Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2008

“TAI NẠN NGHỀ NGHIỆP” TRONG PHÁT THANH

Image

Chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người tham gia trong một ê-kip phát thanh trực tiếp tươi cười bắt tay nhau, bàn luận rôm rả, hay ngược lại, nhăn nhó, tranh cãi, thậm chí gắt gỏng với sau khi làm xong một chương trình. Điều đó không hề thấy trong sau các chương trình “không trực tiếp”. Đó là một trong những biểu hiện minh chứng rằng phát thanh trực tiếp là một phương thức làm phát thanh gây khá nhiều áp lực. Và nguyên nhân chính của các áp lực ấy là độ an toàn của một chương trình mà dù chuẩn bị kỹ đến mức nào đi chăng nữa, thì toàn bộ nhóm thực hiện cũng không thể biết chắc được nó sẽ diễn biến cụ thể như thế nào.

Thông thường, lỗi xảy ra trong các chương trình trực tiếp hết sức đa dạng. Nó khác nhau do đặc trưng của các dạng chương trình (khoa giáo, thời sự, chuyên đề, giải trí...), khác nhau do các vị trí tham gia vào chương trình (đạo diễn – thư ký – phóng viên – biên tập - người dẫn – kỹ thuật viên, thính giả tham gia…), và cũng khác nhau về tính chất (lỗi kỹ thuật – lỗi nội dung). Tuy nhiên có một điểm chung: tất cả các lỗi đều có thể khắc phục được nếu toàn bộ ekip, mỗi bộ phận đều nắm vững nhiệm vụ của mình trong đường dây chung và chuẩn bị kỹ lưỡng, phối hợp nhịp nhàng. Dưới đây là một số trường hợp tiêu biểu...

Trường hợp 1: Trong một chương trình khoa giáo với nội dung tư vấn kinh doanh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, một thính giả gọi điện thoại đến và “đặt câu hỏi” một cách hết sức nhiệt tình trong 3 phút liền và kiên quyết không chịu cúp máy. Đơn giản vì ông ta đang say xỉn. Người dẫn chương trình còn non tuổi nghề lúng túng không biết làm cách nào để cắt. Trước đó, thư ký chương trình nhận điện thoại đã cẩn thận ghi các thông tin về thính giả và đề nghị thính giả gác máy chờ chương trình gọi lại. Nhưng khi gọi lại cho số máy mà thính giả đăng ký với chương trình, đạo diễn đã hỏi đúng tên thính giả. Vậy sai sót ở đâu để sự cố xảy ra?

Một chi tiết hết sức nhỏ nhưng là một kinh nghiệm lớn cho các thư ký:

Vị thính giả gọi điện thoại đến từ đầu chương trình, lúc này ông mới bắt đầu nhậu với bạn bè nhưng vẫn còn tỉnh táo, vừa nhậu vừa nghe Đài. Chương trình tư vấn diễn ra một tiếng đồng hồ, và khi đạo diễn quyết định sử dụng câu hỏi của vị thính giả đã đăng ký nọ thì chương trình đã sắp kết thúc. Nghĩa là vị thính giả đã có gần 1 tiếng để... đủ say.

Lỗi: Đạo diễn gọi điện thoại lại và chỉ cần gặp người có đúng tên với giấy đăng ký mà thư ký đưa sang là đẩy điện thoại lên sóng. Và vì thế đạo diễn đã không phát hiện ra bất thường trong giọng nói của thính giả trước khi quyết định.

Khắc phục: Dẫn chương trình khẳng định đã hiểu nội dung trình bày của thính giả, cảm ơn chân thành, cùng lúc đó, ra hiệu cho kỹ thuật viên fade out hợp lý tín hiệu điện thoại để cắt.

Trường hợp 2: Trong một chương trình tường thuật trực tiếp ngày hội bầu cử diễn ra ở một tỉnh nọ, cầu phát thanh được thiết lập với tất cả các huyện thị thành để ghi nhận tiến độ đi bỏ phiếu của cử tri. Tại điểm bỏ phiếu nọ, phóng viên đài huyện được phân công tường thuật và phỏng vấn về phòng thu qua điện thoại di động. Sau khi phóng viên này đã làm xong phần việc của mình, người dẫn chương trình muốn tìm hiểu thêm thông tin từ ông trưởng ban bầu cử xã và đề nghị phóng viên cho trò chuyện trực tiếp với trưởng ban bầu cử để khai thác thêm thông tin. Cuộc trò chuyện giữa người dẫn tại phòng thu và trưởng ban diễn ra hết sức thú vị. Nhưng khi người dẫn chương trình cảm ơn và xin phép được gặp lại phóng viên đài huyện, thì vị khách phát hoảng lên, nói: “Chết rồi, anh ấy đưa điện thoại cho tôi và đi đâu mất rồi, để tôi tìm xem”

Lỗi: Phóng viên đã bỏ mất vũ khí. Trong tường thuật trực tiếp qua điện thoại, thì điện thoại là vũ khí!

Khắc phục: Dẫn chương trình cảm ơn, khẳng định những thông tin mà đối tác cung cấp là hữu ích và thú vị, hẹn quay lại đầu cầu đó trong phần sau của chương trình (nếu có), đồng thời kỹ thuật viên phải fade out ngay tín hiệu điện thoại để giảm tiếng ồn hiện trường và ngăn những giao tiếp không cần thiết bị lọt lên sóng. Đạo diễn sẽ tiếp tục giải thích với khách ở đầu dây bên kia và tìm phóng viên, chủ nhân của điện thoại di động, để triển khai tiếp nhiệm vụ của phóng viên đó, nếu cần.

Trường hợp 3:

Tiết mục “Đi chợ buổi sáng” của một đài địa phương, tường thuật trực tiếp thông tin giá cả thị trường từ các chợ đầu mối trong thời gian 10 phút mỗi sáng.

Thông thường 1 phút trước giờ phát sóng, kỹ thuật viên phòng thu gọi đến di động của phóng viên đang ở chợ để chuẩn bị lên sóng. Một ngày kia, còn 30 giây nữa đến giờ phát sóng mà không thấy kỹ thuật viên phòng thu gọi, phóng viên ở chợ bấm máy gọi về. Tín hiệu máy báo bận. Gọi lần nữa, vẫn bận… rồi lại gọi lần nữa. Hai bên cứ thế gọi cho nhau. Khi phóng viên tắt máy thì ngay lập tức thấy máy của phòng thu gọi đến, lúc ấy đã trễ sóng mất hơn 1 phút. Kỹ thuật viên nhăn nhó là sao gọi hoài mà thấy máy phóng viên bận suốt…

Lỗi: Không quy ước chặt chẽ. Cả hai đầu đều gọi gây nghẽn, không liên lạc được và trễ sóng…

Khắc phục: Phóng viên xin lỗi thính giả vì đã trễ hẹn hơn 1 phút với một lý do hợp lý (thông thường trường hợp này sẽ có nhạc chèn) và bắt đầu chương trình bình thường.

Trường hợp 4:

Đạo diễn ra hiệu cho kỹ thuật viên đưa tín hiệu điện thoại của thính giả lên sóng để chuẩn bị giao tiếp với người dẫn. Trong khi đó người dẫn chương trình trong phòng thu vẫn đang trò chuyện với một vị khách mời phòng thu. Thời điểm người dẫn chuẩn bị mời thính giả lên tiếng, kỹ thuật viên nâng chiếc áp tín hiệu điện thoại lên, thì thính giả gắt lên: “Nó cho mình chờ lâu thế không biết!”, điện thoại cúp, tín hiệu tút .. tút… tút…liên tục vang lên…

Lỗi: Đạo diễn đã không giải thích rõ ràng trước đó cho thính giả biết cần kiên nhẫn chờ đợi đến khi được mời. Hơn nữa, không nên để thính giả có cảm giác cô đơn quá lâu. Đạo diễn hay thư ký cần phải giao tiếp với thính giả liên tục cho đến thời điểm đẩy tín hiệu điện thoại lên sóng.

Khắc phục: Xin lỗi thính giả, hẹn liên lạc lại với vị thính giả vừa cúp máy và quay lại trò chuyện với khách mời.

***

(còn tiếp)

Blog Page

Ảnh: Trước giờ lên sóng chương trình phát thanh trực tiếp "Đào tạo từ xa cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Đài Phát thanh Trà Vinh"

Nhãn:

9 Nhận xét:

Anonymous CÙ HUYỀN nói...

Mình thì rất thích gặp lỗi. Vì gặp một lỗi mới có nghĩa là có một bài viết mới cho PTTT.

lúc 00:44 31 tháng 5, 2008  
Anonymous Đăng Bình nói...

Em đã từng làm tháng báo, tuần báo, nhật báo nhưng chỉ là báo in chứ chưa bao giờ làm phát thanh - truyền hình, vì vậy đọc được entry này của bác mới thấy làm báo nào cũng khó, cũng có nhiều tai nạn nghề nghiệp. Có khi nghe đài, em còn nghe tiếng hai phát thanh nam - nữ đang thủ thỉ "em nói trước hay em nói trước ạ". Anh gì ở Đài TNVN khi tường thuật bóng đá trực tiếp thường ho sặc sụa đó bác Tú.Đối với phát thanh, trực tiếp, tức là âm thanh gì trong phòng thu cũng được phát lên sóng, vậy lỡ phát thanh viên vô tình tung "quả trung tiện" thì sao nhỉ?

lúc 19:19 31 tháng 5, 2008  
Anonymous TKO nói...

Tem!

lúc 02:29 1 tháng 6, 2008  
Anonymous TKO nói...

Anh ơi! Muốn tránh “TAI NẠN NGHỀ NGHIỆP” TRONG PHÁT THANH
Mời anh măm măm thiệt no buổi sáng trước khi đi làm, bảo đảm NO tai nạn! :-)

lúc 02:31 1 tháng 6, 2008  
Anonymous TT.huỳnh nói...

Căng quá nhỉ, nghe một bài phát thanh đâu có nghĩ đàng sau hậu trường phức tẹp như dzậy!!!

lúc 03:07 1 tháng 6, 2008  
Anonymous hongdang nói...

Giống giáo án anh đang lên lớp quá! Chúc vui.

lúc 00:45 2 tháng 6, 2008  
Anonymous haidieugiandi nói...

Anh đúng là dân chuyên nghiệp có khác! :)

lúc 00:56 2 tháng 6, 2008  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ TKO: No quá nhiều khi không còn tỉnh táo để xử lý đó em ơi!
@ Cù Huyền: Làm phát thanh trực tiếp mà không có lỗi, quá an toàn thì chương trình chẳng hấp dẫn được. Một nhà giáo Thụy Điển mở đầu khóa học nghiệp vụ đã nói với học viên: “Chúc các bạn gặp nhiều sai lầm”. Sau đó ông giải thích, nếu các bạn cứ làm quá tốt thì chẳng có gì để học và chương trình chẳng có gì bất ngờ!
@ TT. Huỳnh: Đây mới chỉ là những tình huống nghề nghiệp cụ thể. Tai nạn nghề nó muôn hình vạn trạng, nhưng đó là cuộc sống thật!
@ Đăng Bình: Lỡ phát thanh viên hay khách mời trong phòng thu tung quả trung tiện thì đúng là đại nạn nghề nghiệp. Chi tiết này chưa thấy xảy ra trong thực tế nên mình cũng chưa có kinh nghiệm xử lý ra sao. Không biết trên thế giới thì thế nào? Có lần đọc sách của Lary King (do Trung Nghĩa – báo Tuổi trẻ dịch), một người dẫn talk show nổi tiếng của CNN, ông có nói đến kinh nghiệm xử lý mắc… ho khi dẫn chương trình trực tiếp. Còn vụ mắc… trung tiện đúng là chưa ai nói đến!
@ Hongdang: Bác phát hiện quá tinh. Mấy tuần nay bận chạy xô mấy bài 21/6, để blog trống kỳ quá nên post đại mấy chuyện nghề phát thanh!
@ Haidieugiandi: Cái này là chút kinh nghiệm muốn ghi lại cho các bạn sinh viên tham khảo (theo yêu cầu) thôi em ơi!

lúc 01:19 2 tháng 6, 2008  
Anonymous trungthanh nói...

cô ơi, tai nạn thì đâu cũng có , nhưng nó có được ghi nhận và khắc phục không mơí là đều đáng để bàn .....

lúc 02:35 1 tháng 11, 2008  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ