Thứ Ba, 14 tháng 8, 2007

SOCIALIZATION OR PRIVATIZATION?




XÃ HỘI HÓA HAY LÀ TƯ NHÂN HÓA?

Chẳng cần gì phải điều tra, khảo sát cũng thấy rằng truyền hình nước ta hiện nay thừa kênh sóng, thiếu chương trình. Nhu cầu thông tin, giáo dục, thưởng thức, giải trí của khán giả truyền hình Việt Nam ngày càng tăng do đời sống kinh tế - văn hóa nâng cao hơn, do quá trình hội nhập ngày càng sâu sắc hơn và do công nghệ truyền thông phát triển như vũ bão.

Xã hội hóa: luồng sinh khí mới

Bài toán cho cuộc khủng hoảng thừa - thiếu này đã có lối ra từ thực tiễn nhiều năm qua và đã chính thức được Nhà nước “bật đèn xanh”: xã hội hóa sản xuất chương trình truyền hình. Nói cách khác, đây là quá trình thu hút các nguồn lực xã hội (tài lực, nhân lực) tham gia vào quá trình sản xuất các chương trình truyền hình để phục vụ nhân dân. Không ai phủ nhận được rằng chủ trương xã hội hóa những năm qua đã đem đến luồng sinh khí mới cho đời sống truyền hình cả nước, tạo ra cuộc cạnh tranh nâng cao chất lượng chương trình truyền hình.

Nhiều công ty truyền thông ra đời. Những cái tên giờ đây đã trở thành quen thuộc với khán giả truyền hình cả nước vì đã có nhiều đóng góp lớn cho sự phát triển hoạt động truyền hình cũng như nhu cầu xem truyền hình của công chúng. Hoàng Gia Media là một ví dụ, trong lúc nhiều công ty truyền thông đổ xô làm các chương trình “hot”, họ đã dám tổ chức sản xuất dạng chương trình chính luận truyền hình. “Làm giàu không khó?” là một nỗ lực cực lớn trong việc đưa các nội dung thông tin – tuyên truyền thông qua hình thức tọa đàm (talk show) kết hợp vói nhiều dạng thức truyền hình khác như quiz show, phóng sự trong một chương trình hấp dẫn không chỉ giới doanh nhân, sinh viên mà còn cả những người buôn bán lẻ, thậm chí nông dân. Từ thành công đó, họ lại tiếp tục làm trò chơi truyền hình dưới dạng các cuộc thi kiến thức về kinh doanh cho sinh viên mang tên “Đường tới thành công”. Lasta cũng là một công ty truyền thông đi tiên phong trong việc sản xuất phim truyền hình nhiều tập bằng công nghệ sitcom. Chất lượng phim truyền hình của Công ty này đã được báo chí bàn đến và đó không phải là vấn đề bài này nói tới. Nhưng nhìn ở khía cạnh xã hội hóa, họ đã thực sự dũng cảm bước vào sân chơi đầy thử thách (khi dám đầu tư lớn) về lĩnh vực sản xuất phim truyện truyền hình, trong lúc khán giả đang la ó về tình trạng phim Hàn, phim Trung Quốc tràn ngập màn ảnh nhỏ. BHD, GM Pro, Trí Việt, Đông Tây Promotion, Cát Tiên Sa, Đất Việt, Việt Ba… đã đầu tư lớn trong việc sản xuất hoặc phối hợp sản xuất với các Đài truyền hình các dạng chương trình giải trí như trò chơi truyền hình, ca nhạc, các dạng chương trình khoa học – giáo dục. Những “Ai là triệu phú”, “Tam sao thất bản”, “Vượt lên chính mình”, “Vượt qua thử thách”, “Đấu trường 100”, “Ai là ai?”, “Rung chuông vàng”, “Trúc Xanh”, “Chung sức” v.v… không chỉ là những sân chơi, những món ăn truyền hình hấp dẫn dành cho khán giả mà, đứng về góc độ truyền thông, họ đã góp phần nâng cao thị hiếu truyền hình, nâng cao tính tích cực chủ động của công chúng truyền hình. Và điều quan trọng là, chính những công ty truyền thông ấy đã góp phần nâng cao nghiệp vụ sản xuất chương trình khi “nhập” công nghệ sản xuất chương trình tiên tiến vào Việt Nam.

Khi một chủ trương bị lạm dụng

Có khá nhiều điều đáng quý, đáng nói về chủ trương xã hội hóa một phần hoạt động truyền hình, nhưng bên cạnh đó, chủ trương này cũng còn nhiều vướng mắc, và cũng bị lạm dụng.

Truyền hình ở Việt Nam là báo chí. Báo chí ở Việt Nam chịu sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Chúng ta không có truyền hình tư nhân. Vì thế, có một mâu thuẫn được đặt ra trong quá trình xã hội hóa là khi cho các đơn vị tư nhân tham gia hoạt động truyền hình, làm sao có thể định hướng nội dung? Và đã có người đặt ra câu hỏi: Xã hội hóa có phải là tư nhân hóa? Câu trả lời trên phương diện lý thuyết là KHÔNG. Nhưng trong thực tế, vướng mắc đã diễn ra.

Quyền phát sóng trong tay các Đài, nói cách khác, nội dung chương trình do các Đài kiểm soát, các công ty truyền thông phải đi thăng bằng giữa một bên là lợi ích doanh nghiệp, một bên là yêu cầu, là định hướng của Đài. Trong cuộc chơi này, các Đài mạnh luôn ở thế thượng phong, các doanh nghiệp phải tìm mọi cách để hợp tác thuận lợi. Các đài nhỏ thì vì áp lực doanh thu quảng cáo buộc phải để cho các công ty tư nhân thao túng. Chương trình truyền hình là một sản phẩm đặc biệt, nó phục vụ có đối tượng, có địa bàn, có thời điểm (Tất nhiên cũng có những dạng chương trình có thể phù hợp cho việc bán nhiều Đài, nhiều thời điểm như phim truyện chẳng hạn). Cho nên cuộc mua – bán sản phẩm truyền hình được sản xuất từ nguồn lực phi ngân sách cũng không dễ dàng, mà đó là quá trình cạnh tranh gay gắt.

Ở các Đài nhỏ, do vùng phủ sóng, do tỷ lệ người xem đài ít hơn, thị phần quảng cáo nhỏ hơn nên các công ty truyền thông lớn ít hợp tác. Nhưng quy luật cung – cầu, có cung ắt có cầu, hàng loạt các công ty truyền thông nhỏ ra đời. Họ sản xuất chương trình theo kiểu “truyền hình giá rẻ”. Và các đài địa phương do cần nguồn thu nên thường dễ dàng chấp nhận cuộc hợp tác vừa có thêm chương trình vừa có thêm kinh phí. Trên lý thuyết, các đài này cũng thẩm định, duyệt các chương trình do các công ty truyền thông nhỏ sản xuất, nhưng thực tế thì cái sự “duyệt” ấy chỉ là hình thức. Các công ty này do ít vốn nên không thể đầu tư hoành tráng và cũng mong muốn tăng rating chương trình bằng các hình thức chạy theo thị hiếu số đông. Các chiêu thức đánh vào nhóm đối tượng mua hàng: công chúng trẻ, phụ nữ, trẻ em được họ khai thác triệt để.

Đài Phát thanh – truyền hình Đồng Nai trước đây tự sản xuất nhiều chương trình trò chơi truyền hình cây nhà lá vườn tuy không hay nhưng tạo được sân chơi cho công nhân, người lao động, nông dân trong chính địa phương mình như “Sau giờ tan ca”, “Chiếc hộp bí mật”, “Nông dân thời công nghệ”, “Từ trong di sản”… Từ khi có chủ trương xã hội hóa, Truyền hình Đồng Nai đã hợp tác với công ty Sao Phương Nam để sản xuất chương trình giải trí. Đó là các chương trình “Bài hit và ca sĩ” (nay đổi tên là “Giai điệu kết nối”), “Cầu vồng nghệ thuật”, “Vợ nấu chồng khen”. Chiêu thức chung của những chương trình này đánh vào tuổi thanh thiếu niên, phụ nữ. Sân chơi toàn mời giới làm nghệ thuật tầm tầm của… thành phố Hồ Chí Minh (nhưng do quy mô nhỏ nên khó mời những người nổi tiếng thực sự). Khán giả địa phương mất cơ hội để được tham gia các chương trình này. Truyền hình Bình Dương “bán” giờ cho công ty GMPro của người đẹp Giáng My làm chương trình “Mi’s show”. Thực chất của sự “hợp tác” này là bán sóng vì các Đài không tham gia bất cứ khâu nào trong quá trình sản xuất, chỉ sử dụng băng (hoặc DVD) do Công ty này mang đến. Chúng ta có thể dễ dàng hình dung chuyện này như chuyện cách nay nhiều năm, các tờ báo in, các nhà xuất bản xin giấy phép ra phụ trương, ra sách và bán giấy phép này cho các công ty tư nhân (gọi là “đầu nậu”) mà báo chí liên tục lên tiếng.

Phân tích chất lượng các chương trình xã hội hóa như thế là một việc khác, song, chỉ cần một ví dụ nhỏ, có thể thấy tính chất của hoạt động xã hội hóa đã bị chệch hướng do cuộc khủng hoảng thiếu – thừa từ các kênh sóng ở các đài địa phương.

***

Chủ trương xã hội hóa là chủ trương đúng. Nước nào trên thế giới cũng để cho các công ty truyền thông sản xuất chương trình giải trí. Trung Quốc cũng làm thế từ lâu. Nhưng kênh truyền hình chính thống – kênh thông tấn, kênh chính trị phải là kênh của Đài. Quá trình xã hội hóa truyền hình ở Việt Nam vẫn đang tiếp tục diễn ra sôi động và với những bước đi dò dẫm. Hy vọng với sự ra đời của Bộ Thông tin – Truyền thông, hành lang pháp lý cho quá trình này sẽ thông thoáng hơn, xã hội hóa đi vào đúng ý nghĩa, mục đích và hiệu quả hơn.

ảnh minh họa: Thu hình một game show của Đài Đồng Nai

Nhãn:

10 Nhận xét:

Anonymous TKO nói...

....rat sau sac a!

lúc 23:07 14 tháng 8, 2007  
Anonymous Quế Mai nói...

Em là người làm truyền thông, đọc bài này của anh học hỏi được nhiều điều. Bộ Thông tin-Truyền thông sẽ ra đời à anh?

lúc 22:42 15 tháng 8, 2007  
Anonymous free nói...

Thật là khập khiễng và ngụy biện. Một khi nhà nước đã quyết tâm quản lý thì phải đầu tư khinh phí cho chất lượng chương trình. Cớ gì lại phải tận thu tiền từ nguồn khác để họ thao túng. Còn nếu đã xác định quản lý bằng luật thì đâu còn phân biệt tư nhân với nhà nước nữa. Tức là đài nhà nước sai thì không bỏ tù đài được hay sao? Nhà nước không làm kinh tế, mà chỉ thu thuế thôi. Nói theo kiểu nôm na dễ hiểu là đã thu xâu thì không đánh bạc. Vừa thu xâu, vừa đánh bạc thì con bạc mất tin và sang đánh ở sòng khác.

lúc 02:28 16 tháng 8, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Free: Anh nói chí phải. Vấn đề nằm ở cái mà người ta cứ gọi là cơ chế. Vì cái kiểu như thế nên rất nhiều người muốn thành lập Cty truyền thông để sản xuất chương trình không thể làm được nếu không biết quan hệ!

lúc 02:35 16 tháng 8, 2007  
Anonymous free nói...

Chính vì vậy mình cũng đã đặt vấn đề với Đức Hiển (Vì truyền hình cũng là báo mà báo bằng hình mà)là chất lượng báo chí chỉ có được khi độc giả đánh giá bằng cách bỏ tiền ra chọn mua và báo chỉ sống được khi có đọc giả. Hệ thống báo của ta hiện nay không sống bằng tiền của độc giả. Cái lòng vòng và nguy biện của cơ quan quản lý ở chỗ này. Vướng mắc là ở hệ thống nhận thức và lý luận lạc hậu của lãnh đạo cấp cao.

lúc 02:43 16 tháng 8, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

Các đài truyền hình hiện nay khôn quá chừng: Vừa muốn có chương trình hay nhưng kg chịu bỏ tiền ra mua, mà bắt các công ty truyền thông phải đi tìm quảng cáo cho mình. Vừa muốn có chương trình (do tư nhân sản xuất) vừa muốn có tiền do cty truyền thông (phải tự tìm quảng cáo) đưa tới. Họ chỉ đổi “sóng” lấy chương trình và tiền. Họ có quyền đổi hay không đổi. Vì nếu họ không đổi thì họ cũng chẳng chết. Cho nên rốt cuộc, chỉ có đại gia thao túng. Đây là kiểu xã hội hóa nửa vời, giết chết bao tâm huyết sáng tạo

lúc 02:52 16 tháng 8, 2007  
Anonymous free nói...

Đúng vậy. Cơ chế đẻ ra tiêu cực

lúc 02:57 16 tháng 8, 2007  
Anonymous Ngoc Oanh nói...

Chuyện này không biết ai là Nhà phát minh (trao chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ). Xã hội hóa là cụm từ mang nghĩa đẹp để che đậy thực chất việc bán sóng cho tư nhân.
Còn nhớ: năm ngoái mình dạy lớp nâng ngạch công chức do Bộ Văn hóa thông tin tổ chức tại TPHCM có nêu chuyện này, mấy bác truyền hình còn cự nự, họ không chịu vì theo họ thì không thể xã hội hóa truyền hình - loại hình báo chí truyền thông thuộc độc quyền Nhà nước...
Tôi thì nghĩ: đằng sau sự xã hội hóa còn là những sự ABC khác giữa các Nhà Đài (Xếp) với các công ty truyền thông...(không bằng chứng xác thực nên không dám nói tiếp).

lúc 04:34 16 tháng 8, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Thầy Oanh: em thì có nhiều bằng chứng xác thực nhưng cũng không thể nói tiếp... vì những lý do tế nhị

lúc 19:54 16 tháng 8, 2007  
Anonymous DrTrung nói...

@Anh Tú: Em nghĩ việc Xã hội hóa truyền hình là 1 điều hoàn toàn hợp lý! Tuy nhiên, cái mà chúng ta đang thiếu là 1 hành lang pháp lý rõ ràng để thúc đẩy sự phát triển của ngành truyền hình nói riêng và truyền thông nói chung.
Ở các nước thì chuyện xã hội hóa truyền hình - trong đó có việc các công ty tư nhân trực tiếp sản xuất các chương trình truyền hình và phát sóng đã là chuyện hết sức bình thường! Các tập đoàn lớn như News Corporation, GE, Sony, Time Warners, CBS Corporation chính là những người sở hữu các kênh truyền hình - hãng phim lớn đem lại tất cả các thông tin bổ ích về kinh tế, chính trị, thể thao tới người xem. Và ...điều này thì không có 1 đài quốc gia nào lại có thể làm tốt hơn họ.
Nói về Việt Nam thì khi đã tham gia hợp tác với nhà Đài thì cũng có nhiều công ty đặt nặng tiêu chí kinh doanh nhưng cũng có công ty (do các tập đoàn lớn đầu tư) sẵn sàng đặt mục tiêu khác (ở đây ko tiện nói) để duy trì hoạt động. Ví dụ như bên InfoTV của em thì mục tiêu không phải là doanh thu trong 5 năm năm đầu mà chính việc thành lập ra kênh thông tin - tài chính - kinh tế mang lại nhiều thông tin bổ ích cho doanh nghiệp và người dân mới là tiêu chí hàng đầu. Tuy nhiên, có 1 doanh nghiệp khác muốn hợp tác với CNBC - tuy chưa có kết quả đã có thông tin là rao bán kênh với trị giá khoảng 80 tỷ....Hoặc như bên Hoàng Gia - đề cao việc hợp tác với Hội Marketing VN để ra đời các chương trình hấp dẫn - trí tuệ - đa dạng giúp cho những người hoạt động trong lĩnh vực Marketing có thêm kinh nghiệm, kiến thức là điều tốt!
Gần đây có bài viết của tác giả Minh Châu, 1 tác giả luôn có suy nghĩ tiêu cực đối với truyền hình và chủ trương Xã hội hóa (vẫn được tác giả ngụ ý là Bán Sóng Truyền Hình) đã gộp tất cả những cái hay cái được với những cái chưa được vào 1 bài viết để nói. Thật là thiển cận!
Chủ trương là đúng - song Xã hội hóa đến đâu và hàng lang pháp lý như thế nào là điều mà chúng ta đã quan tâm nhất?
Quý Trung - Giám đốc Marketing Ocean Media - Đại diện thương mại của InfoTV

lúc 03:53 11 tháng 9, 2008  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ