Thứ Hai, 2 tháng 7, 2007

FOREIGN PROPER NOUNS ON VIETNAMESE MEDIA (PART 3: Pr. CAO XUAN HAO’S OPINIONS)




Ý KIẾN CỦA GIÁO SƯ CAO XUÂN HẠO về chuyện tên riêng tiếng nước ngoài trên báo chí Việt

Lập luận của tác giả Cao Xuân Hạo – một người cổ vũ cho xu thế để nguyên dạng và chuyển tự tên riêng tiếng nước ngoài trên báo chí - trong bài viết “Về cách viết và cách đọc các tên riêng nước ngoài trên văn bản tiếng Việt” in trong cuốn sách “Tiếng Việt: mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa” - tựu trung có những điểm chính sau đây:

1. Việc phiên âm là việc bắt các thứ tiếng nước ngoài phải tuân theo quy luật chính tả của tiếng Việt. Việc này làm mất đi “ưu thế lớn nhất của chữ quốc ngữ là “việc phân tích các từ hay các “tiếng” trong tiếng Việt thành những đơn vị tương ứng với các âm vị của tiếng Châu Âu, và do đó nó cho phép sắp xếp các chữ cái theo một trật tự hoàn toàn tự do. Nó làm cho nước ta gia nhập vào khối cộng đồng lớn của những nước dùng chữ La Tinh, thứ chữ có lĩnh vực phổ biến rộng nhất và có địa vị chủ đạo rõ ràng so với tất cả các thứ chữ khác”.

2. Thực tế là ở những nước văn minh, đối với một số danh từ riêng (nhất là đối với tên người) người bản ngữ đôi khi biết viết nhưng chưa chắc đã đọc đúng. Và chữ viết là mặt quan trọng hơn cách phát âm rất nhiều. (Cũng trong cuốn sách này, trong một bài khác, ông viết: “khi người ta đã có nhiều thế kỷ để quen với diện mạo của các từ ngữ, cái diện mạo đấy trở thành cái hồn của chữ nghĩa. Nó biểu hiện ý nghĩa của ngôn từ không cần thông qua cách phát âm (vốn thay đổi tuỳ theo từng vùng)”

3. Vì lý do không ai biết được hết các cách đọc nên đến 93% tiếng nước ngoài trên sách báo hiện nay bị phiên âm sai.

4. Việc phiên âm hiện nay không thể đưa đến sự thống nhất và không thể dùng các quy tắc chính tả của tiếng Việt để áp dụng cho các tên nước ngoài được. Chẳng hạn như các phụ âm kép, việc bỏ dấu hay không bỏ dấu thanh ở những vần như -ác, -úc…

5. Việc đọc một tên riêng (được viết nguyên gốc) có đúng hay không tuỳ thuộc vào trình độ hiểu biết của người đọc. Cách viết nguyên gốc đảm bảo cho người ta viết đúng tên của người, tên đất. Luận điểm cho rằng “quần chúng không thể đọc được những tên nước ngoài viết nguyên dạng bằng chữ La Tinh” không hề có căn cứ.

6. Việc viết nguyên dạng giúp cho người đọc có trình độ cao có thể nhận biết được gốc gác, quốc tịch của nhân vật hữu quan và giúp ta tránh được những liên tưởng khó chịu do các phiên âm quá giống những từ có nghĩa “xấu” trong tiếng Việt.

7. Việc phân biệt những tên riêng đã được Việt hoá với những tên khác là hoàn toàn đúng đắn nhất là đối với tên nước. Còn tên riêng của người nước ngoài lại là một chuyện khác hẳn, người Việt không cần phải đọc cho đúng những tên ấy, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt.

Ý kiến chủ đạo của GS. Cao Xuân Hạo trong bài viết trên là nêu ra sự bất cập của việc phiên âm và ủng hộ cho việc để nguyên dạng và chuyển tự tên riêng tiếng nước ngoài. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc ông phản đối phiên âm (trong một số trường hợp).

Nhãn:

3 Nhận xét:

Anonymous ĐÍCH TÔN nói...

Chú ơi, cuốn sách của GS Hạo có phải có cái bìa màu đen? Con nhớ hồi học đại học có đọc được mấy chương nhưng lúc đó chưa hiểu nhiều. Giờ kg biết cuốn sách đó còn ở nhà khg?

lúc 01:50 1 tháng 7, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Đích Tôn: Cháu nhớ đúng rồi. Cuốn sách đó có bìa màu đen. MỘt số bài trong sách có trên net. Cháu có thể tìm đọc.

lúc 02:30 3 tháng 7, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

Với công nghệ in hiện đại, chế bản bằng các phần mềm máy tính sử dụng font chữ Unicode thì các loại ký tự La Tinh, phi La Tinh không còn là vấn cần khó khăn cho nhà in.

lúc 02:30 3 tháng 7, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ