Thứ Tư, 11 tháng 7, 2007

WHO GAINS? WHO LOSTS?




Ai được, ai mất trong những cuộc chơi truyền thông?

Chuyện thứ 1: Mới đây, VTC công bố đã mua bản quyền Premier League trong 3 năm, từ 2007 đến 2010 và sẽ phát trực tiếp 5 trận/10 trận của vòng đấu vào 2 ngày cuối tuần. VTV không thắng trong cuộc đàm phán mua bản quyền Asian Cup và giải bóng đá Ngoại hạng Anh (giải bóng đá mà họ độc quyền phát sóng 10 năm qua). Cuộc chiến bản quyền này càng chứng tỏ sự hình thành thị trường truyền hình ngày một rõ nét hơn trong đời sống truyền thông hiện nay ở Việt Nam. Nó cũng giống như sự ra đời ồ ạt những hệ thống siêu thị, các hình thức bán hàng – thanh toán mới đang dần thay thế cho thói quen ra chợ, trả giá, dùng tiền mặt của đại đa số dân Việt. Truyền hình cáp, truyền hình số mặt đất, truyền hình số vệ tinh, truyền hình internet v.v... (nói chung là loại TV xem phải trả tiền) đang dần thay thế cho truyền hình quảng bá của nhà nước.

Giờ đây, những ai còn coi truyền hình phục vụ, truyền hình analog chắc khó có cơ hội tiếp cận MU, Chelsea, Arsenal… Truyền hình số mặt đất, truyền hình số vệ tinh, truyền hình cáp và cả truyền hình internet đang tìm tiếng nói.

Có ý kiến giải thích rằng VTC phải thắng bằng mọi giá trong cuộc tranh giành quyền phát sóng ấy vì từ tháng 11 năm ngoái, họ đã triển khai dịch vụ truyền hình di động số (VTC Mobile) theo công nghệ DVB-H (Digital Video Broadcast – Handheld) – một trong những công nghệ phát sóng truyền hình kỹ thuật số cho máy điện thoại di động.

Ai được, ai mất?

Chuyện thứ 2: Trong VFF Cup vừa qua, rồi Copa America và Asian Cup hiện nay, VTC độc quyền truyền hình trực tiếp các trận bóng đá. Đơn vị truyền thông này đã “biếu không” cho nhiều Đài địa phương tiếp sóng các trận đấu nhưng không phải… sóng sạch. Dịch vụ giá trị gia tăng của VTC được khai thác tối đa và tăng cường diện phủ sóng trên cả nước (từ kênh analog của các Đài địa phương đến truyền hình số, truyền hình cáp). Trong số các dịch vụ được chạy chân quảng bá trên màn ảnh nhỏ vẫn còn có các trò chơi dưới hình thức cờ bạc với đầu số 8530 (5000 đồng/ tin nhắn). Giải thưởng được treo cao ngất ngưỡng (nhưng không biết có người nào trúng vì chuyện phát thưởng chưa thấy công khai) đã kích thích sự tham gia của rất nhiều khán giả có máu đỏ đen đang sử dụng điện thoại di động.

Các Đài địa phương được tiếp sóng các trận bóng đá bản quyền của VTC hoan hỉ cám ơn sự giúp đỡ quý báu ấy. Khán giả truyền hình thì phải chấp nhận xem bóng đá không đầy màn ảnh nhỏ. Đài địa phương nào sử dụng lại tín hiệu này để làm tin, để bình luận thì phải che logo (từ “trực tiếp” và các dòng chữ chạy dịch vụ vốn càng ngày càng sặc sỡ và nhô cao hơn).

Ai được và ai mất?

Chuyện thứ 3: Một nhân viên ở một Đài truyền hình phụ trách dịch vụ trò chơi qua tin nhắn kể rằng: Một lần khi Đài anh tổ chức trao giải thưởng cho khán giả, sau các nghi thức tặng hoa trao tiền, anh chứng kiến “giải nhất”, “giải nhì”, “giải ba”… ra về vui vẻ với nhau trên cùng một chiếc taxi! Trong lần trao giải cho một dịch vụ khác ngay sau đó, khán giả trúng thưởng cũng là những gương mặt cũ. Họ đến lãnh giải cứ như không quen biết nhau, nhưng sau đó lại ra về chung một chuyến xe. Anh nhân viên này đã nhanh chóng tìm hiểu được sự thật: tất cả các vị nhận giải đó đều là anh em, vợ chồng trong cùng một gia đình.

Trò chơi nhắn tin đã tạo ra một số “chuyên gia tin nhắn” rất “cơm gạo”. Trong một số hình thức đánh bạc, nhà tổ chức do cần sản lượng tin nhắn cao đã không hạn chế số lần nhắn tin cho một thuê bao nên các chuyên gia này có thể sử dụng nhiều sim khác nhau để nhắn với số lượng “dã man”. Nếu cuộc chơi có ý nghĩa dự đoán, họ dựa vào xác suất để chơi cấp tập một chuỗi dãy số trong thời gian sớm nhất. Một lần “bơm” tin nhắn của những chuyên gia này có thể tới 500 ngàn tiền cước (với giải thưởng 3 triệu trở lên). Khả năng trúng giải của họ khá cao và vì thế tất cả những khán giả bình thường đều là kẻ lót đường ngây thơ với vài ba tin nhắn!

Với các trò chơi may rủi, họ sẽ canh khoảng thời gian có thể “rớt” giải để “đánh hội đồng” hàng trăm tin nhắn! Chưa kể là nếu những tay chơi chuyên nghiệp này móc nối được với những người quản trị đầu số dịch vụ, khả năng trúng giải của các khán giả bình thường sẽ bằng… zêrô!

Nếu khảo sát cơ sở dữ liệu của các thuê bao di động tham gia các trò chơi nhắn tin, dễ dàng nhận thấy tần suất xuất hiện dày đặc của những thuê bao cơm gạo chuyên nghiệp này. Vì thế những người chơi bình thường “khó có cửa” cho các giải lớn! Trong khi đó, nhà tổ chức thường cho “rớt” các giải nhỏ (100, 150 ngàn) rất nhiều, và những người trúng giải nhỏ thường có tâm lý dùng khoản “tiền chùa” này để chơi tiếp may ra có giải cao. Cái vòng luẩn quẩn cờ bạc cứ thế mà thành!

Ai được và ai mất?

Chuyện thứ n:

***

Có người nói, trong những trò chơi nhắn tin này, khán giả được mất là chuyện nhỏ, nhưng nhà tổ chức lời là chuyện có thật. Lại có người nói, trong động tác biếu sóng cho các đài địa phương, người biếu chả mất gì mà còn tăng thị phần, tăng doanh thu. Và cũng có người nói, trong cuộc chơi bản quyền, khán giả bình dân là những người thiệt thòi nhất.

Đời sống truyền thông Việt Nam ngày càng sôi động và đa dạng do sự phát triển công nghệ cũng như nhu cầu của công chúng ngày một tăng lên. Bên cánh gà của sân khấu truyền thông, còn có những chuyện nếu không nói ra, không ai biết

Nhãn:

6 Nhận xét:

Anonymous ĐÍCH TÔN nói...

cháu thấy cái vụ đánh bạc trên sóng báo chí đã lên tiếng nhiều và Bộ VHTT đã có chỉ đạo nhưng sao người ta không chấp hành? Chẳng lẽ pháp luật nước ta không nghiêm?

lúc 02:26 11 tháng 7, 2007  
Anonymous Trinh N nói...

* Uh! hàng chữ này còn thấp! và chỉ có 1 hàng, thiếu hàng chữ đứng ở bên phải nữa! (để tui chụp lại và port lên cho mà xem)! (hình minh họa của Bác chưa đạt).
* Bề tui chẳng hiểu về "lĩnh vực truyền hình" chỉ biết là: chương trình thời sự của mình cũng phải tài trợ ... mới có, nếu không có nhà tài trợ thì khi chuyển qua (kênh) đài đó... màn hình "trắng nhách - âm thanh khè khè"! còn nhà tài trợ mà trả 50% tiền thì chỉ nghe "nói" thôi không thấy "hình" hoặc ngược lại!.
* Lưu ý: khi xem đài đó phát... tay phải thủ sẵn cái rờ - mốt, ngón tay đặt đúng vị trí có chữ "VOLUME" không được quên...nếu không là "vợ mắng" đấy!(?). (đặc biệt nhà nào có con nhỏ hay cụ già phải hết sức lưu ý).
*

lúc 02:31 11 tháng 7, 2007  
Anonymous Trinh N nói...

Từ đó. Suy ra. Thì ra..."quánh (đánh) bạc trên sóng" bị người chơi "gom" hết rồi... nên mới ra nông nổi đó... Bác ạ!

lúc 02:39 11 tháng 7, 2007  
Anonymous NGUOI BIEN HOA nói...

Bác định viết những n chuyện hậu trường truyền thông? Hay đấy!
Xin được nói thêm về chuyện thứ 1, chuyện mua bản quyền. Cuộc cạnh tranh mua bản quyền đã khởi động từ năm ngoái, hồi chuyện World Cup, rồi hoa hậu thế giới. Cái hay của nó là nó giúp cho các bác làm truyền thông bằng bầu sữa bao cấp dần tỉnh ngộ ra: Mất công chúng thì làm truyền thông cho ai? Nhưng trong cuộc chơi "tiền tư bản" này, nó cũng bộc lộ một cái ngu: mấy thằng quốc doanh xâu xé nhau, ngân sách quốc gia thâm thụt!

lúc 01:19 12 tháng 7, 2007  
Anonymous NGUOI BIEN HOA nói...

Tôi nói quốc doanh vì về lý thuyết, các cơ quan truyền thông đại chúng trong tay nhà nước. Nhưng thực tế ngày nay, các đơn vị truyền thông tư nhân đã nhúng tay vào control ngày càng mạnh truyền thông Việt Nam.

lúc 01:20 12 tháng 7, 2007  
Anonymous HTGiap nói...

Nửa anh hùng, nửa tiểu nhân
Cái anh tài xế "phân thân" đó mà
---
Bác Tú mới thật tài ba
Hai câu mà đã nói ra cả bài.

lúc 02:51 13 tháng 7, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ