Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2008

KHEN CŨNG SỢ

Cách đây khá lâu, tôi được Liên đoàn lao động giới thiệu làm một phóng sự truyền hình về một gia đình công nhân tiêu biểu ở công ty B. Liên lạc với nhân vật chính qua điện thoại, chị chối đay đảy. Hỏi kỹ thì biết, trước đó không lâu, một đồng nghiệp đã từng làm phóng sự về gia đình chị. Không biết đồng nghiệp xử lý thông tin thế nào mà khi xem phóng sự, chồng chị đã bất bình và … “chiến tranh nóng” nổ ra khiến chị mất ăn mất ngủ suốt mấy ngày. Chị bảo, giờ chị sợ nhà báo lắm rồi. Không có nhà báo, gia đình chị êm đềm hạnh phúc. Được tuyên dương hoá ra lại mất đoàn kết.

Còn nhà giáo T. thì tâm sự là rất sợ bị phỏng vấn vì đôi khi mình nói rất tâm huyết, rất toàn diện nhưng khi nhà báo cắt xén xong thì phần phát biểu của mình trở thành khập khiễng, phiến diện.

Một giáo sư tiến sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu văn hoá đã có lần than phiền với tôi rằng, ông không thể hiểu được các phóng viên và cách làm việc của họ. Ông dẫn chứng: “Phóng viên hỏi tôi nên hiểu thế nào về văn hoá kinh doanh. Tôi trả lời 4 ý nhưng phóng viên về chỉ lấy có 1 ý. Thế là, trên truyền hình, tôi thành ra một nhà khoa học rất thiếu nghiêm túc. Các phóng viên đi phỏng vấn nhà nghiên cứu cho nó “có tụ” vậy thôi, chứ cuối cùng thì họ làm theo ý họ mà chẳng thèm đếm xỉa gì đến nhà nghiên cứu cả.”

Đấy là bức xúc của những người ngoài làng. Còn trong làng báo của chúng ta thì sao?

Không phải không có lý do mà bản thân các nhà báo rất “sợ bị lên báo”. Nhiều nhà báo khi được tuyên dương và nêu gương trên báo thì đành tự viết về mình hoặc tự phỏng vấn mình cho an toàn!

Có lẽ vì, hơn ai hết, nhà báo là người hiểu tầm quan trọng của việc xử lý thông tin. Nhà báo cũng là người hiểu hơn ai hết việc làm hình ảnh nhân vật “thật” và “đẹp” lên trong mắt độc giả, khán giả, thính giả quan trọng thế nào và có tác động ra sao. Hơn nữa, các nhà báo là những người ít nhiều đã từng bị nghe “than phiền”, vì vô tình hay cố ý, đã xử lý thông tin theo hướng bất lợi cho nhân vật mà mình viết hay người được mình phỏng vấn.

Những ai đã từng làm truyền hình chắc không lạ những tình huống, hình ảnh quay chưa đẹp lắm, chưa đầy đủ lắm, nhưng vì áp lực thời hạn hoàn thành tác phẩm mà tặc lưỡi “đóng máy” cho xong.

Những người làm báo cũng hiểu rất rõ, rằng đôi khi vì khuôn khổ trang báo hay thời lượng phát sóng, ta đã cắt gọt không thương tiếc những tâm huyết của nhân vật. Và cũng không loại trừ, cách hiểu của nhà báo chưa toàn diện và thấu đáo, đã làm việc xử lý thông tin trở nên vụng về và thiếu khoa học…

Lên báo lên đài đối với một số người là niềm vui, với một số người khác là trách nhiệm, với ai đó là quyền lợi, và với không ít người, là cực hình, có thể lắm chứ! Họ có thể là trí thức, là người công nhân trong công xưởng, là người nông dân lam lũ ngoài ruộng đồng, là bác xe ôm phơi mưa phơi nắng… hay thậm chí là kẻ tội phạm đang bị lên án…

Dù là ai, dù bước lên trang báo hay lên màn ảnh truyền hình, ở vị thế nào, các nhân vật của chúng ta cũng muốn và hy vọng mình đẹp hơn, hoặc chí ít là không xấu hơn thực tế.

Các nhà báo được lên báo chắc chắn cũng vậy, không muốn bị tô vẽ đến mức người khác không thể nhận ra mình, nhưng cũng không muốn bị bôi xoá đến mức phải ân hận vì đã đồng ý bước ra công luận. Và vì thế, hãy thử đặt mình vào vị trí của người được mình viết, được mình phỏng vấn để xử lý thông tin.

Nhà báo sẽ không làm được gì nếu không có sự hợp tác của những đối tượng liên quan đến tác phẩm. Và cũng sẽ là thất bại nếu sau khi tác phẩm công bố, những đối tượng đã từng hợp tác lại không chịu tiếp nhà báo lần thứ 2.

Nhãn:

Thứ Năm, 25 tháng 12, 2008

THƯ CỦA ÔNG GIÀ NOEL GỬI SAO KHUÊ, AN PHA

Ông chào hai con, Sao Khuê và An Pha!

Ông đã nhận được thư của Sao Khuê và An Pha vào sáng sớm ngày hôm nay. Ông nhớ Sao Khuê và An Pha chứ, vì 4 năm nay, năm nào Sao Khuê cũng gửi thư cho ông mà. Ông vẫn nhớ chữ Sao Khuê rất đẹp (nhưng năm nay bớt đẹp rồi đấy, không biết có phải do con phải học nhiều môn quá không?) và con viết thư rất hay nữa (chỉ là cô bé học lớp 4 thôi, mà con viết chẳng sai ngữ pháp bao giờ, ông ngạc nhiên vì điều đó lắm đấy!). Và ông cũng yêu Sao Khuê vì năm nào con cũng kể về em và xin quà cho em nữa. Con không chỉ nghĩ cho mình. Thế là tốt!

Sao Khuê và An Pha thấy không, năm nay ông có thể dùng máy tính để viết thư cho các con nữa nè. Ông già rồi, nhưng vẫn phải cố gắng học những cái mới đấy, nên các con cố lên nhé! Ông biết năm nay, hai con được ba mẹ tặng cho 2 máy tính phải không? Nhưng không phải để chơi game đâu nhé. Phải học tiếng Anh. Cái “món” này, Sao Khuê chưa giỏi phải không?

Ông biết là Sao Khuê rất ngoan. Ông đã được các thầy cô ở trường kể nhiều, rằng Sao Khuê học giỏi, học chăm, chơi với bạn biết nhường nhịn. Thế nhưng, thỉnh thoảng ông vẫn nghe Sao Khuê to tiếng với em đấy nhé.

Em rất yêu con. Em rất tình cảm. Và con là chị, đúng không? Em cần con giảng giải và hướng dẫn. Em muốn con dịu dàng chỉ bảo. Và con biết điều đáng qúy nhất ở một phụ nữ là gì không? Là tình yêu với mọi người. Và người phụ nữ đáng yêu, là ngươì phụ nữ diụ dàng đấy. Con lớn rồi đấy con có biết không? Con phải cư xử cho ra một người chị nhé! Con rất xinh, nhưng con sẽ đáng yêu hơn nếu con dịu dàng hơn nữa, nhé!

Sang năm, ông muốn Sao Khuê học làm một số việc để giúp cô Sáu nhé. Bà và cô Sáu không còn khoẻ nữa. Sao Khuê có thể giúp cô rửa chén, lau nhà được rồi đấy. Noel năm sau, con sẽ kể cho ông nghe những việc mà con làm được nhé!

Còn An Pha thì phải đi ngủ sớm hơn, nếu không, năm sau ông sẽ không chui qua chóp nhà để tặng quà cho con nữa đâu. Con đi ngủ sớm để chị Sao Khuê cũng được ngủ, sáng còn dậy sớm đi học. Ngủ sớm con cũng sẽ khoẻ hơn, không đau đầu như con vẫn thường bị. Mà cứ đau đầu như vậy là sẽ không thể đi chơi với cả nhà được đâu nhé. Không được đi Phan Thiết, không được đi Nha Trang. Và con vẫn thích đi máy bay đúng không? Không ngủ sớm, không khoẻ, là chẳng bao giờ đi máy bay được. Vậy An Pha nhớ nhé, phải đi ngủ sớm nhé. Chỉ còn mỗi việc ngủ sớm nữa thôi, là con có thể trở thành “chàng trai đích thực” rồi!

Sao Khuê hỏi ông là, ông có thật không và ông ở đâu? Ông tặng con cuốn sách nhỏ. Đọc nó, con sẽ tìm được câu trả lời. Không thể thuê được ông già Noel. Và cũng không cần phải thuê đâu con ạ. Ở đâu có tình yêu thương, ở đó có ông già Noel. Ông đi khắp thế giới, trên cỗ xe của ông, và cũng có thể là trên xe máy như người Việt Nam vẫn thường đi, để đến với các bạn nhỏ ngoan ngoãn đáng yêu.

Nếu các con ngoan ngoãn, thì năm nào ông cũng sẽ ghé thăm các con và tặng các con những món quà mà các con thích.

Năm nay, ông không tìm được cuốn sách mà Sao Khuê thích. Thật ra thì ông đã đi tìm, nhưng các nhà sách đã hết mất rồi. Con đừng buồn, ông sẽ nhờ ba Tú – mẹ Huyền tìm sau cho con. Và, những cuốn sách ông tặng con cũng thú vị lắm đấy. Con đọc và đọc cho em An Pha cùng nghe nữa nhé. Con cũng sẽ cùng em tìm hiểu về quốc kỳ của các nước trên thế giới và tìm xem các nước đó nằm ở đâu trên quả cầu to đùng mà ông mang tặng các con đêm nay.

Bây giờ thì ông phải đi tặng quà đây. Ông hy vọng năm sau Sao Khuê sẽ lại viết thư cho ông (hay hơn, dài hơn năm nay nữa). Và em An Pha cũng biết tự viết thư gửi ông (vì sang năm em An Pha vào lớp 1 rồi còn gì!)

Ông chúc các con yêu thương nhau, yêu thương ba mẹ, bà và các cô. Các con cố gắng học giỏi nhé, chăm đọc sách nhé. Và dịu dàng nhé, Sao Khuê! Mạnh mẽ nhé, An Pha!

Ông Già Noel

Nhãn:

Thứ Ba, 23 tháng 12, 2008

THƯ GỬI ÔNG GIÀ NOEL CỦA SAO KHUÊ

thu gui Noel 1 by you.

thu gui Noel 2 by you.

Biên Hòa ngày 20 – 12 – 08

Kính gửi: Ông già Noel

Chào ông già Noel!

Con là Phan Xuân Sao Khuê, học lớp 4, trường tiểu học dân lập Nguyễn Khuyến đây. Ông có nhớ con không? Ông ơi! Con muốn hỏi ông một việc có được không ạ? Các bạn ở lớp con có bạn thì nói là ông không có thật, ba mẹ con đã thuê ông già Noel “giả” có đúng không ông? Một số bạn khác ở lớp con thì lại nói là ông già Noel có thật và đang sống tại Bắc Cực. Con tin vào giả thuyết thứ 2 là ông già Noel có thật và đang sống tại Bắc Cực. Con mong ông biết chuyện này để trả lời cho những câu hỏi trên của con. Ông ơi! Con và em con trong năm nay được cả nhà khen là rất ngoan. Em con thì có một khuyết điểm nhỏ là ngủ rất trễ. Ông biết không, lên năm lớp 4, con phải học thêm 3 môn là Khoa học, Lịch sử và Địa lý. Bây giờ cũng còn vài ngày nữa là con phải thi rồi nên bây giờ mới có thời gian viết thư cho ông đấy ạ!

Còn về phần quà, con thì muốn một quyển sách TÔI MUỐN BIẾT… Ở ĐÂU? Em con thì thích ô tô cảnh sát loại nhỏ và 1 cây bút chì.

Thư chưa dài nhưng thời gian không cho phép. Con xin dừng bút tại đây. Chúc ông mạnh khỏe trên chiếc xe nai của mình. Mong sớm nhận hồi âm của ông.

Kính chào ông già Noel

Ký tên

Phan Xuân Sao Khuê – Phan Xuân An Pha

SÁNG NAY BÀ XÃ CHO MÌNH ĐỌC LÁ THƯ NÀY. MÌNH CHỤP LẠI VÀ GÕ LẠI NỘI DUNG ĐỂ ĐƯA LÊN BLOG NHƯ MỘT ENTRY ĐẶC BIỆT NHÂN NGÀY GIÁNG SINH. CÁC BÁC CÁC CÔ CHÚ GIÚP BA MẸ SAO KHUÊ LÀM ÔNG GIÀ NOEL ĐỂ TRẢ LỜI CHÁU ĐI!

Nhãn:

Thứ Hai, 22 tháng 12, 2008

AI LÀ NẠN NHÂN?

+ Anh Hai, anh coi có ngược đời không, báo chí họ bảo, trẻ bị bạo hành chủ yếu bởi… mẹ, rồi đến cô giáo.

- À, cái đó không phải báo chí nói, mà là các nhà nghiên cứu khảo sát điều tra và công bố, báo chí chỉ dẫn lại thôi. Với lại cần phải hiểu khái niệm “bạo hành” theo nghĩa rộng trong đó có cả bạo hành tinh thần nữa!

+ Nhưng “cô và mẹ là hai cô giáo, mẹ và cô ấy hai mẹ hiền…” anh quên rồi à?

- Không quên. Mẹ và cô, nhà trường và gia đình là hai yếu tố rất quan trọng trong việc chăm sóc giáo dục trẻ.

+ Đúng, tui vẫn nghĩ, mẹ và cô, gia đình và nhà trường là an toàn nhất với trẻ rồi.

- Nhưng mà, kết quả nghiên cứu này cũng có lý lắm.

+ Có lý chỗ nào?

- Chú coi, mẹ và cô đang bị quá tải, đang bị stress nặng. Quá tải và stress thì cáu gắt, la mắng, nặng chân nặng tay thôi.

+ Cha cha, vậy giải pháp tuyên truyền giáo dục xem ra không mấy cần anh Hai hả?

- Tất nhiên cũng cần. Mẹ và cô nào cũng hiểu bạo hành trẻ là tội ác nhưng tình trạng này vẫn còn bởi vì họ cũng là nạn nhân. Cho nên cái quan trọng là lo giảm stress cho mẹ và cô.

+ Nhưng họ là nạn nhân của cái gì?

- Biết rồi mà còn hỏi!

Nhãn:

Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2008

XẤC BẤC XANG BANG

Hôm rồi đọc một entry của anh Huy Cường, thấy có đoạn viết:

“Ba má cậu ở miền Tây nhận nuôi cá thịt cho một ông chủ, năm rồi giá cả trồi sụt xất bất xang bang, vừa phải bán bớt miếng vườn để nuôi hai đứa con ăn học, một đứa đại học một đứa lớp mười”.

Trong đoạn viết trên, anh Cường dùng một thành ngữ rất quen thuộc ở Nam bộ: xất bất xang bang, đọc theo giọng Nam phải là “xấc bấc xang bang”.

Thành ngữ này diễn tả tình cảnh khốn cùng, khó khăn, vất vả… Nói chung là xấc bấc xang bang giống như “long đong lận đận” mà người Bắc hay dùng.

Có lần mình nghe một bạn ở Vĩnh Long giải thích rằng “Xấc bấc xang bang” không phải một thành ngữ Việt hình thành kiểu láy âm mà nó xuất phát từ một câu nói “tủi thân” của người Hoa (Minh Hương) ở Nam bộ. Theo bạn này thì khi những nhóm lưu dân, cận thần nhà Minh trốn chạy nhà Thanh tìm đến Việt Nam, họ tự gọi thân phận tỵ nạn khổ sở, vất vả của mình là “thất quốc sang bang”. Âm Quảng Đông của cụm từ này nghe gần như “xấc bấc xang bang”, rất phù hợp với một cấu trúc thành ngữ Việt nên nó nhanh chóng được Việt hóa!

Có một điều là chữ “bang” () trong tiếng Hán thì có nghĩa là "nước", “thất quốc” ( ) thì cũng dễ hiểu, chứ chữ “sang” thì chẳng biết nó có nghĩa gì.

Bạn nào Hán rộng giải thích dùm

Hoặc bạn nào có cách giải thích khác hơn về thành ngữ này?

Nhãn:

NHỘT (entry tái bản)




Chuyện nghe lỏm, trích ra từ cuộc trò chuyện giữa bà xã tớ (sau đây gọi là X) và một người mẹ trẻ (sau đây gọi là Y) khi mình đang ngồi blogging.

...

X: Thế con bé nhà em dạo này sao rồi?

Y: Dạ em cho ngưng bú rồi.

X: Giờ nó bú sữa bình hay ăn cháo?

Y: Bà ngoại cho ăn dặm nhưng sữa bình vẫn là chính.

X: Cho bú sữa mẹ nhiều thì trẻ con mới khỏe mạnh, thông minh!

Y: Dạ, em biết nhưng em còn phải giữ “phọt” một tí để đi làm chị ạ! Hai đứa nhà chị ngưng bú lúc mấy tháng?

X: Con Tép thì cho ngưng lúc 3 tuổi. Còn thằng Ruốc thì sớm hơn, lúc hơn 2 tuổi. Nhưng mà chưa bằng ba nó!

Tự nhiên không khí im bặt.

Y: (ngập ngừng) Anh Tú cũng…

X: À không, ý chị là…. Bà nội sắp nhỏ kể lại: Anh Tú hồi bé, tới 6 tuổi, đi học tiểu học rồi mà vẫn còn bú mẹ!

Blog Page

Nhãn:

Thứ Năm, 18 tháng 12, 2008

BUÝT




Những năm gần đây hệ thống xe buýt đã trở nên quen thuộc với người dân các thành phố lớn. Tại Sài Gòn, hơn 200 tuyến xe buýt đã trở thành phương tiện di chuyển không thể thiếu với một bộ phận người dân, đặc biệt là người dân có thu nhập trung bình trở xuống…

Những nét đẹp đời thường

Trên xe buýt, chiều nọ tôi đứng gần ghế của hai người đàn ông đang bàn nhau hăng say về chuyện làm ăn. Bất chợt nhìn lên thấy một bà cụ khoảng trên 60, một trong hai người đàn ông vội vàng đứng lên nhường ghế, kèm theo lời xin lỗi: “Xin lỗi cháu vui chuyện nên không để ý để bác phải đứng”. Bà cụ cảm ơn với nụ cười đọng lại rất lâu trên khuôn mặt.

Nhiều năm qua, báo chí cũng tỏ ra lo ngại trước thực trạng bất cập trong văn hoá “buýt”. Nhưng có dịp đi xe buýt nhiều tháng ở Sài Gòn, tôi nhận ra rằng vẫn có một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ đã trở nên bặt thiệp khi buýt. Họ đã quen nhường chỗ cho người già, em nhỏ, phụ nữ mang thai và cả phụ nữ… không mang thai.

Có những nữ sinh viên kiên quyết tự nguyện nhường ghế, dù người được nhường có ý từ chối. Đi xe buýt thuờng xuyên cũng sẽ chứng kiến cảnh người đi xe buýt có “thâm niên” hướng dẫn tuyến cho “lính mới” một cách hết sức nhiệt tình, cặn kẽ. Thế giới xe buýt thực sự trở thành một thế giới thân thuộc của một bộ phận lao động có thu nhập trung bình.

Hầu hết khách đi xe buýt đã quen và chấp nhận việc không hút thuốc trên xe. Còn nếu cố tình quên, thì tiếp viên xe buýt cũng kiên quyết nhắc nhở chứ không “làm lơ” như những năm trước.

Nhiều tiếp viên đã thật sự lịch sự, dịu dàng với khách với những lời chỉ dẫn cụ thể, ân cần.

Trên các tuyến xe buýt, khách hàng cũng dễ gặp những bác tài sẵn sàng “buôn dưa lê” vui vẻ với khách hàng như thể người quen lâu ngày gặp lại. Có những bác tài còn “tán tỉnh” nữ hành khách một cách hết sức dễ thương. Những cuộc đối thoại dương tính như vậy nhiều lúc làm không khí trên xe trở nên cực kỳ vui nhộn và dễ chịu.

Thế giới của xe buýt có thể là giấc ngủ gà gật buổi trưa, là khoảng thời gian ôn bài, đọc tài liệu buổi sáng hay những cuộc trò chuyện rôm rả kết thúc một ngày bươn chải vất vả. Tất cả là chính cuộc sống, cực kỳ sinh động và đáng yêu…

Thường ở một số tuyến xe buýt nhất định, rất ít xảy ra những vụ trộm cắp, giật dọc, móc túi. Lý do là tài xế và tiếp viên thường quan sát khá kỹ và dễ dàng phát hiện những đối tượng khả nghi để cảnh báo cho hành khách. Thậm chí, với những đối tượng nghi vấn, tài xế và tiếp viên có khi kiên quyết không cho lên xe, hoặc cho lên nhưng kèm đối tượng ngồi im một chỗ, không cho di chuyển trên xe!

Một lựa chọn không tồi

Trên xe buýt có đôi khi bạn sẽ gặp những người đàn ông sơ mi cà vạt chỉnh tề hay những phụ nữ mặc váy ngắn. Họ là những người sống ở các vùng ven hoặc các tỉnh lân cận như Đồng Nai - Bình Dương nhưng làm việc trong những toà cao ốc trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Thu nhập của họ không thấp, nhưng họ vẫn chọn xe buýt như một phương tiện tiện lợi, an toàn.

Những người thuộc giới công chức, hoặc lao động cao cấp ấy cũng tạo thành một mạng lưới riêng, dù tương đối mỏng. Sáng sáng, chiều chiều họ hàn huyện tâm sự, chia sẻ với nhau những biến động trong công việc. Một ngày không nhìn thấy nhau trên xe buýt là hôm sau họ hỏi thăm nhau lý do. Vì thế, dù chỉ quen nhau trên xe buýt nhưng họ hiểu chuyện công việc tư của nhau khá tường tận. Từ những đau ốm lặt vặt đến chuyện lương thưởng, chuyển chỗ làm, chuyển văn phòng, tất cả đều được chia sẻ trong 1 hoặc hơn 1 giờ ngồi trên xe buýt với nhau.

Một nam hành khách là doanh nhân, có văn phòng tại thành phố Hồ Chí Minh lý giải rằng anh chọn xe buýt vì rất nhiều lý do: Thứ nhất, xe buýt rẻ. Thứ hai, bây giờ luồng tuyến tương đối hợp lý rồi, đi không vất vả. Thứ 3, giờ giấc của xe buýt khá chuẩn, cùng lắm là 10 – 15 phút có một chuyến, thế là chấp nhận được. Và cuối cùng, nếu có kẹt xe, thì có thể rời xe buýt, đi bộ qua chỗ kẹt rồi bắt xe khác hoặc kêu xe ôm đi tiếp, khoẻ re… còn đi các phương tiện cá nhân thì coi như bó tay!

Mong ước xa xôi…

Cách đây ít lâu, hành khách thích chọn đi các xe buýt ký hiệu S (ví dụ như S07, S09, S55… ) vì đây là xe có trợ giá, xe lại mới, to đẹp, sạch sẽ, mát mẻ. Nhưng mà giờ thì xe S cũng bắt đầu hư máy lạnh, nóng chẳng khác xe liên tỉnh là mấy. Nhiều xe có biểu hiện xuống cấp kiểu “cái gì cũng kêu trừ cái kèn”.

Đi xe buýt vào giờ từ 9 giờ đến 11 giờ sáng và từ 1 giờ đến 3 giờ 30 chiều thì thêng thang, có khi chỉ vài ba hành khách, nhưng vào giờ cao điểm thì lèn như lèn cá mòi. Bất hợp lý hơn là có tuyến, lòng đường rất nhỏ nhưng xe buýt thì rất to, làm các bác tài xoay trở hết sức khó khăn.

Dù đa số xe buýt thực hiện nghiêm ngặt việc cấm hút thuốc lá, nhưng đôi khi người hút là chính bác tài! Nếu hành khách nhắc thì tiếp viên sẽ giải thích ngay là, bác tài căng thẳng quá, phải hút điếu thuốc cho nó tỉnh táo chứ, thắc mắc gì?

Tâm tính của các bác tài thì cũng khá thất thường. Có nhiều bác cực kỳ êm dịu, đi mấy chục cây không hề bóp kèn. Có bác thì nhấp ga giật cục, toét còi liên hồi thậm chí văng tục luôn miệng làm người người trên xe ngất ngư!

Tiếp viên có lúc ân cần vui vẻ, lại có lúc cáu bẳn, nhăn nhó, mắng hành khách như mẹ mắng con làm hành khách có cảm giác như mình đang xin quá giang…

Giá mà xe rộng hơn, sạch hơn. Giá mà đường thông hè thoáng hơn. Giá mà tài xế trầm tĩnh hơn. Giá mà tiếp viên ân cần hơn. Giá mà… thì vé xe có đắt hơn một tí, hành khách chắc cũng vui lòng…

Bonus:

Mỗi sáng lên xe buýt ta đều có thể bắt gặp nhiều chuyện khá buồn cười. Ví dụ như sáng nọ: xe đông quá chẳng có chỗ ngồi. Đến Suối Tiên, vừa ngồi được cho đỡ đôi chân thì nghe một giọng nữ nhéo nhéo phía sau: “Xe buýt gì mà không có chỗ ngồi. Xe buýt phải mỗi người một ghế chứ”

Tiếp viên nhăn nhó. “Thời này có xe buýt mà đi là tốt lắm rồi. Muốn mỗi người một ghế thì sang cái xe kia kìa. (Tiếp viên hất mặt về phía một xe 4 chỗ). Gớm 3 - 4 ngàn đi mấy chục cây mà còn đòi mỗi người một ghế.

Tiếng léo nhéo tắt luôn. Một hồi lại nghe: “Dừng dừng đi, cho xuống đây đi!”

Tài xế gắt um. “Bà muốn dừng thì dừng à. Mới đi xe buýt lần đầu à? Muốn thì xuống đi xe ôm nhé, muốn dừng đâu thì dừng. Nhiễu sự. Đến năm 2010 chắc lơ phải bế từng hành khách lên xe quá.”

Tiếp viên thêm vào: “Nếu không bế thì làm cái ống, cứ dừng xe là đặt ống hút vèo một cái là khách vào đúng ghế trống. Cần xuống thì đẩy vèo một cái là xuống đến đất luôn!”
Blog Page

Nhãn:

Thứ Ba, 16 tháng 12, 2008

CHẤM BÀI

Bài thơ này mình làm cách nay 23 năm cho một tờ báo… tường ở trường PTTH Ngô Quyền (Biên Hòa) trong đợt đi thực tập sư phạm. Sau đó cũng tranh thủ in báo tỉnh lẻ. Mới đây tình cờ gặp lại tờ báo cũ...

Băn khoăn nhiều bởi lần đầu

Ngọn đèn thao thức đêm thâu chấm bài

Ngỡ từng gương mặt thơ ngây

Ngỡ bao giọng nói ùa vây quanh mình

Đèn soi tỏ những tâm tình

Trên từng trang vở học sinh chuyện trò

Nét hồn nhiên, nét suy tư

Lời chân thật dẫu ngây ngô vụng về

Ngập ngừng bút đỏ tôi phê

Phân vân con điểm khen chê mỗi bài

Bao dòng em viết mê say

Câu nào em viết - lời thầy gởi trao?

Mỗi lời văn, mỗi khát khao

Những mơ ước cứ cháy vào trong tôi

Nghe trong yên lặng bồi hồi

Phải trang em viết gương soi vô hình?

Điểm cho em trọn lý tình

Điểm nào tôi tự chấm mình cho nghiêm?

Trong từng lời dặn các em

Lời nào tôi dặn dò thêm chính mình?

1985

Nhãn:

Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2008

VIẾT HAY IN?




Tuần rồi, báo chí ồn ào đưa tin về chuyện cơ sở masage Tân Hoàng Phát của vợ chồng Phan Cao Trí ở Thủ Đức, TP.HCM.

Trong vụ án này, có một chi tiết được các phóng viên nội chính lưu ý, đó là sự xuất hiện 2 cây súng mà cơ quan điều tra thu giữ trong quá trình khám xét, điều tra cơ sở masage này.

Hai khẩu súng đó có giấy phép sử dụng do Công an tỉnh Đồng Nai cấp. Về câu hỏi vì sao giám đốc công ty kinh doanh dịch vụ massage vẫn được cơ quan chức năng cấp phép sử dụng súng, nhiều tờ báo (Tuổi Trẻ đây , Tiền Phong đây , Đất Việt đây , Pháp luật TPHCM đây ) sau đó giải thích:

Khi cấp phép sử dụng cho Công an thị xã Long Khánh, Phòng quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an Đồng Nai) không ghi địa chỉ trụ sở của Công an thị xã Long Khánh mà để trống. Chính vì sơ hở này, Đại úy Nguyễn Hồng Mạnh TỰ Ý GHI THÊM dòng chữ “DNTN THÁI THANH” rồi trang cấp súng cùng giấy phép cho doanh nghiệp Thái Thanh sử dụng.

Thế nhưng, coi kỹ bức ảnh chụp 2 giấy phép sử dụng súng này thì thấy cái vụ “tự ý ghi thêm” có vẻ không ổn. Hay là đại úy Mạnh viết chữ quá đẹp, đẹp như máy in.

Nhìn bức ảnh trên, chỉ có thể hiểu là các nội dung trong giấy phép (từ đối tượng được cấp phép, số giấy phép, ngày cấp phép…) phải được in vi tính, in một lần, in trước khi đóng dấu. Và tất nhiên, người ta đã thiết kế sẵn một “cái form” phù hợp để in đúng quy cách khổ giấy đó.

Ai biết giải thích dùm?

Nhãn:

Thứ Năm, 11 tháng 12, 2008

ĐÈN VÀNG




Trong giao thông, để bảo đảm an toàn ở các điểm giao nhau, người ta dùng hệ thống đèn tín hiệu. Đèn tín hiệu giao thông ra đời ở London 1868 và ban đầu nó dùng cho tàu lửa. Hồi đó chỉ có 2 loại: đèn đỏ có nghĩa là "dừng lại", còn đèn xanh là "chú ý". Bấy giờ, đèn tín hiệu được đốt bằng khí gas. Năm 1912, người Mỹ mới phát minh ra đèn tín hiệu dùng điện. Đến 1920, hệ thống đèn tín hiệu có đủ 3 màu xanh, vàng, đỏ mới ra đời từ ý tưởng của Williams Potts, một sĩ quan cảnh sát tại Detroit - Mỹ.

Tại các nước trên thế giới hiện nay, đèn tín hiệu giao thông ba màu đơn giản, ý nghĩa từng màu được quy định như sau: xanh là được đi; đỏ là cấm đi; vàng là báo hiệu sự thay đổi tín hiệu.

Khoản c, điều 10, chương 2, Luật Giao thông Đường bộ Việt Nam ghi rõ: “Tín hiệu vàng là báo hiệu sự thay đổi tín hiệu. Khi đèn vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp”.

Khi thấy đèn vàng – vốn là màu sáng nhất trong các màu – người tham gia giao thông buộc phải chú ý để chuẩn bị đi tiếp hay dừng lại, giống như một dự lệnh.

Đi trên các đường phố Sài Gòn dễ thấy hình ảnh xe cộ vẫn vượt đèn vàng khi còn trớn, hoặc cố tình bám theo luồng xe “có đèn xanh” trước đó.

Vượt đèn vàng trong khoảnh khắc đèn đỏ vừa xuất hiện cũng tạo cảm giác mạnh.

Làm báo thị trường đôi lúc giống như vượt qua các giao lộ có đèn tín hiệu. Tất nhiên, đèn đỏ thì phải dừng, đèn xanh thì đi thoải mái. Nhưng thực tiễn truyền thông cho thấy, “ý chí đèn đỏ” trong quản lý báo chí và chuyện cạnh tranh bán báo thường mâu thuẫn nhau. Thông - tin - vượt - đèn - đỏ thường hấp dẫn công chúng truyền thông. Vì thế, nếu biết cách thì vượt đèn vàng may ra không bị thổi còi và hạn chế tai nạn.

Vấn đề là làm sao “canh me” được “đèn vàng” để xuất hiện đúng vị trí vạch dừng mà xe mình còn trớn, ráng bám đuôi dòng xe “có tiêu chuẩn đèn xanh” phía trước để khỏi phạm luật?

Nhãn:

Thứ Tư, 10 tháng 12, 2008

CÔ LÀM NGHỀ GÌ?




Nữ giảng viên trẻ đẹp của một trường đại học lớn ở Hà Nội được cử đi dạy tại chức ở tỉnh nọ. Cô được bố trí nghỉ tại một khách sạn 3 sao. Thành phố trung tâm của tỉnh này cũng là địa chỉ du lịch nổi tiếng với nhiều dịch vụ.

Lớp tại chức tổ chức vào ban đêm, để cán bộ - công chức sắp xếp vừa học vừa… tại chức. Chuyên đề của cô giáo kéo dài 2 tuần lễ.

Trong 2 tuần ấy, nhân viên tiếp tân khách sạn phát hiện ra quy luật: Cô gái trẻ đẹp này ban ngày đóng cửa ở trong phòng, rất ít khi ra ngoài. Buổi tối cô ăn mặc đẹp, trang điểm kỹ và ra gọi taxi hoặc xe ôm đi… làm, khuya mới về lại khách sạn.

Vài ba lần họ có ý tìm hiểu cô làm nghề gì nhưng hầu như cô không bắt chuyện với nhân viên khách sạn.

Càng nhìn họ càng nghi, nên đến gần cuối tuần lễ sau, nhân viên khách sạn nhờ công an can thiệp!

Một trận cười nghiêng ngã nổ ra khi một trong hai anh cảnh sát tới làm việc với cô là sinh viên lớp tại chức cô đang dạy!

Anh giải thích rằng, khách sạn nghi ngờ cô làm... nghề đặc biệt!

Thế đấy, nhiều khi cái mà ta thấy, cái mà ta tưởng và sự thực nó rất xa nhau. Làm báo thì cần quan sát, nhưng đôi lúc quan sát xong cũng cần nhờ… công an vậy!

..........

Ảnh: Lớp báo chí tại chức ở Bạc Liêu

Nhãn:

Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2008

BÁO ONLINE CÓ THAY THẾ BÁO IN?




Khi truyền hình ra đời, nhiều người tưởng rằng thời của phát thanh đã hết. Khi báo trực tuyến xuất hiện, nhiều ý kiến dự báo rằng báo in đã đến lúc cáo chung, nhưng thực tế liệu có phải như vậy?

Lịch sử báo chí thì chứng minh ngược lại.

Trong lịch sử báo in, phát thanh và truyền hình, những thành tựu công nghệ đã góp phần thay đổi phương thức làm báo, thậm chí thay đổi bản chất truyền thông. Sự phát minh ra máy vi tính đã làm thay đổi công nghệ in (sắp chữ chuyển sang chế bản điện tử); sự phát minh ra công nghệ dựng video phi tuyến tính, biên tập âm thanh số đã thay đổi quy trình sản xuất các chương trình phát thanh truyền hình bằng băng từ, phát minh ra Internet đã làm thay đổi phương thức truyền dữ liệu (ví dụ: một bức ảnh được chụp cách tòa soạn nửa vòng trái đất có thể chuyển về trong vài phút).

Hệ thống thiết bị phát thanh - truyền hình hiện đại cho phép sản xuất những chương trình phát thanh – truyền hình trực tiếp với nhiều không gian sự kiện, với nhiều khả năng tương tác dân chủ hơn, thay đổi phương thức truyền thông “một chiều” của phát thanh – truyền hình truyền thống.

Báo trực tuyến cũng thế, ngay từ lúc phôi thai, nó chỉ dừng lại ở hình thức “ấn bản số” trên mạng. Với phát minh tích hợp cơ sở dữ liệu trong ngôn ngữ world wide web, người ta đã xây dựng được các phần mềm quản lý online để làm phương tiện phát hành. Phương tiện này đã nhanh chóng tạo ra ưu thế của đặc trưng phi định kỳ của báo trực tuyến, khai thác thế mạnh này một cách hiệu quả.

Internet băng thông rộng phát triển làm nảy sinh ở nước ta nhu cầu tiếp nhận truyền thông đa phương tiện, trong đó đặc biệt đáng chú ý hình thức video-on-demand và IPTV.

Với sự phổ thông và đã được chuẩn hóa của giao thức IP trên phạm vi toàn thế giới, việc cung cấp các chương trình truyền hình trực tuyến trở nên dễ dàng, không phụ thuộc vào phạm vi địa lý, có thể được xem bất cứ lúc nào với chiếc máy vi tính có kết nối Internet băng thông rộng hoặc thậm chí với chiếc máy điện thoại di động.

Nhưng, thành tựu công nghệ của internet có làm mất đi vai trò của báo in, sách giấy hay nó sẽ bổ sung và tích hợp lẫn nhau?

Câu trả lời không hề dễ dàng.

Có giả thuyết cho rằng sách in, báo in sẽ chỉ còn như một hiện tượng thứ yếu trong sinh hoạt truyền thông và văn hoá của nhân loại 20 năm nữa mà thôi. Cũng có thể con người sẽ tạo ra một sản phẩm sách, báo online có hình thù y như cuốn sách, tờ báo hiện nay. Biết đâu ngày nào đó mình sẽ có một tờ báo giấy “điện tử” mỏng như tờ báo thiệt, đặt trên đầu giường, cuốn theo mang lên xe buýt, thậm chí khi trời nóng có thể dùng làm quạt… và chỉ cần “bấm bấm” thì nó sẽ hiện ra nội dung số báo, ngày báo y như báo thiệt bây giờ.

Còn các bạn, các bạn dự đoán thế nào?

Nhãn: