Thứ Tư, 4 tháng 7, 2007

FOREIGN PROPER NOUNS ON VIETNAMESE MEDIA (PART 6: SOLUTIONS?)




TÊN RIÊNG TIẾNG NƯỚC NGOÀI TRÊN BÁO CHÍ VIỆT: GIẢI PHÁP NÀO?

Chỉ chấp nhận viết nguyên dạng và chuyển tự hoặc chỉ chấp nhận phiên âm trong việc xử lý tên riêng tiếng nước ngoài trên báo chí tiếng Việt là thái độ cực đoan. Phiên âm quá tuỳ tiện, đặc biệt là phiên âm đến mức người đọc không biết đọc làm sao nữa thì cũng không thể chấp nhận.

Ngôn ngữ bao giờ cũng hướng về số đông, nên chuyện phiên âm là cần thiết. Theo chúng tôi được biết, hầu như ngôn ngữ nào trên thế giới cũng đều phải phiên âm tiếng nước ngoài. Ví dụ: Khó có thể có một ngôn ngữ nào phát âm đúng, viết đúng như chúng ta hai chữ "Việt Nam". Đó là chưa kể những nước dùng ký tự tượng hình, người ta đành phải chọn những chữ nào có âm na ná như vậy thôi.

Một trong những đặc trưng của ngôn ngữ báo chí, theo tác giả Nguyễn Tri Niên, là “ngôn ngữ bám sát sự kiện có thật nguyên dạng để phản ánh” – đó là đặc trưng “ngôn ngữ sự kiện”. Tất nhiên khái niệm nguyên dạng ở đây là thuộc tính của ngôn ngữ báo chí chứ không phải vấn đề chữ viết trên báo chí. Tuy nhiên, xét trên góc độ đọc, người đọc luôn có xu hướng nhận dạng một từ (chính xác là bắt đầu từ một tiếng trong ngôn ngữ đơn âm như Tiếng Việt, sau đó mới đến từ) dựa trên một khái niệm goi là “diện mạo của từ”, có nghĩa là người ta sẽ không đánh vần để nhận dạng một tiếng hay một từ, mà sử dụng một “diện mạo từ” đã lưu trữ sẵn ở đâu đó trong bộ nhớ. Tương tự như thế với góc độ viết tay hay đánh máy. Nếu để ý đến vấn đề này, ta có thể coi mọi chữ viết đều có thể coi là chữ tượng hình, tượng ý… Cũng như một nhạc công nhìn tổng phổ âm nhạc, thì giai điệu đã vang lên trong đầu của họ chứ họ không thể “tư duy” để giải mã ký hiệu trên từng phân phổ. Để nguyên dạng những tên riêng tiếng nước ngoài trên báo chí, đặc biệt là tên người, độc giả báo in, báo điện tử vốn đọc bằng mắt chứ không phải đọc thành tiếng có thể hình dung ra – thông qua diện mạo chính tả của tên riêng đó - một phần gốc gác, quốc tịch, diện mạo của nhân vật, địa danh, sự kiện đó…

Chính vì thế, trong lúc chờ đợi nhà nước ban hành một số quy tắc chuẩn hoá việc viết tên riêng tiếng nước ngoài trên các phương tiện truyền thông, chúng tôi xin đề xuất một số biện pháp trong việc phiên chuyển tên riêng tiếng nước ngoài và thể hiện nó trên báo chí. Thực chất đây là giải pháp dung hòa. Nguyên tắc chung của giải pháp là: Phiên chuyển tên riêng nước ngoài bằng các âm, vần và chữ Việt dựa vào cách đọc trực tiếp của nguyên ngữ có thể biết được. Trường hợp chưa đọc được nguyên ngữ thì phiên chuyển gián tiếp qua ngôn ngữ khác. Nhưng đối với báo in và báo trực tuyến, trong trường hợp phiên âm cần mở ngoặc đơn để ghi rõ tên gốc (nguyên dạng đối với các ngôn ngữ sử dụng ký tự La Tinh, chuyển tự đối với các ngôn ngữ sử dụng ký tự phi La Tinh). Cụ thể là:

1. Đối với tên riêng tiếng nước ngoài thuộc ngôn ngữ có chữ viết dùng bảng chữ cái La - tinh (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha v.v…) thì phiên âm theo cách đọc trực tiếp của các ngôn ngữ đó, chú thích nguyên dạng tên gốc đặt trong ngoặc đơn. Việc làm này có lợi cho việc tra cứu và tìm kiếm trên báo điện tử.

2. Đối với tên riêng tiếng nước ngoài thuộc các ngôn ngữ không dùng bảng chữ cái La - tinh (Arập, Nhật, Triều Tiên, Lào, Thái Lan..…) nếu chưa phiên được bằng cách đọc trực tiếp thì phiên qua ngôn ngữ trung gian (tuỳ theo ngôn ngữ đó sử dụng tiếng Anh, Pháp hay tiếng nước khác), chú thích ngôn ngữ trung gian (chuyển tự La Tinh) giữa 2 ngoặc đơn. Ví dụ Niu Đêli (New Delhi); Ki-a-ti-sắc (Kiatisak)… Ở đây có 2 trường hợp đặc biệt:

a/ Đối với tên riêng tiếng nước ngoài tiếng Nga, phiên âm trực tiếp từ tiếng Nga, có thể lược bỏ trọng âm, chú thích dạng chuyển tự của từ dưới hình thức tiếng Anh trong ngoặc đơn. Ví dụ: Mát - xcơ - va (Moscow)

b/ Đối với tên riêng tiếng nước ngoài tiếng Trung Quốc, phiên âm theo âm Hán Việt (có thể chú thích dạng Latinh tiếng Anh hoặc chữ Hán theo mẫu chữ in giản thể của Trung Quốc trong ngoặc đơn) đối với những tên riêng đặc biệt như địa danh, tên các nhân vật quan trọng. Ví dụ: Bắc Kinh (Bejing), Thượng Hải (Shanghai), Đỗ Phủ (Du Fu)... Xin được nói thêm: tên nước, địa danh của một nước nào đó thường ít thay đổi và có số lượng hữu hạn. Nỗ lực Việt hóa để những tên riêng này “nhập gia tuỳ tục” có thể chấp nhận được. Riêng đối với những tên người bình thường… nên phiên âm theo âm phổ thông Trung Quốc (bính âm) và chú thích dạng tên tiếng Anh này trong ngoặc đơn.

c/ Đối với tên riêng nước ngoài âm Hán - Việt đã quen dùng trong đời sống ngôn ngữ Việt thì giữ nguyên. Ví dụ: Anh, Pháp, Mỹ, Thuỵ Sỹ… Tuy nhiên, nếu có những thay đổi mới về tên riêng theo hướng gần với nguyên dạng (hoặc nước đó đã thay đổi tên gọi) thì sẽ viết tên riêng nước ngoài theo cách 1, có chú thích bằng nguyên ngữ và tên gọi cũ đặt trong ngoặc đơn. Ví dụ Mi - an - ma (cũ: Miến Điện), Hàn Quốc (cũ: Nam Triều Tiên)

Thay lời kết

Vấn đề về phiên âm hay không phiên âm tên riêng tiếng nước ngoài, và nếu phiên âm thì phiên âm như thế nào đã được các nhà ngôn ngữ đề cập từ rất lâu và rất nhiều. Viện Ngôn ngữ, Ủy ban Khoa học – xã hội (cũ), Bộ Giáo dục, Viện đo lường và Tiêu chuẩn Việt Nam cũng đã ban hành nhiều văn bản rồi nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất.

Ngôn ngữ cũng như cuộc sống: luôn thay đổi và được hoàn thiện theo hướng phát triển của tri thức con người. Ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng đều có một đặc thù nhất định. Điều đó cắt nghĩa tại sao một câu nói được coi là hoàn toàn có nghĩa ở địa phương này lại trở nên vô nghĩa ở địa phương khác trong cùng một ngôn ngữ. Một âm tiết có nghĩa trong ngôn ngữ này lại không có nghĩa trong ngôn ngữ khác. Việc qui chuẩn tất cả các đặc thù này là một việc làm vừa cần thiết vừa không cần thiết. Chúng ta cần chuẩn hóa nhưng chúng ta cũng không muốn làm mất tính đa dạng của cuộc sống. Ngôn ngữ bắt nguồn từ mong muốn trao đổi thông tin và tri thức của con người với nhau, là “sự diễn đạt của tư duy”, do đó ở đâu con người có khả năng tư duy, có tính sáng tạo càng cao, thì ngôn ngữ lại càng phong phú. Ngày nay, khi đi vào thời đại của khoa học và công nghệ, để hiểu và nắm bắt được công nghệ đó buộc phải có một kiến thức về ngôn ngữ nước ngoài đủ rộng và cho dù có nỗ lực (một cách chủ quan hay khách quan), Việt hoá được tất cả tri thức của loài người (thông qua ngôn ngữ) thì công việc đó dường như là không thể.

Chọn một giải pháp dung hòa cho cách viết tên riêng tiếng nước ngoài trên báo chí, thiết nghĩ, đó cũng là cách chúng ta làm tiếng Việt ta thêm phong phú. Chúng ta nghe, chúng ta nói, chúng ta đọc, chúng ta nghĩ, chúng ta hiểu, chúng ta diễn đạt và chúng ta lựa chọn. Thực tế đời sống ngôn ngữ cho thấy chỉ những gì hữu ích và có lợi thì mới giữ lại, đó chính là sự chọn lọc tự nhiên của cuộc sống, là sự vận động của lịch sử. Và bởi ngôn ngữ là sự quy ước của một cộng đồng nên chúng ta có quyền hy vọng thời gian và nỗ lực của giới truyền thông sẽ giúp cho hệ thống từ vựng Việt có được bộ lọc tốt để tiếng Việt chúng ta vừa phong phú mà thật sự thống nhất.

Nhãn:

4 Nhận xét:

Anonymous Boong Boong nói...

Bài viết hoành tráng quá!

lúc 04:39 4 tháng 7, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

"Vừa là trách nhiệm, vừa là kiếm cơm" đấy Boong ơi!

lúc 04:48 4 tháng 7, 2007  
Anonymous Mr.Plan nói...

Xin mạn phép có ý kiến (bổ sung) về đề tài này, vốn dĩ là lĩnh vực mà tôi có tìm hiểu
Đứng ở góc độ tiếp nhận thông tin qua giác quan (thị giác hay thính giác) thì cách viết phiên âm những từ thuộc ngữ hệ Latin (và những gì tôi viết ở đây đều giới hạn trong các ngôn ngữ dùng thứ chữ viết Latin, trong đó có chữ Quốc ngữ) trên báo viết bằng tiếng Việt là một điều khó có thể chấp nhận. Người ta đọc báo bằng mắt chứ không phải bằng … miệng! Do vậy mà “mặt chữ”, ngoài việc nhất quán, phải được tôn trọng về nguồn gốc. Điều đó không chỉ là vấn đề “văn hoá” mà chủ yếu ở việc truy cập thông tin trong thời kỳ bùng nổ internet như hiện nay.
Việc phiên âm gây ra một tình trạng khó khăn và đáng bực mình với những người thường xuyên tìm kiếm thông tin trên mạng.
Anh có thể đọc kỹ hơn vấn đề này qua “Tiếng Việt – Văn Việt – Người Việt” của PGS. Cao Xuân Hạo (đã tái bản lần 2)

lúc 03:35 5 tháng 7, 2007  
Anonymous giang co`i nói...

xin mạn phép cho em copy bài này nha. Có bài học liên quan đến lĩnh vực này ở trường mà. Thank ạnh nhìu!!!

lúc 19:16 18 tháng 8, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ