Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2007

SEAGAMES: ĐẤU TRƯỜNG BÁO CHÍ (bài 1)




Bài 1: Đoạn trường chiếc thẻ hành nghề

Số nhà báo Việt Nam có mặt ở SEAGAMES 24 lần này trên 200 người nhưng một tỉ lệ không nhỏ trong số này chưa kịp làm thẻ hành nghề. Không có thẻ hành nghề, thì không vào MBC (Trung tâm báo chí), IBC (Trung tâm truyền hình quốc tế) được, không thể có mặt ở những khu vực cần thiết để tác nghiệp trong các sân vận động, điểm thi đấu...

Nhiều phóng viên do không kịp đăng ký hoặc không đủ tiêu chuẩn đăng ký nên phải tác nghiệp trong những điều kiện rất khó khăn hoặc chỉ trở thành “hậu phương” (như dựng băng và lo gửi tin bài, liên lạc về nhà) cho các phóng viên “có thẻ”. Trong một số trường hợp, họ buộc phải mượn thẻ của phóng viên khác để liều xông vào nơi diễn ra sự kiện vì bảo vệ có khi chỉ liếc qua thẻ đeo, ít ai coi kỹ tấm hình trên thẻ.

SEAGAMES 22 được tổ chức ngay tại Việt Nam nhưng chuyện xin cấp thẻ cũng không dễ dàng, dù phải tận dụng “sức mạnh của sự quen biết” cũng như nhiều thứ sức mạnh khác (bởi Bộ Văn hóa – Thông tin cấp thẻ như cấp quota: mỗi cơ quan báo chí tỉnh lẻ chỉ có một thẻ, ngay cả đó là đài truyền hình). Thẻ có nhiều loại tùy mức độ ưu tiên. Thẻ xanh thì ít ưu tiên di chuyển để quay phim chụp hình hơn thẻ đỏ. Phóng viên truyền hình tác nghiệp trong một trận bóng đá mà mang thẻ xanh (đồng nghĩa với việc không xuống được sân) thì cũng… như không.

Thẻ bị cấp nhỏ giọt cũng vì có thẻ có thêm một số quyền lợi: mỗi phóng viên có thẻ được lãnh một túi đồ của các nhà tài trợ và Ban Tổ chức khá hoành tráng (lãnh xong thì thẻ bị bấm lỗ). Nào là tài liệu, bản đồ song ngữ, túi đựng máy ảnh, áo thun, áo gió, đồ lưu niệm… Nào là được quyền ra vào Trung tâm báo chí để uống cà phê, ăn trái cây, lấy press release, khai thác internet và thậm chí… ngủ thoải mái.

Còn nhớ, hồi SEAGAMES 22 (cuối năm 2003), Đài Đồng Nai cử đội quân đi Hà Nội 3 người, nhờ thêm bạn Thanh Nga (nay làm ở VNExpress) hỗ trợ là 4. Nhóm thành phố Hồ Chí Minh 5 người do tôi làm trưởng nhóm nhưng chỉ có… 1 thẻ! Mà trong nhóm của tôi có một kỹ thuật viên phải vào MPC hàng ngày để ghi lại tín hiệu các môn thi đấu.

Lúc đầu chuyện đăng ký làm thẻ phải ra Hà Nội, sau đó, thủ tục này được ủy quyền cho phía Nam, hình như nhà báo Thái Phong Sương, Tổng Biên tập báo Thể thao TPHCM chịu trách nhiệm. Ngoài chuyện xin thêm các thẻ của Đài Bình Thuận, báo Đồng Nai, chúng tôi còn nghĩ ra một chiêu cũng vui vui: khi đăng ký thẻ, sẽ ghi tên một người và dán ảnh một người khác trong nhóm. Chiêu này khá hiệu quả. Gặp anh bảo vệ nào cắc cớ lật thẻ lên coi, thấy hình không đúng với… cái bản mặt thì rút thẻ nhà báo ra để chứng minh “nó đây” và giải thích là do Ban Tổ chức dán nhầm ảnh. Nhờ chiêu này, dù số thẻ ít hơn quân số thực nhưng có khi chúng tôi cũng tập kết đầy đủ trong Trung tâm báo chí để “giao ban” hoặc trong sân thi đấu. Người vào trước tháo thẻ để gửi ra ngoài cho người sau vào cổng bảo vệ….

Lần đó, có 1 chuyện vui, trong lúc nhóm Sài Gòn rối vì thẻ, tôi nhắn tin cho Minh Chung, trưởng nhóm Hà Nội: “Ngoài đó có xin dư thẻ không, chuyển về trong này với”. Minh Chung nhắn trả lời: ‘DU CHU KHONG DU TU OI”.

Bạn dịch tin nhắn này sao?

Image

Phóng viên truyền hình tác nghiệp ở các sự kiện lớn nhiều khi phải tự lo mang vác rất nặng nề


Nhãn:

5 Nhận xét:

Anonymous Quốc Ấn_ Mai nói...

Cũng ngang ngửa "EM DANG O TRUONG DOI ANH DAY", hehehe.

lúc 17:06 1 tháng 12, 2007  
Anonymous Đăng Bình nói...

Dịch nghiêm túc: DU CHU KHONG DU TU OI = "đủ chứ không dư Tú ơi".
Có một chuyện vui thế này bác Tú à, năm 2001 khi Tổng thống Mỹ Blii Clinton sang thăm VN, có một vị lãnh đạo quê ở Quảng Ngãi và nói tiếng Quảng Ngãi cao cấp đón tiếp tổng thống Bill Clinton. Trước đó, thư ký của vị lãnh đạo này đã dạy cho ông ta mấy câu đàm thoại sơ đảng như how are you? i am fine, so am I... Khi gặp TT Mỹ, vĩ lãnh đạo này vì quê ở Quảng Ngãi nên nói chữ how (hau) thành chữ who (hu), tức bắt tay Bill và chào hu a du? (who are you). Bill nghe vậy nghĩ thầm trong bụng "chà, tay lãnh đạo này biết rõ mình là Tổng thống Mỹ rồi mà còn hỏi giỡn, thôi thì mình cũng giỡn lại cho vui vậy" bèn vừa cười vừa trả lời "I am Hillary Clinton's husband. And you?". "So am I"- vị lãnh đạo nhà ta trả lời.

lúc 18:24 1 tháng 12, 2007  
Anonymous TKO nói...

"Phóng viên PHAN VĂN TÚ truyền hình tác nghiệp ở các sự kiện lớn nhiều khi phải tự lo mang vác rất nặng nề!"
Tội nghiệp! :D

lúc 19:26 1 tháng 12, 2007  
Anonymous Diem xua nói...

Anh làm D “nhớ” Bác Hồ đọc tên “Nhà máy cơ khí Gia Lâm” thành “Nhà mày có khỉ già lắm” cũng vì bảng tên không bỏ dấu, hiii. (Bác Hồ thì mới dám chứ D thì hổng dám dịch câu trên entry anh Tú đâu ạh, hiii!)

lúc 20:54 1 tháng 12, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Ấn: Con lại phát huy khả năng liên tưởng rồi
@ TKO: HÌnh đó không phải của anh. Đó là phóng viên Hồng Việt của Đài Dồng Nai, đẹp trai hơn anh chút xíu thôi!
@ Diễm xưa: Anh nghĩ cái chuyện nói đùa đó là giai thoai dân gian chứ!
@ Bác Đăng Bình: Chuyện bác vui quá sá!

lúc 00:42 2 tháng 12, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ