Thứ Năm, 2 tháng 8, 2007

CHANGE THE WAY YOU WATCH TV




TỪ MỘT MẨU QUẢNG CÁO

Khẩu hiệu mới của hãng LG trong đợt quảng cáo cuối năm ngoái là “Thay đổi cách xem TV của bạn” (change the way you watch TV). Nội dung quảng cáo cho biết rõ: với công nghệ mới “chúng ta có thể tạm dừng và xem lại chương trình truyền hình bất cứ lúc nào”.

Mới nhìn qua, ít ai nghĩ rằng có gì đó liên quan giữa chuyện quảng cáo nói trên với vấn đề báo chí hôm nay. Nhưng theo tôi là có. Khẩu hiệu quảng cáo của LG cho thấy khả năng của công nghệ đang dần làm thay đổi bản chất của truyền thông và phương thức tiếp nhận của công chúng truyền thông hôm nay như một dự báo cách đây gần nửa thế kỷ.

Vì sao? Tính chất nổi bật trong mối quan hệ với người đọc báo, xem – nghe đài của cả ba phương tiện báo chí truyền thống là “tính một chiều” trong quy trình tiếp nhận thông tin. Đối với phát thanh và truyền hình, chương trình phát sóng luôn được sắp đặt một cách tuần tự, khán thính giả không thể đảo lộn thứ tự này. Ví dụ, chương trình thời sự trên truyền hình Đồng Nai được phát lúc 18 giờ 30, chương trình thời sự của VTV được phát lúc 19 giờ hằng ngày, để xem được thời sự VTV, khán giả truyền hình Đồng Nai phải đợi hết chương trình thời sự Đài Đồng Nai. Họ không thể vượt qua được thứ tự đó. Với sự phát triển của công nghệ và Internet, bài toán “đa tiếp nhận” của công chúng truyền thông được giải quyết. Nói một cách cụ thể: công chúng báo chí hiện nay có quyền lựa chọn những "thứ" họ thích. Một ví dụ khác: Khi xem một trận bóng đá trực tiếp trên truyền hình, khán giả đều tiếp nhận thông tin đồng bộ (linearity), theo một trật tự tuyến tính. Khán giả phải có mặt tại thời điểm phát sóng. Nếu phải làm một việc khác trong lúc xem đá bóng (ví dụ tiếp khách đột ngột) nhưng trong thời gian đó đã có một bàn thắng đẹp diễn ra. Làm sao xem lại pha bóng đã bị bỏ lỡ? Báo chí hiện đại giải quyết được bài toán đó bằng bằng công cụ cho phép tiếp nhận thông tin không đồng bộ, phi tuyến tính (non-linearity). Phát nhận thông tin không đồng bộ đem đến tiện lợi hơn cho người sử dụng bởi “bản chất con người là vươn đến thông tin không đồng bộ”.

Lịch sử báo chí chỉ ra rằng sự hình thành và phát triển của một loại hình báo chí thường gắn liền với những phát minh công nghệ. Báo in ra đời đầu thế kỷ XVII sau khi phát minh ra máy in bằng khuôn đúc; Phát thanh ra đời năm 1920 sau khi nhân loại phát minh ra đèn phát sóng; "Báo hình" đầu tiên từ thập niên 1940 cũng nhờ những phát minh công nghệ truyền dẫn trước đó. 1983, người Mỹ sáng tạo ra thuật ngữ “internet” sau khi phát kiến mạng toàn cầu này. Sau đó 4 năm, với sự ra đời của công nghệ world wide web ([1]), Internet mới thực sự phát triển mạnh trên toàn thế giới và báo chí internet (báo chí phát hành trên mạng) đã ra đời. Lịch sử truyền thông cũng chứng minh rằng khi hình thức truyền thông thay đổi thì bản chất của truyền thông cũng thay đổi theo.

Báo chí trực tuyến – loại hình báo chí phát hành trên mạng - đã dần dần làm thay đổi thói quen đọc báo, nghe đài, xem truyền hình theo cách cũ và do đó tác động đến cách thu thập, phân phối thông tin của nhiều loại hình báo chí truyền thống.

Xu thế tích hợp các loại hình truyền thông đại chúng và xu thế hội tụ công nghệ đang là đặc điểm nổi bật của báo chí trong kỷ nguyên Internet. Và yêu cầu của công chúng hôm nay đối với báo chí là: “Tôi muốn (đọc, xem, nghe) những gì tôi muốn, vào thời điểm tôi lựa chọn và theo cách thức của tôi” (I want: what I want, when I want it, the way I want it). Công chúng/người sử dụng báo chí hiện đại không chỉ đơn thuần tiếp nhận nội dung mà còn góp phần xây dựng và gửi nội dung cho cơ quan báo chí, là chủ thể chung của tác phẩm báo chí. Chúng ta đang dần có một mô hình truyền thông mới, mô hình truyền thông dân chủ hơn. Mỗi cá nhân trong kỷ nguyên thông tin này có thể thỏa mãn nhu cầu truyền thông theo ý muốn ngày càng nhiều hơn.

Ở Việt Nam hiện nay, xu hướng này đã và đang hình thành. Đó là một thách thức lớn trong quản lý cũng như tác nghiệp của báo chí chúng ta hiện nay. Sự tăng trưởng nhanh chóng của Internet đã thu hút công chung trẻ dành nhiều thời gian hơn cho truyền thông trực tuyến so với các loại hình báo chí truyền thống. Với truyền thông hiện đại, thế hệ trẻ ngày nay vừa như một khách thể hưởng thụ truyền thông vừa như một đồng chủ thể sáng tạo trong truyền thông. Sự tiếp sức như vũ bão của công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin đã tạo ra những kết hợp hài hòa giữa báo nói, báo hình và báo in, nhờ đó, tích hợp được những ưu điểm của cả các loại hình truyền thông này, tạo nên nhiều phương thức truyền thông mới vô cùng hiệu quả, có ảnh hưởng to lớn đến cộng đồng, phạm vi ảnh hưởng lại mang tính toàn cầu…



([1] ) Người được coi là “cha đẻ” của hệ thống World Wide Web là Tim Berners-Lee

Nhãn:

2 Nhận xét:

Anonymous THIÊN BÌNH nói...

chú có vẻ rất trăn trở với nền báo chí VN thì phải? hôm trước cháu đọc được ý kiến đồng tình của chú với bài viết về sách báo chí của thầy Ngọc Oanh, cháu rất thích cách nhìn đó. Đúng ta chúng ta đang có những người có "nghệ thuật" viết sách báo chí. Bây giờ, tìm được cuốn sách báo chí hấp dẫn thật khó. cháu chỉ thấy mỗi cuỗn "Viết cho độc giả" là đáng đọc thôi.Nhiều khi nghĩ cũng buồn thật.
À. hôm trước cháu add nich để làm quen với chú. hình như là nich tep.. gì đó. nhưng không ngờ đó là ních của vợ chú. hu hu.
Chú có biết cuốn sách nào hay không? mách cho cháu mua với nhé.

lúc 23:16 3 tháng 8, 2007  
Anonymous HTGiap nói...

Chỉ cần đọc một cuốn đó (Viết cho đọc giả của Loichervouet) là có thể "ngộ" ra nhiều thứ về nghề báo. Các giáo trình khác đa phần chỉ là lý thuyết.

lúc 02:17 4 tháng 8, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ