Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2007

WHEN THE PRIME MINISTER TO TRAVEL INCOGNITO




Khi Thủ tướng vi hành qua không gian điều khiển

Vào ngày 9/2/2007, lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối thoại trực tuyến với công chúng qua báo điện tử Đảng Cộng sản

Ngày đó, do bận công việc, tôi không có thời gian để theo dõi “trực tiếp” cuộc trao đổi của Thủ tướng qua các website, gần 12 giờ sau đó, tôi coi lại bài tổng thuật trên Tuổi Trẻ online. Những nội dung được đề cập trong cuộc đối thoại khá tiêu biểu cho những vấn đề “nóng” nhất của đất nước. Tuy nhiên, có vẻ như các bộ phận tham mưu đã “biên tập” khá kỹ các câu hỏi nên có quá ít những câu hỏi “sốc”. Có lẽ tôi hơi chủ quan khi nói rằng – dựa trên những thông tin từ TTO – hầu như không thấy bóng dáng của người đặt câu hỏi là cán bộ - công chức (trong đó có đảng viên) đương nhiệm, mà ngược lại, có khá nhiều câu hỏi từ cụ về hưu và các bạn trẻ (qua số tuổi được ghi sau những dòng tên ngắn ngủi). Nỗ lực của Thủ tướng và các đơn vị tham mưu để tạo ra sự kiện này là rất lớn và có ý nghĩa sâu sắc. Nhưng dường như chúng ta đang phải tập sống dân chủ, tập sống trong môi trường phản biện, một xã hội công dân. Dẫu biết rằng trong không gian mạng, người ta có thể tạo ra một địa chỉ giả, một địa chỉ "trung tính", song chẳng lẽ hàng triệu cán bộ không ai dám ký tên dưới một câu hỏi gửi cho Thủ tướng hay sao? Người công chức vẫn khôn ngoan tự “biên tập” quyền được dân chủ của mình hay sao?

Câu chuyện Thủ tướng vi hành qua mạng lẽ ra nên được nhân rộng cho các đồng chí lãnh đạo cấp Bộ, Bí thư, Chủ tịch tỉnh, giám đốc các Sở, Ban, ngành ở tỉnh, thành phố. Hầu hết các tỉnh thành ở Việt Nam đều có website, tại sao không tổ chức hàng tháng trả lời trực tuyến hoặc nếu không có công cụ online thì có thể trả lời trực tiếp trên truyền hình.

Đối thoại trực tuyến không chỉ là hỏi, thắc mắc mà còn là hiến kế. Vì sao Lãnh đạo Đảng và Nhà nước các cấp chưa “đặt hàng” cho các tầng lớp nhân dân những vấn đề mình quan tâm bằng cách huy động trí tuệ thông qua môi trường báo trực tuyến: một môi trường vượt biên giới quốc gia, hết sức dân chủ và bình đẳng?

Nhãn:

2 Nhận xét:

Anonymous [deleted] nói...

phát ngôn trước công chúng đòi hỏi phải chuẩn.. muốn vậy phải có tâm huyết với công việc mình làm, đồng thời phải có trình độ năng lực cao.. bây giờ đem ra đối chất công luận chưa quen nên sợ nhiều người soi mói bắt bẻ là phải rồi..
vấn đề nằm ở tính ì tâm lý thôi, và cũng là nét văn hóa phong kiến, nông thôn còn đọng trong tiềm thức.. cần phải có thời gian..
nếu có hiến kế thì hãy hiến kế để cán bộ công chức bỏ được tính ì tâm lý, làm quen và thích nghi được với cơ chế phản biện dân chủ..
tự do ngôn luận có thể dẫn đến ảnh hưởng dư luận xã hội rất phức tạp nếu không có định hướng nghiên cứu kỹ càng..

lúc 18:48 31 tháng 7, 2007  
Anonymous duythiện nói...

trong chuyến công du của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết tại Mỹ vừa rồi, có một cuộc họp báo mà các nhà báo được chọn lựa trước, mấy câu hỏi được Chủ tịch trả lời là những câu không đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm. Một câu hỏi được đặt cho ông Nguyễn Thiện Nhân, về vấn đề dân chủ tại VN, đã được Người phát ngôn Lê Dũng chặn lại: Ông NTN chỉ trả lời về những vấn đề giáo dục.
Thế đấy, tại tâm điểm chú ý của truyền thông toàn thế giới mà người ta vẫn không dám đối mặt sòng phẳng với báo chí như thế, vẫn có cung cách né tránh và 'định hướng thông tin' như thế, thì ở trong nước, qua bao tầng 'biên tập' câu hỏi, người dân có hy vọng gì khi hiến kế hay khi đưa ra những câu hỏi gai góc?

lúc 03:41 1 tháng 8, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ