Thứ Tư, 12 tháng 9, 2007

RADIO INTERVIEW IN THE MOBILE ERA




PHỎNG VẤN PHÁT THANH THỜI DI ĐỘNG

So với truyền hình và báo in, phát thanh có thể mạnh trong việc thực hiện một cuộc phỏng vấn những nhân vật quan trọng cách xa hàng ngàn cây số mà giọng nói, nội dung trả lời phỏng vấn ấy nhiều khi hay hơn nhiều những cuộc phỏng vấn ghi âm theo cách làm bình thường.

Image

Trả lời phỏng vấn trên xe

Nếu theo dõi các Đài phát thanh nước ngoài có kênh phát tiếng Việt như BBC, VOA, RFA, sẽ thấy họ tận dụng hầu như thường xuyên các hình thức phỏng vấn qua điện thoại với những nhân vật có liên quan để làm chương trình khi có sự kiện lớn xảy ra trong nước. Với mạng điện thoại di động, giờ đây, người làm phát thanh có thể dễ dàng tổ chức những cuộc tọa đàm (talk show) về các vấn đề lớn với nhiều người cùng tham gia. Những vị “khách mời” của chương trình phát thanh này có thể cách xa nửa vòng trái đất vẫn đàm luận với nhau trong cùng một thời điểm dễ dàng.

Tính chất thời sự của nội dung phỏng vấn, hình thức âm thanh của điện thoại tạo được không gian về đối tượng được phỏng vấn (giữa âm thanh phòng thu và âm thanh điện thoại xen kẽ nhau tạo nên hiệu ứng đặc biệt trong quá trình tiếp nhận thông tin qua thính giác) v.v… Và đó là thế mạnh của hình thức phỏng vấn này.

Người được phỏng vấn, người được mời tham gia tọa đàm có thể trả lời trong lúc đi trên xe, đang trong một cuộc họp, đang làm việc ở nhà, thậm chí đang trên giường ngủ v.v…

Người được phỏng vấn không bị cảm giác mất tự tin như khi có phóng viên “dí” micro trước mặt nên lời nói thường thoải mái, ngữ điệu thanh thoát hơn nhiều cuộc phỏng vấn phát thanh bình thường khác.

Ở Việt Nam, các Đài phát thanh đã tận dụng hình thức làm phỏng vấn như thế này. Và tất nhiên, không nhất thiết đây phải là một cuộc phỏng vấn trực tiếp (live) trên sóng khi cần sự an toàn về nội dung và kỹ thuật. Nhưng một điều có tính nguyên tắc là khi đưa lên sóng cuộc phỏng vấn qua điện thoại ấy, “nhà Đài” phải cho thính giả biết rõ thời điểm thực hiện phỏng vấn! (Chúng tôi “đang” hay “vừa thực hiện cuộc phỏng vấn này cách đây ít phút chẳng hạn)

Image

Trong ảnh: Phỏng vấn chuyên gia trong chương trình đào tạo kinh doanh trên sóng phát thanh (có nối điện thoại cho một chuyên gia khác tại TPHCM và các thính giả gọi đến) ở Đài PTTH Trà Vinh

Phỏng vấn tay ba, tay tư

Khảo sát nhiều chương trình ở các Đài PTTH tỉnh có sự hỗ trợ của dự án SIDA 10 năm qua cho thấy hình thức phỏng vấn qua điện thoại được ứng dụng rất tốt với trong nhiều loại chương trình định kỳ (như chương trình chuyên đề, chương trình khoa giáo, chương trình thiếu nhi, chương trình âm nhạc…), đặc biệt đối với các Đài ở xa những trung tâm kinh tế - văn hóa lớn (vì khó mời các chuyên gia về phòng thu).

Chương trình đào tạo kinh doanh trên sóng phát thanh (do Tổ chức Lao động quốc tế, VCCI tài trợ) của các Đài PTTH Lâm Đồng, Bình Thuận, Phú Yên, Bình Phước, Trà Vinh trong những năm qua đều sử dụng hình thức phỏng vấn trực tiếp với khách mời là giảng viên ở thành phố Hồ Chí Minh qua điện thoại. Các chương trình dạy học này được thực hiện dưới hình thức phỏng vấn trực tiếp khoảng 30 phút mỗi chương trình, rất an toàn và hấp dẫn.

Điều đặc biệt là nhờ một bàn mix có nhiều đường line điện thoại vào, thính giả phát thanh có thể gọi điện thoại tới chương trình để hỏi trực tiếp các khách mời ở xa Đài nhưng đang tham gia chương trình.

Image

Một chuyên gia về phát thanh cho biết thêm: “Phỏng vấn từ phòng thu qua điện thoại là thế mạnh của phát thanh, nhưng cần biết chọn lựa thời điểm và đối tượng được phỏng vấn, không lạm dụng hình thức này và biết khai thác hiệu quả tính chất trực tiếp của tín hiệu điện thoại thì mới có cuộc phỏng vấn hay…”

Phỏng vấn nóng từ hiện trường

Một vụ cháy, một vụ tại nạn giao thông, một phiên toà… trong phần tường thuật của phóng viên phát thanh, chúng ta còn thấy có những cuộc phỏng vấn nóng với các chuyên gia, những người có trách nhiệm v.v… được thực hiện trực tiếp từ hiện trường về Đài qua điện thoại để đến với thính giả.

Đã có nhiều Đài phát thanh đã biết khéo léo kết hợp phỏng vấn từ hiện trường và phỏng vấn thêm từ phòng thu (do người dẫn chương trình từ phòng thu xen vào thì) tạo hiệu quả trực tiếp rất cao. Người dẫn chương trình trong phòng thu đôi khi xen ngang cuộc phỏng vấn của phóng viên từ hiện trường để tạo điểm nhấn về nội dung và hình thức cho cuộc phỏng vấn.

Hình thức phỏng vấn từ hiện trường đưa về qua điện thoại tạo ra cơ hội để chương trình liên tục đưa khán giả đi từ không gian sự kiện này qua nhiều không gian sự kiện khác. Nhiều Đài phát thanh ở miền Nam đã khai thác hình thức này trong nhiều hình thức chương trình rất sinh động, ví dụ: làm cầu phát thanh trong các đêm giao thừa hoặc trong các chương trình chuyên đề định kỳ…

Còn có khá nhiều hình thức ứng dụng điện thoại nói chung, di động nói riêng vào việc sản xuất chương trình phát thanh. Và đó là chưa nói đến việc thính giả dùng điện thoại để tham gia chương trình từ yêu cầu ca nhạc cho đến nhờ giải đáp thắc mắc các loại. Công nghệ viễn thông phát triển đã cho phép những nhà báo radio Việt Nam có nhiều cơ hội vận dụng sáng tạo mà bài viết này không thể kể hết.

Nhãn:

7 Nhận xét:

Anonymous ĐÍCH TÔN nói...

TRuyền hình nước ngoài cũng phỏng vấn hiện trường bằng điện thoại dữ lắm chú à vì không phải chỗ nào cũng mang kịp thiết bị truyền tín hiệu qua vệ tinh. Và họ dùng điện thoại để đưa tin, phỏng vấn từ những nước chiến tranh như Iraq, Afganistan

lúc 22:22 13 tháng 9, 2007  
Anonymous La witch nói...

Hay wá, có phỏng dzấn trên zường ngủ nữa! Nhưng tiếc là chỉ thu tiếng chứ hong thu hình, uổng ghê. :)))

lúc 23:00 13 tháng 9, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ La Witch: Phát thanh nó đặc biệt như thế đó. Thính giả có thể vừa ở trên giường làm chuyện... riêng, vừa thưởng thức báo chí phát thanh. Đó ai vừa coi truyền hình hoặc đóc báo in mà vừa nhắm mắt được?

lúc 23:20 13 tháng 9, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ La Witch: Có điều cái đặc trưng này của phát thanh không được đưa vào giáo trình trong các trường báo chí!

lúc 23:23 13 tháng 9, 2007  
Anonymous Diem xua nói...

Chưa được phỏng vấn bao giờ, hổng biết có bị run hông. Hôm nào thử trả lời phỏng vấn từ hiện trường, ví dụ như khi vừa đăng quang cuộc thi hoa hậu blog của anh Tú chẳng hạn, hiii!

lúc 03:17 14 tháng 9, 2007  
Anonymous Hoàng Trọng Thư nói...

RFI là đài nào vậy anh? (RFA?)

lúc 00:00 15 tháng 9, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Diễm Xưa: Thích được trả lời phỏng vấn cho biết cảm giác hay thích được đăng quang hoa hậu blog? Chắc cả hai. Chúc Diễm thành công!
@ HOàng Trọng Thư: Lỗi đánh máy. Cám ơn nhé! Đã sửa.

lúc 00:16 15 tháng 9, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ