Thứ Ba, 3 tháng 7, 2007

FOREIGN PROPER NOUNS ON VIETNAMESE online MEDIA (PART 5)




Tên riêng tiếng nước ngoài trên báo chí Việt trong thời đại truyền thông trực tuyến

Một sinh viên tra cứu tư liệu bằng tiếng Việt trên internet về kết quả thi đấu các môn qua các kỳ SEAGAMES, nếu anh ta search bằng chuỗi trong đó có “Xi-ghêm” thì kết quả sẽ có 48 trang web có từ khóa này nhưng hầu hết đó là những bài viết không liên quan gì đến thông tin về SEAGAMES. Hoặc nếu muốn tìm thông tin liên quan đến công nghệ, phần mềm của hãng Microsoft chi nhánh tại Việt Nam trên các trang web tiếng Việt, khi chưa biết địa chỉ của nó trên mạng, muốn tìm kiếm mà gõ từ khóa “Mai - crô - xóp” thì khả năng tìm được là hầu như không có. Một người nước ngoài đang học tiếng Việt, khi gặp một tên riêng như “Mác” họ sẽ không thể biết được, tên riêng đó được phiên âm từ nguyên ngữ là Marx, Mach, Mars, Marc, Max, March, Marsch, Makh, Macht…

Một trong những đặc trưng của báo chí nói chung và đặc biệt là trên báo trực tuyến hiện nay là tính tương tác. Nếu phát thanh – truyền hình hiện đã có những mô hình chương trình giao lưu trực tiếp (qua cầu truyền hình, qua điện thoại) để khán thính giả cùng tham gia chương trình, thì báo in, báo điện tử cũng có những hình thức diễn đàn, hình thức trao đổi, phỏng vấn. Báo trực tuyến có nhiều cơ chế trao đổi: công chúng báo chí của báo trực tuyến có thể đồng thời trao đổi bằng văn bản (thông tin dạng text) và bằng giọng nói của mình với những khách mời của tòa soạn từ bất cứ nơi nào trên thế giới. Khác với cách làm truyền thông “một chiều” trước đây, những nỗ lực khai thác đặc trưng tương tác của báo chí hiện đại đã góp phần làm dân chủ hóa đời sống xã hội nhưng lại đặt ra vấn đề chuẩn hóa ngôn ngữ nói chung và chuẩn hóa cách viết tên riêng tiếng nước ngoài.

Với báo in, một trong những thế mạnh của loại hình này so với phát thanh – truyền hình là khả năng lưu trữ. Việc lưu trữ các dữ liệu này có ý nghĩa lớn cho công tác tra cứu, nghiên cứu hiện nay và về sau. Chọn một giải pháp viết tên riêng tiếng nước ngoài như thế nào để các thế hệ sau chúng ta khỏi phải khổ sở để tìm hiểu thêm cách viết của thế hệ trước. Có thể lấy một ví dụ, khi một sinh viên hôm nay bắt gặp trong những tài liệu cũ tên riêng một nước là Nga La Tư, không phải ai cũng có thể hiểu ngay đó là một từ để chỉ tên nước Nga. Sự thiếu thống nhất trong việc thể hiện tên riêng tiếng nước ngoài trên báo chí hiện nay sẽ gây khó khăn rất lớn trong công tác nghiên cứu, tra cứu.

Báo trực tuyến – một loại hình báo chí tích hợp các thành tựu của truyền thông đa phương tiện và thành tựu công nghệ internet – có một khả năng khá đặc biệt là tìm kiếm nhờ cơ chế tìm kiếm (search engine) trên mạng thông tin toàn cầu. Khi “đọc” báo online, công chúng không còn có thái độ thụ động tiếp nhận thông tin mà trái lại, đặc trưng cá thể hóa cao cho phép người đọc chọn lựa xu hướng tiếp cận thông tin theo nhu cầu của mình. Khả năng tuyệt vời của báo mạng cho phép người khai thác có thể chủ động tiếp cận thông tin theo chủ đề, lĩnh vực mình quan tâm. Nhưng trong điều kiện hiện nay, khi các phần mềm trí tuệ nhân tạo chưa phát triển mạnh và để ứng dụng nó cần có các yêu cầu kỹ thuật cao thì việc tìm kiếm trên mạng đều dựa vào yêu cầu xét chuỗi văn bản. Mạng internet chưa thể tìm được thông tin với “từ khóa” là âm thanh hay hình ảnh. Chính vì thế, để đạt khả năng tìm kiếm tối ưu, văn bản (từ khóa, chuỗi ký tự) nhập vào phải được chuẩn hóa (ngoài yếu tố kỹ thuật như chọn mã font chữ (font code) vốn cũng khá rắc rối ở Việt Nam, còn có yếu tố chính tả). Khi chúng ta muốn tìm tài liệu liên quan đến tác giả Brad Kalbfeld bằng Google được xuất bản trên internet, nếu gõ vào chuỗi ký tự “Brét Kan-phin”, kết quả hiện nay là con số không. Nếu chúng ta dùng chuỗi ký tự “Brad Kalbfeld” để tìm kiếm, sẽ có 1.260 website có tư liệu liên quan.

Điều đó cũng tương tự như khi chúng ta muốn tìm một tài liệu liên quan đến một tác giả Việt Nam được xuất bản trên báo chí điện tử bằng tiếng nước ngoài chẳng hạn, nếu chúng ta viết nguyên dạng tiếng Việt không dấu thanh, chúng ta mới hy vọng có kết quả tốt.

Dẫu biết rằng chuẩn hóa ngôn ngữ chỉ có thể bằng quy ước chứ không phải là quy định, là chỉ dẫn chứ không phải là luật, là kích thích sáng tạo chứ không cứng nhắc, nhưng trong phạm vi ngôn ngữ truyền thông, để tạo được sự thống nhất trong việc viết tên riêng tiếng nước ngoài trên báo chí, nên có Quy định làm chỗ dựa cho những người làm báo.

Nhãn:

3 Nhận xét:

Anonymous NGƯỜI ĐỒNG NAI nói...

Quy định nào cũng sẽ có những chỗ chưa thể hợp lý, nhưng thà có còn hơn không. Càng hội nhập thì mật độ, số lượng tên riêng như thế càng nhiều. Cần có quy đ8ịnh để thống nhất!

lúc 23:08 2 tháng 7, 2007  
Anonymous PHẢN BIỆN nói...

Chúng tôi còn nhớ, có lần, tháp tùng theo đoàn đại biểu của UBND tỉnh Đồng Nai sang Đài Loan, các vị chủ nhà đều phát âm tên tỉnh Đồng Nai là “Tung na” (sở dĩ có âm “tung” bởi các công văn giao dịch trước đó của hai bên đều dùng chữ Hán khi viết tên tỉnh “đồng” để “chuyển tự” sang cho phía Đài Loan. Và họ đọc âm này là “tung”).
Ai học Trung văn đều biết, người Trung Quốc gọi tên nước mình là “Zu nản” và họ cũng nghe ngồ ngộ khi mình đọc tên thành phố Shangai của họ là Thượng Hải, trong khi đó Hongkong thì mình không đọc Hương Cảng mà vẫn phát âm gần giống với âm quan thoại.
Tên riêng Trung Quốc – Việt Nam do có lịch sử giao lưu khá sâu đậm nên là một vấn đề phức tạp.
Gặp 1 vài người bạn Thụy Điển ở Việt Nam, họ hỏi, sao tên nước Sweden, người Việt đọc lạ thế? Tôi giải thích về chuyện chuyển tự từ Trung Quốc. Người Trung Quốc đọc “Thụy Điển” rất giống “Súy đèn”.

lúc 01:14 3 tháng 7, 2007  
Anonymous Scorpion nói...

Voi nhung bai viet nghiem tuc nhu the nay, em chi co the co gang vua ddoc vua suy nghi. Anh Tu co nhung entry rat "exceeding", thanks.

lúc 00:41 4 tháng 7, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ