Thứ Tư, 1 tháng 8, 2007

TAKING PICTURES AT THE TRIAL...




GHI HÌNH: NHÌN TỪ PHIÊN TÒA “PMU 18”

8g30 sáng 1-8, phiên tòa xét xử bị cáo Bùi Tiến Dũng, nguyên tổng giám đốc Ban quản lý các dự án 18 (PMU18, thuộc Bộ Giao thông vận tải) cùng 8 đồng phạm về các hành vi đánh bạc và đưa hối lộ đã khai mạc. Trưa cùng ngày, các chương trình thời sự truyền hinh đã đưa tin về phiên khai mạc này (mình coi Đài Hà Nội qua truyền hình số), báo trực tuyến cũng thông tin khá nhanh và có báo đã tường thuật diễn biến chi tiết của phiên tòa này…

Ở Việt Nam lâu nay, chuyện “ra tòa” được xem là điều “vô phúc”, là chẳng hay ho gì bất luận người ta tòa dưới danh nghĩa nào (làm nhân chứng, hoặc để được hòa giải trong một vụ ly hôn …). Điều này cũng tương tự như khi có một giấy mời của cơ quan điều tra, người nhận thường sợ bị đồn thổi sai về chuyện “bị công an gọi”, dù việc đến cơ quan điều tra ấy chỉ có ý nghĩa cung cấp thông tin. Vì thế chẳng có gì khó hiểu khi những người ra tòa, đến cơ quan điều tra rất khó chịu khi bị chụp ảnh, ghi hình. Biểu hiện rõ nét nhất là họ thường cúi đầu, che mặt, quay sang hướng khác của ống kính. Tất nhiên, người có tội thường mặc cảm, xấu hổ nhưng người bình thường khác khi phải ra tòa cũng sợ hình ảnh của mình trên truyền thông ít nhiều ảnh hưởng tới công việc làm ăn, uy tín, danh dự, gia đình, bạn bè…

Đối với người làm báo, tường thuật diễn biến phiên tòa mà không có hình ảnh thì giá trị thông tin mất đi rất nhiều, đặc biệt trong những vụ án thu hút sự quan tâm của công chúng. Truyền hình mà không có hình thì chỉ còn một cách là đưa tin “chay”, tin lời.

Trong quá trình ghi hình để đưa tin hay tường thuật một sự kiện, phóng viên truyền hình thường sử dụng các cỡ cảnh (toàn, trung, cận…) khác nhau để - ít nhất là - tránh đơn điệu cho những “câu” hình ảnh. Việc sắp xếp, chọn lựa cỡ cảnh trong bản tin truyền hình, cũng như sử dụng động tác máy (zoom in, zoom out, pan v.v…) trong lúc ghi hình đều thể hiện ý đồ, “ngôn ngữ” của các tác giả, trừ những anh thợ quay, ghi hình bằng kinh nghiệm, "bản năng".

Và dường như đã thành thông lệ, khi đưa tin diễn biến của phiên tòa (lúc chưa công bố bản án), các phóng viên quay phim chắc chắn phải "cận ảnh" gương mặt các bị cáo, các phóng viên báo in, báo mạng phải chụp cho bằng được các “nhân vật” quan trọng của vụ án. Ngôn ngữ hình ảnh cho phép công chúng truyền thông “đọc” được thái độ của nhà báo. Tất nhiên, trong thực tế làm truyền hình, nhiều cảnh cận đôi khi chỉ có ý nghĩa trung chuyển của một câu hình (như cảnh cận bàn tay cầm bút đang viết trong phiên tòa) nhưng một động tác “zoom in” và tốc độ “zoom in” đều có tiếng nói của nó: ví dụ zoom in (và tốc độ zoom) từ cảnh rộng phòng xử án vào gương mặt bị cáo Bùi Tiến Dũng.

Khi xem tin thế giới qua truyền hình, chúng ta đều biết, ở nhiều nước, nhà báo không được phép quay phim, chụp hình tại tòa án. Vì thế khi truyền hình tường thuật các phiên tòa đó, họ phải sử dụng các tranh vẽ phiên tòa do họa sĩ miêu tả, trong đó có chân dung của bị cáo. Báo in cũng chỉ có thể đăng những bức tranh vẽ minh họa.

Ở Việt Nam, theo luật báo chí, nhà báo được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai. Cơ quan báo chí được phép đăng, phát hình ảnh những cuộc họp công khai của tòa án, những người phạm tội trong các vụ trọng án đã tuyên án...

Nhưng có một điều, luật báo chí chưa quy định chi tiết về việc chụp ảnh, quay phim trong phiên tòa. Khi tòa chưa tuyên án, khi bản án chưa có hiệu lực, các bị cáo vẫn còn có quyền đối với hình ảnh của mình. Điều này đã được quy định trong luật hình sự

Rồi đây, những quy định này có thể sẽ có điều chỉnh, nhưng có một điều, trong khi chờ đợi sự thay đổi ấy, nhà báo truyền hình khi tác nghiêp trong các phiên tòa cần có sự mẫn cảm hơn. Khi bản án chưa tuyên, một bị cáo có thể trắng án. Điều gì sẽ xảy ra nếu trước đó nhà báo, vô tình hay hữu ý - đã “kết án” họ trên truyền thông bằng những động tác máy, bằng những cảnh cận nghiệt ngã?

ảnh minh họa khai thác từ Thanh niên online

Nhãn:

3 Nhận xét:

Anonymous CÙ HUYỀN nói...

có một chuyện báo chí đã nêu nhưng chưa thấy chúng ta thay đổi, đó là trong các phiên tòa, những bị cáo được tại ngoại thì có quyền dùng "trang phục tự chọn", còn những bị cáo bị tạm giam thì vẫn phải mặc áo quần sọc tù. Sự phân biệt đối xử này, cũng như việc chụp ảnh, quay phim có ý đồ trong những phiên tòa dài ngày liệu có tác động đến kết quả xử án?

lúc 01:13 1 tháng 8, 2007  
Anonymous NGUOI BIEN HOA nói...

Hà Nội đang xử pê - mu (PMU)
Bác "xử" báo chí: Yahoo chánh tòa?

lúc 02:47 2 tháng 8, 2007  
Anonymous [deleted] nói...

hi vọng là ông chánh án nghiêm minh..
cũng hi vọng là pháp luật được thực thi nghiêm túc tại nơi thực thi pháp luật..

lúc 05:17 2 tháng 8, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ