Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2007

NẾU MỘT NGÀY KHÔNG CÓ TIN

Image

Người làm thời sự truyền hình sợ nhất cái gì? Đó là một trong những câu hỏi nhà báo Hoàng Công Minh – trưởng phòng thời sự Đài PTTH Đồng Nai - đặt lại cho tôi khi hỏi anh về một ngày làm việc bình thường của mình. Và anh tâm sự…

Nỗi lo thiếu tin

Từ năm 2005, truyền hình Đồng Nai đã làm thời sự trực tiếp ngày 2 buổi (bản tin trưa và chương trình thời sự tối). Công nghệ trực tiếp giúp chúng tôi đưa tin nhanh, nóng và đỡ cực trong khâu hậu kỳ. Bản tin sinh động hơn. Nhưng làm thời sự trực tiếp là phải chờ tin. Sự kiện diễn ra buổi sáng thì đưa tin nhanh, ngắn cho bản tin trưa. Bản tin chiều thì phát triển tin đó sâu hơn. Nhưng không phải ngày nào tin cũng có đầy đủ cho một bản tin. Tất nhiên chúng tôi cũng phải chuẩn bị kế hoạch từ ngày hôm trước, từ cả tuần trước, tháng trước cho những sự kiện trọng tâm. Thế nhưng, không phải ngày nào các sự kiện thời sự cũng diễn ra sôi động. Có ngày quá nhiều sự kiện. Có ngày sự kiện sôi động nhưng diễn ra ở nhiều địa phương giống giống nhau (khai trường, tuyển quân, bầu cử chẳng hạn). Có ngày nhân lực của phòng thời sự phải chia sẻ cho các hoạt động khác của Đài. Điện thoại của phòng vào thời điểm gần tới giờ phát sóng dương như nóng lên vì chúng tôi phải gọi liên tục cho các phóng viên đang tác nghiệp, các Đài truyền thanh huyện, thị xã, thành phố, các CTV ban ngành để giục tin. Nỗi lo thiếu tin trong nhiều trường hợp lại rơi vào các ngày thứ bảy, chủ nhật. Nhưng do quen với việc này nên chúng tôi cũng đã có cách bố trí hợp lý (có hàng nằm, có phân người để bản tin 2 ngày cuối tuần không khô. Nhưng dù sao, những thời điểm trước giờ phát sóng là thời điểm mà nỗi lo lên cao vì sợ một tin quan trọng (như tin chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng tại tỉnh mình mà anh em đưa về không kịp hoặc có sự cố hình ảnh v.v…). Nỗi lo này chỉ có những người trong nghề mới hiểu. Khi một sự kiện tai nạn giao thông lớn xảy ra trên địa bàn, báo trực tuyến đưa hình ảnh và cập nhật liên tục mà anh em đài huyện mình đưa hình ảnh về không kịp là tái mặt! Nhưng đó chưa phải là tất cả nỗi lo.

Nỗi lo ngày nghỉ, Tết

Làm thời sự truyền hình sợ nhất là thời điểm những ngày lễ, Tết. Đó là ngày mà các cơ quan, ban ngành nghỉ lễ, nhân dân vui chơi. Tin “chính thống” khó khai thác được. Ngày Tết, báo in cũng không ra các số bình thường vì sau số báo Xuân là họ nghỉ hơn một tuần mới ra số tân niên. Mà ngay cả khi có báo in thì cũng chỉ khai thác có mức độ vì bản tin truyền hình khác bản tin phát thanh, phải có hình ảnh, chẳng lẽ đọc chay suốt một chương trình.

Cũng trong những ngày lễ Tết, anh chị em phóng viên cũng có nhu cầu dành thời gian cho gia đình, bắt anh em trực thời sự cũng xót, trong khi đó, đây là thời điểm mà khán giả coi truyền hình nhiều vì họ có thời gian sum họp trong gia đình. Nhiều anh chị em do… sợ bị gọi đi công tác đột xuất thường tắt di động. Khi nghe có một sự kiện nào diễn ra, chẳng hạn một vụ ngộ độc, một vụ tai nạn giao thông… trưởng phó phòng thời sự phải cân nhắc để chọn anh em nào đi. Đây cũng chính là nỗi lo, nỗi khổ của người trực thời sự. Cách khắc phục của chúng tôi là chuẩn bị hàng nằm. Nhưng thời sự vẫn là thời sự. Vì thế, nỗi lo tin cho ngày lễ, Tết quả là nỗi lo mà “không nói ra không ai biết”

Nỗi lo sự kiện lớn

Hằng năm, chúng ta vẫn thường có những sự kiện lớn diễn ra trong một ngày, hoặc một chuỗi ngày. Những sự kiện bình thường như ngày khai giảng, ngày tuyển quân, ngày bầu cử… làm nhiều năm thì cũng có kinh nghiệm xử lý như làm sao cho việc đưa tin toàn diện các địa bàn, làm sao biên tập cho bản tin có tiếng nói các tầng lớp nhân dân, các đối tượng xã hội, các ngành tham gia trong sự kiện, thậm chí có đầy đủ các đồng chí lãnh đạo tham gia v.v…. Nhưng gặp những sự kiện đột xuất như lũ lụt, APEC, SEAgames chẳng hạn… nỗi lo của người làm thời sự là làm sao tổ chức cho thông tin nhanh, nóng và toàn diện, hiệu quả.

Tất cả là một bài toán không dễ, vì bài toán ấy phải được đặt thêm các thông số khác như khả năng nhân lực, thiết bị và điều kiện truyền dữ liệu.

***

Làm thời sự truyền hình chẳng ngày nào giống ngày nào. Mỗi ngày là một tìm tòi khám phá. Song ngoài những giờ phút căng thẳng, chúng tôi vẫn có những phút giây cùng nhau vào buổi sáng để nhìn lại những chương trình ngày hôm qua và bàn bạc cho chương trình hôm nay. Thật hạnh phúc khi những bản tin mình đã vượt qua khó khăn để đưa kịp đến khán giả.
Image


Blog Page

Nhãn:

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2007

VÀ ĐẦU NẬU ĐÃ TẠO RA NHỮNG TÁC GIA




1.

Một tay kỹ sư điện tử, học tại chức, thất nghiệp, được tiếp cận một phần mềm biên tập âm thanh từ một khóa học vi tính, do thời gian rảnh rỗi, anh ta viết lại bài học (vốn chỉ có tính chất hướng dẫn thao tác) rồi chụp lại màn hình máy tính để minh họa kiểu thị phạm. “Tài liệu” này sau đó được bán cho một nhà xuất bản ngành (thông qua đầu nậu). Cuốn sách được in ra. Sách rất dày nhờ ảnh chụp màn hình quá nhiều, còn lại là phần hướng dẫn thao tác. Nội dung phần anh ta “biên soạn” này chưa được 50% thông tin có sẵn trong phần hướng dẫn (help) bằng tiếng Anh được tích hợp với phần mềm ấy. Nhưng điều đáng nói là phần anh ta “biên soạn” lại sai nhiều kiến thức và cách dùng từ, thuật ngữ. Người thầy từng dạy anh ta học vi tính đưa cho tôi coi cuốn sách và lắc đầu.

Rất nhiều cuốn sách cũng có “lịch sử hình thành” tương tự. Những người biên soạn không phải là người giỏi học thuật, chuyên môn mà… nhạy bén với thị trường sách. Không có gì khó khăn để chứng minh rằng nhiều cuốn sách tham khảo cho học sinh phổ thông đều lấy đề, bài tập từ sách giáo khoa, sách bài tập để giải, hầu như không có một hướng dẫn hay gợi ý nào để học sinh tự trả lời. Và nội dung giải đáp các câu hỏi trong những loại sách này thì có không biết bao nhiêu chuyện cười ra nước mắt mà báo chí (đặc biệt là cô Tú của báo Tuổi Trẻ Cười) cũng nói đến nhưng không thể nào nói hết.

Nhiều cuốn sách tham khảo, sách công cụ được làm bằng công nghệ copy – paste: lấy cuốn này một phần, cuốn kia một phần để “làm mới” với tên gọi thật kêu! Thậm chí có trường hợp sử dụng nguyên xi nội dung một cuốn sách tham khảo đã in để tái bản với tên gọi câu khách mới, tại một nhà xuất bản khác.

Những nhà giáo chân chính, cả đời làm sư phạm, có nhiều kỹ năng chuyên môn giỏi đã nhiều lần lên tiếng bất bình về những cuốn sách “tham khảo” kiểu đó. Họ cho rằng đó là những cuốn sách phá hỏng giáo dục: tạo tâm lý đối phó trong học tập thi cử, tạo ra hình thức học vẹt, văn mẫu, không chỉ sai kiến thức nặng mà còn đi ngược lại với sách giáo khoa… Đó là những ấn phẩm đi ngược lại chủ trương của cả nền giáo dục!

2.

Có những nhà báo do có điều kiện tài chính (được đại gia hỗ trợ, do có chức vụ nên sử dụng nguồn ngân sách hoặc gia đình có thu nhập cao) cũng bỏ tiền làm sách bằng cách tập hợp thơ, bài viết của mình. Nhiều cuốn sách được in rất đẹp, trang bìa 4 có hình ảnh, bút tích của tác giả một trông rất hoành tráng. Nhưng ai lỡ đọc rồi thì phải giật mình mà thốt lên: làm sách thế này thì ai chẳng làm được, làm sách thế này thì xúc phạm câu chữ thánh hiền quá đỗi.

Có người làm sách do nhu cầu đánh bóng bản thân nhưng cũng có không ít người làm sách vì tiền. Họ ý thức rất rõ sách của họ không có giá trị thông tin, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, giải trí, nhưng họ có “kênh phát hành” để kiếm một khoản lời lớn. Có một ông nhà báo chuyên đẩy sách về các xứ đạo ở Đồng Nai do mối quan hệ với các linh mục chánh xứ. Có một “nhà thơ” chuyên ép các thư viện trường học mua thơ mình (vốn sản xuất rất nhanh) nhờ quen biết phó giám đốc Sở…

3.

Đi vào các nhà sách, cửa hiệu sách bây giờ, có cảm giác như đi lạc vào giữa một rừng sách tham khảo và sách công cụ của nhiều tác giả, nhiều nhà xuất bản. Sách tham khảo, sách công cụ vẫn tràn ngập cho dù đã có biết bao bài viết phân tích tình trạng thả nổi mảng sách này.

Một người học tiếng Anh sẽ thật sự hoang mang không biết chọn cho mình bộ sách nào để mua vì quá nhiều cái tựa, mà tựa sách dường như là cái người ta làm kỹ nhất vì mục tiêu… bán sách. Mỗi một môn học có ít nhất từ 3, 4 đầu sách tham khảo. Các môn cơ bản và các môn có thể thi Tú tài như toán, văn, ngoại ngữ, vật lý, hoá học có số lượng sách tham khảo nhiều với hàng chục đầu sách. Nào những bài văn mẫu, các bài tập chọn lọc, luyện thi đại học (về toán, lý, hoá, tiếng Anh…), nào những sổ tay, bí quyết, hỗ trợ kiến thức v.v… nhan nhản. Tâm lý phụ huynh và học sinh là “đọc lầm hơn bỏ sót” vì muốn có càng nhiều sách phục vụ cho việc học để “bằng anh bằng chị” nên dù xót xa số tiền bỏ ra cũng ít khi dũng cảm bỏ qua sách tham khảo… Học sinh nào may mắn có thầy cô hướng dẫn thì chuyện mua sách tham khảo đỡ bị lạc vào mê hồn trận, nhưng phần lớn đều bỏ ra số tiền gấp 3,4 lần tiền mua sách giáo khoa. Công bằng mà nói trong số những sách tham khảo, cũng có những cuốn sách tốt, song, số học sinh tiếp cận được sách tốt rất ít, đa số là những sách chất lượng kém, thậm chí có không ít sách rất có hại.

Sách tham khảo, sách công cụ thường do những nhóm làm sách “đại gia” chi phối các nhà xuất bản ngành, địa phương. Lợi nhuận là mục tiêu số một của họ. Những cuốn sách này có đặc điểm giống nhau: giá cao (người mua gánh) và chiết khấu cao (lợi thế phát hành để kích thích người bán). Sách đầu tư ít, in ấn ẩu, sử dụng cỡ (size) chữ lớn, dàn trang thưa dòng, chừa nhiều khoảng trắng để sách có nhiều trang, dễ đưa giá lên... Sách tham khảo là sách giáo dục để giúp học sinh tự học, hiểu sâu thêm kiến thức. Vì sao những sản phẩm văn hoá - giáo dục kém chất lượng lại có thể phát hành tràn lan trên thị trường như vậy?

***

Lâu nay, chúng ta mới chỉ xử lý những cuốn sách in lậu, in nối bản, hoặc sai về chính trị, sai về thuần phong mỹ tục, lối sống, chứ chưa bao giờ xử lý sách kém chất lượng. Vì sao những cuốn sách kém chất lượng ra đời mà những người chịu trách nhiệm xuất bản, những người viết sách không hề hấn gì?

__________________________

Ảnh minh họa khai thác từ internet, nguồn:

http://www.census.gov/pubinfo/www/multimedia/img/reading-hi.jpg


Nhãn:

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2007

"SAO" PHẢI KHÁC NGƯỜI THƯỜNG?




(Chuyện vui dọc đường tác nghiệp)

Năm đó, tôi được giao tổ chức sản xuất một chương trình giải trí cho Đài Đồng Nai. Một trong những phần nội dung của chương trình này là các video clip tiểu phẩm (dùng thủ pháp sân khấu để thay đổi không gian câu chuyện trong chương trình vốn được thực hiện ở trường quay). Chương trình lên kế hoạch phát liên tục 16 số. Và phần tiểu phẩm này cũng phải thu trước, các diễn viên nổi tiếng cũng xen kẽ nhau đóng cho bớt đơn điệu khi phát sóng. Việc thu hình này tổ chức trong nhiều ngày và theo kiểu sitcom con nhà nghèo.

Một bữa, khi đang thu hình videoclip có một diễn viên nữ khá nổi tiếng (xin được gọi tạm là X) đóng, cả ê-kíp phải giải lao hoài, không phải do chị quên “lời thoại” mà chị xin… đi ngoài liên tục. Thu hình theo kiểu con nhà nghèo nên bỏ khâu lồng tiếng và thu tiếng trực tiếp, chúng tôi phải xài mic không dây, gắn thật chắc vào túi quần diễn viên (việc này do một chị nhân viên âm thanh đảm trách).

Bộ thu phát tín hiệu được các diễn viên đeo vào người vẫn có nút on/off để tắt mở, nhưng khi đi vào WC gần đó, diễn viên X lại quên tắt. Trong một lần như thế, nhân viên âm thanh của chúng tôi cũng lại bỏ ra ngoài hút thuốc, quên kéo cần gạt tín hiệu của diễn viên X xuống mà theo nguyên tắc của chúng tôi, việc của ai người nấy làm, không “can thiệp’ vào máy móc thiết bị người khác. Thế nên đang nghỉ xả hơi, nhóm đạo diễn, biên tập, VTR bỗng nghe “xòa” một cái rõ to: tiếng kéo nước từ toa-lét vọng ra. Và liên tiếp sau đó là các loại âm thanh kích thích trí tưởng tượng của cả nhóm đang ngồi ở khu vực khống chế. Hàng loạt những câu đoán già đoán non vang lên…

Nào là loại dây kéo đến chuyện sáng nay diễn viên X ăn gì. Nhưng tất cả đều chỉ dừng lại chuyện đoán mò và không có ai dám làm trọng tài cho cuộc tranh cãi: “Sao” đi WC khác người bình thường hay hôm đó “sao’ X có chuyện khác thường?


Nhãn:

Thứ Hai, 26 tháng 11, 2007

CHUYỆN CHƯA VIẾT ĐOẠN KẾT




Lịch làm việc của tôi ở Sóc Trăng bắt đầu vào sáng thứ hai (19/11) nên tôi phải về thành phố này trước một ngày. Nhưng cái ngày chủ nhật ấy lại quá nhiều đám tiệc và cuộc họp mặt bạn bè phổ thông (thường niên) nên bị trễ chuyến xe. Tôi chọn chuyến xe Cà Mau khởi hành 20 giờ từ xa cảng miền Tây.

Theo “giao kèo”, tới Sóc Trăng, sẽ có người đón tôi trong buổi tối. Biết tới nơi sẽ trễ, tôi quyết định di dộng để báo tin khi vừa lên xe. Oái ăm thay, di động cả ngày “làm việc” lúc đó lại hết pin nên không gọi được. Dưới Sóc Trăng, người ta cũng chờ tôi tới khuya không thấy xuống và gọi lại cũng chẳng được, mọi người nghĩ chắc tôi sẽ đến vào sáng sớm hôm sau.

Kẹt phà, tắc đường, gần 2 giờ sáng tôi mới đến nơi. Đi vào điểm hẹn số 2 Trần Quang Diệu bằng xe ôm, tôi bấm chuông, gào to nhưng chẳng ai ra mở cửa (Đây là cơ quan nhà nước nhưng bác bảo vệ ngủ sâu quá nên không nghe thấy).

Thành phố Sóc Trăng giấc 2 giờ sáng vắng ngắt. Một tay kéo valy, một tay giữ cái laptop, tôi đi bộ lang thang tìm khách sạn. Thấy biển Nhà nghỉ công đoàn, tôi bấm chuông nhưng không có tiếng trả lời.

Bỗng, một chiếc xe đạp từ sau vượt lên và dừng lại trước tôi. Mừng quá, có người để hỏi rồi:

- Chị cho hỏi gần đây có khách sạn nào không ạ?

- Anh lên xe em chở về khách sạn em đi!

Tôi nhìn kỹ người phụ nữ kỳ lạ đó. Linh tính mách bảo có điều gì bất thường, tôi buột miệng:

- Xe đạp chị làm sao mà chở cả va ly đồ đạc và tôi cho nổi?

- Được mà, anh cứ lên đây em chở hết. Về nhà trọ của em, anh em mình ôm nhau ngủ…

Nghe đến đây, tôi tá hỏa. Phản xạ đầu tiên là nhìn lại mớ tài sản cá nhân mình mang theo. Và…

Theo bạn, thì sau đó tôi đã làm gì?

Image

Xe lôi, xe ôm là phương tiện chuyên chở phổ biến ở thành phố này (Ảnh chụp ngoài cổng chùa Dơi)

Blog Page


Nhãn:

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2007

TRẢ LỜI PHỎNG VẤN THẰNG CON

Cu Ruốc nhà tôi hôm qua bất chợt làm một cuộc phỏng vấn ba mẹ, xin ghi lại nguyên văn:

1.

+ Mẹ ơi ba mình có vợ chưa mẹ?

- Ơ, sao con hỏi buồn cười thế. Ba chưa lấy vợ thì làm sao đẻ ra con và chị Hai được…

+ Thế vợ của ba là ai?

- Thì con hỏi ba đi!

2.

+ Ba ơi ba, ba có vợ chưa ba?

- Sao con lại hỏi vậy?

+ Thì con hỏi khi nào ba lấy vợ để con được đi ăn đám cưới…

- Con thích ba lấy vợ lắm hả?

+ Đúng rồi!


Image



3.

+ Sao anh lại trả lời con vậy?

- Lớn nó khắc biết mà


Nhãn:

Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2007

THƯ NGỎ GỬI BÁC HỨA




Chiều nay, VietnamNet đăng bài "Tương lai của phát thanh là đa phương tiện" trong mục Tuần Việt Nam. Nội dung bài viết được giới thiệu từ lời dẫn là câu chuyện của ông Đào Duy Hứa - Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) để độc giả có được góc nhìn toàn diện và chân thực hơn về diện mạo phát thanh hiện nay”.

Càng đọc, càng bất ngờ. Chợt thấy “ngứa” chuyện nghề nên viết vài dòng này “tra tấn” bạn bè mình vậy. Những phần in nghiêng trong ngoặc kép của bài này là lời của ông Đào Duy Hứa được trích từ bài nói trên

THƯ NGỎ GỬI BÁC HỨA

1/ Trước hết, tôi đồng ý với quan điểm của ông Đào Duy Hứa rằng “phát thanh hiện vẫn là kênh thông tin tuyệt vời”“ở những nước văn minh, phát thanh được khai thác rất hiệu quả”. Tuy nhiên, theo tôi, do Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, nếp sống “quá bận rộn khiến họ không có thời gian xem truyền hình” chưa thực sự diễn ra như phương Tây, mà truyền hình thì ngày càng mở rộng vùng phủ sóng, diện phủ sóng, kênh sóng và chuyển đổi nội dung hấp dẫn, nên thực tế, phát thanh có bị lấn lướt. Ông Hứa “tin rằng” lượng thính giả (phát thanh Việt Nam) cũng đông đảo “chẳng kém lượng khán giả truyền hình”. Nhưng đấy chỉ là niềm tin vì điều ông chứng minh không thuyết phục và khoa học. Không thể nhận diện thính giả phát thanh Việt Nam (ít nhất trên các chỉ số xã hội học) thông qua chuyện người dân nghe phát thanh trên xe buýt hay chuyện bà con dân tộc thiểu số tập trung nghe đài. Khi ông Hứa cho rằng: “Trung bình mỗi ngày, VOV nhận được 500 thư của thính giả gửi về, chưa kể những phản hồi qua email hoặc qua đường điện thoại. Có thể nói đây là con số kỷ lục đối với đài phát thanh quốc gia từ trước đến nay” thì tôi thật sự không biết bình luận gì thêm. Đài Tiếng nói Việt Nam hiện có 6 hệ chương trình gồm 4 hệ chương trình đối nội, 2 hệ chương trình đối ngoại với tổng thời lượng 151 giờ phát sóng mỗi ngày. Trong đó, có quá nhiều chương trình đón nhận thư thính giả, từ giải đáp thắc mắc nông nghiệp, y học, pháp luật, kiện thưa… đến yêu cầu ca nhạc, các chương trình thiếu nhi hằng ngày mà 500 lá thư so với dân số 80 triệu liệu có thành kỷ lục? Xin cung cấp thêm cho ông một vài con số: nhiều blog của các bạn trẻ ở Việt Nam hàng ngày trung bình có 10000 lượt truy cập, một trận bóng đá được tường thuật trên truyền hình VTV đã có trên 30000 tin nhắn tham gia dự đoán, một games show về đấu giá của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội cũng có con số tương tác qua tin nhắn tương tự.

2/ Lại nói thêm chuyện công nghệ: Bàn trộn (mixer) nhiều đường (32 đường) không là công nghệ gì to tát. Trong thực tế những studio của tư nhân ở thành phố Hồ Chí Minh đã có từ rất lâu. Và bàn trộn này chỉ được khai thác mạnh trong việc sản xuất các chương trình phát thanh cần chất lượng âm thanh cao như ca nhạc (với nhiều đường tín hiệu cho nhiều giọng, nhiều nhạc cụ) chứ trong làm thông tấn (như thời sự, chuyên đề) và việc phát sóng mono (kênh AM) thì số lượng đường tiếng cho bàn trộn nhiều không có ý nghĩa lớn. Bản thân một chiếc máy vi tính với phần mềm hiện đại có thể trở thành một bàn trộn tuyệt vời với hàng trăm đường tiếng và nếu biết khai thác tốt. Đó là công cụ đa năng hơn bàn trộn 32 đường ông nhắc đến như một thành tựu kỹ thuật lớn của VOV.

3/ Công nghệ sản xuất phát thanh hiện nay VOV đang áp dụng không phải “hoàn toàn trực tiếp” như ông Hứa nói. Ở đây có thể chưa có sự thống nhất về khái niệm “trực tiếp” (live). Nếu hiểu phát thanh trực tiếp là cách làm phát thanh theo hướng mở, tương tác cao, sống động, thính giả cùng tham gia chương trình như một đồng chủ thể thì VOV áp dụng chưa nhiều, chưa tốt. Hoặc nếu hiểu phát thanh trực tiếp theo góc độ thuần túy công nghệ thì điều ông Hứa nói cũng không đúng. Một chương trình ca nhạc theo yêu cầu trực tiếp thì chỉ có phần giới thiệu, nối kết ý kiến thính giả là “trực tiếp”, còn các bài hát đã được thu trước trong đĩa, trong băng chứ làm gì có “hoàn toàn trực tiếp”

4/ Về phát sóng, đúng là VOV đang được nhà nước đầu tư lớn để trở thành “mạnh nhất khu vực". Nhưng vấn đề lớn của phát thanh hiện nay không chỉ là chuyện quy mô phát sóng, khi hạ tầng viễn thông và internet đang hỗ trợ khá mạnh phát thanh, mà là vấn đề HIỆU QUẢ.Cần thấy rằng, số hóa sản xuất chương trình phát thanh ở Việt Nam đã được làm rồi, hơn 10 năm rồi. Nhiều đài địa phương đã sản xuất và truyền dẫn tín hiệu đến máy phát các chương trình phát thanh bằng công nghệ phi tuyến tính từ những năm cuối của thập niên 90 (thế kỷ trước). Thậm chí, một số đài địa phương còn đi trước VOV trong ứng dụng này.

Việc phát “sóng” số ở Việt Nam đã diễn ra bằng con đường… internet và ăn theo truyền hình số mặt đất, truyền hình số vệ tinh. Nhiều trang web ở Việt Nam đã streamming các kênh chính của Đài, có điều, tín hiệu được đưa vào web được thu lại qua sóng analog nên chất lượng chưa cao. Một số trang web báo chí ở Việt Nam điển hình như Radio online của báo Tuổi Trẻ đã phát “sóng” số.Việc một số kênh phát thanh của VOV được đưa chung vào nhóm kênh của truyền hình số vệ tinh VTV (DTH) cũng là một nỗ lực mở rộng cánh sóng, song, chắc chắn nó không hiệu quả. Vì chẳng ai mắc truyền hình số vệ tinh để nghe radio bằng máy thu hình!

Tôi không biết căn cứ vào đâu để ông Hừa cho rằng “không thể nói phát thanh Việt Nam chậm trễ trong đổi mới công nghệ bởi tại thời điểm này, VOV là đơn vị phát thanh đứng đầu khu vực về kỹ thuật số”. Và, ông còn dự báo rằng, “đến năm 2015, chậm nhất là đến năm 2020, về cơ bản, phát thanh truyền hình sẽ không còn phát analog nữa mà chuyển hoàn toàn sang số”. Đọc tới đây, tôi thực sự hoang mang về cách ông hiểu “phát thanh số” trong xu thế tích hợp công nghệ, xu thế truyền thông đa phương tiện như ông nói ở cuối bài. Hoang mang bởi vì ông là Phó Tổng Giám đốc phụ trách kỹ thuật của Đài phát thanh quốc gia.Ông nói rằng phát thanh số chưa triển khai được do nó quá tốn kém. Máy thu phát thanh số có giá từ 200 – 300 USD. Thoạt nghe có vẻ có lý. Nhưng thực tế, hiện nay trên thế giới chẳng ai sản xuất máy thu tín hiệu số phát thanh làm gì, cũng chẳng ai triển khai phát thanh số mặt đất làm gì. Internet không dây (wifi) ngày nay ngập tràn các đô thị ở Việt Nam. Công nghệ wimax cũng sắp được triển khai mạnh ở Việt Nam trong vòng vài năm tới. Lúc bấy giờ, các thiết bị có kết nối internet như cái di động của một học sinh phổ thông cũng thu được phát thanh số. Và không chỉ là phát thanh, còn có cả báo online, truyền hình online đủ các dạng thức. Theo tôi, VOV không cần phải lo hạ tầng viễn thông như cách làm cũ nữa mà chỉ lo đổi mới nội dung cho phù hợp với xu thế công nghệ và nhu cầu của thính giả. Cái đó mới là yêu cầu sống còn.

***

Viết đến đây, tôi chợt nhớ lại cách nay chưa đầy 10 năm, những tờ báo phát hành trên mạng đầu tiên vẫn mang tư duy định kỳ của báo in vào truyền thông trực tuyến. Báo online lúc bấy giờ là phiên bản delay của báo giấy, có ghi số báo, ngày ra báo hẳn hoi. Hiện nay, có vẻ như nhiều người vẫn mang tư duy xây dựng những cột antenna hoành tráng để “phủ sóng số” cho cuộc “đổi mới” phát thanh?

Blog Page


Nhãn:

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2007

CHƯA THẤY SÓC ĐÃ GẶP TRĂNG




CHƯA THẤY SÓC ĐÃ GẶP TRĂNG

Sóc Trăng mới lên thành phố từ đầu năm. Cư dân thành phố trẻ tuổi này chưa quen nếp sống thị dân. Hơn Trà Vinh thị xã, Sóc Trăng đã có taxi, nhưng xe ôm vẫn là phương tiện di chuyển chính và không khó tìm bất cứ lúc nào..

Image

Người dân Sóc Trăng hiền hòa đón chờ sự chuyển mình của mảnh đất trung tâm này theo hướng đô thị công nghiệp bằng những lời tự hào về các công trình đang xây dựng. Sóc Trăng không xanh như Trà Vinh, không hoành tráng phố thị như Cần Thơ, không phong phú dịch vụ như Sài Gòn, tất nhiên. Nhưng thấy ở đây ló dạng một chút Sài Gòn, một chút Cần Thơ, một chút Biên Hòa và một mớ nông thôn. Đi trên phố cứ sợ sợ Sóc Trăng lại trở thành một bản sao của Cần Thơ...

Image

Ở khu vực trung tâm, tìm chỗ ăn sáng cũng mỏi chân và mắt. Cà phê wifi cả thành phố có 2 quán. Entry này được post từ cà phê “Quê Tôi”. Quán cũng hoành tráng, bán cơm văn phòng nhưng không đông khách. Phong cách quán rất Sài Gòn

Image

Các em phục vụ mặc đồng phục áo trắng, váy đen. Váy không dài (nhưng chân dài). Nói chung đó là một quán cà phê dễ chịu nhất tôi gặp ở thành phố này. Trừ nhạc. Sến không chịu nổi, thỉnh thoảng một cô phục vụ cao hứng cất giọng thật to “đim đim ngửi mùi hương, mùi hoa sứ nhà nàng” theo ca sĩ trong đĩa nhưng lạc giai điệu cứ như một hình thức hòa âm mới.

Image

Sóc Trăng – mảnh đất cộng cư của 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khemer đang vào mùa lễ hội Ooc-om-boc cổ truyền, thứ bảy này có đua ghe ngo. Một triển lãm – hội chợ cũng đang diễn ra ở đây. Có vẻ du lịch Sóc Trăng ngày càng thu hút thêm du khách, dù chùa Dơi đã bị cháy và đang chuẩn bị xây dựng lại.

Image


Những cây nến khổng lồ của chùa Đất Sét (Bửu Sơn tự) vẫn âm thầm cháy hết mình.

Image


Nhưng phải ráng chụp cạnh cây nến chưa đốt cho bà con biết nó to như thế nào và cho vợ tin là mình có đi Sóc Trăng thiệt

Image


Ngoài Tết Chol Chnam Thmay, lễ hội quan trọng trong năm của người Kh’mer ở đây là Ooc-om-boc. Nghe nói trong lễ hội này có nghi thức Cúng trăng (lễ Đút cốm dẹp), vật cúng cốm dẹp là lúa mới để tạ ơn thần mặt trăng đã điều hòa nước các dòng sông chảy ra biển. Lễ hội này diễn ra đúng ngày rằm tháng 10 âm lịch.

Có vẻ như trăng xứ Sóc này tròn hơn trăng nhà!

Post thêm tấm hình tiết mục thi vẽ bụng (trong hình là nhân vật Bao Công) của học sinh trường trung học Văn hóa – Nghệ thuật Sóc Trăng nhân 20/11 hôm qua cho anh chị em giải trí tí:

Image

Có nhiều chuyện để viết nhưng đang vội vì công việc, sẽ thêm nội dung sau…
Blog Page

Nhãn:

Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2007

VĂN HÓA QUẢNG CÁO




VĂN HÓA QUẢNG CÁO

Gần đây trên VTV thấy có một mẩu quảng cáo thuốc với cái sờ - lâu – gân như sau:

Thuốc ho P/H – Thuốc Nam mà hiệu quả

Có thể “diễn Nôm” cái ý của khẩu hiệu quảng bá đó: “Mặc dù là thuốc Nam, nhưng thuốc ho P/H rất hiệu quả”. Và có thể suy diễn thêm cái ý lấp ló trong khẩu hiệu quảng bá đó: Thuốc này rẻ như thuốc Nam (tức là thuốc cây nhà lá vườn).

Theo logic của khẩu hiệu quảng cáo này thì có thể thấy cách lập luận của nhà quảng cáo dựa trên tiền đề “thuốc Nam chữa trị không hiệu quả”.

Ở đây, khái niệm “thuốc Nam” cũng còn cần phải bàn vì trong cộng đồng hiện nay, cách hiểu này chưa thống nhất. Đại đa số dùng “thuốc Đông dược” trong tương quan “đối trọng” với “thuốc Tây” (sau này còn gọi là “thuốc tân dược”). Và khái niệm “thuốc Nam” trong tương quan với “thuốc Bắc”. Thuốc Nam và thuốc Bắc đều là Đông dược nhưng thuốc Bắc thì “bác học” hơn, nghĩa là được chế biến theo y lý, dược điển Trung Hoa, và cả Việt Nam (Việt Nam cũng tự hào có một nền y học cổ truyền lớn với các tên tuổi như Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Tuê Tĩnh…). Thuốc Bắc hay thuốc Nam đều sử dụng dược liệu là thực, động vật cả, nhưng “thuốc Nam” không được chế biến thành vị, không được đúc kết lý thuyết để cho ra phương thang, chủ yếu dùng trực tiếp nguồn dược liệu thiên nhiên và cách chữa theo kinh nghiệm dân gian.

“Thuốc Nam” còn nhiều cách hiểu khác

Thôi thì món này mình không chuyên nên cũng không dám bàn, nhưng cái khẩu hiệu quảng cáo ấy nghe hàng ngày nó cứ khó chịu làm sao. Mới nghe, cứ tưởng nhà thuốc này đang nỗ lực hưởng ứng chủ trương “dân ta dùng thuốc của ta, dược liệu của ta”, hoặc chủ trương “Đông – Tây y kết hợp”. Và tôi cũng không nghĩ rằng khẩu hiệu này mượn cớ đánh vào tâm lý vọng ngoại để khai thác tâm lý ham của rẻ của khách hàng bình dân, nhưng cảm thấy có cái gì không ổn...

Mới đây, một anh bạn làm lương y cho tôi xem tờ gấp quảng cáo của Công ty TNHH Đông dược Phúc Hưng (viết tắt trên sản phẩm là P/H) và giải thích nhiều chuyện chuyên môn tôi không hiểu hết. Nhưng anh có nói: Thành phần dược liệu chính của thuốc này chủ yếu là các vị thuốc được nhập từ Trung Quốc nhưng Phúc Hưng quảng cáo là thuốc Nam. Anh chỉ cho tôi cái cây ngưu tất in trên tờ gấp quảng cáo ấy và nói: “ngưu tất” chẳng có liên quan gì đến chữa bệnh ho, hen cả. Đây là kiểu lập lờ quảng cáo thôi.

Ừ thì nó chỉ là quảng cáo. Nhưng chuyện chữa bệnh liên quan đến sinh mạng con người chứ phải là chuyện chơi đâu? Và tại sao quảng cáo của mình nó kém chuyên nghiệp thế nhỉ? Và tại sao sản phẩm quảng cáo gần đây trên sóng truyền hình nhiều thuốc Đông dược thế nhỉ?

Blog Page



Nhãn:

Thứ Năm, 15 tháng 11, 2007

Entry for November 16, 2007




NÓI SAU LƯNG

Năm 2001, tôi tham gia một khóa đào tạo báo chí viết về kinh tế tại Thái Lan do IMMF (Quỹ Tưởng niệm báo chí Đông Dương) tổ chức. Học viên là các nhà báo đến từ các nước Mianma, Lào, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam. Đoàn Việt Nam già nhất và nhóm Campuchia toàn là phóng viên trẻ.

Trong buổi “welcome party” tối đầu tiên khi các học viên đã tập trung đầy đủ tại Sasa House (trong khuôn viên Đại học Chuala Long Korn) có nhiều quan chức và nhiều nhà báo quốc tế tại Bangkok cùng tham dự, mỗi học viên đều phải lên bục tự giới thiệu và phát biểu ngắn gọn. Ngay sau đó là tiệc đứng và giao lưu.

Tôi để ý, trong lúc giao lưu , các học viên Campuchia đã tỏ ra không mặn mà với mấy thằng “come from” Việt Nam như tôi. Chẳng hạn họ mời anh em Thái Lan chụp hình, trao danh thiếp, không mời "mấy thằng" Việt Nam.

Trong ngày học đầu tiên vào hôm sau, có một số trò chơi và bài tập nhóm (nhóm được phân ngẫu nhiên tùy nội dung) để các học viên làm quen nhau và làm quen cách làm việc trong toàn khóa. Mỗi người đặt cho mình một cái nick dễ phát âm và có ý nghĩa để cả lớp cùng gọi (do tên thật của các bạn Thái rất dài, tên thật các bạn Mianma, Việt Nam rất khó phát âm…). Trong các trò chơi và bài tập chung ấy, tôi cũng cố tỏ ra thân thiện nhưng vẫn có cảm giác như các bạn học viên trẻ đến từ Campuchia không dễ gần.

Chiều hôm đó, trong lúc đi bộ tới nhà ăn, nhóm Campuchia đi trước chúng tôi vài bước, tôi buột miệng nói với anh Hà Mạnh Tường (báo Quân đội Nhân dân), anh Đặng Đức Long (Thời báo Tài chính), và Nguyễn Minh Tuấn (báo Người Lao động) là những thành viên Việt Nam trong lớp: Em thấy mấy cu cậu Campuchia này lành lạnh thế nào!

Mấy anh kia cũng đồng ý với nhận xét đó. Rồi chúng tôi lại thay nhau bình luận đủ thứ chuyện để lý giải nguyên nhân.

Đoạn đường từ chỗ ở tới nhà ăn khá xa nên chúng tôi tranh nhau nói về đề tài “Campuchia” từ chuyện lịch sử, chuyện chiến tranh biên giới đến chuyện con cái các vị quan chức Campuchia hiện nay… đến chuyện “nói xấu” đích danh mấy “chú” Campuchia trong lớp…

Một tuần học trôi qua, tình hình cải thiện hơn. Cuối tuần, Ban Tổ chức lớp học cho cả lớp dự một party trên nhà hàng nổi. Trong lúc ngà ngà say, Lon Nara (báo Phnom Penh Post), một học viên Campuchia trong lớp, cầm ly bia lại gần tôi, sau khi hỏi tôi một số chuyện làm báo ở Việt Nam, anh ta buột miệng nói một câu tiếng Việt lơ lớ:

- Tôi cũng biết tiếng Việt đấy!

Tôi hơi chột dạ. Chẳng lẽ chuyện mình "nói xấu" hôm bữa Nara biết hết rồi?

- Tôi đẻ ra tại Việt Nam à! - Nara nói tiếp - Hôm bữa, mấy anh nói sau lưng về Campuchia, tôi cũng muốn nói chuyện.

Lúc ấy tôi choáng thật sự, đang định nghĩ một câu gì để phân bua, nhưng Nara nói tiếp:

- Mà bây giờ tôi quên tiếng Việt nhiều rồi.

Sau đó, tôi biết thêm, Lon Nara sinh ra tại Trà Vinh và ở Việt Nam đến 5 tuổi thì xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam, anh theo cha về Campuchia. Và trình độ tiếng Việt của anh cũng không giỏi đến mức hiểu được chúng tôi đã “nói sau lưng” thế nào. Anh dùng cụm từ "nói sau lưng" theo nghĩa đen: Hôm đó, nhóm Việt Nam đi sau lưng nhóm Campuchia trên đường tới nhà ăn. Hú hồn. Còn lý do nhóm Campuchia tỏ ra ít thân thiện với chúng tôi dần dần tôi hiểu ra: đoàn Việt Nam toàn những người lớn tuổi, nhìn bề ngoài rất đạo mạo, còn họ thì trẻ hơn nhiều. Những tuần sau bữa tiệc hôm đó, tình hình "cải thiện" hơn. Tôi và Nara đã nói chuyện thường xuyên hơn và có lúc nói với nhau bằng tiếng Việt. Sau này, khi khóa học kết thúc chúng tôi vẫn email qua lại một thời gian.
Câu chuyện trên đây tôi xem như một “bài học nói năng” trong môi trường làm việc “liên quốc gia” mình cần rút kinh nghiệm.

Image

Trong ảnh: Lon Nara (Phnom Penh Post), Nguyễn Minh Tuấn (báo Người Lao động) và bà Sarah Mc Lean – giám đốc dự án của IMMF. Ảnh chụp tại CLB báo chí quốc tế Bangkok.


Nhãn:

Thứ Tư, 14 tháng 11, 2007

ABOUT MY CHILDREN'S NAMES




Entry này được post đã lâu. Hôm nay bận quá, không viết được gì mới, xin phép tái bản có chỉnh lý chút...

SAO KHUÊ KHÔNG CÙ LẦN

Tôi họ Phan. Vợ tôi họ Cù.Ngày vợ tôi mang bầu đứa con đầu lòng, đặt tên con luôn là đề tài tranh cãi sôi nổi. Như bao cặp vợ chồng trẻ và không trẻ khác, chúng tôi đều muốn tên của con mình có dấu ấn của ba mẹ chúng.

Và cũng như cách đặt tên phổ biến, tên con chúng tôi sẽ phải có cả họ ba (phải đứng đầu rồi do chúng tôi không đủ dũng cảm chuyển sang chế độ mẫu hệ), còn họ mẹ sẽ ở vị trí số 2 (mẹ quan trọng thế đứng thứ 2 cũng là thiệt rồi).Chà! Gay go quá. Với "Phan Cù" thì có thể có cái tên gì nghe cho nó xuôi tai. Một danh sách được lập ra với các phương án khả thi:

+ Phan Cù Lần

+ Phan Cù Lét

+ Phan Cù Nèo

Cũng đủ để chọn. Vì tiên chuẩn nhà nước chỉ có hai đứa. Cái tên "Nèo" sớm bị loại vì trùng với tên một người nổi danh lâu rồi (anh Hai Cù Nèo của báo Tuổi Trẻ Cười). Hai cái tên còn lại cũng trung tính đặt cho con trai con gái gì cũng được. Vậy là danh sách này được đề đạt lên để các bậc sinh thành chờ duyệt.…Ông ngoại con bé Sao Khuê nhà tôi rất thích cái ý tưởng đưa họ mẹ vào tên con. Nhưng sau một hồi suy nghĩ, ông đưa ra lý do để lắc đầu:

+ Bố thấy đặt tên con bé đầu là Phan Cù Lần không được. Rủi mai mốt nó học giỏi, nhiều năm liền là học sinh xuất sắc, các phương tiện truyền thông sẽ loan tin. Chẳng lẽ cứ mỗi lần nó lên sân khấu, lên Đài là được giới thiệu: “Sau đây, xin mời em Cù Lần, học sinh xuất sắc nhiều năm liền…”. Còn cái tên Cù Lét, nếu đứa con sau này là con trai (mà là con trai thiệt), rủi nó đá banh hay, thì khổ cho các bình luận viên khi họ phải hét tên nó liên tục trong những pha bóng hay, kiểu như: “Nguy hiểm quá! Cù Lét! Sút đi! Cù Leeeéééééét!”

Và từ đó, Sao Khuê không thể là Cù Lần và An Pha không là Cù Lét!

________________

Bác Huỳnh Thúc Giáp bổ sung thêm mấy cái tên:
- Phan Cù Rù
- Phan Cù Mông (đèo Cù Mông giữa 2 tỉnh Bình Định - Phú Yên)




Blog Page




Nhãn:

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2007

CUSTOMIZE




VỀ ĐẶC TRƯNG CÁ NHÂN HÓA THÔNG TIN TRONG TRUYỀN THÔNG TRỰC TUYẾN

Năm ngoái, khẩu hiệu của hãng LG đưa ra trong một đợt quảng cáo là: “Thay đổi cách xem TV của bạn” (change the way you watch TV). Nội dung quảng cáo cho biết rõ: với công nghệ mới “chúng ta có thể tạm dừng và xem lại chương trình truyền hình bất cứ lúc nào”. Mới nhìn qua, ít ai nghĩ rằng có gì đó liên quan giữa chuyện quảng cáo nói trên với vấn đề báo chí hôm nay. Nhưng theo tôi là có. Khẩu hiệu quảng cáo của LG cho thấy khả năng của công nghệ đang dần làm thay đổi bản chất của truyền thông và phương thức tiếp nhận của công chúng truyền thông hôm nay như một dự báo cách đây gần nửa thế kỷ.

Vì sao? mối quan hệ với người đọc/xem/nghe của cả ba phương tiện báo chí truyền thống là mối quan hệ “một chiều” trong quy trình tiếp nhận thông tin. Chương trình phát thanh và truyền hình luôn được sắp đặt một cách tuần tự, khán thính giả không thể đảo lộn thứ tự này. Ví dụ, chương trình thời sự trên truyền hình HTV9 phát lúc 18 giờ 30, chương trình thời sự của VTV được phát lúc 19 giờ hằng ngày, để xem được thời sự VTV, khán giả truyền hình HTV9 phải đợi hết chương trình thời sự của đài này. Họ không thể vượt qua được thứ tự đó. Với sự phát triển của công nghệ và Internet, bài toán “đa tiếp nhận” của công chúng truyền thông được giải quyết. Nói một cách cụ thể: công chúng báo chí hiện nay có quyền lựa chọn những "thứ" họ thích. Một ví dụ khác: Khi xem một trận bóng đá trực tiếp trên truyền hình, khán giả đều tiếp nhận thông tin đồng bộ (linearity), theo một trật tự tuyến tính. Khán giả phải có mặt tại thời điểm phát sóng. Nếu phải làm một việc khác trong lúc xem đá bóng (ví dụ tiếp khách đột ngột) nhưng trong thời gian đó đã có một bàn thắng đẹp diễn ra. Làm sao xem lại pha bóng đã bị bỏ lỡ? Báo chí hiện đại giải quyết được bài toán đó bằng bằng công cụ cho phép tiếp nhận thông tin không đồng bộ, phi tuyến tính (non-linearity). Phát nhận thông tin không đồng bộ đem đến tiện lợi hơn cho người sử dụng bởi “bản chất con người là vươn đến thông tin không đồng bộ” (Bill Gates).

Lịch sử báo chí chỉ ra rằng sự hình thành và phát triển của một loại hình báo chí thường gắn liền với những phát minh công nghệ. Báo in ra đời đầu thế kỷ XVII sau khi phát minh ra máy in bằng khuôn đúc; Phát thanh ra đời năm 1920 sau khi nhân loại phát minh ra đèn phát sóng; "Báo hình" đầu tiên từ thập niên 1940 cũng nhờ những phát minh công nghệ truyền dẫn trước đó. 1983, người Mỹ sáng tạo ra thuật ngữ “internet” sau khi phát kiến mạng toàn cầu này. Sau đó 4 năm, với sự ra đời của công nghệ world wide web ([1]), Internet mới thực sự phát triển mạnh trên toàn thế giới và báo chí internet (báo chí phát hành trên mạng) đã ra đời. Lịch sử truyền thông cũng chứng minh rằng khi hình thức truyền thông thay đổi thì bản chất của truyền thông cũng thay đổi theo.

Báo chí trực tuyến – loại hình báo chí phát hành trên mạng - đã dần dần làm thay đổi thói quen đọc báo, nghe đài, xem truyền hình theo cách cũ và do đó tác động đến cách thu thập, phân phối thông tin của nhiều loại hình báo chí truyền thống.

Xu thế tích hợp các loại hình truyền thông đại chúng và xu thế hội tụ công nghệ đang là đặc điểm nổi bật của báo chí trong kỷ nguyên Internet. Và yêu cầu của công chúng hôm nay đối với báo chí là: “Tôi muốn (đọc, xem, nghe) những gì tôi muốn, vào thời điểm tôi lựa chọn và theo cách thức của tôi” (I want: what I want, when I want it, the way I want it). Công chúng/người sử dụng báo chí hiện đại không chỉ đơn thuần tiếp nhận nội dung mà còn góp phần xây dựng và gửi nội dung cho cơ quan báo chí, là chủ thể chung của tác phẩm báo chí. Chúng ta đang dần có một mô hình truyền thông mới, mô hình truyền thông dân chủ hơn. Mỗi cá nhân trong kỷ nguyên thông tin này có thể thỏa mãn nhu cầu truyền thông theo ý muốn ngày càng nhiều hơn.

Có người cho rằng đặc trưng cơ bản của truyền thông trực tuyến là tính TƯƠNG TÁC. Tôi không đồng tình với quan điểm này. Bởi phát thanh, truyền hình và báo in có cũng tương tác. Nhưng khả năng cá nhân hóa (customize) là đặc trưng chỉ có ở báo trực tuyến.

Tất nhiên, cá nhân hóa không chỉ là khả năng cho phép công chúng truyền thông tiếp nhận thông tin không đồng bộ mà còn hàng loạt khả năng khác. Khả năng địa phương hóa, khả năng thay đổi màu sắc, giao diện… chẳng hạn.

Các tờ báo trực tuyến lớn trên thế giới như www.bbc.co.uk (của tập đoàn BBC) hoặc www.voanews.com (của Đài Tiếng nói Hoa kỳ) đã xây dựng nhiều phiên bản cho các quốc gia khác nhau với nội dung phù hợp cho các quốc gia đó, tất nhiên, bằng ngôn ngữ chính của quốc gia đó. VOAnews trực tuyến phát hành 62 phiên bản địa phương hóa với 62 ngôn ngữ, con số này với BBC là 33.

Đặc trưng cá nhân hóa thông tin của báo trực tuyến, còn là khả năng cung cấp cho người sử dụng tự trình bày hình thức "tờ báo". (Khi các bạn dùng Yahoo Mash, các bạn sẽ thấy thêm điều này). Về lý thuyết, đó là khả năng cho phép người sử dụng tự thay đổi các module của báo thông qua một phần mềm có nhiều tùy chọn. Người sử dụng thích đọc tin thể thao, họ có thể sắp xếp lại trang chủ để đưa mục tin thể thao vào vị trí họ thích trên trang chủ, hoặc có thể tự thiết kế lại website của một tờ báo trực tuyến nào đó sao cho vừa ý họ: thay đổi kiểu chữ, cỡ chữ, màu nền của trang báo trực tuyến, màu của manchette…

Hiện nay, lý luận báo chí hầu như chưa có những tổng kết rõ ràng hoặc dự báo đầy đủ về đặc trưng này của báo mạng do Internet ngày càng hoàn thiện và phát triển quá nhanh. Nhưng từ góc độ phân tích lý thuyết, có thể thấy, những yếu tố thể hiện khả năng cá nhân hóa thông tin của một báo trực tuyến phụ thuộc vào (1) khả năng sáng tạo của báo và (2) khả năng công nghệ cho phép.

Đặc trưng cá nhân hóa thông tin của truyền thông trực tuyến có thể hiểu là nhóm khả năng đặc biệt của loại hình báo chí này trong việc cho phép người sử dụng có thể tự do lựa chọn thông tin mình cần, vào đúng lúc mình cần (tiếp nhận thông tin không đồng bộ), theo cách thức mình mong muốn…

Đặc trưng này thể hiện sự khác biệt về chất của mô hình truyền thông trực tuyến khi so sánh với truyền thông truyền thống.

([1] ) Người được coi là “cha đẻ” của hệ thống World Wide Web là Tim Berners-Lee

Blog Page

Nhãn:

Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2007

PROFESSIONALIZE MANAGEMENT IN TV ACTIVITIES




TRUYỀN HÌNH: BAO GIỜ CHUYÊN NGHIỆP?

1/ Trong lần đi chào tài trợ một chương trình giải trí cho đài truyền hình tỉnh, anh T.V.T bị đại diện marketing của công ty hỏi: Thế rating bình quân của chương trình này thế nào? Anh T ớ người ra, vì không hiểu “rây - ting” là cái gì. Anh chỉ cố thuyết phục, chương trình này hay lắm, nhiều khán giả gửi thư về Đài khen ngợi, nhiều bạn trẻ điện thoại về xin sang băng v.v… Đại diện công ty được mời tài trợ bảo rằng: Vâng, tôi cũng tin anh nói, đúng là chương trình hay, nhưng tôi muốn biết chỉ số cụ thể, khách quan. Chúng tôi phải tính được một USD tôi bỏ ra tài trợ - quảng cáo trên đài của anh sẽ có ít nhất bao nhiêu lượt người xem v.v…

Rating là một trong những chỉ số đo lượng người xem truyền hình trong tương quan so sánh với nhiều kênh truyền hình khác trong một địa bàn. Cùng với các chỉ số tương ứng, như reach chẳng hạn, và dựa trên số dân của từng vùng, người ta có thể tính được số khán giả xem một chương trình truyền hình.

Câu chuyện của anh T không phải là cá biệt. Trong quá trình hội nhập, các doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam làm marketing và PR càng ngày càng chuyên nghiệp hơn. Đây là những hoạt động gắn liền với truyền thông, nên họ phải biết nhìn truyền thông bằng con mắt chuyên nghiệp, trong khi những nhà làm truyền thông đại chúng thì chưa biết điều đó.

2/ Chị HTN, trưởng phòng tiếp thị của một công ty quảng cáo lớn kể lại: Có lần chị đến Đài truyền hình X. để làm quảng cáo, chị sửng sốt nhìn bảng giá quảng cáo mới quá cao của đài vừa được giám đốc ký chưa ráo mực. Chị được nhà Đài giải thích rằng, do doanh thu năm rồi tăng lên, vùng phủ sóng mở rộng, nên đầu năm nay, Đài chủ động tăng giá quảng cáo. Chị HTN định giải thích cho người nhà đài rằng, giá quảng cáo phải dựa trên hàng loạt các chỉ số đo lường khán giả một cách khoa học chứ không thể tăng vô tội vạ được. Nhưng lại thôi, chị làm cách khác: đàm phán để xin được khuyến mãi và lót tay cho nhân viên quảng cáo của đài. Hợp đồng quảng cáo sau đó đã được ký. Giá trong hợp đồng thì vẫn “trên trời” nhưng nhờ khuyến mãi, giá thực tế của những spot quảng cáo ấy vẫn còn hời. Chị HTN nói thêm, trước khi đàm phán, mình đã có trong tay kết quả khảo sát của đài đó nên biết rất rõ mình sẽ chọn giá nào là hợp lý. Nhưng ngược lại, đài đó thì không biết mình ở đâu trong bản đồ truyền hình của khu vực!

Trong hoạt động truyền thông chuyên nghiệp, khảo sát công chúng truyền thông là yêu cầu cực kỳ quan trọng. Đã có rất nhiều tổ chức quốc tế giúp đỡ các cơ quan báo chí Việt Nam trong vấn đề này thế nhưng nhiều năm qua, báo chí Việt Nam, do còn nặng tư duy bao cấp, do nhận thức chưa tới, nên chưa xem trọng công tác này.

3/ Khảo sát công chúng truyền thông hiện đại không “cắt lát” đời sống báo chí như cách làm của nhiều cơ quan điều tra xã hội học Việt Nam hay các cuộc khảo sát đột xuất giống như “điều tra dân số” ở ta. Quan điểm khảo sát này xem báo chí – truyền thông là những thực thể sinh động, có biến thiên theo những quy luật nhất định và phải được khảo sát trong một quá trình (monitoring). Đo lường công chúng là công việc liên tục, không nghỉ. Bất kỳ lúc nào, nhà khảo sát đều có thể có những kết luận khoa học thuyết phục.

Ví dụ, bộ phim truyền hình “Ma làng” gần đây được dư luận quan tâm, hàng loạt bài báo đề cập nhưng điều đó chưa thể là cơ sở có tính chất khoa học để các nhà sản xuất, đài truyền hình hay nhà quảng cáo lấy làm căn cứ trong tổ chức hoạt động của mình, mà phải dựa vào các chỉ số khảo sát khán giả.

Nhà khảo sát có thể chỉ ra sức thu hút của từng tập phim, ở từng thời điểm cụ thể và phân tích nguyên nhân. Các chỉ số khảo sát động được xử lý thống kê bằng các phần mềm vi tính cho phép nhà khảo sát có nhanh những kết luận khoa học. Ví dụ, chỉ số immigration, cho thấy sự chuyển dịch dòng khán giả từ các kênh khác nhau trước giờ chiếu phim. Cụ thể hơn, vào thời điểm VTV1 bắt đầu lên sóng bộ phim “Ma làng”, kênh này “nhận thêm” (chỉ số get) bao nhiêu khán giả và những khán giả đó đến từ những kênh nào. Và ngược lại, kênh VTV1 mất (chỉ số lost) bao nhiêu khán giả (do không thích phim Việt Nam chẳng hạn) và họ chuyển qua kênh nào. Hoặc chỉ số loyalty cho biết khán giả “chung thủy” với một tập phim nào đó ra sao. Với chỉ số này, việc đo lường chia nhỏ thời lượng của tập phim thành những thời đoạn bằng nhau (log), tập phim 45 phút chia thành 9 log, mỗi log 5 phút chẳng hạn. Chỉ số loyalty cho thấy rõ có bao nhiêu phần trăm người xem phim ở log thứ nhất, còn tiếp tục ngồi trước màn hình tới log thứ 2, thứ 3, log cuối cùng. Kết quả khảo sát cũng cho biết các chỉ số xã hội học về khán giả xem phim. Tỷ lệ nam – nữ, các độ tuổi cụ thể, các tầng lớp cụ thể… yêu thích phim này ra sao.

Một nhà quảng cáo bao giờ cũng dựa vào các số đo biến thiên này để quyết định “book” các spot quảng cáo của mình vào lúc nào và biết hiệu quả số tiền quảng cáo mình bỏ ra cho một sản phẩm cụ thể. Và không phải ngẫu nhiên mà nhiều đài truyền hình vẫn trung thành trong việc mua bản quyền phim truyện theo những chủ đề, đề tài cố định vào những khung giờ cố định. Phim truyện truyền hình đề tài tâm lý xã hội được số đông quý bà thích hơn phim võ hiệp, phim hành động. Việc quảng cáo các sản phẩm làm đẹp, các sản phẩm liên quan đến nội trợ ít đưa vào chương trình tường thuật bóng đá là vì thế. Các nhà quảng cáo biết được đặc điểm của khán giả hết sức cụ thể qua đo lường, khảo sát những chương trình truyền hình một cách khoa học để biết đưa quảng cáo vào một cách hợp lý (sản phẩm đó dành cho ai, độ tuổi nào, ai là người quyết định mua sắm trong nhà… ).

Việc khảo sát thị trường, công chúng truyền thông nói chung và thị trường – công chúng truyền hình nói riêng hiện nay ở Việt Nam do nhiều công ty độc lập thực hiện. Tiêu biểu nhất là công ty TNS. Kết quả khảo sát của TNS được bán với giá khá cao và khá bí mật cho các đối tác (dữ liệu monitoring được cập nhật từng tuần một). Bình quân, dữ liệu này được bán với giá 30.000 USD/năm cho một đối tác. Có điều là số lượng đài truyền hình Việt Nam biết mua và khai thác hợp lý các kết quả khảo sát này còn rất ít và chậm hơn các đơn vị doanh nghiệp cũng như các đơn vị hoạt động truyền thông nhiều năm.

4/ Ở Việt Nam, môn học programming dành cho phát thanh – truyền hình chưa được dạy một cách đầy đủ trong trường đào tạo báo chí. Nếu PROGAMMING trong ngành công nghệ thông tin là lập trình, thì trong phát thanh – truyền hình nó được xem là hoạt động xây dựng hệ thống chương trình, bao gồm rất nhiều nội dung khoa học. Nào là xây dựng khung chương trình, lập kế hoạch sản xuất, làm playlist phát sóng hằng ngày, làm quảng bá, quảng cáo, giới thiệu…, nghiệm thu, thẩm định, tư vấn, định hướng, điều tra khán thính giả (công tác này liên quan đến xây dựng hệ thống chương trình như máu thịt), công tác tư liệu, lưu trữ… Mục tiêu của công tác chư­ơng trình (programming) là làm sao lôi kéo đư­ợc nhiều ng­ười nghe/xem nhất, với chi phí ít nhất và hiệu quả nhất. Để thực hiện tốt việc “lập trình” như thế, công tác khảo sát khán giả truyền hình hết sức quan trọng. Dựa vào các chỉ số khảo sát, nhà đài mới biết bổ sung, khắc phục điểm yếu của các kênh sóng của chính mình, giữ được dòng khán giả - giữ đư­ợc ngư­ời xem của chương trình trư­ớc, biết tạo ra đối trọng, biết chấp nhận đối đầu…

Nhiều kênh truyền hình ở Việt Nam khi ra đời, việc sắp xếp chương trình chỉ dựa trên kinh nghiệm và theo mô hình của một đài lớn. Giờ đó VTV thời sự thì kênh này cũng thời sự, VTV có phim truyện thì kênh này cũng có phim truyện, họ tự “đối đầu” với “anh cả” một cách vô tình. Có nhiều đài hiện nay còn “lập trình” cực kỳ ngẫu hứng: thay đổi khung chương trình liên tục theo ý thích của lãnh đạo đài. Có đài thì để cho chương trình giải trí trong 2 kênh của chính đài mình “đánh” nhau, giảnh “khách hàng” của nhau vì nó phát gần như trùng giờ nhau. Và rất nhiều đài truyền hình địa phương ở Việt Nam có lối phát sóng cực kỳ tùy tiện do việc xây dựng các tiết mục “non, già” thất thường, không quan tâm đến tâm lý tiếp nhận định thời của khán giả (ví dụ chương trình chiếu phim hầu như mở đầu không cố định mà dao động trong phạm 20 giờ 45 đến 21 giờ 30, khán giả mê phim nhiều tập phải "canh" vì không biết giờ bắt đầu)

Tất nhiên việc “lập trình” còn phụ thuộc vào nhiều yêu cầu khác như tôn chỉ mục đích của đài, năng lực sản xuất, phạm vi phát sóng, các kênh “đối phương” trên địa bàn”, tâm lý đối tượng tiếp nhận, trình độ nhận thức của công chúng vùng miền, tính mùa vụ và sự kiện v.v.... nhưng biết khán giả mình đang cần gì để phục vụ, để cung cấp món ăn tinh thần là yêu cầu quan trọng số một. Mà để biết khán giả của mình, không thể không có những khảo sát khoa học.

Người Việt Nam rất thông minh và sáng tạo. Người làm truyền hình Việt Nam rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt công nghệ, kỹ thuật sản xuất chương trình của nước ngoài. Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh tổng thể, quả là, quá trình chuyên nghiệp hóa hoạt động truyền hình ở Việt Nam cũng còn lâu.


Nhãn:

Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2007

TRONG BLOG NÀY...




@ DU LỊCH GIA ĐÌNH

@ BÍ MẬT

@ BÓC LỘT

@ HAO

@ GIẢ VÀ THẬT

@ PENTIX CUỘC ĐỜI

@ VÕ ĐÔNG SƠ

@ NHẮC KHÉO

@ QUANG TRUNG THUẬN TAY NÀO?

@ HDTV: NHANH VÀ CHẬM

@ AI VỀ BÌNH ĐỊNH MÀ COI

@ TẶNG ĐĂNG BÌNH

@ GIA LONG LÀM THƠ VỀ TNXP?

@ RUỐC BẮT CHƯỚC MÈO

@ ĐI BIÊN HÒA

@ TÁM

@ VĨ THANH CHO ENTRY TRƯỚC

@ TẤT CẢ LÀ TẠI NÀNG

@ KỂ CẢ

@ OFF VỚI CHARM

@ HÌNH NHƯ LÀ LỪA ĐẢO

@ LAN MAN CÙNG HOA HẬU

@ THỜI BÁO

@ CHỬI CÓ VĂN HÓA

@ BẦN CỐ NÔNG

@ HÃY ĐỂ THỊ TRƯỜNG LÊN TIẾNG!

@ TỘI NGHIỆP CÁI BỤNG

@ ĐIỆN THOẠI DI DỘNG CÓ TỪ BAO GIỜ?

@ GIÁ BA MÌNH CHỊU KHÓ

@ LAN MAN CÁI CHUYỆN GẠT TÀN

@ ĐẾN NHA TRANG TÌM HOA HẬU

@ CẢ NHÀ RA BIỂN

@ VUI MỘT CHÚT NHÂN NGÀY VUI

@ AI DỜI MỘ TRỊNH HOÀI ĐỨC?

@ MÊ BÓNG ĐÁ

@ ĐỂ NHỚ MẶT CHÁU

@ THỤY ĐIỂN SẼ CHIẾN THẮNG HY LẠP?

@ THÔNG BÁO TUYỂN THƯ KÝ BLOG

@ NGƯỜI NHẬT KỲ GHÊ

@ CHÚT KỶ NIỆM VỚI NHÀ VĂN XUÂN SÁCH

@ "ĐẲNG CẤP" LÀM PHÁT THANH TRỰC TIẾP: PHỐI HỢP SỬA LỖI

@ “TAI NẠN NGHỀ NGHIỆP” TRONG PHÁT THANH

@ KHÔNG THỂ VÀ CÓ THỂ

@ KHI ĐỊA DANH TRỞ THÀNH THƯƠNG HIỆU

@ ĐẶC SẢN

@ CHUYỆN LẠ Ở TÂY NINH

@ THẦY CỦA AI?

@ CHUYỆN KHÔNG LẠ?

@ SÀI GÒN, THÀNH PHỐ BÁO

@ CHUYỆN VĂN, CHUYỆN BÁO

@ “CHẤT XÁM” NGHỀ BÁO TRONG THỊ TRƯỜNG TRUYỀN THÔNG

@ ÔNG TRỜI MÔ?

@ CHƠI CHỮ

@ NHỮNG BÀI BÁO "OÁNH" TNS

@ THỜ VỌNG QUỐC TỔ

@ TỔ VÀ TÔNG (ENTRY CÓ NHIỀU TRANH CÃI)

@ VÌ SAO THÀNH PHỐ CHƯA TRỒNG CÂY CAO SU?

@ BÂNG QUƠ

@ TẤM CÁM 2008

@ RU CON

@ CHUYỆN TỪ MỘT CUỘC THI TUYỂN MC

@ TIẾT KIỆM

@ CẢ NHÀ LÀM VÈ

@ CHIẾC MŨ BẢO HIỂM

@ LẠY ÔNG BÓC LỘT TÔI ĐI

@ NHẬU CŨNG ĐỘI MŨ BẢO HIỂM

@ NẾU LỢI ÍCH CỤC BỘ CHI PHỐI...

@ VÌ SAO X ĐOẠT GIẢI BÁO CHÍ?

@ ĐỀ THI

@ CHO ĐÁNG NÊN TRAI

@ CÂU ĐỐ

@ TRÚNG SỐ RỒI

@ SÔNG ĐỒNG NAI LÀ CON SÔNG NỘI ĐỊA?

@ ỐP HAY ỘP?

@ ĐỔ RƯỢU

@ TRỨNG 3 MIỀN

@ VỀ MỘT NHÀ BÁO BỊ HÀNH HUNG

@ EM ƠI, HÀ NỘI “ỐP”

@ LẠI CHUYỆN GIỌNG QUẢNG

@ ĐỀ MỞ

@ THƯƠNG NGƯỜI

@ BÁO CHÍ VỚI PHIÊN TÒA TRÀ CHANH

@ VỀ QUY NHƠN MUA ĐẤT

@ PHIM TRƯỜNG ẢO (VIRTUAL STUDIO)

@ THƠ VÀ TIẾNG CÒI CẢNH SÁT

@ GHI CHÉP TỪ LONG AN

@ CÚ HÍCH TRUYỀN THÔNG 2008

@ PHỎNG VẤN 1 CHAI RƯỢU

@ NHÀ THỜ LÒNG SÔNG

@ LÊN NON VIẾNG MỘ CỤ ĐÀO

@ ỨNG XỬ VỚI LÌ XÌ

@ NGƯỜI GHI ĐƯỢC NHỮNG HÌNH ẢNH CHẤN ĐỘNG

@ CHÚC TẾT NĂM CHUỘT

@ PHÁO VẪN NỔ TRONG ÂM NHẠC

@ NHÂN DIỆN MAI HOA TƯƠNG ÁNH HOÀNG

@ BỤT CŨNG THUA

@ HỔNG CÓ MÙA XUÂN ĐÂU

@ MẤY VIỆC CẦN LÀM HÔM NAY

@ THƯƠNG NHỚ ĐÀO HOA

@ SAO KHÔNG ĐỂ HỌ “THANH MINH”?

@ ĐOẠN BĂNG “BẠO HÀNH” ĐƯỢC GHI NHƯ THẾ NÀO?

@ BÀ GIÀ NGHIỆN CHAT và...

@ KHI CHỒNG CHÊ CƠM

@ TÁT VÀO TƯƠNG LAI

@ CẶT VÀ DÁI

@ TRUYỀN HÌNH SỐ: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC

@ TRUYỀN HÌNH SỐ: LỰA CHỌN TẤT YẾU?

@ TIN BÁO NÀO?

@ ĐỔI VỢ

@ MAI NÀY...

@ NẾU CÁ BIẾT NÓI

@ CHƠI HÀNG ĐỘC

@ NHÂN BẢN

@ GIẤY MỜI

@ HÚ

@ ĐẶC TRƯNG

@ SỰ KIỆN HAY VẤN ĐỀ?

@ THEO DÒNG LỊCH SỬ HAY THEO DÒNG THỊ TRƯỜNG?

@ QUÀ GIÁNG SINH CỦA SAO KHUÊ

@ BÌNH CHÂN

@ CÓ.. RỒI

@ NÓI NHANH, NÓI CHẬM, NÓI VỪA

@ LÀM

@ ỐP

@ BÌNH CHỌN CÁC SỰ KIỆN BLOG VIỆT TIÊU BIỂU

@ QUÀ LƯU NIỆM Ở SEAGAMES 24

@ SEA-GAMES: ĐẤU TRƯỜNG BÁO CHÍ (bài 3)

@ NƠI NGƯỜI THÁI TỔ CHỨC SEAGAMES 24

@ PHỎNG VẤN MỘT HUẤN LUYỆN VIÊN

@ SEA-GAMES: ĐẤU TRƯỜNG BÁO CHÍ (bài 2)

@ CLIP TỪ CÒ RẠT

@ SEAGAMES: ĐẤU TRƯỜNG BÁO CHÍ (bài 1)

@ NẾU MỘT NGÀY KHÔNG CÓ TIN

@ "SAO" PHẢI KHÁC NGƯỜI THƯỜNG?

@ CHUYỆN CHƯA VIẾT ĐOẠN KẾT

@ TRẢ LỜI PHỎNG VẤN THẰNG CON

@ THƯ NGỎ GỬI BÁC HỨA

@ CHƯA THẤY SÓC ĐÃ GẶP TRĂNG

@ VĂN HÓA QUẢNG CÁO

@ NÓI SAU LƯNG

@ V ĐC TRƯNG CÁ NHÂN HÓA THÔNG TIN

@ TRUYN HÌNH: BAO GI CHUYÊN NGHIP?

@ HÃY CHO TÔI XEM DANH THIP CA BN RA SAO...

@ MT ĐÊM XEM VTV MT

@ VÔ CM HAY MT NIM TIN?

@ HNG DÁM ĐÂU!

@ RUC AND AVATAR

@ LI CHUYN BÁO CHÍ VÀ BLOG

@ RUI TRÂU

@ ĐI V ĐÂU PHÁT THANH?

@ “HƯƠNG ƯC” NÀO CHO LÀNG BLOG VIT?

@ ANH ĐƯC YÊU BI EM

@ LÀNG VŨ ĐI BLOG

@ CHUYN VUI “ĐÊM TRƯC ĐI MI”

@ CON YÊU B?

Blog Page
Blog Page
Blog Page
Blog Page
Blog Page
Blog Page

Nhãn: