Thứ Năm, 16 tháng 8, 2007

PRESIDENT TO BITE A DOG

TỔNG THỐNG CẮN CHÓ

Ai học báo chí truyền thông đều biết một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của một sản phẩm truyền thông là nó có liên quan đến những nhân cách nổi tiếng. Có một câu đùa trong giới báo chí phương Tây nhưng phản ánh thủ thuật làm báo: “Chó cắn người không phải là tin, mà người cắn chó mới là tin” (When a dog bites a man, that is not news, because it happens so often. But if a man bites a dog, that is news) và “người cắn chó là tin hấp dẫn, nhưng nếu người đó là… tổng thống thì tin hấp dẫn hơn nhiều lần”. Các đơn vị truyền thông khi tham gia sản xuất chương trình truyền hình đã triệt để chú ý yếu tố này. Và có thể nói hiện nay, nhiều sân chơi truyền hình chỉ dành cho những người nổi tiếng.

Những MC không chuyên

Và không phải ngẫu nhiên mà giới nghệ sĩ sân khấu điện ảnh, ca sĩ, hoa hậu các loại… được mời làm MC nhiều chương trình truyền hình thời gian qua.

Diễn viên Thanh Bạch, Quyền Linh, Chi Bảo, Xuân Bắc, Tự Long, Đức Hải, Hoàng Sơn, hoa hậu Ngọc Khánh, hoa hậu Thu Hương, á hậu Kim Khánh, ca sĩ Nguyên Vũ, Yến Trang, Quỳnh Hoa, Nguyệt Ánh, Hà Anh Tuấn… được mời tham gia làm MC cho nhiều game show. Nhiều đài truyền hình địa phương khi phối hợp tổ chức trò chơi truyền hình với các công ty truyền thông đã bị buộc phải chấp nhận yêu câu mời những người nổi tiếng làm MC. Những người này thường rất bận rộn nên họ không thể toàn tâm toàn ý cho việc làm MC, chỉ có thể coi kịch bản 15 phút trước giờ ghi hình. Và quy trình ghi hình rất chậm do MC liên tục bị lỗi. Một người lỗi làm cả ê kíp (trên 40 người) và thí sinh, khán giả chờ rất sốt ruột.

Và những thí sinh nổi tiếng

Nhưng người nổi tiếng không chỉ tham gia các chương trình truyền hình với tư cách MC mà còn xuất hiện trong nhiều trò chơi với tư cách thí sinh.

Đài Phát thanh – truyền hình Đồng Nai trước đây tự sản xuất nhiều chương trình trò chơi truyền hình cây nhà lá vườn tuy không hay nhưng tạo được sân chơi cho công nhân, người lao động, nông dân trong chính địa phương mình như “Sau giờ tan ca”, “Chiếc hộp bí mật”, “Nông dân thời công nghệ”, “Từ trong di sản”… Từ khi có chủ trương xã hội hóa, Truyền hình Đồng Nai đã hợp tác với công ty Sao Phương Nam để sản xuất chương trình giải trí. Đó là các chương trình “Bài hit và ca sĩ” (nay đổi tên là “Giai điệu kết nối”), “Cầu vồng nghệ thuật”, “Vợ nấu chồng khen”. Chiêu thức chung của những chương trình này đánh vào tuổi thanh thiếu niên, phụ nữ. Sân chơi toàn mời giới làm nghệ thuật tầm tầm của… thành phố Hồ Chí Minh (do quy mô nhỏ nên khó mời những người nổi tiếng thực sự). Truyền hình Bình Dương “bán” giờ cho công ty GMPro của người đẹp Giáng My làm chương trình “Mi’s show”, một chương trình tổng hợp nhiều thể loại nhưng hầu hết cũng đều “dính dáng” đến những người của công chúng. Ngay cả trò chơi “Tam sao thất bản” do Trung tâm truyền hình Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với một công ty truyền thông tổ chức trong mỗi đội chơi bao giờ cũng có những người nổi tiếng. “Sức sống mới” – một dạng tạp chí truyền hình do công ty Chu Thị sản xuất (phát sóng trên VTV1) mỗi số đều có một người nổi tiếng tham gia làm khách mời.

Với những sân chơi như thế ở truyền hình cấp tỉnh, khán giả địa phương không còn cơ hội để được tham gia. Và không phải lúc nào người nổi tiếng cũng góp phần làm cho chương trình tốt lên.

Chạy theo thị hiếu

Nhiều đài truyền hình địa phương do áp lực tăng nguồn thu nên thường dễ dàng chấp nhận các cuộc hợp tác với những công ty truyền thông vừa có thêm chương trình vừa có thêm kinh phí. Trên lý thuyết, các đài này cũng thẩm định, duyệt các chương trình do các công ty truyền thông sản xuất, nhưng thực tế thì cái sự “duyệt” ấy chỉ là hình thức. Các công ty này do ít vốn nên không thể đầu tư hoành tráng và cũng mong muốn tăng rating chương trình bằng các hình thức chạy theo thị hiếu số đông. Các chiêu thức đánh vào nhóm đối tượng mua hàng: công chúng trẻ, phụ nữ, trẻ em được họ khai thác triệt để.

Nấu ăn, làm bếp, các thủ thuật nữ công gia chánh, thủ thuật làm đẹp, các bài hát thời trang được giới tuổi teen, tuổi hai mươi thích, các nội dung trò chơi là những “kiến thức” về album, về chuyện các ca sĩ, diễn viên, điện ảnh… đang “hot”. Không thể phủ nhận rằng có nhiều chương trình như thế cũng rất ăn khách, song, trong chừng mực nào đó, tính giáo dục, tính định hướng của các chương trình đó còn thấp, và trong một số trường hợp, có phần lệch lạc.

Phân tích chất lượng các chương trình xã hội hóa như thế là một việc khác, song, chỉ cần một ví dụ nhỏ, có thể thấy tính chất của hoạt động xã hội hóa đã bị lạm dụng do cuộc khủng hoảng thiếu – thừa từ các kênh sóng ở các đài địa phương. Đã có dấu hiệu chạy theo thị hiếu nhằm mục tiêu nâng cao doanh thu quảng cáo. Có thể dễ dàng hình dung chuyện này như chuyện cách nay nhiều năm, các tờ báo in, các nhà xuất bản xin giấy phép ra phụ trương, ra sách và bán giấy phép này cho các công ty tư nhân (gọi là “đầu nậu”) mà báo chí liên tục lên tiếng vì xu hướng “thương mại hóa”.

***

Chủ trương xã hội hóa là chủ trương đúng và có những đóng góp lớn. Nước nào trên thế giới cũng để cho các công ty truyền thông sản xuất chương trình giải trí. Trung Quốc cũng làm thế từ lâu. Nhưng, bên cạnh mặt thành công ấy, vẫn còn có những biểu hiện sai lệch. Quá trình xã hội hóa truyền hình ở Việt Nam vẫn đang tiếp tục diễn ra sôi động và với những bước đi dò dẫm. Hy vọng với sự ra đời của Bộ Thông tin – Truyền thông, hành lang pháp lý cho quá trình này sẽ thông thoáng hơn, xã hội hóa đi vào đúng ý nghĩa, mục đích và hiệu quả hơn.

Nhãn:

2 Nhận xét:

Anonymous ĐÍCH TÔN nói...

“News come when man bite the dog”, con cũng có học được cái này. Có khi người ta nói gọn về chiêu thức này là "man bites dog", tương truyền rằng tác giả của vụ “cắn chó” này là John B. Bogart, nguyên biên tập viên tờ New York Sun.

lúc 21:14 20 tháng 8, 2007  
Anonymous Crystalhouse nói...

Tú ơi nhá dùm số của Tú vào máy d đi, mất máy rồi không biết số mà alo alo

lúc 02:15 21 tháng 8, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ