Thứ Hai, 24 tháng 9, 2007

TELL ME HOW TO HOLD MICROPHONE




HÃY CHO TÔI BIẾT BẠN CẦM MIC RA SAO…

Hằng ngày xem truyền hình, ta bắt gặp hình ảnh khá quen thuộc là các phát biểu, phỏng vấn. Trên những khuôn hình phát biểu được thu từ hiện trường (không phải tại phòng thu), đôi khi ta còn thấy cánh tay, bàn tay cầm chiếc micro của nhà báo truyền hình. Cái bàn tay ấy hoặc chiếc micro “ló” ra trong khuôn hình có logo của một Đài nào đấy mang ý nghĩa về sự có mặt “cái tôi trần thuật” của nhà báo trong câu chuyện, nhưng bên cạnh đó, nó cũng nói được nhiều điều về phương diện nghề nghiệp… Nào là chuyện hướng đứng của phóng viên trong quá trình phỏng vấn đối tượng, nào là góc nhìn của phóng viên quay phim khi tác nghiệp… Bài này chỉ bàn đến một chuyện nhỏ: chất lượng âm thanh trong ghi hình phỏng vấn, phát biểu.

Image

Khi "nhà đài" phỏng vấn "nhà đài": TS Tạ Bích Loan – tổng đạo diễn chương trình truyền hình trực tiếp Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ VII tại Hà Nội - trả lời phỏng vấn phóng viên Đài Đồng Nai về ý tưởng lồng ghép nội dung Đại hội trong một chương trình truyền hình

Chất lượng âm thanh trong quá trình ghi hình này phụ thuộc vào nhiều yếu tố: thiết bị ghi hình (loại camera), bối cảnh ghi hình (tiếng động nền), cường độ âm lượng của người nói và cách xử lý microphone (gọi tắt là mic) của phóng viên. Thiết bị ghi hình chuyên dụng tất nhiên sẽ rất tiện lợi cho phóng viên trong tất cả các tình huống nhưng không phải lúc nào, đài nào cũng có đầy đủ các loại camera chuyên dụng để tác nghiệp. Hoặc ngay cả khi có đầy đủ phương tiện nhưng trong một số trường hợp tác nghiệp đặc biệt như đi nước ngoài, đi điều tra, đi tường thuật các vụ lũ lụt… việc phóng viên sử dụng các loại thiết bị ghi hình dân dụng, rẻ tiền vẫn tiện lợi hơn. Mà thực tế hiện nay, rất nhiều Đài truyền hình từ TW đến địa phương vẫn còn đang sử dụng các dòng máy dân dụng và các loại camera DV trong tác nghiệp các nội dung thông tấn. Sự xuất hiện các loại mic trên khung hình từ Đài TW đến Đài địa phương vì thế cũng khá đa dạng.

Yếu tố bối cảnh tất nhiên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng âm thanh: ghi hình trong một nhà máy, ghi hình trong một cơn bão khác với ghi hình trong một căn phòng làm việc của giám đốc (nếu tắt máy máy lạnh). Nhưng, âm thanh nền (background sound) trong phát thanh – truyền hình cũng là một loại thông tin ngoài hình ảnh và lời bình nên việc làm chủ các nguồn âm thanh cần thu (trong đó âm thanh của đối tượng được phỏng vấn là quan trọng nhất) là việc mà phóng viên phải làm.

Image

Khi xem nhiều chương trình hiện nay, chúng tôi nhận thấy, cách cầm chiếc mic của nhiều phóng viên chứng tỏ họ chưa hiểu biết thực sự về đặc tính kỹ thuật của các loại thiết bị mà họ đang sử dụng.

Phổ biến là trường hợp nhiều nhóm phóng viên muốn cho khung hình đẹp nên để mic xa khỏi nguồn âm thanh của đối tượng được phỏng vấn. Đối với các loại camera chuyên dụng như Betacam (của SONY) thì mic đi kèm với nó có búp hướng rất lớn. Mic có thể để xa trong phạm vi hơn một mét và không cần di chuyển mic trong các nhịp hỏi đáp vẫn có thể thu âm thanh tốt (trong một số điều kiện lý tưởng) nhưng đối với các loại mic dùng cho các dòng máy phổ thông hiện nay (mà dân chuyên môn gọi đùa là mic karaoke), búp hướng nhỏ hơn nhiều. Nếu mic để xa hơn miệng của người phát biểu 40 cm thì chất lượng âm thanh sẽ rất kém. Có trường hợp bị âm thanh nền làm hỏng cả nội dung phát biểu.

Image

Với phóng viên truyền hình, việc phỏng vấn những nhân vật nổi tiếng, VIP trong những tình huống, sự kiện đặc biệt thường khó khăn hơn so với các đồng nghiệp báo in vì sau khi được sự đồng ý, phóng viên phải tác nghiệp thật tốt để có khung hình và âm thanh chuẩn nhất. VIP không có thời giờ để phóng viên chọn bối cảnh, phông ghi hình (background) và thế đặt camera…

Có thể dùng một so sánh vui như sau: Khi chúng ta ngồi trên một chiếc xe buýt cũ kỹ và nói chuyện với tài xế lúc xe đang chạy. Tai chúng ta sẽ hướng về cuộc nói chuyện (listen to) và “quên” đi tiếng động cơ của xe buýt, kể cả tiếng còi và tiếng xe cộ chạy ngoài đường. Nhưng nếu chúng ta ghi âm cuộc trò chuyện ấy đồng thời, thì mic nó… sẽ không khôn ngoan như thế, nó thu tất cả cái gì nó nghe được (hear). Những trường hợp phỏng vấn các VIP ngay trên chuyên cơ cũng thế. Để chất lượng âm thanh phỏng vấn tốt thì mic càng gần miệng người phát biểu mới hạn chế âm thanh nền.

Image

Micro không có túi lọc ồn và để hơi xa nguồn âm thanh so với búp hướng loại mic này. Trường hợp này nếu âm thanh hiện trường ồn thì chất lượng sẽ rất kém. Với phát thanh hầu như không dùng được, truyền hình do đặc trưng có hình ảnh, người ta vẫn nghe được lời nói nhưng chất lượng âm thanh như thế thường khó chấp nhận được

Các loại mic chuyên dụng có ghi rõ đặc điểm của búp hướng (đẳng hướng hay định hướng) và phóng viên cần phải biết để khai thác tốt trong tác nghiệp. Do dung lượng bài viết, chúng tôi không thể thống kê ra đây và tư liệu kỹ thuật về các loại mic rất phong phú, có thể tìm trên internet thông tin về loại mic mình đang sử dụng (nếu có thời gian tôi sẽ giới thiệu tính năng của một số loại mic thông dụng hiện nay trên một entry khác).

Một chi tiết khác trong khi sử dụng các loại mic không chuyên dụng là việc xử lý các jack cắm. Các loại mic được sử dụng hiện nay trong thực tiễn tác nghiệp phát thanh truyền hình có khá nhiều loại jack nối (canon, hoa sen, 6 ly, 3 ly…). Làm thế nào để tránh di lệch các jack nối trong quá trình ghi âm là một yêu cầu quan trọng trong ghi hình phỏng vấn, phát biểu. Những phóng viên giàu kinh nghiệm thường cuộn vòng dây mic vào tay khi cầm để tránh tình trạng xộc xệch, “lục đục” của mic khi tác nghiệp.

Trong một số trường hợp ghi hình phát biểu, phỏng vấn, nhiều phóng viên trẻ rất ít chú ý các nguồn âm thanh mà tai mình tưởng chừng không nghe thấy nhưng tạo nên tiếng động rất lớn, đó là tiếng máy quạt, máy lạnh, tiếng gió. Biết cách cầm mic - hiểu theo nghĩa rộng - cũng là biết cách xử lý những trường hợp đặc biệt này. Bạn phải biết đứng ở vị trí hợp lý tại hiện trường để tránh tối đa tiếng gió rít vào mic của mình và khi cần, phải dùng túi lọc ồn cho mic.

Trừ những trường hợp tác nghiệp thời sự gấp gáp và căng thẳng, trước khi ghi hình có thu tiếng (phỏng vấn, phát biểu), phóng viên nên dùng head phone và xem đồng hồ âm lượng (volume unit) để kiểm tra tín hiệu âm thanh thu vào trước đó.

Chỉ cần làm chủ được tính năng thiết bị thì chất lượng âm thanh của hầu hết quá trình phỏng vấn, ghi hình phát biểu sẽ bảo đảm.

Khác với phóng viên báo in khi tác nghiệp cần ghi âm như một dạng tư liệu, phóng viên phát thanh – truyền hình cần ghi âm để phát sóng. Vì thế chất lượng âm thanh cần phải được chú trọng. Để bảo đảm chất lượng âm thanh, một trong những điều mà nhà báo phát thanh – truyền hình phải biết là tính năng mic của mình đang sử dụng. Xin nói thêm: ngay trong các dòng máy ghi âm kỹ thuật số hay ghi băng có mic gắn trong máy, tính năng của mic cũng được chỉ thị rõ.

Image

Phóng viên Đình Hưng (Đài PTTH Đồng Nai) phỏng vấn TBT báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế. Nếu để ý sẽ thấy anh phóng viên này đang tác nghiệp "2 trong 1": lo ghi âm cho phát thanh và ghi hình tiếng cho truyền hình. Hai chiếc mic này thường không đồng bộ nhau về búp hướng và có khả năng gây nên tiếng động rất lớn khi cọ vào nhau nếu người nói nói dài, phóng viên mỏi tay. Bạn thử cầm một vật nặng tương đương và đưa về phía trước như thế trong vòng 2 phút sẽ cảm được điều này...

Chiếc mic là vật dụng khá quen thuộc với phóng viên phát thanh truyền hình, nhưng để hiểu về nó cũng cần có một sự lưu tâm nhất định. Và đó là chuyện nghề. Có người làm nghề hàng chục năm nhưng không để ý nên có khi chưa hiểu hết những điều đơn giản ấy. Ngay cả khi chúng ta đang sử dụng các thiết bị chuyên dụng, cũng nên tìm hiểu thêm điều này, vì biết đâu sẽ có lúc, trong những tình huống cụ thể, chúng ta buộc phải mượn một thiết bị… đám cưới hay máy di động để làm nghề.

---------------------------------

Ảnh sử dụng trong entry này của nhà báo KIM TUẤN (Báo Đồng Nai), nhà báo Huỳnh Kim Ngọc (Đài PTTH Đồng Nai) và cắt từ video clip của Hồng Việt.



Viết thêm một chút:

Tối nay (6/10) chương trình thời sự 19 giờ của VTV có phóng sự về lũ quét ở huyện Quế Phong tỉnh Nghệ An. Coi phóng sự này tôi thấy phóng viên Phạm Kiên đã phạm lỗi cầm micro. Đoạn băng anh đọc tại hiện trường và đoạn phỏng vấn ông bí thư huyện Quế Phong do mic để quá xa và không tính âm thanh nền nên rất khó nghe. Bình thường những đoạn hình tiếng này không thể sử dụng, nhưng chắc do đây là một phóng sự đặc biệt. Tôi muốn tìm trên web đoạn phóng sự ấy để đưa vào đây làm ví dụ cho sinh động nhưng chưa biết có website nào lưu video các chương trình thời sự? Hy vọng ngày mai sẽ tìm được.

Nhãn:

12 Nhận xét:

Anonymous CÙ HUYỀN nói...

Nhìn hai tấm hình đầu, có thể suy ra là cả hai mic đều đã vào hàng lão làng, nên "rắc" không còn ngon. VÌ thề hai phóng viên phải định vị "rắc" bằng cách cuốn một đoạn dây (nếu không âm thanh thu sẽ "rột rẹt" đã lỗ tai luôn). Có phải không ông xã? Cái này mình cũng bị hoài. Không đẹp khuôn hình nhưng mà an toàn về mặt âm thanh.

lúc 01:52 25 tháng 9, 2007  
Anonymous CÙ HUYỀN nói...

Hình 5: Thật ra âm thanh thu trong trường hợp này cũng có thể sử dụng tốt nếu nền không quá lớn. Hơn nữa, các cụ thường cũng "sung" lắm, nên không lo về âm lượng chính. Nhưng nhìn chung là "mic không có lọc" là lỗi thời rồi!

lúc 02:02 25 tháng 9, 2007  
Anonymous CÙ HUYỀN nói...

Ù! mà hình như cái loại mic ấy, "đập hộp" là có lọc chứ nhỉ? Chắc dùng lâu quá nên áo bị rách nát rồi thì phải!

lúc 02:04 25 tháng 9, 2007  
Anonymous PHUONG NGA™ nói...

Bài này đăng tạp chí Nghề báo là hoàn toàn ok đấy anh, rất bổ ích!

lúc 19:23 25 tháng 9, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ TKO: Cái này món anh có quan tâm nên biết chút chút. Cám ơn em.
@ Người Biên Hòa: Bác nói chí phải, nghề nào cũng học. Gần đây, tôi may mắn gần gũi đại ca Duy Thiện mới biết thêm, bưng bê cà phê còn phải được đào tạo rất kỹ mới làm ăn được chớ không dễ như mình nghĩ tí nào.
@ Nga: Hihi... Bài nay anh viết cho NGhề Báo. HÔm nay báo ra nên anh mới post lên cho đầy blog thôi.

lúc 21:09 25 tháng 9, 2007  
Anonymous Diem xua nói...

Hiếm khi được cầm MIC ngọai trừ đi hát Karaoke, mà cũng phải "tranh giành" dữ lắm mới được, hiii! Chắc hôm nào phải chụp lại tấm hình đang hát karaoke cho anh Tú xem giúp coi D có bít cầm MIC đúng chuẩn hông nghe, hiii!

lúc 02:40 26 tháng 9, 2007  
Anonymous Hiền Đan nói...

Blog của bác thật là bổ ích... thanks bác nhiều.

lúc 02:43 26 tháng 9, 2007  
Anonymous Boong Boong nói...

Hai tấm hình trên cùng có một điểm chung là: cả hai PV Đài ĐN đều phải cuốn một đoạn dây rồi cầm chung với Mic... ^_^

lúc 03:16 26 tháng 9, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Diễm: Cầm mic karaoke điều cần chú ý là đừng cho nó hướng vào loa. Vì khi đó tín hiệu âm thanh của mình hát từ loa sẽ dội vào mic tạo ra tiếng hú. Dân kỹ thuật gọi hiện tượng này là hiệu ứng "last send". Nói thế thôi chứ các phòng karaoke hiện đại họ bố trí loa khoa học và dùng mic không dây rất chuẩn.
@ Dan Trang: Cũng là chia sẻ chuyện nghề một tí thôi.
@ Boong Boong: Em nhận xét đúng rồi. Với những loại mic điện động, được nối 2 thành phần, nên vòng dây để tránh di lệch khi mình dịch chuyển mic trong quá trình phỏng vấn.
@ Bà xã: HÌnh ảnh không diễn đạt được tình huống cụ thể. Nó cũng chỉ minh họa tương đối thôi.

lúc 04:56 26 tháng 9, 2007  
Anonymous TKO nói...

"Chất lượng âm thanh trong ghi hình phỏng vấn, phát biểu" được anh Tú phân tích kỹ quá hè!
Trả lời comment PV cũng rất chi là prồ.

lúc 05:19 26 tháng 9, 2007  
Anonymous NGUOI BIEN HOA nói...

Tôi thích nhất bác ở cái đoạn kết. Và có thể hiểu rộng hơn: nhiều nhà báo bây giờ hay tự hào về tuổi nghề nhưng thực ra “nghề” nhiều khi ở những chuyện nhỏ như thế. Tôi dám chắc với bác hiện nay 80% (hoặc hơn) nhà báo của báo in không biết về công nghệ in và quy trình in tờ báo của mình. Tất nhiên chuyện biết thì vô chừng và có những cái cũng không cần thiết phải biết chi tiết. Nhưng xin đừng lớn giọng chứng tỏ mình là nhà báo có “nghề”! Bởi nghề nào nó cũng đầy những chuyện nghề như thế…

lúc 05:29 26 tháng 9, 2007  
Anonymous TORO nói...

Bài này của bác rất thiết thực, nhất là cho những người làm báo nói, báo hình.

lúc 02:51 28 tháng 9, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ