Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2008

CHÀNG PHÙ ĐỔNG TRONG LÀNG BÁO




Từ tháng 9, Đất Việt online đột ngột khởi sắc (theo đo lường của alexa.com)

Ngay sau khi Việt Nam kết nối Internet quốc tế cuối 1997, tờ báo đầu tiên xuất hiện trên mạng thông tin toàn cầu là tạp chí Quê hương, tạp chí của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài. Từ điểm mốc này, 11 năm qua, báo chí phát hành trên mạng ở Việt Nam đã có sự phát triển như vũ bão về quy mô và phương thức hoạt động.

11 năm chưa phải là chặng đường dài so với lịch sử của các loại hình báo ra đời trước, song tốc độ phát triển của báo trực tuyến ở Việt Nam quá nhanh. Có người cho rằng, sự phát triển đó còn thử thách khả năng dự báo của những nhà quản lý, hoạch định chính sách.

Từ “tư duy giấy mực” đến “tư duy siêu văn bản”

Theo thống kê, hiện Việt Nam có trên 50 báo trực tuyến. Phần lớn các tờ báo in của các ngành, đoàn thể, địa phương, một số Đài phát thanh, Đài truyền hình trong nước đều có “trang tin điện tử” (chữ dùng trong các văn bản pháp quy). Số lượng báo trực tuyến Việt Nam có thứ hạng cao chưa nhiều, nhưng điều đáng nói là trong hệ thống báo chí trực tuyến Việt Nam, đã có những tên tuổi thành công về thu hút người sử dụng, sánh ngang với nhiều website báo chí lớn trên thế giới.

Gần 10 năm trước, những “tờ báo” trực tuyến đầu tiên “lên” mạng ở Việt Nam còn rất đơn giản và thô sơ. Nhân dân điện tử, Website Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Lao động điện tử v.v… buổi đầu chỉ có những thông tin “chết”, cập nhật rất trễ, rất ít và nội dung chủ yếu lấy từ một phần trong nội dung thông tin của báo “chủ quản”. Ngoài ra, những website đó thường xây dựng một số module dữ liệu tĩnh (như ca nhạc Việt Nam, nhạc không lời Việt Nam, lịch sử Việt Nam, danh lam thắng cảnh Việt Nam, nhân vật lịch sử Việt Nam v.v…) cho công chúng truy cập, khai thác như một thư viện online.

Bước ngoặt của báo trực tuyến ở Việt Nam đã được đánh dấu bằng sự ra đời của VnExpress (VNE) cách đây hơn 7 năm, ngày 26/2/2001. Sau VNE là cuộc trình diễn của VietnamNet và một số báo trực tuyến của các tờ báo in phía Nam, tạo ra một diện mạo mới cho làng báo chí online Việt Nam. Gọi bước ngoặt không phải vì VNE là báo trực tuyến đầu tiên độc lập hoàn toàn với một cơ quan báo chí truyền thống như các báo xuất hiện trước nó mà vì đây là báo online đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu vào việc xuất bản, tận dụng nhiều đặc trưng của báo trực tuyến, mở ra tư duy mới về cách làm báo trong môi trường internet ở Việt Nam.

Phương thức làm báo của VNE nhanh chóng được giới báo chí đón nhận và tờ báo này từ con số không ban đầu, trở thành một hiện tượng trong làng báo Việt Nam. VNE khi mới ra đời chỉ đơn thuần làm công tác chọn lọc, biên tập rồi chuyển tải những thông tin của báo viết, báo hình, báo nói lên mạng Internet. Các biên tập viên của VNE bấy giờ chỉ làm một công việc là đọc, chọn lựa các bài trên báo viết, báo hình, báo nói để cập nhật. Đến cuối 2002, VNE và nhiều tòa soạn báo trực tuyến đã có phóng viên tác nghiệp độc lập, đã thực hiện được các hình thức phỏng vấn – tường thuật trực tuyến. Và những năm gần đây, VNE luôn giữ vị trí đầu bảng trong làng báo online Việt Nam.

Từ năm 2003, nhiều báo trực tuyến Việt Nam bắt đầu thay đổi giao diện (do việc thay đổi phần mềm xuất bản) và đa dạng hóa nội dung thông tin, cập nhập theo hướng chuyên nghiệp. Đây là giai đoạn khởi đầu cho quá trình lột xác từ “tư duy giấy mực” sang “tư duy siêu văn bản”.

Cuộc ra quân rầm rộ

Các tờ báo trực tuyến ra đời sau giai đoạn này cũng nhanh chóng tiếp thu thành quả của giai đoạn “tổng diễn tập” trước đó. Tiêu biểu cho sự phát triển rực rỡ của báo trực tuyến giai đoạn sau là những cái tên giờ đã thành quen thuộc với công chúng Internet Việt Nam: Tuổi trẻ online (ra đời ngày 1.12.2003) và Thanh niên online (ra đời ngày 23.11.2004).

Từ năm 2002 đến nay, báo chí trực tuyến Việt Nam đều nỗ lực tận dụng ưu thế trực tuyến mà đi đầu là VNExpress và tờ Vasc Orient - tiền thân của Vietnamnet. Các đơn vị tiên phong này đã góp phần kéo theo sự thay đổi ở các “báo điện tử” cũ về cung cách làm báo. Và hiện nay, hầu hết những toà soạn báo in truyền thống đã nhận rõ tầm quan trọng và vị trí của báo trực tuyến để lần lượt trình làng “người anh em online” của mình trên mạng với phong cách rất riêng khác hẳn với ấn phẩm báo giấy đang có. Những bài báo ra đời với tốc độ internet mang đậm sự mới mẻ, sinh động đã thu hút ngày càng đông công chúng truyền thông. Báo trực tuyến cũng trở thành một công cụ tiếp thị hiệu quả cho nhiều báo in tương ứng. Dưới manchette hoặc trên trang nhất của nhiều tờ báo hiện nay thường ghi địa chỉ website của báo trực tuyến. Nhiều tờ báo in sau khi phát hành “bản trực tuyến” đã thu hút được số lượng độc giả gấp nhiều lần so với báo in.

Dung lượng thông tin của các báo trực tuyến ở Việt Nam ngày càng phong phú, số lượng trang mục liên tục mở ra, giao diện liên tục thay đổi cho phù hợp. Các phiên bản ngoại ngữ của nhiều tờ báo cũng liên tục ra đời, góp phần đưa hình ảnh Việt Nam cũng như báo chí Việt Nam ra thế giới.

11 năm, báo chí trực tuyến ở Việt Nam đã hình thành được một lớp công chúng báo chí mới: trẻ trung hơn và có trình độ học vấn cao hơn. Số liệu khảo sát cho thấy đối tượng của các báo trực tuyến Việt Nam hiện nay chủ yếu từ 18 đến 40 tuổi (chiếm đến 80,6%), trên một nửa số người đọc/nghe/xem báo online Việt Nam là những người ở ngoài nước. Báo online Việt đã góp phần rất lớn trong việc đưa “tiếng nói Việt Nam” đến với các cộng đồng cư Việt trên toàn cầu, góp phần tiếp thị hình ảnh Việt Nam. Đây là một thành công lớn nếu so với nỗ lực của phát thanh – truyền hình và báo in Việt Nam nhiều năm qua.

***

Cho đến hôm nay, những nhà nghiên cứu đã có thể nói về một loại hình báo chí tuy mới ra đời nhưng đã tỏ rõ sự lớn mạnh nhờ Internet: báo trực tuyến. So với báo in và báo nói và báo hình, báo trực tuyến là những đứa trẻ sơ sinh nhưng với hàng trăm triệu lượt người sử dụng thường xuyên hằng ngày, báo trực tuyến có quyền tự hào về vị trí của mình trong đời sống báo chí Việt Nam đương đại. Sự phát triển của báo chí trực tuyến đã có tác động, ảnh hưởng đến đời sống báo chí Việt Nam, tạo ra xu thế tích hợp các loại hình truyền thông, chi phối phương thức hoạt động của nhiều loại hình báo chí truyền thống.

Nhãn:

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2008

KHI CÁ LÀM MASSAGE




Ở Hà Nội vừa có một dịch vụ massage đặc biệt: “Nhân viên” massage là… cá. Thông tin này dẫn từ báo Đất Việt và báo Sài Gòn Tiếp Thị. Theo các bài báo, thì cá “bác sĩ” nhập từ Thổ Nhĩ Kỳ, sống được trong môi trường nước có nhiệt độ từ 27 - 35 độ C. Loại cá này giống cá săn sắt nhưng nhỏ hơn, trên mình có vẩy ráp và nhiều vằn đen. Món ăn khoái khẩu của chúng là… da người.

Với giá vé cho một lần 350.000 đồng, khách hàng sẽ được hàng nghìn con cá nhỏ hăng hái cắn, rứt, rỉa trên cơ thể. Cá “bác sĩ” tẩy sạch các tế bào chết trên da của khách. Đồn rằng massage cá mang lại cho khách cảm giác thư giãn, giảm stress.

Cá rỉa các tế bào chết, lớp sừng khô bên ngoài da, tác động lên các dây thần kinh cảm giác ngay dưới da. Nhưng do diện tích bể hẹp, lại tắm chung đông người nên theo các nhà chuyên môn, massage cá có nguy cơ lây nhiễm các bệnh ngoài da như nấm, lang ben, hắc lào…, nếu người tắm có bệnh. Ngoài ra, do môi trường nước có cả thức ăn và chất thải của cá nên những người có cơ địa dị ứng, quá mẫn cảm có thể bị viêm da hoặc đau mắt.

Các cơ quan chức năng thì chưa thể quản lý loại hình này vì "massage cá" không có trong danh mục!

***

Cá làm massage, rắn cũng làm massage. Liệu mai mốt có thêm massage gà vịt chó mèo gì chăng?

Ảnh minh họa: Đức Long

Nhãn:

Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2008

Tiếng kêu khẩn thiết của một người cha




Người cha ấy tên là Phan Chín, hiện sinh sống tại P.Hòa Hương, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Anh từng cùng chúng tôi tham gia những chuyến công tác từ thiện giúp người nghèo và trẻ em bất hạnh. Nhưng nào ngờ, nỗi bất hạnh lại ập xuống gia đình anh! Cháu Nấm, tên ở nhà của Gia Bảo, con trai anh, đang có nguy cơ phải khoét bỏ con mắt còn lại.

Trước nỗi đau quá lớn, anh khẩn thiết gửi đến chúng tôi lá thư cầu mong được những tấm lòng vàng giúp đỡ. Xin trích từ nguyên văn:

“...Đầu tháng giêng năm 2005, vợ chồng tôi sinh được một cháu trai kháu khỉnh, đặt tên cho cháu là Gia Bảo, với biết bao kỳ vọng, gửi gắm và mơ ước. Thế nhưng, chỉ 6 tháng sau khi cháu chào đời, chúng tôi tình cờ phát hiện trong mắt trái của cháu có dấu hiệu không bình thường, liền đưa đi bệnh viện chuyên khoa để khám. Qua xét nghiệm và siêu âm, Bệnh viện (BV) Mắt Đà Nẵng chẩn đoán cháu bị u nguyên bào võng mạc (ung thư mắt bẩm sinh), cho chuyển vào BV Mắt TP.HCM để chữa trị. Tại đây, các bác sĩ đã đưa ra chẩn đoán tương tự, đồng thời kết luận khối u đã xâm lấn đến võng mạc mắt, nên phải áp dụng phương pháp điều trị là khoét bỏ toàn bộ nhãn cầu mắt trái. Sau đó, cháu được chuyển đến BV Ung Bướu TP.HCM để điều trị bằng hóa trị liệu trong thời gian 8 tháng.

Sau khi xuất viện (tháng 3.2006) trở về, tình trạng sức khỏe của cháu rất tốt: ăn nhiều, thông minh, lanh lợi, thể trạng phát triển cực kỳ tốt, không đau ốm lặt vặt. Các đợt kiểm tra định kỳ 3 tháng 1 lần cũng không phát hiện bất cứ biểu hiện bất thường nào. Nhưng vào giữa tháng 11.2008, thị lực cháu có dấu hiệu suy giảm, chúng tôi đã đưa cháu đi khám và nhận được kết quả rất tồi tệ: mắt còn lại của cháu (mắt phải) cũng đã bị ung thư. Các bác sĩ BV Mắt TP.HCM - nơi cháu đã điều trị trước đây, cho biết chỉ có giải pháp điều trị duy nhất là cắt bỏ luôn mắt phải. Ý kiến này khiến vợ chồng tôi rất hoang mang, đau đớn, nên cố van nài các bác sĩ áp dụng phương pháp khác nhằm giữ con mắt còn lại cho cháu, song không được chấp nhận.

Do vậy, chúng tôi đã đưa cháu đến BV Ung Bướu TP.HCM, xin được điều trị bằng hóa trị liệu thay vì khoét bỏ mắt. BV này đã đồng ý tiếp nhận, cho làm các xét nghiệm cần thiết rồi trưng cầu chụp CT Scaner tại BV Chợ Rẫy. Trong lần chụp CT Scaner vào ngày 13.11.2008, BV Chợ Rẫy kết luận như sau: "Bất thường đậm độ võng mạc phải; bắt quang sau khi tiêm cản quang=> viêm hoặc u...".

Trước tình cảnh này, tôi đã thử tìm kiếm trên mạng internet và biết được rằng, có một BV tại Úc và một BV tại Hoa Kỳ có biện pháp điều trị ưu việt hơn - tức chữa ung thư mắt nhưng vẫn không khoét bỏ mắt bệnh. Thông tin này tạo cho tôi nhiều hy vọng, nhưng nghĩ lại thì biết rằng việc đưa con ra nước ngoài chữa bệnh là ngoài tầm tay, là vượt quá khả năng tài chính của vợ chồng công chức chúng tôi. Vì lẽ đó, tôi viết thư này tha thiết kêu gọi các giáo sư, bác sĩ y khoa, các nhà hảo tâm, thiện nguyện xin hãy giúp đỡ cho vợ chồng tôi hầu có phương thuốc nào khác có thể chữa được bệnh của con tôi mà không phải cắt bỏ con mắt còn lại? Tha thiết mong mọi người hãy giúp đỡ cho vợ chồng tôi về thông tin, về tài chính và cho chúng tôi những lời khuyên chân tình nhất”.

Với bài viết này, chúng tôi mong mỏi bạn đọc bên cạnh những tư vấn y khoa giúp anh Phan Chín, xin mở rộng vòng tay giúp đỡ cháu Nấm không phải khoét bỏ con mắt còn lại.

Xin vui lòng liên lạc với tòa soạn Báo Thanh Niên hoặc anh Phan Chín qua địa chỉ: Phan Chín, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam. ĐT: 0935.418081 hoặc e-mail: phanchianh@gmail.com.

Đặng Ngọc Khoa

Cám ơn báo Thanh Niên, nhà báo Đặng Ngọc Khoa!

Số tài khoản của Phan Chín :

0651000355901 – Ngân hàng ngoại thương Việt Nam, chi nhánh Quảng Nam

Nhãn:

Thứ Ba, 18 tháng 11, 2008

NGƯỢC




+ Đi nhậu không, tớ vừa thắng một chầu cá cược bóng đá!

- Ông có rành đá banh đâu mà thắng độ?

+ Báo chí dự đoán đội này sẽ thắng, tớ bắt ngược lại.

- Nhưng mà hôm nay có bão, không về coi lại nhà cửa mà nhậu nhẹt gì cha!

+ Ông lại nghe theo báo rồi! Chưa đầy tháng nay, các bản tin dự báo thời tiết trật lất: dự báo mưa sai, dự báo đường đi của bão số 9 cũng sai gây thiệt hại và lo lắng. Bản tin đêm 30/10, khu vực Hà Nội được dự báo ít mây, có mưa rào nhẹ và dông nhiều nơi… Nhưng “mưa rào nhẹ” thành “đại hồng thủy” lượng mưa có nơi tới 988 mm, nhấn chìm Hà Nội và nhiều tỉnh. Mới đây, họ nói bão số 10 sẽ càn quét từ Ninh Thuận đến Cà Mau nhưng bão lại vào Khánh Hòa, Phú Yên và suy yếu ngay!

- Đó là tin của khí tượng thủy văn. Mà ông xếp ngành này cũng thừa nhận là không thể dự báo chính xác được! Văn minh như Nhật Bổn mà có đoán sóng thần cũng sai hoài!

+ Họ dự báo sai thì tốn tiền, tốn sức phòng tránh nhưng có sóng thần thiệt thì họ dự báo được. Dự báo thời tiết có phải để cá độ đâu. Ông không thấy có 97 người thiệt mạng và mất tích vì một trận mưa không được dự báo được à?

- Thông cảm, Việt Nam mình máy móc chưa hiện đại.

+ Nghe nói Nhà nước đổ vào biết bao nhiêu tiền cho chuyện dự báo này!

- Nhưng có thiết bị cũng chờ có con người sử dụng nữa chứ!

+ Thì vậy. Cho nên tốt nhất là đoán ngược như tớ độ đá banh cho chắc!

---------------------------------

Ảnh: Tàu thuyền tránh bão hụt thế này cũng thiệt hại cho ngư dân! (ảnh của Lê Hưng)

Nhãn:

Thứ Hai, 17 tháng 11, 2008

“THẰNG” ALEXA, SAO MÀY ĐO KỲ THẾ?




Tạp chí Người làm báo của Hội Nhà báo Việt Nam số tháng 11/2008 có bài phỏng vấn PGS, TS. Đào Duy Quát, Tổng biên tập báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Đọc bài phỏng vấn này, mình chú ý cái chi tiết: Lượng truy cập bình quân của báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay là 1,5 – 2 triệu lượt/ngày.

Vào Alexa đo thử, thấy thế này:

Hôm nay, 17.11, Alexa xếp website Đảng Cộng sản Việt Nam ở vị trí 100.144 trên thế giới.

Con số này với VNExpress là 186, VietnamNet là 715, Tuổi Trẻ online là 875, Đất Việt online là 79.173

Xét lượng truy cập từ các địa chỉ ở Việt Nam, Alexa xếp hạng của website Đảng Cộng sản Việt Nam ở vị trí 661.

Con số này với VNExpress là 4, VietnamNet là 9, Tuổi Trẻ online là 10, Đất Việt online là 447

Việc xếp hạng của ALEXA không phải là tiêu chí duy nhất và tốt nhất để đánh giá một website cũng như một tờ báo trực tuyến nhưng hiện nay, đó cũng là một công cụ thống kê miễn phí được nhiều người – kể cả các doanh nghiệp quảng cáo – tham khảo.

Nhưng có một chi tiết tôi cứ thắc mắc là tại sao, báo Đất Việt online (ĐVO) hiện nay chỉ đạt lượng truy cập bình quân 1 triệu lượt/tháng * (so với website www.cpv.org.vn do PGS, TS. Đào Duy Quát làm Tổng biên tập thì kém xa) mà Alexa lại xếp ĐVO đứng trên hè?

* Số đo lượng truy cập của báo Đất Việt online do bà Vũ Ngọc Dung, Tổng biên tập báo, cung cấp khi trả lời phỏng vấn của tờ Nghề báo tháng 11/2008 (Nghề báo là tạp chí của Hội Nhà báo TPHCM)

Nhãn:

Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2008

VIRUS QUAN LIÊU

Mình đọc ở đâu đó có cái thuật ngữ “Bureaucratic virus” (tạm dịch là virus quan liêu). Hình như thuật ngữ này xuất phát từ nghiên cứu của một vị giáo sư khả kính nào đó người nước ngoài mà mình quên tên. Khi tìm hiểu quy luật phát triển của nhiều công ty, doanh nghiệp lớn trên thế giới, vị giáo sư này kết luận rằng, các đơn vị kinh tế này thường vướng phải sai lầm do “Bureaucratic virus”.

Không chỉ trong trường hợp “tân quan, tân chính sách”, mà ngay cả khi cơ quan không thay đổi lãnh đạo, nếu người quản lý liên tục đưa ra nhiều quy định mới, khái niệm mới… quy trình sản xuất cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Những yêu cầu quản lý mới nếu là mục tiêu “lớn hơn” yêu cầu về quy trình sản xuất, thì có khi quy trình sản xuất trở thành yếu tố phục vụ cho ý tưởng quản lý mới, mục đích quản lý mới chứ không thực sự tạo hiệu quả (thời gian, chất lượng…).

Thường đây là những điều cản trở lớn cho mối quan hệ giữa nhà lãnh đạo các nhà quản lý trung gian và nhân viên. Có khi, nó là tác nhân gây mất động lực, mệt mỏi, thậm chí mất đoàn kết.

***

Hôm nay, chat với một bạn trẻ về câu chuyện ở một cơ quan, tự nhiên muốn nhảm một chút, cho blog bớt nguội. Hihihi..

Nhãn:

Thứ Ba, 11 tháng 11, 2008

NGƯỜI NHẬT VÀ VĂN HÓA TOILET




Với người Nhật Bản, nhà vệ sinh (toilet) còn là một nét văn hóa với những quan niệm, phong tục khá thú vị.

Cách đây khoảng 20 năm, người Nhật gọi toilet là công trình phụ, được xây dựng tách rời với nhà tắm cho… sạch sẽ. Giờ đây, họ đã coi văn hóa toilet là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần.

Quan niệm về toilet

Ông Koo Ue, phát ngôn viên của Hiệp hội Nhà vệ sinh Nhật Bản nói: “Văn hóa toilet thể hiện sự tôn trọng con người, tôn trọng quyền con người và đặc biệt coi toilet là một thứ tối quan trọng phục vụ cho cuộc sống. Nhìn vào toilet, người ta có thể thấy ngay được cung cách, nề nếp sinh hoạt, thẩm mỹ, tính cách… của cả một dân tộc, hoặc chí ít của chủ nhân nó”. Ông Koo cho biết, người Nhật tổ chức kỷ niệm “Ngày toilet Nhật Bản” vào ngày 10.11 hàng năm.

Một người Nhật cho hay: “Vào ngày tết, chúng tôi có có tục không chỉ quét sàn toilet, mà phải lau chùi thật sạch. Hơn nữa, phải lau với một thái độ tích cực thì mới rước được Nữ thần may mắn”.

Quan niệm này xuất phát từ truyền thống rằng, nữ thần may mắn nấp trong các bồn cầu. Nếu chủ nhà không giữ gìn sạch toilet trong năm mới, thì nữ thần sẽ bỏ đi. Với lại, nếu người nào muốn trúng số, lấy được người mình yêu, hay sinh con như ý muốn … tất cả tùy thuộc vào thái độ tích cực hay không trong việc lau chùi toilet.

Công nghệ toilet – Cuộc cạnh tranh khốc liệt

Cuộc chiến về toilet Nhật Bản bắt đầu, khi các kỹ sư của Hãng Matsushita Electric Industrial trình làng một loại xí bệt, gắn thiết bị phát ra một dòng điện từ nhẹ qua bồn cầu, để đo tỷ lệ mỡ trong cơ thể.

Không thua kém, ngay lập tức đối thủ Inax đưa ra một loại bồn cầu phát sáng trong bóng tối, có nắp đậy phát ra tiếng vo vo, khi bộ cảm biến hồng ngoại nhận ra cơ thể người. Loại bồn cầu này có thể chơi một trong 6 bản nhạc với tiếng chim hót líu lo, tiếng hòa âm của gió đến tiếng bập bùng của đàn hạc, một loại nhạc cụ truyền thống của Nhật Bản.

Trưởng phòng marketing của Hãng Inax là Masahiro nói: "Trong ngôi nhà của người Nhật, nơi duy nhất bạn ngồi yên lặng một mình là toilet". Do vậy, cuộc chiến công nghệ cao về việc bổ sung những đặc điểm kỳ kiệu cho bồn cầu sẽ làm tăng doanh số bán hàng tại Nhật. Mới đây, Hãng Toto vừa giới thiệu loại bồn cầu tiện dụng mới, giá 3.000 USD, có khả năng đón chào người sử dụng không chỉ bằng việc bật nắp đậy, mà còn bởi tiếng kèn phát ra từ 2 ống dẫn khí làm mát vào mùa Hè và ấm vào mùa Đông.

Không chỉ Nhật Bản công nhận văn hóa toilet, Hội nghị thượng đỉnh toilet thế giới tổ chức ngày 4.11 tại Ma Cao là thêm một minh chứng cho sự quan tâm ngày càng cao của thế giới đối với loại hình “văn hóa thỏa mãn nhu cầu” này. Tại Singapore, toilet đã được đưa vào luật, trong đó nêu rõ từng loại hình, tiêu chuẩn thiết kế, ánh sáng … của nhà vệ sinh; và quy định dùng miễn phí đối với tất cả nhà vệ sinh công cộng.

Trước đó, trong cuộc triển lãm Toilet expo đầu tiên tại Malaysia, Phó thủ tướng N.Razak đã kêu gọi toàn quốc hưởng ứng cuộc "cách mạng toilet" với quan niệm rằng, sự sạch đẹp của "chốn riêng tư" là thước đo cho sự văn minh của một quốc gia.

Còn châu Âu, toilet từ lâu rất được coi trọng. Họ còn xây toilet dành riêng cho người tàn tật, phụ nữ có con nhỏ; và cho ra đời những bệ xí có dàn nhạc giao hưởng để con người vừa sử dụng, vừa thưởng thức “lạc thú” mới. Như vậy, đủ thấy, loại hình “văn hóa ở nơi kín đáo” này ngày một được coi trọng trong cuộc sống hiện đại của mọi quốc gia trên toàn thế giới.

Bích Diệp (tổng hợp) – nguồn: Báo Đất Việt

Ảnh: Toilet có điều khiển từ xa của Hãng Toto

Nhãn:

Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2008

THẦN TƯỢNG




+ Mới đây có một học sinh người Việt nhận bằng khen của Tổng thống Mỹ về thành tích tốt nghiệp thủ khoa trung học ở bển.

- Biết rồi, đó là Diệp Tú Châu, nguyên là học sinh lớp chuyên hóa, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, Q.Tân Bình, TP.HCM, mới sang Mỹ 2 năm, nhưng học giỏi dân Mỹ cũng nể!

+ Tui tính đầu tư cho thằng Út nhà tui qua bển học thiệt giỏi để được lên báo như vậy!

- Chà, muốn lên báo, muốn thành thần tượng của giới trẻ giờ còn có một cách đầu tư rẻ hơn đó!

+ ?

- Cho thằng Út thi Vietnam Idol. Nạp nhiều cạc vào nhắn tin bình chọn. Nhiều tin nhắn là thằng Út thành thần tượng thôi!

+ Sao được ông, hát phải có năng khiếu chứ?

- Chỉ cần biết hát sơ sơ là được. Mỗi tin nhắn 3000 đồng, ông bỏ ra ít tiền thế nào cậu Út cũng thành thần tượng.

+ Nghe nói có đứa được một đơn vị đầu tư cho 10.000 SMS vẫn rớt mà. Lại có trường hợp nhắn nhầm mã qua người khác cả 1000 SMS mà người đó cũng rớt đó. Với lại, bố mà đi bầu chọn cho con thì ban tổ chức trao giải sao đặng?

- Ban tổ chức chả quan tâm ai nhắn tin và nhắn từ máy nào, họ cho một thuê bao bầu chọn không hạn chế mà. Ban tổ chức chỉ quan tâm đến sản lượng tin nhắn vì nó là nguồn thu không nhỏ từ Tổng đài SMS!

Blog Page

Nhãn:

Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2008

RÁCH VIỆC

(50 chữ)

Nó bỏ mấy đồng cắc vào chiếc nón đang chìa ra. Bà cụ cảm ơn và còng rạp, nặng nhọc len giữa chợ, dưới nắng gắt. Lát sau, nó nghe tiếng chí chóe: “Thời này ai mà xài mấy cái đồng lẻ này nữa, bà già, đi chỗ khác mua”

Nhãn: