Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2007

USING NUMBERS




KHI NHÀ BÁO DÙNG NHỮNG CON SỐ

Con số là dữ liệu thiết yếu của nhà báo. Thế nhưng, xử lý con số trong quá trình viết một bài báo hoàn toàn không dễ dàng. Đứng trước một mớ tư liệu ngổn ngang những con số, câu hỏi thường được đặt ra là làm sao bắt những con số ấy thực sự tạo ra thông tin, làm cho bài báo có sự hấp dẫn. Nhà báo giỏi là người biết xử lý những con số trong bài báo của mình, biết cân nhắc trong việc sử dụng những con số. Nói khác đi, đó là nhà báo biết dũng cảm bỏ những con số không ảnh hưởng đến chủ đề bài viết và đặt con số cần thiết đúng chỗ.

Nhờ những số liệu mà chúng ta nêu được vấn đề và chúng ta so sánh, phát hiện được sự thay đổi để tạo ra thông tin, cảm xúc, thái độ. Nhưng chính những con số rất dễ làm hỏng một bài báo - đặc biệt là tác phẩm phát thanh truyền hình, khi thông tin được chuyển theo tuyến thời gian, những con số sắp xếp không hợp lý sẽ làm người nghe, người xem không còn nhớ, không hình dung được... Dùng con số như thế nào, làm sao tránh những con số trong quá trình viết báo là chuyện có thể bàn như một chuyên luận.

Kinh nghiệm của những nhà báo đàn anh cho biết trong nhiều ngôn ngữ, hệ thống con số vẫn có những cách nói dễ hình dung. Và một trong những cách mà nhà báo tạo hiệu quả thông tin cao là cố gắng quy về những con số dễ nhớ, dễ hiểu như một nửa, một phần ba, chục, tá, trăm... Ví dụ: Thay vì nói 51,2% có thể nói "hơn một nữa", thay vì nói: 97.124 đôi giày được xuất khẩu... có thể nói: gần một trăm ngàn đôi giày... Chuyện này cũng chẳng mới mẻ gì ngay với nhà báo trẻ. Nhưng, không phải trường hợp nào cũng có thể làm tròn. Bởi nhà báo phải biết con số nào cần thiết để làm rõ, để hiểu được chủ đề của bài báo và dùng con số như thế nào trong bài viết của mình. Khi đang so sánh tỷ lệ phát triển dân số giữa 2 năm mà sự chênh lệnh được tính theo phần ngàn thì không thể làm tròn được.

Có nhiều hình thức diễn đạt con số một cách thông minh mà các nhà báo có kinh nghiệm thường dùng song chưa có ai tổng kết. Chẳng hạn, tìm cách quy về những con số được nhiều người quan tâm. Ví dụ: Khi mở đầu một bản tin về chuyện rớt giá cà phê, hay chuyện tăng giá xăng dầu... nếu chúng ta đưa ra 2 con số giữa 2 thời điểm để so sánh thì hết sức bình thường. Nhưng nếu chúng ta viết: "Một ký cà phê hiện chỉ còn tương đương 2 ký gạo" thì người đọc, người nghe hình dung được ngay tình trạng rớt giá (bởi giá gạo thì luôn được người dân biết đến).

Con số phần trăm, tự thân nó, chứa đựng sự so sánh và hầu như được dùng khá phổ biến trong báo chí. Hãy nghĩ đến con số nguyên thủy 100, đây là con số đẹp, tròn trịa và dễ hiểu. Nhưng sử dụng con số phần trăm cũng hết sức cẩn thận. Trừ những trường hợp đặc biệt chẳng hạn khi nói về lãi suất hay lạm phát, khi mà con số lẻ cũng có giá trị, chúng ta không thể làm tròn. Hầu hết các trường hợp nên làm tròn cho dễ nhớ, dễ tiếp nhận.

Một kinh nghiệm trong việc xử lý con số là dùng per capita (trên đầu người). Đôi khi để đơn giản những dữ liệu phức tạp, chúng ta cần quy đổi dưới dạng per capita. Ví dụ: So sánh sự phát triển giữa 2 tỉnh, nếu dùng các báo cáo và đưa ra các con số từ những báo cáo, nhiều nhà báo dễ mắc sai lầm bởi sự so sánh khập khiểng theo đúng nghĩa đen của nó. Chính vì thế người ta thường dùng hình thức tính toán để tạo ra các per capita. Ví dụ: Ở Đồng Nai có 5 bác sĩ/1000 người, ở Bình Thuận có 2 bác sĩ/1.000 người.

Tóm lại, nhà báo phải luôn chắc chắn rằng con số mình đưa vào sẽ phục vụ cho chủ đề của bài báo. Luôn luôn nghĩ: Đây là bài báo nói về cái gì, và thử trả lời, nếu không dùng con số có được không? Ngay cả đó là một bài báo về kết quả kinh doanh. Nói cách khác, luôn luôn nghĩ rằng con số là CÔNG CỤ để làm sáng tỏ chủ đề chứ không phải là bản chất của bài báo.

Một khuyến cáo từ các chuyên gia là không nên viết quá nhiều con số trong một bài báo dù đó là những con số không thừa và không nên có hơn 2 con số trong đoạn mở đầu (lời dẫn) của một bài báo.

Một bài viết trung bình 400 từ không nên có nhiều hơn 10 con số.

Cố gắng phân phối các con số rãi đều trong bài.

Nếu cần thiết phải minh chứng bằng những con số nên sử dụng các bảng biểu riêng hàng để cho đoạn văn, lời bình trôi chảy.

Luôn luôn kiểm tra, kiểm tra chéo các dữ liệu số để tránh sự sai sót.

Nhãn:

2 Nhận xét:

Anonymous Ngoc Oanh nói...

Đọc bài này thấy thú vị quá. Toàn chuyện kinh điển của nhà báo kinh tế. Xin góp thêm đôi lời bàn: (Mong anh Tú đừng giận vì kẻ lắm lời hay comment vớ vẩn nhé)
1. Cũng là con số nhưng nói cái ô tô của Chủ tịch Tỉnh trị giá hơn 1 tỉ đồng thì không ấn tượng. Khi nhà báo viết: Chủ tịch tỉnh cưỡi trên cái ô tô trị giá 500 con trâu thì con số này hình tượng quá, gợi mở quá...và nó ấn tượng đến chua cay. Người dân (dân trí thấp) rất khoái và nhớ rất lâu. Các Quan thì tất nhiên là không thích. Họ sẽ chửi thằng nhà báo là đồ thâm độc, ai lại đi ví ô tô với trâu. !(Dân thì khoái, quan thì ghét). Bài học rút ra là: Viết cho ai thì sẽ dùng loại số nào?
2. Bây giờ đọc bao thấy Nhà báo hay viết lung tung các con số đã đành, lại tùy hứng quy đổi. Ví dụ: Khu công nghiệp vừa được đầu tư (nghìn, triệu) HKD (Hồng Kông Đô). hoặc SGD (Singapo Đô) . Khi viết USD thì nhiều người Việt Nam biết. Nhưng SGD hay HKD thì có lẽ không được...đại chúng lắm. Sao không đổi luôn ra tiền Việt nhỉ. Hoặc quy ra...trâu có phải dễ hiểu hơn không nhỉ?

lúc 23:13 27 tháng 5, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

Tú thấy cái "ẩn dụ trâu" đó khá thú vị nếu đưa vào bài này, cám ơn thầy. Nhưng cái thú vị hơn lại nằm ở một kết luận (mà nhà báo cần MẪN CẢM để biết và bài này chưa dám đưa vào) đó là: VIẾT CHO AI THÌ DÙNG LOẠI SỐ ĐÓ!

lúc 00:35 30 tháng 5, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ