Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2007

NẾU MỘT NGÀY KHÔNG CÓ TIN

Image

Người làm thời sự truyền hình sợ nhất cái gì? Đó là một trong những câu hỏi nhà báo Hoàng Công Minh – trưởng phòng thời sự Đài PTTH Đồng Nai - đặt lại cho tôi khi hỏi anh về một ngày làm việc bình thường của mình. Và anh tâm sự…

Nỗi lo thiếu tin

Từ năm 2005, truyền hình Đồng Nai đã làm thời sự trực tiếp ngày 2 buổi (bản tin trưa và chương trình thời sự tối). Công nghệ trực tiếp giúp chúng tôi đưa tin nhanh, nóng và đỡ cực trong khâu hậu kỳ. Bản tin sinh động hơn. Nhưng làm thời sự trực tiếp là phải chờ tin. Sự kiện diễn ra buổi sáng thì đưa tin nhanh, ngắn cho bản tin trưa. Bản tin chiều thì phát triển tin đó sâu hơn. Nhưng không phải ngày nào tin cũng có đầy đủ cho một bản tin. Tất nhiên chúng tôi cũng phải chuẩn bị kế hoạch từ ngày hôm trước, từ cả tuần trước, tháng trước cho những sự kiện trọng tâm. Thế nhưng, không phải ngày nào các sự kiện thời sự cũng diễn ra sôi động. Có ngày quá nhiều sự kiện. Có ngày sự kiện sôi động nhưng diễn ra ở nhiều địa phương giống giống nhau (khai trường, tuyển quân, bầu cử chẳng hạn). Có ngày nhân lực của phòng thời sự phải chia sẻ cho các hoạt động khác của Đài. Điện thoại của phòng vào thời điểm gần tới giờ phát sóng dương như nóng lên vì chúng tôi phải gọi liên tục cho các phóng viên đang tác nghiệp, các Đài truyền thanh huyện, thị xã, thành phố, các CTV ban ngành để giục tin. Nỗi lo thiếu tin trong nhiều trường hợp lại rơi vào các ngày thứ bảy, chủ nhật. Nhưng do quen với việc này nên chúng tôi cũng đã có cách bố trí hợp lý (có hàng nằm, có phân người để bản tin 2 ngày cuối tuần không khô. Nhưng dù sao, những thời điểm trước giờ phát sóng là thời điểm mà nỗi lo lên cao vì sợ một tin quan trọng (như tin chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng tại tỉnh mình mà anh em đưa về không kịp hoặc có sự cố hình ảnh v.v…). Nỗi lo này chỉ có những người trong nghề mới hiểu. Khi một sự kiện tai nạn giao thông lớn xảy ra trên địa bàn, báo trực tuyến đưa hình ảnh và cập nhật liên tục mà anh em đài huyện mình đưa hình ảnh về không kịp là tái mặt! Nhưng đó chưa phải là tất cả nỗi lo.

Nỗi lo ngày nghỉ, Tết

Làm thời sự truyền hình sợ nhất là thời điểm những ngày lễ, Tết. Đó là ngày mà các cơ quan, ban ngành nghỉ lễ, nhân dân vui chơi. Tin “chính thống” khó khai thác được. Ngày Tết, báo in cũng không ra các số bình thường vì sau số báo Xuân là họ nghỉ hơn một tuần mới ra số tân niên. Mà ngay cả khi có báo in thì cũng chỉ khai thác có mức độ vì bản tin truyền hình khác bản tin phát thanh, phải có hình ảnh, chẳng lẽ đọc chay suốt một chương trình.

Cũng trong những ngày lễ Tết, anh chị em phóng viên cũng có nhu cầu dành thời gian cho gia đình, bắt anh em trực thời sự cũng xót, trong khi đó, đây là thời điểm mà khán giả coi truyền hình nhiều vì họ có thời gian sum họp trong gia đình. Nhiều anh chị em do… sợ bị gọi đi công tác đột xuất thường tắt di động. Khi nghe có một sự kiện nào diễn ra, chẳng hạn một vụ ngộ độc, một vụ tai nạn giao thông… trưởng phó phòng thời sự phải cân nhắc để chọn anh em nào đi. Đây cũng chính là nỗi lo, nỗi khổ của người trực thời sự. Cách khắc phục của chúng tôi là chuẩn bị hàng nằm. Nhưng thời sự vẫn là thời sự. Vì thế, nỗi lo tin cho ngày lễ, Tết quả là nỗi lo mà “không nói ra không ai biết”

Nỗi lo sự kiện lớn

Hằng năm, chúng ta vẫn thường có những sự kiện lớn diễn ra trong một ngày, hoặc một chuỗi ngày. Những sự kiện bình thường như ngày khai giảng, ngày tuyển quân, ngày bầu cử… làm nhiều năm thì cũng có kinh nghiệm xử lý như làm sao cho việc đưa tin toàn diện các địa bàn, làm sao biên tập cho bản tin có tiếng nói các tầng lớp nhân dân, các đối tượng xã hội, các ngành tham gia trong sự kiện, thậm chí có đầy đủ các đồng chí lãnh đạo tham gia v.v…. Nhưng gặp những sự kiện đột xuất như lũ lụt, APEC, SEAgames chẳng hạn… nỗi lo của người làm thời sự là làm sao tổ chức cho thông tin nhanh, nóng và toàn diện, hiệu quả.

Tất cả là một bài toán không dễ, vì bài toán ấy phải được đặt thêm các thông số khác như khả năng nhân lực, thiết bị và điều kiện truyền dữ liệu.

***

Làm thời sự truyền hình chẳng ngày nào giống ngày nào. Mỗi ngày là một tìm tòi khám phá. Song ngoài những giờ phút căng thẳng, chúng tôi vẫn có những phút giây cùng nhau vào buổi sáng để nhìn lại những chương trình ngày hôm qua và bàn bạc cho chương trình hôm nay. Thật hạnh phúc khi những bản tin mình đã vượt qua khó khăn để đưa kịp đến khán giả.
Image


Blog Page

Nhãn:

12 Nhận xét:

Anonymous ₪●๋• ßằng Lăng ●๋•₪ nói...

Nếu một ngày không có "mgạng miếc",không có báo viết,không có truyền hình thì chắc chán lắm đây!Có khi cái nghề nó thành cái nghiệp rồi anh Tú ạ!Chúc anh luôn hoàn thành tốt mọi công tác nhé!

lúc 17:04 29 tháng 11, 2007  
Anonymous Diem xua nói...

Vậy nên không dám theo nghề này (mà có dám cũng hổng ai dám mướn, hiii!) nghề này mới đúng nghĩa là phục vụ nhân dân, cực quá anh hé!

lúc 19:28 29 tháng 11, 2007  
Anonymous Quốc Ấn_ Mai nói...

Nhà Báo thì phải VÌ NHÂN DÂN QUÊN MÌNH THÔI! Hí hí

lúc 20:45 29 tháng 11, 2007  
Anonymous Apple nói...

hihihi, nỗi lo không của riêng ai. Song, nỗi niềm riêng tư ấy cũng chính là hạnh phúc. Apple nè, viết như điên, hầu như ngày nào cũng chạy lăng quang, sản xuất liền tay không tin thì bài, có sự kiện lớn thì nhảy tưng tưng, thấy im lìm quá thì đánh bài nằm, bài chìm, bài nặng ký...
Buồn thay Apple vẫn nghèo như con mèo kêu meo meo. Chỉ mong đủ ăn, đủ mặc, đủ lo gia đình và đủ tiền đi du lịch mà không xong. Huhuhu.

lúc 21:03 29 tháng 11, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Huy đẹp trai @ An Thảo: Mình có anh bạn đồng nghiệp nói: Mai mốt có đầu thai lại dứt khoát không làm nghề báo, mà đã làm báo dứt khoát không làm truyền hình, mà đã làm truyền hình dứt khoát không làm thời sự! Làm truyền hình cũng có món nhàn lắm. Chẳng hạn biên tập các chương trình ca nhạc theo yêu cầu khán giả, biên tập phim truyện (biên tập phim đã nhập về để phát sóng chứ không phải làm phim truyện) hoặc làm các công việc có "tính giờ giấc" như phát thanh viên chỉ đọc văn bản off (không lên hình) v.v...
@ HTGiáp: Ngay cả công việc tòa soạn của bác hiện nay nó cũng cực và áp lực, mình biết, vì có nhiều bạn bè làm tòa soạn báo in.
@ Bằng Lăng: MỘt ngày không có tin đối với người nghe/xem/đọc thì không sao, nhưng đối với người làm đài/báo là bi kịch. Phải bói cho ra để in/phát chứ. Hihihi...
@ Diễm Xưa: Nói quá lên chút cho vui thôi. Chứ nghề nào nó cũng có cái sướng, cái dễ của nó mà.
@ Quốc Ấn: Có thực mới vực được... báo chứ Ấn!
@ Apple: Cảm nhận được hạnh phúc nghề là yêu nghề rồi đấy!

lúc 00:14 30 tháng 11, 2007  
Anonymous Chaien nói...

Nhiều nhà báo người Anh hay nói 'no news is good news' :), nhiều lúc mình cũng vậy, mong thảm họa khỏi xảy ra để khỏi có news. Thiệt ra thì nhà báo không chỉ cứ ngồi chờ breaking news mà còn có thể making news nữa, hiểu theo nhiều nghĩa.

lúc 01:10 30 tháng 11, 2007  
Anonymous Huy Đẹp Trai nói...

nghề nào cũng có cái đặc thù riêng bác nhỉ!
chúc bác luôn yêu nghề nhé!

lúc 03:48 30 tháng 11, 2007  
Anonymous An Thảo nói...

Em biết thân em không làm được nghề này, soi mói nó thì được. Hihi/

lúc 03:53 30 tháng 11, 2007  
Anonymous HTGiap nói...

Bây giờ có thêm báo điện tử cũng phải trực tết chứ bác. Suốt 3 năm liền làm TKTS tờ Bình Định online (2003-2004-2005), em làm luôn một hattrick trực giao thừa tại tòa soạn. Sáng mồng 1, lãnh đạo tỉnh đi chúc tết các đơn vị, lại phải trực để đưa tin. Tết 2007 vừa rồi, được chuyển qua tòa soạn báo in, mới có dịp đưa 2 thằng cu con đi xem bắn pháo hoa đêm giao thừa.

lúc 04:10 30 tháng 11, 2007  
Anonymous HTGiap nói...

Bây giờ có thêm báo điện tử cũng phải trực tết chứ bác. Suốt 3 năm liền làm TKTS tờ Bình Định online (2003-2004-2005), em làm luôn một hattrick trực giao thừa tại tòa soạn. Sáng mồng 1, lãnh đạo tỉnh đi chúc tết các đơn vị, lại phải trực để đưa tin. Tết 2007 vừa rồi, được chuyển qua tòa soạn báo in, mới có dịp đưa 2 thằng cu con đi xem bắn pháo hoa đêm giao thừa.

lúc 04:10 30 tháng 11, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Chaien: Đây là một ý kiến thú vị. Tụi mình hay nói đùa: bất hạnh của người khác đôi khi là hạnh phúc của nhà báo. Chaien à, trong thực tế báo chí ở VN, nhà báo cũng making news nhiều. Tất nhiên có nhiều kỹ thuật nghiệp vụ để làm, chứ không phải cho một người đi đốt nhà người khác rồi cử phóng viên tới đưa tin.

lúc 23:00 30 tháng 11, 2007  
Anonymous TKO nói...

Blast : "Nếu một ngày không có...tin" thì anh Tú sẽ như thế nào nhỉ?
Anh Tú : "bất hạnh của người khác đôi khi là hạnh phúc của nhà báo!"
Hihi! Chúc anh luôn "hạnh phúc" ạ! Nghĩa là luôn có tin í!

lúc 01:17 1 tháng 12, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ