Thứ Ba, 4 tháng 12, 2007

SEA-GAMES: ĐẤU TRƯỜNG BÁO CHÍ (bài 3)

Khi ngọn lửa SEAGAMES 24 chưa cháy lên trên sân vận động Nakhon Ratchasima, các nhà báo VN cùng các đồng nghiệp khu vực đã bước vào một sân chơi sôi động để phục vụ người hâm mộ thể thao nước nhà. SEAGAMES cũng là “đấu trường thông tin” không kém phần quyết liệt như các môn thể thao…

Video clip “Một số hình ảnh về làng vận động viên tại SEAGAMES 24” (nhóm phóng viên truyền hình Đồng Nai thực hiện)

Nhọc nhằn tác nghiệp

Làm báo trong một sự kiện lớn ở nước ngoài như SEAGAMES là "cuộc chiến" không dễ dàng. Số người tham gia xuất ngoại trong cuộc cạnh tranh thông tin này luôn được các BBT cân nhắc vì dính đến tài chính. Và vì thế, các phóng viên đa năng bao giờ cũng được huy động. Một phóng viên xuất ngoại để theo dõi SEAGAMES phải là người biết kiến thức thể thao, biết ngoại ngữ, biết tác nghiệp giỏi và có sức khoẻ, chịu áp lực công việc...

Các phóng viên tham gia tác nghiệp phải đóng nhiều "vai": vừa quay phim, chụp ảnh, viết bài, làm kỹ thuật hậu kỳ, làm kỹ thuật vi tính, liên lạc về nhà. SEAGAMES 24 có 27 bộ môn thi đấu. Các bộ môn có các đội tuyển Việt Nam tham gia cũng trải ra trên một địa bàn rộng, trong khi số phóng viên của một số cơ quan báo chí cũng có hạn. Vì vậy, một người làm việc ở đây phải căng thời gian ra để có thể có mặt được ở nhiều điểm nhất, di chuyển nhanh nhất.

Bên cạnh việc “chia sẻ” thông tin với đồng nghiệp, các nhà báo tác nghiệp nơi đất khách quê người này còn phải biết nghe ngóng tình hình của đoàn thể thao Việt Nam thật nhạy cảm để có đề tài hay nhất, đắt nhất. “Canh huy chương” là một ví dụ điển hình: phải nắm bắt khả năng đoạt huy chương trong ngày của bộ môn nào của các đội tuyển Việt Nam để đi săn tin, ảnh trong những ngày có quá nhiều đoàn Việt Nam tham gia thi đấu.

Một trận bóng đá SEAGAMES có đội tuyến Việt Nam sẽ được trực tiếp truyền hình trên kênh sóng quốc gia. Vì thế, phóng viên truyền hình thường tranh thủ khai thác những thông tin bên lề: hình ảnh thử dopping, hình ảnh cảnh sát Thái làm nhiệm vụ, hình ảnh cổ động viên Việt Nam tại sân thi đấu, những chuyện về các tuyển thủ trong giờ giải lao mà ống kính truyền hình tường thuật trực tiếp không thể cho khán giả ở nhà thấy được hoặc hàng loạt những phỏng vấn các cầu thủ, huấn luyện viên, người hâm mộ, “đối thủ” trong và sau trận đấu khi đội tuyển mình thắng hoặc thua…

Cái món “bên lề” này rất khoái khẩu khán giả truyền hình, nó thành sở trường của các đài không có “xe tăng, tên lửa” để chiến đấu mà phải sử dụng “tầm vông vạt nhọn”. Mà phương tiện gì đâu quan trọng miễn sao “trận đánh” phải hiệu quả, đó là tâm niệm của anh em phóng viên làm việc trong điều kiện khó khăn.

Múi giờ của Thái Lan cũng giống Việt Nam, cho nên giờ “giao ban” với BBT bên nhà như nhau. Sau một đêm cật lực lao động nghề ngoài các sân thi đấu, các nhà báo cũng cần dậy sớm để canh các buổi cà phê, ăn sáng của các đoàn thể thao Việt Nam (HLV, VĐV, trường đoàn) tại các khách sạn để có thêm thông tin và “giao ban” với bên nhà qua điện thoại, chat…

Làm việc không theo lịch bình thường nên chuyện ăn uống ở xứ người rất khó khăn cho các nhà báo. Những nhà báo có kinh nghiệm theo dõi nhiều kỳ SEAGAMES thường mang theo rất nhiều mì gói để chữa cháy.

Chuyện ăn uống không bảo đảm, mang vác nhiều, thức đêm liên tục (đặc biệt với các phóng viên truyền hình phải chờ truyền dữ liệu lớn qua net ban đêm) chưa phải là cái cực nhất của các nhà báo tác nghiệp ở đấu trường SEAGAMES. Có đôi khi họ còn phải bực mình, nổi cáu vì chuyện chỉ đạo từ bên nhà, sự phối hợp không ăn ý của một đồng nghiệp, sự thiếu chu đáo của Ban Tổ chức nước chủ nhà (ví dụ thay đổi lịch thi đấu, địa điểm thi đấu… mà không thông báo trước). Thậm chí có khi họ còn bị nghi ngờ tham gia bán độ (như trường hợp của Minh Hải - VNExpress)...

Các nhà báo tham gia SEAGAMES còn bị áp lực tìm đề tài, góc tiếp cận cho thật tốt. Tín hiệu của các bộ môn thi đấu luôn được trực tiếp về IBC, ai cũng có thể theo dõi diễn biến, kết quả trên truyền hình và trên internet. Nhà báo có mặt ở các sân vận động, nhà thi đấu, ở đấu trường SEAGAMES… phải tìm những món ngon nhất trong bữa tiệc thông tin SEAGAMES mà người dân mong đợi. Họ phải cho công chúng truyền thông trong nước biết thêm muôn mặt của sự kiện SEAGAMES. Và đó không phải là chuyện có tính chất thao tác, mà thực sự là cuộc chiến.

***

Vất vả là thế, nhưng cái giống làm báo khi say nghề, chẳng ai nản chí, thậm chí còn tự cho mình được quyền hạnh phúc vì tin rằng có người đọc/nghe/xem ở nước nhà đang chờ đón thông tin từ họ.

Blog Page

Nhãn:

7 Nhận xét:

Anonymous Ngọc Kỳ Lân nói...

Em không phải dân báo nên không hình dung được khi em đọc cái tin trên báo viết/báo mạng các nhà báo phải tác nghiệp "cực" đến vậy. Xin được vote một phiếu cho các Bác đang xung kích ở các "điểm nóng" để lấy tin.
:)

lúc 21:07 4 tháng 12, 2007  
Anonymous Ngọc Trai Đen nói...

Bác đồng nghiệp nhà em sang đó cũng than quá chừng. Hôm qua em phải trực ở cơ quan đến hơn 11 giờ đêm để tải thông tin bác ấy gửi về sau đó phải lên đọc dựng nữa, hix, kỹ thuật chờ lâu cũng mệt, mặt có vẻ buồn, phải năn nỉ nữa. ặc ặc, nói chung chuyện tác nghiệp bên ấy nghe chừng cũng chẳng sung sướng gì bác Tú nhỉ....

lúc 23:22 4 tháng 12, 2007  
Anonymous huy truong nói...

Tin tức ở blog của bác nóng hôi hổi hơn cả xem trên TV hay đọc các báo mạng khác.

lúc 00:35 5 tháng 12, 2007  
Anonymous huynhtoi2007 nói...

Cũng là đấu trường của đọc giả nữa. Biết bao nhiêu đọc giả đã nhầm, đã bị lừa, đã khổ đau vì bái chí!

lúc 03:13 5 tháng 12, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Lân: Làm báo thể thao cực nhưng không nguy hiểm. Đưa tin chiến sự hoặc đi điều tra tiêu cực có cái khổ khác hơn nhiều...
@ Ngọc Trai Đen: Nếu em và "bác đồng nghiệp" của em tận dụng tốt ứng dụng công nghệ SXCT cho phát thanh thì làm cũng nhanh và dễ, ít lệ thuộc vào máy móc cơ quan. Tác nghiệp ở SEAGAMES bị căng thẳng giờ giấc thời sự thôi chứ không hoàn toàn cực lắm đâu...
@ Huy truong: Cái này mình "ăn ké" thôi, bạn thích đùa nhỉ?

lúc 23:49 5 tháng 12, 2007  
Anonymous Xoăn... nói...

Mỗi nghề một nghiệp. Vất vả nhưng kết quả thật xứng đáng phải không ạ. Một huy chương vàng cho các phóng viên

lúc 01:17 6 tháng 12, 2007  
Anonymous TKO nói...

"Nhọc nhằn tác nghiệp" và cuối cùng đã gặt hái được thành tựu trên trang web http://www.tuanvvietnam.net/vn/thegioitruyenthong/baochitruyenthongvn/2180/index.aspx! :D

lúc 03:44 6 tháng 12, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ