Thứ Ba, 4 tháng 9, 2007

NEWYEAR’S EVE TV BRIDGE




NHỮNG NGƯỜI KHÔNG CÓ GIAO THỪA

Khi chương trình vừa xuống sóng, cả nhóm reo lên và ôm chầm lấy nhau. Khoảnh khắc giao thừa vừa điểm chừng 5 phút, những lời chúc mừng năm mới lại rộ lên. Di động bật trở lại và tin nhắn đổ xuống ào ào. Hạnh phúc chào đón năm mới cùng với hạnh phúc của một chương trình thành công làm ai nấy ngất ngây, quên đi những chuyện bực dọc cách đó vài giờ…

Hai tuần chuẩn bị kịch bản

Kịch bản cầu truyền hình giao thừa 2005 của ĐN-RTV được giao cho một nhóm biên tập giỏi thực hiện gồm 3 chủ đề nối nhau, theo cấu trúc quá khứ - hiện tại – tương lai: 1. “Từ mùa xuân đại thắng”; 2. “Tết đến trên những mái ấm Việt”; 3. “Đường ra biển lớn” kéo dài từ 20 giờ đến đúng giờ giao thừa, sau đó tiếp sóng bài phát biểu chúc Tết của chủ tịch Nước và tiếp tục phát băng bản tin đầu tiên trong năm mới và các chương trình giải trí.

Do có kinh nghiệm nhiều năm làm cầu truyền hình giao thừa, nhóm kịch bản đã tính toán khá kỹ các phương án khi so sánh các khung giờ theo thói quen thưởng thức truyền hình của khán giả vào những giờ phút thiêng liêng cuối năm. Níu kéo được khán giả theo dõi cầu truyền hình của mình trong những giờ phút này rất khó (vì đây là thời điểm mà các đài truyền hình xây dựng những chương trình hay nhất của mình để phát sóng). Vì thế, làm thế nào để nội dung cầu truyền hình dài hơn 4 giờ đồng hồ phải có chiều sâu và phải hấp dẫn. Có chính luận truyền hình, có giải trí, có sự kiện trực tiếp, có nội dung chuẩn bị trước thật hay. Nhẹ nhàng, hấp dẫn nhưng không chỉ có văn nghệ. Bàn cãi cho kịch bản trong rất nhiều buổi họp vì nhiều phương án khách mời bị phá sản do họ từ chối tham gia vào thời điểm quá đặc biệt này hoặc có những thay đổi do địa điểm thực hiện ngoài hiện trường không đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật. Vì thế các cụm chủ đề trong kịch bản đều phải có nhiều phương án dự phòng để có thể thay đổi vào phút chót

Và những ngày thử sóng

Image

Điểm đầu cầu tại phim trường chính. Trong ảnh: "tua" khách mời là AHLLVT, đại tá Nguyễn Thành Trung, á hậu Trịnh Trân Chân. Trên màn ảnh nhỏ: TS Huỳnh Văn Tới tại một đầu cầu khác ở vùng căn cứ cách mạng...

Đầu cầu từ phim trường chính thì không lo chuyện tín hiệu, nhưng các điểm cầu: Lễ cúng giao thừa ở nhà một người dân miền đất ven sông huyện Vĩnh Cửu; Đầu cầu ở vùng chiến khu xưa; ở nhà người mẹ từng đã may lá cờ cho chiến sĩ Bùi Quang Thận cắm trên Dinh Độc Lập 1975; đầu cầu Khu công nghiệp Nhơn Trạch, và một xe truyền hình lưu động (xem hình) chạy theo 4 điểm dự kiến trong kịch bản: chợ hoa đêm cuối năm; các đồng chí lãnh đạo tỉnh đốt nhang ở Văn Miếu Trấn Biên, các đồng chí lãnh đạo đi thăm một bà mẹ Việt Nam anh hùng và cuối cùng, điểm bắn pháo hoa ở bờ sông Đồng Nai. Xin nói thêm: xe truyền hình lưu động này sử dụng viba kỹ thuật số của công ty TQT, trong phạm vi bán kính 30 km, tín hiệu có thể truyền về Đài tốt. Nói chung, khâu kỹ thuật là khâu lo lắng nhất vì Đài Đồng Nai không đủ thiết bị. Các nội dung từ xe truyền hình lưu động có viba số này đều sử dụng 1 camera nên phóng viên quay phim phải bấm cò liên tục và đạo diễn ở phim trường chính phải biết phối hợp ăn ý khi chuyển source tín hiệu để phóng viên quay phim ở ngoài hiện trường thay đổi góc máy hợp lý. Một số điểm cầu cố định, Đài Đồng Nai phải mượn thêm xe truyền hình lưu động của Đài TP HCM (HTV) và Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP HCM. Một điểm kỹ thuật khác nếu không nói ra thì khán giả không biết đó là, tại phim trường Đài, có đến 2 không gian để giả lập 2 phim trường, do 2 MC khác nhau dẫn với phông sân khấu khác nhau nhưng chỉ một kíp quay phim 3 người xử lý tín hiệu. Khi xem trên màn ảnh nhỏ, khán giả ngỡ rằng đài đang thực hiện chương trình từ 2 trường quay khác nhau nhưng thực tế chỉ có 1 phim trường với 2 sân khấu đối diện nhau, trang trí phông màn, bục bệ, bàn ghế khác nhau cho 2 chủ đề khác nhau…

Mối lo lớn của ê-kíp thực hiện chương trình là vấn đề truyền tín hiệu, các mối nối trong kịch bản và sự liên lạc. Nhóm đạo diễn phải sử dụng các loại phương tiện cho các điểm cầu: từ bộ đàm, di động, điện thoại bàn… Sau lần chạy thử chương trình đêm 28 Tết, toàn bộ ê-kíp về họp rút kinh nghiệm ngay và bàn các biện pháp xử lý những sự cố. Đêm 29, lại chạy tiếp chương trình một lần nữa ở một số khâu còn chưa an tâm.

Đêm nghẹt thở

Khi mọi người náo nức chuẩn bị cho đêm cuối năm, không khí Tết tràn ngập trên từng góc phố, thôn làng thì tất cả cán bộ công nhân viên Đài được huy động gần hết để ra quân từ 1 giờ chiều. Các ê-kíp đi điểm cầu xa ở vùng căn cứ, vùng sâu lên xe di chuyển phương tiện, thiết bị để set up sớm. Bữa ăn tối của anh em ở các đầu cầu là bánh mì, cơm hộp được phòng hành chính chuẩn bị.

Các nhóm làm ở khu vực gần thì tập trung vào lúc 15 giờ chiều, kiểm tra thiết bị, các vấn đề liên quan.

Nhóm biên tập - đạo diễn chương trình rà soát lại các mối nối, xác nhận lại khách mời. Những khách mời đều được giao cho một số nhân viên đi đón và lo tiếp khi họ đến. Có những nghệ sĩ biểu diễn do bận “chạy xô” đêm giao thừa thì họ sẽ chủ động đến Đài, người phụ trách phải liên lạc thường xuyên để báo cho đạo diễn.

18 giờ nhóm kỹ thuật báo đã có tín hiệu từ các đầu cầu Long Khánh, Nhơn Trạch, chất lượng tốt. 19 giờ 30, đại tá Nguyễn Thành Trung – người ném bom Dinh Độc Lập 1975 – báo là sẽ xuống trễ vì kẹt xe. Hơi lo lo. Điện thoại cho nhóm đi đón các tướng lĩnh quân đội. Đang trên đường về. Mừng một tí.

19 giờ 45, ê-kíp thực hiện tại phim trường đã sẵn sàng. Các MC đã thử tín hiệu. Đạo diễn hình đã kiểm tra âm thanh và tín hiệu ở các đầu cầu. Đúng 20 giờ, lên sóng!

Theo kịch bản thì ngay những phút đầu, MC ở phim trường chính sẽ giới thiệu các đầu cầu và các MC ở đầu cầu sẽ chào khán giả. Nhưng ngay phút đầu, xe truyền hình viba số bị lỗi tín hiệu nên buộc phải quyết định giới thiệu sau.

Những lúc tín hiệu của một đầu cầu có vấn đề, đạo diễn hình sẽ chọn tín hiệu của một camera đặt trên nóc trụ sở khối Nhà nước tỉnh để nhìn toàn cảnh Biên Hòa, MC đầu cầu chính tại phim trường sẽ thuyết minh thêm.

Không gian cầu truyền hình liên tục được chuyển từ phim trường đến các nơi theo kịch bản, vấn đề rắc rối xảy ra khi một đầu cầu có vị khách nói quá lố giờ nhưng MC đầu cầu này không đủ bản lĩnh để cất. Vì thế, một đầu cầu khác có vị khách (là một đồng chí lãnh đạo) chờ quá giờ nên phải về vì bận công tác. Tình huống ấy được báo về và nhóm đạo diễn nội dung thông báo ngay phương án xử lý.

Có những trường hợp 2 hôm đầu thử sóng ở vị trí chợ hoa rất tốt nhưng ngay trong đêm 30, do nhiều hoạt động khác diễn ra, tín hiệu tại địa điểm đã chọn bị nhiễu rất xấu, nhóm thực hiện tại đây đã nhanh chóng tìm một địa điểm khác và thay đổi nội dung cho phù hợp. Điện báo về. Tổng đạo diễn OK.

21 giờ 30, ca sĩ Phương Thảo – Ngọc Lễ (vốn là người Đồng Nai cũ) chưa đến. Trong kịch bản có tình huống cho ca sĩ Ngọc Lễ gặp lại người thầy cũ của mình là nhà giáo ưu tú Đỗ Văn Ban (hiệu trưởng trường THPT Tân Phú) một cách bất ngờ, bí mật. Thầy Ban lên Đài rất sớm, chờ. Còn vợ chồng 2 ca sĩ này đến quá trễ nên phần này đành “đôn” xuống. Các nội dung khác đẩy lên làm các ê kíp khác la om sòm.

Đã xảy ra chuyện bực bội cãi nhau vì một sự cố kỹ thuật. Nhưng cãi thì cãi, tất cả vẫn tập trung làm sao cho cầu truyền hình diễn ra trơn tru…

Và nó đã diễn ra thành công. Khi tín hiệu pháo hoa tung lên bầu trời các điểm cầu được phát xen kẽ trên sóng, chúng tôi nhìn nhau lặng người sau một đêm vất vả.

***

Khi vừa xuống sóng, cả nhóm reo lên và ôm chầm lấy nhau. Khoảnh khắc giao thừa vừa điểm chừng 5 phút, những lời chúc mừng năm mới lại rộ lên. Di động bật trở lại và tin nhắn đổ xuống ào ào. Hạnh phúc chào đón năm mới cùng với hạnh phúc của một chương trình thành công làm ai nấy ngất ngây, quên đi những chuyện bực dọc cách đó vài giờ… Nhiều năm qua, việc làm cầu truyền hình giao thừa mỗi năm có những sáng tạo riêng và kinh nghiệm nhiều hơn nên sự cố ít xảy ra và cảm xúc không mãnh liệt như vào năm 2005. Và chúng tôi thường ví mình như những người không có giao thừa vì năm nào cũng phải tự xông đất nhà mình sau 0 giờ ngày mồng một Tết.

Nhãn:

12 Nhận xét:

Anonymous HTGiap nói...

Chẳng chỉ nhà đài mới không có giao thừa đâu anh ạ. Từ khi em phụ trách tờ Bình Định online (2003), là chẳng có đêm giao thừa nào được ở nhà, vì phải cập nhật liên tục không khí đón giao thừa ở Bình Định cho bà con Bình Định xa quê hương và bạn đọc biết. Năm 2007 này chuyển qua làm tòa soạn báo in thì mới hết trực giao thừa.

lúc 20:28 5 tháng 9, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Boong: Lúc em làm thì mọi chuyện nó cũng suôn sẻ rồi và thiết bị nhiều rồi, không bị cảm giác leo lưng cọp nữa nên niềm vui như thời của anh chắc không bằng. Vả lại sau này các "cầu" cũng đơn điệu dần, và "nặng" quá!
@ Tuấn: Khổ mà vui. Anh nghĩ năm nay Đài phải tính lại. Làm "cầu" hoài anh thấy chẳng hiệu quả lắm đâu.
@ Bác Giáp: Ngày xưa mình đọc Bình Định online nhiều lắm do công việc (tìm tư liệu xây dựng ngân hàng đề thi của các games show) và cũng nhận xét tốc độ cập nhật của BĐO khá tốt.

lúc 22:05 5 tháng 9, 2007  
Anonymous Ly Khanh nói...

Đọc bài của anh mà cảm giác như mình là một trong những người thực hiện chương trình vậy: hồi hộp, lo lắng và hạnh phúc. Cám ơn các anh chị nhà Đài đã đem đến cho khán giả những chương trình giải trí hữu ích.

lúc 22:43 5 tháng 9, 2007  
Anonymous An Thảo nói...

Em thì em chả dám bình nhiều vì ngoại đạo. Nhưng em rất ủng hộ Bác viết nhiều về bếp núc nghề báo cho em kiếm tư liệu...

lúc 23:07 5 tháng 9, 2007  
Anonymous Cuong nhabaotudo nói...

vat va -vui ve
bao hinh kho hon bao viet.
chia xe!

lúc 23:49 5 tháng 9, 2007  
Anonymous Tịnh Tâm nói...

Chưa trung thu đã nhắc giao thừa. Thèm bánh Trung Thu hay thèm lì xì hả Tú?

lúc 23:51 5 tháng 9, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Khắc Khoải: Đúng là "chuyện bếp núc nghề báo" nhưng anh có ít vốn còm còm về mảng phát thanh - truyền hình thôi. Cây đa, cây đề trên blog nhiều lắm!
@ Anh Cường: Mỗi loại hình báo chí có cái vất vả riêng anh ạ! Không so sánh được đâu.
@ Anh Tịnh Tâm: Anh tinh quá. Cái này em viết theo đơn đặt hàng của VietnamNet trong chuỗi bài "một ngày" của họ.

lúc 01:21 6 tháng 9, 2007  
Anonymous HTGiap nói...

Hồi em nắm BĐO, đúng là cập nhật nhiều lắm bác ạ. Hồi đó, chỉ tính riêng trong hệ thống báo điện tử địa phương, mạng phân tích quốc tế Alexa xếp BĐO trên Hà Nội mới, chỉ thua mỗi SGGP. Còn Cần Thơ, Khánh Hòa, BR-VT... thì nằm ở phía sau xa lắc.

lúc 02:35 6 tháng 9, 2007  
Anonymous Boong Boong nói...

Hic...
Nhớ nghề...

lúc 04:48 6 tháng 9, 2007  
Anonymous tuanvetinh nói...

Kể cũng khổ hả anh. Năm này sang năm khác, dường như gần hết nhân viên cuả Đài không được đón Giao thừa với người nhà.

lúc 05:43 6 tháng 9, 2007  
Anonymous TKO nói...

Đã nhớ đến giao thừa, như vậy là anh Tú sắp Xuân rùi! Chúc mừng nhe anh!
Mà Xuân 30,40, 50, 60 hay 70 ạ?
Đừng mắng em nhen! Hihi!

lúc 00:39 7 tháng 9, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Bác Giáp: Mình cũng tìm hiểu về tần suất cập nhập của các báo online ở VN năm 2005 và đầu 2006 (có dùng cả Alexa cũng như những thống kê kỹ thuật về IP ở VN đối với các website tiêu biểu) và có biết nhiều thông tin về chuyện này.
@ TKO: Anh Tú U45. Nhưng vẫn gọi bằng anh nhé!
@ Khánh: Cám ơn em. NGhề nào cũng vất vả em ơi. Viết bài thì làm cho nó thi vị lên thế chứ năm nào phóng viên nào không được phân công làm cầu đều rất buồn!

lúc 01:57 7 tháng 9, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ