Thứ Ba, 28 tháng 4, 2009

NỐI

+ Bây giờ văn minh quá ông hén, mong manh như sợi tóc, lông mi mà người ta cũng có thể nối dài ra để làm đẹp!

- Nhưng chuyện nối tóc thì không tinh xảo bằng công nghệ nối… vé thu phí giao thông ở xứ mình!

+ Vé thu phí giao thông đường bộ được in ấn bằng một quy trình hiện đại, phải dùng máy soi để xác định y như là tiền giấy vậy, làm gì có chuyện “nối” ông?

- Có đó. Tóc nối, lông mi nối còn có người phát hiện chứ vé nối làm tinh xảo đến mức họ qua trạm thu phí đều đều, Nhà nước thất thu mỗi ngày mấy chục triệu đồng ở một số tuyến đường như Nội Bài – Hà Nội đó! Vé thu phí giả được nối dính một cách khéo léo giữa cuống vé thiệt với phần thân vé thiệt. Có điều, hai cái phần “thiệt” này đã qua sử dụng…

+ Sao kỳ vậy ta? Cuống vé đã dùng rồi thì nhân viên ngành giao thông thu lại, làm sao có thể lọt ra ngoài để bọn làm vé giả có mà nối?

- Thì vậy, công nghệ nối này tinh vi là ở chỗ đó. Phải có “người của Nhà nước” nối cuống vé ra cho bọn làm vé giả thì những cái cuống vé đó mới tạo nên những vòng quay làm nghèo đất nước như vậy chứ!

+ Nhưng cái bọn nối cuống vé này lâu nay không bị phát hiện à? Dân phát hiện, sao người có thẩm quyền không phát hiện hè? Tinh vi, tinh vi thật!

Nhãn:

Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2009

Làm truyền hình không ê-kip

Tác phẩm báo hình là sản phẩm của tập thể, của một ê-kip - nhận định này đã đi vào các giáo trình báo chí kinh điển trong nước cũng như trên thế giới. Cho đến nay, chưa ai nghi ngờ điều đó. Tuy nhiên, đời sống truyền hình hiện đại gần đây đã cho thấy có một xu thế ngược với nhận định tưởng như luôn đúng ấy.

Từ chuyện của “con nhà nghèo”

Trong số các Đài truyền hình địa phương, Đài Phát thanh – truyền hình Đồng Nai là đơn vị sớm tiếp cận với việc truyền dữ liệu video qua Internet, mà sau đó nhiều nơi ứng dụng. Chuyện bắt đầu từ năm 1997, nhân SEAgames 19 diễn ra ở Indonesia, Đài Đồng Nai đã cử phóng viên xuất ngoại. Và để đưa tin nhanh, cạnh tranh với các đại gia truyền hình, phóng viên Đài đã chọn nhiều hình thức như gửi băng hình qua các chuyến bay Vietnam Airlines hằng ngày, gửi trực tiếp băng hình cho người nước về sớm, điện thoại đưa tin về v.v… trong đó, có hình thức mà ít báo đài bấy giờ chọn: gửi email. Cần nhớ rằng chỉ cách đó đúng một tháng, Việt Nam mới kết nối internet quốc tế. Email bấy giờ truyền những tấm hình bằng đường truyền dial – up tuy chậm nhưng cũng đủ để làm các bản tin thời sự rất nóng.

Kể từ đấy, phóng viên Đài Đồng Nai đã tập dần thói quen tự sản xuất các hình thức tin, bài khi đi tác nghiệp xa, đặc biệt là ở nước ngoài.

Các phóng viên PVT, Minh Thanh, Đình Thanh, Nhật Hân… đã từng “mình ên” thực hiện các bản tin, phóng sự và truyền về bằng internet từ Pháp, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Anh Quốc v.v…

Do yêu cầu thời sự, áp lực truyền file nhanh để tiếp tục tác nghiệp, các phóng viên này phải biết chọn dung lượng nén hợp lý và thường phải dựng (edit) hoàn chỉnh mới gửi file về (bằng những phần mềm dựng phim cài sẵn trên laptop. Vì thế, họ không những phải quay nhanh, quay đủ, viết lời bình tốc hành, mà còn phải biết dựng chuyên nghiệp.

Với một chiếc máy tính xách tay, sau khi tác nghiệp tại hiện trường, thường các phóng viên “cơ động” này chạy vội về khách sạn và xoay trần ra capture hình ảnh - viết - dựng và truyền về Đài.

Những năm gần đây, phóng viên Đài Đồng Nai xuất ngoại liên tục. Theo chân các đoàn cán bộ tỉnh đi xúc tiến đầu tư nước ngoài, quan hệ kết nghĩa và đặc biệt là các kỳ SEA-GAMES, các phóng viên xuất ngoại đều phải độc lập tác chiến. Nhiều nhà báo nước ngoài đã từng “mắt chữ o mồm chữ a” khi nhìn thấy cảnh phóng viên Đài Đồng Nai vừa vác máy trên vai vừa cầm micro phỏng vấn nhân vật của mình.

chi can 1 chiec may laptop cung co the hoan thanh cac khau hau ky cho 1 phim truyen hinh by you.

Chỉ cần một chiếc laptop, một phóng viên giỏi có thể làm tất cả các khâu hậu kỳ cho một phim tài liệu…

Đến chuyện của phóng viên đài lớn

Đạo diễn Việt Bình (Hãng phim truyền hình thành phố Hồ Chí Minh – TFS) cũng thừa nhận một thực tế là, ê-kip đông không còn là ưu thế trong việc sản xuất các dạng phim tài liệu truyền hình dài kỳ nữa. Yêu cầu về việc giảm tối đa chi phí và áp lực thời gian đã buộc người làm phim tài liệu truyền hình phải biết “bao” nhiều khâu trong quá trình sản xuất và phải biết “ra” sản phẩm với càng ít nhân lực càng tốt.

Đạo diễn Việt Bình cũng kể, những lần làm ký sự đường xa, việc một mình một ngựa là thường. Và rất nhiều khi, phóng viên phải ra thành phẩm cấp tốc để kịp truyền về nhà phát sóng trong ngày. Đọc lời bình trong khách sạn, dựng phim trên tàu lửa, truyền về ngay khi có internet… Tất cả đều nhờ chiếc máy tính xách tay như một studio và phòng tổng khống chế lưu động!

Dạy môn phóng sự truyền hình cho một trường báo chí, anh cũng chia sẻ, làm phim bây giờ dấu ấn cá nhân ngày càng đậm do khả năng làm chủ công nghệ là hoàn toàn trong tầm tay.

Rất nhiều phóng viên làm phim “hợp đồng”, “đánh xô” lẻ cũng chủ động một mình tác nghiệp vì đáp ứng được các yêu cầu nhanh gọn, cơ động. Đa số họ tự trang bị camera (đặc biệt là camera ghi thẻ từ), ổ cứng di động, máy tính xách tay cấu hình mạnh để “hành nghề”

Và ở trời Tây

Cách nay 3 năm, đạo diễn Trần Lan Phương cũng đã làm phim tài liệu... một mình. Tâm huyết của chị dốc vào phim tài liệu “Make up cho người chết”. Phim này đã được chiếu trên kênh truyền hình France 1, sau đó còn bán được cho một Đài Truyền hình Úc. Mới đây, nó đã mang lại cho nữ nghiên cứu sinh về phim tài liệu (documentary) này một giải thưởng “nho nhỏ”.

Dù là nữ nhưng Lan Phương không ngại đi xa và không ngại vác máy quay liên tục nhiều ngày liền. “Giới tính không hề tồn tại khi tác nghiệp” Lan Phương cho biết. Và sau khi quay, chính chị trau chuốt hàng tháng cho từng shot hình, từng nét âm thanh cho đứa con tinh thần của mình. Với chị, không gì hạnh phúc bằng việc tự mình “uốn nắn, dạy dỗ, trang điểm cho đứa con mình mang nặng đẻ đau”

Jean Luc Daniel – Một cái tên nhiều dấu ấn trong làng documentary Pháp và thế giới cũng rất thường làm phim... một mình. Và trên thế giới, các nhà báo truyền hình tự do cũng thường hoạt động độc lập. Có phóng viên chỉ có một mình với máy quay mà vẫn dẫn được tại hiện trường.

Đơn độc để tự hoàn thiện

Sáng tạo “đã” luôn, “không ai có thể can thiệp hay làm sai ý tưởng chính của mình trong toàn bộ bộ phim” là điều mà đạo diễn phim tài liệu Trần Lan Phương chia sẻ khi làm phim tài liệu một mình ròng rã hàng năm trời.

Nhanh – cơ động – giá rẻ cũng là một thế mạnh của việc làm truyền hình độc lập.

Tất nhiên khó khăn cũng rất nhiều. Cực hơn. Nhất là khi máy móc trục trặc, sức khỏe không đảm bảo, di chuyển nhiều... Tuy nhiên, xu hướng cá nhân hóa trong quá trình sản xuất các sản phẩm truyền hình là không thể cưỡng lại. Cuộc sống càng năng động và nhịp điệu càng nhanh, thì hoạt động độc lập càng trở thành phổ biến. Phương tiện kỹ thuận cũng ngày càng cho phép các phóng viên hoạt động độc lập một cách dễ dàng hơn.

Một phóng viên của công ty truyền thông nọ, khi được hỏi, công ty bạn đang sử dụng phần mềm dựng phim nào, đã trả lời: “Em không biết. Em là biên tập nên em không quan tâm lắm”. Câu trả lời này khá quen thuộc với các nhà báo hình, nhất là phóng viên biên tập. Tuy nhiên, nếu một phóng viên truyền hình bảo rằng, tôi chỉ viết, hay chỉ quay, họ đã là những người lạc hậu. Làm truyền hình bây giờ phải “n trong một”.

Tất nhiên, không thể có một phóng viên nào đơn độc có thể tường thuật trực tiếp một trận bóng đá trên truyền hình, một games show. Truyền hình về cơ bản vẫn là cuộc chơi tập thể. Nhưng các tác phẩm thông tấn (tin, phỏng vấn, tường thuật), phóng sự, phim tài liệu truyền hình hiện nay – nhờ sự trợ giúp của công nghệ - vẫn có thể được sản xuất với một phóng viên đa năng. Hiện tượng ngày càng có nhiều phóng viên truyền hình có thể tự sản xuất các tác phẩm truyền hình không cả cần ê-kíp phản ánh xu thế của thời đại internet: xu thế tích hợp, hội tụ trong truyền thông: Phóng viên báo in ngày nay cũng phải biết làm phát thanh, truyền hình. Phóng viên truyền hình phải giỏi một chuyên môn nhưng phải toàn diện trong các khâu: đọc, nói, ghi hình, dựng phim… Ranh giới các loại hình trong báo chí sẽ dần xóa nhòa đi với sự phát triển của truyền thông trực tuyến. Và xu hướng này cũng đặt ra nhiều vấn đề cho công tác đào tạo báo chí tại các trường đại học và chính các cơ quan báo chí hiện nay.

Nhãn:

Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2009

KA RA GÌ?

- Này anh Hai, ở trường mẫu giáo của con tôi học, có cháu ăn cơm xong dùng muỗng đánh vào mặt bạn bị thương. Anh viết báo anh đề nghị cấm cho trẻ con ăn cơm bằng muỗng, bằng đũa đi. Cứ bốc mà ăn, đằng nào cũng đưa được cơm vào bụng mà!

+ Ăn cơm thì dùng muỗng, dùng đũa. Còn chuyện trẻ con đánh nhau bằng… công cụ ăn cơm là cá biệt, sao lại đem chuyện cá biệt ra để lấy cớ cho một lệnh cấm hè?

- Thì tôi hỏi anh, hát thì người ta phải nhún nhảy, phải lắc theo tiết tấu để thể hiện hết mình, sao lại cấm khiêu vũ khi hát karaoke?

+ Chắc người ta nghĩ như anh về chuyện ăn cơm: cứ bốc cũng đưa được cơm vào bụng, cần gì đũa muỗng? Hát thì cứ ngồi yên một chỗ cũng thành… âm nhạc thôi, cần gì phải nhảy? Với lại, họ cũng sợ nhảy nhót mà nam - nữ đứng gần nhau quá thì dễ sinh chuyện.

- Nhưng đã quy định phòng karaoke phải có cửa kính để dòm vào bất cứ lúc nào, hát karaoke không được uống rượu bia... rồi còn gì. Nếu cứ sợ nam nữ gần nhau sinh chuyện thì cứ ra công viên, thậm chí lề đường, cũng đầy cảnh trớ trêu, có cấm được đâu.

+ Nhưng mà người ta chưa an tâm. Quy định vậy cho chắc cú.

- Quy thì quy vậy chứ liệu nó có hết khiêu dâm bán dâm không? Hay là người ta thấy cái chữ “khiêu” nó đáng sợ, nên lôi tuột nó vào một rọ ta?

+ Chắc vậy quá!

Nhãn:

Thứ Năm, 9 tháng 4, 2009

BỆNH GÌ

Hôm nay, đi dự hội nghị ở khách sạn La Thành (đường Đội Cấn, Hà Nội), thấy người ta bày bán sách, trên quày có cuốn này:

benh gi by you.

Bìa cho thấy đây là sách của Nhà xuất bản Y học. Các bậc cao minh có ai biết cho tớ hỏi, cái bệnh biếu cổ là bệnh gì ạ?

benh gi 2 by you.

Mình nhiều lần được dự một số hội nghị tại khách sạn này và cũng nhiều lần tự hỏi: Ai là người đã nghĩ ra cái chuyện đưa khá nhiều sách không xác định “tầm cỡ” vào cái chỗ thường diễn ra các hội nghị có tầm cỡ quốc gia, quốc tế này?

Nhãn:

Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2009

ANH BIẾT TIN AI BÂY GIỜ

Giữa tháng 3 rồi, báo Sài Gòn Tiếp Thị có phóng sự ảnh:

Và con sông đã vui trở lại

Phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đã theo chân ngư dân sông Thị Vải một đêm đánh bắt cá từ 5 giờ chiều đến 8 giờ sáng hôm sau. Mỗi đêm có khoảng trên 10 thuyền, và thu nhập cũng được vài trăm ngàn mỗi người. Những người dân ở đây cho biết nhiều người bỏ đi làm nghề nơi khác bắt đầu lục tục quay về

Hôm nay, báo Tuổi Trẻ đăng kỳ 1 loạt phóng sự kèm nhiều ảnh:

Trở lại sông Thị Vải: Cua, cá lèo tèo - thả tôm, tôm chết!

Sông Thị Vải đã hồi sinh? Phóng viên Tuổi Trẻ đã thuê tàu làm cuộc hành trình trên sông kéo dài hai ngày một đêm, gặp gỡ và sống cùng các ngư dân trên sông Thị Vải để tìm hiểu sự tình. Chúng tôi cũng gặp gỡ thêm các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn về môi trường và hầu hết mọi người đều khẳng định: “Chưa đủ cơ sở để nói sông Thị Vải hồi sinh!”.

XEM MẤY TẤM HÌNH TỪ HAI PHÓNG SỰ NÀY (CLICK VÀO LINK TRONG TỰA BÀI) THẤY NGỘ NGỘ, CỨ NHƯ ĐỒNG NAI CÓ 2 CON SÔNG THỊ VẢI.

TRƯỚC ĐÓ, THANH NIÊN, VTV (thời sự) CŨNG CÓ NHỮNG BÀI TƯƠNG TỰ SGTT

CODA: “Và con sông đã vui trở lại” – cái tựa này mình nghe VTV đọc trong mục “Điểm báo” lúc còn nằm trên giường. Mình để ý vì tính chất độc đáo: Tác giả chỉ sửa 1 chữ trong tên gọi (và cả lời ca) một bài hát khá nổi tiếng!

Hôm nay viết entry này, mình cũng bắt chước đặt tựa bằng lời ca: Anh biết tin ai bây giờ? (lời ca khúc “Bài Không tên cuối cùng” của Vũ Thành An)

Nhãn:

Thứ Năm, 2 tháng 4, 2009

Thông báo thi thiết kế cột

Mới đây, EVN tăng giá thuê cột quá hớp, lại còn đòi cắt cáp nếu chậm trả tiền, các doanh nghiệp viễn thông đang lao đao, chúng tôi nhận ra một cơ hội lớn để kiếm tiền, đó là làm cột cho thuê. Để tạo sự độc đáo cho dịch vụ, chúng tôi quyết định mở cuộc thi thiết kế cột.

Tiêu chí quan trọng nhất là đảm bảo giăng mắc được càng nhiều giây nhợ, cáp kiếc càng tốt. Sau đó là yêu cầu sản phẩm phải “tông xuyệt tông” với môi trường cảnh quan, để bà con không nhận ra cột càng tốt, vì thấy nhiều cột quá bà con la ó. Một yêu cầu khác, thiết kế cột phải dễ thi công, giá thành rẻ, giúp chúng tôi thi công rẹt rẹt trên toàn lãnh thổ, đề phòng trường hợp EVN nhất quyết đoạn tuyệt với các doanh nghiệp viễn thông trong gấp gáp.

Cuối cùng, cột phải có khả năng chuyển đổi công năng, trong trường hợp các doanh nghiệp Nhà nước này lại phải cơm lành canh ngọt vì túi tiền… của quốc gia, thì sản phẩm cột này có thể để cho các hộ dân nhà mặt tiền thuê phơi đồ hay treo tổ chim các loại...

Entry dành cho quảng cáo

Nhãn:

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2009

KHOE

bia tho by you.

Cuối cùng thì nó cũng ra đời nhờ sự giúp đỡ động viên của bạn bè.

Cám ơn B.Q.H lo giấy phép. Cám ơm em P.L vẽ bìa. Cám ơn các bác T. , bác N. hỗ trợ kinh phí in ấn, dù chỉ in có 500 bản.

Và bây giờ thì nó thành quà tặng cho bạn bè. Bạn nào muốn bị tra tấn bằng thơ của tớ thì đăng ký nhé!

Nhãn: