Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2008

ĐI BIÊN HÒA




Cơ sở y tế đầu tiên có quy mô lớn trên đất Biên Hòa do người Pháp xây dựng, khởi công vào ngày 17 - 3 - 1915.

Lúc mới thành lập, cơ sở này có tên gọi là Asile d' alienes de Bien Hoa (Trại người điên Biên Hòa, bà con thường gọi là Nhà thương điên Biên Hòa). Nghe nói, giai đoạn đầu, nơi đây giống như một trú xá của người điên vì chỉ thu gom quản lý người điên tránh việc họ gây rối xã hội. Sau đó cơ sở được đổi tên Hôpital psychiatrique de Cochichine (Dưỡng trí viện Nam kỳ) và được chuyển qua hình thức tổ chức của một bệnh viện với mục đích điều trị.

Thời kỳ 1918 - 1945, Nhà thương điên Biên Hòa có 15 tòa nhà được gọi chung là Trại nuôi bệnh gồm: Nhà quan quản lý, nhà quan lương y An Nam, nhà các thầy điều dưỡng, nhà các viên gác - dan, nhà tắm, nhà bếp, chuồng ngựa, chuồng bò, chuồng heo, nhà người đánh xe, trại thợ mộc, kho thuốc... Việc chữa trị có sự phân biệt giữa người bệnh nước ngoài (chủ yếu là người Pháp) và người Việt Nam: Người bệnh nước ngoài có chỗ ăn ở tiêu chuẩn cao, người bệnh Việt Nam lại chia làm hai hạng: Hạng có trả tiền được ăn uống khá hơn hạng không trả tiền (hạng thí). Tất cả người bệnh phải mặc quần áo riêng của nhà thương, có người giặt giũ. Người bệnh tỉnh được cho đi làm rẫy, làm ruộng hoặc giúp đỡ nhà bếp cùng làm các việc lặt vặt khác. Thân nhân tới thăm có giờ giấc quy định và theo sự hướng dẫn của người có trách nhiệm. Năm 1930, Nhà thương điên Biên Hòa xây cất thêm 4 trại bệnh và năm 1945 lại xây thêm 9 trại nữa để nhận số người bệnh đến điều trị ngày một đông hơn (khoảng 600 người bệnh vào thời điểm này).

Trước 1930, việc quản lý người bệnh chủ yếu sử dụng những buồng con cách ly để giam nhốt và áo bó để cố định người bệnh. Sau 1930, một số kỹ thuật mới được dùng để giải quyết những trường hợp người bệnh kích động như: tạt nước, tiêm thuốc gây áp xe. Nhưng điểm nổi bật trong thời gian này là sử dụng liệu pháp sốc điện (electrochoc). Bấy giờ, trên thế giới chỉ có 3 nơi có máy sốc điện là Rome, Alger và Fukuyoka.

Sau này, chính quyền Sài Gòn tiếp quản Dưỡng trí viện Biên Hòa và đổi tên thành Dưỡng trí viện bác sĩ Nguyễn Văn Hoài để ghi công bác sĩ Hoài, Giám đốc người Việt Nam đầu tiên của bệnh viện mất năm 1955 tại đây. Sau đó, vào năm 1971 lại đổi tên Dưỡng trí viện thành Bệnh viện tâm trí bác sĩ Nguyễn Văn Hoài, chú ý chức năng điều trị hơn là di dưỡng. Từ sau 1955, số trại bệnh tăng thêm, được sắp xếp khoa học hơn. Cho đến những năm cuối của thập niên 60, Dưỡng trí viện Biên Hòa gồm các phòng điều trị bệnh và 18 trại bệnh (Phòng ngoại chẩn, Phòng trắc nghiệm, Phòng chỉ dẫn, Phòng thăm bệnh, Phòng xã hội, Phòng đọc sách, Câu lạc bộ, Phòng quang tuyến, phòng thí nghiệm và các dược xá, Trại quan sát, Trại y xá, Trại nhi đồng, Trại bệnh án, Các trại bệnh khác, Khu lao tác trị liệu). Ngoài các trại bệnh, văn phòng, Dưỡng trí viện Biên Hòa còn có các công thự, cư xá, trường học, hồ tắm, sân vận động, xưởng thợ, khu chăn nuôi và trồng trọt dành cho bác sĩ và nhân viên.

Thời gian này, cùng với sự phát triển về y học trên lĩnh vực tâm thần trên thế giới, Dưỡng trí viện Biên Hòa đã nghiêng về các liệu pháp điều trị mới. Theo tư liệu còn lưu trữ trong khoảng năm 1956 - 1963, thì tổng số người bệnh năm 1956 là 1.102 người, trong đó số trở lại bình thường được xuất viện là 384. Năm 1963, số người bệnh là 1672 và số được ra là 636 người. Nhiều người bệnh từng có địa vị trong xã hội như: Một ông hoàng Lào, một viên quan hai, một ông chủ bưu điện, một cô đầm... thậm chí cả bác sĩ, nhà giáo và trí thức khác. Khoảng những năm 1965 - 1966, một số nhà báo, nhà thơ đã là bệnh nhân của Dưỡng trí viện Biên Hòa và phải tới đây điều trị nhiều lần như: Nguyễn Ngu Í, Bùi Giáng...

Sau 1975, cơ sở y tế này trở thành bệnh viện tâm thần Trung ương 2 do Bộ y tế quản lý với nhiệm vụ điều trị, phòng bệnh, nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, xây dựng và chỉ đạo tuyến cho 16 tỉnh, thành phố phía Nam. Nhiều năm qua, đơn vị này đã từng bước cải tiến về tổ chức và hoạt động.

Bệnh viện tâm thần TW2 giờ đây nổi tiếng vì có Hội đồng giám định pháp y tâm thần cao nhất tại khu vực phía Nam và các phương pháp mới trong chữa bệnh tâm thần.

Có một chi tiết khá đặc biệt là hiện nay, trong kho lưu trữ của bệnh viện vẫn còn đầy đủ các hồ sơ bệnh án từ khi thành lập đến năm 1975. Bệnh nhân tâm thần đầu tiên đến nhập viện ngày 21 - 1 - 1919 là bà Nguyễn Thị Điều, 35 tuổi, sinh năm 1884 tại làng Thới An, huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ. Hồ sơ lưu còn cả ảnh chụp người bệnh với số hiệu in trên đồng phục "Biên Hòa - 1". Bệnh nhân này đã ở tròn suốt 36 năm và qua đời tại đây.

Và một chi tiết mà chắc thế hệ lớn tuổi ở miền Nam mới biết là có một thời gian dài, thành ngữ “đi Biên Hòa” đồng nghĩa với “điên”. Cho nên anh em nào có về off với Tú thì đừng nói là “đi Biên Hòa” nhé!

Blog Page

Nhãn:

20 Nhận xét:

Anonymous CÙ HUYỀN nói...

Đi Biên Hoà gặp anh Tú ... dưới con mắt một số người, cũng rất đáng nghi. Nếu trong trường hợp đi BH để gặp anh Tú thật, thì tốt hơn là chỉ nên nói "đi BH".

lúc 00:52 24 tháng 7, 2008  
Anonymous Quỳnh Vy nói...

Anhh quên chưa nhắc đến tên nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên, ngoài 2 ông Nguyễn Ngu Í và Bùi Giáng.
Tôi duy tâm, rất nhân từ
Thế nhưng thời đại suy tư đã tàn
(NGUYỄN TẤT NHIÊN)

lúc 18:38 24 tháng 7, 2008  
Anonymous TKO nói...

Entry nhiều thông tin hay quá ạ!
Anh Tú ơi! Em gửi chứng từ làm bằng cho anh nhé!:-)
T3/2008, cty đã đến thăm BV, thăm bệnh nhân và trao đổi với PGĐ và Bác sĩ Tuấn phòng HC Quản trị rùi ạ!
Bọn đồng nghiệp em hay đùa, tụi mình đi tái khám ở Biên Hòa!

lúc 20:12 24 tháng 7, 2008  
Anonymous Quốc Ấn_ Mai nói...

Sắp "VỀ BH"nhậu!
Hí hí, "về" có khác với đi ko chú hén?

lúc 20:25 24 tháng 7, 2008  
Anonymous ₪●๋• ßằng Lăng ●๋•₪ nói...

Em được bổ sung thêm nhiều kiến thức từ entry này,không ngờ từ trước thập niên 20 của thế kỷ trước người CT cũng có cái nhất ở BH.Cụm từ đi BH thế hệ em trong này vẫn hiểu đấy ạ!

lúc 21:47 24 tháng 7, 2008  
Anonymous DĐTK nói...

Mai mốt bạn K mà có dọn về... BH ở luôn thì chú Tú mỗi tuần ra thăm nhé :"]

lúc 00:14 25 tháng 7, 2008  
Anonymous Um A Hum nói...

Thế nhỡ em đi Biên Hòa mà lại gặp anh Tú thì sao hè? hehehe

lúc 02:08 25 tháng 7, 2008  
Anonymous tuanvetinh nói...

"Đi Biên Hòa gặp anh Tú" thì không sao, chứ "đi Biên Hòa" không thì bị nghi đấy. Hihihi. Bài viết này có nhiều tư liệu quí quá

lúc 02:17 25 tháng 7, 2008  
Anonymous rhum nói...

chí fải."đi BH gặp a Tú" thế nào cũng bi nghi là "a Tú đang ở...BH". hơhơhơ. cũng đúng, theo cả 2 nghĩa.

lúc 03:25 25 tháng 7, 2008  
Anonymous hongdang nói...

Một bài viết thú vị về một nơi chẳng thú vị gì. Cái đọng lại là phục thằng Tây quá, về cai trị theo hành chính, về y tế và giáo dục. Thế mới hiểu khái niệm văn minh, và biết dân mình còn thiếu cái gì: mặt bằng dân trí thấp quá, tản mạn quá, hình thức quá!

lúc 03:58 25 tháng 7, 2008  
Anonymous hongdang nói...

Một bài viết thú vị về một nơ chẳng thú vị gì. Cái đọng lại là phục thằng Tây quá, về cai trị theo hành chính, về y tế và giáo dục. Thế mới hiểu khái niệm văn minh, và biết dân mình còn thiếu cái gì: mặt bằng dân trí thấp quá, tản mạn quá, hình thức quá!

lúc 03:59 25 tháng 7, 2008  
Anonymous Dinh khac Q nói...

A Tú! Em Giang day, G Cao học BC, G Cao đẳng PTTH bây giờ ra Huế rồi í! Tìm được blog của anh mừng quá trời, ra đây nhiều thứ không biết hỏi ai! Anh cho em số ĐTDD với. Mau lên!

lúc 04:05 25 tháng 7, 2008  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Giang: Anh không biết liên lạc qua blog em thế nào vì em để chế độ... không cho gửi mess, quick còm. Số của anh 0903729489

lúc 04:10 25 tháng 7, 2008  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Tuấn: Tư liệu này anh viết cho sách Địa Chí Đồng Nai (tập V) cách nay hơn 10 năm. Hôm nay "véo" lại một miếng làm entry cho vui!

lúc 05:45 25 tháng 7, 2008  
Anonymous noi su that nói...

Hi,tính đi Biên Hòa thăm Phan Văn Tú, Nguyễn Một... mà giờ bạn Tú nói vậy thì thôi không dám đi Biên Hòa nữa. Hôm nào bạn Tú lên Sài Gòn rồi gặp cũng được. Điện thoại Trần Đình Thu: 0907113600. Luôn tiện PR luôn nhé. Mình làm biếng không lập blog nên có ké blog của một bạn làm ở tòa soạn PLVN(chỗ anh Đăng Bình đó). Blog này tên là ngoc n. Kể ra người làm biếng, đi ké blog cũng có cái hay,vì chủ blog hàng ngày liên hệ đặt bài, y chang như là thư ký tòa soạn kêu phóng viên viết bài vậy đó. Nên mình phải viết thôi. Chứ nếu để mình làm chủ blog chắc 1 năm mới có 1 entry. Trong tương lai, Luật báo chí cho phép blog đăng quảng cáo thu tiền, thế là người viết blog sẽ có nhuận bút,thậm chí lương, thưởng. Rồi các chủ blog tuyển phóng viên, thư ký tòa soạn, phó tổng biên tập... Cho nên hôm nay mình bắt đầu làm phóng viên blog ngoc n đó. Mình vừa được tờ báo blog này đăng bài về vấn đề biểu tình, mời bạn qua xem cho vui nhé.

lúc 01:15 26 tháng 7, 2008  
Anonymous Tuệ Hoan © nói...

Nghe xong mới thấy hoang mang
Thì ra anh Tú ở ngang Biên Hòa...

lúc 02:31 26 tháng 7, 2008  
Anonymous Diem xua nói...

Vậy hổng chịu "đi Biên Hòa" đâu anh Tú ui! hiii!

lúc 05:31 26 tháng 7, 2008  
Anonymous VÕ ĐẮC DANH nói...

Hồi trước, mỗi lần đi ngang qua, thấy cái bảng BỆNH VIỆN TÂM THẦN TRUNG ƯƠNG II, tôi cứ tưởng đây là đây là bệnh viện dành riêng cho cán bộ trung ương bị tâm thần. Rồi lại nghĩ: "Cán bộ trung ương sao mà bệnh tâm thần quá đông, có tới hai bệnh viện, tức một ngoài Bắc, hai trong Nam". Thế là tôi xin "nhập viện" hai tuần để viết ký sự THẾ GIỚI NGƯỜI ĐIÊN.Hóa ra đó là tên gọi theo phân cấp quản lý, không cần phải có tiêu chuẩn là cán bộ trung ương, ai cũng có thể vào được, chỉ với điều kiện là phải ĐIÊN.

lúc 03:10 27 tháng 7, 2008  
Anonymous Mèo Béo nói...

Dân Nam nói "đi Biên Hòa" cũng giống như ở Hà Nội nói "đi Trâu Quỳ" (hoặc "đi Văn Điển/Thanh Tước") vậy!
MB cũng muốn được đi Biên Hòa chỉ để thăm nhà anh Tú thôi!

lúc 05:18 28 tháng 7, 2008  
Anonymous OverAC GPE nói...

Ngày trước em cũng có vài lần xin nghĩ phép để đưa đứa em đi BH xin việc và thế là bị cả công ty đồn là em đi BH để chửa bệnh điên. Thế mới điên chứ :)

lúc 05:22 29 tháng 7, 2008  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ