí ở Việt Nam) viết rất sơ sài về báo chí miền Nam trước 1975 và không xem dòng báo chí của người Việt hải ngoại là đối tượng cần nghiên cứu.

Rất nhiều bạn sinh viên báo chí hiện nay hầu như không biết gì (hoặc hiểu một cách hết sức phiến diện) về nền báo chí trước 1975 ở miền Nam và vì thế, càng khó có thể biết những đóng góp quan trọng của nó cho quá trình phát triển báo chí "chủ lưu" trong nước từ sau 30/4/1975 đến nay.

Lại chợt nhớ, thế hệ chúng tôi hồi học phổ thông, không được phép đọc Tự Lực văn đoàn hay Thơ mới (Đến thầy cô giáo dạy văn hồi ấy cũng chưa được đọc mà!). May quá, những cuốn sách của miền Nam in trước 1975 được chúng tôi lén lút chuyền nhau...

Blog Page

Nhãn:

Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2008

“CHẤT XÁM” NGHỀ BÁO TRONG THỊ TRƯỜNG TRUYỀN THÔNG




Trong những năm gần đây, số lượng công ty truyền thông ra đời như nấm mọc sau mưa. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có trên 2000 doanh nghiệp truyền thông làm nhiều chức năng từ PR, event, pano, bảng hiệu, thiết kế web… đến thực hiện các loại hình báo chí. Có doanh nghiệp chuyên sản xuất các trò chơi truyền hình; Có doanh nghiệp thực hiện hẳn một tờ báo (dưới danh nghĩa một cơ quan, đơn vị, hội đoàn); Có doanh nghiệp làm chương trình truyền hình trên sóng Đài quốc gia và ra một tờ báo cùng tên với chương trình đó...

Một thực thể chưa được đặt tên

Việt Nam không có báo chí tư nhân, song, những hình thức xã hội hóa các hoạt động báo chí lâu nay, đặc biệt là xã hội hóa truyền hình, đã cho phép nhiều doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia các hoạt động báo chí dưới nhiều hình thức, mức độ.

Giờ đây, Việt Nam đã quen dần với các khái niệm thị trường lao động, thị trường tiền tệ; thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán. Chúng ta cũng đã nghe đến khái niệm hàng hóa thông tin trong nền kinh tế tri thức. Và khi thương hiệu là một phần không thể thiếu trong đời sống kinh tế hiện nay thì truyền thông nói chung, báo chí nói riêng đang dần đi vào quỹ đạo của một ngành kinh tế đặc biệt.

Vì sao? Thông tin là sản phẩm chủ yếu của truyền thông, báo chí. Loại hàng hóa đặc biệt này vẫn mang trong mình đầy đủ thuộc tính của hàng hóa. Nó được sản xuất bằng những quy trình nhất định, do những con người nhất định và có thể trao đổi, mua bán. Hàng hóa thông tin (thông tin chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá giải trí…) là nhu cầu không thể thiếu của mọi người trong đời sống hiện đại và việc sẵn sàng trả tiền để đáp ứng nhu cầu này là chuyện bình thường như bác xích lô Sài Gòn bỏ tiền ra mua một tờ báo để xem tin tức trong giờ giải lao.

Ở các nước phát triển, công nghiệp truyền thông là ngành kinh tế quan trọng và có doanh thu cực lớn. Tùy thuộc vào thể chế chính trị, việc kiểm soát nền kinh tế truyền thông có thể do nhà nước hay tư nhân, hoặc pha trộn giữa chính phủ và tư nhân. Và, về mặt lý luận, dù chưa định danh, nhưng cũng không ai phủ nhận rằng đã và đang có một nền kinh tế báo chí đang manh nha vận hành ở nước ta.

Hệ thống báo chí Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Tất cả các cơ quan truyền thông đều là cơ quan nhà nước. Nhưng từ 20 năm trước, hình thức liên kết giữa các nhà xuất bản với “đầu nậu” để làm sách, hình thức “bán giấy phép” của nhiều tờ báo địa phương, tờ báo ngành… cho các nhóm tư nhân, doanh nghiệp tư nhân đã diễn ra. Đại đa số cơ quan báo chí được bao cấp hoàn toàn hoặc một phần, nhưng từ lâu nhiều cơ quan báo, đài đã làm các dịch vụ kinh doanh để có nguồn thu. Phim truyện truyền hình, live show truyền hình, trò chơi truyền hình và cả các chương trình nặng tính tuyên truyền như dạng chương trình tin tức, chuyên đề, khoa học – giáo dục, phim tài liệu… đều đã có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp làm truyền thông.

Cũng trên lý thuyết, hiện chúng ta không có một tờ báo trực thuộc một doanh nghiệp (dù đó là doanh nghiệp nhà nước) nhưng trong thực tế, hiện tượng các tập đoàn, các công ty có trong tay những công cụ truyền thông (web tin tức, kênh truyền hình, tờ tin, tờ báo… ) là chuyện không khó chứng minh.

Dù chưa được nhìn nhận chính thức, nhưng trong thực tiễn, kinh tế báo chí đã tồn tại và đã có sự cạnh tranh trong quá trình phát triển đó. Khi vệ tinh Vinasat 1 chưa kịp phóng lên quỹ đạo thì đã có hàng loạt đơn vị truyền thông trực thuộc các tập đoàn “đại gia” đang lặng lẽ ra đời. Các đơn vị này đang xây dựng website thông tin, kênh truyền hình và các sản phẩm tích hợp truyền thông để đón đầu một xu thế. Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ - Tài chính - Truyền thông là 3 chân trong thế chân vạc của những tập đoàn lớn. Có vẻ như nền kinh tế báo chí Việt Nam đã khởi động nhanh hơn nhờ những bước đi năng động này.

Và chuyện “chất xám” nghề báo

Trong thời gian qua, làng báo xôn xao chuyện nơi này, nơi kia mời gọi các nhà báo giỏi, các chuyên viên kỹ thuật phát thanh – truyền hình, kỹ thuật báo mạng giỏi với mức lương hấp dẫn. Tin tức về các gương mặt báo chí tiếng tăm bỏ cơ quan cũ về đầu quân cho các đơn vị truyền thông tư nhân trở thành đề tài cà phê với nhiều nhà báo, cứ như đang có những chiến dịch “săn đầu người” trong làng báo. Mức lương 3000 USD cho giám đốc kênh truyền hình; mức lương 20 triệu đồng cho Thư ký tòa soạn… quả là hấp dẫn với nhiều nhà báo hưởng lương công chức lâu nay.

Thị trường truyền thông – báo chí mới hiện tại đang cần nguồn nhân lực rất lớn. Đã có những cuộc “chia tay” làm đau đầu nhiều nhà quản lý báo chí. Cuộc cạnh tranh nhân lực có lúc, có nơi diễn ra không sòng phẳng giống như bóng đá Việt Nam những năm đầu chuyên nghiệp hóa.

Hằng năm, nước ta có nhiều cơ sở đào tạo báo chí ở cấp đại học, cao đẳng, cho ra trường hàng trăm sinh viên. Nhưng trong số này, có một tỷ lệ rất thấp trụ vững trong nghề báo. Làm báo (báo in, báo nói, báo hình, báo mạng) giỏi lại càng ít hơn. Vì sao? Đại đa số sinh viên trong nhà trường được đào tạo kỹ năng không nhiều và cũng khó có thể phù hợp với yêu cầu của các cơ quan báo chí cụ thể, đó là chưa nói đến sự phát triển quá nhanh của công nghệ làm báo hiện nay mà các trường không cập nhật kịp. Và điều quan trọng số 1: làm báo là nghề cần có những phẩm chất đặc biệt.

Thực tế thống kê cho thấy, số nhà báo được cấp thẻ ở Việt Nam hiện nay có một tỷ lệ khá lớn (hơn 40%) chưa qua các trường đạo tạo báo chí (mà học từ các ngành khác) và điều thú vị là đa số những nhà báo giỏi lại rơi vào “khu vực” này.

Nghề báo cần có năng khiếu, cần có những phẩm chất tư duy đặc biệt, có khả năng sáng tạo, có năng lực tự học, tự rèn luyện liên tục cả về kiến thức xã hội cũng như kỹ năng làm việc. Quá trình làm báo với niềm say mê, với cái tâm trong sáng, với nghị lực rèn luyện, với những thử thách, với sự giúp đỡ của đồng nghiệp… một nhà báo giỏi mới thành nhà báo có uy tín. Nhà báo có uy tín, có tên tuổi tạo nên thương hiệu cho tờ báo, cơ quan báo chí. Trong thị trường báo chí hiện nay, những nhà báo có uy tín luôn nằm trong tầm ngắm của các doanh nghiệp truyền thông, các cơ quan báo chí khác.

Câu chuyện “chảy máu chất xám” trong làng báo hiện nay đang đặt ra cho các cơ quan chủ quản, những người lãnh đạo các cơ quan báo chí những trăn trở. Thực tế có nhiều nhà báo giỏi, rèn luyện nhiều năm trong những môi trường làm báo khắc nghiệt về điều kiện lẫn thu nhập, song họ vẫn “chung thủy” với tờ báo của mình. Nhưng, cũng có không ít những nhà báo giỏi không được trọng dụng, hoặc khi họ đang sung mãn nghiệp vụ thì bị điều làm các công tác không phù hợp. Việc bổ nhiệm Tổng biên tập ở nhiều cơ quan báo chí hiện nay còn chưa hợp lý, do ý chí chủ quan của cấp ủy lãnh đạo nên dẫn đến nhiều bất cập trong bố trí, sắp xếp, giữ chân người tài ở những cơ quan báo chí v.v... Đó là chưa kể đến chuyện thu nhập.

Tất nhiên, cho đến nay, chưa thể nói rằng thị trường báo chí đang “can thiệp” vào chuyện nhân lực của các cơ quan báo chí khi đại đa số nhà báo Việt Nam còn là cán bộ, công chức nhà nước. Nhưng điều đó vẫn có thể xảy ra. Lối tư duy một thời bao cấp ít nhiều còn ảnh hưởng trong cách tổ chức cơ quan báo chí hiện nay ở nhiều đơn vị. Sự cạnh tranh nhân lực trong làng truyền thông – báo chí dù mới khởi động nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề từ hôm nay.

---------------

Ảnh: Làm phim “Nụ hôn thần chết”

Blog Page

Nhãn:

Thứ Năm, 24 tháng 4, 2008

ÔNG TRỜI MÔ?




+ Báo chí mấy hôm nay đưa tin sắp thiếu điện trầm trọng…

- Chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” mà. Mấy năm nay, cứ đến mùa khô thì câu chuyện thiếu điện lại nổi lên. Cắt điện, nhà máy hụt sản lượng, công nhân làm tăng ca, nhân viên văn phòng lang thang ngoài quán nước vì máy tính (và máy lạnh) hổng chạy. Nhưng mà cũng phải tiết kiệm thôi, mình còn lãng phí.

+ Tiết kiệm là chuyện khác. Còn thiếu điện trên diện rộng là chuyện khác. Năm nào thấy cũng triển khai dự án, rồi nhập điện từ Trung Quốc mà thiếu vẫn cứ thiếu là sao?

- Thì phải trách ông Trời!

+ Sao vậy?

- Vì gần 50% điện ở Việt Nam dựa vào thủy điện. Nhưng cứ đến mùa nóng nhất, tiêu thụ điện nhiều nhất, thì các hồ thủy điện lại cạn. Hổng phải lỗi ông Trời sao?

+ Ông Trời làm ra mùa mưa, mùa nắng từ hàng triệu năm nay, sao lại trách ổng?

- Vậy thì phải trách ông Trời dưới đất!

+ Sao vậy?

+ Là mấy ông độc quyền sản xuất, phân phối điện đó. Năm nào thấy dự trù tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện cho các giai đoạn cũng hay, nhưng rồi cũng điều chỉnh lên mà các con số đó chẳng bao giờ đúng cả.

- Thôi ông ơi, điện lực là mặt hàng an ninh chiến lược nên phải được tự cung tự cấp…

+ Vậy tại sao Trung Quốc người ta còn bán điện được, nhiều thành phần kinh tế cùng nhà nước làm ra điện dư dả?

- Họ khác, mình khác! Mà phải nói lỗi là lỗi ở mấy ông Trời!

+ Ông nói sao? Không trách ông Trời thượng giới được, không trách mấy ông Trời dưới đất thì còn ông Trời nào nữa?

- Khách hàng xài điện là Thượng đế. Thượng đế cũng là Trời. Mà tại mấy ông Trời này thì cứ dùng điện ngày càng nhiều, thiếu điện là phải!

+ Điện làm ra để phục vụ sản xuất, dịch vụ, sinh hoạt… Không sản xuất, không sinh hoạt thì xã hội làm sao phát triển?

- Khó quá, vậy biết trách ông Trời nào đây?

----------------

Ảnh: Nhà máy thủy điện Thác Mơ (Bình Phước)

Blog Page

Nhãn:

Thứ Ba, 22 tháng 4, 2008

CHƠI CHỮ

Cách đây hơn một năm, trên Tuổi trẻ, mục thời sự và suy nghĩ, có bài Chạy quota” của tác giả Nguyễn Đông. Bài báo cũng bình thường thôi nhưng mình rất thích cái lối chơi chữ trong câu kết của bài:

“Hối lộ - dường như chỉ hối khi bị lộ - chưa bị lộ người ta chưa chịu hối đâu”

Lúc trà dư tửu hậu với anh bạn là cựu giáo viên dạy văn ở trường Cao đẳng sư phạm Đồng Nai, anh giải thích ngay cho mình biết rằng trong câu đó, có 2 chữ “hối” khác nhau, 2 chữ "lộ" khác nhau.

Chữ “hối” () trong “hối lộ” là đút lót.

Chữ “lộ” () trong “hối lộ” là của cải, của cải đút lót.

“Hối lộ” là từ ghép Hán – Việt theo kiểu đẳng lập, trong đó “hối” là “đút lót cho người” và “lộ” là “của cải”. “Từ điển tiếng Việt”, bản in lần thứ 4 năm 1996 định nghĩa “hối lộ” như sau: “Đưa tiền của cho người có quyền hành để nhờ làm việc có lợi cho mình bằng hành vi lạm dụng chức vụ hoặc làm sai pháp luật”.

Trong câu “dường như chỉ hối khi bị lộ - chưa bị lộ người ta chưa chịu hối đâu” thì chữ “hối” mang nghĩa khác và chữ “lộ” cũng mang nghĩa khác.

Vì trong tiếng Hán, còn có ch “hi” () nghĩa là “tiếc nhng điu li mà mình đã làm”, như “hi hn”

Và trong tiếng Hán, còn có chl” () nghĩa là “phơi bày ra” như “l din”.

Nếu mình phải viết cái câu kết đó như ý của tác giả Nguyễn Đông, chắc mình chỉ có thể diễn đạt như sau: “Kẻ chuyên ăn của đút lót dường như chỉ hối hận khi nào bị lột mặt nạ còn khi chưa phải chường mặt ra trước pháp luật, trước nhân dân thì họ chẳng hề biết đến hai chữ hối hận là gì !”

Chà, dài quá. Tác giả Nguyễn Đông chỉ cần 18 chữ (âm tiết) là đủ mà ai cũng hiểu.

Nhờ cách chơi chữ khá độc đáo (dựa vào tính chất đồng âm, khác nghĩa của những từ Hán – Việt), câu kết trong bài viết trên trở nên dễ hiểu, thú vị, uyển chuyển mà sâu sắc, ý tứ mạnh mẽ đanh thép mà cũng không kém phần ý nhị, văn hoa.

-----------

Chú thích: Mấy cái chữ Hán trên đây mình tra tự điển trên mạng, rồi copy vào để giải quyết khâu… oai chứ Hán Nôm chỉ học lõm bõm mấy chục tiết giờ trả hết chữ cho thầy rồi.

Blog Page

Nhãn:

Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2008

DÔNG DÀI TỪ MẤY BÀI BÁO

Mới đây, báo Thanh Niên có loạt bài “oánh” một công ty khảo sát thị trường truyền thông đã hoạt động ở Việt Nam hơn 10 năm qua, công ty TNS Media Vietnam. Đọc loạt bài, thấy có nhiều chuyện để mình blogging…

TNS (Taylor Nelson Sofres) là nhà nghiên cứu thị trường thuộc hàng top đầu về uy tín trên thế giới. TNS hiện đã có mặt trên 80 quốc gia, doanh thu năm 2007 đạt 1.068 triệu bảng Anh. Slogan của TNS là “Giác quan thứ 6 của doanh nghiệp”. Các bạn có thể đọc thêm thông tin về TNS tại website này http://www.tnsglobal.com

Xin phép dông dài một chút.

Ngay lúc mà các nhà lý luận báo chí Việt Nam chưa dám bàn tới những khái niệm như “kinh tế báo chí”, “thị trường truyền thông” và có người còn cố chứng minh “báo chí không phải/thể là hàng hóa” thì TNS bắt đầu vào Việt Nam hoạt động. Họ không đến Việt Nam với nhiệm vụ “khai sáng” mà do nhu cầu của thị trường. Công việc đo lường khán giả truyền hình ở Việt Nam của TNS khởi động từ năm 1999 từ đơn đặt hàng của một số công ty quảng cáo như Ammirati Puris Lintas; Bates Advertising; Dentsu Young & Rubicam; J Walter Thompson; Leo Burnett / M&T Vietnam; Mai Thanh ; Ogilvy & M…

Lúc bấy giờ, dân làm phát thanh truyền hình Việt Nam thì mù tịt về các chỉ số, các khái niệm của “bọn” tư bản liên quan đến khán/thính giả. Đã có nhiều công trình khảo sát cũng tốn tiền, tốn sức của VOV, VTV và các đài địa phương (do các Vụ, Viện, Ban, trường Đại học thực hiện…) gọi nôm na là các dự án điều tra xã hội học về khán thính giả; nhiều luận văn thạc sĩ, tiến sĩ cũng bỏ công sức miêu tả công chúng phát thanh – truyền hình ở từng vùng, cho từng loại chương trình bằng hàng ngàn phiếu điều tra… nhưng các “thành tựu” này chỉ dừng lại ở chỗ miêu tả chân dung công chúng truyền thông “cắt lát” bằng những định lượng ít có ý nghĩa thực tiễn.

Và thực tế, do tư duy “bao cấp” trong làng báo hình, báo nói còn nặng nề nên việc tìm hiểu “khách hàng” hầu như không được quan tâm (cho đến nay tình hình cũng chẳng sáng sủa hơn). Đã có nhiều lớp học/phần mềm của các dự án quốc tế hỗ trợ cho các đài ở Việt Nam về cách điều tra khán/thính giả nhưng sau khi dự án kết thúc, chữ trả cho thầy, phần mềm chẳng ai sử dụng (vì các “xếp” đài thấy không cần thiết).

Khi quảng cáo truyền hình là mảnh đất béo bở và có sự cạnh tranh giữa một số kênh sóng, dân “nhà đài” mới “ngộ” ra: Lâu nay chuyện quảng cáo của mình thực sự bị chi phối bởi những đại gia nước ngoài và giá cá trên thị trường quảng cáo truyền hình Việt Nam phụ thuộc vào các kết quả đo lường của TNS (lúc đầu là TNS Vietnam; vào cuối năm 2006 là TNS Media Vietnam – đơn vị thành lập mới trên cơ sở tách ra từ đơn vị cũ).

Bấy giờ, TNS bắt đầu chào hàng dịch vụ cho một số “kênh đại gia” trong làng truyền hình.

Có thể nói không võ đoán rằng, TNS có công mang đến cho những người làm quản lý một số đài truyền hình cách nhìn mới, thậm chí là rất mới trong gần một thập niên qua. Có đài truyền hình đã tận dụng khá tốt dữ liệu của TNS để “lập trình” cho nội dung phát sóng. Điển hình của thành công này là Truyền hình Vĩnh Long. Vĩnh Long nhiều năm qua, chỉ với một kênh sóng, nhưng luôn đứng thứ 3 trên cả nước về doanh thu quảng cáo, xếp chiếu trên xa lắc người anh cả C-VTV tại Cần Thơ với 2 kênh sóng và vùng phủ sóng rộng hơn.

Thành công Vĩnh Long làm cho nhiều nhà quản lý các kênh sóng cấp tỉnh tìm đến. Và nhiều đài sau đó đã ký hợp đồng dịch vụ với TNS dù giá rất cao, thậm chí cao hơn nhiều cái giá của C-VTV mà ông Lâm Kiết Tường, giám đốc, đã công khai khi trả lời trên báo Thanh Niên (Các hợp đồng ký với TNS đều có điều khoản về bảo mật thông tin nên các đài đều không rõ giá cả mua dịch vụ của TNS lẫn nhau). Làng truyền hình Việt Nam từ thời có TNS cũng dần dà nhận ra rằng, số liệu đo lường về công chúng truyền thông được xem như cơ sở quan trọng trong việc hoạch địch kế hoạch, chiến lược của đài, mà cụ thể là xây dựng chương trình và có ý nghĩa quan trọng trong việc đàm phán với đối tác quảng cáo. Bởi vì công ty quảng cáo cũng dựa vào số liệu này để xây dựng chiến lược quảng cáo và định giá, thương lượng, quyết định đầu tư quảng cáo hay đánh giá hiệu quả quảng cáo…

Phần mềm Sys-Info của TNS tích hợp các dữ liệu khảo sát khán giả (television audience measurement) và dữ liệu monitoring các kênh sóng truyền hình được để cho ra nhiều chỉ số (các con số này có ý nghĩa thực tiễn). Hệ thống chỉ số đo lường ấy khá phong phú, đa dạng chứ không chỉ là rating (tỷ lệ phần trăm) như nhiều người nghĩ (ví dụ chỉ số GRP, GRP/rating, chi phí/ GRP, loyalty, immigration v.v…)

Xin nói thêm, bên cạnh việc điều tra khán giả, TNS còn kiểm tra các kênh sóng (monitoring). Các nhà quảng cáo rất quan tâm dữ liệu này vì qua việc monitor, họ biết được chương trình quảng cáo có phát sóng đầy đủ, đúng hợp đồng và đúng lịch không – chứ họ không tin cái báo cáo từ các đài). Việc khảo sát khán giả giúp họ phân tích thói quen sử dụng khai thác các kênh truyền hình (habit survey), việc monitor các kênh sóng giúp họ theo dõi chi phí quảng cáo và chương trình phát sóng (doanh thu từng kênh, từng khu vực, từng ngành hàng theo từng thời điểm…).

Việc đo lường khán giả truyền hình tại Việt Nam của TNS Vietnam trước đây cũng như TNS Media Vietnam hiện nay chỉ thực hiện tại 4 thành phố lớn. Đó là Hà Nội (với 315 hộ được khảo sát, tương đương với khoảng 1300 - 1500 khán giả) ; Đà Nẵng (265 hộ); thành phố Hồ Chí Minh (315 hộ) và Cần Thơ (265 hộ). Tại 4 thành phố này, TNS khảo sát liên tục mỗi ngày (kể cả ngày lễ, Tết). Ngoài ra, TNS còn khảo sát (không liên tục) ở 2 thành phố là Hải Phòng và Nha Trang mỗi nơi cũng 265 hộ

Tổng số hộ được TNS khảo sát/đo lường về truyền hình ở Việt Nam là 1160 hộ (với gần 5000 người). Con số này của TNS ở Trung Quốc là khoảng 16.000 hộ cho các kênh truyền hình của TW, của các thành phố, các tỉnh…

Theo thông báo của TNS thì việc chọn mẫu của họ dựa trên cơ cấu dân số, và các hộ được chọn mẫu phải thay đổi khoảng 2% mỗi tuần.

Phương pháp khảo sát chủ yếu của TNS vẫn là ghi nhật ký truyền hình.

Đến nay, TNS đã ký hợp đồng để monitoring cho 28 kênh truyền hình (con số này với báo in là 60) tại Việt Nam. Về khảo sát thì cơ sở dữ liệu của TNS Media Việt Nam đã cập nhật tới hơn 200 kênh truyền hình ở Việt Nam.

Chuyện phương pháp khảo sát thói quen xem đài của khán giả truyền hình Việt Nam mà TNS thực hiện xin được bàn trong một entry khác vì bài này hơi dài.

Ở đây xin được nêu mấy vấn đề liên quan đến các bài báo sau đây:

+ Cách khảo sát thị trường của TNS không chính xác!
+ Ông Lâm Kiết Tường, Giám đốc CVTV: “Chúng tôi nghi ngờ kết quả khảo sát của TNS”
+ Các chuyên gia và cựu nhân viên TNS Media Vietnam nói gì?
+ Bức thư từ Bangkok và những sự thật về TNS (phần trả lời của báo)

1/ Đối tượng của khoa học xã hội là con người, là các cộng đồng, các nhóm xã hội, là xã hội. Nói chung đối tượng nghiên cứu ấy mang trừu tượng, khó định lượng. Với khoa học xã hôi thì không thể có khái niệm “chính xác” về kết quả nghiên cứu dù nó được đưa ra dưới dạng những con số.

Khảo sát, đo lường khán giả truyền hình là chuyện điều tra xã hội học, thống kê. Vấn đề đặt ra từ các cuộc thống kê xã hội là mức độ tin cậy, chứ không phải là chuyện chính xác. Trước cuộc vận động tranh cử giữa Hilary Clinton và Obama ở từng bang cụ thể của nước Mỹ, người ta cũng đưa ra nhiều kết quả thăm dò dư luận. Tất cả đều khác nhau và không ai cho đó là “chính xác” chỉ sau khi bầu. Thực tế cho thấy các kết quả thăm dò có khi khác khá xa với kết quả thực tế.

Báo Thanh Niên không chứng minh được cách đo lường khán giả của TNS Media Vietnam “không chính xác”, “lôm côm” (chữ của báo) như thế nào. Lập luận của báo hơi bị võ đoán và dựa vào ý kiến của 2 ông giám đốc, 2 nhân viên cũ của TNS, 1 vị tiến sĩ.

Ngay trong lập luận của những người được phỏng vấn cũng có khá nhiều chỗ không ổn. Ông Lâm Kiết Tường cho rằng có những chương trình của C-VTV khán giả gọi điện thoại, nhắn tin đến nhiều mà kết quả khảo sát thấp. Điều này không khó giải thích: TNS chỉ khảo sát 265 hộ (theo mẫu dân số của thành phố Cần Thơ cũ – thực chất là quận Ninh Kiều), còn chương trình của C-VTV phủ sóng toàn Nam bộ. Kết quả khảo sát của TNS chỉ ra rằng vào giờ cụ thể nào đó, nếu có 100 người đang coi TV ở quận Ninh Kiều, thì có bao nhiêu người coi C-VTV1, hay HTV9, HTV7, truyền hình Vĩnh Long v.v… TNS khảo sát thị trường truyền thông như một thực thể xã hội biến thiên (vì khảo sát liên tục). Nếu lấy nhận định cảm tính để phủ nhận kết quả khảo sát của họ là chưa sòng phẳng.

Có thể phương pháp điều tra của TNS chưa khoa học, nhưng hiện nay ở Việt Nam, TNS được các nhà quảng cáo tin cậy và họ là đơn vị duy nhất làm công việc đo lường khán giả truyền hình. Nhiều đơn vị khác cũng nhảy vào lĩnh vực này nhưng thất bại chứ không phải “không có lựa chọn khác, các công ty quảng cáo đều phải sử dụng số liệu thống kê của TNS để làm cơ sở đàm phán với các đối tác có nhu cầu quảng cáo” như báo viết.

Vấn đề mà bạn đọc rất muốn biết từ loạt bài là vì sao không thể tin cậy được kết quả khảo sát của TNS và vì sao TNS lại có thể một mình một chợ ở thị trường Việt Nam thì chưa được tác giả làm rõ!

2/ Khi viết trên báo một vấn đề ảnh hưởng tới công việc kinh doanh của đơn vị này, ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu của họ, báo đã không để cho công ty bị mình "oánh" phát biểu ngay từ bài báo đầu tiên. Đó là thái độ không khách quan. Mở ngoặc: Trong lá thư gửi cho báo sau đó, TNS cho biết là “Cả hai công ty TNS Vietnam và TNS Media Vietnam đã hỗ trợ báo Thanh Niên trong việc tìm hiểu về phương pháp khảo sát”

Điều đáng nói là khi phỏng vấn lấy ý kiến về vấn đề này, báo đã chọn những nhân viên cũ, đã nghỉ việc của công ty TNS để ghi phát biểu. Có thể do nguyên tắc của TNS, các nhân viên hiện nay không được phép trả lời báo chí, nhưng việc chọn những người đã nghỉ việc để nói về đơn vị cũ của mình (dù họ nghỉ việc bình thường) cũng không thể khách quan được với những nội dung "nhạy cảm" như vậy.

3/ Phương pháp “People metter” trong đo lường khán giả truyền hình là việc ứng dụng công nghệ “nhật ký điện tử” thay cho giấy bút. Công nghệ này bắt đầu thực hiện trên thế giới vào năm 1998. Ba kênh truyền hình ABC, CBS và NBC là những đài đầu tiên ký hợp đồng với Nielsen - chứ không phải TNS - để thực hiện

Nielsen là nhà nghiên cứu truyền thông đầu tiên thử nghiệm việc đưa thiết bị “people metter” trong việc đo lường khán giả truyền hình (*).

People Meter là một hệ thống gồm (a) một home unit (còn gọi là hộp đen – như một máy vi tính nhỏ có modem), (b) một bộ cảm biến nhận tín hiệu từ remote (c) Một cái remote vừa để cho khán giả chọn kênh TV và phát tín hiệu cho bộ cảm biến. Hệ thống People Meter thu thập dữ liệu bấm remote của khán giả cứ 30-giây một. Dữ liệu này được lưu lại ở hộp đen và cứ 2 ngày một lần, toàn bộ dữ liệu sẽ chuyển về trung tâm.

Về chuyện phương pháp People Meter nếu có thời gian tôi sẽ viết một entry đầy đủ (thông qua các tài liệu tìm được).

Trong khảo sát thống kê, people metter chỉ là một phương pháp ít tốn kém nhân lực nhưng tốn kém đầu tư ban đầu và chưa chắc nó đảm bảo độ tin cậy hơn phương pháp ghi nhật ký. Mỗi phương pháp có thế mạnh riêng. Khi phát biểu trong loạt bài báo nêu trên của Thanh Niên, một vị tiến sĩ tâm lý có nói về công nghệ “gắn chip điện tử ở anten hay dùng vệ tinh để đánh giá kênh truyền hình nào được xem nhiều”. Nghe thông tin này tôi thực sự choáng. Truyền hình ở Việt Nam hiện nay phổ biến vẫn là các kênh analog, không biết loại thiết bị vệ tinh kiểu gì có thể đo được tới tận các hộ dân bắt sóng kênh truyền hình cụ thể để đo lường?

Nếu phải “dọn vườn” cho loạt bài báo, có nhiều chi tiết chưa chính xác, thiếu logic có thể dẫn chứng ra. Nhưng điều đáng nói không nằm ở chỗ đó, mà ở - chỗ - vô tình hay cố ý - cách viết bài bộc lộ sự cảm tính, thiếu sòng phẳng và là chuyện…

4/ Độc giả có quyền nghĩ rằng loạt bài báo "oánh" TNS này có ý đồ PR cho dịch vụ khảo sát thị trường truyền hình sắp tới của HTV, mặc dù có thể tác giả không nghĩ vậy.

Xin trích lại nguyên văn đoạn phỏng vấn ông Huỳnh Văn Nam - giám đốc HTV - của tác giả bài báo:

“Để tình trạng không kéo dài, HTV có biện pháp gì khác ngoài cách mà TNS đã thăm dò?

Sắp tới HTV sẽ thành lập một bộ phận đo lường khán giả riêng của đài đang sử dụng kênh HTVC. HTV sẽ kết hợp cùng Trung tâm đo lường xã hội thuộc Ban Tuyên giáo Thành ủy thiết lập hệ thống đánh giá bằng tổng đài điện tử gọi là people meter. Mỗi máy thu hình khi bật chuyển kênh sang chương trình nào đều được máy tính chủ ghi nhận và sau mỗi ngày sẽ được thống kê và công bố lên báo chí mức độ yêu thích của khán giả qua từng chương trình của HTV. Hệ thống này trị giá cả triệu USD, sẽ vận hành trong năm 2008. Dù đắt nhưng chúng tôi sẽ phải làm để tự đánh giá nội bộ. Những chương trình hay, được khán giả quan tâm sẽ được đầu tư chiều sâu. Còn chương trình nào không đạt yêu cầu phải ngưng thực hiện.”

Ý kiến kết luận, bình luận xin mời các bạn.

--------------------------------

(*) Nielsen began tests in late 1983 in 150 households. Nielsen may have gone on testing a People Meter for years had it not been for the challenge mounted by AGB (Audits of Great Britain). AGB began people meter tests in the U.S. in 1985 in Boston. AGB initially had more than 1,600 homes in its service and planned to increase to 2,000 households in 1987. However, only CBS signed on with AGB. During the 1987-88 season both AGB and Nielsen offered People Meter ratings. Initially, AGB’s ratings showed lower viewing levels for some programs (e.g., for ABC's Monday Night Football AGB reported an 11.9 rating compared to Nielsen's 15.3 rating). Both services showed lower viewing levels for both teens and adults 18-34 than was found with the previous meter/diary service.

AGB discontinued its People Meter service in July, 1988. It was unable to compete with entrenched Nielsen. It was not the first nor would it be the last time that two competing services battled for supremacy in audience measurement. Media organizations clamored for competition, but when they got it, they complained about the cost of maintaining two services. In the end one survived. In this case, it was Nielsen.

Blog Page

Nhãn:

Thứ Ba, 15 tháng 4, 2008

THỜ VỌNG QUỐC TỔ




Sáng nay bật HTV9, thấy lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương tại thành phố Hồ Chí Minh được truyền hình trực tiếp. Chợt nhớ lần đầu tiên mình đến Sài Gòn cách nay hơn 30 năm, điểm tham quan đầu tiên là Thảo Cầm Viên, trong khuôn viên Thảo Cầm Viên, điểm tham quan đầu tiên là đền Hùng.

Những ngày này, đọc báo, thấy nhiều nơi cũng tổ chức trang trọng lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương với nhiều hoạt động văn hóa phong phú như ở Khu du lịch Suối Tiên, trường THPT Hùng Vương (Bình Dương), đền thờ Quốc tổ Hùng Vương tại Biên Hòa, đền thờ Hùng Vương Long Khánh (Đồng Nai)…

Nếu bây giờ bạn thử search trên Google dòng chữ “trường Hùng Vương”, kết quả sẽ là 52.000 trang web có chuỗi ký tự này. Cả nước không biết có bao nhiêu ngôi trường cấp 1, 2, 3 mang tên Hùng Vương nhưng gần như địa phương nào cũng có.

Và nhiều địa phương trong cả nước có đền thờ Hùng Vương. Giới nghiên cứu gọi đây là tục thờ vọng Quốc tổ. Những cư dân các vùng đất phía Nam trong chiến tranh, trong những điều kiện khó khăn về giao thông thời mở đất đã chọn thờ vọng như một sợi dây tâm linh gắn kết cộng đồng dân cư trên vùng đất mới với nguồn cội…

Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương ở Biên Hòa ra đời tuy muộn nhưng sớm trở thành trung tâm văn hóa tâm linh của bà con gốc Bắc di cư trong khu vực Tam Hiệp, Bình Đa, Tân Mai. Ở Đồng Nai, còn có đền thờ Hùng Vương ở Tân Phú, Long Khánh; đền thờ Lạc Long Quân - Âu Cơ ở Thống Nhất…

Những ngôi đền Hùng Vương này cách vùng đất Tổ gần hai nghìn cây số. Nhưng tấm lòng của người dân Việt thì không xa. Mọi người Việt Nam nhìn nhận mình là con cháu vua Hùng. Dù đi đâu, ở đâu, làm gì... tấm lòng người Việt luôn hướng về cội nguồn. Tâm niệm về con Hồng cháu Lạc liền mạch chảy suốt qua bao vùng, miền, bao thế hệ.

Đó là nhân tố tạo nên sức mạnh tinh thần bất diệt, tạo nên truyền thống đoàn kết dân tộc, tình nghĩa đồng bào, và trở thành lực lượng vật chất cực kỳ to lớn…

Nghe nói rằng kiều bào Việt Nam sống ở Pháp, Mỹ, Srilanca cũng lập đền thờ Hùng Vương, có người về nước trang trọng "thỉnh" chân hương ở đền Hùng đất tổ mang sang thờ để không thấy cách biệt với cội nguồn.

Các bạn đi nhiều nơi nếu thấy ở đâu có đền Hùng Vương để thờ vọng Quốc tổ chịu khó comment chia sẻ thông tin...

-----------------------

Ảnh (trên): Trùng tu Đền thờ Hùng Vương ở Biên Hòa trước mùa lễ hội (Kim Tuấn)

Ảnh (dưới): Trang web báo Đồng Nai

Blog Page

Nhãn:

Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2008

TỔ VÀ TÔNG




Có lần đi Phú Thọ, tôi đưa con gái thăm Đền Hùng. Lúc này đã qua mùa lễ hội nhưng băng rôn, khẩu hiệu chưa gỡ hết. Con tôi vừa đi vừa đọc những tấm phướn treo dọc các bậc cấp trong khu đền và bất chợt nó hỏi:

- Ba, “Chim có tổ, Người có tông” là sao ba?

Tôi cũng ngớ ra một tí và vì đang leo dốc cũng mệt nên giải thích đại khái cho con, câu này ý nói chúng ta phải luôn luôn nhớ về nguồn cội, Tổ tiên.

- Nhưng chim có “tổ” thì người có “nhà” chứ ba? Cái “tổ” là chỗ con chim nó ở. Còn con người thì ở trong cái nhà mà…

Tôi hơi choáng khi nghe con hỏi vậy, đành giải thích liều cho con rằng chữ “TỔ” ở đây không phải là nơi con chim ở mà phải hiểu là “tổ tiên” của chim. Chữ “TỔ” là chữ Hán, có nghĩa là ông bà sinh ra mình đó. Con tôi nghe ba đem Hán (dù Hán ba không rộng, thậm chí chẳng có bao nhiêu) ra giải thích thì đành chịu không thắc mắc nữa. Nhưng tôi thì hơi chột dạ. Từ nhỏ mình nghe câu này rồi, thuộc lòng nó rồi và lúc đó chẳng nghĩ ngợi gì. Sao lại có cái cấu trúc như thế nhỉ?

Bạn nào biết giải thích dùm.

Blog Page

Nhãn:

Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2008

VÌ SAO THÀNH PHỐ CHƯA TRỒNG CÂY CAO SU?




(Chuyện nghe kể ở bàn nhậu – Entry tái bản)

Trong một cuộc họp bàn về việc tạo lá phổi xanh cho thành phố trước tình trạng ô nhiễm môi trường, các chuyên gia thảo luận sôi nổi về việc chọn cây gì để trồng cho các con đường vừa tạo bóng mát, tạo màu xanh và vừa có giá trị kinh tế.

Một trong những ý kiến đề xuất được hội nghị nhất trí là nên trồng cây cao su. Cao su thỏa mãn các yêu cầu trên, đặc biệt là giá trị kinh tế khá cao.

Khi những người có trách nhiệm chuẩn bị ra quyết định về việc trồng cao su thì có một lá thư kiến nghị gửi đến đề xuất không nên triển khai.

Nội dung lá thư đó đại khái: lâu nay hình ảnh những hàng me trên các con phố đã ăn sâu trong tâm hồn cư dân đô thị này. Một nhà thơ – nhạc sĩ quá cố đã có câu hát:

Con đường có lá me bay

Chiều chiều ta lại cầm tay nhau về…

Câu hát quá quen thuộc này chắc chắn phải sửa lại cho phù hợp với quyết định trồng cao su, đại khái là:

Con đường có lá CAO SU

Chiều chiều ta lại cầm ..... nhau về…

Tìm cái bộ phận nào để cầm cho hợp lý và hợp vần? Lại phải có một hội nghị nữa. Nhưng chưa có chuyên gia nào nghĩ ra nên đến nay cây cao su vẫn chưa được trồng trong thành phố.

-----------------------------------------------

Ha ha... Đọc cái này em nhớ lại 1 chuyện:

Một buổi đi trên đường Đê La Thành, gió thổi lá xà cừ bay vèo vèo. Em hứng chí đọc:
"Con đường có lá me bay
Cho em được nắm bàn tay..."

Rồi đến đoạn:
"Con đường có lá cao su
Cho em được nắm..."

Thì cô bé em em ngồi sau xe hét toáng lên: "Cái vần U". ^_^

Em lại nghĩ, nếu mà người ta trồng cây Mít hoặc cây Vông thì sao nhỉ?

Tuesday May 15, 2007 - 02:20pm (ICT)

Đó là TỬ VẬN em ơi! Các bác làm thơ chuyên nghiệp còn sợ mà!

Wednesday May 16, 2007 - 10:44am (ICT)

Vẫn có thể trồng Cây CAO SU:
Con đường có lá CAO SU
Chiều chiều ta lại cầm ...DÙ...đi chơi
(Nhớ đến ô dù cho mình lên chức, chiều chiều đi nhậu gọi cho...Ô DÙ...Huuuuúu)

Thursday May 17, 2007 - 12:23am (ICT)

Hay quá!
"Con đường có lá CAO SU
Chiều chiều ta lại cầm ...DÙ...đi chơi"
Cái này chắc nhiều người hổng nghĩ tới được.

Thursday May 17, 2007 - 08:48am (ICT)

Cầm dù thì đạt các yêu cầu về vận luật nhưng thử tưởng tượng, trong thành phố (trời không mưa) có những cặp tình nhân đội ô (không nên nói "đội dù") đi chơi dưới bóng mát cao su... thì cũng hơi giống anh chiến sĩ trong bài hát của nhạc sĩ Hoàng Việt, khi ngang qua khu rừng vắng, tự nhiên "cười một mình", chưa đã, anh "cất tiếng hát vang"!

Thursday May 17, 2007 - 01:20pm (ICT)

Cây CAO SU, cũng có thể lắm chứ!


- Con đường có lá Cao Su
Chiều chiều ta lại chở "U" ta về


("U": Có thể là U60, U40, U30, U21, U20, ... hay U của sắp nhỏ cũng hổng chừng!)

Thursday May 17, 2007 - 04:23pm (ICT)

Hai Miền Đông ơi, nếu "u" mà được hiểu là "u nhà nó", "u sắp nhỏ" (ở miền Bắc) thì vào thơ vào nhạc hơi bị khó. Còn nếu hiểu là U30, U20... hơi bị được!
Rất độc đáo!

Thursday May 17, 2007 - 05:20pm (ICT)

Bác Tú ra đề khó quá. Bác đòi tìm cái BỘ PHẬN nào cho phù hợp. Tôi tra cả ngày thấy được 2 cái, mà nói ra nó ngượng quá! Hay là lấy cái MU - được hiểu là MU BÀN TAY - vì cầm "mu nhau về" xét cho cùng là cầm tay nhau về. Được không ạ?

Friday May 18, 2007 - 11:50am (ICT)

Blog Page

Nhãn:

Thứ Năm, 10 tháng 4, 2008

BÂNG QUƠ

Học phổ thông, giờ còn nhớ được phương trình đường thẳng có dạng tổng quát:
A x + By + C = 0 (A2 + B2 > 0)

Còn các dạng phương trình đường thẳng đi qua 2 điểm A và B, đi qua điểm M có hệ số góc cho trước v.v… không tài nào nhớ nổi.

Phương trình có thể quên nhưng chắc chắn nhiều người không quên điều này:

Đường thẳng là con đường ngắn nhất!

Thầy Thy dạy vật lý năm 12 còn nói vui vui khi vẽ một mạch điện: Điện nó khôn lắm các em ạ. Nó cứ lựa con đường ngắn nhất nó đi thôi.

Đường ngắn nhất tính từ chỗ mình xuất phát tới đích là đường thẳng. Thật đơn giản. Nhưng "điện" dẫu khôn mấy nếu cho cái dây dẫn lòng vòng thì nó lấy đâu ra đường thẳng mà đi cho nhanh, cho đạt tới cái yêu cầu ngắn nhất.

Tôi cũng vậy, đã bao lần quyết tâm đi vào sự thật bằng đường thẳng, chẳng bao giờ tới được nó chứ nói gì tới chuyện biết ngắn hay dài!

Bạn tôi bảo, muốn đến với sự thật, không có đường thẳng đâu, đi vòng đi!

Chà chà!

Nhãn:

Thứ Ba, 8 tháng 4, 2008

TẤM CÁM đời 2008




Nhà kia có hai chị em cùng cha khác mẹ, chị là Tấm, em là Cám. Mẹ Tấm mất sớm, ít năm sau thì cha Tấm cũng qua đời. Tấm ở với dì ghẻ là mẹ Cám.

Một hôm, mẹ Cám đưa cho Tấm và Cám mỗi đứa một cái giỏ sai đi bắt tép, đứa nào bắt được nhiều thì được thưởng cho yếm đỏ. Tấm vốn chăm chỉ lại sợ dì mắng nên chăm chỉ bắt tép, còn Cám do ham chơi nên chẳng bắt được gì. Về nhà, Tấm được thưởng ngay cái yếm. Cám năn nỉ Tấm:

- Chị Tấm ơi, cho em cái yếm đi!

- Bao nhiêu công sức chị mới có được nó mà.

- Ôi chị giữ làm gì! Chị dịu dàng đoan trang như thế làm sao ra đường với cái yếm hở hang vậy được?

- Cái yếm này chỉ mặc trong cái áo tứ thân mà em! Sao gọi là hở hang được!

- Bà đúng là Tấm! Cái yếm bây giờ là thời trang đó bà ơi! Nhưng mà người ta chỉ mặc cái yếm không thôi chứ mặc với áo tứ thân, áo dài thì còn gì là yếm!

- Trời ơi, chẳng lẽ phơi da phơi thịt ra giữa chốn công cộng hả em?

- Đúng bà Tấm lạc hậu thiệt! Bà không thấy áo dây, quần xệ tràn lan khắp công sở, trường học à?

- Bụt ơi! – Tấm thốt lên một mình.

Image

___________________

Tranh minh họa của họa sĩ Nguyễn Quốc Dũng (trưng bày trên net)

Blog Page

Nhãn:

Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2008

RU CON

(Chuyện vui tái bản)

Thằng nhóc 2 tuổi của nhỏ bạn tôi hay quấy. Tối nào cũng khóc dai không chịu ngủ. Cô bạn tôi vốn là dân cán bộ Đoàn và hơi hiện đại nên không biết hát ru kiểu các cụ. Đành phải sử dụng tân nhạc.

- Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước…

Thằng bé vẫn không nín.

- Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng…

Thằng bé chẳng buông tha.

Thôi thì chuyển qua phong cách trữ tình, Mỹ Tâm vậy:

- Ước gì, anh ở đây giờ này…

Thằng bé càng gào to.

Vừa mệt vừa tức, bạn tôi gào lại: “Tao đã ru mày bằng tất cả thể loại mà mày không chịu nín cho. Thôi cho mày nghe Đài vậy!”

Bạn tôi với tay lấy remote. Một kênh truyền hình bạn chọn theo thói quen. Thằng bé bỗng dưng nín bặt.

Và cứ thế, hằng đêm, khi nào thằng bé gào lên là đã có Đài… dỗ nín. Liệu pháp dỗ con này vẫn còn được bạn tôi áp dụng đến nay chưa chuyển giao.

Tin hay không tùy bạn. Còn kênh nào dỗ được thằng bé bạn tôi chưa chịu nói ra. Mà con tôi thì lớn và không có nhu cầu dỗ nên tôi cũng chẳng cần khai thác làm gì

Blog Page

_uacct = "UA-4099493-1"; urchinTracker();

Nhãn:

CHUYỆN NHẶT ĐƯỢC TỪ MỘT CUỘC THI TUYỂN MC




(Entry tái bản)


Thành phố Biên Hòa tổ chức cuộc thi tuyển người dẫn chương trình. Thí sinh X bốc thăm. Đề thi của anh: Giới thiệu đêm nhạc tưởng nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cuộc thi được truyền hình trực tiếp.
Người dẫn chương trình chính thức của đêm thi thông báo kết quả bốc thăm và giới thiệu đôi nét về thí sinh X. Trong bản tự khai về mình, X nói rằng anh rất rành các quán nhậu và quán cà phê ở Biên Hòa.

Hãy xem anh ta đã ứng biến để xử lý dẫn chương trình đêm nhạc có các bài hát và ca sĩ được ban tổ chức giao cho anh ta như thế nào. Dưới đây là phần trình bày của thí sinh X, chỗ nào chữ in nghiêng là tôi viết thêm.

Thưa quý vị! Nói đến Trịnh Công Sơn là nói đến một nhạc sĩ tài hoa, bất hủ. Mọi lời lẽ diễn đạt đều vô nghĩa. Cho nên hãy để giai điệu của Trịnh Công Sơn thay lời dẫn của tôi. Và chúng ta sẽ bắt đầu chương trình ngay sau đây.


(có tiếng nhạc dạo – đèn sân khấu tắt bớt, những ngọn nến (nến giả) bật lên)

+ Thưa quý vị!
Sống trên đời không ăn miếng dồi chó
Chết xuống âm phủ biết có hay không?
Thịt cầy ghé quán Hai Thông
Mắm tôm rất tuyệt, nhậu không muốn về
Rựa mận thì hết chỗ chê!
Chả chìa, dồi nướng không mê được à?
Sau đây bài hát: PHÔI PHA…

(ca sĩ ra trình bày bài Phôi pha)

+ Thưa quý vị!
Đường Năm (mới) ở Biên Hòa
Bia ôm chẳng có, mát – xa chẳng hề
Đặc biệt có quán Đồng Quê
Sau đây: “Một cõi đi về”, đơn ca!

(ca sĩ ra trình bày bài “Một cõi đi về”)

(Có vẻ như anh ta khoái lục bát, vì nó dễ làm, dễ ứng khẩu nhưng 2 bài rồi đều giới thiệu bằng lục bát nên đến bài này anh ta đổi phong cách chăng. Đúng thế, thí sinh X tiến sát xuống hàng ghế khán giả… )

+ Các bạn ơi, ở Biên Hòa các bạn biết quán Phước Ốc không? (chả nghe ai nói gì) Vâng, tất cả các bạn đều biết đến quán Phước Ốc, một quán ăn bán toàn hải sản như nghêu đút lò, ốc hấp, tôm nướng xiên, ốc đỏ, hàu sống, cua, cua rất ngon nhưng hơi bị mắc… Và một khi nói đến hải sản, chúng ta nhớ ngay đến biển. Về sự nhớ đến biển, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có bài hát rất hay (ngưng một chút, hắng giọng) Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về. Vâng, các bạn biết tôi muốn nói đến ca khúc nào không? (đưa mic xuống khán giả nhưng tiếng đồng thanh nhỏ quá, thí sinh nói luôn) Biển nhớ!

(ca sĩ ra trình bày bài “Biển nhớ”)

(Thí sinh tranh thủ thay áo khoác ngoài)

+ Thưa quý vị!
Trời ươm nắng, cho mây hồng
Cho em dẫn chồng ăn lẩu Năm Ri
Bạc tiền nếu khó khăn chi
Đường Năm, em dẫn chồng đi Lẩu Bò
Chồng em lên chức quan to
Nhà hàng Quyết Thắng tha hồ, được không?
Sau đây bài hát “Mưa hồng”…

(ca sĩ ra trình bày bài “Mưa hồng”)

(Đến bài này thì thí sinh không thay áo mà thay kiểu thơ)

+ Thưa quý vị!
Em đi qua chuyến đò
Con trăng đang nằm ngủ
Khi em tìm vui thú
Ghé CÀ PHÊ CỘI NGUỒN
Quán cà phê Cội Nguồn, quán đẹp nhất Biên Hòa, có wifi, có cà phê ngon, có ăn sáng, cơm trưa văn phòng... Vâng nhắc đến cà phê Cội Nguồn, tôi nhớ ngay tới một ca khúc nổi tiếng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, quý vị có biết đó là bài gì không?
Vâng đó là bài Biết đâu nguồn cội. Sau đây mời quý vị cùng thưởng thức…

(ca sĩ ra trình bày bài “Biết đâu nguồn cội”)


+ Thưa quý vị! Những người Đồng Nai chúng ta tự hào về mảnh đất có bề dày 300 năm hình thành và phát triển. Đồng Nai có rất nhiều đặc sản, đặc trưng. Đồng Nai cũng là miền đất công nghiệp năng động với những dịch vụ hoàn hảo, trong đó có dịch vụ ăn uống. Nhắc đến tỉnh này, chúng ta có thể tự hào:
Đồng Nai có bưởi Tân Triều
Có đường quốc lộ với nhiều công an
Em đi chân dấu địa đàng
Em qua Lúa Việt, em sang Cây Dừa
Sau đây bài hát Diễm Xưa


(ca sĩ ra trình bày bài “Diễm xưa”)

+ Thưa quý vị!
Nhìn những mùa thu đi
Vào cà phê Dạ Thủy
Chiều một mình qua phố
Ghé cà phê thằng Bờm
Nhớ mùa thu Hà nội
Kéo nhau về quán Treo
Nối vòng..... (BGK cắt)

(Hình như thí sinh X định liệt kê một loại quán cà phê như Sông Trăng, Trúc Hoa Viên, Ngõ Hạnh, Xí Ngầu… nhưng Ban tổ chức đã thông báo hết giờ)

Thí sinh này sau đó không được vào vòng trong. Lý do thế nào chưa nghe ban giám khảo giải thích.

Nhãn:

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2008

TIẾT KIỆM

+ Hôm giao ban đầu tuần, em thấy xếp nhắc đi nhắc lại chuyện hưởng ứng thông điệp đầy tâm huyết gửi toàn dân của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi triệt để tiết giảm chi tiêu. Dạ, thưa xếp là chúng ta sẽ triển khai tinh thần tiết kiệm này trong toàn ngành như thế nào?

- Văn phòng soạn ngay cho tôi một cái công văn gửi tất cả các bộ phận trực thuộc yêu cầu họ tích cực hưởng ứng!

+ Dạ, cái này thì dễ rồi nhưng mình chỉ đạo cụ thể là phải tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu như thế nào?

- Để coi… Bây giờ tiết kiệm là mệnh lệnh chứ không kêu gọi tự giác nữa. Nhưng mệnh lệnh thì phải chỉ đạo cho chặt chẽ. Muốn chỉ đạo chặt chẽ cần lấy ý kiến từ quần chúng, từ tập thể. Vậy, văn phòng các anh làm công văn chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc triển khai ngay hội nghị lầy ý kiến về các biện pháp tiết kiệm.

+ Như vậy sẽ tổ chức gần 20 cái hội nghị cho từng đơn vị trực thuộc?

- Thì đơn vị nào cũng phải bàn hết. Tôi sẽ dự hết. Phải tổ chức hội nghị thật chất lượng và cố mời cho được báo đài để họ hiểu chúng ta đã hưởng ứng chủ trương của Thủ tướng ra sao. Kết quả của các hội nghị cần được nêu ra tại một hội nghị chung toàn cán bộ chủ chốt và tổng hợp lại rồi tư vấn cho lãnh đạo các biện pháp chỉ đạo cụ thể. Rõ chưa?

+ Dạ. Em làm luôn dự trù kinh phí tổ chức các loại hội nghị lấy ý kiến để anh ký luôn nhé? Dạ, mình sẽ tổ chức ở khách sạn X hay khu nghỉ dưỡng Y như thông lệ, thưa xếp?

- Hội nghị là món ruột của mấy cậu. Khách sạn, khu nghỉ dưỡng nào thì các cậu tự liệu lấy, nhưng nhớ lần này làm phải trên tinh thần tiết kiệm đấy nhé!


Nhãn:

Thứ Ba, 1 tháng 4, 2008

CẢ NHÀ LÀM VÈ




Một bữa đi học về, Ruốc hứng chí: Con đọc thơ cho ba mẹ nghe nha. Và Ruốc cất lên đọc thật nhanh bài “Kể cho bé nghe” của Trần Đăng Khoa…

Hay nói ầm ĩ / Là con vịt bầu / Hay hỏi đâu đâu / Là con chó vện / Hay chăng dây điện / Là con nhện con / Ăn no quay tròn / Là cối xay lúa…

Sau khi mọi người vỗ tay hoan hô, ba Tú hứng chí đọc mấy câu nhại kiểu đồng dao như thế để ghẹo Ruốc:

Hay hỏi thật ngố

Là Phan An Pha

Suốt ngày bị la

Là Phan Văn Ruốc

Cả nhà cười ầm lên. Ruốc đỏ mặt xấu hổ nhưng có vẻ như cậu sực nhớ lại cái câu mẹ Huyền hay mắng ba: “Anh hút thuốc suốt ngày!”, Ruốc phản pháo lại ba:

Suốt ngày hút thuốc

Là Phan Văn… “ba”

Ba Tú mẹ Huyền một phen cười vỡ bụng. Mẹ Huyền bèn thêm vào:

Đi nhậu sa đà

Là Phan Văn Tú

Đến phiên Tép lên tiếng bênh vực cho ba (con gái thường thích ba mà!) bằng cách chọc mẹ:

Suốt ngày mập ú

Là Cù Thị… “mẹ”

Câu này có ý, nhưng chưa đạt, ba Tú tranh thủ biên tập ngay:

Trong nhà mập ú

Là mẹ Cù Huyền

Mẹ Huyền “phản pháo”:

Suốt ngày huyên thuyên

Là Phan Thị Tép

Ba Tú ủng hộ Tép nên thêm một câu có màu sắc tích cực vào:

Vở sạch chữ đẹp

Là Phan Sao Khuê

Mẹ Huyền đồng ý với nội dung này nhưng cho rằng không phù hợp với không khí chung toàn bài. Thế là tranh luận và bài đồng dao bị đứt nửa chừng. Nhưng Tép thì nhanh chóng thuộc lòng toàn văn:

Hay hỏi thật ngố

Là Phan An Pha

Suốt ngày bị la

Là Phan Văn Ruốc

Suốt ngày hút thuốc

Là Phan Văn… “ba”

Đi nhậu sa đà

Là Phan Văn Tú

Trong nhà mập ú

Là mẹ Cù Huyền

Suốt ngày huyên thuyên

Là Phan Thị Tép

Vở sạch chữ đẹp

Là Phan Sao Khuê

Blog Page

Nhãn: