Thứ Năm, 19 tháng 7, 2007

SCIENCE & POLITICS




KHOA HỌC VÀ CHÍNH TRỊ

1/ Tại buổi bảo vệ luận văn thạc sĩ của nhà báo Hồ Minh Trữ, trưởng phòng chuyên mục Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long hồi cuối năm ngoái, giáo sư Nguyễn Đức Dân khi phát biểu phản biện, đã góp ý một chuyện làm tôi nhớ tới giờ.

Ấy là khi ông nhận xét về thư mục tham khảo của luận văn. Sau khi chỉ ra nhiều chuyện liên quan đến nội dung khoa học, ông nói thêm về hình thức làm thư mục tham khảo. Giáo sư nhấn mạnh: tác giả luận văn đã sắp xếp theo alphabet tên các tác giả trong danh mục các tài liệu tham khảo như cách làm phổ biến lâu nay trong khoa học. Thế nhưng vì sao những tài liệu của Đảng Cộng sản Việt Nam (thường do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành), mà cụ thể là Văn kiện các Đại hội của Đảng thì lại được tác giả ưu tiên sắp xếp lên đầu tiên? Ông cũng nói rằng ông là một đảng viên nhiều năm tuổi Đảng. Tình cảm và nhận thức về Đảng là chuyện khác. Nhưng khi làm khoa học, chúng ta phải nhìn những Văn kiện của Đảng như một tài liệu khoa học. Và đã là khoa học, thì những tài liệu ấy vẫn phải sắp xếp theo alphabet như mọi tài liệu khác.

Các vị giáo sư, tiến sĩ ngồi trong hội đồng và cả hội trường dường như im bặt. Có vẻ như ai cũng giật mình về chi tiết nhỏ ấy. Không biết tự bao giờ, các công trình nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam đều có “truyền thống” list các cuốn sách, tài liệu “kinh điển” của Marx, Angel, Lenin, Hồ Chí Minh… lên những dòng danh dự trong thư mục tham khảo.

2/ Trong một bài thi về thơ văn Hồ Chí Minh, có học viên được điểm 9. Anh ta hơi ngạc nhiên vì phần này anh học không kỹ và chưa bao giờ bài thi của anh được điểm cao hơn một số bạn khác trong lớp. Thầy có lộn không? Câu trả lời đã đến trong một buổi học khác khi vị giáo sư già giải thích: Bài làm của anh tuy chưa sâu, nhưng có một chi tiết thú vị. Anh là học viên duy nhất chỉ sử dụng cụm từ “tác gia Hồ Chí Minh”, “tác giả Hồ Chí Minh” trong cả bài viết mà không thay bằng đại từ “BÁC” hay “NGƯỜI” như hầu hết các học viên khác. Ông nói rằng, đứng ở góc độ nghiên cứu văn chương, việc tìm hiểu thơ văn Hồ Chí Minh cũng giống việc tiếp cận các tác gia văn học khác như Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Tố Hữu... Chuyện tình cảm và tôn kính lãnh tụ có rất nhiều hình thức thể hiện. Trong một bài nghiên cứu, phê bình văn học, thái độ và tình cảm của người viết lồng ghép trong lập luận, trong nội dung nhưng cần phải viết khách quan và khoa học.

Vấn đề từ hai câu chuyện trên thật ra ai cũng thấy. Chuyện lẩn lộn giữa khoa học và chính trị dường như đã thành một thói quen cố hữu trong rất nhiều người?

Ảnh: GS Nguyễn Đức Dân (nguồn: website của Đại học quốc gia Hà Nội)

Nhãn:

6 Nhận xét:

Anonymous HÀ THẠCH HÃN nói...

GS.TS Nguyễn Đức Dân là người rất đáng kính, không những về uy tín học thuật mà cả về nhân cách. Tôi rất may mắn được là học trò "ruột" của thầy(luận văn tốt nghiệp ĐH của tôi do thầy hướng dẫn).

lúc 18:45 19 tháng 7, 2007  
Anonymous duythiện nói...

những nhà trí thức đầy phẩm cách như GS Nguyễn Đức Dân có được mấy người?
ở nước ta, trí thức và phẩm cách rất thường không đi với nhau, trách sao xã hội điên đảo

lúc 23:58 19 tháng 7, 2007  
Anonymous ĐÍCH TÔN nói...

Cháu có đọc nhiều bài viết của GSTS Nguyễn Đức Dân, đúng là một trí tuệ uyên thâm. Gần đây, ông viết trên TTO bài về thành ngữ tiếng Việt mới "Biết chết liền", cực hay! Đúng ông là nhà toán học mà nghiên cứu về ngôn ngữ!
Câu chuyện trên này hay mà sensitive quá, cháu không dám bàn!

lúc 01:06 20 tháng 7, 2007  
Anonymous [deleted] nói...

Trên phương diện chính trị, có nhiều vấn đề phức tạp, thống nhất ý thức hệ là một phần trong đó..
Nhưng trên phương diện khoa học, tất cả phải khách quan và cùng đặt trên bàn để xem xét, ngôn từ phản ánh tư duy.. vấn đề còn lại ngôn từ thay đổi, tư duy có thay đổi theo hay không?
Muốn có một đất nước vững mạnh, khoa học phải có ảnh hưởng quyết định đến chính trị, không phải để chính trị quyết định cách suy nghĩ của các nhà khoa học..
Trong giáo dục, không nên chỉ giảng dạy chủ nghĩa Marx làm kim chỉ nam, làm nền tảng cho mọi thuyết khác, vì chủ nghĩa Marx là một sản phẩm sáng tạo như bao học thuyết khác, có những ưu và nhược điểm nhất định. Cần phải để người học có nhiều sự lựa chọn, cái nhìn đa chiều, khách quan, tư duy và phản biện trực tiếp sẽ mài giũa học thuyết Marx, đồng thời xây dựng được những học thuyết mới hoàn thiện hơn..
Quay lại vấn đề chính trị, một nền tảng ý thức hệ có cơ sở khoa học vững vàng sẽ tồn tại theo thời gian.. mà không phải do ý chí của cá nhân nào sắp đặt..

lúc 01:45 20 tháng 7, 2007  
Anonymous DO nói...

Nhung nhan dinh va suy nghi nhu vay hoan toan chinh xac, anh Tu oi

lúc 04:25 21 tháng 7, 2007  
Anonymous Mai Ngố nói...

Chuyện đầu tiên thì em đồng ý. Còn chuyện thứ hai, em nghĩ, văn chương luôn cần đi liền với xúc cảm (cho dù đó là nghiên cứu văn chương đi nữa), miễn là người viết nghiên cứu có thể đi vững trên sợi dây cheo leo giữa đôi bờ khoa học và xúc cảm là được. Em không đánh giá cao bài văn được điểm 9 của anh học viên kia, thật đấy ạ!
Tự dưng đọc bài viết này thấy có nhiều suy nghĩ nên em mạn phép được một phút nghiêm túc bàn vô một ý kiến. Thấy kỳ anh Tú bỏ qua và remove nó đi nha!

lúc 02:10 24 tháng 7, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ