Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2007

TRYING TO BE A STEEL BUSINESS MAN




PHEN NÀY ÔNG QUYẾT ĐI BUÔN SẮT

Sáng nay, Tuổi Trẻ online đưa tin: Ngày mai 30-7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đọc tờ trình đề nghị QH quyết định số phó thủ tướng, việc thành lập, bãi bỏ các bộ và các cơ quan ngang bộ của Chính phủ. Theo đó, sẽ có sự ra đời của Bộ Thông tin - Truyền thông (tiền thân là Bộ Bưu chính - viễn thông, thêm phần quản lý báo chí, xuất bản chuyển từ Bộ Văn hóa - Thông tin sang)

Vấn đề ở đây không chỉ đơn giản là chuyện nhập tách Cục Báo chí, Cục Xuất bản từ Bộ Văn hóa – Thông tin sang Bộ mới. Tranh thủ trước khi coi trận chung kết Asian Cup, tôi viết vội cái ý tưởng mới nảy sinh khi đọc tin trên TTO (cám ơn các đồng nghiệp Tuổi trẻ đưa tin khá nhanh)

Đồn rằng, nhiều năm trước, ngành Bưu chính – Viễn thông đã có một dự án trình Thủ tướng về việc quản lý và thống nhất lại việc truyền dẫn và phát sóng. Theo đề án này, thì lâu nay, việc quản lý sóng phát thanh, truyền hình ở Việt Nam còn lộn xộn quá, can nhiễu nhau nhiều quá, lãng phí “tài nguyên sóng” quá, lãng phí thiết bị quá... nên việc phát sóng và truyền dẫn sẽ do Bộ Bưu chính – Viễn thông thống nhất quản lý và chịu trách nhiệm. Ý tưởng này thực ra không mới và đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Nhưng – cũng nghe đồn - VTV và VOV cương quyết phản đối nên cuối cùng đề án này không thực hiện được.

Không cần phải là dân kỹ thuật chúng ta cũng có thể thấy một trong rất nhiều điểm lợi của việc thống nhất truyền dẫn – phát sóng. Việt Nam có quá nhiều antenna cho các Đài ở mỗi tỉnh. Mỗi cái antenna này xây dựng tốn từ 10 – 100 tỉ đồng (tùy địa hình, độ cao, không tính hệ thống chống sét, hệ thống đèn báo luôn được nuôi cháy hằng đêm). Trong khi đó, tỉnh nào cũng có bưu điện trung tâm với ít nhất một cột antenna vẫn còn dư “công suất” mang vác. Xây dựng antenna còn tốn đất đai, mà các đài phát thanh – truyền hình (cơ quan báo chí) thường ghép phần tòa soạn, nơi sản xuất chương trình và phát sóng làm một, nên antenna đài thường ở nội ô, chỗ mà đất đai có giá! Đó là chưa tính đến antenna phát thanh AM hiện nay đã dư do nhiều đài dần FM hóa.

Rất nhiều tỉnh, trung tâm hành chính không phải nằm ở ngay trung tâm... bản đồ của tỉnh đó. Đồng Nai là một ví dụ, thành phố Biên Hòa – tỉnh lỵ - giáp ranh với thành phố Hồ Chí Minh. Antenna Đài bao giờ cũng ở tỉnh lỵ nên sóng truyền hình tỉnh A có khi rất mạnh ở tỉnh B mà không phục vụ được bà con vùng sâu vùng xa của chính tỉnh mình là chuyện bình thường.

Thống nhất truyền dẫn về một mối tránh được tình trạng can nhiễu sóng giữa các đài dẫn đến kiện cáo như trước đây và cả hiện nay vẫn còn.

Đó là chưa nói về chuyện vùng phủ sóng. Đài HTV (thành phố Hồ Chí Minh) trước đây từng phản ứng về việc vì sao họ không được phủ sóng toàn quốc, trong khi các báo địa phương vẫn có quyền bán ra ngoài địa phương của họ…

Chung quanh chuyện quản lý truyền dẫn – phát sóng, còn khá nhiều cái lợi như ứng dụng thống nhất tiến bộ công nghệ về truyền hình số (mặt đất hay vệ tinh), tạo khả năng hưởng thụ phát thanh - truyền hình bình đẳng hơn.

Và cái lợi lớn nhất, chính là tránh LÃNG PHÍ quá lớn như lâu nay đã lãng phí: Đài nào cũng có quyền dựng ănten, nhập máy phát sóng!

Image

Antenna các đài lâu nay thường trống trơn

***

Nếu Quốc hội phê duyệt đề án chính phủ mới và Bộ Bưu chính – Truyền thông ra đời, có lẽ sẽ có một loạt máy phát sóng và antenna bị dư. Mà loại thiết bị này mua rất mắc, nhưng bán không ai mua.

Phen này tôi quyết đi buôn sắt vụn, có bác nào tham gia hùn vốn với tôi?

Ảnh: Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ (C-VTV)


Nhãn:

1 Nhận xét:

Anonymous HTGiap nói...

Bác chơi blog y như một tờ báo thế này, hoành tráng quá.

lúc 01:32 29 tháng 7, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ