Thứ Ba, 24 tháng 7, 2007

ABOUT ANALOG TV IN VIETNAM




Chuyện từ những chiếc anten thu hình

Hôm qua từ Vĩnh Long về thành phố Hồ Chí Minh, tôi rất muốn xe dừng lại chỗ Cai Lậy để bấm mấy tấm hình nhưng ngại phiền nhiều người cùng đi nên đành kéo kiếng và bấm qua cửa sổ nên những tấm hình này không đạt ý đồ.

Cách nay gần 10 năm, trong một chuyến đi Đồng Tháp, cũng chỗ này, một chuyên gia báo chí Thụy Điển nhờ xe dừng lại và xuống chụp hình. Tôi hỏi: Chụp gì? Chị nói, thấy những cột anten TV vươn cao ở đây quá lạ mắt. Lúc ấy tôi không quan tâm, chỉ nghĩ rằng đó là một chút hiếu kỳ của người Tây và tôi đoán rằng chị thích thú trước khả năng sáng tạo của người dân miền Tây trong “công nghệ” làm anten TV cao 15 – 30 m bằng tuýp sắt và có dây néo. Ở thị trấn Cai Lậy, mật độ anten dày đặc trông rất vui mắt. Nhưng sau đó, khi nữ chuyên gia ấy giải thích tôi mới biết mối quan tâm của chị không phải thế: Ở Việt Nam hiện nay và nhiều năm nữa, truyền hình analog vẫn còn là ưu thế, ngay cả trong các thành phố lớn, đô thị cổ. Cho nên, hình ảnh anten truyền hình “nhà nhà vươn cao” như thế này sẽ chưa thể “xóa” hết cho dù truyền hình số và truyền hình cáp sẽ làm cuộc tăng tốc từ đầu thế kỷ 21!

Image

Câu chuyện 10 năm trước bất giác ùa về và tôi nghĩ phải viết một cái gì đó. Nó cũng mơ hồ, lan man đến nỗi mình không thể định danh. Nó cũng là chuyện chỉ có ở Việt Nam, một đất nước có gần 70 kênh truyền hình analog, mỗi tỉnh có ít nhất một kênh truyền hình và phát thanh. Nhưng khác với nhiều nước phương Tây, trong đó có Thụy Điển, hệ thống phát thanh - truyền hình Việt Nam không là một mạng lưới. Mỗi tỉnh là một khung trời riêng, lãnh địa riêng. Sóng truyền hình của các tỉnh cài răng lược vào nhau khi càng ngày, công suất phát sóng của các kênh phát thanh - truyền hình cứ tăng lên, âm thầm giành thị phần khán thính giả. Thừa và thiếu lẫn lộn.

Loạn game show gần đây báo Tuổi Trẻ nêu lên, dư luận cũng phản hồi khá mạnh và mặc dù phần lớn ý kiến đều nhắm tới các “đại gia” trong làng truyền hình cả nước vốn đã vươn cánh sóng ra xa bằng nhiều phương cách, nhưng nó cũng phản ánh tình trạng khủng hoảng thừa kênh sóng – thiếu chương trình hay trong làng truyền hình.

Ngân sách nhà nước dành cho các Đài cũng chỉ đủ để đáp ứng được nhiệm vụ chính trị. Trong khi nhu cầu thông tin, giải trí của người dân ngày càng cao nên xu thế xã hội hóa truyền hình là hướng đi đúng trong giai đoạn hội nhập. Xu thế đó được TS. Trần Đăng Tuấn – Phó TGĐ VTV - định nghĩa là, khai thác các nguồn lực phi nhà nước để làm truyền hình. Các công ty tư nhân làm truyền thông ra đời những năm qua như nấm mọc sau mưa, họ bỏ vốn để sản xuất chương trình truyền hình để đổi lấy quảng cáo & kinh doanh thương quyền quảng cáo. Thị trường kinh doanh TVC cả nước hiện nay cũng bát nháo như chứng khoán thời hoang dã và đang bị một số đại gia thao túng (Chuyện này sẽ nói riêng ở một entry khác). Nhân dân quen với truyền hình miễn phí, truyền hình phục vụ nên việc phát triển truyền hình trả tiền ở nhiều nơi trên đất nước này không phải dễ dàng. Bản thân ngành truyền hình, với tư cách một ngành dịch vụ, có doanh thu không nhỏ hằng năm, vẫn chưa được xem là ngành kinh tế, mà chỉ là hoạt động báo chí. Sự tranh tối tranh sáng này dẫn đến hàng loạt chuyện cả trong hoạt động báo chí truyền hình lẫn dịch vụ, cả trong việc phát triển công nghệ lẫn tổ chức con người… Đó là chưa nói đến những chuyện trái khoái dính đến quản lý trong từng đài cụ thể

Image

Những rừng anten TV ở nhiều vùng trũng trên các trục quốc lộ ta qua không khó tìm thấy. Nó gợi lên một chuyện: quy hoạch truyền hình về phương diện kỹ thuật. Nước ta ngành nào, địa phương nào, cơ quan nào cũng có quy hoạch tổng thể đến những năm 20xx. Nhưng quy hoạch truyền hình chưa ký ráo mực đã thấy lạc hậu vì không đón đầu công nghệ và không dự đoán trước sự phát triển ngành media này ở Việt Nam theo đặc điểm của nó.

Cục Tần số (Bộ Bưu chính – Viễn thông) đã cấp hết cơ số analog cho phát triển truyền hình nên truyền hình số (số mặt đất, số vệ tinh) và truyền hình cáp (cable) ra đời, phát triển mạnh.

Tiên phong là VTC, một “nhân vật” thoát thai từ VTV nên biết “nghề”, sau thành “lính” bưu chính viễn thông, nên có ưu thế hạ tầng viễn thông: trục cáp quang Bắc Nam, các dịch vụ kỹ thuật khác như : giá trị gia tăng, phát triển thiết bị… Kỹ thuật số mặt đất (terrestrial digital) là công nghệ mà VTC dự đoán sẽ là món ăn truyền hình chính trong bữa tiệc TV của mọi nhà.

Rồi VTV phát triển hệ thống cáp VCTV (Vietnam Cable TV), Đài Hà Nội lập hệ thống HCTV (Hanoi Cable TV), VTV liên kết với Saigontourist lập ra SCTV (Saigon Cable TV) cho các thành phố lớn. Sau đó, VTV phát triển rầm rộ truyền hình DTH (Direct To Home), thực chất là dịch vụ kỹ thuật số vệ tinh (satellite digital) phục vụ cho đồng bào vùng sâu, vùng xa… mục đích là phá vùng lõm. HTV cũng phối hợp với các doanh nghiệp tư nhân phát triển hệ thống cable HTVC và hiện nay đã vươn tới nhiều tỉnh thành khác trong đó có Đồng Nai. Đó là chưa kể các dịch vụ MMDS (Multichannel Multipoint Distribution) của SCTV, truyền hình internet của FPT…

À quên, trong vụ phát triển công nghệ truyền hình, người anh em của Đài Đồng Nai là Đài Bình Dương một thời phối hợp với VTC làm antenna tự đứng cao nhất Việt Nam (250 m) và phát triển truyền hình số cũng khá ồn ào. Sau này do chuyện bản quyền nên thị phần truyền hình số BTV bị teo lại. Sắp tới, nghe nói họ sẽ “bán” các kênh sóng này cho các công ty tư nhân làm truyền hình (cái này cũng được gọi là xã hội hóa) giống như VietnamNet “mua” một kênh của Hà Nội. Cũng nghe nói, trong tương lai, các tờ báo lớn (ít nhất là lớn về khả năng đầu tư tài chính) như Tuổi Trẻ, Thanh Niên chắc sẽ có kênh truyền hình riêng, nếu không được phép phát analog thì mảnh đất truyền hình số còn khá mênh mông. Các công ty truyền thông nhỏ ở Việt Nam sẽ tranh thủ xí “đất” của các kênh số để sau này bán cho các đại gia nước ngoài làm các kênh hướng đối tượng như “home shopping”, dạy học, thời trang v.v…

Truyền hình số phát triển ồn ào thế nhưng thị phần quảng cáo thì không thể tranh được với anh analog. Và những cái anten TV như trong các bức ảnh này vẫn còn lâu dài.

Bằng chứng cho chuyện này là cách nay hơn một tuần, VTC chính thức khai trương kênh analog thứ 2 tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh – kênh VTC5, sau kênh VTC1. Và rất nhiều tỉnh nhỏ, tỉnh mới tách vẫn anten tự đứng 120 m, máy phát công suất 20 kW vẫn tiếp tục được xây dựng dù dân số và sức mua của tỉnh đó chỉ bằng một góc nhỏ của thị trường thành phố Hồ Chí Minh.

***

Lại một lần nữa, bài toán quy hoạch truyền hình (về phương diện kỹ thuật) đang đặt ra. Ở Việt Nam, có nhiều thứ quy hoạch xong rồi quy hoạch lại (từ đất đai đến nhân sự). Truyền hình dường như cũng giống vậy!

Image
Đài Truyền hình Trà Vinh - một tỉnh dân ít, xa trung tâm và sức mua còn hạn chế, vẫn có công suất phát sóng lớn và antenna cao 125 m

Nhãn:

6 Nhận xét:

Anonymous Trinh N nói...

Tối hôm đó, có người bạn ghé nhà chơi:
- "Ê, sao truyền hình của mày, mày không xem... mà xem truyền hình của tao?" - Tôi chưa kịp hiểu, nó tiếp tục:
- .. mày xem tỉnh của tao phát,... mày đâu biết mấy địa danh đó, câu chuyện đó đâu! bây giờ tỉnh nào cũng có truyền hình... thì đừng có xem "ké" nha.
- Hic!

lúc 18:22 25 tháng 7, 2007  
Anonymous ĐÍCH TÔN nói...

Chau nghi truyen hinh cable se co cho dung trong tuong lai chu a. Nhat la khi no tich hop internet. Nhung cong nghe thi kho doan truoc, con su phat trien dai tra thi no co quy luat nen quy hoach duoc, nhat la nuoc minh, chinh sach truyen hinh la cua nha nuoc ma

lúc 20:05 25 tháng 7, 2007  
Anonymous NGUOI BIEN HOA nói...

Truyền hình Trà Vinh bình quân mỗi năm thu 2 tỷ quảng cáo trong khi, sát bên nó, tỉnh Vĩnh Long, truyền hình THVL thu 150 tỷ. Con số này cho thấy thị trường có quy luật của nó. Các bác cứ duy ý chí, lập pháo đài cho từng tỉnh, xét cho cùng, dân là người chịu thôi!

lúc 01:54 26 tháng 7, 2007  
Anonymous manhtran81 nói...

Có lần em nghe một bác lãnh đạo đài truyền hình tỉnh nói rằng, các đài địa phương cạnh tranh dữ quá. Nếu mà nhà nước cho phép phóng vệ tinh nhân tạo để phát sóng thì Việt Nam cũng có ít nhất 64 cái của các đài truyền hình đấy!

lúc 21:55 26 tháng 7, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Bác Trinh: Mỗi tỉnh một Đài, một anten lớn, cả nước có không biết bao nhiêu cột anten (nếu gộp cả bên Bưu chính - viễn thông). Người ta đã phát hiện ra cái sự hoành tráng này lâu rồi nhưng vẫn cứ để thế. Ở nhiều nước khác, một cột anten có thể làm chức năng cho hàng chục kênh sóng truyền hình, hàng chục kênh phát thanh và hàng chục kênh di động, chưa kể hàng chục thứ chảo viba hầm bà lằng khác.
Muốn bắt được Đài tỉnh khác, bác phải chơi nhiều anten. Tôi có ông bạn xài 5 anten: nhiều hướng, và loại (VHF, UHF) để chuyên bắt các Đài cụ thể. Trong nhà có hệ thống switch để chuyển. Nước mình nhiều chỗ đi trên máy bay nhìn xuống thấy anten chóng mặt như 1 hệ thống phòng không.
@ Tôn Đích: Xu thế của kỹ thuật truyền hình nó cũng giống như SIÊU THỊ sẽ dần thay cho CHỢ, thẻ tín dụng thay cho tiền mặt... Vấn đề là lộ trình. Người ta biết siêu thị văn minh hơn nhưng vẫn cứ cấp phép mở chợ vì chợ giải quyết công ăn việc làm trước mắt cho tiểu thương!

lúc 04:33 27 tháng 7, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Mạnh: chuyện quy hoạch ở VN là chuyện dài nhiều tập. Rồi đâu sẽ vào đấy thôi, có điều mình phải giải quyết hậu quả hơi bị mất tiền và thời gian!

lúc 03:01 28 tháng 7, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ