Thứ Hai, 3 tháng 9, 2007

THEORY & SKILL




HỌC VÀ HÀNH

Entry này chỉ là những mẩu chuyện rời rạc, nhặt từ các khóa học báo chí.

+ Khi dạy bài học về kỹ thuật sử dụng máy ghi âm, sau một hồi lý thuyết “các bước”… , một giảng viên đã “thị phạm” quy trình thu bằng máy cassette thông qua việc phỏng vấn một đại diện học viên… Đoạn băng phỏng vấn ấy, sau đó, được tua lại và phát ngay nhưng nội dung không phải là âm thanh cuộc trao đổi giả định vừa làm, mà, sau những tiếng rột rà rột rẹt, bỗng vút lên giọng ca của Quang Linh: “Cũng đành xin làm người hát rong…”. Bất ngờ vài giây, cả lớp cười rần, giảng viên hơi sượng một chút rồi giải thích: cái máy này đầu xóa không xóa sạch, mà hôm nay tôi lại mang lộn cái băng nhạc!

Trong thực tế làm nghề của phóng viên, chuyện ghi âm… không có tiếng là những “tai nạn nghề nghiệp” mà dân phát thanh – truyền hình được dạy từ khi mới bước vào nghề! Nhưng có một điều đáng nói là “tai nạn” chỉ có thể xảy ra do những lý do như: hết pin, hết băng, máy bị hư do rớt xuống nước chẳng hạn… và trong những trường hợp đó thì phóng viên ý thức phải xử lý như thế nào chứ ít khi để thu rồi mới biết là thu không có tiếng! Kiểm tra tín hiệu có ghi vào được hay không trong quá trình ghi âm cho các loại máy là việc bình thường

+ Một cô giáo dạy về thể loại báo chí truyền hình, cô nói khá sâu về đặc trưng các thể loại… có một học viên đặt câu hỏi:

- Thưa cô, vậy “cầu truyền hình”, “trò chơi truyền hình”, “live show ca nhạc” thuộc thể loại nào, xếp vào nhóm thể loại nào? Nếu theo tiêu chí nhận diện thể loại của cô thì chương trình “Người đương thời” của VTV thuộc thể loại phỏng vấn hay “người tốt việc tốt” (“người tốt việc tốt” là tên một thể loại cô đã dạy lý thuyết trước đó)?

Cô giáo đề nghị “các anh chị thử thảo luận xem”.

+ Một giảng viên dạy mô hình làm kịch bản phân cảnh cho các tác phẩm truyền hình và nói rằng đây là yêu cầu có tính nguyên tắc: trước khi ghi hình phải có kịch bản và kịch bản phải được duyệt. Nhiều học viên là những người làm truyền hình lâu năm nhìn nhau như tự hỏi: Hình như đây là yêu cầu có tính chất nguyên tắc của… điện ảnh? Còn nhiều hoạt động truyền hình là hoạt động thông tấn báo chí, khi có một sự kiện thời sự, ví dụ, vụ tàu lật ở Lăng Cô, những phóng viên làm bản tin đó mà chờ phải làm cho đủ một kịch bản phân cảnh để lãnh đạo duyệt rồi tới hiện trường thì chắc người ta đã thông đường cho tàu qua rồi! Đó là chưa nói làm sao có thể “tưởng tượng” ra như điện ảnh để làm kịch bản. Tất nhiên, trong thực tế, rất nhiều chương trình cần làm kịch bản: như tường thuật một buổi lễ hội, sản xuất một phim tài liệu nhưng kịch bản chỉ có tính chất dự kiến tình huống thôi.

+ Khi dạy về trình bày báo, một giảng viên nói rất nhiều về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chọn cỡ chữ, kiểu chữ, độ rộng cột báo v.v… nghe rất thú vị nhưng đến phần thực hành dàn trang (layout) thì thầy lại chỉ ra những phương pháp vẽ tay và đếm chữ. Vài học viên (vốn là dân làm tòa soạn báo in) nhìn nhau lắc đầu: không lẽ thầy chưa biết công nghệ dàn trang, chế bản thời… vi tính! Việc đếm từ để canh diện tích trong trình bày báo, việc dàn cụ thể các cột báo hiện đều thực hiện được bằng những phần mềm khá phổ biến 15 năm qua!

Tất cả học viên đều ghi bài cẩn thận để sau đó thi hết môn.

Nhãn:

6 Nhận xét:

Anonymous TKO nói...

"Tất cả học viên đều ghi bài cẩn thận để sau đó thi hết môn!"
Em tưởng là về thực hành và truyền đạt lại cho đàn em chứ ạ, Thầy Tú ui!.

lúc 23:17 2 tháng 9, 2007  
Anonymous Tám nói...

Uh, ẩm thực là cảm nhận mà anh. Em cũng không phải là dân miền nam chính cống nhưng sinh ra ở bắc, gốc miền trung và sống ở miền nam, bởi vậy ẩm thực của em cũng là sự pha trộn. hihi

lúc 01:05 3 tháng 9, 2007  
Anonymous Hằng Đỗ nói...

Ui. Chuyện này có thể gây shock một số người. Nhưng mà không nói ra thì đố ai biết.
Tự hỏi: Không biết mình đã bao giờ tiến hành các "dẫn chứng" của Nhà báo Phan Tú ? Khéo làm rồi quên cũng nên.
Tớ lên lớp không được thành cong lăm sì phải. Vì chả thấy mọi người ghi đầy đủ gì cả. (Mẹo: Được phép sử dụng tài liệu khi làm bài thi. Hic!)

lúc 02:46 3 tháng 9, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Ms Hằng:
+ Dân báo chí lâu nay có cơ hội học từ khá nhiều nguồn: Học “có bằng” thì có đào tạo bậc sau đại học, đại học, cao đẳng, trung cấp... Học có chứng chỉ, chứng nhận thì có hàng loạt các lớp do dự án, do các Trung tâm đào tạo của Hội Nhà báo, của VTV, VOV, thậm chí các cơ quan báo chí tỉnh cũng có bộ phận đào tạo. Tất cả mẩu chuyện có thật này thu lượm từ nhiều nguồn. Thành thật xin lỗi nếu câu chuyện vô tình gây hiểu lầm cho những nhà giáo nghiêm túc.
+ Đi học mình vẫn thích làm bài thi với đề mở (và thường được sử dụng tài liệu) vì nó thử thách khả năng suy luận, sáng tạo. Đề thi mở nó đòi hỏi nhà giáo chấm bài cũng rất cực và bản lĩnh. Trong quá trình dạy và học, học viên ghi chép ít, thảo luận nhiều và ghi theo cách của chính họ những nội dung từ bài giảng là thầy thành công rồi. Vì chính quá trình đó, học viên sáng tạo lại, tiêu hóa tốt kiến thức để hiểu sâu và nhớ dai...

lúc 03:14 3 tháng 9, 2007  
Anonymous An Thảo nói...

Cám ơn Anh Tú nhiều quá. Em là dân ngoại đạo, lại trót kết cái món Xã hội học truyền thông đại chúng, đang làm một cái xinh xinh về ảnh hưởng từ nhà truyền thông tới thông điệp. Vớ được bài này thật khoái quá... Hôm nào cho em học hỏi thêm được không Anh? Chỉ sợ anh phiền thôi. Em Trân Trọng Cám Ơn!

lúc 03:52 3 tháng 9, 2007  
Anonymous HTGiap nói...

Hà hà, cái vụ đào tạo nghiệp vụ báo chí thì có nhiều chuyện cười ra nước mắt lắm bác ạ.

lúc 04:04 3 tháng 9, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ