Thứ Ba, 17 tháng 10, 2006

NEGATIVE POLITENESS IN INTERVIEW





LỜI XIN LỖI TRONG PHỎNG VẤN TRUYỀN HÌNH TRỰC TIẾP NHÌN TỪ CHIẾN LƯỢC LỊCH SỰ ÂM TÍNH


                   


 


Trong thực tiễn tác nghiệp truyền hình nói riêng và báo chí nói chung, phỏng vấn là vừa là phương thức hoạt động vừa là một thể loại quan trọng. Đứng ở góc độ dụng học, hoạt động phỏng vấn có đầy đủ các yếu tố cấu trúc của hội thoại và là một loại hội thoại đặc biệt – bởi trong cuộc hội thoại này, các tham thoại trực tiếp (nhà báo phỏng vấn và người được phỏng vấn) đều ý thức về những “tham thoại gián tiếp” dù có thể không nhìn thấy, không gặp (khán giả truyền hình, thính giả phát thanh, độc giả báo in…) và mục đích của ít nhất một bên tham thoại (nhà báo) là nhắm đến việc thông tin cho những “tham thoại gián tiếp” này. Xem xét phỏng vấn theo quan điểm dụng học là một vấn đề cần đặt ra cho người làm báo và cũng là vấn đề rất mới và rất rộng. Bài viết này xin được dừng lại ở vài ghi nhận tản mạn (từ thực tiễn nghề nghiệp của bản thân) những biểu hiện hành động xin lỗi của phóng viên trong phỏng vấn truyền hình trực tiếp nhìn từ chiến lược lịch sự âm tính.


 


I. ĐÔI NÉT VỀ NHÓM THỂ LOẠI GIAO TIẾP TRUYỀN HÌNH:


 


1/ Việc phân chia thể loại trên báo chí nói chung, truyền hình nói riêng hiện còn nhiều tranh cãi, đặc biệt trong xu hướng đan xen thể loại hiện nay. Tuy nhiên, hầu hết các nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng ngoại trừ phỏng vấn như một phương thức tác nghiệp, các loại hình báo chí đều có phỏng vấn với tư cách một thể loại. Phỏng vấn truyền hình được xếp vào nhóm thể loại “giao tiếp truyền hình” bao gồm các thể loại: phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, phát biểu, đối thoại… Đặc điểm chung của nhóm thể loại này là sử dụng lời nói của các đối tượng xuất hiện trong khung hình làm hình thức thông tin chủ yếu. Tất nhiên có trường hợp do điều kiện kĩ thuật không cho phép, phỏng vấn truyền hình có thể sử dụng hình thức phỏng vấn qua điện thoại, đối tượng không xuất hiện bằng hình ảnh động trên màn ảnh nhỏ, nhưng những cuộc phỏng vấn này chiếm tỉ lệ thấp và nó cũng có tạo ra những hiệu ứng tiếp nhận đặc biệt. Trong nhóm thể loại này, hình ảnh không được trau chuốt bằng nhóm thể loại sử dụng phương thức điện ảnh (phóng sự, phim tài liệu…). Một đặc điểm khác của nhóm thể loại giao tiếp truyền hình là thông tin dễ tiếp nhận phù hợp với các quá trình nhận thức. Bởi thông tin chủ yếu là lời nói với ngữ điệu của lời nói trong đời sống, không phải đọc diễn cảm như lời bình của tin, phóng sự vốn có sự sắp xếp, trau chuốt. Và đây cũng là điểm hạn chế của thông tin hội thoại: tính khái quát không cao, khả năng lưu giữ thông tin không bền vững, phụ thuộc vào tâm lí người xem.


 


2/ Nhóm thể loại giao tiếp truyền hình (có người còn gọi là nhóm thể loại gặp gỡ truyền hình, hoặc nhóm thể loại hội thoại) có đặc điểm chung là sử dụng phương thức trường quay là chủ yếu, phản ánh khá “nguyên chất” cuộc sống, ít có sự sắp xếp như nhóm thể loại tạo hình. Một cuộc phỏng vấn truyền hình vẫn có thể bị cắt xén bằng các thủ thuật hậu kì (editing hoặc montage). Ngay cả cuộc phỏng vấn trực tiếp, các yếu tố phi lời chưa chắc được khán giả tiếp nhận đầy đủ do góc máy thay đổi theo dụng ý chủ quan của người đạo diễn truyền hình. Ví dụ: Trong phỏng vấn trực tiếp, khi một vị khách mời vò đầu trước câu hỏi hóc búa của phóng viên, nếu người đạo diễn truyền hình không muốn cho khán giả thấy, họ có thể đưa tín hiệu từ máy quay khác, chẳng hạn cảnh cận mặt người phóng viên… Tuy nhiên, phỏng vấn truyền hình trực tiếp – dù có sự can thiệp chủ quan của nhóm sản xuất chương trình – vẫn là dạng thức hội thoại trên báo chí tương đối “nguyên bản”.


 


                                   


3/ Tính tương tác cũng là một đặc điểm của nhóm thể loại giao tiếp truyền hình hiện nay. Trong phóng sự, phim tài liệu, khán giả truyền hình không thể cùng tham gia chương trình nhưng đối với một cuộc tọa đàm hay bình luận truyền hình, phỏng vấn truyền hình người xem có thể giao lưu, “tương tác” với phóng viên, các chuyên gia thông qua điện thoại, cầu truyền hình v.v….


Trong thể loại giao tiếp truyền hình, phải có người dẫn chương trình, người phỏng vấn (là phóng viên, biên tập viên…). Họ không chỉ có vai trò dẫn dắt, gợi mở và “chủ trì” cuộc trò chuyện mà còn tham gia tranh luận, khai thác thông tin.


 


4/ Thể loại tiêu biểu nhất cho nhóm thể loại giao tiếp truyền hình chính là phỏng vấn truyền hình.


Phỏng vấn truyền hình là một thể loại báo chí truyền hình mà hình thức chủ yếu là cuộc hội thoại giữa một hoặc nhiều nhà báo với một hoặc nhiều người nhằm khai thác thông tin hoặc tranh luận, bàn bạc, phản ánh, bộc lộ chính kiến, dự báo một vấn đề, phân tích một sự kiện.


Mục đích chủ yếu của thể loại phỏng vấn nhằm đem đến cho người xem thông tin, cảm xúc, sự giải thích, lí lẽ, thái độ của những người tham gia cuộc phỏng vấn.


Với phỏng vấn truyền hình, công chúng không phải đọc lại (như báo in) hoặc nghe cuộc hội thoại (như phát thanh), mà được chứng kiến bằng mắt cuộc hội thoại đó. Đặc trưng này giúp cho người xem cảm thụ thông tin ở hai cấp độ: Cấp độ thông tin “nguyên chất” là nội dung trực tiếp của cuộc hội thoại và cấp độ thông tin phi lời được cảm nhận từ bối cảnh, thái độ biểu cảm, động tác của tất cả các nhân vật tham gia phỏng vấn.


 


Ngày nay, thể loại phỏng vấn truyền hình trực tiếp đang có xu thế phát triển mạnh bởi đây là loại hình báo chí có độ tin cậy cao, có sức hấp dẫn bởi nó gần với cuộc sống và ít có sự “can thiệp” qua lăng kính chủ quan của nhà báo. Thế nhưng đây cũng là loại hình báo chí thử thách bản lĩnh người làm báo: sự thành công của một cuộc phỏng vấn phụ thuộc rất nhiều vào ngữ năng giao tiếp, kiến thức văn hóa nền, kiến thức ngôn ngữ của người phỏng vấn. Đối với các nhà báo ở ngành truyền hình Việt Nam, việc nắm vững dụng học Việt ngữ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc rèn luyện kĩ năng phỏng vấn truyền hình trực tiếp.


 


II. CHIẾN LƯỢC LỊCH SỰ ÂM TÍNH VỚI LỜI XIN LỖI TRONG PHỎNG VẤN TRUYỀN HÌNH TRỰC TIẾP


 


1/ Nguyên tắc lịch sự trong hoạt động phỏng vấn truyền hình:


 


Trong phỏng vấn truyền hình, ngoài các nhân tố tham thoại trực tiếp, khán giả truyền hình tuy không hiện diện song vẫn có thể hiểu ngầm là những tham thoại “gián tiếp”. Phỏng vấn truyền hình là một đa thoại. Trừ các tham thoại “gián tiếp”, các tham thoại trực tiếp: phóng viên và người được phỏng vấn đều phải ý thức được hệ thống những qui ước trong việc giành lời, giữ lời, nhường lời trong hội thoại cũng như việc tôn trọng nguyên tắc hợp tác trong hội thoại hoặc việc khai thác hàm ý hội thoại (trong tương quan với tham thoại gián tiếp). Kết quả của cuộc phỏng vấn không chỉ là kết quả của quá trình giao tiếp giữa phóng viên và (những) người được phỏng vấn mà là quá trình “giao tiếp” qua kênh thông tin đại chúng giữa các tham thoại trực tiếp và các tham thoại gián tiếp. Trong rất nhiều yếu tố tác động đến kết quả này, có một yếu tố không kém phần quan trọng trong giao tiếp: đó là nguyên tắc lịch sự (principle of politeness).


 


Hoạt động của tham thoại (là phóng viên) trong phỏng vấn truyền hình – một tình huống hội thoại khá đặc biệt – là một hoạt động đòi hỏi những nguyên tắc giao tiếp đặc biệt. Một người phóng viên khi được phân công phỏng vấn một nhà khoa học nhưng do vô tình hay hữu ý, nhà khoa học được mời lại là cha ruột của anh ta chẳng hạn, việc xưng hô trong quá trình phỏng vấn ấy cũng không thể tuân thủ nguyên tắc lịch sự thông thường (Chỉ có thể xưng: “Thưa ông, thưa giáo sư - tiến sĩ v.v…” chứ không thể “Thưa bố, thưa cha…”. Nhưng điều này vẫn không vi phạm các chuẩn mực xã hội theo nguyên tắc lịch sự. Bởi người phóng viên trong tác nghiệp phỏng vấn, họ đại diện cho một cơ quan thông tin đại chúng, câu hỏi của họ là câu hỏi của một cơ quan thông tin đặt ra cho nhà khoa học và điều quan trọng là, họ biết cuộc phỏng vấn đó nhằm đến một đối tượng họ cần tương tác trong giao tiếp: công chúng báo chí. Và giả sử trong số công chúng báo chí tiếp nhận cuộc phỏng vấn đó có người biết mối quan hệ giữa hai tham thoại trực tiếp trong cuộc phỏng vấn, không ai cảm thấy tổn thương, xúc phạm.)


 


Tất nhiên, còn những yếu tố khác chi phối các cuộc phỏng vấn truyền hình như tính chất của cuộc phỏng vấn: chất vấn một đối tượng tham nhũng, hoặc tôn vinh một cá nhân có nhiều cống hiến (như mô hình chương trình “Người đương thời” của VTV3), phỏng vấn một chính khách, phỏng vấn một người nước ngoài có thông dịch v.v…


 


Cuộc phỏng vấn truyền hình trực tiếp – như đã nói – là một thể loại tạo ra một mảng cuộc sống hiện thực “nguyên bản” ít bị chi phối bởi lăng kính chủ quan, cho nên tâm lí tiếp nhận của khán giả gần giống với đời sống và vì thế, tất cả những nguyên tắc lịch sự cần phải được tuân thủ cao. Có khá nhiều nguyên tắc lịch sự cần được đề cập đến như nguyên tắc xưng hô, sự tế nhị, sự khoan dung, sự khiêm tốn, sự cảm thông, hành động giữ thể diện v.v…


 


Theo GS.TS Nguyễn Thiện Giáp, “thể diện là hình ảnh bản thân trước công chúng của một cá nhân, nó liên quan đến ý thức xã hội và tình cảm mà mỗi cá nhân có và mong muốn người khác tri nhận. Trong giao tiếp, phép lịch sự có thể được định nghĩa là phương tiện được dùng để thể hiện hiểu biết về thể diện của người khác.” ([1])


 


2/ Chiến lược lịch sự dương tính và chiến lược lịch sự âm tính:


 


Khái niệm thể diện (face) được xem xét trong mối quan hệ với hoạt động giao tiếp và ứng xử ngôn ngữ. Thể diện của một con người liên quan đến sự tồn tại về phương diện xã hội - tâm lí của một cá nhân trong giao tiếp. Như vậy, trong một cuộc phỏng vấn truyền hình, người được phỏng vấn, khán giả truyền hình luôn có nhu cầu thể diện của họ và người phóng viên thực hiện phỏng vấn cần ý thức rõ điều này.


 


Cũng theo GS.TS Nguyễn Thiện Giáp, cần phân biệt hai phương diện của thể diện: thể diện dương tính (positive face) và thể diện âm tính (negative face) mà thực chất của nó là nhu cầu đoàn kết; nhu cầu được quan hệ và nhu cầu được độc lập, được tự do hành động, được tôn trọng. Hai loại nhu cầu như trên chính là cơ sở của hai loại chiến lược lịch sự: lịch sự dương tính (positive politeness) và lịch sự âm tính (negative politeness) ([2]).


 


Lịch sự dương tính trong ứng xử xã hội có thể diễn tả là sự nhiệt thành tới những người khác. Phép lịch sự dương tính nhằm thực hiện những hành vi tôn vinh thể diện, tức là những hành vi làm gia tăng một trong hai thể diện của người tiếp nhận. Phép lịch sự dương tính cũng đồng thời làm gia tăng thể diện của người nói bằng cách nhấn mạnh mục đích để người tiếp nhận biết rằng người đó cùng mục đích hội thoại như mình. Lịch sự âm tính là hành vi cư xử tránh xa khỏi sự đe dọa thể diện của họ. Lịch sự âm tính thể hiện rõ nét ở hình thức xin lỗi, viện lí do, trao cho người nghe quyền lựa chọn…


 


Trong phỏng vấn truyền hình nói chung và phỏng vấn truyền hình được phát trực tiếp nói riêng, phép lịch sự âm tính vì thế là một yêu cầu cần được người phóng viên dẫn chương trình biết khai thác hợp lí, đặc biệt là những hình thức thể hiện hành động xin lỗi.


 


3/ Chiến lược lịch sự âm tính với lời xin lỗi trong phỏng vấn truyền hình trực tiếp:


 


Xin lỗi thường được sử dụng nhằm “sửa lại cho đúng” một sự vi phạm hoặc nhằm tạo ra sự hòa thuận giữa người xin lỗi và người tiếp nhận. Xin lỗi là sự sửa sai về hành động cư xử đe dọa thể diện, gây ra khó chịu, bực bội đối với người nghe. Như vậy có thể hiểu xin lỗi là một hành động ngôn từ lịch sự được sử dụng để tái thiết quan hệ xã hội và biểu lộ trách nhiệm cá nhân về một sự vi phạm. Xin lỗi là một hành động ngôn từ hướng tới nhu cầu thể diện của người nghe và có ý muốn sửa lại cho đúng một sự vi phạm mà người nói biểu lộ trách nhiệm. Hành động xin lỗi có thể được diễn đạt bằng những từ, ngữ cụ thể nhất định trong phát ngôn (lời xin lỗi) mà cũng có thể thể hiện ở những dạng thức khác, thậm chí đó có thể là lời cám ơn trong phỏng vấn truyền hình nhằm ngắt lời một diễn giả!


 


Những lời xin lỗi cũng giống như những lời khen là hành động ngôn từ hướng tới nhu cầu thể diện của người nhận, duy trì quan hệ, hướng tới tăng cường thể diện của người nhận. Lời khen và lời xin lỗi được miêu tả như là “những hành động khuyến khích thể diện” (face - supportive acts) và đối lại những hành động ngôn ngữ như đe dọa, lăng mạ là “những hành động tấn công thể diện” (face attack acts). Và nếu lời khen, lời mời, lời chào mừng được xem như hành động lịch sự dương tính, diễn tả tình đoàn kết (solidarity) và tình thân thiện (friendliness) thì lời xin lỗi, trái lại, thường được thừa nhận là hành động lịch sự âm tính, diễn tả sự tôn trọng (respect) hơn là tình thân thiện.


Bên cạnh chiến lược lịch sự dương tính, trong hoạt động phỏng vấn truyền hình trực tiếp, chiến lược lịch sự âm tính thông qua hình thức xin lỗi có tần số xuất hiện khá cao.


 


 


3.1. Một trong những thao tác mà người làm phỏng vấn truyền hình trực tiếp quan tâm thường trực là làm chủ thời gian cho cuộc phỏng vấn theo kế hoạch để vừa đảm bảo đạt yêu cầu thông tin, yêu cầu chủ đề tư tưởng vừa không bị “cháy kịch bản”. Thế nhưng không dễ dàng gì khi muốn “cắt” lượt lời, hoặc giành lời trong một cuộc hội thoại được truyền hình trực tiếp và đối tượng được phỏng vấn là những nhân cách nổi tiếng hoặc có vai vế xã hội nhất định lại chưa được chuẩn bị kĩ để hợp tác. Trong trường hợp này, việc ngắt lời thường đi liền với lời xin lỗi:


+ Xin lỗi tôi phải ngắt lời ông…


Tất nhiên, đó là việc làm bất đắc dĩ của người phóng viên trước áp lực thời gian của chương trình. Nhà báo Trần Bình Minh – hiện là Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam – kể rằng, trong cầu truyền hình giao thừa năm 2001, có một “điểm cầu” bị lố giờ do người được phỏng vấn là một nghệ sĩ ngâm thơ, khi kể về kỉ niệm ngâm thơ cho Bác Hồ đã quá xúc động nên quên mất qui ước về thời lượng dành cho bà trước đó, trong khi giao thừa đang chỉ còn vài phút nữa và trong kịch bản còn vài tiểu mục. Người phóng viên lúc ấy đã lanh trí chờ khi bà vừa ngắt mạch câu chuyện một tí là đã nhanh chóng “Xin cám ơn nghệ sĩ!”, ngay lúc đó, tổng đạo diễn chương trình cho chuyển tín hiệu hình ảnh về cầu trung tâm (phim trường Đài) và người dẫn chương trình tại cầu trung tâm tiếp tục: “Vâng, xin cám ơn nghệ sĩ … , cám ơn phóng viên …” và tiếp tục vào nội dung còn lại. Nhờ đó, khán giả truyền hình sẽ không có cảm giác “nhà Đài” “cắt” đột ngột người nghệ sĩ này. Những trường hợp phỏng vấn trực tiếp truyền hình trước giờ bóng lăn hay trước một sự kiện lớn sắp diễn ra cũng thường gặp tình trạng lố giờ tương tự. Phóng viên truyền hình nếu vì lí do an toàn mà dừng quá sớm cuộc phỏng vấn thì cũng không tiện, mà nếu biết cách xử lí để “canh” vừa khớp với diễn biến thời sự thì phải biết cách chuyển lời, giành lời trong hội thoại nhưng phải đảm bảo nguyên tắc lịch sự (lịch sự với người được phỏng vấn và lịch sự với khán giả).


 


Có trường hợp, người được phỏng vấn đi quá xa vấn đề, người dẫn chương trình phải có những cách xin lỗi khéo:


+ Vâng, chúng ta có thể quay trở lại vấn đề ông đang nói trong chốc lát nữa nếu còn có thời gian, nhưng bây giờ, xin ông hãy lí giải một cách ngắn gọn…


Với cách “rào đón”, “viện lí do” như thế, người được phỏng vấn có thể cảm thấy mình được tôn trọng đồng thời, khán giả truyền hình vẫn cảm thấy được tôn trọng. Và vì thế, lời cám ơn đôi lúc cũng là một lời xin lỗi lịch sự trong quá trình phỏng vấn. Những phóng viên phỏng vấn giàu kinh nghiệm biết cách tìm nhịp ngắt và nội dung hợp lí trong ngữ lưu của người được phỏng vấn để chen vào: “Xin cám ơn ông (bà)!” và những người được phỏng vấn có thể hiểu đó là cách cắt lời một cách lịch sự.


 


Bản chất của hình thức xin lỗi trong chiến lược lịch sự âm tính của phỏng vấn truyền hình trực tiếp không phải bao giờ cũng xuất phát từ nguyên tắc: Phóng viên xin lỗi vì cảm thấy phạm lỗi với người được phỏng vấn mà đôi lúc, đó là sự xin lỗi vì cảm thấy có lỗi với khán giả truyền hình. Ví dụ: Khi một khách mời trả lời quá lan man trước một câu hỏi, người phỏng vấn có thể “ngắt lời” dưới hình thức:


+ Vâng, xin lỗi ông, vấn đề ông vừa trình bày tôi có thể hiểu như thế này được không ạ: (phóng viên khái quát nhanh rồi chuyển sang câu hỏi khác, người khác…)


 


Có những trường hợp do yêu cầu kĩ thuật của quá trình thực hiện chương trình trực tiếp, người phỏng vấn buộc phải ngắt lời người được phỏng vấn:


+ Xin được thông báo với quí vị khán giả và ông X. là chúng tôi vừa nhận được tín hiệu từ đầu cầu Đà Nẵng, chúng ta sẽ tạm dừng câu chuyện với ông X…


 


3.2/ Tất nhiên, trong phỏng vấn truyền hình trực tiếp, lời xin lỗi như một hành động ngôn từ khi chính phóng viên phỏng vấn phạm lỗi hoặc chính ê-kíp sản xuất chương trình phạm lỗi cũng thường xảy ra. Phổ biến nhất là lời xin lỗi do người phỏng vấn nhầm tên, chức vụ của người được phỏng vấn. Ở nhiều Đài Phát thanh – truyền hình địa phương hiện nay, việc tổ chức phỏng vấn truyền hình thường do một biên tập viên chuẩn bị câu hỏi và thực hiện trực tiếp cuộc phỏng vấn do một phát thanh viên xinh đẹp nhưng lại hơi yếu về kiến thức. Nhiều khi do nhầm lẫn chữ viết tắt trong văn bản của biên tập viên, cô phát thanh viên kia đã đọc sai chức vụ của người được phỏng vấn. Ví dụ: BCH quân sự tỉnh (Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đọc nhầm thành Ban chấp hành quân sự tỉnh); hoặc BTG (Ban Tuyên giáo – Ban Tôn giáo) v.v… Gần đây, trong quá trình làm các cuộc phỏng vấn trực tiếp, những người phóng viên phòng thu thường được đeo tai nghe (ear-phone) trong hệ thống liên lạc nội bộ (inter-com) nên vẫn nghe được nội dung chỉ huy từ đạo diễn bên ngoài. Nhờ đó những sơ sót như thế đã kịp thời được… xin lỗi!


Những hình thức xin lỗi như thế cũng góp phần tạo nên tính chất sống động, trực tiếp cho chương trình. Nhờ thế, khán giả truyền hình có thể tin rằng đây là cuộc hội thoại nguyên chất, trực tiếp. Bởi nếu phỏng vấn thu trước thì những sơ sót có thể được sửa lại bằng nhiều biện pháp kĩ thuật.


 


Loại xin lỗi phổ biến thứ hai khi người phỏng vấn cảm thấy mình có lỗi thực sự là lời xin lỗi khi có sự cố kĩ thuật xảy ra trong truyền hình trực tiếp. Ví dụ: Do lỗi của nhân viên thu âm, có khi âm thanh của người được phỏng vấn bị mất. Bản thân người được phỏng vấn không biết điều đó nhưng đạo diễn chương trình biết và tất nhiên, khán giả truyền hình biết. Vì thế, người phỏng vấn phải xin lỗi khán giả truyền hình và xin lỗi vị khách mời: “Xin lỗi, ông (bà) có thể nhắc lại nội dung vừa rồi…”. Thông thường trong những trường hợp trên, lời xin lỗi được diễn tả tường minh bằng động từ ngôn hành: xin lỗi. Nhưng cũng có thể có cách xin lỗi dưới hình thức giải thích. Ví dụ: trong một cầu truyền hình, đầu cầu ở Trường Sa có thể bị mất tín hiệu do đường truyền chập chờn, người phỏng vấn có thể giải thích sự kiện trên và “mong quí khán giả thông cảm” như là cách thể hiện sự tôn trọng khán giả, mặc dù lỗi thực chất do những lí do khách quan ngoài ý muốn “nhà Đài”


 


3.3/ Như đã nói, hành động xin lỗi trong phỏng vấn truyền hình trực tiếp còn được diễn tả bằng những cách thức khác nhau, rất đa dạng và tinh tế, chứ không chỉ bó hẹp, gắn với động từ ngôn hành xin lỗi. Và nguyên tắc xin lỗi trong phỏng vấn truyền hình – đôi lúc – lại mang hàm ý hội thoại rất đặc biệt. Người phóng viên phỏng vấn có thể xin lỗi thay cho người khác vì những mục đích báo chí và thể hiện sự tôn trọng khán giả.


 


Phổ biến nhất trong hình thức này là xin lỗi khán giả khi một vị khách mời đặc biệt nào đó không đến được. Có những trường hợp, vị khách mời của buổi phỏng vấn đó không đến và khán giả cũng không biết rằng trong buổi phỏng vấn đó lẽ ra có ông ta nhưng người phóng viên phỏng vấn vẫn xin lỗi khán giả. Ví dụ: “Thưa quí khán giả! Chung quanh sự cố sập cầu Đồng Nai vừa qua, chúng tôi đã mời đến phòng thu ông giám đốc Công ti cầu đường và ông giám đốc Sở Giao thông – vận tải tỉnh… Rất tiếc đến giờ phút chót, ông giám đốc Sở Giao thông – vận tải đã gọi điện từ chối vì bận công tác. Thành thật xin lỗi quí khán giả…”. Ngoài hàm ý hội thoại mà phóng viên muốn nhấn mạnh, lời xin lỗi tường minh trên đây cũng thể hiện rõ sự tôn trọng đối với khán giả truyền hình: tôn trọng quyền được thông tin của khán giả.


 


Tác giả Nguyễn Thiện Giáp chỉ ra rằng chiến lược lịch sự âm tính đòi hỏi phải nói hay làm một cái gì đó để tỏ ra anh không muốn can thiệp vào quyền tự do hành động và quyền không bị áp đặt của người khác ([3]). Trong phỏng vấn truyền hình trực tiếp, quyền không bị áp đặt của khán giả truyền hình cũng như quyền không bị áp đặt của người được phỏng vấn thể hiện qua những lời xin lỗi nhằm rào đón - rào đón cho sự vi phạm trong nội dung phát ngôn. Lời xin lỗi trong trường hợp này mang tính chất rào đón, có tính chất “tình thái hóa” để giảm nhẹ hiệu lực đe dọa thể diện đối với người được hỏi, đảm bảo phép lịch sự. Hình thức này thường xảy ra trong những nội dung phỏng vấn có tính chất chất vấn trước một sự kiện công luận quan tâm và cơ quan chức năng chưa có kết luận. Ví dụ: sự kiện di dời đàn voi dữ ở Tánh Linh; sự kiện trách nhiệm trong các công trình xây dựng phục vụ cho SEA-games 22 v.v...


+ Xin lỗi phải làm phiền ông, nhưng nếu không có gì e ngại, ông có thể cho biết…


+ Chúng tôi rất lấy làm tiếc phải hỏi ông điều này, nhưng khán giả truyền hình rất muốn ông xác nhận lại thông tin…


Đây là hành động xin lỗi thường có vị trí mở đầu phát ngôn có tác dụng làm nhẹ hóa hành động đe dọa thể diện của người được hỏi trong nội dung tiếp theo của phát ngôn.


Thực tế hoạt động truyền hình những năm qua cho thấy, còn nhiều trường hợp phóng viên mắc những lỗi do vi phạm nguyên tắc lịch sự trong giao tiếp phỏng vấn:


+ Chúng tôi rất muốn biết…


+ Chúng tôi muốn hỏi ông


+ Khán giả truyền hình Đồng Nai rất muốn biết…


 


 


III. KẾT LUẬN


 


Phỏng vấn truyền hình trực tiếp là hoạt động giao tiếp đặc biệt. Trong quá trình tác nghiệp, người phóng viên nếu biết khai thác tốt những chiến lược giao tiếp, trong đó có chiến lược lịch sự, cuộc phỏng vấn sẽ đạt hiệu quả xã hội cao. Sử dụng đúng hành động xin lỗi trong chiến lược lịch sự âm tính là hành động vừa giữ thể diện âm tính cho khán giả, cho người được phỏng vấn và vừa tạo được tác động xã hội cho tác phẩm phỏng vấn.


Sử dụng “đắt” hành động xin lỗi trong phỏng vấn truyền hình là kĩ năng ngôn ngữ có ý nghĩa tác nghiệp cao. Tất nhiên, hành động xin lỗi trong giao tiếp tiếng Việt trong phỏng vấn truyền hình phải được diễn đạt bằng những cách thức rất khác nhau, dựa trên những nguyên tắc khác nhau và vì nhiều mục đích khác nhau nhằm tạo ra hiệu quả cuối cùng cho cuộc phỏng vấn.


Tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu lời xin lỗi trong mối quan hệ giữa nhà báo truyền hình (người phỏng vấn) với người được phỏng vấn, khán giả truyền hình là vấn đề còn nhiều lí thú, một hướng tiếp cận, giúp cho việc sử dụng thể loại báo chí này đạt hiệu quả cao hơn.


                       


 








([1]) Nguyễn Thiện Giáp – Dụng học Việt ngữ – NXB. Đại học quốc gia Hà Nội, 2004, tr. 104.




([2]) Nguyễn Thiện Giáp, sđd, tr. 108.




([3]) Nguyễn Thiện Giáp, sđd, tr. 112.


PHONE-IN FOR RADIO




PHONE-IN [1] NHÌN TỪ GÓC ĐỘ SẢN XUẤT CHƯƠNG TRÌNH


 


 


Chúng ta đã biết đến những đặc trưng, tính chất của phương thức phát thanh trực tiếp: Phần lớn thông tin diễn ra đồng thời với sự kiện, thông tin có tính tương tác, thông tin trực tiếp đưa về từ nhiều không gian khác nhau, thông tin có độ tin cậy cao, có sức hấp dẫn, gần gũi, khách quan... Hãy thử hình dung, làm phát thanh trực tiếp không có điện thoại thì chương trình sẽ bị hạn chế như thế nào. Đặc điểm của phát thanh hiện đại thể hiện qua bóng dáng ngôn ngữ đời sống thật được đưa trên sóng. Trong phát thanh trực tiếp, phone-in là hình thức sử dụng điện thoại gọi vào để xây dựng nội dung chương trình và hình thức này diễn ra khá phong phú: thính giả sử dụng nó như một công cụ tham gia chương trình và ê kíp sản xuất sử dụng nó như một công cụ tác nghiệp. Phần trình bày dưới đây đi sâu vào nội dung “phone-in như một hình thức sản xuất chương trình”. Và vì thế, chủ thể khai thác sử dụng phone-in trong trường hợp này không phải là thính giả mà là các đạo diễn, biên tập viên, phóng viên, cộng tác viên…


 


Cũng xin được nói thêm: Có rất nhiều hình thức truyền dữ liệu (âm thanh) trực tiếp từ các không gian sự kiện trên toàn thế giới về phòng thu (hoặc về điểm phát sóng) như: sóng FM, sóng viba, cáp quang, internet băng thông rộng với chất lượng âm thanh rất cao nhưng cho đến nay, truyền dữ liệu qua điện thoại vẫn là rẻ nhất, dễ nhất, tiện dụng nhất, hầu như làm được bất cứ nơi đâu trên thế giới và điều quan trọng là tín hiệu điện thoại có một đặc trưng thông tin ngoài lời nếu biết khai thác hợp lý. Một cái tin được truyền trực tiếp trên sóng từ một máy điện thoại ở nơi xảy ra sự kiện chắc là tín hiệu sẽ không đẹp bằng tín hiệu của phòng thu hoặc được truyền về bằng máy phát FM, bằng viba, cáp quang... nhưng chính nhờ thế, nó mang đến cho người nghe một thông điệp ngoài lời, đó là cuộc sống, đó là tính chân thật của sự kiện, đó là khoảng cách về không gian của sự kiện… Khi hạ tầng viễn thông chưa phát triển cao thì điện thoại hiện nay vẫn là phương thức truyền dữ liệu khá hữu hiệu và phong phú trong việc sản xuất các chương trình phát thanh hiện đại.


 


Dựa trên các hình thức sản xuất chương trình phát thanh, có thể tạm chia phone-in gồm các dạng thức như sau:


 


1/ Điện thoại từ phòng thu để phỏng vấn:


Chúng ta có thể dùng phone-in để làm một cuộc phỏng vấn từ xa rất dễ dàng. Khách mời,  người được phỏng vấn có thể ở cách phòng thu hàng trăm thậm chí hàng ngàn cây số (như trong trường hợp phóng viên Đài BBC từ Anh quốc phỏng vấn những người ở Việt Nam). Tính chất thời sự của nội dung phỏng vấn, hình thức âm thanh của điện thoại tạo được không gian về đối tượng được phỏng vấn (giữa âm thanh phòng thu và âm thanh điện thoại xen kẽ nhau tạo nên hiệu ứng đặc biệt trong quá trình tiếp nhận thông tin qua thính giác) v.v… là thế mạnh của hình thức phỏng vấn này nếu biết khai thác tinh tế. Đây là phương thức phỏng vấn nhanh, rẻ được coi như thế mạnh của phát thanh hiện đại. Người được phỏng vấn có thể trả lời trong lúc đi trên xe, đang trong một cuộc họp, đang làm việc ở nhà v.v… Người được phỏng vấn không bị cảm giác mất tự tin như khi có phóng viên “dí” micro trước mặt nên lời nói thường thoải mái, ngữ điệu thanh thoát hơn nhiều cuộc phỏng vấn phát thanh bình thường khác. Và tất nhiên, không nhất thiết đây phải là một cuộc phỏng vấn trực tiếp khi cần sự an toàn về nội dung và kỹ thuật, nhưng một điều có tính nguyên tắc là khi đưa lên sóng cuộc phỏng vấn qua điện thoại này, chúng ta phải cho thính giả biết rõ thời điểm thực hiện phỏng vấn! (Chúng tôi “đang” hay “vừa thực hiện cuộc phỏng vấn này cách đây…”) ([2])


Hình thức phỏng vấn qua điện thoại phù hợp với rất nhiều loại chương trình định kỳ (chương trình chuyên đề, chương trình khoa – giáo, chương trình thiếu nhi, chương trình âm nhạc…) đối với các Đài ở xa những trung tâm kinh tế - văn hóa lớn (vì khó mời các chuyên gia về phòng thu). Ví dụ: Chương trình đào tạo kinh doanh trên sóng phát thanh của các Đài PTTH Lâm Đồng, Bình Thuận, Phú Yên, Bình Phước trong năm 2005 đều sử dụng hình thức phỏng vấn trực tiếp với khách mời là giảng viên ở thành phố Hồ Chí Minh qua điện thoại. Các chương trình dạy học này được thực hiện dưới hình thức phỏng vấn trực tiếp khoảng 30 phút mỗi chương trình, rất an toàn và hấp dẫn.


Phỏng vấn từ phòng thu qua điện thoại – như đã nói - là thế mạnh của phát thanh, nhưng cần biết chọn lựa thời điểm và đối tượng được phỏng vấn, không lạm dụng hình thức này và biết khai thác hiệu quả tính chất trực tiếp của tín hiệu điện thoại thì mới có cuộc phỏng vấn hay…


 


2/ Đưa tin qua điện thoại:


Thường được thực hiện bởi các phóng viên và cộng tác viên đi công tác xa đài và có nhu cầu chuyển tin nóng về đài. Những tin này được các phóng viên – cộng tác viên đọc trực tiếp (hoặc đọc trước đó một chút) về Đài qua điện thoại. Ưu điểm: thông tin nhanh, mang hơi thở cuộc sống, mang dấu ấn cá nhân người thực hiện tin, phù hợp với dạng đưa tin phát triển trong một sự kiện mà cả cộng đồng quan tâm, tạo sự phong phú cho bức tranh âm thanh chung của cả một bản tin. Hạn chế: tín hiệu âm thanh không đẹp và nội dung tin thường ít được trau chuốt tốt do thời gian thực hiện gấp và đọc ứng khẩu trực tiếp tại hiện trường, lãnh đạo không thể duyệt trước nội dung tin... Mặt khác, không phải phóng viên nào cũng có chất giọng thật tốt để đưa tin qua điện thoại và có những không gian sự kiện mà vùng phủ sóng di động chưa tới hoặc không có điện thoại hữu tuyến, việc đưa tin sẽ gặp khó khăn.


Sử dụng dạng “tin điện” này, cần biết chọn lọc đề tài, sự kiện, không nên lạm dụng. Nói cách khác, không phải sự kiện nào cũng làm tin điện. Một buổi họp Quốc hội diễn ra ở Hội trường Ba Đình và kết thúc vào lúc 11 giờ 30, thì không nên sử dụng tin điện về phiên họp sáng này trong bản tin 12 giờ của Đài Hà Nội nhưng nếu tin điện đó được phát sóng trên Đài Cà Mau do phóng viên Đài Cà Mau điện về từ Hà Nội thì đó là một tin hấp dẫn.


Đạo diễn chương trình phải biết chọn lọc việc xen tin điện hợp lý trong bản tin, giữa chương trình (breaking news), biết khai thác thế mạnh của tin điện trong dòng chảy thời sự sẽ tạo hiệu quả rất cao và đây cũng là hình thức cạnh tranh thông tin lành mạnh, tạo uy tín cho thương hiệu phát thanh của các Đài.


 


3/Tường thuật từ hiện trường về phòng thu qua điện thoại:


Cũng giống như hình thức đưa tin qua điện thoại nhưng là thể loại tường thuật – sử dụng khi có những sự kiện lớn, sự kiện được nhiều người quan tâm xảy ra… Ví dụ: Trong cơn bão số 7 giữa năm 2005, Đài PTTH Đồng Nai đã hợp tác với các đồng nghiệp báo trực tuyến Việt Nam net và nhiều cán bộ, nhân dân vùng bão Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định để tường thuật diễn biến và các sự kiện liên quan. Những cuộc tường thuật của các đồng nghiệp Việt Nam net cũng như lời kể của nhân dân vùng bão đã giúp các bản tin thời sự của Đài đầy ắp thông tin nóng về cơn bão này mà Đài không phải mất kinh phí và nhân sự để theo dõi cơn bão. Quá trình tường thuật này được tổ chức khá tốt nên nó phản ánh được diễn biến và nhiều chi tiết bất ngờ của sự kiện. Tất nhiên, nếu có điều kiện cử phóng viên để thực hiện trực tiếp thì vẫn tốt hơn. Sự kiện bão số 7 cho thấy, việc tường thuật qua điện thoại trở thành thế mạnh của phát thanh và các đồng nghiệp báo hình, báo trực tuyến cũng tận dụng hình thức này (vì không thể truyền hình ảnh ở vùng tâm bão được). Một ví dụ khác: Chương trình “Đi chợ buổi sáng” hàng ngày của Đài PTTH Đồng Nai hoặc Thông tin thị trường của Đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh đều được thực hiện bằng hình thức tường thuật trực tiếp từ hiện trường qua điện thoại. Diễn biến giá cả ở các chợ đầu mối, ý kiến của các tiểu thương v.v… được lên sóng hết sức sinh động. Hoặc chương trình tường thuật bóng đá của Đài PTTH Khánh Hòa (khi có đội Khatoco Khánh Hòa thi đấu vẫn được tổ chức hơn 90 phút qua điện thoại di động). Trong tường thuật từ hiện trường qua điện thoại, sử dụng các phỏng vấn ngắn hết sức hiệu quả. Thông thường các phóng viên tường thuật rất lúng túng hoặc “công thức hóa” những lời dẫn khi giới thiệu người mình sẽ phỏng vấn trong bài tường thuật. Đây là việc cần rèn luyện, sáng tạo. Nguyên tắc chung: thính giả phát thanh cần được hình dung không gian sự kiện qua lời tường thuật, qua âm thanh hiện trường và vì thế, việc giới thiệu, dẫn dắt, phỏng vấn cần phải biết sử dụng ngôn ngữ có hình ảnh, có sức gợi…


 


4/ Phỏng vấn từ hiện trường đưa về phòng thu qua điện thoại:


Phỏng vấn vừa là phương thức tác nghiệp vừa là thể loại quan trọng của báo chí nói chung. Trong phát thanh cũng vậy, phỏng vấn là phương thức được khai thác rất nhiều. Phỏng vấn có thể có mặt trong các thể loại khác như phóng sự, tường thuật, tin v.v… Trong phạm vi bài này, chúng ta chỉ nghiên cứu hình thức phỏng vấn như một thể loại độc lập, một chỉnh thể tác phẩm phát thanh (được thực hiện qua điện thoại).


Khác với hình thức Điện thoại từ phòng thu để phỏng vấn được nhắc ở mục 1, phỏng vấn từ hiện trường đưa về phòng thu qua điện thoại có nhiều điểm tương tự khách mời phòng thu, hoặc điện thoại từ phòng thu để phỏng vấn nhưng “phòng thu” lúc này lại chính là hiện trường. Phóng viên có mặt ở hiện trường. Đạo diễn liên lạc điện thoại trước với phóng viên và người được phỏng vấn (đang có mặt tại hiện trường) để sắp xếp giờ giấc, thời lượng và những đề xuất cần thiết. Hình thức này rất cần sử dụng cho những sự kiện nóng, sự kiện cần có những người có trách nhiệm, những người trong cuộc, những người liên quan lên tiếng chính thức. Thí dụ: một vụ cháy, một vụ tại nạn giao thông, một phiên toà… ngoài phần tường thuật của phóng viên, cuộc phỏng vấn những chuyên gia, những người có trách nhiệm v.v… có ý nghĩa quan trọng và rất hấp dẫn nếu làm trực tiếp từ hiện trường qua điện thoại.


Với thể loại này, nếu biết khéo léo kết hợp phỏng vấn từ hiện trường và phỏng vấn thêm từ phòng thu (do người dẫn chương trình, phóng viên phòng thu thực hiện xen vào thì hiệu quả trực tiếp sẽ tăng lên). Người dẫn chương trình trong phòng thu có thể xen ngang cuộc phỏng vấn của phóng viên từ hiện trường để tạo điểm nhấn về nội dung và hình thức cho cuộc phỏng vấn.


Hình thức phỏng vấn từ hiện trường đưa về qua điện thoại tạo ra cơ hội để chương trình liên tục đưa khán giả đi từ không gian sự kiện này qua nhiều không gian sự kiện khác. Ví dụ: Trong đêm giao thừa 2006 vừa qua, một số đài PTTH khu vực miền Đông Nam bộ tổ chức cầu phát thanh trực tiếp, nối cầu với rất nhiều đầu mối qua điện thoại. Đài PTTH Bình Dương tổ chức điểm cầu ở khu nhà trọ công nhân. Và ở đầu cầu nhà trọ công nhân, phóng viên hiện trường thực hiện các cuộc phỏng vấn công nhân và đại diện tổ chức công đoàn. Đó là một cuộc phỏng vấn trực tiếp từ hiện trường qua điện thoại. Trong khi đó, các Đài khác cũng cử phóng viên có mặt ở các điểm sự kiện quan trọng khác ở các tỉnh khác nhau để cung cấp cho thính giả những thông tin nóng sốt qua những cuộc phỏng vấn bằng điện thoại di động… Hoặc trong một chương trình thời sự, phóng viên có thể thực hiện phỏng vấn trực tiếp ông Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng khi ông này đang trực tiếp kiểm tra một vụ ngộ độc tập thể ở một huyện xa trung tâm. Trong lúc đó, một phóng viên khác có thể phỏng vấn một đại diện Ban quản lý Khu công nghiệp ở một địa điểm khác cùng một vấn đề.


Cũng cần nói thêm, hình thức phỏng vấn trực tiếp từ hiện trường qua điện thoại có thể kết hợp với các hình thức phỏng vấn khác, thể loại khác trong những chương trình lớn, đặc biệt là khi có những khách mời trong phòng thu. Ví dụ: trong phòng thu có một vị cán bộ đại diện cho cơ quan thuế, hoặc đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề thuế, một cuộc phỏng vấn hiện trường với các tiểu thương ở chợ về thuế chẳng hạn, sẽ giúp cho người phỏng vấn phòng thu có cơ hội triển khai cuộc trò chuyện trong phòng thu sinh động hơn, gợi ra nhiều vấn đề cần giải quyết hơn.


Lưu ý: Các hình thức ở mục 1, 2 , 3 và 4 về cơ bản là giống nhau và có thể kết hợp với nhau. Cụ thể đưa tin trực tiếp qua điện thoại cũng có thể thêm phần phỏng vấn trực tiếp từ hiện trường hoặc tường thuật từ hiện trường cũng có thể thêm phần phỏng vấn trực tiếp. Sự kết hợp này làm cho thông tin từ hiện trường đầy đủ hơn, sinh động hơn, khách quan hơn.


 


5/ Phỏng vấn tay ba (khi có 2 line điện thoại trở lên)


Có nhiều chương trình tọa đàm thời sự, khoa - giáo bị phá sản do khách mời không thể tới phòng thu vì ở quá xa hoặc đi công tác đột xuất… Tại sao chúng ta không nghĩ đến việc tổ chức tọa đàm qua điện thọai (ngay cả trong trường hợp làm trực tiếp?). Vị khách mời ở xa được tham gia chương trình qua điện thọai. Ví dụ: Khi những vụ đình công liên tục diễn ra trong các khu công nghiệp ở phía Nam, một phóng viên ở thành phố Cần Thơ muốn có một cuộc trao đổi thẳng thắn với đại diện các bên có liên quan trong việc giải quyết vấn đề như đại diện Tổng liên đoàn lao động, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đại diện các chính quyền địa phương v.v… Một cuộc tọa đàm trực tiếp mà các bên cùng được nghe, cùng được tranh luận từ những không gian khác nhau quy về phòng thu là điều rất dễ thực hiện so với việc tổ chức một cuộc tọa đàm bình thường. Từ phòng thu ở Cần Thơ, với 2 line điện thoại, phóng viên có thể nối với 2 khách mời ở xa (Hà Nội, Đồng Nai, hoặc thậm chí là ở nước ngoài) và cùng với các khách mời có mặt tại phòng thu, cuộc tọa đàm có thể diễn ra rất thoải mái, hiệu quả… Chương trình đào tạo kinh doanh trên sóng phát thanh của các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Phú Yên, Bình Phước trong năm 2005 cũng đều sử dụng hình thức “điện thoại tay ba” này. Một line điện thoại dành cho khách mời - giảng viên ở thành phố Hồ Chí Minh và một line cho các học viên của chương trình. Hai line điện thọai này nối kết với phòng thu và tạo thành một môi trường chung mà ở đó tất cả các thành viên tham gia chương trình đều có thể trao đổi rất dễ dàng.


 


 


6/ Nối cầu giữa 2 phòng thu (2 Đài phát thanh)


Trong một số sự kiện quan trọng, việc tổ chức cầu phát thanh nối giữa nhiều Đài (kênh) có thể tổ chức bằng hình thức phone-in. Ví dụ như đêm giao thừa, những lễ hội lớn. Hiện nay, ở phía Nam, nhiều Đài phát thanh đã chia sẻ dữ liệu thông báo kết quả xổ số kiến thiết trong nhiều khu vực thông qua việc kết nối điện thoại từ các phòng thu. Tuy nhiên, hình thức phon-in kết quả xổ số kiến thiết (từ Đài Trà Vinh về Đài Đồng Nai chẳng hạn) không phải là hình thức sản xuất chương trình như chúng ta bàn đến trong bài này, bởi vì, thực chất, quá trình “nối cầu” này cũng chỉ là phương thức truyền dữ liệu qua điện thoại thôi. Điều chúng ta cần bàn, chính là tận dụng công nghệ truyền dữ liệu qua điện thoại từ các phòng thu để chương trình phong phú tăng không gian phủ sóng, không gian tường thuật lên cho các Đài. Các cầu phát thanh giữa các tỉnh cũng sử dụng nhiều hình thức nối cầu hai phòng thu. Hay dễ hình dung hơn, các kỳ thi chương trình phát thanh trực tiếp trong các Liên hoan phát thanh toàn quốc vừa qua, một số Đài cũng sử dụng hình thức nối hai phòng thu bằng điện thoại (một phòng thu tại Đài địa phương dự thi – một phòng thu tại nơi thi 58 Quán Sứ). Bằng hình thức này các chương trình dài 30 phút đã diễn ra an toàn.


Nối hai phòng thu qua điện thoại cũng có thể giúp các đài phối hợp làm chương trình tọa đàm dễ dàng khi hai Đài quá xa nhau không thể bắt được tín hiệu của nhau. Nhưng thực hiện chương trình này cần có kịch bản chặt chẽ và sáng tạo chứ không phải là một chương trình tuần tự nhi tiến của hai bên trên sóng…


 



 


7/ Một số yêu cầu trong việc sử dụng phone-in trong sản xuất chương trình:


Yêu cầu số một khi sử dụng phone - in trong chương trình trực tiếp là an toàn về kỹ thuật và nội dung. Vì thế, ngoài yêu cầu bản lĩnh nghiệp vụ, kỹ năng xử lý của người phóng viên, cần chú ý đến yêu cầu kỹ thuật.


-        Đường điện thọai bảo đảm (không bị nhiễu để chất lượng âm thanh cho tốt)


-        Thao tác tốt. Đặc biệt là đạo diễn (bình tĩnh, xử lý nhanh, hợp lý) – sau đó là kỹ thuật viên, dẫn chương trình.


-        Thời lượng kịch bản (Các hình thức phone - in đều rất khó khống chế thời lượng. Trong khi làm phone - in trực tiếp, người dẫn phải khéo léo điều chỉnh để đảm bảo thời lượng và đảm bảo yêu cầu nội dung)


Một yêu cầu khác là tỷ lệ phone-in trong một chương trình phát thanh cần được bố trí hợp lý để tạo được kết cấu âm thanh hay cho chương trình. Ngoài ra, còn một số yêu cầu về xử lý cụ thể như sau:


- Mối nối: Phải có quy ước giữa các thành viên trong ê - kíp về tín hiệu báo các mối nối để chuyển sóng giữa các cầu hay các phần của chương trình.


- Mất tín hiệu: cần có phương án dự phòng để xử lý trường hợp mất tín hiệu điện thọai: Linh động chuyển phần sau lên, sử dụng nhạc. Trong những chương trình trực tiếp, đạo diễn và dẫn chương trình luôn luôn phải chuẩn bị nội dung cho phương án dự phòng. Có thể đó phải là cả một chương trình hoàn chỉnh đề phòng trường hợp “bể” chương trình (trục trặc điện thoại hay sự cố ở hiện trường vào giờ chót)


- Tiếng hú: luôn luôn phải dặn những người thực hiện phone - in chú ý đứng xa nguồn radio hoặc tắt radio trong thời gian phone – in để tránh tiếng hú (do hiệu ứng hồi tiếp dương)


- Trống sóng: Dẫn chương trình phải có những nội dung “rao sóng” thường xuyên trong khi chờ kết nội điện thoại.


- Tuyệt đối không làm giả: Không giả thính giả gọi tới, không giả thu trước sau đó giới thiệu là làm trực tiếp…


- Lưu ý khi dùng điện thoại di động: Luôn luôn phải chọn vị trí có sóng tốt, pin đầy, phóng viên không được đưa điện thoại cho người khác trong suốt quá trình thực hiện phone –in.


PHAN VĂN TÚ








([1]) Phone-in dịch theo nghĩa đen là “điện thoại gọi vào”. Trong nội dung trình bày này, chúng tôi nghĩ, khái niệm “điện thoại gọi vào” không diễn tả được nội hàm của phone-in như một hình thức sản xuất chương trình khá phong phú. Và trong thực tế sản xuất chương trình trong ngành phát thanh Việt Nam hiện nay, thuật ngữ phone-in được sử dụng rộng rãi. Mặc dù rất muốn Việt hóa, song chúng tôi chưa thấy có khái niệm nào hợp lý. Xin tạm giữ nguyên.




([2]) Chúng tôi nhấn mạnh chi tiết này vì đã có trường hợp nhiều phóng viên “giả lập cuộc phỏng vấn trực tiếp” bằng cách phỏng vấn trước đó vài giờ rồi biên tập âm thanh lại cho tốt hơn và khi phát sóng thì bị những thính giả khác (có quen biết với người được phỏng vấn) phát hiện…


 


Thứ Hai, 16 tháng 10, 2006

WHERE WE ARE?




CHÚNG TA ĐANG Ở ĐÂU TRONG BẢN ĐỒ BÁO CHÍ KHU VỰC KINH TẾ ĐỘNG LỰC?


Cách nay không lâu, số người có điện thoại di động trong làng báo có thể đếm trên đầu ngón tay. Thế nhưng bây giờ, sóng di động của Mobifone, Vinaphone, S-fone dường như phủ kín các hội viên Hội nhà báo Đồng Nai, kể cả ở các huyện… Nếu có một danh bạ điện thoại di động của giới báo chí và dựa trên đặc trưng mã hóa số di động, có thể phân tích được tiến trình “phủ sóng” này…


Bài báo bắt đầu bằng chi tiết này xuất phát từ quan niệm rằng, điện thoại di động đối với nhà báo không chỉ là phương tiện liên lạc cá nhân mà là công cụ hành nghề, đặc biệt là đối với phát thanh – truyền hình. Tất nhiên, khai thác hết tính năng của một chiếc máy di động cho nghề nghiệp không nhà báo nào cũng làm tốt… nhưng dù sao, chỉ số trang bị điện thoại di động ấy cũng cho thấy rằng, điều kiện làm báo của chúng ta hiện nay đã khác trước… Thử quay lại với thời gian năm 1999, nhiều người trong chúng ta ít ai nghĩ rằng vài năm nữa thì cả làng báo sẽ sắm di động, thậm chí, các sinh viên báo chí vừa ra trường đang xin việc đã có di động. Bấy giờ, chúng ta càng không tin rằng điện thoại di động có thể dùng để nhắn tin rất rẻ hoặc để chụp ảnh, ghi âm; càng không tin điện thoại di động có thể giúp phóng viên phỏng vấn trực tiếp – như nhà báo Minh Chung đã làm trong kỳ SEAGAMES vừa qua, hoặc để duyệt web, để gửi e-mail, để kết nối hồng ngoại với laptop và bình luận trực tuyến như nhà báo Huy Thọ (TUỔI TRẺ) đã làm trong các trận bóng đá tại SEAGAMES 22 v.v…



Bây giờ, trong số 1,3 triệu người Việt Nam khai thác internet (theo thống kê của TS. Thang Đức Thắng), cũng có một tỉ lệ không nhỏ những nhà báo ở Đồng Nai. Ở Đài PT – TH Đồng Nai, có người nói đùa: “Nước một ngày không thể không có vua; Phòng Thời sự, nhóm biên tập bản tin tiếng Anh một ngày không thể không có Internet…”. Trong thực tế, trình độ hiểu biết, khai thác, cũng như sử dụng Internet như một công cụ tra cứu, nghiên cứu, tìm thông tin, truyền dữ liệu v.v… vẫn chưa đồng đều và có thể nói vẫn còn rất thấp nhưng dù sao đó cũng là những chỉ số đáng ghi nhận – một chỉ số mà cách đây không lâu, không ai tin. Cũng như hiện nay, nhiều người trong chúng ta không tin được rằng tới một lúc nào đó mình buộc phải chung sống với môi trường Internet. Thuỵ Điển, Mỹ hiện nay có trên 60% dân sử dụng Internet… Chúng ta chưa tin được rằng không còn bao lâu nữa, chính chúng ta phải coi Internet như một công cụ bình thường, như điện thoại hữu tuyến hiện nay chúng ta đang dùng. Internet không chỉ gắn với chuyện khai thác thông tin mà là nhu cầu sinh hoạt: có thể tìm hiểu kết quả học tập của con mình trên mạng, có thể “gọi” một thùng bia về nhậu qua mạng, có thể đặt vé máy bay đi Hà Nội qua mạng, có thể học thêm tiếng Nhật qua mạng với một ông thầy trực tuyến chứ không phải những con chữ khô khan trên màn hình máy tính. Và tại sao cứ nói đến Internet là người ta phải nghĩ tới chuyện buộc phải ngồi vào một cái máy vi tính cụ thể cắm điện, cắm điện thoại nhỉ?


Tôi còn nhớ, tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Đồng Nai lần thứ ….  cách nay mấy năm, có một nhà báo đọc tham luận – theo sự phân công của Ban Tổ chức Đại hội - về triển vọng khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin trong nghề nghiệp; những điều anh chia sẻ và kiến nghị không có gì to tát song hồi ấy nhiều hội viên cho rằng anh ta “nổ”, khoe kiến thức. Các nhà quản lý báo chí không quan tâm. Thế nhưng, thời gian đã chứng minh rằng những chia sẻ đó rất đúng và áp lực phát triển của báo chí Đồng Nai những năm sau đó buộc các nhà báo, các cơ quan báo chí phải biết ứng dụng một phần những ý tưởng đó, như làm quen với e-mail, truyền dữ liệu từ xa bằng các giải pháp rẻ, nhanh và hiệu quả. Tuy nhiên, so với thực tiễn xã hội, những nỗ lực này vẫn còn chậm, quá chậm!


Chúng ta đang ở đâu trong bản đồ báo chí khu vực kinh tế động lực? Câu trả lời rõ ràng không dễ dàng nhưng cũng không phải khó. Hiện chưa có một nghiên cứu đầy đủ nhưng các chỉ số dễ thấy như chỉ số phát hành báo chí của các tờ báo ở Đồng Nai, doanh số quảng cáo – tài trợ hàng năm của Đài PT – TH Đồng Nai, số phóng viên biên tập viên ở Đồng Nai biết ngoại ngữ, số lượt truy cập vào các website của Báo Đồng Nai, Đài PT – TH Đồng Nai v.v… cũng đã là những con số biết nói. Không thể so sánh với thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm chính trị – kinh tế – văn hóa lớn, nhưng với những tỉnh hàng xóm, tạm cho rằng cùng một vạch xuất phát bằng nhau hiện nay, liệu chúng ta sẽ tiến nhanh hơn trong tương lai?  Về mặt công nghệ, chúng ta chưa có, chưa thể quản lý những dây chuyền sản xuất các sản phẩm báo chí hoàn chỉnh. Báo Đồng Nai, báo Lao động Đồng Nai chưa có nhà in riêng, quy trình chế bản 10 năm qua không khác gì mấy, không ai dám thử nghiệm một mô hình mới, tìm tòi một phần mềm mới, chất lượng in ấn còn kém, đặc biệt là in ảnh. Có lẽ xuất phát từ tính toán kiểu… con nhà nghèo: chế bản ảnh đơn sắc trên giấy can (giấy transparent), chất lượng ảnh trên mặt báo ở Đồng Nai rất thấp. Trong khi đó, công nghệ in đã đi một bước tiến khá xa: Ngày nay, báo chí ở Việt Nam in đẹp không kém báo chí nước ngoài… Quy trình sản xuất và “phát hành” của Đài PT – TH Đồng Nai cũng tiến ì ạch, lỗ chỗ do không đồng bộ và so với người anh em Bình Dương, chúng ta còn nhiều lạc hậu trong việc ứng dụng các thành tựu kỹ thuật. Chất lượng thu sóng của Đài mới được cải thiện vài tháng gần đây nhưng chưa thực sự như mong muốn. Hiện nay, công nghệ phát sóng điều khiển tự động bằng các phần mềm đã trở thành bình thường trên thế giới nhưng chúng ta vẫn còn đang mò mẫm, mỗi ngày phát sóng là hàng trăm cuốn băng đủ các chuẩn kỹ thuật. Nhìn trên sóng truyền hình, chất lượng chương trình đã cải thiện và có quy mô thế nhưng đàng sau đó là cả một sự tìm tòi cũng theo kiểu… con nhà nghèo. Những trường hợp làm “cầu truyền hình”; “giả lập cầu truyền hình”, những chương trình trực tiếp v.v… đều làm với một tinh thần “vượt khó”. Anh em nói: Chiến đấu bằng xe tăng, bằng máy bay và chiến đấu bằng tầm vông, chông tre cũng có ý nghĩa thiêng liêng như nhau, vấn đề cuối cùng là hiệu quả. Nhưng sau niềm vui sáng tạo ấy, có lúc anh chị em cũng phải giựt mình, thót tim bởi từ ông lãnh đạo cao nhất của Đài tới anh chị em đều có… máu liều, dám leo lưng cọp với tinh thần cách mạng tiến công cao độ. Một ví dụ: Khi truyền hình Bình Dương tường thuật diễn biến từ Điện Biên Phủ trong những ngày kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử này, tín hiệu được đưa về Đài bằng cáp quang. Còn phóng viên Minh Chung (Đài PT – TH Đồng Nai) phải truyền dữ liệu video về bằng… đường điện thoại. Để truyền 10 phút phim, anh phải cho máy laptop chạy từ đêm đến sáng… trong khách sạn. Xin không so sánh về chất lượng nội dung những chương trình từ Điện Biên đã phát của 2 Đài, rõ ràng chất lượng hình ảnh của cáp quang sẽ tốt hơn đường truyền internet kết nối điện thoại, tốc độ truyền nhanh hơn hàng ngàn lần… Chỉ có một điều là tiền chi phí cho cách truyền dữ liệu như Đài Đồng Nai đã làm thì rẻ hơn cũng hàng ngàn lần! Và điều an ủi cho anh chị em làm nghiệp vụ ở Đài là chỉ có Đài Đồng Nai mới nghĩ ra những “chiêu” làm nghiệp vụ như thế. Mừng là vậy nhưng cũng buồn vì vậy. Một tỉnh công nghiệp có GDP thuộc hàng top 5 của quốc gia, khi chúng ta đi cứu trợ lũ lụt miền Trung, phó chủ tịch UBND tỉnh Hùynh Văn Tới rất ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh phóng viên truyền hình các tỉnh được cứu trợ sử dụng máy quay phim Betacam hiện đại để đưa tin buổi lễ nhận tiền cứu trợ (hàng tỉ đồng) của tỉnh Đồng Nai, trong khi Đài Đồng Nai – Đài của tỉnh đi cứu trợ - lại phải dùng chiếc máy DP200 cũ kỹ…



Thiết bị lạc hậu còn có thể giải quyết bằng tiền bạc trong một thời gian cụ thể… Nhưng có những cái lạc hậu mà không thể giải quyết một sớm một chiều bằng tiền bạc.


Đó là con người.


Chúng ta đang ở đâu trên bản đồ báo chí khu vực kinh tế động lực phía Nam? Có bao nhiêu nhà báo ở Đồng Nai hiện có thể phân tích, dự báo tốt những vấn đề kinh tế vẫn hàng ngày đặt ra? Sự phát triển báo chí của chúng ta những năm qua đã thật sự tương xứng với tầm vóc của một tỉnh công nghiệp năng động chưa? Có bao nhiêu nhà báo ở Đồng Nai có thể tác nghiệp tốt ở các sự kiện báo chí quốc tế, có thể phỏng vấn sắc sảo các chuyên gia, các chính khách? Có bao nhiêu nhà quản lý báo chí ở Đồng Nai hiểu biết công nghệ thông tin, chí ít cũng biết làm văn bản, duyệt bài trên máy tính? Có bao nhiêu nhà báo ở Đồng Nai hiểu biết thực sự công nghệ sản xuất các sản phẩm của mình (sản phẩm ở đây được hiểu theo nghĩa đen – chứ không phải tác phẩm báo chí theo nghĩa một sản phẩm được văn bản hóa)?


Có người nói rằng: Không thể có một nhà báo giỏi ngày nay lại không biết một ngoại ngữ và không hiểu biết tin học. Nhận định này có vẻ cực đoan bởi hơi thiên về… “chủ nghĩa kỹ thuật”, trong khi đó, làm báo là chuyện của bản lĩnh chính trị, của tâm hồn, của năng khiếu… Thế nhưng – nhìn ở cấp độ chung – nhận định này cũng có cái lý của nó.




Hơn bao giờ hết, bài toán quản lý báo chí trước tình hình mới đang đặt ra. Đã đến lúc, không thể ảo tưởng vào những lời kêu gọi – kể cả kêu gọi lứa tuổi U40 trong giới báo chí cần năng động hơn. Đã đến lúc, cần phải xác định: chúng ta đang ở đâu trong bản đồ báo chí khu vực? Và đã đến lúc, báo chí Đồng Nai phải bắt kịp và phải tiên phong trong nhịp đập kinh tế – xã hội trên mảnh đất Đồng Nai năng động hôm nay.


PHÚ TRANG (Bài đã in trong đặc san “Ngôn luận” 2003)

Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2006

VOX-POP FOR RADIO




VOX-POP (1): VÀI KINH NGHIỆM SẢN XUẤT


 


Đôi điều về đặc trưng thể loại:


Vox-pop được xem như là một thể loại, hoặc một dạng thức chương trình phát thanh, có thể đứng độc lập hoặc nằm trong tổng thể một chương trình lớn. Nội dung và cấu trúc của vox-pop là sự kết nối những ý kiến của cộng đồng (đã được ghi âm trước đó) về cùng một vấn đề, một hiện tượng, một nhân vật, một sự kiện, một quyết định hành chính v.v… Với vox-pop, nhà báo phát thanh không trực tiếp đưa ra ý kiến của mình, và thông thường, không để xuất hiện giọng nói của mình trên sóng. Vox-pop là sự chọn lọc, sắp xếp các ý kiến để tạo thành một chỉnh thể có chủ đề, có cấu trúc nội dung và hình thức hợp lý. Một vox-pop thường có các ý kiến trái ngược nhau nhưng cũng có khi là những ý kiến đa dạng để bày tỏ thái độ hoặc sự đồng tình – không đồng tình... Vox-pop có thế mạnh của một thể loại báo chí nêu ra dư luận, định hướng dư luận, giúp thính giả định hướng hành vi. Đây cũng là dạng thức làm phát thanh rất hiệu quả vì nó tạo được tiết tấu nhanh, mang hơi thở đời sống và thay đổi không gian, cấu trúc âm thanh trong một tổng thể chương trình. Thể loại này khá phổ biến trong phát thanh hiện đại.


 


 


Để thực hiện một vox-pop, thông thường, phóng viên đặt ra vấn đề, lựa chọn câu hỏi cho vấn đề và đi ghi âm các ý kiến khác nhau của người dân (các tầng lớp, độ tuổi, vùng miền… ) về vấn đề đó. Ghi âm càng nhiều ý kiến, sự chọn lọc càng khách quan và càng hấp dẫn, hiệu quả. Các nhà chuyên môn khuyến cáo, với mỗi vox-pop, nên lấy khoảng 20 - 30 câu trả lời cho cùng 1 câu hỏi, rồi chọn lọc 4 – 7 ý kiến tiêu biểu, biên tập thành một tác phẩm ngắn gọn từ 1- 2 phút phát sóng. Hiện nay, việc biên tập âm thanh bằng các phần mềm trên máy tính giúp cho quá trình thực hiện một vox-pop dễ dàng hơn so với cách xử lý bằng băng từ như trước đây.


 


Vox-pop - vì thế - dễ thực hiện nhưng khó thực hiện hay.




Ảnh: Phỏng vấn Phó Thủ tướng Vũ Khoan


Ví dụ: Khi UBND TP Hồ Chí Minh sắp đề xuất chủ trương tất cả những người đi xe gắn máy trong nội thành đều phải đội mũ bảo hiểm, sẽ có nhiều phản ứng trái ngược nhau trong cộng đồng. Người phóng viên phát thanh có thể thực hiện một vox-pop để trình bày quan điểm của người dân. Phóng viên có thể đặt ra câu hỏi: “Anh (chị, cô, bác, ông, bà…) nghĩ thế nào về việc UBND thành phố sẽ bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy trong nội thành?”. Câu hỏi này sẽ được đặt ra cho những người dân, công chức, doanh nhân, sinh viên ngẫu nhiên trên đường phố, trong đô thị (khoảng 20 ý kiến trở lên) và sau đó ta có thể chọn lọc để thực hiện một vox-pop. Ví dụ như sau:


Ý kiến 1: Vẽ chuyện! tôi đi chợ có một đọan ngắn mấy chục mét trước nhà mà cũng bắt phải đội cái của nợ ấy. Đi xa thôi, mà đi đường lớn thôi chứ đi gần gần đây mà đội chi?


Ý kiến 2: Cần chứ! Tui nghĩ là sẽ giảm tai nạn nguy hiểm. Có điều cũng hơi cồng kềnh. Giữ cũng khó à nghen! Như tui làm bảo zệ (vệ) còn đỡ. Chứ như thằng con tui đi học, tui nghi phải sắm hoài quá!


Ý kiến 3: Nhìn xuống phố mà cứ như một dòng người máy, người ngoài hành tinh, chắc là buồn cuời lắm. (cười) Bọn em mặc áo dài mà phải đội cái này chắc không giống ai!


Ý kiến 4: Tôi nghĩ chắc phải phát triển xe buýt. Đấy mới là giải pháp căn cơ. Tui đi làm ăn ở nước ngoài thấy chẳng có đâu mà lại để xe cộ chen chúc thế này. Giờ cứ khoảng trăm rưỡi – hai trăm một cái mũ, thay vì mua mũ, tiền ấy đóng góp cùng nhà nuớc phát triển hệ thống xe buýt thật tiện lợi – an toàn…


 


Vox-pop có thể thực hiện độc lập như một tác phẩm xen giữa bản tin thời sự ([2]), hoặc cũng có thể sử dụng như một mục, một đoạn chuyển mạch, một hình thức dẫn dắt vấn đề của một buổi tọa đàm với các chuyên gia, các quan chức liên quan đến vấn đề đó… ([3])


 



Chẳng hạn để bắt đầu cho một chương trình phát thanh giảng dạy về công việc kinh doanh, chúng ta có thể thực hiện một vox-pop “Bạn nghĩ như thế nào về việc kinh doanh” như sau nhằm đưa đẩy nội dung vấn đề.


Ý kiến 1: Tôi nghĩ đấy là công việc thú vị. Tôi không được khỏe lắm nên tôi nghĩ việc đó phù hợp với tôi. Nếu tôi có tiền tôi cũng sẽ mở một cửa hàng văn phòng phẩm.


Ý kiến 2: Theo em thì kinh doanh là mua một hàng về và bán lại để kiếm lời. Em không thích kinh doanh lắm vì em không dám liều, không có khả năng quản lý. Nhưng nếu có một hai người hùn hạp có thể em cũng thử. Đây là họat động cần đến sự năng động, sáng tao liên tục.


Ý kiến 3: Tui nghĩ kinh doanh là công việc cần sự dũng cảm và cần có nhiều ý tưởng. Quan trọng nhất trong hoạt động kinh doanh là chất lượng sản phẩm. Tui biết có nhiều người chẳng có đồng vốn nào mà cũng kinh doanh được và cũng thành công nữa.


 



Trong các chương trình phát thanh hiện đại vox-pop rất cần vì nó tạo nên sự sinh động, hấp dẫn. Vox-pop phù hợp cho hầu hết các dạng chương trình (như chuyên đề, bình luận, văn nghệ, khoa giáo, thiếu nhi). Trong một buổi giao lưu với một ca sĩ, một diễn viên, có một đoạn băng ý kiến thể hiện tình cảm hoặc thái độ của nhiều đối tượng công chúng về ca sĩ, diễn viên ấy sẽ tạo nên hiệu quả bất ngờ (cả cho khách mời lẫn cho thính giả). Trong một buổi bình luận bóng đá trước giờ bóng lăn, một vox-pop dự đoán tỷ số trận đấu cũng tạo được “màu sắc” cho chương trình. Vox-pop cần cho các chương trình phát thanh hiện đại vì nó tương đối khách quan, tạo sự tin tưởng cao trong thính giả và nó có ngữ điệu, tiết tấu của đời sống. Khách quan bởi đây là một tác phẩm phát thanh được tạo ra từ những ý kiến của người dân, không thấy bóng dáng “ông nhà báo” trong tác phẩm.


Nhưng, thể loại này có thực sự khách quan không? Câu trả lời là không. Tuy về hình thức vox-pop tạo cảm giác hết sức khách quan, khách quan hơn nhiều thể loại khác, nhưng cũng giống như hầu hết các thể loại báo chí nói chung, vox-pop không hoàn toàn khách quan. Bởi nó được thực hiện qua lăng kính chủ quan của một nhà báo cụ thể, bằng bản lĩnh chính trị và trình độ nghiệp vụ của một nhà báo cụ thể. Tất cả được thể hiện trong cách bố trí sắp xếp thứ tự trước sau, nhiều ít, dài ngắn, chọn lựa nội dung trong toàn bộ các đoạn băng thu được cũng như việc chọn lựa đối tượng phỏng vấn. Kết cấu vox-pop thể hiện rõ nét ý đồ, quan điểm của người thực hiện vox-pop. Ví dụ trong vox-pop về việc đội mũ bảo hiểm trong nội ô nêu trên, nếu nhà báo ủng hộ chủ trương hoặc không ủng hộ chủ trương thì sự sắp xếp số lượng các ý kiến trái ngược nhau sẽ khác nhau.


 



 


Một số yêu cầu tác nghiệp:


+ Độ dài nào là hợp lý?


Từ 1 phút 30 đến 2 phút là độ dài lý tưởng cho một vox-pop. Số lượng ý kiến: khoảng 4 – 7 là hợp lý. Nhiều ý kiến quá hoặc ý kiến dài quá làm người nghe không nhớ được các phát biểu, làm cho vox-pop loãng, không tập trung chủ đề. Ít ý kiến quá thì mất tính khách quan, độ tin cậy thấp.


Ví dụ: Bạn nghĩ thế nào về hiện tượng thanh niên sinh hoạt tình dục trước hôn nhân?


Ý kiến 1: Tôi nghĩ thật khó chấp nhận. Rất nhiều hệ lụy có thể xảy ra và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống đến số phận của các bạn ấy, nhất là nữ. Nhưng tôi nghĩ số thanh niên ấy không nhiều.


Ý kiến 2: Cũng có thể chấp nhận được nếu có tình yêu và nếu không để xảy ra những hậu quả đáng tiếc như có thai ngoài ý muốn chẳng hạn!


Ý kiến 3: Tôi lo ngại vô cùng vì theo một thông tin mà tôi đọc được  trên báo gần đây, có tới 30% học sinh trung học đã từng quan hệ tình dục. Tôi không hiểu còn trẻ như vậy thì các cháu sẽ tìm thấy gì sau những chuyện ấy. Nhưng tôi biết thống kế ấy có lẽ sát với thực tế. Tôi cũng có một con gái ở tuổi vị thành niên và tôi cũng lúng túng vô cùng trong việc quản lý, kiểm soát cháu.


Ý kiến 4: Em nghĩ mọi chuyện cũng tự nhiên thôi. Chúng em lớn lên và cũng có nhu cầu tìm hiểu thế giới quanh mình, cuộc sống quanh mình. Chúng em cũng sẽ tự biết bảo vệ mình chứ. Nhiều khi người lớn cứ hay quan trọng hóa vấn đề. Em thấy các bạn ấy yêu nhau thật đấy chứ. Còn chuyện kia chắc là không đâu.


Ý kiến 5: Tôi nghĩ đây là vấn đề xã hội lớn. Là bác sỹ sản khoa tôi từng đối mặt với nhiều câu chuỵên hết sức đau lòng. Con số thống kê có thể không chính xác, nhưng tôi nghĩ là nghiêm trọng, đặc biệt là đối tượng công nhân lao động nhập cư.


Trong ví dụ trên, chúng ta thấy việc chọn lựa các ý kiến (nếu nghe qua sóng phát thanh) sẽ thể hiện được “nhân thân” của những người phát biểu: có phụ huynh, có bác sĩ, có sinh viên, có người lớn, có giọng nữ, giọng nam, có nêu thực trạng, có nêu đề xuất hướng giải quyết, có thể hiện thái độ lo ngại, có ý kiến “ngược” v.v… Tất cả được “tích hợp” trong một đoạn băng ngắn – rất ngắn – tạo sức thuyết phục cao cho người nghe.


 


+ Kết cấu của một vox – pop ra sao?


- Về nội dung: các ý kiến chỉ đưa ra quan điểm, không phân tích dài, nên chọn các ý kiến đi trực tiếp vào câu hỏi. Thường chọn không quá 3 hướng, 3 quan điểm khác nhau (tiêu biểu nhất của dư luận). Quá nhiều sẽ dễ bị loãng.


- Kết cấu nội dung của vox-pop là sự sắp xếp tinh tế của tác giả. Làm sao tạo ra được cao trào thì vox-pop mới thực sự hấp dẫn. Cao trào của vox-pop nó cũng giống như cao trào của một vở kịch. Đó là khi các ý kiến trái ngược nhau, các thái độ, tình cảm, quan điểm… trái ngược nhau được đẩy tới mức cao và sau đó, được giải quyết hoặc để tạo ra một sức gợi, một sự liên tưởng v.v… Vox-pop – trong một số trường hợp – có thể chấp nhận những ý kiến “gây sốc”, thật ngắn, nhưng chỉ là “thiểu số” trong dư luận chung để tạo hiệu quả chú ý.


- Về kết cấu hình thức: Một vox-pop hay cần có sự đa dạng các giọng nói: nam nữ, trẻ già, các tầng lớp trong xã hội, các vùng miền… (Tất nhiên, việc chọn lựa đối tượng phỏng vấn phụ thuộc vào vấn đề, chủ đề, nội dung vox-pop sẽ đề cập trong mục kế tiếp) nhưng về hình thức vox-pop cần có sự đa dạng về màu sắc âm thanh. Có nhiều giọng nói đan xen, có nhiều tốc độ nói khác nhau và sự nối kết phải tạo ra tiết tấu nhanh, có cao trào, thể hiện rõ cảm xúc… cho tác phẩm. Bên cạnh đó, bức tranh âm thanh ngắn gọn từ vox-pop cho phép thính giả hình dung “nhân thân” của các đối tượng phát biểu trong “đoạn băng”! Trí thức sẽ phát biểu khác với nông dân (cách dùng từ, diễn đạt, tốc độ nói v.v…)


 



 


+ Chọn đối tượng để thực hiện vox-pop như thế nào?


Chọn đối tượng để lấy ý kiến thực hiện vox-pop là vấn đề thuộc về kỹ năng tác nghiệp của phóng viên. Một vox-pop phục vụ cho thời sự đòi hỏi thực hiện nhanh thì khó có thể chọn được nhiều và toàn diện về đối tượng. Nhưng có một yêu cầu cần đặt ra, đó là đối tượng được chọn phụ thuộc vào nội dung, chủ đề của vox-pop. Ví dụ vấn đề đội mũ bảo hiểm liên quan đến hầu hết những người tham gia giao thông thì vox-pop phải chọn lọc tỷ lệ đối tượng người được phỏng vấn phải gần với cơ cấu dân cư trong vùng mà cụ thể là các tầng lớp như cán bộ - công chức, công nhân, doanh nhân, người lao động bình thường v.v… phù hợp với cơ cấu dân số về tháp tuổi như tỷ lệ nam – nữ, các vùng trong địa bàn v.v… Nhưng một vox-pop lấy ý kiến các nữ sinh ở Đồng Tháp về việc có nên mặc áo dài đi học suốt cả tuần lễ thì đối tượng được chọn phải là các nữ sinh của các cấp học (trung học cơ sở, trung học phổ thông), của các vùng như thị xã, huyện nông thôn v.v…


Ví dụ: Vox-pop “Làm giàu khó hay dễ?”


Ý kiến 1: Theo tôi thì thật sự làm giàu nghiêm túc là khó đó! (Tiểu thương - nữ - giọng Nam bộ)


Ý kiến 2: Làm giàu thì có thể là khó đối với người này và dễ đối với người khác (Trí thức – nam, lớn tuổi – giọng Bắc)


Ý kiến 3: Khó chứ sao hổng khó. Dễ thì ai cũng giàu rồi còn gì? (Nông dân - nam – giọng miền Trung)


Ý kiến 4: Chúng tôi không quan tâm tới chuyện này (có vẻ là giáo viên – nữ - giọng Bắc)


Ý kiến 5: Làm giàu à? Bây giờ cũng khó lắm đấy! (có vẻ là công chức hoặc cán bộ - nam – giọng miền Bắc)


Ý kiến 6: Sinh viên tụi em thì nghĩ làm giàu vừa khó vừa dễ! (Sinh viên – nữ - giọng Nam bộ)


 


+ Khi nào chúng ta cần sử dụng vox-pop?


Vox-pop là thể loại sử dụng rất đắt trong rất nhiều tình huống tuyên truyền trên phát thanh. Nhưng thông thường, vox-pop dùng để bày tỏ thái độ, chính kiến nhiều nhất. Khi có một vấn đề thời sự diễn ra với nhiều luồng dư luận trái ngược (Ví dụ: Việc tăng viện phí, vụ cá độ bóng đá bị phát hiện…) thì vox-pop sẽ góp phần tạo sức hấp dẫn cho thông tin thời sự nhờ chuyển tải được bức tranh dư luận. Và hơn thế nữa, bấy giờ, vox-pop, cần cho việc định hướng dư luận (Ví dụ: thái độ đối với nguy cơ dịch cúm gia cầm H5N1, với việc nuôi gia cầm v.v…).


Vox-pop cũng rất hiệu quả khi được dùng để đặt vấn đề cho một chương trình mang tính chính luận (Ví dụ:khi tọa đàm về  vấn đề tranh chấp đất đai, cải cách hành chính, an toàn giao thông, nhà trọ cho công nhân v.v…)


Vox-pop cũng thật sự “lợi hại” khi sử dụng để kết thúc vấn đề còn đang tranh cãi (Ví dụ: vấn đề đình công, vấn đề đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân trước thềm Đại hội X của Đảng v.v… )


Ngoài ra, vox-pop cũng được ứng dụng trong sản xuất chương trình khá phong phú. Chẳng hạn, khi cần chứng minh cho một kết luận, một luận điểm hoặc khi cần tăng tính chất hấp dẫn cho các chương trình chỉ thuần túy thực hiện ở phòng thu. Ví dụ trong cuộc trò chuyện với những nhà văn viết cho thiếu nhi trong phòng thu (tọa đàm), một vox-pop với ý kiến của các cháu về việc đọc sách thiếu nhi sẽ có ý nghĩa minh họa thú vị, hấp dẫn. Vox-pop đó có thể không thể hiện được dư luận, thái độ nhưng nó tạo ra sức gợi của thông tin về vấn đề đang bàn. Trong nhiều trường hợp sản xuất chương trình, những phóng viên bản lĩnh còn sử dụng vox-pop để thay cho những câu hỏi, lời yêu cầu theo hình thức cũ. Sau khi nghe một vox-pop, phóng viên phòng thu có thể hỏi vị khách mời: Ông (bà) nghĩ gì về những ý kiến vừa rồi? Hoặc cuộc trò chuyện với ca sĩ Mỹ Linh trong phòng thu chẳng hạn có thể được xen với một vox-pop có nội dung “nếu được yêu cầu ca sĩ Mỹ Linh hát, bạn sẽ yêu cầu bài hát gì?”, đó cũng là “lời đề nghị độc đáo” trong chương trình.


 


 


+ Một số kỹ năng vox-pop cần thiết:


- Cần có sự quyết đoán, thể hiện bản lĩnh trong sự chọn lựa, thể hiện rõ quan điểm lập trường về vấn đề mình thực hiện.


- Tạo không khí thoải mái khi thực hiện ghi âm ý kiến dư luận.


- Bật máy ghi âm trước khi tiếp cận mục tiêu. Cố gắng thu ý kiến càng tự nhiên càng tốt (Tránh thu đi thu lại bởi những lần thu sau sẽ không có được sắc thái cảm xúc tự nhiên)


- Không hỏi quá 2 câu hỏi cho một vox-pop


- Nếu có ý đồ làm một vox-pop phỏng vấn trong không gian rộng, có thể nhờ các đồng nghiệp khác (đang tác nghiệp ở những nơi khác) thực hiện dùm để có càng nhiều ý kiến.


- Cố gắng cân bằng tỉ lệ giữa nam và nữ, giữa các đối tượng khi biên tập âm thanh vox-pop


- Dũng cảm cắt bỏ những đoạn băng không cần thiết để tác phẩm vox-pop càng cô đọng càng tốt.


- Tuyệt đối không được nhờ người quen “nói hộ” những ý tưởng phóng viên “mớm cung”



- Trong quá trình biên tập âm thanh, cần phải biết xử lý tốt các mối nối âm thanh giữa các nguồn tín hiệu do quá trình ghi âm ý kiến được diễn ra ở nhiều không gian khác nhau (nền âm thanh khác nhau). “Mối nối” âm thanh giữa hai ý kiến cần có nền vào, nền ra (fade out và fade in) thật ngắn (chừng 1 giây) để tránh cảm giác đột ngột khi thay đổi âm thanh nền cho thính giả.


 


PHAN VĂN TÚ







([1] ) http://www.allwords.com định nghĩa vox pop (noun):1. Popular opinion derived from comments given informally by members of the public. 2. An interview in which such opinions are expressed. (Etymology: 1960s: shortened from vox populi). Có người dịch vox-pop là “lấy ý kiến quần chúng”. Cũng có một số tài liệu gọi là “phỏng vấn dư luận” hoặc “phỏng vấn đường phố”.


Thiết nghĩ: về hình thức, vox-pop có vẻ giống phỏng vấn nhưng về bản chất, nó giống phóng sự hơn. Phỏng vấn, có hỏi đáp. Vox-pop thì hầu như chỉ có thuần tuý ý kiến trả lời (của các tầng lớp nhân dân), với nhiều cung bậc, hình thức, trình độ để trình bày một thái độ, một suy nghĩ… Trong khi chưa có tìm một cách gọi hợp lý hơn cho thể loại này, chúng tôi tạm giữ nguyên thuật ngữ vox-pop (vốn được viết tắt của cụm từ voice of people : tiếng nói người dân)


([2]) Một vox-pop dùng như một tác phẩm độc lập thường có lời dẫn của phát thanh viên. Ví dụ trong trường hợp trên, phát thanh viên có thể đọc lời dẫn cho vox-pop trong phòng thu như sau: Thưa quý vị và các bạn! Trước ý kiến đề xuất về việc bắt buộc người tham gia giao thông trong nội thành phải đội mũ bảo hiểm, chúng tôi đã có dịp tìm hiểu quan điểm của một số người dân. Và đây là những ý kiến tiêu biểu…  


([3])  Ví dụ trong trường hợp trên, vox-pop về việc đội mũ bảo hiểm trong nội ô có thể sử dụng trong một cuộc tọa đàm về vấn đề đó. Lúc ấy, vox-pop sẽ được phát cho các khách mời cùng nghe và là cái cớ để người dẫn chương trình có thể đặt câu hỏi: “Các vị nghĩ gì về những ý kiến của người dân trong đoạn băng vừa rồi?”…