Thứ Ba, 13 tháng 11, 2007

CUSTOMIZE




VỀ ĐẶC TRƯNG CÁ NHÂN HÓA THÔNG TIN TRONG TRUYỀN THÔNG TRỰC TUYẾN

Năm ngoái, khẩu hiệu của hãng LG đưa ra trong một đợt quảng cáo là: “Thay đổi cách xem TV của bạn” (change the way you watch TV). Nội dung quảng cáo cho biết rõ: với công nghệ mới “chúng ta có thể tạm dừng và xem lại chương trình truyền hình bất cứ lúc nào”. Mới nhìn qua, ít ai nghĩ rằng có gì đó liên quan giữa chuyện quảng cáo nói trên với vấn đề báo chí hôm nay. Nhưng theo tôi là có. Khẩu hiệu quảng cáo của LG cho thấy khả năng của công nghệ đang dần làm thay đổi bản chất của truyền thông và phương thức tiếp nhận của công chúng truyền thông hôm nay như một dự báo cách đây gần nửa thế kỷ.

Vì sao? mối quan hệ với người đọc/xem/nghe của cả ba phương tiện báo chí truyền thống là mối quan hệ “một chiều” trong quy trình tiếp nhận thông tin. Chương trình phát thanh và truyền hình luôn được sắp đặt một cách tuần tự, khán thính giả không thể đảo lộn thứ tự này. Ví dụ, chương trình thời sự trên truyền hình HTV9 phát lúc 18 giờ 30, chương trình thời sự của VTV được phát lúc 19 giờ hằng ngày, để xem được thời sự VTV, khán giả truyền hình HTV9 phải đợi hết chương trình thời sự của đài này. Họ không thể vượt qua được thứ tự đó. Với sự phát triển của công nghệ và Internet, bài toán “đa tiếp nhận” của công chúng truyền thông được giải quyết. Nói một cách cụ thể: công chúng báo chí hiện nay có quyền lựa chọn những "thứ" họ thích. Một ví dụ khác: Khi xem một trận bóng đá trực tiếp trên truyền hình, khán giả đều tiếp nhận thông tin đồng bộ (linearity), theo một trật tự tuyến tính. Khán giả phải có mặt tại thời điểm phát sóng. Nếu phải làm một việc khác trong lúc xem đá bóng (ví dụ tiếp khách đột ngột) nhưng trong thời gian đó đã có một bàn thắng đẹp diễn ra. Làm sao xem lại pha bóng đã bị bỏ lỡ? Báo chí hiện đại giải quyết được bài toán đó bằng bằng công cụ cho phép tiếp nhận thông tin không đồng bộ, phi tuyến tính (non-linearity). Phát nhận thông tin không đồng bộ đem đến tiện lợi hơn cho người sử dụng bởi “bản chất con người là vươn đến thông tin không đồng bộ” (Bill Gates).

Lịch sử báo chí chỉ ra rằng sự hình thành và phát triển của một loại hình báo chí thường gắn liền với những phát minh công nghệ. Báo in ra đời đầu thế kỷ XVII sau khi phát minh ra máy in bằng khuôn đúc; Phát thanh ra đời năm 1920 sau khi nhân loại phát minh ra đèn phát sóng; "Báo hình" đầu tiên từ thập niên 1940 cũng nhờ những phát minh công nghệ truyền dẫn trước đó. 1983, người Mỹ sáng tạo ra thuật ngữ “internet” sau khi phát kiến mạng toàn cầu này. Sau đó 4 năm, với sự ra đời của công nghệ world wide web ([1]), Internet mới thực sự phát triển mạnh trên toàn thế giới và báo chí internet (báo chí phát hành trên mạng) đã ra đời. Lịch sử truyền thông cũng chứng minh rằng khi hình thức truyền thông thay đổi thì bản chất của truyền thông cũng thay đổi theo.

Báo chí trực tuyến – loại hình báo chí phát hành trên mạng - đã dần dần làm thay đổi thói quen đọc báo, nghe đài, xem truyền hình theo cách cũ và do đó tác động đến cách thu thập, phân phối thông tin của nhiều loại hình báo chí truyền thống.

Xu thế tích hợp các loại hình truyền thông đại chúng và xu thế hội tụ công nghệ đang là đặc điểm nổi bật của báo chí trong kỷ nguyên Internet. Và yêu cầu của công chúng hôm nay đối với báo chí là: “Tôi muốn (đọc, xem, nghe) những gì tôi muốn, vào thời điểm tôi lựa chọn và theo cách thức của tôi” (I want: what I want, when I want it, the way I want it). Công chúng/người sử dụng báo chí hiện đại không chỉ đơn thuần tiếp nhận nội dung mà còn góp phần xây dựng và gửi nội dung cho cơ quan báo chí, là chủ thể chung của tác phẩm báo chí. Chúng ta đang dần có một mô hình truyền thông mới, mô hình truyền thông dân chủ hơn. Mỗi cá nhân trong kỷ nguyên thông tin này có thể thỏa mãn nhu cầu truyền thông theo ý muốn ngày càng nhiều hơn.

Có người cho rằng đặc trưng cơ bản của truyền thông trực tuyến là tính TƯƠNG TÁC. Tôi không đồng tình với quan điểm này. Bởi phát thanh, truyền hình và báo in có cũng tương tác. Nhưng khả năng cá nhân hóa (customize) là đặc trưng chỉ có ở báo trực tuyến.

Tất nhiên, cá nhân hóa không chỉ là khả năng cho phép công chúng truyền thông tiếp nhận thông tin không đồng bộ mà còn hàng loạt khả năng khác. Khả năng địa phương hóa, khả năng thay đổi màu sắc, giao diện… chẳng hạn.

Các tờ báo trực tuyến lớn trên thế giới như www.bbc.co.uk (của tập đoàn BBC) hoặc www.voanews.com (của Đài Tiếng nói Hoa kỳ) đã xây dựng nhiều phiên bản cho các quốc gia khác nhau với nội dung phù hợp cho các quốc gia đó, tất nhiên, bằng ngôn ngữ chính của quốc gia đó. VOAnews trực tuyến phát hành 62 phiên bản địa phương hóa với 62 ngôn ngữ, con số này với BBC là 33.

Đặc trưng cá nhân hóa thông tin của báo trực tuyến, còn là khả năng cung cấp cho người sử dụng tự trình bày hình thức "tờ báo". (Khi các bạn dùng Yahoo Mash, các bạn sẽ thấy thêm điều này). Về lý thuyết, đó là khả năng cho phép người sử dụng tự thay đổi các module của báo thông qua một phần mềm có nhiều tùy chọn. Người sử dụng thích đọc tin thể thao, họ có thể sắp xếp lại trang chủ để đưa mục tin thể thao vào vị trí họ thích trên trang chủ, hoặc có thể tự thiết kế lại website của một tờ báo trực tuyến nào đó sao cho vừa ý họ: thay đổi kiểu chữ, cỡ chữ, màu nền của trang báo trực tuyến, màu của manchette…

Hiện nay, lý luận báo chí hầu như chưa có những tổng kết rõ ràng hoặc dự báo đầy đủ về đặc trưng này của báo mạng do Internet ngày càng hoàn thiện và phát triển quá nhanh. Nhưng từ góc độ phân tích lý thuyết, có thể thấy, những yếu tố thể hiện khả năng cá nhân hóa thông tin của một báo trực tuyến phụ thuộc vào (1) khả năng sáng tạo của báo và (2) khả năng công nghệ cho phép.

Đặc trưng cá nhân hóa thông tin của truyền thông trực tuyến có thể hiểu là nhóm khả năng đặc biệt của loại hình báo chí này trong việc cho phép người sử dụng có thể tự do lựa chọn thông tin mình cần, vào đúng lúc mình cần (tiếp nhận thông tin không đồng bộ), theo cách thức mình mong muốn…

Đặc trưng này thể hiện sự khác biệt về chất của mô hình truyền thông trực tuyến khi so sánh với truyền thông truyền thống.

([1] ) Người được coi là “cha đẻ” của hệ thống World Wide Web là Tim Berners-Lee

Blog Page

Nhãn:

12 Nhận xét:

Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Riêng một góc trời: Cháu đọc kỹ lại bài viết đi. Cháu hiểu sai ý trong bài rồi. Và thực sự cháu đang tận dụng khả năng “cá nhân hóa thông tin” của truyền thông trực tuyến đấy. Ví dụ: khi cháu đưa lên blog của mình video clip “A Kiss As Long As Eternity”, chú có thể nghe đi nghe lại nhiều lần. Đang nghe chú có thể dừng lại, chú có thể “bắt” ca sĩ hát đi hát lại 1 câu cho chú nghe trên blog cháu. Đấy là khả năng “cá nhân hóa thông tin” (customize) mà chỉ có “báo” trực tuyến mới có. Truyền hình hay phát thanh không có được.
@ An Thảo: Chờ nghe ý kiến của Thảo về nội dung bài thôi. Giấu nghề?
@ TKO: Thôi, bây giờ bỏ nghề theo nghiệp báo đi em. Trước hết là… theo anh!

lúc 19:56 13 tháng 11, 2007  
Anonymous TKO nói...

Dạ! Hổng dám đâu Thầy Tú! Chị H có cho phép.. em cũng xin thua ạ!
Em hết duyên với nghiệp phóng viên từ lâu rùi ạ!

lúc 20:58 13 tháng 11, 2007  
Anonymous Neco nói...

Đọc những entry của anh, giúp em xem, nghe, đọc và tiếp nhận thông tin bao quát hơn, có cái nhìn thực tế hơn! Truyền thông trực tuyến hỗ trợ cùng lúc nhiều yêu cầu khác nhau của chủ thể. Có thể vừa xem TV online, vừa đọc báo, vừa online, có thể ghi lại thông tin, hình ảnh cần thiết... có thể xem lại chương trình... có thể chia sẻ hình ảnh, âm thanh... truy xuất thông tin cũ cũng dễ dàng...

lúc 21:21 13 tháng 11, 2007  
Anonymous ₪●๋• ßằng Lăng ●๋•₪ nói...

Thưa nhà báo PVT em "cực mê"BBC còn VOA em có biết nhưng hình như em bị dính"tường lửa"nên không vào được,anh có mẹo nào chỉ em với!vì em đang thấy mình mất tự do vì không thể tự do lựa chọn thông tin mình cần, vào đúng lúc mình cần, theo cách thức mình mong muốn rồi.

lúc 21:30 13 tháng 11, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Bằng Lăng: Trang VOA news tiếng Việt vẫn vào được mà: http://www.voanews.com/vietnamese/

lúc 21:50 13 tháng 11, 2007  
Anonymous Riêng một góc trời nói...

cháu chỉ thường tự hỏi, bao giờ thì những người có hoàn cảnh... như cháu trở xuống đc tiếp xúc zới những thứ công nghệ cao như zậy?

lúc 01:51 14 tháng 11, 2007  
Anonymous An Thảo nói...

Hihi! Cám ớn những entry cuả anh. Chúng là địa chỉ đỏ cho em tìm hiểu về nghề báo đó anh.

lúc 02:28 14 tháng 11, 2007  
Anonymous An Thảo nói...

Hihi! Cám ơn những entry cuả anh. Chúng là địa chỉ đỏ cho em tìm hiểu về nghề báo đó anh.

lúc 02:28 14 tháng 11, 2007  
Anonymous An Thảo nói...

Trời ơi! Cái post đầu sai gây hậu quả nghiêm trọng mất!

lúc 02:29 14 tháng 11, 2007  
Anonymous TKO nói...

"Đặc trưng này thể hiện sự khác biệt về chất của mô hình truyền thông trực tuyến khi so sánh với các loại hình báo chí khác."
Đặc trưng khi xem Blog PVT là được học bài về chuyên môn nghiệp vụ báo chí ...mệt xỉu! :D
Nếu được học như zầy thì lúc xưa em đã theo nghiệp phóng viên rồi!

lúc 03:51 14 tháng 11, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Phước Vinh: Comment của Vinh rất sâu sắc và thú vị. Chuyện về tên gọi loại hình báo chí phát hành trên mạng internet, mình cũng đã viết trên báo (và cả trên blog này ) cũng như nhiều lần mình có cơ hội trình bày với các bác có quyền ở Bộ VHTT cũ, nhưng chẳng thấy thay đổi. Còn việc chưa ứng dụng công nghệ để tăng khả năng customize, có lẽ, do người ta nghĩ tới chuyện an toàn hoặc sợ "trao quá nhiều quyền lực cho công chúng truyền thông" hơn là lý do công nghệ!

lúc 21:12 14 tháng 11, 2007  
Anonymous dongphuocvinh nói...

Anh Tú viết rất chính xác. Loại hình có thể tương tác với độc giả tốt nhất là báo trực tuyến (em nhất trí là phải dùng chữ này, chữ báo điện tử của Bộ 4T dùng là trật lất). Tiếc là các báo trực tuyến ở VN chưa làm tốt khâu tương tác với độc giả thông qua tính năng customize và personalize nội dung theo nhu cầu đọc khác nhau của độc giả.
Hồi em còn làm cho 1 tờ báo trực tuyến lớn ở VN, khi đề nghị áp dụng công nghệ portal để giúp bạn đọc cá nhân hóa trang tin, xem nội dung theo yêu cầu thì được nhận 1 cáci nhếch mép " ai cần tính năng này chứ ? tôi có bao giờ thấy có nhu cầu này khi lướt web đâu?".
Một rào cản lớn cho các báo trực tuyến ở VN là công nghệ. Trong khi thế giới đã đi rất xa trong công nghệ web thì ở VN, các báo vẫn đang dùng những gì hiện đại nhất của khoảng năm 2000 mà thôi. Vì không có công nghệ nền tảng (platform)hỗ trợ nên không thể đưa các tính năng mới vào, cuối cùng thì quanh quẩn chỉ có vậy, báo nào cũng giống báo nào, chỉ khác ở nội dung tin tức, còn căn bản vẫn là 1 website dùng công nghệ News CMS và chỉ có thế mà thôi.

lúc 04:59 15 tháng 11, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ