Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2008

VÕ ĐÔNG SƠ

+ Chời ơi bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn, nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu Hà…
- Bạn tình ơi…
+ Này này, tôi đang hát hứng thú như thế tại sao ông lại chen vào
- Hát vọng cổ phải hát giọng Nam nó mới ra, ai lại đi hát giọng Bắc!
+ Tôi thích thì tôi hát! Tối qua coi Vầng trăng Cổ nhạc, nghe lại bài hát Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà sao mà nó hay quá! Hồi còn nhỏ tôi mê nên tập bài này thuộc lòng đấy nhé!
- Bà mê Võ Đông Sơ hay mê Bạch Thu Hà?
+ Hỏi gì mà kỳ thế? Võ Đông Sơ là một trang nam nhi văn võ song toàn và có một tâm hồn sâu sắc đến thế ai không mê, không tự hào…
- Võ Đông Sơ là một nhân vật của tiểu thuyết kiếm hiệp mà đi mê thì tôi hết biết cho bà…
+ Này, biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe nhé! Ai nói ông là Võ Đông Sơ là nhân vật được hư cấu?
- Ủa chẳng lẽ Võ Đông Sơ là nhân vật lịch sử à? Đây đọc sử nhiều hơn đọc báo à nhen! Tui hỏi bà Võ Đông Sơ là ai? Người Việt hay người Trung Quốc?
+ Tự hào là đọc nhiều mà cái đoạn này thì không biết… Nói cho ông nghe nhé: Võ Đông Sơ là con của Hoài Quốc Công Võ Tánh và Công Chúa Ngọc Du. Võ Đông Sơ từng đậu tiến sĩ và tòng sự dưới trướng của Tổng Trấn Bắc Hà Quận Công Lê Văn Duyệt!
- Lạ quá! Sao thấy sử sách của mình không nhắc tới mà có nơi nào có đường Võ Đông Sơ đâu bà?
+ Ừ, cái này tôi cũng không biết nữa. Thôi để hỏi mấy blogger xem…

(Ý tưởng entry này của bác Hai Au)

Blog Page

Nhãn:

12 Nhận xét:

Anonymous Quốc Ấn_ Mai nói...

@An Thảo: Bạn so sánh sai rồi!
Võ Đông Sơ là nhân vật có thật! (search Google có liền!)
Xin trích:
Câu chuyện tình này xảy ra vào thời vua Gia Long. Võ Đông Sơ là con của vị anh hùng Võ Tánh.
Tôi xin nói qua một chút về Võ Tánh:
Võ Tánh là công thần cũng là danh tướng đời nhà Nguyễn. Tổ tiên trước ở xã Phước An, tổng thành Tuy Hạ, tỉnh Biên Hòa, sau lại dời về huyện Bình dương, tỉnh Gia Định. Đương thời, ông cùng với Đỗ thành Nhân và Châu văn Tiếp được mọi người gọi là Gia Định tam hùng. Ông theo về với Nguyễn Vương (vua Gia Long) từ năm 1788 và được phong làm Tiên phong dinh Khâm Sai chưởng cơ. Nguyễn Vương lại gả người em gái tên là Ngọc Du công chúa cho ông. Sau đó ông được phong tước Quận Công kiêm lãnh chức Đại Tướng Quân.
Năm 1797, Võ Tánh theo Nguyễn Vương ra đánh Quảng Nam. Thừa thắng, ông vượt qua sông Mỹ Khê (Quãng Ngãi) đánh bại Đô Đốc Tây Sơn Nguyễn Văn Giáp. Năm 1799, ông lại theo Nguyễn Vương ra Quy Nhơn lần nữa. Vào cửa bể Thị Nại, Võ Tánh và Chưởng Hữu Quân Nguyễn Huỳnh Đức thắng quân Tây Sơn tại Thị Giả, rồi tại cầu Tân An, giết được Đô Đốc Tây Sơn Nguyễn Thiệt. Đô Đốc Lê Chất xin hàng, xin làm thuộc tướng của Võ Tánh. Ông chận đánh quân của Thái Phó Tây Sơn là Lê Văn Ưng tại làng Kha Đạo, bắt được 6,000 quân Tây Sơn và 50 thớt voi. Các tướng Tây Sơn là Lê Văn Thanh và Nguyễn Đại Phát phải mở cửa thành Qui Nhơn xin hàng. Thành Qui Nhơn được đổi tên là thành Bình Định.
Khi quân Nguyễn Vương rút về Gia Định, giao thành cho Hữu Quân Võ Tánh và Lễ Bộ Tham Tri Ngô Tùng Châu ở lại lo việc phòng thủ. Chẳng bao lâu, Đại quân Tây Sơn, dưới quyền chỉ huy của Thái Phó Trần Quang Diệu đến vây thành. Nguyễn Vương đưa binh ra giải cứu không nổi, cuộc bao vây kéo dài đến 14 tháng. Lâu ngày, trong thành binh sï thiếu lương thực rất nguy ngập. Có người khuyên Võ Tánh nên vượt vòng vây thoát nguy, nhưng ông cương quyết ở lại và tuyên bố: "Không thể được. Ta phụng mạng giữ thành này, nên thề với thành cùng sống chết. Nếu bỏ thành mà hèn nhát trốn lấy một mình, thì sau này còn mặt mũi nào trông thấy Chúa thượng?"
Ông liền cho người trao cho Tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu một bức thư, đại ý nói: "Phận sự làm chủ tướng đành chịu chết dưới cờ không quản ngại, chỉ xin tha chết cho binh sï và những kẻ vô tội trong thành". Ông sai thuộc hạ lấy rơm cỏ chất dưới lầu Bát Giác, đổ thuốc súng vào rồi châm ngòi tự hỏa thiêu. Ngô Tùng Châu cũng dùng thuốc độc tự vẫn.
Võ Tánh tuẩn tiết vào ngày 27 tháng 5 năm Tân Dậu, tức nhằm ngày 7 tháng 7 năm 1801.
Khi chiếm được thành, Tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu vô cùng xúc động trước sự trung dũng của Võ Tánh và Ngô Tùng Châu, sai người tẩm liệm thi hài tử tế, rồi y theo lời yêu cầu của Võ Tánh, đối với các tướng và binh sĩ của nhà Nguyễn đều không làm tội hay giết hại một ai.
Bạch Thu Hà con của quan Tổng trấn Thành Thăng Long. Sau khi cha mẹ mất, Võ Đông Sơ ở với người chú tại Bình Định. Khi nghe nhà vua mở khoa thi để tuyển chọn nhân tài ra dẹp giặc Tàu Ô đang hoành hành trên mặt biển Ðông Dương,Võ Đông Sơ bèn lên đường đi Thăng Long thành dự thi. Võ Đông Sơ quen biết Bạch Thu Hà qua trường hợp "Anh hùng cứu mỹ nhân" trong dịp đêm rằm Bạch Thu Hà đi cúng chùa. Thế là Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà yêu nhau, thề nguyền sắt son, vàng đá.
Sau đó Võ Đông Sơ được triều đình phong cho chức Đô Úy lãnh quân ra trừ giặc Tàu Ô.
Ở nhà, Bạch Thu Hà trốn nhà ra đi vì chối bỏ hôn nhân do người anh sắp đặt cho nàng với người khác. Trên đường đi, Bạch Thu Hà cũng gặp nhiều gian truân trắc trở hiểm nguy nhưng nàng cũng một lòng trung trinh với Võ Đông Sơ.
Khi hay tin Võ Đông Sơ hy sinh vì nhiệm vụ, Bạch Thu Hà cũng quyên sinh chết theo.
VĐS-BTH phóng tác từ tác phẩm Gịot Máu Chung Tình của tác giả Tân Dân Tử (Xuất bản 1926)
(Theo CailuongVN và Asia Online)

lúc 03:38 9 tháng 8, 2008  
Anonymous TORO nói...

Việt Nam không có vị nào là Võ Đông Sơ.

lúc 04:03 9 tháng 8, 2008  
Anonymous TORO nói...

Trong cuốn Các nhà khoa bảng VN không có vị nào là VĐS.

lúc 04:05 9 tháng 8, 2008  
Anonymous An Thảo nói...

Hihi. Lê Văn Tám mới đó mà còn có nghi án là nhân vật lịch sử dỏm hay thiệt nữa anh ơi.

lúc 04:55 9 tháng 8, 2008  
Anonymous Um A Hum nói...

tên người đem đặt cải lương
dân yêu hơn đặt tên đường ba phân!!!
đường nay làm khổ muôn dân
đặt tên đường liệu có phần vinh quang???

lúc 04:58 9 tháng 8, 2008  
Anonymous Tuệ Hoan © nói...

Lê Văn Tám là con của ông Lê Văn Bảy và bà Nguyễn Thị Một, sinh ra ở Cổ Thành -Triệu Phong -Quảng Trị.

lúc 19:57 9 tháng 8, 2008  
Anonymous Tuệ Hoan © nói...

kết luận: Lê Văn Tám chắc có thật.

lúc 19:58 9 tháng 8, 2008  
Anonymous TranBaPhung nói...

Em biết, cùng đi học ở Hà Nội có một bác người gốc Bình Định, đang ở Đà Nẵng làm tới chức đại tá luôn đó, bác khai: họ và tên: Võ Đông Sơ.

lúc 21:41 9 tháng 8, 2008  
Anonymous HTGiap nói...

Lâu nay em vẫn nghĩ Võ Đông Sơ là nhân vật hư cấu. Thì ra là nhân vật có thiệt!
Trước 1975, ở Quy Nhơn có đường Võ Tánh, nay không còn. Đến Võ tánh còn bị xóa sổ tên đường thì Võ Đông Sơ làm gì có cửa?
Đến như nhân vật lừng lẫy, có công với nước như Nguyễn Hoàng mà chỉ có một vài tỉnh đặt tên đường (em mới biết có Thừa Thiên Huế và Quảng Nam).

lúc 03:05 10 tháng 8, 2008  
Anonymous Hai Au nói...

Đúng như MQ Ấn nêu trong comment trên. VĐS-BTH phóng tác từ tác phẩm Giọt Máu Chung Tình của tác giả Tân Dân Tử (Xuất bản 1926, bạn có thể search thấy tác phẩm này trên mạng).
Trong Giọt máu chung tình, Tân Dân Tử kể rằng Võ Đông Sơ là con của Võ Tánh, Bạch Thu Hà là vv.vv...
Theo tôi nghĩ, đây là hư cấu của tác giả dựa trên lịch sử, Võ Tánh là có thật, còn Võ Đông Sơ thì không. Chứ trừ Giọt máu chung tình thì không hề thấy một tư liệu nào nhắc đến VĐSơ cả. (Ngay cả bác Giáp gà ở Bình Định, là nơi sinh thời của Võ Đông Sơ (theo truyện) mà còn chả biết VĐS là... thằng nào nữa kia mà!).
Cũng như trong Lộc Đỉnh Ký, Vy Tiểu Bảo chơi với Khang Hy, Khang Hy chắc chắn là nhân vật có thật, thế còn Vy Tiểu Bảo thì sao?
Có lẽ câu hỏi tình huống này nên sửa lại như sau thì dễ trả lời hơn: Võ Đông Sơ là nhân vật trong truyện Tàu hay truyện ta?
Trả lời: Truyện ta.
Hết.

lúc 05:26 10 tháng 8, 2008  
Anonymous Huy Đẹp Trai nói...

haizzza
lên Goolge tim chữ Võ Đông Sơ không thì ra một mớ quảng cáo DVD Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà.
search Võ Đông Sơ với các khóa 'lịch sử', 'tiểu sử', 'chính sử' đều không thấy!

lúc 05:38 11 tháng 8, 2008  
Anonymous Tăng Bá Sên nói...

Vậy cuối cùng có ông Võ không, mấy huynh?! hihi

lúc 22:29 13 tháng 8, 2008  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ