Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2007

PROFESSIONALIZE MANAGEMENT IN TV ACTIVITIES




TRUYỀN HÌNH: BAO GIỜ CHUYÊN NGHIỆP?

1/ Trong lần đi chào tài trợ một chương trình giải trí cho đài truyền hình tỉnh, anh T.V.T bị đại diện marketing của công ty hỏi: Thế rating bình quân của chương trình này thế nào? Anh T ớ người ra, vì không hiểu “rây - ting” là cái gì. Anh chỉ cố thuyết phục, chương trình này hay lắm, nhiều khán giả gửi thư về Đài khen ngợi, nhiều bạn trẻ điện thoại về xin sang băng v.v… Đại diện công ty được mời tài trợ bảo rằng: Vâng, tôi cũng tin anh nói, đúng là chương trình hay, nhưng tôi muốn biết chỉ số cụ thể, khách quan. Chúng tôi phải tính được một USD tôi bỏ ra tài trợ - quảng cáo trên đài của anh sẽ có ít nhất bao nhiêu lượt người xem v.v…

Rating là một trong những chỉ số đo lượng người xem truyền hình trong tương quan so sánh với nhiều kênh truyền hình khác trong một địa bàn. Cùng với các chỉ số tương ứng, như reach chẳng hạn, và dựa trên số dân của từng vùng, người ta có thể tính được số khán giả xem một chương trình truyền hình.

Câu chuyện của anh T không phải là cá biệt. Trong quá trình hội nhập, các doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam làm marketing và PR càng ngày càng chuyên nghiệp hơn. Đây là những hoạt động gắn liền với truyền thông, nên họ phải biết nhìn truyền thông bằng con mắt chuyên nghiệp, trong khi những nhà làm truyền thông đại chúng thì chưa biết điều đó.

2/ Chị HTN, trưởng phòng tiếp thị của một công ty quảng cáo lớn kể lại: Có lần chị đến Đài truyền hình X. để làm quảng cáo, chị sửng sốt nhìn bảng giá quảng cáo mới quá cao của đài vừa được giám đốc ký chưa ráo mực. Chị được nhà Đài giải thích rằng, do doanh thu năm rồi tăng lên, vùng phủ sóng mở rộng, nên đầu năm nay, Đài chủ động tăng giá quảng cáo. Chị HTN định giải thích cho người nhà đài rằng, giá quảng cáo phải dựa trên hàng loạt các chỉ số đo lường khán giả một cách khoa học chứ không thể tăng vô tội vạ được. Nhưng lại thôi, chị làm cách khác: đàm phán để xin được khuyến mãi và lót tay cho nhân viên quảng cáo của đài. Hợp đồng quảng cáo sau đó đã được ký. Giá trong hợp đồng thì vẫn “trên trời” nhưng nhờ khuyến mãi, giá thực tế của những spot quảng cáo ấy vẫn còn hời. Chị HTN nói thêm, trước khi đàm phán, mình đã có trong tay kết quả khảo sát của đài đó nên biết rất rõ mình sẽ chọn giá nào là hợp lý. Nhưng ngược lại, đài đó thì không biết mình ở đâu trong bản đồ truyền hình của khu vực!

Trong hoạt động truyền thông chuyên nghiệp, khảo sát công chúng truyền thông là yêu cầu cực kỳ quan trọng. Đã có rất nhiều tổ chức quốc tế giúp đỡ các cơ quan báo chí Việt Nam trong vấn đề này thế nhưng nhiều năm qua, báo chí Việt Nam, do còn nặng tư duy bao cấp, do nhận thức chưa tới, nên chưa xem trọng công tác này.

3/ Khảo sát công chúng truyền thông hiện đại không “cắt lát” đời sống báo chí như cách làm của nhiều cơ quan điều tra xã hội học Việt Nam hay các cuộc khảo sát đột xuất giống như “điều tra dân số” ở ta. Quan điểm khảo sát này xem báo chí – truyền thông là những thực thể sinh động, có biến thiên theo những quy luật nhất định và phải được khảo sát trong một quá trình (monitoring). Đo lường công chúng là công việc liên tục, không nghỉ. Bất kỳ lúc nào, nhà khảo sát đều có thể có những kết luận khoa học thuyết phục.

Ví dụ, bộ phim truyền hình “Ma làng” gần đây được dư luận quan tâm, hàng loạt bài báo đề cập nhưng điều đó chưa thể là cơ sở có tính chất khoa học để các nhà sản xuất, đài truyền hình hay nhà quảng cáo lấy làm căn cứ trong tổ chức hoạt động của mình, mà phải dựa vào các chỉ số khảo sát khán giả.

Nhà khảo sát có thể chỉ ra sức thu hút của từng tập phim, ở từng thời điểm cụ thể và phân tích nguyên nhân. Các chỉ số khảo sát động được xử lý thống kê bằng các phần mềm vi tính cho phép nhà khảo sát có nhanh những kết luận khoa học. Ví dụ, chỉ số immigration, cho thấy sự chuyển dịch dòng khán giả từ các kênh khác nhau trước giờ chiếu phim. Cụ thể hơn, vào thời điểm VTV1 bắt đầu lên sóng bộ phim “Ma làng”, kênh này “nhận thêm” (chỉ số get) bao nhiêu khán giả và những khán giả đó đến từ những kênh nào. Và ngược lại, kênh VTV1 mất (chỉ số lost) bao nhiêu khán giả (do không thích phim Việt Nam chẳng hạn) và họ chuyển qua kênh nào. Hoặc chỉ số loyalty cho biết khán giả “chung thủy” với một tập phim nào đó ra sao. Với chỉ số này, việc đo lường chia nhỏ thời lượng của tập phim thành những thời đoạn bằng nhau (log), tập phim 45 phút chia thành 9 log, mỗi log 5 phút chẳng hạn. Chỉ số loyalty cho thấy rõ có bao nhiêu phần trăm người xem phim ở log thứ nhất, còn tiếp tục ngồi trước màn hình tới log thứ 2, thứ 3, log cuối cùng. Kết quả khảo sát cũng cho biết các chỉ số xã hội học về khán giả xem phim. Tỷ lệ nam – nữ, các độ tuổi cụ thể, các tầng lớp cụ thể… yêu thích phim này ra sao.

Một nhà quảng cáo bao giờ cũng dựa vào các số đo biến thiên này để quyết định “book” các spot quảng cáo của mình vào lúc nào và biết hiệu quả số tiền quảng cáo mình bỏ ra cho một sản phẩm cụ thể. Và không phải ngẫu nhiên mà nhiều đài truyền hình vẫn trung thành trong việc mua bản quyền phim truyện theo những chủ đề, đề tài cố định vào những khung giờ cố định. Phim truyện truyền hình đề tài tâm lý xã hội được số đông quý bà thích hơn phim võ hiệp, phim hành động. Việc quảng cáo các sản phẩm làm đẹp, các sản phẩm liên quan đến nội trợ ít đưa vào chương trình tường thuật bóng đá là vì thế. Các nhà quảng cáo biết được đặc điểm của khán giả hết sức cụ thể qua đo lường, khảo sát những chương trình truyền hình một cách khoa học để biết đưa quảng cáo vào một cách hợp lý (sản phẩm đó dành cho ai, độ tuổi nào, ai là người quyết định mua sắm trong nhà… ).

Việc khảo sát thị trường, công chúng truyền thông nói chung và thị trường – công chúng truyền hình nói riêng hiện nay ở Việt Nam do nhiều công ty độc lập thực hiện. Tiêu biểu nhất là công ty TNS. Kết quả khảo sát của TNS được bán với giá khá cao và khá bí mật cho các đối tác (dữ liệu monitoring được cập nhật từng tuần một). Bình quân, dữ liệu này được bán với giá 30.000 USD/năm cho một đối tác. Có điều là số lượng đài truyền hình Việt Nam biết mua và khai thác hợp lý các kết quả khảo sát này còn rất ít và chậm hơn các đơn vị doanh nghiệp cũng như các đơn vị hoạt động truyền thông nhiều năm.

4/ Ở Việt Nam, môn học programming dành cho phát thanh – truyền hình chưa được dạy một cách đầy đủ trong trường đào tạo báo chí. Nếu PROGAMMING trong ngành công nghệ thông tin là lập trình, thì trong phát thanh – truyền hình nó được xem là hoạt động xây dựng hệ thống chương trình, bao gồm rất nhiều nội dung khoa học. Nào là xây dựng khung chương trình, lập kế hoạch sản xuất, làm playlist phát sóng hằng ngày, làm quảng bá, quảng cáo, giới thiệu…, nghiệm thu, thẩm định, tư vấn, định hướng, điều tra khán thính giả (công tác này liên quan đến xây dựng hệ thống chương trình như máu thịt), công tác tư liệu, lưu trữ… Mục tiêu của công tác chư­ơng trình (programming) là làm sao lôi kéo đư­ợc nhiều ng­ười nghe/xem nhất, với chi phí ít nhất và hiệu quả nhất. Để thực hiện tốt việc “lập trình” như thế, công tác khảo sát khán giả truyền hình hết sức quan trọng. Dựa vào các chỉ số khảo sát, nhà đài mới biết bổ sung, khắc phục điểm yếu của các kênh sóng của chính mình, giữ được dòng khán giả - giữ đư­ợc ngư­ời xem của chương trình trư­ớc, biết tạo ra đối trọng, biết chấp nhận đối đầu…

Nhiều kênh truyền hình ở Việt Nam khi ra đời, việc sắp xếp chương trình chỉ dựa trên kinh nghiệm và theo mô hình của một đài lớn. Giờ đó VTV thời sự thì kênh này cũng thời sự, VTV có phim truyện thì kênh này cũng có phim truyện, họ tự “đối đầu” với “anh cả” một cách vô tình. Có nhiều đài hiện nay còn “lập trình” cực kỳ ngẫu hứng: thay đổi khung chương trình liên tục theo ý thích của lãnh đạo đài. Có đài thì để cho chương trình giải trí trong 2 kênh của chính đài mình “đánh” nhau, giảnh “khách hàng” của nhau vì nó phát gần như trùng giờ nhau. Và rất nhiều đài truyền hình địa phương ở Việt Nam có lối phát sóng cực kỳ tùy tiện do việc xây dựng các tiết mục “non, già” thất thường, không quan tâm đến tâm lý tiếp nhận định thời của khán giả (ví dụ chương trình chiếu phim hầu như mở đầu không cố định mà dao động trong phạm 20 giờ 45 đến 21 giờ 30, khán giả mê phim nhiều tập phải "canh" vì không biết giờ bắt đầu)

Tất nhiên việc “lập trình” còn phụ thuộc vào nhiều yêu cầu khác như tôn chỉ mục đích của đài, năng lực sản xuất, phạm vi phát sóng, các kênh “đối phương” trên địa bàn”, tâm lý đối tượng tiếp nhận, trình độ nhận thức của công chúng vùng miền, tính mùa vụ và sự kiện v.v.... nhưng biết khán giả mình đang cần gì để phục vụ, để cung cấp món ăn tinh thần là yêu cầu quan trọng số một. Mà để biết khán giả của mình, không thể không có những khảo sát khoa học.

Người Việt Nam rất thông minh và sáng tạo. Người làm truyền hình Việt Nam rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt công nghệ, kỹ thuật sản xuất chương trình của nước ngoài. Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh tổng thể, quả là, quá trình chuyên nghiệp hóa hoạt động truyền hình ở Việt Nam cũng còn lâu.


Nhãn:

37 Nhận xét:

Anonymous Ly Khanh nói...

Đúng rồi ah, lúc trước khi còn là sinh viên em có làm thêm cho công ty nghiên cứu thị trường, công việc của em là đến từng hộ gia đình trong khu vực quy định để lấy kết quả thống kê của gia đình đó về tần số xem các kênh trên truyền hình của từng thành viên trong gia đình. Mặc dù kết quả như thế nhưng không chính xác lắm, vì người dân họ không làm trung thực đâu ah, nhiều khi đem bảng kết quả về tụi em phải kiểm tra lại thì thấy rất vô lý, do họ chỉ liệt kê đại khái cho mình. Ví dụ như, gia đình chỉ có 1 tivi nhưng khi gởi bảng báo cáo thì trong cùng 1 giờ mà 2 người cùng xem 2 kênh khác nhau (loại tivi không thể xem 2 màn hình cùng lúc). Lúc đầu, em không hiểu tại sao người ta cần thống kê cái này để làm gì nhưng về sau thì thấy nó thật có giá trị.

lúc 21:09 10 tháng 11, 2007  
Anonymous Càm Ràm nói...

Cám ơn entry này của anh!

lúc 21:40 10 tháng 11, 2007  
Anonymous CÙ HUYỀN nói...

TKO: nguoi oi, nguoi o, dung dia!
Thay loi ong xa!

lúc 22:13 10 tháng 11, 2007  
Anonymous tuanvetinh nói...

Em nghĩ việc nghiên cứu thị trường các công ty VN dư khả năng làm được. Nhưng, vấn đề là mình xuất phát chậm, với lại tâm lý của phần đông người Việt thường tin tưởng vào các công ty nước ngoài hơn.
Đúng như anh nói, dẩu kết quả thế nào thì rating vẫn là thước đo hiệu quả của chương trình truyền hình được tin tưởng nhất hiện nay và đó là cơ sở để các doanh nghiệp ký hợp đồng quảng cáo.

lúc 17:04 11 tháng 11, 2007  
Anonymous Diem xua nói...

Copy bạn hiền, để lại "cái chỗ" rùi...dìa (vì có bít cái gì đâu mà còm, hic!)

lúc 17:30 11 tháng 11, 2007  
Anonymous Vietdung Design nói...

Một bài viết hay. Cám ơn anh!

lúc 17:46 11 tháng 11, 2007  
Anonymous aaaaaaaaaaaaaaaaaaa nói...

lâu nay em vẫn thấy điều tra nhưng đúng như bạn gì đó nói! điều tra của người dân VN còn thấy làm cho xong mà không thực sự coi trọng bản điều tra đó. họ đâu biết được những giá trị của bản điều tra mà họ đã điền vào đâu! buồn thật đó!

lúc 18:24 11 tháng 11, 2007  
Anonymous Trau nói...

Này, Bác Tú, đọc tới bài này của Bác, Trâu tui mới hiểu câu Thần Khẩu hại Xác Phàm nó đúng như thế nào. Nếu Bác không dám làm cách mạng, e là tới lúc về hiu, bác cũng là phó chủ tịch như hiện thời thôi. Ngày xưa Đinh Bộ Lĩnh chăn trâu mà còn dám phất cờ… xung phong, cớ sao bác đã đi năm châu bốn biển mà ì ạch với cái blog 1.0 sắp tàn này hoài thế. Hãy “Tiến về Sài Gòn, ta kiếm nhà mặt tiền… ngồi xem kẹt xe chơi”

lúc 18:48 11 tháng 11, 2007  
Anonymous Neco nói...

Đọc xong rồi dìa! Vì không biết còm cái gì! Nhiều thuật ngữ chuyên môn, nên chắc phải xem nhiều lần thì có thể đọc trôi được chữ! hix...

lúc 23:00 11 tháng 11, 2007  
Anonymous TKO nói...

Book chỗ.
Rồi về!
:)

lúc 23:20 11 tháng 11, 2007  
Anonymous Quỳnh Vy nói...

Em thắc mắc không biết ở VN mình có chuyện Rating tại các đài truyền hình không hả anh?
Nếu có, họ làm trung thực không? Nhưng lấy gì làm bảo đảm đây?

lúc 23:36 11 tháng 11, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Quỳnh Vy: TRước đây, các Đài thỉnh thoảng thuê một đơn vị nhà nước khảo sát tĩnh. Nhưng số liệu này không được các "đại gia" chấp nhận. Ở VN hiện nay, việc đo lường rating do những công ty độc lập có uy tín quốc tế làm. Và họ bán kết quả khảo sát cho các đối tác. Rất mắc. Dù có nhiều ý kiến trái ngược nhau về kết quả này, và việc khảo sát này chỉ có ở một số trung tâm lớn, nHưng không còn căn cứ nào để xác định tốt hơn.

lúc 23:42 11 tháng 11, 2007  
Anonymous Quốc Ấn_ Mai nói...

Cuộc "xâm thực truyền thông" (con không dùng từ xâm lược) đâu phải chỉ bây giờ mới bắt đầu. Và tính chuyên nghiệp của những người làm báo VN cũng như những yếu tố quan trọng khác như lòng yêu nước, ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa, sự cạnh tranh lành mạnh,.... mới là thứ cần được củng cố trong thời hội nhập.

lúc 23:48 11 tháng 11, 2007  
Anonymous Xoăn... nói...

Thêm được một kiến thức mới. Đúng là thỉnh thoảng có những người đến phát tờ điều tra... nhưng không rõ mục đích, hiệu quả, không mấy tin tưởng,nên làm cũng... bỏ qua

lúc 01:24 12 tháng 11, 2007  
Anonymous HTGiap nói...

Cái vụ Rating của truyền hình thì hơi bị khó (báo giấy hay báo điện tử thì dễ hơn) vì nó phụ thuộc vào cái... Remote.
Diện phủ sóng chẳng bao giờ tỷ lệ thuận với chỉ số Rating. Cái bác nhà đài nào hồn nhiên kêu rằng, bán kính phủ sóng của tôi rộng - đương nhiên có nhiều người xem, thì đúng là chủ quan quá.

lúc 02:37 12 tháng 11, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Khánh: Trong khảo sát thói quen xem đài, hiện đã có những thiết bị cảm ứng ghi nhận những thông tin qua việc bấm remote của khán giả. Để khảo sát, người ta sẽ chọn ngẫu nhiên các hộ gia đình (theo cách lấy mẩu tiêu biểu của họ: tỷ lệ giàu - nghèo, nghề nghiệp, nam - nữ, địa bàn v.v...). Ví dụ nếu điều tra ở TPHCM, họ sẽ tính toán để thực hiện ở các quận, huyện ra sao, các hộ công chức, công nhân, người lao động, trí thức theo tỷ lệ bao nhiêu v.v... Các thông tin chọn kênh sẽ được ghi nhận tự động qua internet (hoặc một đường truyền dữ liệu nào đó). Tuy nhiên, cách này chưa áp dụng ở VN. Bên cạnh đó, việc chọn hộ gia đình để điều tra là một thủ thuật. Thường người ta ký hợp đồng với các hộ dân đó như một sự hợp tác. Người tham gia điều tra cũng có quyền lợi nhất định. Có một đội giám sát theo dõi người tham gia điều tra. Các hộ dân được chọn sẽ thay đổi liên tục.
Tuy nhiên thực tế khảo sát ở VN hiện nay vẫn còn tình trạng như em nói.

lúc 02:41 12 tháng 11, 2007  
Anonymous Chaien nói...

Tại kém vậy cho nên thông tin survey nằm trong tay mấy tập đoàn quảng cáo của Mỹ hết, mà theo đà này rồi một hồi truyền hình Vn sẽ bị hàng hóa Mỹ đưa đường dẫn lối hết, chả còn biết bản sắc dân tộc nó là cái của khỉ gì nữa.

lúc 02:51 12 tháng 11, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Bác Giáp: Báo trực tuyến hay truyền hình cáp thì chuyện khảo sát tự động khá tốt. TRuyền hình analog vẫn có cách đo tương đối chính xác. Vần đề là lâu nay mình không đầu tư cho việc này. Mình đang thua trên sân nhà. Giờ phải chấp nhận kết quả khảo sát của người nước ngoài dù biết nó chưa chắc đã chính xác.

lúc 03:00 12 tháng 11, 2007  
Anonymous Huy Đẹp Trai nói...

vào đây đọc thu được bao nhiêu là kiến thức!
Quả thật nhà đài còn chưa tận dụng hết được lợi thế của họ nhỉ! Hiện tại em thấy các công ty chuyên nghiên kíu thị thường tòan là công ty nước ngòai không à!

lúc 03:17 12 tháng 11, 2007  
Anonymous Apple nói...

Bàn về nghiên cứu thị trường, chỉ số tin tưởng lạc quan nhất cũng dừng lại ở 60-70%. Đó là chuyện hết sức bình thường. Apple cũng từng là phỏng vấn viên...hiểu rất rõ nhưng bê bối và vinh quang của nó. Trách gì bọn NCTT nước ngoài, hãy trách mình không làm được như người ta!
Truyền hình rất coi trọng Ratting. Căn cứ vô cái khoản này, giá quảng cáo, các doanh nghiệp đăng ký thông tin và ngân sách nhà đài cũng ảnh hưởng trực tiếp.
Tuy nhiên, đòi hỏi tính chuyên nghiệp trong lĩnh vực truyền hình tại Việt Nam là hơi bị khó. Vì ngoại trừ các đài có gốc rễ bự, phạm vi phát sóng rộng, còn lại đều rất ọp ẹp chuyện KHKT.
Bác Tú kính mến! Thật thú vị khi đọc entry này. Tuy nhiên nó dài quá. Hic hic, Apple rất thích đọc các entry của bác, nhưng làm ơn ngắn gọn hơn nữa được không ạ?
Smile and thanks!

lúc 03:40 12 tháng 11, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Huy Đẹp Trai: Dù sao họ cũng có nghề em ạ!
@ Apple: Đó là cái bài viết thuê, sáng nay thấy blog nguội quá, post lên cho có với bà con. Đúng là nó hơi dài. Tách đôi thì hay hơn há!

lúc 03:47 12 tháng 11, 2007  
Anonymous Mecghi nói...

em thấy đài vẫn có thống kê con số này mà

lúc 03:50 12 tháng 11, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Mecghi: Dữ liệu đó các đài lớn đều mua từ công ty TNS đó Mecghi. NHưng không phải đài nào cũng mua được hay biết mua. Và không phải công ty này có đủ nhân lực để khảo sát tất cả các kênh sóng!

lúc 03:58 12 tháng 11, 2007  
Anonymous Apple nói...

Hihi, viết thuê cũng không nên nhiều chữ. Vì viết dài thông tin bị loãng. Hơn nữa, nhiều người không thông cảm còn bảo là mình tham! Trừ phi, người ta tính tiền theo số chữ thì tha hồ bán. Smile!
Quy định gõ bài ở Vnexpress là, càng ngắn càng tiện. Viết dài có khi bị sếp làm việc, lên lớp cho vài tăng rồi về cắt gọt cho ngắn lại. Hic hic
Nhớ có 1 lần, đồng chí Khứa Hải đọc bài xong, gọi điện hỏi: "Sao viết ngắn quá vậy?". Bó tay luôn!
Thỉnh thoảng Apple cũng viết thuê, nhưng quả tình là viết ngắn đã thành bệnh nghề nghiệp rồi bác Tú ạ!
Tách đôi entry này thì tuyệt. Chẻ nhỏ ra và giật cái title phụ nữa. Thế là wonderful!

lúc 03:59 12 tháng 11, 2007  
Anonymous HTGiap nói...

Về mảng truyền hình, thú thiệt HTG cũng không rành lắm. Nhưng cho dù với truyền hình cáp hay truyền hình kỹ thuật số, lâu nay HTG vẫn chưa nghe ai nói đến cái vụ rating (đương nhiên với 2 loại truyền hình này, không khó để rating), còn truyền hình địa phương như cái đài X mà bác nói thì nó rating bằng cách nào nhỉ?

lúc 04:30 12 tháng 11, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Trâu và Quỳnh Vy: Tú cám ơn rất nhiều. Các ý kiến của Trâu và Quỳnh Vy đều có lý chỉ có một điểm chưa đúng: Mình không là "nhân tài đất Việt" được.

lúc 19:14 12 tháng 11, 2007  
Anonymous TKO nói...

A Tú @ chị H : Nhưng con mình sẽ là nhân tài đất Việt!

lúc 20:02 12 tháng 11, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Trâu: Mọi sự chọn lựa đều không dễ dàng. Được cái này, mất cái kia. Còm men của Trâu làm tui nghĩ ngợi và giật mình. Bác hiểu thì chia sẻ thêm với tui. Cái blog này cũng là chỗ để tui tìm niềm vui, giảm stress vậy mà. Bản lĩnh chưa tới đành đứng trong cánh gà nhìn xem thiên hạ diễn tuồng. Bác có điều kiện thì làm ơn “bóc lột” tui đi!

lúc 23:06 12 tháng 11, 2007  
Anonymous Quỳnh Vy nói...

Không phải cái gì của bọn quốc tế cũng đều chính xác và trung thực đâu!
Nhưng lỗi không phải ở họ.
Phó thác cho người ta những VIỆC NHÀ như thế, lỗi tại NGƯỜI NHÀ.

lúc 23:17 12 tháng 11, 2007  
Anonymous Quỳnh Vy nói...

Em xin có lời khuyên anh chị Văn Tú cứ hãy làm cư dân của đất Đồng Nai.
Nhân tài đất Việt đừng nên co cụm ở cái đất Sài Gòn chật chội này.
:))
Phải ở rải rác khắp nơi cho nước mình thêm vững chắc chớ!
:))

lúc 23:20 12 tháng 11, 2007  
Anonymous Trau nói...

Cho ké chị “Quỳnh ba chấm” tí: “Cứ làm cư dân đồng nai” thì đúng rồi, nhưng làm việc nơi có nhiều sự cọ xát để tay nghề nâng cao thì cũng hấp dẫn với ngừơi có máu nghề như Bác Tú lắm đấy. Khi nào xác định mình đã là “Nhân tài đất Việt thì đừng co cụm ở cái đất Sài gòn chật chội”. Còn chưa, thì chị “Quỳnh ba chấm” chịu khó nhường ít “đất” cho bác Tú nhà mình… tham quan thực tế vài năm đi! Bạn tốt mà chưa chi sợ người khác chiếm chỗ rùi, hic hic!

lúc 00:36 13 tháng 11, 2007  
Anonymous Quỳnh Vy nói...

Ôi bạn Trau vui tính ơi!
Mình từng làm việc ở nhiều nơi xa SG.
Và mình có nhận xét là mặc dù chỉ là cư dân của đô thị chỉ được bác trung ương xếp loại 2 trở xuống, nhưng họ lại tài giỏi và được việc gấp mấy lần các cụ ở đô thị loại xịn đấy !
Và mình không hề nói đùa trong quan điểm nêu trên đây đâu!
Nếu thật sự có tài thì ở đâu cũng là đất cho ta dụng võ!
Mình đâu có lo sợ chi khi tranh giành nhau "ba thước đất" đâu nà?
:))

lúc 00:46 13 tháng 11, 2007  
Anonymous ptracandy nói...

Một bài viết khá dài, nhưng rất đầy đủ thông tin. Em có nghe nói việc khảo sát xu hướng coi truyền hình, rating, reach của TNS mà các công ty quảng cáo sử dụng, nhhưng trong bài này, em lại biết thêm cách nhìn từ phía đài truyền hình, cũng rất thú vị. Anh Tú viết bài này ah? :)

lúc 00:56 13 tháng 11, 2007  
Anonymous PHUONG NGA™ nói...

Anh Tú viết bài này hay quá, đọc xong chỉ biết nói: Cám ơn!

lúc 23:21 13 tháng 11, 2007  
Anonymous Hoàng Hưng nói...

thật lãng phí khi đài Đồng Nai chuyển ông về Hội,...

lúc 00:00 14 tháng 11, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Hoàng Hưng: Đài Đồng Nai không chuyển mình về Hội. Mình xung phong đi. Vả lại, về chức năng, thì việc này nằm ngoài "phạm vi điều chỉnh" của Đài

lúc 01:50 14 tháng 11, 2007  
Anonymous LIVE2RIDE® nói...

Các đài sẽ phải để ý đến rating, target audiences, PR... cho các chương trình khi mà không còn "bầu sữa" của NN nữa. Một bài viết rất hay, cảm ơn anh!

lúc 19:52 21 tháng 11, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ