Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2009

AI BỎ NGỎ? AI ĐỘC QUYỀN?

GS Nguyễn Văn Ngọ - chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử VN – trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ chiều 28-2 xung quanh vấn đề chất lượng truyền hình cáp xuống cấp, có nói:

“Trước đây có Ủy ban Phát thanh truyền hình Việt Nam (chịu trách nhiệm quản lý hoạt động phát thanh – truyền hình). Khi đó, kế hoạch phát triển truyền hình của các địa phương phải thông qua ủy ban này. Sau này, ủy ban giải thể (1987) thì các địa phương tự đầu tư phát triển truyền hình. Đồng thời với việc giải thể ủy ban là dẹp luôn chức năng quản lý nhà nước của Đài truyền hình trung ương và Đài Tiếng nói VN, nên một thời gian rất dài không ai quản lý nhà nước về mặt kỹ thuật phát triển phát thanh truyền hình.

Cuối năm 2008, Bộ Thông tin - truyền thông mới lập Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử để khắc phục tình trạng nêu trên”.

Chà, 21 năm liên tục “không ai quản lý nhà nước về mặt kỹ thuật phát triển phát thanh truyền hình”!

Nhưng không chỉ có thế, ngay cả trên lĩnh vực báo chí, mảng truyền hình cáp cũng gần như bỏ ngỏ. Một tờ báo in mới ra đời phải có giấy phép xuất bản của Bộ VHTT trước đây (nay là Bộ TTTT) nhưng một kênh sóng truyền hình cáp thì… vô tư. Nhiều đài truyền hình cấp tỉnh từ khi có hạ tầng cáp hữu tuyến, hay xây dựng được đài truyền hình số mặt đất đã thoải mái mở ra các kênh 3,4,5,6,7… Năng lực sản xuất chương trình của những Đài địa phương cũng có hạn nên khi mở thêm kênh sóng, họ buộc phải bán cho các đại gia truyền thông (Kiểu “bán sóng” mà có ông giám đốc đài phát biểu trên báo là “giống như người cha bán trinh con gái mình cho các nhà trọc phú”). Có đài sau khi xây dựng mạng truyền hình cáp, truyền hình số cũng tự ban phát kênh sóng cho đài cấp… huyện làm truyền hình!

Các kênh sóng analog hiện cũng đang can nhiễu lẫn nhau ở nhiều khu vực và công suất phát sóng truyền hình nhiều đài hầu như không đúng theo giấy phép họ được cấp trước đó. Nhiều đài địa phương “lớn” xây dựng các trạm phát lại ở các địa phương khác để tăng cường vùng phủ sóng (mà mục tiêu là giành thị phần quảng cáo) cũng chẳng cần xin phép “trung ương”, chỉ cần đài địa phương đồng ý.

Câu chuyện bỏ ngỏ công tác quản lý nhà nước về mặt kỹ thuật phát triển phát thanh truyền hình một thời gian dài biến các đài địa phương thành ra nơi có quyền lực trong việc cho phép các công ty làm truyền hình cáp, truyền hình số phát triển dịch vụ ở địa phương mình (trong cuộc đua giành quyền phát triển dịch vụ ở các địa phương, nhiều đại gia đã phải hậm hực bỏ cuộc). Đằng sau chuyện ban phát quyền phát triển mạng cáp của các đơn vị dịch vụ là hàng loạt chuyện tiêu cực – thậm chí có thể nói là chuyện tham nhũng – nhưng chưa có cơ quan chức năng nào tìm hiểu đầy đủ.

Không hiểu vì sao ở nước mình, chuyện chuẩn hóa cái gì nó cũng khó khăn. Có một thời chọn cái font chữ (font type) nào thống nhất trong văn bản hành chính cũng không xong. Quy hoạch tần số, hệ truyền hình, đón đầu công nghệ, chọn chuẩn cho việc phát triển truyền hình số (cáp, vệ tinh) v.v… sao mà nó khó thế!

Nhãn: