Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2008

CHÀNG PHÙ ĐỔNG TRONG LÀNG BÁO




Từ tháng 9, Đất Việt online đột ngột khởi sắc (theo đo lường của alexa.com)

Ngay sau khi Việt Nam kết nối Internet quốc tế cuối 1997, tờ báo đầu tiên xuất hiện trên mạng thông tin toàn cầu là tạp chí Quê hương, tạp chí của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài. Từ điểm mốc này, 11 năm qua, báo chí phát hành trên mạng ở Việt Nam đã có sự phát triển như vũ bão về quy mô và phương thức hoạt động.

11 năm chưa phải là chặng đường dài so với lịch sử của các loại hình báo ra đời trước, song tốc độ phát triển của báo trực tuyến ở Việt Nam quá nhanh. Có người cho rằng, sự phát triển đó còn thử thách khả năng dự báo của những nhà quản lý, hoạch định chính sách.

Từ “tư duy giấy mực” đến “tư duy siêu văn bản”

Theo thống kê, hiện Việt Nam có trên 50 báo trực tuyến. Phần lớn các tờ báo in của các ngành, đoàn thể, địa phương, một số Đài phát thanh, Đài truyền hình trong nước đều có “trang tin điện tử” (chữ dùng trong các văn bản pháp quy). Số lượng báo trực tuyến Việt Nam có thứ hạng cao chưa nhiều, nhưng điều đáng nói là trong hệ thống báo chí trực tuyến Việt Nam, đã có những tên tuổi thành công về thu hút người sử dụng, sánh ngang với nhiều website báo chí lớn trên thế giới.

Gần 10 năm trước, những “tờ báo” trực tuyến đầu tiên “lên” mạng ở Việt Nam còn rất đơn giản và thô sơ. Nhân dân điện tử, Website Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Lao động điện tử v.v… buổi đầu chỉ có những thông tin “chết”, cập nhật rất trễ, rất ít và nội dung chủ yếu lấy từ một phần trong nội dung thông tin của báo “chủ quản”. Ngoài ra, những website đó thường xây dựng một số module dữ liệu tĩnh (như ca nhạc Việt Nam, nhạc không lời Việt Nam, lịch sử Việt Nam, danh lam thắng cảnh Việt Nam, nhân vật lịch sử Việt Nam v.v…) cho công chúng truy cập, khai thác như một thư viện online.

Bước ngoặt của báo trực tuyến ở Việt Nam đã được đánh dấu bằng sự ra đời của VnExpress (VNE) cách đây hơn 7 năm, ngày 26/2/2001. Sau VNE là cuộc trình diễn của VietnamNet và một số báo trực tuyến của các tờ báo in phía Nam, tạo ra một diện mạo mới cho làng báo chí online Việt Nam. Gọi bước ngoặt không phải vì VNE là báo trực tuyến đầu tiên độc lập hoàn toàn với một cơ quan báo chí truyền thống như các báo xuất hiện trước nó mà vì đây là báo online đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu vào việc xuất bản, tận dụng nhiều đặc trưng của báo trực tuyến, mở ra tư duy mới về cách làm báo trong môi trường internet ở Việt Nam.

Phương thức làm báo của VNE nhanh chóng được giới báo chí đón nhận và tờ báo này từ con số không ban đầu, trở thành một hiện tượng trong làng báo Việt Nam. VNE khi mới ra đời chỉ đơn thuần làm công tác chọn lọc, biên tập rồi chuyển tải những thông tin của báo viết, báo hình, báo nói lên mạng Internet. Các biên tập viên của VNE bấy giờ chỉ làm một công việc là đọc, chọn lựa các bài trên báo viết, báo hình, báo nói để cập nhật. Đến cuối 2002, VNE và nhiều tòa soạn báo trực tuyến đã có phóng viên tác nghiệp độc lập, đã thực hiện được các hình thức phỏng vấn – tường thuật trực tuyến. Và những năm gần đây, VNE luôn giữ vị trí đầu bảng trong làng báo online Việt Nam.

Từ năm 2003, nhiều báo trực tuyến Việt Nam bắt đầu thay đổi giao diện (do việc thay đổi phần mềm xuất bản) và đa dạng hóa nội dung thông tin, cập nhập theo hướng chuyên nghiệp. Đây là giai đoạn khởi đầu cho quá trình lột xác từ “tư duy giấy mực” sang “tư duy siêu văn bản”.

Cuộc ra quân rầm rộ

Các tờ báo trực tuyến ra đời sau giai đoạn này cũng nhanh chóng tiếp thu thành quả của giai đoạn “tổng diễn tập” trước đó. Tiêu biểu cho sự phát triển rực rỡ của báo trực tuyến giai đoạn sau là những cái tên giờ đã thành quen thuộc với công chúng Internet Việt Nam: Tuổi trẻ online (ra đời ngày 1.12.2003) và Thanh niên online (ra đời ngày 23.11.2004).

Từ năm 2002 đến nay, báo chí trực tuyến Việt Nam đều nỗ lực tận dụng ưu thế trực tuyến mà đi đầu là VNExpress và tờ Vasc Orient - tiền thân của Vietnamnet. Các đơn vị tiên phong này đã góp phần kéo theo sự thay đổi ở các “báo điện tử” cũ về cung cách làm báo. Và hiện nay, hầu hết những toà soạn báo in truyền thống đã nhận rõ tầm quan trọng và vị trí của báo trực tuyến để lần lượt trình làng “người anh em online” của mình trên mạng với phong cách rất riêng khác hẳn với ấn phẩm báo giấy đang có. Những bài báo ra đời với tốc độ internet mang đậm sự mới mẻ, sinh động đã thu hút ngày càng đông công chúng truyền thông. Báo trực tuyến cũng trở thành một công cụ tiếp thị hiệu quả cho nhiều báo in tương ứng. Dưới manchette hoặc trên trang nhất của nhiều tờ báo hiện nay thường ghi địa chỉ website của báo trực tuyến. Nhiều tờ báo in sau khi phát hành “bản trực tuyến” đã thu hút được số lượng độc giả gấp nhiều lần so với báo in.

Dung lượng thông tin của các báo trực tuyến ở Việt Nam ngày càng phong phú, số lượng trang mục liên tục mở ra, giao diện liên tục thay đổi cho phù hợp. Các phiên bản ngoại ngữ của nhiều tờ báo cũng liên tục ra đời, góp phần đưa hình ảnh Việt Nam cũng như báo chí Việt Nam ra thế giới.

11 năm, báo chí trực tuyến ở Việt Nam đã hình thành được một lớp công chúng báo chí mới: trẻ trung hơn và có trình độ học vấn cao hơn. Số liệu khảo sát cho thấy đối tượng của các báo trực tuyến Việt Nam hiện nay chủ yếu từ 18 đến 40 tuổi (chiếm đến 80,6%), trên một nửa số người đọc/nghe/xem báo online Việt Nam là những người ở ngoài nước. Báo online Việt đã góp phần rất lớn trong việc đưa “tiếng nói Việt Nam” đến với các cộng đồng cư Việt trên toàn cầu, góp phần tiếp thị hình ảnh Việt Nam. Đây là một thành công lớn nếu so với nỗ lực của phát thanh – truyền hình và báo in Việt Nam nhiều năm qua.

***

Cho đến hôm nay, những nhà nghiên cứu đã có thể nói về một loại hình báo chí tuy mới ra đời nhưng đã tỏ rõ sự lớn mạnh nhờ Internet: báo trực tuyến. So với báo in và báo nói và báo hình, báo trực tuyến là những đứa trẻ sơ sinh nhưng với hàng trăm triệu lượt người sử dụng thường xuyên hằng ngày, báo trực tuyến có quyền tự hào về vị trí của mình trong đời sống báo chí Việt Nam đương đại. Sự phát triển của báo chí trực tuyến đã có tác động, ảnh hưởng đến đời sống báo chí Việt Nam, tạo ra xu thế tích hợp các loại hình truyền thông, chi phối phương thức hoạt động của nhiều loại hình báo chí truyền thống.

Nhãn:

6 Nhận xét:

Anonymous HTGiap nói...

Góp mặt vào cuộc ra quân trong 11 năm của làng báo trực tuyến VN, có một số tờ báo địa phương - những tờ báo đi đầu trong lĩnh vực này trong hệ thống báo Đảng địa phương: Sài Gòn giải phóng, Bình Định, Cần Thơ, Hà Nội mới...
Khi em còn phụ trách tờ Bình Định online, chủ trương của ban biên tập lúc bấy giờ là muốn tách tờ báo này thành một tờ độc lập, có tòa soạn riêng, chế độ nhuận bút riêng, không phải là bản sao của báo giấy…
Nhờ đó đã có lúc, trong xếp hạng của Alexa, Bình Định online nằm trong top 35.000 website tiếng Việt có lượng người truy cấp đông nhất, là "á hậu" trong số các tờ báo địa phương có báo trực tuyến (chỉ sau mỗi SGGP).
Tiếc là vì nhiều lý do, Bình Định online bây giờ chỉ còn là bản sao của báo giấy.
:)

lúc 18:19 28 tháng 11, 2008  
Anonymous Mr. Do nói...

Bác về làm Đất Việt rồi à?
À, mà nghe ông gì đó nói: "Biến quần dài thành xi líp là phạm phám", bác thấy có vui không?
Bữa nay xã hội mình có nhiều ông ưa hài hước, ông này cũng thế nè:
http://www.tintuconline.com.vn/vn/vanhoa/235739/

lúc 04:12 29 tháng 11, 2008  
Anonymous Nga Nguyen nói...

Mấy năm trước anh từng làm đề tài nghiên cứu về báo điện tử nhỉ? Giờ thì anh thực sự làm báo điện tử. Có vẻ mọi việc của anh đều rất consistant. Khâm phục tầm nhìn của anh.

lúc 17:02 1 tháng 12, 2008  
Anonymous may_ngoc_ngech nói...

ôi, nếu được xem bài này 3 tuần trước thì hay quá! Cám ơn thầy.

lúc 04:07 4 tháng 12, 2008  
Anonymous CỌP CÁI nói...

Bài này tổng hợp thông tin nhiều quá. Một tài liệu tham khảo bổ ích hihi. Thanks anh Tú nhiều

lúc 02:14 5 tháng 12, 2008  
Anonymous NHƯ NGUYỆN nói...

Hồi này Bác Tú PR cho tờ báo của mình nhiều ghê hỉ, chúc cho Đất Việt online và tay nghề của Bác liên tục phát triển.

lúc 22:07 20 tháng 12, 2008  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ